Sắc đẹp và chuyện tình

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu    17/09/2007

 

Những bài cùng tác giả

Trong một số tác phẩm văn học xưa và nay, đôi khi xuất hiện những nhân vật ảo xen lẫn với nhân vật thực, thí dụ như trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (thế kỉ 16). Có lẽ cũng là một hình thức hữu hiệu để tác giả phát biểu được ý kiến của mình trên một số vấn đề tế nhị. Mặt khác, ở chính trong một con người - tác giả - cũng có thể có mặt này và mặt nọ, vv. , làm tôi liên tưởng tới truyện « Dr. Jekyll và Mr. Hyde » (1886) của tác giả (người Anh) Robert Louis Balfour Stevenson. Bác sỹ Jekyll, là con người thiện, tình cờ phát minh ra được một liều thuốc, uống vào thì biến thành ông Hyde, một con người ác. Nhưng trong bài viết này, không phải là lúc luận chuyện thiện hay ác, thuần đạo hay nghịch đạo, có chăng chỉ là hình thức phát biểu.

Tôi có một kẻ đối thoại, thc và ảo, gọi là Y, thường cùng tôi trao đổi, luận bàn, trong những buổi thư nhàn hay trong những cơn mộng mị. Y và tôi có qui ước như sau : khi đã trao đổi xong về một vấn đề gì mà y muốn tôi viết ra, tôi mất công ghi chép, thì tôi nhận phần « hơn » : những gì ôn tồn, nghiêm chỉnh, thanh tú, thì tôi nhận phần tôi ; những gì thô bạo ngang ngược, chướng tai thì y phải nhận ; và y đã đồng ý. Lại qui ước với nhau về cách xưng hô : gọi nhau bằng « vị », xưng tôi, để tránh gọi nhau bằng « Ngài », xưng « tại hạ », vv., lủng củng và lỉnh kỉnh.

            Dưới đây là cuộc trao đổi giữa tôi và y về « Sắc đẹp và chuyện tình ».

 

Y :

            Ta tạm khoan đề cập đến những chuyện trong những xã hội đa phu (nhiều chồng), như xã hội Bantou (Nouvelle-Calédonie), ở xã hội Minangkabau (Sumatra), ở quần  đảo Laquedives (Nam Ấn Độ), ở người Na thuộc tộc Na xa (Trung Quốc), hay Tây Tạng trước 1950, vv. Chúng ta luận chuyện ở những xã hội tương đối quen biết thôi nhé.

« Vị » và tôi thuộc nam giới. Chúng ta luận và biểu dương sắc đẹp của phụ nữ thôi. Vả lại nữ giới là đa số của nhân loại, ta chú ý cũng là hợp lý. Lúc còn nhỏ, tôi ngắm người phụ nữ, chủ yếu là cái mặt. Đẹp hay không, theo tôi lúc đó là ở cái mặt, và cho rằng « nhan sắc » là chỉ ở đó. Rồi với thời gian, tôi bắt đầu ngắm từ trên dần dần xuống dưới, cái ngực, cái bụng và … thấp xuống hơn nữa. Hết đằng trước, rồi mới tới đằng sau, cũng từ trên dần dần xuống dưới. Nhưng thế nào là đẹp ? Có một giá trị « toàn cầu » cho sắc đẹp không ? Bình quân theo nghĩa thống kê, người phụ nữ phương Đông mảnh khảnh lưng dài cẳng ngắn mông dẹp; phụ nữ châu Phi lưng ngắn cẳng dài mông mẩy ; còn phụ nữ phương Tây, nói chung thì vừa phải thôi miễn chưa phải là trường hợp phát phì. Nhưng khó định nghĩa thế nào là đẹp, đấy là một vấn đề hoàn toàn khách quan. Tranh vẽ bà Dương quí phi mà vua Đường Minh hoàng mê chết mê chết mệt, xem ra cũng chẳng hấp dẫn gì lắm. Hoặc những bức tranh vẽ các bà hoàng, công chúa phương Tây mà sách tả như tuyệt thế giai nhân, cũng chẳng phải ai cũng mê. Té ra cứ đọc sách, nghe tả , rồi tưởng tượng theo ý mình, có lẽ lại hay. Xét cho cùng, xem tranh vẽ thì chỉ là sắc đẹp « tĩnh ». Người phụ nữ đẹp nhất là lúc đang đê mê, mới làm lộ hết sắc đẹp. Thế mới biết những kẻ phàm phu tục tử là những kẻ chỉ biết vội vàng, không biết « nâng như nâng trứng, hứng như hng hoa », cũng như kẻ ăn nuốt vội mà chưa kịp nhai.

Đàn bà của Matisse

Đàn bà của Picasso

Cho nên vẽ tranh phụ nữ như danh họa Picasso có lẽ cũng chưa đủ, có lẽ cần phải tìm cách « vẽ » trong một không gian năm, sáu chiều gì đó mới đủ tả cái sắc đẹp. Nhưng động như Picasso hay tĩnh như tranh của Matisse, thấy thiên hạ khen ầm ầm, tôi vẫn hoài nghi về thẩm mỹ. Nó cũng tùy tiện lắm.

Người mẫu Mary Jane

Theo bài báo « Les canons de la beauté » (Chuẩn về sắc đẹp), của Georges Vigarelle , in trên tạp chí « L’Histoire » số 245 tháng 7 năm 2000 , quan niệm về sc đẹp ở châu Âu cũng thay đổi theo thời gian. Ở thế kỉ thứ 13, còn nói tới lồng ngực phải căng nâng áo mặc lên, lưng phải eo sao cho có thể nắm trọn trong vòng 2 bàn tay (không khác gì thời Đông Chu liệt quốc ở Trung quốc cách đây mấy nghìn năm, vua Sở Linh vương chỉ thích gái lưng eo, xây cái cung Chương Hoa, tuyển mỹ nhân lưng eo cho vào ở đấy, gọi là « Tế yêu cung » ; có người nhịn ăn gần chết đói để có lưng eo mong được vua ngó tới). Sang đến thế kỉ 15, 16, những họa sĩ như Alberti, Dürer Leonardo da Vinci muốn « chuẩn hóa» sắc đẹp bằng cách định tỉ lệ lý tưởng như sau : đầu bằng một phần tám chiều cao toàn thân, nếu kể chiều dài từ trán đến cầm là 1 phần thì thân phải dài gấp 3, đùi dài 2 phần, bắp chân 2 phần. Nhưng rồi các vị cũng chẳng theo chuẩn của chính mình đặt ra. Thời đó, cũng có vị phân biệt những phần « quí » và nhng phần « không đáng kể » của người phụ nữ (như Firenzuole, trong cuốn sách « Discours sur la beauté des dames », dịch thoát nghiã là « Bàn về sắc đẹp phụ nữ », viết năm 1576) : phần « quí » là phần trên vì nhìn thấy, như mặt, ngực được phô bày, phần « không đáng kể » là phần dưới vì có áo, váy che đi. (Chao ôi, bỏ phí quá !). Ngày nay thì khác, người ta có che nửa dưới đâu ; người đẹp thì phần dưới có khi lại đáng « quí » hơn phần trên !

            Thanh cũng có mà tục cũng có thể có. Tục nhưng không lấn sang địa bàn người khác, có lẽ còn hơn thanh mà có lấn. Câu « Gái một con, nhìn mòn con mắt », hay câu « Cơm chín tới, cải vồng non, gái một con, gà nhảy ổ. Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ », xem chừng như có lấn vì có ý thèm trong đó?

 

Tôi bảo :

            Thôi « vị » ơi, sắc đẹp đâu chỉ có vậy, còn sự « hấp dẫn » khác nữa chứ, mà cũng không hẳn là cái duyên thôi đâu. Chuyện Tàu, chuyện Tây, chuyện Ta đều có hết.

 

Y đáp:

Đúng là chuyện Tàu đâu có thiếu gì. Thời Chiến quốc, nước Trần, có nàng Hạ Cơ (vốn là gái nước Trịnh). Nàng này mắt phượng mày ngài, dung nhan tuyệt mỹ, lại có tài làm mê mẩn tình nhân. Năm mới 15 tuổi, Hạ Cơ nằm mộng thấy một chàng trai mũ ngọc, áo bào, tự xưng là thượng giới thiên tiên, đến giao hoan với mình, rồi truyền cách hấp tinh đạo khí rất thần diệu. Hạ Cơ có mấy đời chồng, người nào cũng kiệt sức chết non. Nàng có một con trai, cho học nơi xa, để mình tiện bề trăng gió. Hai quan đại phu nước Trần là Khổng NinhNghi Hàng Phủ hay qua lại, Nghi Hàng Phủ khỏe hơn nên được yêu hơn, Khổng Ninh có ý ghen nên mới « tiến dẫn » nàng cho vua Linh Công. Vua hỏi : « Trước đây, ta có nghe nói sắc đẹp của Hạ Cơ, nhưng nay nàng đã trên bốn mươi, hoa đào đang độ tháng ba thì còn đâu là xuân sắc ? ». Khổng Ninh nói : « Chúa công lầm rồi, nàng ấy giữ sắc đẹp rất khéo, nên vẫn còn đậm đà như tuổi đang xuân. Vả lại ngựa thuần mới là ngựa quí ». Vua tôi hú hí, con trai Hạ CơHạ Trung Thư mới căm giận lập kế giết vua Linh Công. Khuất Vu là quan nước Sở nghe đồn Hạ Cơ đẹp, mà nghề chơi có nhiều cách lạ, lòng ước ao, mới xúi vua Sở Trang vương đem quân giết « nghịch thần » nước Trần là Hạ Trung Thư. Phá nước Trần xong, chiếm được Hạ Cơ, vua Sở muốn « dùng », Khuất Vu mới can rằng : « Không nên ! Người đàn bà này là vật bất tường. Ai gần gũi nàng đều mang họa cả ». Vua Sở bị can, đành chịu bỏ, nhưng lại nói : « Tuy nhiên, nếu sắc đẹp ấy mà bỏ không, ắt gây rắc rối trong thiên hạ , chi bằng tìm cho nó một người chủ là hơn ». Nói rồi đem gả Hạ Cơ cho một tướng già là Tương Lão. Khuất Vu rất tiếc, nhưng chưa tuyệt vọng, mới nghĩ thầm : « Tương Lão chịu với Hạ Cơ thế nào nổi, chỉ vài tháng rồi nàng lại góa chồng, lúc đó ta sẽ tính ». Ít lâu sau Tương Lão chết, Hạ Cơ tư thông với con trai Tương Lão. Khuất Vu vẫn thèm, nên mới tâu với vua Sở : « Hạ Cơ vốn là gái nước Trịnh. Nay xin cho nàng trở về sống ở nước cũ ». Vua Sở nghe theo. Ít lâu sau, Khuất Vu mượn cớ xin đi sứ, sang nuớc Trịnh cưới Hạ Cơ, rồi mang nàng trốn sang nước Tấn.

 

Tôi :

            Cũng có người cho rằng cái đẹp không phải là quan trọng lắm. Sự hấp dẫn có thể ở điểm khác. Dù tôi có chút hoài nghi, cũng vẫn xin kể : Hứa Doãn là người đời Tống bên Tàu, có văn tài, đỗ cao, làm quan có tiếng. Thuở trẻ lấy vợ, lúc mới cưới xong, thấy vợ xấu muốn bỏ, bèn hỏi vợ rằng : « Đàn bà có tứ đức, nàng được mấy đức ? ». (Nhắc lại là theo mấy nhà Nho thuở trước thì người đàn bà phải có bốn đức là « công, dung, ngôn, hạnh » ; dung là cái vẻ bề ngoài, tức là sắc đẹp. Cái ông Hứa Doãn này nêu cái sắc đẹp để tìm cớ đuổi vợ). Bà vợ mới trả lời : « Trong bốn đức, tôi chỉ kém cái « dung » mà thôi ». Và hỏi chồng :  « Kẻ sĩ có bách hạnh, chàng được mấy hạnh ? ». (Bách hạnh đây là trăm nết hay). Chồng trả lời : « Ta đây đủ cả bách hạnh ». Vợ mới nói : « Trong bách hạnh, thì « đức » là đầu. Chàng là người hiếu sắc, không hiếu đức, sao lại bảo là đủ cả bách hạnh được ? ». Chồng « cứng họng » không trả lời được, đã không bỏ được vợ mà lại phục vợ. Đó là trường hợp được nêu ra làm điển hình của « cái nết đánh chết cái nhan ». Có điều là đấy là sự tính toán cân nhắc, chẳng phải là tình yêu.

 

Y :

            « Vị » nói đúng. Vả lại thuở ấy, chế độ đa thê thịnh hành, có giữ bà vợ xấu cũng chẳng hại gì, nếu cần « làm bổn phận » với vợ thì cũng có thể dùng nàng hầu đẹp « kích thích » giúp trước.

 

Tôi :

            Lại có chuyện Lư phu nhân bên Tàu, vợ ông Phòng Huyền Linh đời Đường, là người tuyệt đẹp và có đức hạnh, ông yêu lắm. Lúc ông còn trẻ, chưa làm nên, một lần ốm nặng tưởng chết, thương vợ trẻ trung, nếu mình chết đi, ở góa thì tội nghiệp, mới bảo vợ rằng : « Tôi bệnh nguy quá, nếu chết đi, nàng còn tuổi trẻ, không nên ở vậy ; nên tái giá và ăn ở tử tế với người chồng sau ». Bà vợ khóc nức nở,  rồi lấy dao tự khoét một mắt đi, để chứng tỏ cho chồng biết rằng mình sẽ không lấy ai nữa. Ít lâu sau, may ông khỏi bệnh. Rồi ông thi đỗ làm quan, dần dần đến chức tể tướng, nhưng một lòng yêu mến kính trọng Lư phu nhân, không hề lấy người tì thiếp nào cả. Người ngoài không biết tình tiết, cho rằng tại Lư phu nhân có tính ghen. Vua Đường Thái Tông muốn thử lòng Lư phu nhân, một hôm bảo Hoàng hậu gọi bà vào bảo : « Các quan to thường có tì thiếp. Nay Vua muốn ban cho chồng bà một người mỹ nữ ». Bà nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng: « Không ghen, vâng mệnh, thì sống ; ghen thì chết ». Rồi sai người hầu đưa cho bà một chén rượu, giả làm thuốc độc, bảo : « Không vâng mệnh thì sẽ phải uống chén thuốc độc này ». Bà cầm chén rượu uống hết ngay. Vua thấy vậy, nói : « Ta cũng phải sợ [bà ấy], huống hồ là Phòng Huyền Linh ». Tôi kể nhưng không muốn luận bàn.

 

Y :

            Nói chuyện ghen tuông, không quên nói cái chuyện cái « khố giữ trinh » (ceinture de chasteté). Theo truyền thuyết thì cuối thời Trung cổ châu Âu, mấy tay hiệp sĩ (chevaliers) tham dự các cuộc viễn chinh chữ thập (croisades) ở Cận Đông – thế kỉ 11, 12, 13, tất cả có chín cuộc croisades của phương Tây Ki-tô giáo, sang Cận đông nhằm « giải phóng » Thánh địa khỏi tay Hồi giáo –  trước khi đi xa, sai làm cái khố bằng sắt, bắt vợ đeo vào rồi khóa lại, mang chìa khóa theo mình, để vợ ở nhà khỏi ngoại tình ; người vợ phải chịu như vậy có khi hàng mấy tháng hoặc hàng mấy năm. Bẩn thỉu và khổ sở thây kệ. Nghe mà khiếp.

 

Tôi :

            Ta cũng nên thận trọng vì chuyện giả chuyện thật cũng lẫn lộn nhiều đấy. Có người bảo rằng có thể gốc của chuyện này là một câu chuyện tình thanh và lý tuởng hơn, được kể trong một « lai » của nữ thi sĩ Marie de France (1154-1189 ; tiếng Pháp « lai » trong trường hợp của bà này nghĩa là một tình sử huyền diệu viết bằng thơ, mà gốc là những « bài hát kể chuyện » của xứ Breton) : một cặp tình nhân yêu nhau đắm đuối, thề nguyền thủy chung ; nàng thắt một cái nút ở dưới áo chàng, và chàng thắt một cái nút vào cái khố của nàng, và tin tưởng rằng không thể có ai gỡ được các nút này ra, nếu không dùng dao hay kéo để cắt, vì chỉ có chàng và nàng mới biết cách gỡ nút ; và như vậy chỉ có nàng và chàng mới nhận được ra nhau. (Chuyện cũng kỳ : hay là họ chỉ gặp nhau trong đêm tối ?). Lại có người giải thích gốc gác câu chuyện xuất phát từ mấy tu sĩ nam hay nữ đeo một cái dây lưng để tự răn (?). Thế rồi dần dần biến ra chuyện cái khố ngăn dâm gán cho cuối thời Trung cổ. Theo lời kể, có hai bảo tàng một thời trưng bày hai cái khố này, sau lại rút đi vì phát hiện ra là đồ giả, làm vào thế kỉ 19.  Cũng có thuyết cho rằng vào những thế kỉ 15, 16, ở Firenze (Ý), do loạn li, và đường xá đi lại thiếu an toàn, chính mấy bà phụ nữ đặt hàng mấy cái khố này để tự bảo đảm cho mình khi di chuyển. Cũng lại có sự việc đào thấy một cái xác một phụ nữ mang cái khố giữ trinh bằng sắt, nhưng đó là vào thế kỉ cuối thế kỉ 16 đầu thế kỉ 17 gì đó. Cũng có người kể là theo cuốn sách « Les Vies des Dames Galantes » (dịch thoát nghĩa là : Cách sống của mấy bà điếm đàng) của Pierre de Bourdeille de Brantôme (1540-1614), ông này có kể rằng cái khố giữ trinh xuất hiện ở Pháp dưới thời vua Henri II (trị vì từ 1547 đến 1559) : có một người lái buôn đem bán ở chợ ; có mấy ông chồng ghen tuông mua về khóa vợ, nhưng mấy bà vợ lén sai người làm cái khóa thứ nhì cho riêng mình. Sau dân chúng phẫn nộ, hủy loại hàng này và đe giết người bán. Mấy sử gia ngày nay thì cho rằng cuốn sách va dẫn trên không đáng tin. Cũng không loại trừ khả năng là chuyện cái khố giữ trinh này là có thật trong vài trường hợp lẻ tẻ, nhưng không phải là phổ biến. Cũng là chuyện bát nháo. Có lẽ câu hỏi đáng chú ý là tại sao người ta lại gán gốc gác của cái khố này cho thời cuối Trung cổ, trong khi các tài liệu hay « bằng chứng » thường thuộc về thời Phục hưng (thế kỉ 15, 16) hay sau đó ? Có người giải thích rằng cần phải có một khung cảnh phù hợp thì mới kích thích trí tưởng tượng của người ta : thế kỉ 11, 12, 13 là thế kỉ của các cuộc viễn chinh chữ thập, chồng đi xa lâu, vợ trẻ ở nhà. Đồng thời cũng đổ cho thời Trung cổ những gì đen tối nhất, tuy thực tế không hẳn vậy. Nhưng như đã thấy trên, lý luận một chút, thì thấy khá phi lý ; khi ông chồng đi vắng lâu như vậy, bà vợ nếu muốn, có thể dễ dàng gọi một người thợ rèn vào làm một cái chìa khóa khác để mở ra : « Mở ra rồi lại khóa vào như chơi ! ».

 

Y :

            Giờ ta nói sang chuyện tình đi. Chuyện tình ta cũng có nhiều : nào là Trương Chi-Mỵ nương ; Mị Châu-Trọng Thủy ;  Tiên Dung- Ch Đồng Tử ; Huyền Trân công chúa- Trần Khắc Chung ; bố mẹ Nguyễn Trãi ; vua Mạc Mậu Hợp bị mất ngôi vì toan tính cướp vợ của Bùi Văn Khuê làm ông này bỏ chạy hàng Trịnh Tùng ; chúa Trịnh Sâm mê bà chúa Chè Đặng Thị Huệ, gây ra loạn trong nhà, vv. Nhắc lại cũng nhàm. Chuyện Tàu cũng đã nghe nhiều. Kể vài chuyện nước khác xem sao.

 

 

Tôi :

            Ấn Độ có cái Taj Mahal đấy. Nhắc lại trong ba thế kỉ (từ 1526 đến 1857) triều đại trị vì Ấn Độ là triều đại Moghols, mà người sáng lập là hoàng đế shah Baber (còn gọi là Babur). Ông này tự nhận mình là dòng dõi của Timur Leng phía cha (cháu 5 đời) và dòng dõi Thành-cát-tư hãn phía mẹ (không biết có phải thc thế không, hay là thấy sang bắt quàng làm họ), nhưng tóm lại là ông ta người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, theo đạo Hồi, chiếm được phần lớn Ấn Độ. Tiếp đó vào thế kỉ 17, hoàng đế shah Djahan (1628-1657) có bà vợ là Arjumand Banu, được rất yêu, gọi là Mumtaz Mahal. Năm 1631, Mumtaz Mahal chết khi đẻ người con thứ 14. Tương truyền rằng hoàng đế Djahan đau buồn, không ra khỏi phòng trong tám ngày; khi ra triều trở lại thì râu tóc đều đã bạc phơ. Để tưởng nhớ người vợ yêu, ông ra lệnh xây một cái lăng ở gần kinh đô Agra : đó là Taj Mahal, một công trình kiến trúc đồ sộ  bằng đá cẩm thạch trắng, mà cái vòm của phần trung tâm cao 56m, giữa 17 hec-ta vườn hoa cây cỏ và các công trình phụ. Có nguồn ghi là phải huy động tới hai vạn thợ và hơn một nghìn súc vật như voi, ngựa, trâu, lạc đà, để xây cất trong 10 năm mới xong (có nguồn nói là xây cất lâu khoảng 16 năm). Từ lâu đài-đồn lũy đá đỏ (tiếng Pháp gọi là « Fort rouge ») nơi ngự của hoàng đế, có thể nhìn thấy Taj Mahal. Người ta tán dương cái đẹp và vẻ nên thơ của công trình này, biểu hiện của tình yêu, thương nhớ ; nhà thi sĩ Ấn Độ Rabindranath Tagore (giải thưởng Nobel văn học 1913) ví Taj Mahal như « một giọt nước mắt trên má của thời gian ». Tôi không muốn phụ họa. Cách đây gần 30 năm, nhân một chuyến đi dự hội nghị khoa học ở New Delhi, vợ chồng tôi có « lẻn » vắng mặt một ngày, tránh không đi chung với những người khác, thuê một chiếc xe hơi riêng đi thăm Taj Mahal. Từ cung điện trong Fort rouge ở Agra nhìn sang, do phong cảnh không hữu tình, cũng không có « ấn tượng » lắm. Nhưng đến tận nơi, mới thấy hết sự đồ sộ, sự cầu kỳ, tinh vi của Taj Mahal này. Ba ý nghĩ ập đến với tôi lúc đó :  1/ Phải yêu lắm –  (sắc đẹp có lẽ không phải lý do chính trong trường hợp này, khi yêu một người phụ nữ đã đẻ 14 lần) – mới cho xây cất một công trình như vậy. 2/ Sao ở khắp xứ sở này, người ta đã thực hiện biết bao nhiêu công trình cho người chết, mà lại nghĩ ít thế đến tình cảnh của người sống ? (Tôi còn nhớ thuở ấy đi ngoài đường, có một người đàn bà giắt một bé gái nhỏ chng 3 tuổi – hay là nhiều tuổi hơn nhưng trông như đứa bé lên 3 –  thấy vợ chồng tôi, đứa bé buông tay mẹ, đến quì hôn chân vợ tôi rồi chìa tay xin tiền. Tôi nghĩ sắt đá cỏ cây cũng phải động lòng, vậy mà sao có những người cầm quyền vẫn có thể thản nhiên ?).  3/ Đã bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và máu đã chảy ở hàng vạn người, để thỏa mãn tình yêu của một người ? (Theo một nguồn kể, shah Djahan vời nhà kiến trúc sư Ba-tư nổi tiếng nhất thời đó là Usad Ahmad đến, nhưng sai người giết vợ ông ta để ông ta cảm thấy nỗi đau khổ mất vợ như thế nào, để đổ tất cả tình cảm và tâm trí vào việc thực hiện công trình này. Thực hay bịa ?).

                Cũng có lời đồn rằng hoàng đế shah Djahan cũng có ý định cho xây cất một lăng mộ tương tự cho chính mình, nhưng bằng cẩm thạch đen. Nhưng ý định đó không bao giờ được thực hiện. Lý do là shah Djahan có ý định truyền ngôi cho người con cả là Dara Shikok (còn gọi là Shekuh), nhưng người con thứ ba là Aurengzeb không chịu như vậy. Aurengzeb liên kết với các người anh em khác để loại người anh cả, gây ra cuộc chiến tranh cốt nhục tương tàn, và sau khi giết được Dara Shikok rồi thì lại loại các anh em khác, rồi tiến vào kinh đô Agra, truất ngôi của cha, tự lập mình làm hoàng đế năm 1658, giam cha ở trong cung trong 8 năm đến lúc chết. Trong 8 năm đó, shah Djahan cũng còn có thể, từ cung điện trong Fort rouge, nhìn thấy Taj Mahal phía xa để tưởng nhớ đến người vợ yêu. Hoàng đế Aurengzeb là người ngoan đạo, sùng tín, không khoan dung như những vua trước, bắt ép dân chúng phải theo đạo Hồi, gây nên nhiều cuộc chống đối, nên sau hơn 50 năm trị vì, triều đại này dẫn đến suy thoái, các hoàng đế nối nghiệp kém cỏi, sau  dần dần đưa đến sự có mặt của Pháp, rồi nhất là của Anh trên lãnh thổ này. Nên nghĩ gì về tình yêu trong khung cảnh đó?

 

Y:

            Xa hơn về phía Tây, có chuyện tình «Romeo và Juliet » đó. Hai nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên trong một truyện ngắn của một nhà văn Ý, thế kỉ 15., nhưng chỉ thực sự được thiên hạ biết đến qua tác phầm viết khoảng năm 1595) của William Shakespeare (thi hào người Anh 1564-1616). Nội dung câu chuyện tóm tắt như sau. Ở thành phố Verona (Ý) thưở xưa có hai gia đình thù địch : MontaiguCapulet. Gia đình Capulet tổ chức một buổi khiêu vũ giả trang (bal masqué) để con gái là Juliet gặp hầu tước Paris, người đã hỏi xin cưới Juliet làm vợ. Romeo và hai người bạn, vì một lý do tìm người quen, lẻn vào dự buổi này. Và do sự tình cờ RomeoJuliet gặp nhau,  và mê nhau thắm thiết, mà cũng thảm thiết khi phát hiện rằng mình thuộc hai gia đình thù địch nhau. Nhưng Tybalt, một người anh họ của Juliet, nhận ra Romeo. Quá yêu Juliet, hôm sau Romeo năn nỉ nhờ sự giúp đỡ của cố đạo Laurent. Ông này nhận giúp cặp uyên ương. Cũng vào lúc đó, Tybalt đi tìm Romeo để đòi đấu kiếm tay đôi để rửa nhục (duel); Romeo từ chối ; nhưng Mercutio bạn của Romeo thấy bị khiêu khích, nhảy vào đấu thay và bị Tybalt đâm chết. Romeo đau đớn vì bạn, rút kiếm đấu và giết Tybalt.  Hai gia đình kiện lên ông hoàng xứ này, ông này tha tội chết cho Romeo nhưng xử đày đi xa. Romeo than vãn, cho rằng xa Juliet thì thà chết còn hơn. Bố Juliet, vì thấy con gái sầu thảm, nên ép phải nhanh chóng tiến hành đám cưới với hầu tước Paris. Juliet lẻn trốn đến nhà cố Laurent. Trước sự tuyệt vọng của Juliet, ông này đề nghị một giải pháp: cho Juliet uống một liều thuốc, có hiệu quả là làm cho nàng này giống như người chết trong một thời gian, để rồi khi đem « chôn » nàng ta trong mộ xây của của gia đình, sẽ báo cho chàng Romeo đến đón khi nàng tỉnh dậy. Juliet uống liều thuốc rồi, sự việc diễn biến đúng như dự định, trừ khâu chót. Bị đày ở xa, Romeo không được báo trước tình tiết bí mật ; khi được tin Juliet « chết », chàng lẻn về viếng mộ Juliet, tình cờ gặp hầu tước Paris mang hoa đến viếng mộ Juliet . Đôi bên đấu kiếm, Paris bị thương và trước khi chết, yêu cầu Romeo mang mình đến gần thây Juliet. Chàng Romeo nhận lời; và trước « xác » của Juliet, thấy vẻ đẹp yêu kiều của nàng, hôn nàng rồi uống thuốc độc thật tự tử. Khi cố đạo Laurent tìm đến mả Juliet, thì phát hiện ra xác Paris rồi xác Romeo. Khi Juliet tỉnh dạy, nàng đau đớn than vãn, và tự tử bằng dao găm của chàng Romeo. Cố Laurent đem sự tình kể lại với ông hoàng và gia đình đôi bên. Trước thảm kịch đó, hai ông bố nguyền rủa sự thù nghịch vô nghĩa của hai dòng họ, và quyết định hòa hảo với nhau, và hứa đúc hai pho tuợng vàng cho « cặp tình nhân của thành Verona ». Câu chuyện lỉnh kỉnh có vậy, nhưng nổi tiếng khắp năm châu bốn biển có lẽ vì do tác giả là William Shakespeare.

 

Tôi :

            Có danh tiếng nên mới có người hưởng ứng : nhà soạn nhạc Berlioz cũng từ đó mà viết bản nhạc giao hưởng (symphonie dramatique, 1839), Nhà soạn nhạc Gounod  viết bản nhạc kịch (opéra, 1867), nhà soạn nhạc Prokofiev bản nhạc kịch múa (partition de ballet, 1938) trên đề tài này.

 

Tôi nói tiếp :

            Xa hơn nữa về phía Tây cũng lại có « Tristan et Iseult », mà câu chuyện tình này xem ra cũng phức tạp lắm, vì có nhiều bản / dị bản. Thoạt đầu là truyền khẩu, và vài di tích như một hòn đá khoảng thế kỉ thứ V trên có ghi chữ « Drvstanvs »  (Tristan). Có bản viết của Chrétien de Troyes và bản viết của de la Chièvre (đầu thế kỉ 12) nay đã thất lạc. Còn lại hai bản cổ nhất là :  bản của Béroul (viết khoảng giữa 1150 và 1190), mất đầu mất đuôi, chỉ còn quãng giữa khoảng 4 ngàn câu thơ; một bản của Thomas viết năm 1173, với nhiều dị bản, đôi khi trái ngược với bản của Béroul. Câu chuyện kể ngày nay là từ hai bản đó mà ra, được thêm thắt bởi những mẩu của nhiều tác giả khuyết danh. Chuyện đại khái như sau:

            Vua Rivalen xứ Loonois giúp vua Marc xứ Cornwall (tây nam nước Anh, tiếng Pháp là Cornouailles, không phải là Cornouaille ở Pháp) đánh giặc, do đó có dịp gặp Blanchefleur, em gái vua Marc. Đôi bên yêu nhau, rồi cưới nhau. Nhưng Rivalen phải về nước mình dẹp loạn, mang theo vợ đã có mang. Chẳng may, vua Rivalen tử trận ; ba ngày sau, Blanchefleur đau buồn, cũng chết theo sau khi đẻ một đứa con trai, đặt tên là Tristan (tiếng Pháp, « triste» nghĩa là buồn). Mồ côi, Tristan được một người tên là Gouvernal nuôi dạy. Tristan bị bọn lái buôn Na-uy bắt cóc rồi bỏ rơi ở xứ Cornwall . Nhờ có tài đàn hay, đánh kiếm giỏi, chàng được vua Marc chú ý. Gouvernal đi tìm, thấy  chàng ở Cornwall, kể cho vua Marc biết chàng chính là con em gái vua. Vì vậy mà vua yêu dùng Tristan. Thuở ấy, xứ này hàng năm phải cống một món tiền lớn cho Morholt, một khổng lồ. Tốn kém, nhưng không ai dám cưỡng, chỉ có Tristan tình nguyện đấu với Morholt, giết được hắn, nhưng bị thương nặng chắc chết, vì gươm của Morholt có tẩm thuốc độc. Tristan một mình mang đàn mang gươm, lên một chiếc thuyền không buồm không lái, mặc cho thuyền trôi trên biển để đợi chết. Số phận run rủi chiếc thuyền trôi đến xứ Ái-nhĩ-lan. Bà hoàng xứ này nghe thấy đàn hay, rất thích, hứa sẽ chữa cho chàng khỏi với điều kiện là chàng phải dạy đàn cho con gái bà là Iseult. Biết bà hoàng này chính là em gái của Morholt mà mình đã giết, Tristan phải giấu tông tích thật của mình. Được chữa khỏi, chàng trở về xứ Cornwall.

             Những quần thần của vua Marc vốn ghét Tristan e rằng vua một ngày kia sẽ chọn Tristan nối ngôi ; họ xúi vua nên cưới vợ để có con nối dõi. Vua Marc đồng ý, nhưng muốn lấy cô gái đẹp nhất thế gian, cô gái tóc vàng mà một con chim én đã đặt một sợi tóc bên cửa sổ nhà vua. Để đẩy chàng đi xa, quần thần xui vua trao sứ mạng cho Tristan đi tìm cô gái tóc vàng kia. Tristan nhận ra cái tóc kia là của Iseult, nên nhận lời.  Giả làm một lái buôn, chàng trở lại xứ Ái-nhĩ-lan và được biết là có một con quái (con « rồng tây » , dragon !) mỗi ngày cướp đi một cô gái. Bà hoàng x này hứa ai giết được con quái này thì sẽ gả Iseult cho. Tristan tình nguyện đi, và giết được con quái, cắt lưỡi nó để mang về làm bằng chứng. Nhưng lưỡi con quái phát ra khí độc làm chàng ngất đi. Khi đó một chàng trai khác mê Iseult, lẻn đi theo, lợi dụng lúc Tristan bị ngất, cắt đầu con quái mang về nhận công. Nhưng chàng này vốn mang tiếng là người nhát, nên triều thần không ai tin. Để biết rõ sự thật, Iseult cùng thị nữ là Brangien quyết định đến tận nơi để xem thực hư thế nào, và tìm thấy Tristan đang ngất. Nàng cứu chàng khỏi, nhưng khi lau gươm của chàng, nàng phát hiện ra rằng cái vết mẻ của gươm phù hợp với vết tử thương ở đầu Morholt, cậu nàng. Nàng cầm gươm định giết chàng, nhưng chàng thuyết được nàng rằng chàng giết cậu nàng trong một cuộc đấu đàng hoàng chính trực. Nàng do dự, và rốt cục nàng sợ phải lấy cái anh chàng nhát cắt đầu con quái, nên nàng ưng thuận để Tristan sống. Nhờ cái lưỡi rồng làm bằng chứng, vua Ái-nhĩ-lan nhận gả Iseult cho Tristan. Lúc đó chàng mới thổ lộ sự thật rằng chàng có sứ mạng đi hỏi cưới Iseult cho vua Marc, và qua sự thông gia này hai xứ sẽ chuyển từ thù địch thành thân thiện. Nàng Iseult thì phiền lòng vì chàng hỏi cưới mình cho người khác. Mẹ nàng lo ngại cho tương lai của nàng, mới trao cho thị nữ Brangien một liều thuốc bùa yêu, dặn để kín đáo cho vua MarcIseult uống : liều thuốc sẽ làm cho cặp vợ chồng gắn bó yêu nhau suốt đời.

            Trên thuyền trở về Cornwall, TristanIseult khát nước, thị nữ Brangien dâng nhầm liều thuốc bùa yêu cho hai người. Trót uống rồi, hiệu quả bắt đầu. Brangien đành thú s thật với hai người. Tristan cố cưỡng, vì lòng trung thực với vua Marc, nhưng cả chàng và nàng đều không cưỡng nổi bùa yêu, và sau ba ngày thì sự gì phải đến đã đến, hai người trở thành tình nhân.

            Về đến Cornwall, vua Marc tiếp đón Iseult, lễ cưới nhà vua và nàng được tổ chức linh đình. Nàng này mưu mô tính toán khá nhiều : nàng thuyết được thị nữ Brangien lẻn vào giường vua đêm tân hôn để « thế thân » cho nàng, nên nhà vua ngỡ nàng còn trinh. Vua và triều thần chẳng ai biết gì, nhưng Iseult vẫn sợ Brangien tiết lộ bí mật, mới giả vờ sai thị nữ này vào rừng hái lá thuốc đồng thời lén sai hai đầy tớ đi theo để giết cô này. Nhưng hai người này hiểu lòng tốt của cô ta, nên tha không giết. Rồi rốt cục hai nàng lại hòa với nhau, thề thốt thủy chung mãi mãi ! Trong mấy tháng, TristanIseult lén lút với nhau mà vua không biết. Nhưng những người cận thần nói mãi, vua cũng nghi, mới tạm đày chàng xa kinh đô. Để thử cặp này, vua giả vờ đi săn vắng vài ngày. Chàng và nàng hẹn gặp nhau trong rừng ; vua rình nơi hẹn, nhưng chàng và nàng đoán trước nên giả bộ chỉ nói những chuyện tào lao ; vua ngỡ lòng họ ngay thật, nên lại cho phép Tristan trở về triều. Chàng và nàng lại lén lút yêu nhau. Nhóm cận thần vẫn không chịu thua ; họ bày kế cho vua : vua sai Tristan đi xa thực hiện một s mạng ; trước khi đi, thế nào chàng cũng tìm cách gặp nàng ; vậy nên rắc bột trên giường và quanh giường của nàng, nếu chàng mò đến, tất để lại giấu vết. Quả vậy, đêm chàng mò vào, nhảy phốc lên giường nàng, chẳng may một vết thương cũ rách ra, để lại vết máu. Sáng ra, vua và cận thần vào soát, chàng không còn đấy, nhưng vết tích rành rành, chàng và nàng bị kết án tử hình. Khi quân dẫn Tristan tới đàn hỏa thiêu, chàng tán được mấy người lính này cho chàng ghé vào cầu Chúa Trời một lần chót ở một nhà thờ trên đỉnh núi ; rồi lợi dụng cơ hội nhảy qua cửa sổ xuống biển trốn thoát. Còn nàng thì được một nhóm người hủi thuyết vua rằng có một hình phạt nặng hơn tội bị thiêu : đó là bắt nàng sống chung với họ (thuở ấy, người ta sợ bệnh hủi đến mức người hủi phải sống trong trại biệt lập). Vua nghe lời, trao nàng cho họ. Nhưng chàng Tristan, với sự đồng lõa của người thày cũ Gouvernal, cứu được nàng ra ; và hai người sống lén lút trong rừng. Một bữa, có người hầu của vua bắt gặp chàng và nàng đang ngủ trong rừng, về báo với vua ; vua vội tới kiểm thì thấy họ đang ngủ, nhưng giữa họ có để thanh gươm của chàng, « chứng tỏ » rằng họ « trong trắng ». Nhưng vua cũng muốn cho họ biết rằng vua có tới ngó, nên vua thay cái gươm của vua với cái gươm của chàng, và cái nhẫn của vua với cái nhẫn của nàng. Khi tỉnh dậy, chàng và nàng cũng cảm động trước thái độ khoan dung của vua. Chàng thì cầu Chúa Trời cho mình có đủ can đảm để trả nàng cho vua, còn nàng thì cũng tiếc cuộc sống êm ái trong triều. Họ tâm sự và hỏi ý một ẩn sĩ, vị này khuyên nàng nên về triều và ông ta thuyết được vua là nàng vẫn « trong trắng ». Thế là nàng được về với vua, nhưng để « chứng minh » rằng nàng không tội lỗi, nàng phải lội qua một cái vũng hiểm. Nàng lén nhắn chàng giả dạng làm người hủi, chàng giúp nàng lội qua nổi cái vũng hiểm đó bằng cách công kênh nàng trên vai mình, và sau đó nàng có thể thề thốt với vua và triều đình rằng trừ vua và « người hủi » đó, không ai mó đến người nàng. Nàng này thật lắm mưu : thực vậy mà không phải vậy ! Tiếp đó, Tristan lại được về triều. Chàng và nàng lại lén lút yêu nhau. Nhóm cận thần vẫn mách với vua ; chàng thù nên giết một số. Nhưng rồi một lần, vua cũng phát hiện ra chàng và nàng ngủ trong một vườn quả, nhưng không có thanh gươm ngăn ở giữa. Lần này, vua hoàn toàn tin rằng chàng và nàng quả thật là tình nhân, và đuổi chàng đi xa.

            Tristan lang thang từ xứ nọ sang xứ kia, rồi đến xứ Bretagne (tây bắc nước Pháp) giúp vua Hoel và hoàng tử Kaherdin dẹp giặc. Để cảm ơn chàng, vua định gả con gái cho chàng. Chàng nhận lời vì nàng này xinh đẹp và vì nàng cũng mang tên là Iseult. Nhưng cưới rồi thì đêm tân hôn, chàng lại hối hận khi nhớ tới mối tình cũ, và từ chối không chịu giao hợp. Nàng giận ; chàng kiếm cớ thoái thác rằng để cảm ơn Đức Bà đồng trinh giúp chàng thắng trận, chàng có lời thề giữ mình « trong trắng » trong một năm. Nhưng sau đó Kaherdin phát hiện ra là đám cưới của em gái mình chỉ là đám cưới « suông », nên nổi giận định giết Tristan. Chàng này đem sự thật ra kể cho Kaherdin nghe : mối tình của chàng với « Iseult tóc vàng » (gọi như vậy để phân biệt với em Kaherdin là « Iseult tay trắng » (Iseult aux Blanches mains). Cảm động, Kaherdin thông cảm với Tristan, giúp chàng này trở lại Cornwall, lại lén lút với nàng « Iseult tóc vàng ». Nhưng chỉ một thời gian sau, sợ tiết lộ, lại phải trốn đi. Trở về Bretagne, Tristan lại có dịp giúp Kaherdin dẹp loạn ; nhưng lần này chàng bị thương nặng bởi một vết giáo tẩm thuốc độc. Biết rằng chỉ có « Iseult tóc vàng » mới biết cách chữa, chàng nhờ Kaherdin sang Cornwall tìm cách đón nàng, và qui ước rằng : khi trở về, nếu đón được nàng, thì thuyền dương buồm trắng ; nếu không đón được nàng thì thuyền dương buồm đen –  (tích này bắt chước cái tích trong chuyện chàng Thésée và con quái Minotaure của Hy-lạp). Không ngờ là nàng « Iseult tay trắng » nghe lỏm được và biết sự thật vì sao chàng Tristan không chịu giao hoan với mình. Kaherdin sang Cornwall, lẻn đón được « Iseult tóc vàng » về, nhưng khi thuyền sắp đến bến, nàng « Iseult tay trắng » nổi ghen vào báo với Tristan rằng thuyền mang buồm đen. Chàng tuyệt vọng, tắt thở chết. « Iseult tóc vàng » tới nơi, nghe tin Tristan đã chết, tìm đến, nằm cạnh xác chàng, rồi cũng tắt thở chết theo chàng.

            Ít lâu sau, vua Marc cho đưa thi hài của cặp tình nhân về xứ Cornwall, và cho chôn hai người trong một nhà thờ – (tục lệ phương Tây hay chôn người quyền quí trong nhà thờ). Rồi một đêm, từ mộ chàng, mọc ra một cây leo, cây này mọc sang chui vào mộ nàng. Dân trong vùng cắt cây này đi, nhưng cây lại mọc như vậy, ba lần cắt, ba lần lại mọc sang mộ nàng. Dân lấy làm lạ tâu lên vua ; vua truyền từ nay đừng cắt nữa.

            Tình sử này đã gợi hứng cho nhà soạn nhạc Wagner viết vở nhạc kịch ba màn « Tristan và Isolde » (1865).

 

Y :

            Tôi xem có vẻ như « vị » kể chuyện tình này, nhưng không thích thú chăng, vì tuy cốt chuyện đầy yêu thương gắn bó nhưng rắc rối, xen lẫn cả gian dối, lừa đảo, mưu mô, giết chóc, mối tình gắn bó lại do bùa yêu. Có lẽ tình yêu thành thật, nếu có là ở phía vua Marc chăng ? Có người cho là thế vậy mới là ham mê, say đắm. Và biết bao tác giả đã luận về tình sử này : nào là lỗi hay không lỗi, tha tội hay không tha tội theo tiêu chuẩn của đạo Ki-tô ; nhóm cận thần mách vua là do ganh tị chứ không phải là do đạo lý ; thái độ của vua Marc là do yếu đuối, chứ không phải vì khoan dung vì dân chúng rất quí Tristan đã cứu dân thoát khỏi sự áp chế của Morholt, vv. Nhưng thôi, ta bỏ qua những lỉnh kỉnh đó. « Vị » có chuyện tình nào êm ái hơn thì kể cho nghe.

 

Tôi :

            Tình yêu của « Orphée và Eurydice » có lẽ là một tình sử thần thoại đẹp. Tôi chỉ giữ phần chính của câu chuyện, mà loại bỏ những chi tiết khác.

            Ở một vùng nước Hy-lạp xưa, có một chàng tên là Orphée đàn giỏi hát hay, có vợ là Eurydice. Vợ chồng yêu nhau thắm thiết. Một bữa chẳng may nàng bị rắn độc cắn chết. Orphée đau đớn khôn nguôi, và quyết định xuống tận âm phủ tìm vợ. Chàng lang thang khắp nơi để tìm đường xuống cõi này, nơi thuộc lãnh vực của « Diêm vương » Hadès và « Diêm vương hậu » Perséphone, hai thần cai quản cõi chết. Tìm mãi không thấy, chàng hát lên nỗi đau khổ tuyệt vọng của mình ; tiếng đàn tiếng hát hay đến mức làm cây cỏ cũng cảm động, rạp xuống để chỉ đường cho chàng xuống cõi âm. Chàng tiến vào không chút nao núng, và trong bóng tối âm u, chợt thấy hiện ra ba cặp mắt sáng rực cản đường : đó là ba cặp mắt của con Chó ngao ba đầu Cerbère gác cổng vào âm phủ. Tiếng đàn tiếng hát của chàng làm dịu Cerbère, nó nhường lối cho chàng tiến vào. Chàng tới bờ sông Styx, con sông của cõi âm. Để qua đựoc sông này, tiếng đàn tiếng hát của chàng làm mủi lòng Charon, người lái đò cõi chết và thuyết phục được vị  này chở chàng qua bờ bên kia. Chàng đi qua vùng những linh hồn người xấu đang vĩnh viễn bị hình phạt ; qua vùng những người không xấu không tốt ; rồi qua vùng của những linh hồn người tốt đang được hưởng cự lạc. Cuối cùng, chàng tới trước nơi ngự của hai thần HadèsPerséphone ; chàng đàn và hát lên nỗi đau khổ của mình, mất đi người vợ còn đang ở tuổi thanh xuân mơn mởn ; chàng van xin cho vợ trở về dương thế ; chàng viện lẽ rồi một ngày kia, đằng nào vợ chồng chàng cũng trở lại cõi âm. Nếu không, cùng lắm, chàng tình nguyện ở lại ngay cõi âm bây giờ để khỏi xa vợ. Mối tình của chàng làm xiêu lòng hai vị thần, và chàng được phép mang vợ trở về cõi sống, nhưng với một điều kiện : trước khi hoàn toàn rời khỏi cõi âm, chàng không được quay đầu lại nhìn vợ. Orphée sung sướng cảm ơn. Theo lệnh của thần Hadès, hồn Eurydice được phép theo chàng. Chồng trước vợ sau lần theo đường trở về dương thế. Ông lái đò Charon chở họ qua sông Styx, con Chó ngao Cerbère nhường lối cho họ đi ; họ đi qua một vùng yên lặng ; gần đến cõi sống rồi, mà sao không có tiếng động nào. Orphée chợt lo lắng, không biết Eurydice có theo kịp mình không, nàng có lạc đường không, và trong cơn hoảng hốt chàng quay đầu lại nhìn xem nàng đâu. Thì chỉ thấy thoáng bóng nàng lướt qua má mình như một cái hôn, rồi tan mất trong bóng tối. Cũng vì yêu, Orphée đã quên lời hứa hẹn với hai vị thần cõi chết, và vĩnh viễn bị mất Eurydice.

           

Orphée và Eurydice, tranh Nicolas Poussin

Tình sử này có một đoạn tiếp theo, không đáng kể. Chuyện « Orphée và Eurydice » gợi hứng cho nhiều tác gi. Trong các tác phẩm nổi tiếng, có thể kể vở nhạc kịch 5 hồi « Orfeo » của Monteverdi (1607), vở nhạc kịch 3 hồi « Orphée » của Gluck (1762), và vở nhạc kịch « giễu nhại » (opéra parodique) « Orphée aux enfers » của Offenbach (1858).

           

            Gió đâu sịch bức mành mành,

            Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.

 

            (Trích từ cuốn sách « Học gần Học xa » của tác giả, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản 2005, Nhà xuất bản Tổng hợp tp HCM tái bản 2006).

 

Hình do Vietsciences minh họa

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Bùi Trọng Liễu