Bàn về phong cách trong hội hoạ

Vietsciences- Văn Ngọc    27/12/2005

 

Nguyễn Phan Chánh, Cô bé cho chim ăn (1931)

Không ít người cho rằng, trong nghệ thuật tạo hình, đặc biệt là trong hội hoạ, phong cách là tất cả. Thậm chí, người ta còn đánh giá tài năng của một hoạ sĩ, giá trị nghệ thuật của một tác phẩm, qua sự hay không có phong cách. Điều này độc lập với sự đẹp hay xấu của một tác phẩm.

Trước khi tìm hiểu xem ý kiến trên có cơ sở hay không, chúng ta cần nhất trí với nhau về từ ngữ và khái niệm.

Phong cách ở đây là gì ? Nó thể hiện cụ thể như thế nào trong hội hoạ từ xưa tới nay ? Làm sao nhận biết được phong cách của một hoạ sĩ ? Đâu là những yếu tố tạo nên cái phong cách ấy, và trong các yếu tố, yếu tố nào là quyết định ? Cuối cùng, tại sao một tác phẩm nghèo phong cách lại là một tác phẩm không có giá trị nghệ thuật ?

 

 

 

Phong cách như một nét đặc thù

Về mặt từ ngữ, chúng ta biết rằng, trong nghệ thuật tạo hình, và gần như trong ngôn ngữ nói và viết của bất cứ dân tộc nào, từ phong cách có hai nghĩa, hai nội dung, khác nhau.

Nghĩa thứ nhất, chỉ những nét đặc thù của một trường phái nghệ thuật, hoặc của một thời kỳ nghệ thuật. Ví dụ như trong nền hội hoạ ở phương tây, người ta vẫn thường nói : phong cách cổ điển, phong cách ấn tượng, v.v. Trong một số trường hợp, đặc biệt trong kiến trúc và một số ngành mỹ nghệ, người ta vừa dùng từ phong cách, vừa dùng từ kiểu, phong cách ở đây có nghĩa là kiểu dáng : một ngôi nhà thờ phong cách gô-tíc, một cái mái kiểu Mansard, một chiếc ghế kiểu Louis XV. Ở Việt Nam, khi ta nói bát kiểu, là để chỉ những loại bát có kiểu dáng đặc biệt, như : bát múi, bát chiết yêu, v.v., để phân biệt với loại bát ăn cơm thường (mặc dầu, trên thực tế, những bát ăn cơm thường đôi khi lại có kiểu dáng và chất liệu mộc mạc, thanh nhã, hợp với cái gu thẩm mỹ hiện đại).

Salvador Dali, Marché d'esclaves avec apparition du buste invisible de Voltaire (1940)

Nghĩa thứ hai của từ phong cách, là những nét nghệ thuật đặc thù, không nhất thiết là thuần tuý hình thức, của cá nhân một nghệ sĩ. Một hoạ sĩ có phong cách, là một hoạ sĩ có cá tính, hoặc có bản sắc độc đáo. Sự độc đáo này, tuy chủ yếu là ở cách thể hiện (nét vẽ, màu sắc, hình dạng cách điệu hoá, nhịp điệu, hoặc ký hiệu, v.v.) tức là ở hình thức của tác phẩm, song đôi khi nó cũng nằm ở ngay trong quan niệm về nội dung, trong lý thuyết nghệ thuật mà nó chuyên chở, hoặc trong cái bầu không khí của một bức tranh. Không phải tình cờ, mà những hoạ sĩ siêu thực tài năng nhất lại là những thí dụ điển hình nhất minh hoạ cho sự đa dạng, phong phú và tính chất phức tạp của phong cách : từ Salvador Dali, De Chirico, đến Magritte, Balthus, mỗi hoạ sĩ có một phong cách, một bút pháp riêng biệt, đi đôi với những ý tưởng nghệ thuật, những thông điệp đầy những nét trào phúng, hóm hỉnh và độc đáo.

 

Trong bài này, chúng ta sẽ chỉ bàn về cái nội dung thứ hai của từ phong cách, nghĩa là cái nét riêng biệt trong các tác phẩm của một hoạ sĩ.

Phong cách trong cuộc săn tìm những ý tưởng nghệ thuật

Câu hỏi đầu tiên mà chúng ta có thể nêu lên, là trong quá trình thực hiện một tác phẩm, trong cuộc săn tìm ý tưởng sáng tạo ấy, đâu là vai trò của phong cách ? Tại sao, người hoạ sĩ lại phải khẳng định cái phong cách của mình ? Đi tìm ý tưởng sáng tạo, hay đi tìm bản sắc, có gì là mâu thuẫn không ?

Như chúng ta biết, cái đẹp, hay nói rộng ra hơn, những ý tưởng nghệ thuật, vốn đa dạng, phong phú, thậm chí có thể nói là muôn hình muôn vẻ, trong trí tưởng tượng của con người. Người hoạ sĩ ở mỗi thời điểm, mỗi chặng đường nghệ thuật của mình, chỉ có thể tập trung vào một hai ý tưởng, một hai mục tiêu tìm kiếm cụ thể mà thôi. Y không thể nào săn tìm và thực hiện nhiều ý tưởng cùng một lúc được, và thông thường, người ta chỉ có thể săn tìm một ý niệm đã manh nha hình thành ở trong đầu rồi. Đó là một quy tắc của sự sáng tạo, và thực ra cũng chỉ là một điều lô gích. Cũng như thể khi ta tìm một cuốn sách trong một thư viện mênh mông đầy ắp những sách, ít ra ta phải biết cuốn sách nói về vấn đề gì, thuộc lãnh vực nào. Săn tìm một ý tưởng sáng tạo cũng vậy thôi, cũng cần có một ý niệm tối thiểu về nó, xuất phát từ một sự thôi thúc nội tâm, một cảm hứng, hoặc do một sự chiêm nghiệm, nghiền ngẫm lại những ý tưởng, kinh nghiệm, đã có từ trước của mình, hoặc của người khác. Có thể nêu lên ở đây một thí dụ để minh hoạ cho quy tắc trên. Vào năm 1906, Braque đã từng tiết lộ : « Những bức hoạ đầu tiên vẽ phong cảnh của tôi ở Estaque (miền nam nước Pháp), thực ra đã được tôi hình dung ở trong đầu ngay từ trước khi xuống đó ».

Vì vậy, đi tìm cái đẹp - hoặc nói một cách chung hơn, để tránh mọi hiểu nhầm - đi tìm một ý tưởng sáng tạo, mà đôi khi không liên quan gì đến cái đẹp thẩm mỹ, chính là đi tìm một ý tưởng cụ thể, phù hợp với quan niệm nghệ thuật của mình, ở một thời điểm nhất định. Người hoạ sĩ khẳng định phong cách của mình, là khẳng định cái quan niệm nghệ thuật của mình ở vào thời điểm đó.

Nói như vậy, có nghĩa là : khi săn tìm hay đeo đuổi cái ý tưởng nghệ thuật rất chủ quan của mình (cái mà một người hoạ sĩ cho là đẹp, là đúng, trên tác phẩm của mình, đôi khi người khác lại cho là cực kỳ xấu, hoặc cực kỳ lố lăng, điên khùng, v.v. ), người hoạ sĩ cũng đồng thời săn tìm một phong cách riêng cho mình.

Hoặc nói một cách khác, khi khẳng định phong cách của mình, ở một thời điểm nào đó, người hoạ sĩ cũng đồng thời khẳng định những ý tưởng nghệ thuật của y vào lúc đó.

Nói tóm lại, đi tìm một ý tưởng sáng tạo nghệ thuật, đồng nghĩa với đi tìm phong cách. Trong cái nghĩa đó, phong cách là tất cả, đối với người hoạ sĩ, cũng như đối với người thưởng thức.

 

Những yếu tố tạo nên phong cách

Tuy nhiên, không phải ở thời nào, và trong bất cứ trường phái nghệ thuật nào, phong cách cũng đã đóng một vai trò quan trọng ngang nhau, dựa trên những tiêu chuẩn giống như nhau.

Trong hội hoạ tượng hình ở phương tây, nói chung, nhất là trong các nền hội hoạ nguyên khai, phục hưng, cổ điển, v.v., phân biệt phong cách của một hoạ sĩ này với một hoạ sĩ khác không phải là dễ, vì vào những thời kỳ đó, nghệ thuật chính thống chủ yếu là để phục vụ những nhu cầu tôn giáo, những đề tài thường chỉ xoay quanh việc minh hoạ những truyện tích trong kinh thánh để truyền bá đức tin, hoặc kể lại những sự cố lịch sử, vẽ chân dung các nhân vật quan trọng, v.v. Mặt khác, về mặt hình thức diễn đạt, nó phải tuân thủ những quy ước, tiêu chuẩn, rất khắt khe, chặt chẽ, mà một trong những tiêu chuẩn là phải vẽ giống như thật. Nhích ra khỏi những quy ước đó, dù là trong sự lựa chọn đề tài, hay trong quan niệm về bố cục, về nét vẽ, về màu sắc, v.v., là bị phê phán, hoặc bị loại trừ ngay.

Mặc dầu vậy, với một vốn hiểu biết nghệ thuật tối thiểu, hậu thế vẫn có thể nhận biết được dễ dàng phong cách của một Giotto, với nét vẽ khoẻ mạnh, vững chắc ; một Botticheli, với vẻ đẹp thơ mộng, nhẹ nhàng ; một Bruegel l'Ancien, với những bố cục luôn luôn dày đặc, sinh động ; một Greco, với những hình thể giàu nhịp điệu, v.v.

Nhìn vào các trường phái hội hoạ hiện đại ở phương tây, kể từ cuối thế kỷ XIX đến nay, người ta nhận thấy rằng, ngoại trừ những tác phẩm của nền hội hoạ kinh viện, khô khan và nghèo bản sắc ra, phần lớn các tác phẩm còn lưu lại được của các trường phái hội hoạ hiện đại đều mang đậm cá tính. Cùng một xu hướng dã thú đấy, nhưng tác phẩm của Derain có phong cách khác hẳn với các tác phẩm cùng xu hướng của Matisse, hay của Vlaminck. Cùng trường phái lập thể đấy, nhưng phong cách của Picasso khác với phong cách của Braque, hay của Juan Gris. Trong hội hoạ trừu tượng, sự khác nhau về phong cách giữa các hoạ sĩ lại càng rõ rệt và dễ nhận biết hơn nữa, vì ở đây hình thức (cách diễn đạt) và nội dung (ý tưởng sáng tạo) của tác phẩm chỉ là một, chúng cùng nói lên cái quan niệm nghệ thuật của tác giả, đồng thời đó cũng chính là cái phong cách đặc thù của người hoạ sĩ.

Mai Thứ, Thiếu nữ bên cửa sổ, tranh lụa (1942)

Nhìn vào nền hội hoạ hiện đại Việt Nam, kể từ khi có trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925), chúng ta sẽ không ngạc nhiên thấy có rất ít hoạ sĩ có phong cách rõ rệt. Điều này có những lý do sâu xa của nó, như tôi đã có dịp trình bày trong các bài viết về các hoạ sĩ của trường CDMTĐD, trên Diễn Đàn cách đây vài năm, đặc biệt DĐ số 57, 11-1996. Lý do thứ nhất là cái mục đích đào tạo của trường này, thoạt đầu không phải là để đào tạo các hoạ sĩ, mà chỉ để đào tạo những thày giáo dạy vẽ cho học trò các trường kỹ thuật, trường dạy nghề và trường trung học phổ thông. Lý do thứ hai, và điều này mới thật là quan trọng, là các giáo sư của trường CĐMTĐD, từ Victor Tardieu cho đến Inguimberty, đều là những hoạ sĩ không có phong cách gì đặc biệt. Cả hai đều không biết đến cả hội hoạ ấn tượng, không nói gì đến các trường phái hiện đại khác đương thời. Những hoạ sĩ Việt Nam đầu tiên, sớm có được một phong cách độc đáo, ngoài Nguyễn Phan Chánh, và Mai Thứ ra, ở một mức độ khác, còn có Nguyễn Gia Trí, chuyên về sơn mài. Lưu Văn Sìn lúc đầu đã manh nha có được một phong cách với bức tranh lụa Thiếu nữ ngồi khâu lọng, nhưng sau này đã nhanh chóng mất đi cái phong cách ấy trong các bức tranh sơn dầu vẽ về nông thôn.

Phải thẳng thắn mà nhìn nhận rằng, những hoạ sĩ có tên tuổi, như : Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, v.v. (trong số này, cũng có những người có nét vẽ, tay nghề cứng cỏi, cũng có trình độ lý luận, như Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Tỵ, song, nói chung, hầu hết tất cả thế hệ hoạ sĩ này đều không có phong cách gì đặc biệt cả, kể cả những người đã có may mắn xuất ngoại như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu. Phải chờ đến thế hệ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bich Liên, mới có được những phong cách rõ rệt.

Cũng may, là trong các thế hệ hoạ sĩ trẻ sau này, thuộc các thập niên 80-90, cũng có được những tài năng có cá tính mạnh mẽ.

Đinh Ý Nhi, Bốn em bé gái

Trong hội hoạ tượng hình, tôi nghĩ đến Đinh Ý Nhi, Đặng Xuân Hoà, Trần Trọng Vũ, Hà Trí Hiếu, Hồng việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình,v.v. Nguyễn Quân, trong thời kỳ vẽ những bức tranh sơn dầu có tính chất siêu thực, khoảng những năm 90, đã có những tác phẩm có phong cách độc đáo và chất lượng thẩm mỹ cao. Cũng như Đỗ Phấn khi vẽ những bức tranh giàu nhịp điệu vào những năm 70-80.

 

Trong hội hoạ trừu tượng, các phong cách hiện nay còn khá lu mờ, khó phân biệt, phần lớn đều vẽ tranh ký hiệu, ít có tranh thể hiện cái đẹp của nhịp điệu. Tuy nhiên, cũng có thể kể một vài tên tuổi, như : Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung (trước đây vẽ tranh tượng hình), v.v.

 

 

 

Đặng Xuân Hoà, Tĩnh vật (1993) Sơn dầu

Qua tất cả những thí dụ vừa nêu ở trên, hoàn toàn không đầy đủ, vì chúng ta chưa đề cập tới mảng hội hoạ cổ điển phương đông, đặc biệt là nền hội hoạ cổ điển Trung Quốc, trong đó yếu tố quan trọng nhất tạo nên phong cách, là cái thần trong nét vẽ và trong sự vật được thể hiện, chưa nói gì là còn có những nền hội hoạ khác như : tranh Phù thế Nhật Bản (Ukyo-E), những bức tiểu hoạ Ba tư (Miniatures persannes), v.v.

Có thể nói rằng, nhìn chung, trong hội hoạ ở phương tây, chỉ cần kể từ nền hội hoạ nguyên khai (Primitifs flamands) trở đi cho đến nền hội hoạ hiện đại, khái niệm phong cách đã có những biến chuyển đáng kể cùng với thời gian, và cùng với

 

 

 

Hà Trí Hiếu, (1994)

những yếu tố tạo nên nó. Từ những yếu tố thẩm mỹ chủ yếu thuộc về hình thức diễn đạt, giới hạn bởi những quy ước gò bó của mỗi trường phái : bố cục, nét vẽ, màu sắc, sự giống như thật, hay sự cách điệu hoá, chúng đã trở thành những yếu tố vô cùng phong phú và linh hoạt, do được giải toả khỏi những quy ước. Thêm vào đó, còn có những yếu tố mới, chỉ cần kể hai yếu tố quan trọng nhất : ký hiệunhịp điệu, hai khái niệm mới, đã thật sự mở rộng chân trời cho hội hoạ, nhất là hội hoạ trừu tượng. Trong hội hoạ tượng hình, những yếu tố có khả năng tạo nên phong cách, đôi khi nằm ở ngay trong nội dung của một tác phẩm : tính chất trào phúng, hài hước (trong tranh siêu thực), tính chất thánh thiện (trong tranh tôn giáo), tính chất bi phẫn, phê phán, trong hội hoạ của trường phái biểu hiện, tính chất thần bí trong các tác phẩm của trường phái tượng trưng, v.v.

 

 

 

 

 

Phong cách và giá trị nghệ thuật

Francis Bacon, Etude d'Henrietta Moraes riant (1969)

Có những hoạ sĩ khẳng định phong cách của mình qua những tác phẩm hoàn toàn không có gì là « đẹp » cả, thậm chí không liên quan gì tới cái đẹp ! Tôi nghĩ đến những bức hoạ của Francis Bacon (1909-1992) và vô số những tác phẩm của Picasso (1881-1973), thời kỳ ông vẽ những bức chân dung bị bóp méo ! Phải hiểu như thế nào về hai hiện tượng này ? Rõ ràng Francis Bacon không săn tìm cái đẹp hình thức, mà săn tìm những cái ý, những chuyển động nội tâm, đôi khi phức tạp, khó hiểu, làm cho người ta nghĩ đến một trạng thái bệnh hoạn. Riêng về những bức chân dung bị bóp méo của Picasso, từ những bức đầu tiên, thời kỳ những năm 1907-08, khi phong cách lập thể vừa mới ra đời, với ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Phi châu, tới những bức

 

 

 

 

Picasso, La lecture (1972)

hoạ vẽ vào  thập niên 70, có cả một khoảng cách về mặt hình thức cũng như nội dung. Bức hoạ có tên « an class="T1">La lecture » (1971) kèm theo đây của Picasso khá tiêu biểu, qua nó người ta có thể hiểu rằng hoạ sĩ muốn khẳng định cái ý : hội hoạ không nhất thiết phải là một cuộc săn tìm cái đẹp, mà là một ngôn ngữ tạo hình, có khả năng chuyên chở những ý tưởng sáng tạo, kể cả những tìm tòi về chính cái khả năng linh hoạt của nó. Chúng ta biết rằng Picasso đã trải qua nhiều thời kỳ, nhiều phong cách, trong đời hoạt động nghệ thuật của ông. Tính sổ đoạn trường, thì không biết đã có cái ý tưởng nghệ thuật nào làm cho ông thoả mãn chưa, vì cho tới cuối đời ông vẫn còn thay đổi phong cách !

 

 

 

 

Xem như vậy, ý tưởng sáng tạo của một hoạ sĩ thể hiện trên một tác phẩm, không nhất thiết phải là đẹp hay xấu, nhưng nó chính là hiện thân của cái quan niệm nghệ thuật mà y thiết tha thực hiện. Nó là cái bản sắc của y, ở đó người ta nhìn nhận ra được một phong cách.

Do đó, không có ý tưởng sáng tạo độc đáo, tức không có phong cách, thì không thể nào có tác phẩm có giá trị nghệ thuật được.

 

Diễn Đàn Forum số 155, 10.2005

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Văn Ngọc