Ngọc trắng miền Khotan (Tân Cương)

Vietsciences- Trần thị Vĩnh-Tường           26/05/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

Bài hát Lương Châu

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

 

“Lương Châu Từ”của Vương Hàn cũng đẹp như ngâm khúc chinh phu chinh phụ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, quan tái tiễn người.  Rất lạ, giọng người bạn Quảng Đông đọc những vần thơ Đường bằng tiếng Hán Việt rất du dương. Đọc bằng tiếng Quảng Đông tuy không bằng, nhưng hay hơn tiếng Quan Thoại thanh âm khô và ngắn.  Người bạn trẻ này chỉ biết bồ đào là một loại trái cây, không rõ trái gì. Ít nhất, anh chàng không dám nói liều là trái từ xứ… Bồ Đào Nha.

Trương Thái Du dịch thoáng:

Rượu ngon hồng chén dạ quang
Lòng ham, nhạc giục hoang mang tỳ bà
Đừng cười ra trận ta say
Chiến chinh máu chảy xưa nay ai về


Chiến binh thời nào có khác chi nhau! Nhân dư hương ngày 30-4 còn đó, độc giả thân mến có thể nào sửa giùm ý này cho có vần có điệu, gửi những người ra đi không về, suốt dọc đường chiến chinh từ Nam lên Bắc, những người cũng nòi giống Việt Nam nhưng biến thành kẻ thù một cách tình cờ. “Chiến binh ôi! Mắt nhìn hoài không cạn. Dặn dò tràn không vơi. Tình em lưu nơi đáy cốc.  Chàng có nghe chăng. Tiếng đàn thay tiếng em than.  Mốt mai chẳng thể quay về.  Chiến binh ôi! Nhớ nhất điều chi?”

Dạ Quang Bôi, yé quang bei 

Đời Hán, vùng ngoài quan ải nếu không phải là nơi đi đầy, cũng toàn việc binh đao.  Bài hát Lương Châu thật hiếm có, chỉ trong một câu ngắn, ghi lại một không gian lịch sử: Lương Châu hồi đó chưa thuộc “thiên triều”, hiện giờ thuộc Cam Túc.  Thời cổ đại, Tây Vực ám chỉ một vùng rộng lớn ngày nay gồm Tân Cương, Trung Á, Tây Á.  Người Hán gọi tất cả người không-Hán miệt đó là “rợ” Hồ, Hu 胡, đám rợ miền Bắc và Tây, gồm người Persian, Sogdian, Turkish, Xianbi, Indians, Kushans, và Xiongnu.  Xiongnu: Hung Nô, rất quen thuộc với người mình. Nói chung, Man Di Nhung Địch đều kém cỏi không bằng “người Hán”, dẫu tất cả những món trong bài thơ, người Hán hoàn toàn không có, hoặc bị các Rợ wính phá đến phải làm Vạn Lý Trường Thành.

Có thể vì có nhiều bảo vật, Khotan dần dần bị Trung Hoa nuốt trọng. Tham vọng “đại Hán” lấn chiếm thiên hạ, dù tốn hàng ngàn năm, là bài học lịch sử không bao giờ quên.  

Vườn nho Khotan như một thảm nhung xanh cạnh sa mạc cát bỏng.  Nho ở Khotan nhiều loại, không hột, ngon ngọt, làm nho khô hay rượu.  Rượu nho hồng Khotan, hồi xưa nổi tiếng khắp miền Trung Á. Uống rượu Khotan phải dùng ly bằng ngọc trắng Khotan như ly kế bên.

Thời Hán Vũ Đế, có mang nho giống về trồng trong cung điện. Nhưng bảy trăm năm sau nho vẫn chưa phải là loại trái phổ biến.  Đường thiên lý từ Khotan đến Bejing là 3200 km. Thi sĩ đời Đường Vương Chi Hoán than rằng tiếng sáo của người Khương cứ reo mãi làm chi, khiến người chốn biên cương có nhớ cũng đành, vì Ngọc Môn Quan xa tới nỗi “gió xuân không tới được/xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan.” Vì thế, nho và rượu nho Khotan chỉ dành cho vua chúa.  Mãi đến đời Đường Thế Tông, Trung Hoa mới đem giống nho vú ngựa về trồng ở Trường An, và bắt đầu học cách chế tạo rượu nho mà họ tấn phong là bồ đào mỹ tửu, so với rượu Khotan, vị thơm và màu hồng kém tươi.  Trên những tấm gương đồng bắt đầu có hoa văn dây nho.  Cũng từ đời Đường, Lý Bạch, mẹ người Tây Vực, cha người Hán, bắt đầu giòng thơ ngất ngưởng rủ trăng uống rượu “Không bạn, uống mình ta. Mời trăng cùng nâng chén…”

Trong số cống phẩm từ Khotan cho Trung Hoa, có dạ quang bôi, chén dạ quang.  Dạ quang trong văn cảnh là tĩnh từ, không phải tên của một loại ngọc/đá nào cả, chỉ hàm ý ca tụng vẻ đẹp của chén ngọc trong vắt, ban đêm toả ánh sáng đẹp như trăng. Chén dạ quang càng không phải là “ngọc lưu ly”.  Lưu ly là thuỷ tinh, làm bằng cát, Quartz SiO2.  Mãi đến đời nhà Đường, Trung Hoa vẫn không làm được đồ thuỷ tinh, phải nhập từ Trung Á.  Thuỷ tinh không phải vật tầm thường, mà là tinh hoa của nền văn minh Trung Á, xin trở lại trong một bài khác về “ngọc lưu ly”.

Chămpa/Chiêm Thành chịu ảnh hưởng Ấn Độ, cũng có lưu ly. Trong cống phẩm của Chămpa cho Trung Hoa, có chuỗi “ngọc lưu ly”. Trong tiếng Việt, lưu ly không còn dính líu tới thuỷ tinh, mà ám chỉ sự trong trẻo hoặc men bóng như ngọc, ví dụ ngói lưu ly, hay trong thơ:

Cảm vì em bước chân đi
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn.

Vũ khúc nghê thường

Hồ nữ tay ngon như bạch ngọc nhấn phím đàn tỳ là ai? Vũ nữ người Hồ dong dỏng, tóc hung dóc thành nhiều bím, da trắng, mũi cao, mắt to, chân dài. Đẹp nhất là hai bờ vai mịn và cánh tay dịu như rắn uốn.  Vũ khúc xoay tròn của người Hồ đẹp nổi tiếng khiến Bạch Cư Dị suýt rớt linh hồn vào ly rượu. Qua một DVD, người xem có thể chóng cả mặt, nhưng nét hoa em vẫn tươi, cuốn trăm buớc giữa ngàn ngàn hoa tuyết phiêu phiêu như mảnh lụa.  Sóng mắt liếc rất tình, nhưng khuôn mặt đoan chính.  Thân hình chập chờn úp mở nét đẹp xử nữ thanh tân.  Y phục bó sát với những gam màu tươi sáng nổi bật cả thảo nguyên.

Yang Guifei khiến vua Đường mê mẩn chỉ vì nàng biết múa điệu Hồ, tức điệu nghê thường, dù nàng có hơi sổ sữa.  Ở Tây An, Thiểm Tây, “Vũ khúc Nghê Thường do Dương Quí Phi sáng tác” trình diễn cho khách du lịch, vũ công ăn mặc vừa Ấn Độ, vừa Nghìn Lẻ Một Đêm, vừa Trung Hoa, tuy khá …năm cha ba mẹ, nhưng cho thấy họ không thể từ chối xuất xứ của vũ điệu này. Người Việt một năm thưởng thức khúc nghê thường một lần, in trên hộp … bánh trung thu, giai nhân bới tóc xiêm áo giải lụa bay loạn, “made in Hongkong,” mà không hay điệu múa này từ Tây Vực.

 

Đôi Mắt Tây Vực Ngoài Quan Ải

Bức ảnh hiếm hoi, cô gái Uighur thảo nguyên dong ruổi, mắt mở to đầy nghi vấn. Kim Dung có lẽ cũng mê vẻ huyền bí của cô gái Hồ. Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, nhân vật Tiểu Siêu, có mẹ Ba Tư, Tía Sam Long Vương Kim Hoa Bà Bà và bố Trung Hoa, Hàn Thiên Diệp.  Kim Dung xây dựng tâm lý cô như một tiểu thư Hoa Hạ miền Nam mơ mơ màng màng con cá vàng. Nếu cô gái Trung Hoa tự cắt bỏ tay mình khi nam nhân lỡ chạm phải, thì cô gái Tây Vực rút ngay dao găm cán ngọc thủ sẵn dưới chân, tiện ngang một nhát cắt ngay bàn tay nam nhân loạng quạng. Tiểu Siêu vì yêu thầm Vô Kỵ nên người ngọc mềm như lụa. Chỉ đến khi quần hùng quần tà quì xuống đợi lệnh Tiểu Siêu, Vô Kỵ mới hay nàng là Đại Thánh Nữ, giáo chủ Minh Giáo Ba Tư. Trên mặt biển sóng nhấp nhô, giây phút biệt nhau, Thánh Nữ chải tóc cho Vô Kỵ lần cuối, giọt ngọc vũ bão rơi, môi nho rớm máu, chỉ muốn ở lại Trung Nguyên kề cận công tử, ngàn lần không muốn xa chàng trở lại xứ Ba Tư

Ngàn mây đỡ chân thiếp
 Ngàn hoa rải quanh thiếp
Không bằng được gặp chàng
Bên bờ cỏ Trường Giang
 

Vương triều Khotan, Hvatäna-kshīra

Năm 1878, Khotan hoàn toàn thuộc về Trung Hoa>

           Khotan được gọi dưới nhiều tên.  Khotan, tiếng Sanskrit là Kustana, tiếng Hoa là Yu-than, Yu-tien, Kiu-sa-tan-na, và Khio-tan.  Ngày nay, người Trung Hoa gọi vùng này là Hetien, thuộc vùng tự trị Tân Cương. Ngọc ở đó, họ gọi là ngọc Hetian.

Khotan chỉ cách sa mạc Tử Thần Taklamakan 10km. Chính thức thành lập từ thế kỷ thứ 3 TCN, vương triều nhỏ bé nhưng giầu có này ban đầu là một miền đất Phật, di tích các hang động tới giờ vẫn còn nhiều.  Cuộc hôn nhân với một công chúa Đường triều, quân vương Khotan nhắn riêng, “nàng nhớ mang theo tằm mới có lụa mà mặc, chúng tôi chỉ mặc vải thô”, công chúa xuất giá với một con tằm giấu trên mũ.  Hoá ra màn Trọng Thuỷ/Mỵ Châu nơi đâu cũng có và phụ nữ giành độc quyền lụy vì tình.  Khotan từ đó thủ đắc kỹ thuật dệt lụa tơ tằm của nhà Đường.  Lụa Khotan một phen bá chủ thị trường Trung Á. Về sau kỹ thuật này truyền sang Iran, rẻ hơn lụa Trung Hoa, nhờ gần hơn. 

Dân tộc Khotan là tập hợp của nhiều giống dân du mục, có tên Urguys hay Uighur (tiếng Việt là Duy Ngô Nhĩ), nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, theo đạo Muslim kể từ thế kỷ thứ 10 khi Khotan lọt vào ảnh hường của Ả Rập. Cũng giống như Chămpa, xứ nhỏ nhưng giầu có, Khotan là miếng mồi ngon giữa nhiều thế lực chính trị trong vùng. Từ khoảng giữa 1700, Trung Hoa đã tìm đủ mọi cách để thôn tính Khotan. Cho đến năm 1878, Khotan hoàn toàn thuộc về Trung Hoa. Tuy mang tiếng “khu tự trị”, nhưng đến mức độ nào, vẫn là câu hỏi. Cũng như đám Parthians, đám Gurkha, hay Taliban… không chịu khuất phục ngoại bang, Tân Cương-Tây Tạng luôn là nỗi nhức nhối của chính quyền Trung Quốc.  Do chính sách di dân của Beijing, từ 1949 dân Hán tại Tân Cương tăng từ 7% đến hơn 40%.  Miệt Tân Cương, Tajikistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Afghanistan sẽ luôn luôn là những điểm tranh cãi công khai/ngấm ngầm cho Mỹ-Trung Hoa-Nga Sô-Ấn Độ vì vị trí địa lý và tài nguyên.  

 

Vài con số ý nghĩa

Vào những năm 1910-1930, khi đoàn thám hiểm của Aurel Stein đến Khotan, họ thấy mặc dù đất hoàng thổ rất phì nhiêu, dân số chỉ  khoảng 200.000, gấp mười lần so với 20.000 thống kê thời Hán. Hai con số này rất có ý nghĩa cho những tìm hiểu dân tộc học, nhất là ở Việt Nam, nơi có nhiều nền văn hoá trước khi nước Việt đựợc thành lập. Theo Hậu Hán Thư, dân Giao Chỉ thời Hai Bà Trưng là 400.000. Con số này đúng hay sai?  Nếu tạm dựa trên hai con số 400.000 và 17,582  năm 1930 (1), phải tính theo phát triển hàm số mũ hay phải dùng phép tính luỹ thừa để tìm ra dân số Việt tộc vào thời Hồng Bàng, thời Văn Lang?  Dân số, địa điểm, không gian và thời gian thường vắng bóng trong các nghiên cứu về sử Việt, mà tính “tự hào dân tộc” không phải đối tượng của môn sử học, chỉ làm học trò như tôi bối rối.

 

Con Đường Bạch Ngọc/Nephrite Road

Khoảng 3000 năm đến 5000 năm truớc, các loại đá quí từ Afghanistan, Ấn Độ và Khotan đã tạo thành con đường Bạch Ngọc/Nephrite Road và Con Đường Lam Ngọc/Lapis Lazuli, trao đổi các loại đá quí, vàng bạc và nữ trang với châu Âu, là một nơi hiếm đá quí mà cũng chẳng có tơ tằm.

Loại hàng quí nhất, chính là ngọc Nephrite trắng, chỉ tìm thấy ở Khotan, nổi tiếng khắp miền Trung Á.  Những ngôi mộ ở Urals, Kazakhstan, Siberia, ở Turbino, Okunevo… tìm thấy nhiều đồ ngọc nephrite.  Email trao đổi với một bạn Uighur, ngọc, tiếng Uighur là khaxtexi (qashteshi).  Người Uighur đã biết giá trị của nephrite và chế tạo được dụng cụ cắt, mài giũa từ 3000 năm trước công nguyên. Từ Khotan và Yarkand, thương nhân chất đầy hàng hoá trên lưng lạc đà vượt hàng ngàn dặm tới các nuớc vùng thuộc thảo nguyên Trung Á.

 

Con Đường Tơ Lụa

Năm 138 TCN trào Hán Vũ Đế, Trương Khiên mạo hiểm 30 năm, hoàn thành sứ mạng mở cánh cửa cho nhà Hán ra phương Tây. Từ thành Dunhuang/Đôn Hoàng đến Khotan, dần dần thành hình một con đường, men giữa sa mạc Taklamakan và rặng Kunlun/núi Ngọc nối với Con Đường Ngọc Bích đã sẵn có.    

Từ đó, triều Hán mới biết tới nephrite Khotan. Họ học từ người Urguys và người Ấn độ nghệ thuật chạm khắc, mài ngọc. Họ cũng đã đi khắp các cửa sông miền Khotan tầm ngọc, nhưng kết quả rất ít, nên họ đành chờ đợi nguồn duy nhất từ người Urguys.  

Khotan cung cấp ngọc, nữ trang, giấy, bông vải, thảm, bắp, trái cây cho hai miền Mesopotamia và tiền-Trung Hoa. Đổi lại, nguòi Trung Hoa cung cấp kỹ thuật in ấn, thuốc súng, địa bàn, và nhất là tơ lụa. Từ đại đế César đến nữ hoàng Cléopâtre đều khoác áo choàng khăn lụa Trung Hoa.  Người La Mã mê tơ lụa của Trung Hoa đến nỗi gọi nơi này là Seres, tiếng Hy Lạp, có nghĩa tơ tằm. Một cân lụa đổi một cân vàng.  Bạch Cư Dị tả cô em dệt lụa khéo như thể vừa dệt vừa lấy mẫu từ đàn nhạn đang bay trên trời. Tên Con Đường Tơ Lụa/Silk Road mới có từ thế kỷ 19, do một nhà nghiên cứu người Đức, Ferdinan von Richthofen đặt, Seidenstraße, mà tính lịch sử không bằng tên Con Đường Ngọc Bích.

 

Trung Hoa không có ngọc nephrite

 Ở Liêu Ninh  -phía bắc Beijing, thuộc đông bắc Trung Hoa và Nội Mông- chỉ có loại đá bây giờ gọi là soapstone, độ cứng Mohs scale từ 2.5 đến 4, người Trung Hoa lúc đó đã yêu lắm, gọi là “yu”, cẩm thạch, đá xanh.  Năm 1970, tại địa điểm Chifeng, thuộc Nội Mông, nhóm khảo cổ Nhật đào được cả trăm tượng bằng soapstone, từ 3 đến 30cm. Hình người, đa số là phụ nữ, chíên sĩ, thợ săn, nô lệ, thầy  phù thuỷ…. Các con thú, nhiều nhất là rồng và heo, có cả rùa, thỏ, mèo, chim, phượng hoàng, cú mèo, ve sầu, cào cào, bướm, sâu… Soapstone không thể nào sánh được với nephrite, tuy vậy loại đá này đã hân hạnh ghi lại thời Đồ Đá châu Á. Đó là nền văn hoá Hongshan (≈3500 - ≈2000TCN), bao trùm một vùng từ Nội Mông/Inner Mongolia, Hà Bắc/Hebei và Liêu Ninh/Liaoning, lúc đó chưa cấu thành quốc gia, nên không có biên giới.

Hình rồng kế bên cho thấy ý niệm về loài bò sát thời đó. Con rồng chữ C này, được đặt tên Zhulong (Zhu; heo, long: rồng), hay “pig dragon” đầu giống heo thân giống rắn. Con rồng này đẹp nhất trong số 38 “rồng heo” đào được, cả về kỹ thuật mài giũa lẫn “nước ngọc”. Những con thú này về sau cũng  tìm thấy nơi nền văn hoá Liangzhu (≈3400 - ≈2250TCN) ở hạ lưu sông Dương Tử; và ở cuối đời nhà Thương (1700-1100 TCN).  Các nhà Trung Hoa học coi Zhulong là tiền thân của “văn hoá” rồng Trung Hoa.  Soapstone được khai thác mãi đến đời Hán mới cạn.

Điều này cho thấy buớc chân lãng du của con người. Đồng thời, theo thiển ý, sự cọ sát giữa những nhóm người trong một thời điểm và địa bàn tương đối liên tục, đã khai sinh ra kết quả chung mà chủ nhân khó có thể chỉ là một cá nhân hay một nhóm người.

Từ trào Hán, Trung Hoa mới biết đến nephrite trắng ở Khotan.  Từ đó họ học từ người Urguys và người Ấn độ nghệ thuật chạm, khắc, mài ngọc. Họ cũng đã đi khắp các cửa sông miền Khotan tầm ngọc, nhưng kết quả rất ít, nên họ đành chờ đợi nguồn duy nhất từ người Urguys.  Nhà Hán dành mua Nephrite với Ấn độ. Các triều đại Trung Hoa tiếp theo luôn dành độc quyền mua nephrite của Khotan.  Triều đình chuộng hơn cả vàng và ngà, không để lọt ra ngoài miếng nào, đặt tên là ngọc mỡ trừu/mutton-fat jade/yangzhi yu. Đội thợ cung đình mài giũa chạm khắc thành ngọc tỷ, hốt, đồ trang sức, nghiên mực, ly chén, thắt lưng… cho hoàng gia, và ban nhỏ giọt cho đại thần. Họ còn giữ bí mật tuyệt đối, không cho biết bạch ngọc nephrite trắng xuất xứ từ đâu.

 

Năm 1780, khi nhà Thanh biết tới ngọc Burma, họ cũng dành độc quyền.  Từ Hi Thái Hậu có tới 3000 hộp đựng đồ ngọc. Vua Càn Long ngủ dậy phải cầm ngay một vật bằng ngọc.  Năm 1860, tám nuớc Tây Phương đốt phá Bắc Kinh, cướp đi rất nhiều của cải. Từ Hi tiếc cố đô, cho xây lại Di Hòa Viên cực kỳ xa xỉ, tốn 300 triệu lượng tiền. Năm 1900, quân Anh Pháp lại đốt phá Bắc Kinh lần nữa và cướp phá Di Hoà Viên.  Không phải ngẫu nhiên mà cả hai đại gia chuyên mua bán đấu giá cổ vật, nhà Christie's và nhà Sotheby’s đều có trụ sở ở Hongkong. Đa số cổ vật, người Hoa ẩn danh mua lại hết để rửa cái nhục hoàng thành bị tàn phá, ngọc tỉ phiêu bạt.

 Ngọc tỉ kế bên 6cm, làm bằng ngọc trắng Khotan, chạm năm 1796 nhân dịp vua Càn Long nhường ngôi cho thái tử.  Ngọc tỉ này lưu lạc giang hồ, đại gia Sotheby’s vớt được đâu đó, bán đấu giá 5.92 triệu đô la ở Hongkong năm 2007, khiến thị trường ngọc nephrite trắng từ đây có một giá trị bất ngờ. Tiện đây xin nhắc tới việc các đại gia kiếm tiền rất quí phái trên những đồ vật ăn cướp. Tháng Hai 2009, nhà Christies’s bán đấu giá hai con thỏ và chuột bằng đồng, thuộc sưu tập riêng của nhà vẽ kiểu Yves Saint Laurent. Phản ứng dữ dội của Trung Quốc rất đáng ca ngợi, họ cho rằng hai món đồ này thuộc về mười hai con giáp, trang trí văn phòng tứ bảo của vua Càn Long ở Cung Điện Mùa Hè, bị Anh/Pháp cướp phá năm 1860.  Trung Quốc đã tìm lại đượcc 5 trong số 12 con, hiện trưng bày tại viện bảo tàng Bắc Kinh.  Không rõ vụ việc sau đó ra sao.  Cổ vật Chàm và Việt Nam cũng lưu lạc ở các bảo tàng châu Âu nhiều hơn ở lại VN, nhưng hình như không ai có ý truy tầm, dù với phản ứng yếu ớt, “cha chung không ai khóc”.

 

Có thể định tuổi ngọc không?

Đa số chủ nhân tiệm nữ trang giải thích - rất hợp với nghĩa cử cao đẹp là móc túi tiền các quí phu nhân, nhưng không với sự thật - “Em bảo đảm với ông bà ngọc của em toàn là ngọc xưa không hà”.  Nhưng chính họ cũng không biết xưa là nhiêu tuổi.  Có trăng nào không già, có ngọc nào không xưa, trời ạ! Không thể áp dụng phương pháp đồng vị phóng xạ C14 để định tuổi ngọc; vì khác với những bộ xương cổ đại có chứa chất hữu cơ, ngọc nói chung thuộc nhóm silicate.  Ngọc nào -đây đang nói về ngọc thật- cũng cả trăm ngàn hay triệu tuổi cả. Vì vậy, nếu là thuần nữ trang hay cổ ngoạn, thời điểm làm thành có thể là (vài) trăm năm trước, có thể là ngày hôm qua. Nếu là cổ vật đào từ những ngôi mộ hay địa điểm khảo cổ, chỉ có thể định được thời điểm chế tạo, bằng cách so sánh hoa văn chạm trên ngọc, với hoa văn trên những món đồ được khám phá tại hiện trường, chẳng hạn trên kiến trúc, chạm khắc đền thờ, lăng mộ, nữ trang, tranh ảnh, quần áo. 

Những sai lầm khó sửa

Hiện nay, mặc dù giới học thuật đều biết rằng lý lịch của các loại ngọc đã được soi sáng, rằng từ ngàn năm các vương triều Trung Hoa luôn luôn dấu nhẹm về nguồn gốc của loại ngọc mà họ dành độc quyền, nhưng tuyệt đối trên các thông tin ở website, sách vở nơi các nghiên cứu nghiêm trang, vẫn ghi chú rất sai lầm, gọi Chinese mutton-fat nephrite thay vì Khotan mutton-fat nephrite.

Điều này cho thấy sự hiểu lầm triền miên của đám nghiên cứu Tây Phương: luôn bị bóng ma văn minh Trung Hoa ám ảnh; chúng khẩu đồng từ rất phù hợp với chính sách vĩnh viễn của người Hoa: dù khinh bỉ Man Di Nhung Địch, nhưng Rợ hở ra cái gì, chàng thâu gom đủ thứ và hoà tan tất cả vào giòng Đại Hán.

 

“Đại Hán” là một phạm trù văn hoá, vô nghĩa về mặt nhân chủng. Lúc đó, nhà Thương rồi nhà Châu chỉ rải rác ở miệt bắc sông Hoàng Hà, như bản đồ đính kèm.

Không có chủng nào gọi là “chủng Hán”.  Bằng cớ, Hán Cao Tổ Lưu Bang, không phải … người Hán. Họ Lưu xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở đất Bái thuộc nước Sở. Bái hiện nay thuộc Từ Châu, Giang Tô, vùng biển.  Chàng không ưa làm ruộng, thích lêu bêu nên hợp với nghề hơi kém quí phái, nghề chăn tù. Đất Báí là vùng của “rợ” Việt, dù 18 đời Sở Vương do nhà Châu bổ nhiệm, nhưng dân chúng vẫn là “rợ Việt” (nhưng không phải Việt Nam, vì lúc đó chưa có nuớc Việt Nam,  dù đồng bằng sông Hồng đã có cư dân).

Ngọc Môn quan!

Yumen Guan Pass! Jade Gate Pass! Ngọc Môn quan! Trung Hoa có hai cửa ải. Nhạn Môn Quan ở phía Bắc chim nhạn bay kín trời, là nơi Chiêu Quân sang xứ Hồ.  Ngọc Môn quan ở phía Tây, nhưng không phải thò tay xuống đất là có ngọc cầm chơi, mà chỉ vì tất cả ngọc nhập vào đất Trung Hoa đều đi qua cổng này. Ngọc Môn Quan cách thành phố Đôn Hoàng 90 km, là trạm biên giới xa nhất về phía Tây của Trung Hoa lúc đó. Khu vực này khoảng  373 km vuông. Ngọc Môn quan được xây bằng đất hoàng thổ, loess, dài 24.7 mét, ngang 26.5 mét và cao 10.7 mét.

Hai dòng sông ngọc

Khotan khoảng 720 km vuông, mấy năm mới mưa một lần.  Ở độ cao 1,410 mét trên mặt nước biển, Khotan là môt ốc đảo cao nhất trong khu lòng chảo Tarim.

Khotan, có nghĩa “thành phố ngọc”. Có lẽ không nơi nào trên thế giới, mà “sông rót ngọc từ trời cao”. Người Urguys thành kính gọi hai giòng sông thần thánh này là ranījai ttāji, ‘the rivers of precious stone”, cái nôi của sự sống và nền văn minh ốc đảo Khotan.  

Người Uigur gọi Karakash River, Qara-qās, “bờ sông đen” hay “sông ngọc đen” vì ngọc đen hay xanh đậm tìm thấy ở đây. Giòng sông dài 808 km chảy từ rặng Kunlun/Qurum  gần đỉnh Karakorum. Đường Tam Tạng trong “Đại Đường Tây Vực Kí” có đi ngang giòng sông này, lãnh cái nóng thiêu người, phải mượn quạt của Thiết Phiến Công Chúa tức Bà La Sát.  Yurung-kāsh, “bờ sông trắng” hay “sông ngọc trắng”, trôi xuống toàn ngọc trắng.  Sông dài 513 km phát nguyên từ rặng Muz Tagh (núi tuyết) gần biên giới phía Bắc cao nguyên Tây Tạng.  Từ Venice, Marco Polo 17 tuổi cũng đi qua con sông này tới Seres. Chàng tuổi trẻ có chứng kiến cảnh người Uigur xuống sông vớt ngọc và lầm tuởng là agate, một loại đá nếu để cạnh nephrite như con gà với con công.

Tìm ngọc dưới sông

Loại ngọc có giá nhất, là ngọc tìm được dưới lòng sông. Truyền thống Uiguys rất ít “khai mỏ” ngọc, tức không đào xới bằng cuốc. Sợ đau lòng ngọc? Không kiên nhẫn nào sánh bằng kiên nhẫn của người Urguys tìm ngọc, mà cũng khó có sự tinh tường nào bằng. Mỗi mùa xuân từ tháng sáu đến tháng chín, tuyết tan từ đỉnh núi. Nước đá lũ lựơt chảy xuống xuôi cuốn theo những hòn đá từ trên núi cao, nơi không ai có thể lên tới được. Mùa hạ, từ tháng mười đến tháng năm, nuớc rút bớt, lòng sông hẹp lại, là lúc người Uygurs đi săn ngọc lẫn với những loại đá khác nằm rải rác trên bờ sông hay dưới giòng nuớc. Khi Khotan còn vua, mỗi năm đến mùa vớt ngọc, nhà vua thân lội xuống sông tìm ngọc, giống như vua nhà Lý của ta làm lễ tịch điền.

Theo người Uygurs, nơi nào giòng nuớc sáng rực, nơi đó có ngọc.  Trẻ con Uygurs 10 tuổi cũng phân biệt được đá ngọc lẫn trong đá khác. Chỉ có khoảng 50 đến 60 người kiếm ngọc quanh năm. Nông dân chỉ vào ngày mùa rảnh rỗi mới kiếm thêm. Cả làng nắm tay nhau thành hàng ngang đi dưới lòng sông, nước trong suốt cạn đến bắp chân, họ cảm được chất ngọc quí với bàn chân trần.

Nguồn ngọc này không bao giờ ồ ạt, mà cũng không bao giờ cạn. Tất cả tuỳ vào lưu lượng hai giòng sông cuốn những phiến đá nào nằm trên dòng chảy. Trên bãi sông, không phải tất cả đều là ngọc.

Mỗi năm, chỉ vớt đựoc chừng 250 kg đến 1000kg loại hai. Còn loại hạng nhất, không tỳ vết, rất hiếm. Ngọc được bán cho lái buôn từ Beijing, đặt tên là ngọc Hetian, qua tiếng Việt, là ngọc Vu Điền hay Hoà Điền.  

Vì vậy, bức ngọc khổng lồ hiện để ở bảo tàng Bắc Kinh, phải nói là vô giá.  Phải phục dân tộc Trung Hoa thật kiên trì và thích làm những chuyện khó.  Năm 1780, tìm thấy một khối ngọc nặng 6 tấn ở núi ngọc Kun Lun. Phải mất 2000 người ngựa, trong vòng ba năm mới kéo được khối ngọc này về Bắc Kinh. Vua Càn Long tuyển toàn thợ khéo, làm việc bẩy năm, ghi lại truyền thuyết về vua Đại Vũ trị lụt ở giòng Hoàng Hà. Vũ kiên trì mất 13 năm khai 9 tuyến đường băng ngang núi, khơi 9 con sông khiến nuớc sông Hoàng Hà không còn gây ngập lut. Vua Nghiêu giết chết cha của Vũ vì không hoàn thành nhiệm vụ trị thuỷ. Nhưng vua Thuấn -con vua Nghiêu- lại cảm công của Vũ mà nhường ngôi. Vũ trở thành Đại Vũ, vua thứ nhất của nhà Hạ (2100 TCN). Theo Nguyên Nguyên, Đại Vũ sinh ở Tứ Xuyên, thuộc tộc Khương, cũng là giống “rợ”.

Tạc xong, khối ngọc còn 4.5 tấn. Góc bên phải còn con dấu của Càn Long. Tượng “Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới” nặng 4,5 tấn cũng vĩ đại  như bức ngọc trên.

 

 

 

Tim ngọc theo truyền thuyết: loã thể bên bờ

Truyền thuyết này chắc không phải của người Uigurs. Đa phần là của mấy thi sĩ Trung Hoa say xỉn, bầy vẽ siêu hơn cả Hồng Lâu Mộng, nào là trinh nữ nào là âm dương, nào là trăng sáng nào là ngọc gọi.  Mấy ông Tây không rành mấy ông Tầu, nên xanh lè mắt truớc hình ảnh lãng mạn tột cùng này: đêm trăng, trinh nữ Urguys loã thể vừa đi dọc bờ sông vừa hát khúc ngọc ca. Bàn chân trần nàng dẫm lên những phiến đá. Nàng là âm ấm áp, những phiến ngọc vốn có tính dương lạnh lẽo, cảm động trước toà ngọc mời gọi ấy mà động tình lên tiếng. Trinh nữ chỉ việc chạy ào tới, mừng rỡ ôm lấy chàng mang về.  Chàng có hoá thân thành người, đêm đêm trò chuyện vói giai nhân?  Nếu hai ba hòn ngọc lên tiếng một lúc, nàng biết ôm chàng nào truớc?  Chàng sẽ vừa ghen vừa sầu làm thơ lủi thủi mách cáo chị Hằng phân bua chú Cuội? Chỉ người Trung Hoa miền Nam Dương Tử, có thể cọp pi thi sĩ nhạc sĩ Việt Nam, mới thích ngắm trăng ngắm sao, quên rằng Tây Vực, nơi ngày nóng đêm lạnh chết cá chết tôm, độ chênh lệch từ 25 đến 30; không mặc quần áo ra ngoài trời sưng phổi mà chết. Họ cũng quên rằng ban ngày, gió sa mạc thổi cát và đất vàng bay mù mịt khiến có khi tầm nhìn chưa tới 50m, ban đêm chắc còn rùng rợn hơn nhiều. Vì vậy, khi đọc sử hay truyện cổ tích của Trung Hoa, đừng say xỉn và khoan “thành kính nghiêng mình ”.

Ngọc đến từ đâu ?

Đâu đó trên thượng nguồn, nơi vết chân con người không đến được, từ hồi nào không rõ, có một mỏ ngọc hay một mạch ngọc  hình thành do dung nham từ lòng đất dâng trào. Do sự xâm thực và bào mòn, các khối đá, có cả đá ngọc, bị nước cuốn trôi xuống hạ lưư. Không ảnh từ satellite, thấy rõ mạch ngọc ngoằn ngoèo chỉ bằng ngón tay ở trên mặt, có thể có một lớp ngọc trắng lớn hơn ẩn phía dưới, nhưng cũng có thể không có gì. Điều này cho thấy năng lực phi thường và huyền bí của tạo hoá cũng như cơ duyên của dân tộc Uighurs, duy nhất làm chủ khối ngọc nephrite trắng qua mấy ngàn năm.  Điều lạ, kể từ khi Khotana bị sát nhập hẳn vào Trung Hoa, khối lượng ngọc nephrite trắng hầu như càng ngày càng ít trôi xuống nữa. 

 

Càng hiếm, người ta càng hâm mộ vẻ đài các của bạch ngọc nephrite. Khoảng gần đây, người Hoa cố dùng phương tiện cơ giới để đục núi Kun Lun, nhưng núi lắc đầu không cho ngọc nữa. Dù nephrite Khotan có màu vàng, xanh, nâu. Nhưng nổi tiếng nhất, vẫn là "mutton fat" jade, mịn như mỡ dê, trắng như ánh trăng, bóng lọng như thoa dầu khác hẳn tất cả nephrite trên thế giới. Nephrite  trắng Siberia có màu vàng nhạt. Nephrite trắng Korea có màu xanh nhạt. Ngay cả Jadeite của Burma và Guatemala, tuy quí hơn, nhưng thiếu vẻ êm mượt của Nephrite Khotan.  Người Hoa đã tìm ra gần bốn chục địa điểm khai thác trên khắp nước; mong tìm kiếm nephrite trắng Khotan vốn không đủ cung cấp cho thị trường nội địa.  Nhưng hoài công.  

Sự hiếm hoi này cho thấy những phiến ngọc/cổ ngoạn/nữ trang, thật sự là ngọc trắng nephrite Khotan, đều có lý lịch, không lang thang bừa bãi trên thị truòng.  Những quảng cáo trên internet, “mỗi tháng có thể cung cấp 5,000 vòng mutton-fat jade,” là chuyện dế mèn phiêu lưu ký cho nhi đồng.

 

Tóm tắt

- Thế giới chỉ duy nhất Khotan có ngọc trắng nephrite. Richard Gump, người đầu tiên mở cửa hàng nhập cảng đồ cổ ngoạn châu Á vào thị trường Mỹ ở San Francisco năm 1861, có nói “Trung Hoa xây dựng nền văn minh của họ trên những hòn đá”. Đáng lẽ phải thêm “Trung Hoa xây dựng nền văn minh của họ trên những hòn đá của người khác”.

- Qua ngõ Khotan, Trung Hoa đã học được nhiều từ nền văn minh Trung Á, từ Phật giáo đến những sản phẩm quí giá như ngọc, thuỷ tinh, bông vải, hương liệu, trái cây, lông thú, gạc nhung, nhất là ngựa quí.

- Ở Việt Nam có miếng ngọc trắng nephrite nào không ?  Các trào Trung Hoa đều độc quyền món ngọc.  Thời đám di thần nhà Minh chạy sang Việt Nam, không rõ có ông quan nào mang theo miếng ngọc vua ban. Không rõ đời nhà Thanh có tặng khánh ngọc cho mười ba ông vua trào Nguyễn Việt Nam không. Nếu có, cũng thuộc về hoàng gia. Vua Khải Định, trên ngực áo có cài một khánh ngọc màu trắng.

- Trong vòng hơn 400 năm (206 TCN–220 CN), nhà Hán bành trướng lãnh thổ từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam.  Khotan là miền viễn Tây, Việt Nam là cực Nam.  Vương quốc Khotan, dù có khối Hồi giáo hậu thuẫn, đã hoàn toàn bị Trung Hoa thôn tính năm 1878.  Riêng Việt Nam bền bỉ và cô độc trên con đường giữ gìn nền độc lập, tuy có lúc thiếu tự chủ.

 

Soi trong đáy ngọc

Không phải ai cũng sở hữu được một miếng bạch ngọc mỡ trừu, Khotan mutton-fat nephrite. Nếu có, đó là mối duyên vạn dặm vói đỉnh Qurum tuyết phủ, với miếng đá trên triền núi từ trăm ngàn năm truớc, một ngày đẹp trời theo giòng nuớc hữu tình cuồn cuộn về xuôi. Quãng đường cheo reo mấy ngàn cây số từ hòn đá vô tri đến tay người thợ vô danh, chứa đựng bao điều nào ai hay biết. Soi trong đáy ngọc, xin nhớ không chỉ cái đẹp diễm lệ của một món cổ ngoạn hay một nữ trang đắt giá, mà cả một lịch sử bi hùng của một dân tộc, cả một nền văn minh nay đã thay tên.

Cũng nhớ luôn đến bản tin này: theo Radio Internationale France, tiếng Việt, ngày 10 tháng tư 2009: Trung Quốc vừa xử tử hai người Urguys ngay trên chính đất nước của họ, vì tội khủng bố. 

 

Trần Thị Vĩnh Tường

California May 01-2009

-----------------------------------

 (1) http://vneconomy.vn/2009040210345706P0C11/dan-so-viet-nam-qua-cac-thoi-ky.htm

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Trần thị Vĩnh-Tường