Sáng tạo và tính sáng tạo

Vietsciences-Nguyễn Thùy        19/05/2006    
 

Tính Sáng Tạo trong Thi Ca

A.- Sáng Tạo và Tính Sáng Tạo :
 a) Sáng tạo :
 b) Tính Sáng tạo hay ‘Óc Sáng tạo’, ‘Sáng tạo tính’ nơi con người
 c) Yếu tố phát huy, động viên Tính Sáng tạo
    1) Năng khiếu hay Thiên tư, Thiên bẩm :
    2) Di truyền của dòng họ :
    3) Trí tuệ và Óc Thông Minh :
    4) Tiềm thức, Vô thức, Trực giác , Ký ức, Cảm hứng :
    5) Học hỏi :
    6) Ðam mê và kiên trì :
    7) Bức xúc của cảnh ngộ, môi trường :
    8) Cô Ðơn :
    9) TưởngTượng, Liên tưởng, Trừu Tượng hóa và Tổng Quát hóa :
    10) Can đảm lội ngược dòng :
    11) Sức khỏe, bịnh tật, giới phái, những chất kích thích:
    12) Cơ hội May mắn:
 

  - Tính Sáng Tạo trong Thi Ca

         

A.- Sáng Tạo và Tính Sáng Tạo :

         

          Trước tiên, xin thông qua một số từ ngữ :

 

          a) Sáng tạo :

 

          Từ "Sáng Tạo" (tiếng Pháp : Créer, création) thường được dùng trong Thần Học, Ðạo Học và Hữu Thể học (ontologie, Philisophie de l’Être), có nghĩa  "làm cho một thứ gì từ cái ‘Không gì cả’ (le rien) hay từ Hư không (le néant) trở thành hiện hữu" (acte  de donner l’existence, de tirer du néant – Dict. Le Petit Robert). Rousseau bảo rằng : "Ý niệm sáng tạo là ý niệm theo đó, người ta quan niệm  do một hành động đơn giản của Ý chí, cái ‘Không’ trở thành một thứ gì hiện hữu" (L’idée de création : l’idée sous laquelle, on conçoit que, par un simple acte de volonté, rien devient quelque chose – Le Petit Robert). Ðiều nầy đã trở thành thắc mắc của Leibniz : Tại sao có thứ nầy thứ nọ mà không là không gì cả ?" (Pourquoi y-a-t-il quelque chose plutôt que rien ?).

          Hiểu như thế , mọi thứ trong cõi thế gian tức vũ trụ hiện tượng nầy đều do từ cái ‘Không’ mà ‘Có’ (có thể hiểu đơn giản là từ ‘To Be' sang 'To have’, từ ‘Être' sang 'Avoir’ – To Be hay Être là cái ‘Không’, cái nguyên sơ Tự hữu, To Have hay Avoir là cái Hiện hữu). Các Tôn giáo độc thần quan niện một Thượng Ðế sáng tao ra mọi sự, mọi vật. Thượng Ðế là cách gọi chỉ trạng thái của cái ‘Không nguyên thủy’ đã  tư thân tác động với chính mình để ‘sáng tạo’ (sinh thành) nên vũ trụ, kể cả loài người. Chỉ Thượng Ðế mới có quyền năng sáng tạo đó, nghĩa là Thượng Ðế đã ‘tư hiện hữu hóa’ mình (nói cách khác là ‘tư sắc tướng hóa, tư đối tượng hóa, tự vật chất hóa mình) qua mọi thứ, từ đó sáng tạo nên mọi hiện hữu rồi cư ngụ nơi từng hiện thể, từng sự vật. Phần cư ngụ đó thường được gọi là ‘Thánh Linh’, cái ‘Tính Thượng Ðế’ theo Ki-Tô giáo  hay cái ‘Tâm’ theo Phật giáo. Chính do sư cặp kè giữa ‘Không’ và ‘Có’ tác động nhau mà có diễn tiến sinh hóa của vạn hữu và nhân sinh, nghĩa là có Tiến Hóa  Bên Ðông phương, Lão Tử cũng quan niệm như vậy khi bảo "Hữu sinh ư Vô", cái Hữu sinh từ cái Vô, có nghĩa cái VÔ ‘sáng tạo’ ra cái HỮU và khi đã Hữu rồi thì Vô và Hữu cùng Sinh (Hữu Vô tương sinh), nghĩa là tác động nhau để sinh sinh hóa hóa liên tục. Phật giáo không nói đến Sáng Tạo, không thừa nhận một hành động sáng tạo nào để sinh thành cõi hiện hữu nhưng cơ sở nơi các từ  "Không – Sắc", "Chân không – Diệu hữu", thì mọi hiện hữu cũng do từ cái Không mà Có, cái Sắc do từ cái Không tự ‘sắc tướng hóa’, các Diệu hữu do từ cái Chân không  tự biểu thị mình ra hiện tượng, từ đó ‘sáng tạo’ nên vũ trụ hiện tượng. (theo quan điểm ‘Chân Như duyên khởi’). Cái Không nơi Phật giáo là cái ‘Như Lai thể’, cái ‘Bản lai vô ngã’, cái ‘Chân Như thể’, cái ‘Thể tính chân như’ hay cái ‘Phật tính, Phật tâm’, nói gọn là cái ‘Thể’  thường hằng bất biến tự biểu thị ra Tướng và Dụng nơi mọi sự mọi vật. Cái ‘Thể’ đó  –người viết gọi là ‘Ðạo thể’, triết học Tây phương gọi là ‘Être’, Tôn giáo độc thần gọi là Thượng Ðế-  là Nguồn gốc, là khởi nguyên sinh thành (tức sáng tạo) nên cõi hiện hữu hay cõi Thế gian. Cái Thể đó là một ‘huyền nhiệm’, bất khả tư nghị mà ta chỉ có thể hình dung bằng ý niệm, bằng một giả định của lý trí luận lý.

          Theo Tôn giáo và các môn học nói trên, từ "Sáng tạo" dùng chỉ hành động đặc quyền của Thượng Ðế, của cái Không hay cái Vô nguyên thỉ và hành động ‘Sáng tạo’ chỉ xảy ra một lần, một lần duy nhất.  Không một thứ gì, không một ai đã hiện hữu rồi lại có thể sáng tạo được gì. Con người, dù về mặt nào –khoa học, Triết lý, Chính trị, Kinh tế, Văn học- cũng không thể ‘sáng tạo’ mà chỉ nghiên cứu, tìm tòi để phát hiện, phát minh, sáng chế ra thứ nầy thứ nọ có khác với những cái có trước hay  trước đấy chưa có hoặc chưa ai nghĩ ra.  

 

          b) Tính Sáng tạo hay ‘Óc Sáng tạo’, ‘Sáng tạo tính’ nơi con người (la créativité).

 

          Tính Sáng tạo hay Sáng tạo tính hay Óc Sáng tạo là khả năng được xem là có tính chất sáng tạo trong mọi công trình của con người đã tạo tác nên những gì ‘mới hơn’ so với những cái ‘cũ’ hoặc ‘mới mẻ’ vì chưa có trước đấy. Ðấy là khuynh hướng, là ‘khả năng’ của con người hướng về sáng tạo do thôi thúc phát triển của trí tuệ trong mọi công trình khám phá thiên nhiên cùng khám phá con người để mỗi hiểu biết, mỗi việc làm, mỗi hành động, mỗi sự vụ giải đáp và giải quyết cái sống của nhân sinh càng lúc càng được nâng cao, được mở rộng, được phong phú, tốt đẹp hơn. Chỉ riêng con người mới có Tính sáng tạo hay ‘óc sáng tạo’ vì mọi sinh vật khác dù có biết làm tổ, tích trữ lương thực như một số loài chim, loài kiến, loài ong,…nhưng chúng chỉ có thể làm một công việc duy nhất, không thay đổi, cải sửa, theo bản năng chứ không có tính sáng tạo.

          Nhưng, cần nói rõ,  con người chỉ có Tính Sáng tạo chứ không có quyền năng, không có hành động sáng tạo. Sở dĩ con người không "sáng tạo" được vì mọi công trình của con người không khởi đi từ cái ‘Không’ mà khởi đi từ cái Hữu tức từ những  thứ, những chất liệu đã có. Do đó, mọi thứ do con người sáng chế ra luôn luôn dựa vào một hệ thống qui chiếu nào đấy hoặc cơ sở nơi  thiên nhiên,  nơi môi trường xã hội, nơi lịch sử hay nơi những gì đã có trước, chẳng hạn nơi những thành tựu, những kiến thức đã được tích lũy qua lịch sử. Thuyết ‘Tương đối giới hạn và tổng quát’, cái ‘Không gian cong’, cái ‘chiều thứ tư – thời gian’ cùng biểu thức ‘e=mc2’ mở đầu cho một thời đại khoa học mới cũng không là ‘sáng tạo’ của Albert Einstein vì đều do ông học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi thực tại cùng bao điều đã có trước đấy. Có thể nói, công trình của A. Einstein cùng bao khoa học gia cũng như bao nhà thông thái  trước nay về bất cứ ngành học nào dù về mặt lý thuyết hay thực tiễn cũng không là ‘sáng tạo’ mà chỉ là những ‘phát kiến, phát minh’. Tất cả đều khởi đi từ ‘nghiên cứu, tìm tòi’ rồi tiến đến ‘phát minh, tạo tác’, nói theo tiếng Pháp là từ ‘chercheur’ tiến đến ‘trouveur’. Ðấy là cái Biết theo lối ‘tìm cầu’, cái Biết quy hoạch, tính toán (pensée calculante). Cả giáo lý của Thích Ca, Jésus cũng không là những ‘sáng tạo’ của hai Ngài (ngoại trừ quan niệm Jésus là con độc sanh của Thượng Ðế hay chính là Thượng Ðế) mà do cái Biết bằng ‘thể nghiệm, chiêm nghiệm’ (pensée méditante) mà hai Ngài đã ‘ngộ’ ra đường lối giải thoát, cứu rỗi chúng sinh  cùng lẽ Tiến hóa của vạn hữu và nhân sinh tức Lẽ Ðạo.

          Tóm lại, Tính Sáng tao nơi con người được hiểu qua sự việc ‘phát kiến, phát minh, sáng chế’ (trong Khoa học, Kỹ thuật), ‘thiết lập, thiết dựng, hình thành’ một lý thuyết, một hệ thống tín ngưỡng, một chủ nghĩa’ (trong Triết học, Tôn giáo, Chính trị, Kinh tế), ‘sáng tác, trước tác’ một tác phẩm (trong Văn học, Nghệ thuật). Thông thường, ta thường dùng từ ‘Sáng tạo’ để chỉ những sự việc trên nhưng thực ra đấy chỉ là mang Tính Sáng tạo, có tính cách sáng tạo hơn là hành động sáng tạo. Từ ‘Sáng tạo’ mà ta thường dùng , thực sự chỉ có nghĩa là ‘tạo tác’ tức sư việc hình thành, xây dựng, thể hiện một thứ gì trước đó chưa có (action de faire, d’organiser une chose qui n’existait pas encore – La Petit Robert)     

    

           c) Yếu tố phát huy, động viên  Tính Sáng tạo  (la créatique).

 

           Cũng giống như mọi tính chất khác, Tính Sáng tạo luôn có nơi con người. Thông thường, do một nhu cầu nào đó hay do một khó khăn, trở ngại trong hoạt động, con người thường nẩy sinh óc tìm kiếm một công cụ, một phương thức nào đó để đáp ưng hầu thỏa mãn nhu cầu hay khắc phục trở ngại. Một học sinh ghi một công thức toán học nơi cửa ra vào hay nơi bức tường đối diện với bàn làm việc hay giường ngủ để lúc nào cũng nhìn thấy, từ đó được nhớ mãi, được nhập tâm ; sự việc nầy ít nhiều cũng mang Tính Sáng tạo’ vì biết vận dụng cái nhớ của thị giác (mémoire visuelle) bổ túc cho trí nhớ của bộ óc.

          Ở cấp cao hơn, Tính Sáng tạo do đòi hỏi của tri thức, của tâm linh, cần thiết một số phương cách, điều kiện, kỹ thuật để phơi mở, phát huy..            

          Những yếu tố, phương cách khơi dẫn, động viên, phát huy Tính Sáng Tạo, hay khả năng sáng tạo, có thể kể ra như sau :

        1) Năng khiếu hay Thiên tư, Thiên bẩm :

 

 Năng khiếu hay Thiên tư, Thiên bẩm  được xem là khuynh hướng bẩm sinh nội tại nơi một số người, khiến cuộc sống như được hướng dẫn theo một chiều hướng nhất định và mọi hành động cùng việc làm đều tập trung vào việc thể hiện năng khiếu đó.Ta thường nghe nói : năng khiếu thi ca, năng khiếu nghệ thuật, năng khiếu khoa học, năng khiếu quân sự,….Năng khiếu  cũng là một yếu tố tạo nên Nghiệp như Nghiệp nhà binh, nghiệp nhà võ, nghiệp tu hành, nghiệp nhà thơ, nhà khoa học,…Chúa Jésus, Ðức Phật cũng đã tạo Nghiệp Phật, Nghiệp Chúa cho mình do từ cái Năng khiếu thiên phú (ý tưởng cứu rỗi, giải thoát chúng sinh khỏi tội lỗi, đau khổ). Năng khiếu thường được hiểu là do được mặc nhiên ban cấp bỡi Thượng Ðế hay một Huyền nhiệm, tiếng Pháp gọi là ‘inné’ trái với mọi thứ ta được thụ hưởng bỡi môi trường hay bỡi công phu học hỏi, tiếng Pháp gọi là ‘acquis’. Vì thế, không phải ai cũng được phú cho ‘năng khiếu’. Người có năng khiếu thường không nhiều.

         Những người có sẵn năng khiếu thường thể hiện tài năng rất sớm, nhiều khi ngay từ thưở ấu thơ mà ta thường gọi là ‘thần đồng’, hoặc những kẻ ‘sinh nhi tri chi’. Có thể kể ra : Ở VN, Nguyễn Hiền 12 tuổi đã đỗ Trạng Nguyên, Lê Quí Ðôn làm thơ từ 7 hay 10 tuổi (bài ‘Rắn đầu biếng học lẽ không tha’, người viết không nhớ tên bài thơ), và những ai nữa, người viết không được biết. Ở thế giới : Blaise Pascal, 16 tuổi viết ‘Luận thuyết vê hình chùy’ (traité des coniques), 19 tuổi chế ra ‘máy tính số học’ (machine arithmétique) ; Albert Einstein 26 tuổi phát minh ‘Lý thuyết tương đối giới hạn’ (théorie de relativité restreinte) ; Jean Piaget đã nghiên cứu các loài nhuyễn thể (mollusques : ốc, sò,…) từ lúc 10 tuổi và ấn hành các đề tài về các loài nhuyễn thể nầy vào năm 15 tuổi ; một số đông nhà Toán học như Gauss, Lagrange, Riemann, Monge,…đã có những công trình lớn lao, mới lạ từ 16, 18, 19, 2O tuổi.. Về thi ca, Hội họa, Âm nhạc, cũng nhiều thiên tài rất nhỏ tuổi như Mozart đã sáng tác nhạc từ 7 tuổi, người mà A. Koestler đã bảo : "Với một Mozart, có cả ba Pascal, ba Maxwell hay ba Edison" (Pour un Mozart, il y a trois Pascal, trois Maxwell ou trois Edison  - A. Koestler : The Act of Creation, trích dẫn bỡi Gabriel  et Brigitte Veraldi trong tác ^phẩm ‘Psychologie de la Création, Coll. Marabout Sesvices, Belgique, 1973 ). Còn nhiều nữa mà người viết không nhớ, không biết được hết..

          Tuy nhiên, năng khiếu nhiều khi không xuất hiện ngay vào lúc tuổi nhỏ mà phải sau một thời gian dài sau nầy mới nẩy nở. Lúc đó, năng khiếu càng được phong phú do tích lũy kinh nghiệm, suy tư cùng học hỏi. Ðấy là trường hợp những ‘thiên tài nở muộn’ như :

          -Những họa phẩm danh tiếng nhất của Bellini được tạo tác vào những năm 75, 77 và 83 tuổi ;

              -Cervantès hoàn thành phần II của tác phẩm Don Quichotte vào lúc 68 tuổi ;

          -Nhà Toán học Euler được vinh danh tài năng vào năm ông 76 tuổi ;

          -Rossini sáng tác nhạc khúc lẫy lừng ‘Petite Messe solennelle’ lúc 72 tuổi ;

          -Benjamin Franklin chế tạo ‘thấu kính hai tiêu điểm’  (lentilles à double foyer) lúc 75 tuổi (xem Psychologie de la Création, sđd, trang 84). 

 

          2) Di truyền của dòng họ :

 

 Dữ kiện di truyền thường do huyết thống của dòng họ hay do nếp sống văn hóa qua lịch sử một gia hệ, một dân tộc cũng hầu như mặc nhiên  hướng dẫn cuộc sống con người  và cuộc sống của cả dân tộc theo một chiều hướng khó lòng thay đổi. Xin không nói đến tính cách di truyền do các di thể (gènes) theo Di Truyền Học (la génétique) vì người viết không mấy kiến thức. Dữ kiện di truyền của dòng họ tuy không nhất thiết nhưng cũng góp phần giúp cho Tính Sáng tạo nẩy sinh nơi một số người. Vì thế, ta thấy nơi một số gia đình, nhiều thiên tài kế tiếp nhau.

          -Ở Việt Nam, dòng họ Nguyễn Du bao đời đều lẫy lừng về thi cử đỗ đạt, về Văn nghiệp. Không rõ có dòng họ nào khác nữa không.

          -Ở  thế giới, có thể kể : Dòng họ Dumas ở Pháp với hai cha con đều là nhà văn nổi tiếng ; dòng họ Bertouilli với 3 thế hệ liên tiếp đã cống hiến cho nhân loại bao nhà Toán học thiên tài ; dòng họ Jussieu với 5 nhà Vạn vật học danh tiếng ; dòng họ Huxley ở Anh qua bao thế hệ với những nhà Sinh học, Văn học, Triết học ..Còn nhiều nữa (xem Psychologie de la Crétion, sđd).. Có thể kể dòng họ Kennedy ở Mỹ về mặt chính trị.        

           Cần để ý, do di truyền từ huyết thống (tổ tiên, ông bà, cha mẹ), các thế hệ sau đều được di truyền Óc Sáng tạo nhưng không nhất thiết đều theo năng khiếu của cha ông. Có thể thế hệ sau theo một khuynh hướng nào khác,  trước khi trở lại với khuynh hướng của dòng họ hoặc từ khuynh hướng của dòng họ mà tẻ sang khuynh hướng khác nhưng cũng rất nhiều khả năng sáng tạo.

 

          3) Trí tuệ và Óc Thông Minh :

 

Thông minh là sự sáng láng, minh mẫn, là chức năng của bộ não giúp nhận biết, phán đoán, suy luận, sớm nhận ra những liện hệ nội tại, ngoại tại của sự vật, sự việc, từ đó sớm xoay xở thoát vượt một cảnh ngộ khó khăn, sớm có những phát minh, phát kiến, sáng chế khắc phục một tình thế nan giải  hoặc tìm ra những thứ gì mới mẻ. Trí thông minh thường được hiểu là sự nhanh trí nắm bắt, giải quyết một vấn đề khúc mắc, không cần suy nghĩ lâu lắc. Trường hợp Lương Thế Vinh mới 10 hay 12 tuổi, do một người quăng một trái bòng xuống giếng sâu, rồi đố lũ trẻ đứa nào đem được trái bòng lên, đã biết bảo bọn trẻ đang chơi đùa với mình múc nước đổ xuống chiếc giếng để trái bòng nổi lên. Những câu đối tức thì của các nhà nho ngày trước, những câu hò đối đáp giữa trai gái trong các hội hè đình đám cũng là những cách nói lên sự nhanh trí tức tính cách thông minh. Người ta thường đo trí thông minh giữa người nầy người nọ hay giữa chủng tộc nầy với chủng tộc khác bằng ‘thương số trí tuệ’ (Q.I=quotient intellectuel) tuy có tính cách khoa học nhưng chưa hẳn đúng. Trí thông minh có thể xuất hiện bất ngờ, đột xuất nhưng phần lớn do từ thiên tư, từ di truyền của huyết thống dòng họ, do công phu học hỏi, tìm tòi, do suy tư và kinh nghiệm được tích lũy. Óc Thông minh cần cho  Tính Sáng Tạo trong  các bộ môn Triết học, Khoa học, Chính trị, Kinh tế và cả trong một số bộ môn Nghệ thuật nhưng riêng về bộ môn thi ca thì hầu như không dự phần quan trọng. Trí Thông minh cần thiết nhưng không hẳn là điều kiện đầu tiên cho Tính Sáng tạo vì rất nhiều người thông minh nhưng chẳng mấy có óc sáng tạo và ngược lại (xem thêm nơi phần ‘Học hỏi’)

          

           4) Tiềm thức, Vô thức, Trực giác , Ký ức, Cảm hứng :

 

‘Tiềm thức’ (Subconscient)

 

có nghĩa là những gì còn tiềm ẩn, chưa lộ liễu ra một cách rõ ràng nơi hữu thức (conscience). Tiềm thức được xem là phần đệm giữa Hữu thức và Vô thức. Những gì tồn đọng nơi trí óc bỗng nhiên hiện về rõ ràng, minh thị vào một lúc nào đó, ta gọi là từ Tiềm thức dậy lên. Những gì nằm nơi Tiềm thức không phải là những thứ hoàn toàn mới lạ, trước nay ta chưa có bao giờ mà thường là những gì ta đã chứng kiến, thâu nhận, gặp gỡ nhưng ta hoàn toàn không chú ý, quên đi một thời gian dài, bỗng nhiên trở lại với ta do một trường hợp nào đó. Chẳng hạn, Quan Dương, trong truyện ngắn ‘Oan gia khó thoát’ lúc nghe Lệ Hằng bảo ‘Anh đang làm gì đó’, bỗng nhớ lại ngay lời cô quản giáo trại tù đã xỉ vã, đe dọa anh, cũng đã nói như thế, rồi cuốn phim dĩ vãng hiện ra rõ ràng nơi anh (xem : ‘Ðợi khuya tàn bắt sống một chiêm bao’ của Quan Dương tự xuất bản, USA, 2002). Thuyết Phân Tâm học của Freud không nói gì về Tiềm thức.

 

          ‘Vô thức’ (inconscient, inconscience)

 

 thật khó định nghĩa. Có thể xem là một thế giới tự nội kín nhiệm, u ẩn nào nơi ta, một thứ ‘bản ngã thứ hai’ u mật chi phối cuộc sống ta mà ta không ý thức được. Thật khó có dữ kiện để chứng minh. Nó được cấu tạo thế nào, ra sao, ta hoàn toàn không hiểu. Leibniz công nhận có phần Vô thức nầy, xem đấy là những ‘thay đổi của tâm hồn mà chúng ta không nhìn thấy được’ (changements dans l’âme dont nous ne nous apercevons pas – trong tác phẩm ‘Nouveaux Essais sur l’entendement humain’ (Pratique de la Philosophie de A à Z, sđd). Nietzche cũng nhìn nhận phần Vô thức nầy như thuộc phần siêu hình, khi bảo : ‘Một tư tưởng chỉ đến lúc nào tự  nó muốn chứ không phải vì ‘tôi muốn’…Một cái gì đó đã tư tưởng nhưng nghĩ rằng ‘cái gì đó’ là ‘cái tôi xưa cũ thi là hoàn toàn do ức đoán’ (une pensée ne vient que quand elle veut, et non pas quand c’est moi qui veux ; de sorte que c’est une altération des faits de prétendre que le sujet moi est la condition de l’attribut ‘je pense’. Quelque chose pense, maiis croire que ce quelque chose est l’antique et fameux moi, c’est une pure supposition – trong ‘Par-delà le bien et le mal’ -  (Pratique de la Philosophie.., sđd). Sigmund Freud tìm cách định nghĩa và tìm hiểu những cơ cấu của Vô thức. Theo ông, sinh hoạt tâm lý con người trải qua ba tầng : vô thức, tiền ý thức và ý thức (l’inconscient, le préconscient et le conscient – thường ký hiệu : Ics, Pcs, Cs). ‘Tiền ý thức’ không là ý thức nhưng có thể trở nên ý thức và kết hợp vớ ý thức thành hệ thống ‘tiền ý thức – ý thức’. Vô thức không nằm trong hệ thống đó, nó tuân theo những qui luật vận hành của nó và là kết quả của những cấm kỵ (censur) và ức chế (refoulement). Với quan điểm ba tầng ‘vô thức, tiền ý thức, ý thức’, Freud  cho rằng sinh hoạt tâm lý được cấu tạo qua ba cấp : ‘cái đó, cái tôi và cái ‘trên tôi’ (le çà, le moi et le surmoi), tạm dịch sang tiếng Việt là : Bĩ ngã, Ngã và Siêu ngã.  [từ ‘le ça’ khó dịch sang Việt ngữ hay từ Hán Việt – ngưòi viết xin tạm dịch là : cái ‘bĩ ngã’ (cái ‘ngã bên kia’, dựa theo ‘bĩ ngạn’ trong Kinh sách Phật giáo), có thể hiểu Siêu ngã là cái ‘Ngã vô ngã’ (le Moi-Non moi) tức không còn phân biệt chủ thể-đối tượng, phần nào tương đương với từ ‘Tính Không’ nơi Phật giáo theo lời Phật : ‘Bất trụ vô vi, bất tận Hữu vi’ trong Kinh Duy Ma]. Cái ‘Le ça’, theo Freud là phần xung lực vô thức kích động bỡi khoái lạc ; cái ‘Tôi’ (cái Ngã) tìm cách thỏa mãn những khoái lạc đó tiềm ẩn nơi Vô thức lúc cơ sở vào một số dữ kiện thực tại nhưng không biết là đã bị chi phối bỡi các ức chế của xã hội và gia đình đã dồn nén từ lâu. Freud tạo nên môn Phân Tâm học để chữa trị những chứng bệnh tâm thần từ khơi dậy cõi vô thức tức những ẩn ức về dục tình từ  lâu nằm sâu kín nơi bệnh nhân. Giải thích ‘Vô thức’ có tính cách khoa học nầy không được một số triết gia đồng ý. Nhà triết Alain cho Vô thức là phần thú tính và bản năng của con người, trong lúc J.P.Sartre nghĩ đấy là phần ‘gian ý’ (la mauvaise foi) nơi con người. Người viết nghĩ rằng ‘vô thức’ là phần vô hình nằm sâu trong thần trí con người bao gồm những khuynh hướng, tình cảm xấu và tốt (có thể là những ẩn ức vì dục vọng không thỏa mãn, có thể là khuynh hướng hướng thượng, những mộng ước xa xôi cao đẹp) mà xã hội, thời đại không cung cấp được điều kiện khả dĩ bộc lộ ra để thể hiện qua những cơn mê, giấc mộng, những hành động, cuồng ngông, những ngôn từ  trái với lẽ thường thiên hạ để bị đánh giá là cuồng ngông, lập dị hay viễn mộng, viễn mơ, hoang tưởng

          ‘Vô thức’ có thể không là nguồn kích thích óc sáng tạo trong Khoa học kỹ thuât, Chính trị, Kinh tế nhưng lại cần thiết trong ‘sáng tạo’ nghệ thuật, thi ca. André Breton, người sáng lập trường phái siêu thực (surréaliste) đã viết : ‘’Thi sĩ chính là kẻ mộng mơ dứt khoát, kẻ đã xé rách chiếc mặt nạ vô cảm của con người tĩnh táo nơi mình  để dành chỗ cho tiếng lời cao trọng của Ðêm đen’’ (Le poète est  bien ce rêveur définitif, celui qui déchire son masque inexpressif d’homme éveillé, pour laisser parler les grandes voix de la Nuit – Trích dẫn bỡi Jean-Louis Joubert trong ‘La Poésie’, édt Armand Colin,, Paris 1988). ‘Tiếng lời cao trọng của đêm đen’ chính là những gì dậy lên từ tiềm thức, vô thức, từ những cơn mơ, giấc mộng, từ những si dại cuồng điên.vì chỉ trong những trường hợp đó, con người mới thực sự tự do, thực sự ngay thẳng, lương thiện (honnête), nói theo trường phái Siêu thực. Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng có thể là những nhà thơ sống với cái Vô thức nhiều nhất nhưng là cái Vô thức hướng thượng dù có bị dày vò, ẩn ức vì bịnh tật và thiếu vắng tình yêu.

 

          Trực giác (intuition)

 

là sự bất chợt nhận thức được ngay, không cần qua một hoat động nào của  lý trí về một đối tượng nào đó. Trực giác cũng khó lòng định nghĩa, khó lòng nhận ra cơ cấu sản sinh ra nó.Theo Kant, trực giác là sự việc một thứ gì xuất hiện ngay cho ý thức ta, vì thế, chỉ có ‘trực giác hữu cảm’ (intuition sensible) chứ không có trực giác thuấn trí tuệ (intuition intellectuelle) vì trực giác nầy dành cho Thượng Ðế. Ngược lại, Bergson cho rằng trực giác khác với trí tuệ, cho ta bắt gặp được tức thời cái tuyệt đối, cái huyền nhiệm. Nó không do lý trí, không do trí tuệ nhưng nó cho ta trực tiếp đi thẳng vào trí tuệ, vào cái Biết cao sâu, tinh tế nhất mà không qua suy tư, luận lý. Thường ngày, trực giác cũng đến với chúng ta lúc chúng ta bất chợt nhận ra một điều gì đó chẳng hạn như nhận ra người tình đang phản bội mình ; trường hợp nầy, trực giác có thể xem là một linh cảm. Cái linh cảm đó thường được thấy nơi thi cả.

 

          Ký ức (mémoire) :

 

Ký ức tức trí nhớ là khả năng phục hồi lại trong tâm trí những gì đã qua, những sự việc, hình ảnh, những điều ta đã học hỏi, đã chứng kiến, đã làm, tóm lại những gì trong quá khứ nay ‘sống’ lại trong ta. Những gì trong quá khứ được xem là những kỷ niệm nếu có liên quan đến ta. Tất cả những kỷ niệm, hình ảnh, sự việc đã xảy ra, lâu ngày ta quên đi nhưng lưu dấu lại trong trí nhớ nghĩa là ta nhớ lại, thấy lại, hình dung lại. Những điều do ký ức nhắc lại đó cần thiết cho các nhà văn, nhà thơ viết thể loại hồi ký. Có ký ức cá nhân, có ký ức tập thể tức ký ức của một số đông người hay của cả một dân tộc về một giai đoạn vinh quang hay tăm tối của đất nước, về một phong cách truyền thống (lễ giáo, phong tục, tập quán,…) của giống nòi, tuy có quên nhưng luôn luôn được gìn giữ nơi tiềm thức. Có một Ký ức lớn lao hơn là ‘ký ức về Nguồn Cội’ luôn luôn tiềm tại nơi tâm thức mà bình thường chúng ta không để ý. Ðấy là ký ức trở về Nguồn để hồi phục cái Ðạo thể, cái Tâm Chân Như, cái Nguồn gốc khởi thủy, triết học gọi là ‘nỗi hoài hương Hằng thể’ (la nostalgie de l’Être) hay sự ‘trở về Cố quận’ (retour au sol natal) mà Cổ Hy Lạp gọi là ‘Ðại Ký ức’ và mượn tên Nữ thần Mnémosyne để gọi. Ký ức cũng là một yếu tố đóng góp cho óc sáng tạo vì hồi tưởng lại chuyện ngày qua gợi lên trong ta những cảm xúc, những ý tưởng mới mẻ giúp cho mọi sáng tác thêm phong phú.

 

          Cảm Hứng (Inspiration):

 

thường phiên âm là ‘yên sĩ phi lý thuần’. Khó lòng định nghĩa cùng tìm hiểu cơ cấu sản sinh ra nó. Nhiều người quan niệm đấy là một ơn huệ (grâce), một tặng phẩm của Thượng Ðế (don de Dieu) như Platon, Ronsard, Du Bellay, Boileau và trường phái lãng mạn. Một số khác quan niệm Cảm hứng là một kinh nghiệm của cuộc sống (expérience existentielle) như Diderot, Beaudelaire, tuy nhiên giữa họ vẫn nhiều khi lẫn lộn xem Cảm hứng vừa là thứ ‘bẫm sinh’ (inné) vừa là thứ được ‘thủ đắc’ (acquis) từ trường đời. Không dài dòng nêu ra những luận cứ khác nhau vì thực ra mọi nhận định đều chưa thể xác định cảm hứng là gì, đến vào lúc nào và do đâu. Cảm hứng thường chỉ xuất hiện nơi những người làm Văn học Nghệ thuật. Ðối với những bộ môn Khoa học, Chính trị, Kinh tế,…,cảm hứng thưòng là nỗi xúc động vui mừng lớn lao trước một thành công không ngờ, gây phấn khởi để tiếp tục công trình đến trọn vẹn hay phát triển theo những hướng mới xa rộng hơn. Trong Văn học Nghệ thuật, cảm hứng thường là nguồn động viên hữu hiệu cho sáng tác để có những công trình bất ngờ mang Tính Sáng tạo cao. 

          Qua quá trình trước tác của mình, người viết tạm hiểu : ‘Cảm hứng là trạng thái rung động bất chợt của thần trí trước một đối tượng nào đó, vào một lúc nào đó gây cho ta niềm phấn khởi, khoái hoạt hoặc bồng bột hoặc mênh mang làm dậy nên những  xúc cảm, những ý tình mới lạ, từ đó có được những vần thơ hay, những câu văn, những đoạn văn  đẹp, những tác phẩm mang tính sáng tạo’.Ðối tượng mà ta bắt gặp có thể không mới lạ gì như một chiếc lá rơi, một chiều thu lạnh, một sáng mai trong, một bình minh nơi bãi bể, một áng mây lưng trời, một nụ cười, khóe mắt của giai nhân, một lời than, tiếng khóc của cha mẹ, cụ già, bé thơ, một cảnh khổ của bé mồ côi, của người tàn tật,… nhưng lại bất chợt làm dậy lên nơi ta những xúc cảm đưa dẫn tình ý ta đi xa. Chẳng hạn nhìn một bữa cơm quá tệ, không vui của một gia đình nghèo khổ, bỗng nhiên ta hình dung cảnh đầm ấm, yên vui của mọi người ‘không có bữa cơm nghèo cũng không có cái nghèo của bữa cơm’. Bài ’Tình tuyệt vọng’ của Arvers (sonnet d’Arvers) nẩy sinh do từ phiền muộn không dám tỏ tình với người đẹp cao sang. Một cơn say chếnh choáng, một nhà thơ đã hứng khởi làm nên những bài thơ tuyệt diệu như Lý Bạch trong những bài ‘Tương tiến tửu, Thanh bình điệu’. Oamar-Khayyam (nhà toán học, Thiên văn học, Triết học và nhà thơ nổi tiếng của Ba Tư), sáng sớm đã thèm rượu, tự ví mình với nước và gió ‘I came like Water and like Wind I go’(Tôi đã đến như nước và đi như gió). Có thể mượn lời thơ của P. Valéry chứng minh điều nói trên :

                                       -Viendra l’heureuse surprise

                                       Une colombe, la brise,

                                       L’ébranlement le plus doux,

                                      Une femme qui s’appuie,

                                      Feront tomber cette pluie

                                      Où l’on se jette à genoux !

(Sẽ đến một bất ngờ kiều diễm, Một cô bồ câu, một làn gió thoảng, Một xuyến xao ấm êm kín nhiệm, Một bà tựa cửa đứng nhìn lơ đãng, Làm đổ một trận mưa rào, Mà ta quỳ xuống tắm mình trân trọng – trích dẫm bỡi Jean-Louis Joubert trong ‘La Poésie’, édt. Armand Colin, Paris 1988).   

          . Cảm hứng cũng có thể bất ngờ xuất hiện nhân tình cờ ta lẩm nhẩm đươc một phát biểu nào đó hay hay khiến ta thích thú rồi trong hứng khởi, ta tiếp tục những câu kế tiếp, nhiều khi không cần để ý đến ý tứ, mà lại thành một bài thơ diễm lệ. Ðiều nầy, Paul Valéry đã nói : ‘Thần thánh duyên dáng kiều diễm chẳng cho ta được gi nơi câu thơ đầu ; chính do ta uốn nắn câu thơ sau phải thuậm âm với câu trước và tỏ ra xứng đáng với người anh trưởng siêu nhiên của nó..’ (Les dieux, grâcieusement, nous donnent pour rien tel premier vers ; c’est à nous de façonner le second, qui doit consonner avec l’autre, et ne pas être indigne de son ainé surnaturel – xem La Poésie, sđd, trang 48) .

          Những nguồn cung cấp chất liệu cho cảm hứng là thiên nhiên, người đẹp, tuổi nhỏ, giấc mơ, tính mơ mộng , cuộc sống, cuộc đời cùng tất cả những yếu tố khích động Tính Sáng tạo được nói trong bài nầy. Tuy nhiên, những chất liệu đó không rõ đã được kết tập ra sao, diễn tiến thế nào để tạo nên cảm hứng xuất hiện bất thần. Cảm hứng là cái gì tự nó đến, không hẳn do động cơ nào sai bảo cũng không do một chuẩn bị gì của ta, cũng không chờ mong nó đến. Ðôi lúc, cảm hứng đến bất ngờ nhưng đọng lại lâu vì ta được hứng khởi, khích động bỡi nó nên tập trung thần trí hoàn tất được một tác phẩm dài hơi, nhất là trong sáng tác truyện ngắn, truyện dài. Nhưng thường, Cảm hứng đến bất ngờ rồi ra đi cũng bất ngờ -nhất là với nhà thơ-, nếu chúng ta không nắm bắt được nó ngay làm nguồn phấn khởi cho sáng tác. 

     

           5) Học hỏi :

 

Sự việc tiếp xúc, trao đổi với nhiều người, sự học hỏi qua sách báo xưa và nay hay qua các cơ quan truyền thông cũng giúp khá nhiều cho Tính Sáng Tạo. Do học hỏi, ta thu nhận được những kiến thức, hiểu biết cùng kinh nghiệm của bao người, từ đó ta có được những nền tảng giúp tăng trưởng Tính Sáng Tạo, từ đó ta có những phát hiện, phát minh, sáng chế ra những thứ mới lạ. Hầu như không một  thành tựu sáng giá nào của con người không qua công phu học hỏi. Những kiến thức, hiểu biết tích lũy qua học hỏi sẽ là nền tảng, cơ sở giúp ta tiến hành vững vàng mọi công trình và thêm tin tưởng vào những gì  mang tính Sáng tạo của ta. Và dù có quên thì những kiến thức đó cũng có thể bất ngờ xuất hiện lại từng lúc nơi ký ức như từ một cõi sa mù nào đột nhiên trở về kích thích óc Sáng tạo. Ngày nay, các nhà Khoa học, Chính trị, Kinh tế, Kỹ thuật,…đều thường phải qua các Trường Ðại học hay các trường dạy nghề ở cấp độ cao. Cả các bộ môn nghệ thuật cũng thế. Ngay cả Thi Ca, tuy không qua một trường học nào nhưng người sáng tác thi ca cũng phải học hỏi để  biết rõ luật thơ, các thể loại thơ, cách sử dụng ngôn ngữ thế nào cho văn hoa, bóng bẩy, điêu luyện, ngay cả việc đọc và thuộc thơ của nhiều người để từ đó có được những cảm hứng mới lạ và cách hành văn trau chuốt, phong phú, đồng thời học hỏi các bộ môn khác để thi ca sáng tác theo kịp thời đại và có thêm ý mới phong phú.Tại Việt Nam, lắm người, nhất là giới nghệ sĩ, lúc tài năng đạt được đôi thành tựu, được nổi tiếng, lại chỉ lo kiếm sống, không chịu học hỏi thêm nên khả năng sáng tạo ngừng lại, không được thêm những thành tựu đáng kể khác.

          Tuy nhiên, cũng như Trí Thông Minh, sự Học hỏi không là điều kiện cần và đủ giúp cho Tính Sáng tạo phát triển vì rất nhiều người đạt được trình độ học hỏi cao, tốt nghiệp tại nhiều Ðại Học lớn và danh tiếng nhưng chẳng có mấy công trình mang Tính Sáng tạo. Chẳng hạn như một Karl Witte, vào Ðại học Leipzig lúc 9 tuổi, đỗ Tiến sĩ Triết năm 14 tuổi, Tiến sĩ Luật khoa năm 16 tuổi và trở thành Giáo sư Ðại Học Bá Linh ở số tuổi đó và theo trắc nghiệm của Terman, ‘thương số thông minh’ của Karl Witte là 180, như thế ông ta quả là đệ nhất thông minh rồi nhưng lại không có một công trình nào mang tính Sáng tạo để được là thiên tài (Psychologie de le Création – sđd). Ở Việt Nam, một Nguyễn Mạnh Tường, 21 tuổi đỗ hai bằng Tiến sĩ nhưng cũng không có công trình nào gọi là Sáng tạo. Nhất là trong thi ca, rất nhiều nhà thơ lớn chẳng có một trình độ học vấn nào cao cấp cả.

 

          6) Ðam mê và kiên trì :

 

Ðam mê là trạng thái của tình cảm hay của trí tuệ chuyên chú, say mê  vào một vấn đề, một đối tượng nào đó khiến ta tập trung hết mọi khả năng thần trí (concentration d’esprit) của ta để săn đuổi đến kỳ cùng hầu sao cho bắt gặp được để thỏa mãn một sở thích hay một ước nguyện nơi ta như Ðam mê săn bắn, đam mê nghiên cứu, đam mê sáng tác, đam mê làm giàu, đam mê đọc sách, đam mê thể thao,… Ðam mê kích thích rất nhiều tính Sáng tạo vì khiến ta từ bỏ mọi thứ khác để chỉ chuyên chú vào một hướng đi, một việc làm nhất định, do đó ta vận dụng hết mọi năng lực tập trung thực hiện hướng đi đó. Và mỗi thành tựu lại càng kích thích đam mê giúp tính Sáng tạo thêm điều kiện  phát triển. Do Ðam mê mà ta ‘chung thủy’, kiên trì với việc làm, với khuynh hướng của ta. Dù có năng khiếu mà thiếu đam mê thì năng khiếu đó sẽ bị ngưng đọng, bị thui chột, không thể giúp cho óc Sáng tạo tăng tiến. Sự kiên trì trong đam mê là điều kiện cho những thành tựu lớn. Khổng Minh bảo ‘Mỹ hữu kham, kham hữu mỹ’ và M. Heidegger cũng bảo ‘Trong kiên trì,chín mùi sự vinh quang’ (Dans la patience, murit la grandeur – bản dịch Pháp ngữ của André Préau, trong ‘Questions III, Gall. Paris 1989, trang 31).

 

          7) Bức xúc của cảnh ngộ, môi trường :

 

Khả năng sáng tạo cũng có thể bất ngờ xuất hiện do bức xúc của cảnh ngộ, môi trường, từ đó ta bất ngờ nghĩ và tìm ra một cách thế, một phương pháp, một sáng kiến mới đê thoát vượt bức xúc đó hoặc thay đổi khuynh hướng của ta sang một ngã khác hay nói lên lên những bức xúc, khổ đau đã phải chịu đựng một cách tinh tế. Ðiều nầy, người bình thường cũng thường trải qua như thay đổi việc làm, nghề nghiệp, môi trường sinh sống, chuyển đổi ngành học,…Trường hợp cô Dương Như Nguyện, lúc qua Mỹ, theo học nghành Báo chí và truyền thông nhưng vì thấy bao người, nhất là người VN tỵ nạn Cộng sản, vì không hiểu pháp luật mà phải chịu bao oan ức nên cô bỏ nghành báo chí chuyển sang nghành Luật và trở thành vị Chánh án nữ đầu tiên người Việt tại Hoa Kỳ (hiện Cô đang là Giáo sư Luật học tại Ðại học Denver. Cô còn viết văn và nghiên cứu về Văn học, do sở thích nhưng có thể phần lớn do từ di truyền của Cha và mẹ cô). Bao nhiêu người do bức xúc của cảnh ngộ, do bị điêu đứng về cuộc sống, đã có những công trình sáng giá, mang tính sáng tạo mà trước đấy họ không có hoặc những công trình của họ vượt hẳn những gì đã có lâu nay. Một Nguyễn Chí Thiện, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Ðỗ Thị Hoàng Diệu,…và bao nhiêu nhà thơ, nhà văn VN hải ngoại như Phương Triều, Song Nhị, Phương Hà, Ðỗ Bình, Cao Tần, Thụy Khanh,….,do khốn khổ, đọa đày bởi chế độ Cộng sản đã làm thơ, làm văn nói lên những thảm họa của mình cùng của dân nước, đã cống hiến  nhiều sáng tác phẩm giá trị và trở thành những nhân vật tên tuổi trên văn đàn. Phần lớn những thiên tài trước nay đã do phấn đấu vượt thoát hay phải chịu đựng cảnh đời tối tăm, thiếu thốn mà thành tựu nhiều công trình sáng giá để trở thành thiên tài về một phương diện nào đó. Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Ðinh Hùng, Bùi Giáng,…chẳng hạn.

        

           8) Cô Ðơn :

 

Cô đơn khác với cô độc, đơn độc. Cô độc, đơn độc là tình trạng một thân một mình, không nương tựa ai, không cậy nhờ ai, cũng không có ai tiếp xúc, giúp đỡ mình hay trong tình trạng bị mọi người ruồng bỏ, phải sống cảnh bơ vơ (abandonné) ; cũng có thể là sở thích ưa xa lánh, tự tách mình khỏi mọi giao du, tiếp xúc đê tránh mọi phiền nhiễu, thích thú được sống với riêng mình. Cô đơn, ngược lại, vẫn sống hòa đồng cùng xã hội, trong mọi giao liên, tiếp xúc nhưng cảm thấy không đồng tình, đồng điệu, không thông cảm, thông giao do một khuynh hướng, một nỗi niềm nào đó mà mọi người thiên hạ không chấp thuận, không thể đồng quan điểm, không thể cùng chia sẻ, hợp tác hoặc có thông cảm nhưng không thể cùng đồng hành trong chung một hướng đi, chung một quan niệm, một việc làm. Do đó thường tách mình khỏi mọi chung đụng, tự tạo một thế giới cho riêng mình, sống với cái tâm thức khép kín, sống với nỗi buồn đau, tư lự trong tâm tư hoặc để trầm tư, suy nghiệm hướng vọng về một toàn chân, toàn bích nào đó từ lâu nuôi dưỡng. Trần Tế Xương đã diễn tả nỗi cô đơn của ông trong một bài đường luật khá hay :

 

Một mình đứng giữa quảng trơ vơ
Biết có ai chăng để đợi chờ
Nước biếc non xanh coi vắng vẻ
Kẻ đi người lại dáng bơ vơ

Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,

Ðợi nước càng thêm tóc bạc phơ

Ðường đất xa khơi ai mách bảo?

Biết đâu mà ngóng đến  bao giờ?

( Lạc đường)


 

                                       

          Trong cuộc sống, con người thường trải chịu bốn cô đơn : cô đơn trong cuộc sống (không người thân thích, không nơi ăn, chốn ở, không việc làm, nghèo đói, bơ vơ, bị hất hủi,..), cô đơn trong tình cảm (không người yêu, không được chia sẻ nỗi niềm, thiếu một tri âm, tri kỷ..), cô đơn trong chí hướng (không người đồng tâm, đồng chí, đồng hành), cô đơn trong tư tưởng (không ai cùng nhìn ra quan điểm, tư tưởng của mình). Ba cô đơn đầu sớm muộn có thể vượt qua hay quên đi ; riêng cô đơn về tư tưởng thì miên viễn, trường kỳ và cũng không thể quên vì tư tưởng đi trước thời đại, khó có một ai tán đồng mà còn bác bỏ, cho là không tưởng, khùng điên, lập dị.

          Ðấy là cái cô đơn của một Thích Ca thắc mắc về lý do ‘cuộc đời bể khổ’ đã phải cam chịu ‘bất hiếu’ (rời bỏ cha mẹ), ‘bất nghĩa’(rời bỏ vợ con), ‘bất trung’ (rời bỏ dân nước) để lặn lội lên rừng tìm Ðạo giải thoát cho thế gian. Sau khi đắc đạo, trở lại với thế gian, Ngài vẫn cô đơn giữa đệ tử mình cùng mọi người thiên hạ vì thế nên đã phải dùng lối ‘biện chứng bát nhã’ để thuyết pháp và trước khi tịch diệt đã ngậm ngùi ’suốt bao năm ta có nói lời gì’.

          Ðấy là cái cô đơn của một Jésus, biết trưóc ‘con cáo có hang, chim trời có tổ ; song Con người không có chỗ mà gối đầu’ (Ma : 8 :20) và nói rõ ‘Tiên tri (nơi đây xin hiểu là nhà tư tưởng) chỉ bị trong xứ mình và người nhà mình khinh dễ mà thôi’(Ma 13 : 57), cô đơn ngay giữa thời đại, ngay giữa gia đình và môn đồ và cả những thế hệ về sau  nên đã phải ngậm ngùi’Nếu các ngươi là kẻ mù thì không có tội lỗi chi hết ; nhưng vì các ngươi nói rằng : Chúng ta thấy nên tội lỗi các ngươi vẫn còn’ (Jean : 8-41) vì cái ‘thấy’ của người đời thường khác với cái ‘thấy’ của nhà tư tưởng, của nhà tiên tri.

          Ðấy là cái cô đơn của một Nguyễn Du, kẻ ‘Thiên tuế trường ưu vị tử tiền’ (trước khi chết còn lo nghĩ chuyện nghìn sau – câu thơ tiếng Hán của ND trong bài ‘Mộ Xuân cảm hứng), con người ‘Nhỡn để phù vân khan thế sự, Yêu gian trường kiếm quải thu phong’  để ‘Vô ngôn độc đối đình tiền trúc’ mà luôn nghĩ đến cảnh ‘Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long’(3). Cái tư tưởng và tâm chí đó ám ảnh mãi Nguyễn Du. Cảm nhận ra được diễn tiến nhân sinh nhưng không biết cách nào giảng giải và không rõ thời điểm nào diễn ra ‘thời hợp hóa long’, cho mãi đến lúc đọc ‘Kim Vân Kiều truyện’ của Thanh Tâm tài nhân, thấy kết cục của câu chuyện đáp ứng được tư tưởng mình nên đã phóng tác thành một tác phẩm tư tưởng bất hủ và đặt tên tác phẩm mình là ‘Ðoạn trường tân thanh’ (tiếng kêu mới về đau khổ, có nghĩa cái nhìn mới, cái ý nghĩa mới của đau khổ).

          Ðấy là cái cô đơn của một Tản Ðà, nhìn giấc mộng con, mộng lớn tan thành mây khói, đã mượn người ả đào, tạm xem là tri kỷ để gởi gắm niềm cô đơn :

                                      -Ðời đáng chán hay không đáng chán  

                                       Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm !

          Ðấy cũng có thể là cái cô đơn của một Bùi Giáng sau khi trình bày hết mọi phù du thế tục, đã kết luận là ‘nói gì thêm nữa cũng là sai’ mà hãy nhìn Mùa Xuân phía trước đang đón chờ nhân thế bước vào :

…Xin đừng, nói nữa là sai
Mùa Xuân đang đợi bước ai đi vào.
 

                                                          Chào nguyên xuân (Mưa Nguồn)

          Cũng có thể đấy là cái cô đơn của Thượng Ðế đã phải chịu ‘tự phân ly mình’, tự ‘đối tượng hóa’ mình để có thể hiểu về mình :

                                    

Hỡi Thượng Ðế, u sầu chi quá đổi
Chẻ chia mình để giải tỏa cô đơn
Tự chứng quả giữa dòng đời trôi nổi
Ði tìm yêu trong đáy thẳm tình buồn…

N.T.

                                                                         

          Hầu như tất cả các bậc thiên tài đều cô đơn nhưng ba cái cô đơn về cuộc sống, về tình cảm, về chí hướng sự nghiệp đều có thể vượt qua. Ngày nay, những kẻ có tài đều được xã hội văn minh bảo bọc, nuôi dưỡng và tạo điều kiện giúp phát triển tài năng cùng  óc sáng tạo. Riêng cái cô đơn về tư tưởng thì không có cách nào để thoát khỏi ; cái ‘Tính Sáng tạo’ của nhà tư tưởng khó lòng đương thời và cả nhiều thế hệ về sau nhìn ra mà phải chờ diễn tiến lịch sử về lâu về dài mới có thể hiện bày, minh thị.

          Trong tất cả mọi bộ môn học thuật thì Nghệ thuật, nhất là Thi Ca dễ đưa con người vào Cô đơn tư tưởng nhất. Ðiều nầy do từ ngôn ngữ thi ca, thứ ngôn ngữ dễ gần với tư tưởng, với Lẽ Ðạo nhất (xin nói sau). Mà Lẽ Ðạo và Thi Ca là những thứ vô bổ đối cuộc sống thường nhật, chẳng có công dụng thực tế nào vì chẳng thêm cho nhân loại một thứ của cải nào, chẳng tạo cho con người một lợi tức nào, cũng chẳng là phượng tiện truyền thông hữu hiệu, chẳng đem lại một kiến thức mới mẻ nào giúp cho tiến bộ, văn minh, chẳng giúp giải quyết được gì mọi sự vụ thế gian, cũng chẳng dùng để giải trí, vui chơi ; ngay cả không nuôi nổi người làm thơ. Vì thế, càng thiên về thi ca càng dễ rơi vào cô đơn, thứ cô đơn tư tưởng đối với những nhà thơ lớn.

          6) TưởngTượng, Liên tưởng, Trừu Tượng hóa và Tổng Quát hóa :   

 Tưởng tượng, trong ý nghĩa sáng tạo là khả năng biểu thị thực tại bằng những hình ảnh (image) không hoặc chưa có trong thực tại, một thực tại vắng bóng, một thực tại chưa hiện hữu, nói theo G. Bachelard là một ‘thực tại hư ảo’ (irréel), một khả năng đưa dẫn thần trí ta đến một cái gì bên kia dữ kiện thực tại, đến một thế giới bên kia thế giới biểu kiến (monde des apparences), đến những gì chưa có, ‘đến những gì đã qua, chưa tới cùng tính cách khả thể của những thứ đó’ (faculté que nous avons d’aller au-delà du donné, de penser l’absent, le passé, le futur, et le possible – Pratique de la Philosophie de A à Z, Hatier, Paris 1994). Óc tưởng tượng nhiều khi đưa ta tiếp xúc với một thế giới siêu nhiên, chập chờn những hình ảnh, những sự việc sẽ xảy đến và ta như đang với bắt, hướng về. Óc tưởng tượng, trong những trường hợp đó được xem như một linh khiếu, một ‘năng khiếu linh thị’ (don visionnaire). Năng khiếu linh thị nầy thường thấy nơi những nhà tư tưởng lớn như một Jésus, một số thiền sư, một số nhà Ðạo học, Thần học, một số nhà văn, nhà thơ lớn như Tagore, Rilke, Tralk, Holderlin, Kalil Gibran,..Ở Việt Nam, có thể kể Nguyễn Du, Ðinh Hùng, Bùi Giáng,…Victor Hugo đã nói : . 

 Le poète en des jours impies
Vient préparer des jours meilleurs
Il est l’homme des utopies
Les pieds ici, les yeux ailleurs
En tout temps, pareil aux prophètes

                                                          Victor Hugo (La Fonction du poète) 

(Trong tháng ngày vô luân, nghịch bướng, Thi nhân sửa soạn chuỗi ngày đep sáng, Gã là kẻ nôn nao  ắp đầy ảo tưởng, Chân nơi đây, cặp mắt nơi kia, Như những tiên tri trong mọi thời, linh đoán) .

          Thượng Ðế, Bản lai vô ngã, Thiên đường, Ðịa ngục, Nghiệp báo, Luân hồi nhìn chung đều là những hình ảnh tưởng tượng nhằm dụng ý nói lên Nguồn gốc sáng tạo, cảnh sống tươi vui mai nầy hay những trừng phạt phải gánh chịu do việc làm thiện ác của con người trong cuộc sống, cuộc đời. Tưởng tượng rất cần thiết trong Nghệ thuật. Beaudelaire bảo : "Trái tim chứa đựng đam mê, trái tim chứa đựng sự hy sinh, tội ác ; chỉ riêng tưởng tượng chứa đựng thi ca" (Le cœur contient la passion, le cœur contient le dévouement, le crime ; l’imagination seule contient la poésie – Notes sur la poésie, trích dẫn bỡi Pierre Seghers trong ‘Le Livre d’Or de la Poésie française des Origines à 1940’, Coll. Marabout, 1972, trang 210). Những truyện, những phim giả tưởng, những tranh hoạt họa (dessins animés), những thơ truyện ngụ ngôn (fables), những tranh ảnh lập thể (cubisme) tiêu biểu cho óc tưởng tượng nầy. Các truờng phái Văn học Nghệ thuật lãng mạn, siêu thực, tượng trưng  nhiều óc tưởng tượng hơn là các truờng phái tự nhiên hoặc hiện thực. Do tưởng tượng mà trong Văn học có cách ‘hư cấu’ hoặc sự việc hoặc nhân vât, tâm lý, cảnh trí,..., ngay cả trong những tiểu thuyết lịch sử.

          Nhà khoa học lúc nêu lên những ‘giả thuyết’, mặc nhiên cũng đã sử dụng óc tưởng tượng để sau đó chứng minh trước khi hình thành một định luật, một biểu thức toán học.

        ‘Trừu tượng hóa’ (abstraire, abstraction) là chỉ chú mục vào một thành phần riêng biệt của một hiện tượng, một khái niệm (notion) để từ đó tìm ra những nét đặc thù đưa đến liên tưởng những sự việc, sự vật khác, so sánh, đối chiếu, thấy được những nét tương đồng, tương dị giữa sư vật, giữa những khái niệm, quan điểm. Paul Reverdy cho rằng hình ảnh trong thơ ca gợi cảm nhiều nhất do sự liên tưởng giữa các hình ảnh. Ông bảo : "Hình ảnh mạnh mẽ không do nó có tính cách bạo tàn hay ma quái mà do sự liên tưởng ý nghĩa càng xa và càng sát đúng" (Une image n’est pas forte parce qu’elle est brutale ou fantastique, mais parce que l’association des idées est lointaine et juste – trích dẫn bỡi Pierre Seghers, sđdn trang 372). Trong Nghệ thuật, trừu tượng hóa giúp ta nhận ra những gì mấp mé bên lề, những gì ẩn dấu sau cái mặt ngoài thường nhật rồi tổng quát hóa ra, từ đó đưa đến những hình ảnh tượng trưng, những biểu tượng chung về một sư việc, sự vật, một khái niệm đi xa hơn sự vật hay khái niệm ta có lúc ban đầu như màu trắng tượng trưng cho tinh khiết, trinh bạch, chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình, chữ thập đỏ tượng trưng cho sự cứu giúp, chữa thương,…Những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, thậm xưng, loại suy (analogie) tỷ giảo, chuyển nghĩa (tropes) do từ tưởng tượng, trừu tượng hóa và tổng quát hóa đã khiến thơ văn được súc tích, cô đọng, lung linh, nhiều khi chỉ diễn tả một thực tại nào đó thôi nhưng mang chở tâm tư người đọc vang vọng  những âm hưởng xa xôi, diệu vợi.

          10) Can đảm lội ngược dòng :

Can đảm nơi đây không là thái độ hay hành động quả cảm, khí khái, can trường thực hiện một việc làm nguy hiểm hay đối phó với một tình trạng bất trắc hoặc không khuất phục trước cường quyền, bạo lực. Can đảm mang tính cách sáng tạo là không chấp nhận lối ‘đường mòn’ lâu nay, không thuận theo thói thường thiên hạ trong mọi phán đoán, nghĩ suy, trong mọi quan điểm, qui điều có sẵn mà phát hiện ra những ‘mặt trái’, những bất túc  của những thứ đó, tìm ra những gì mới mẻ, đúng đắn, thực chất hơn mọi quan điểm, nhận định lâu nay. Albert Einstein tìm ra ‘không gian cong’ vì không hẳn thừa nhận ‘không gian phẵng’ của Newton ; Riemann hình thành môn ‘Hình học phi Euclide’ do từ thấy ‘hình học Euclide’ không đủ để giải thích được cấu trúc của vũ trụ. Những Pablo Picasso (về hội họa), Beaudelaire, Mallarmé, Rimbaud, André Breton,….đã tìm ra những ‘mới lạ’ trong Nghệ thuật, Văn học do từ chối bỏ những quan điểm của các trường phái cổ điển, tư nhiên,.. Nguyễn Du đã cho Kiều và Kim Trọng tư do đính ước, đã cho Từ Hải phản động lại xã hội là đã can đảm làm ngược lại quan điểm luân lý và chính trị thời phong kiến. Ðức Thích Ca chủ trương ‘Vô Ngã’ là đã chống lại quan điểm của Bà La Môn giáo lúc bấy giờ. Tính Sáng tạo, phần lớn do từ dám ‘lội ngược dòng’ thời đại, nhất là về măt Tư tưởng.

 

          11) Sức khỏe, bịnh tật, giới phái, những chất kích thích:

Ðây chỉ là những yếu tố phụ, không thường xuyên và cũng không lắm cần thiết cho Tính Sáng tạo.

          -Sức khoẻ. Bịnh tật.

Dĩ nhiên một sức khỏe tốt, tráng kiện là điều kiện giúp tinh thần sáng láng minh mẫn để phát huy óc sáng tạo và đeo đuổi mọi công trình của kẻ thiên tài đến trọn vẹn. Những thiên tài về mặt khoa học kỹ thuật, nếu không có sức khoẻ tốt sẽ không thể tiếp tục công trình được dài lâu để thêm những phát minh, sáng chế mới như một Riemann chết sớm lúc 40 tuổi vì bịnh lao phổi. Ðức Thích Ca từ bỏ lối tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường mới đủ sức ‘thiền tọa’ suốt 49 ngày liền và đột khởi nhận ra Lẽ Ðạo nhiệm màu.

          Tuy nhiên, về một số mặt nào đó, nhất là trong Văn học, Nghệ thuật, Tư tưởng, đôi khi bịnh tật lại là điều kiện cho óc sáng tạo. Bị rẫy rụa, vò xé vì bịnh tật, sức phấn đấu quy dìu về mặt tinh thần, từ đó nẩy sinh những ý mới lạ. Một F. Nietzche bị bịnh giang mai (syphilis) đưa đến tình trạng khủng hoảng hành hạ suốt cuộc đời, đã phát hiện những quan điểm tân kỳ mang tính sáng tạo cao qua những chủ trương "ý chí quyền lực, sự quy hồi miên viễn của thể tính đồng nhiên, con người siêu đẳng’ (volonté de puissance, le retour éternel de l’Identique, le surhomme,.), chống lại nền Siêu hình học đương thời. Một Bùi Giáng, do điên loạn đã có những vần thơ cao kỳ, tuyệt hảo cũng như tối tăm cùng những tư tưởng mới lạ… Một Hàn Mặc Tử, do cơn bệnh của mình đã trở thành một thi sĩ nổi bật tiếng tăm ; thơ ca ông lẩn khuất những trăn trở, buồn đau vì bịnh hoạn cùng tính chất siêu hình hướng về huyền nhiệm, về Thượng Ðế.

          Tuy nhiên, không phải bịnh tật tạo nên thiên tài mà chính thiên tài vì dằn vật bỡi căn bệnh mà Tính Sáng tạo bị kích thích và phát huy, do đó người đời thường cho rằng những thiên tài là những kẻ bất bình thường, bịnh hoạn và khùng điên.

          Giới phái (le Sexe)  Nói đến giới phái là nói đến phái nam, phái nữ cùng lúc có thể đề cập đến vấn đề yêu đương và tình dục.

          -Giới nữ thường ít khả năng sáng tạo bằng phái nam. Ðiều nầy dễ hiểu vì nữ giới phải cáng đáng việc gia đình, nên sức nghĩ, sức làm bị giới hạn trong môi trường sinh hoạt đó nên không có được những động cơ, điều kiện kích thích óc sáng tạo. Thêm vào đó, phái nữ thường ít học, nhất là ở một số xứ Á Ðông, hoặc có học thì cũng không đeo đuổi đến mức độ cao. Tuy nhiên, không phải thế mà không có nhiều bậc thiên tài phái nữ. Về mặt khoa học, có thể kể Bà Marie Sklodowska (vợ nhà Bác học Pháp Pierre Curie), người Ba Lan, nghèo nàn nhưng quyết đeo đuổi nghiệp khoa học, đã cùng chồng khám phá chất Uranium vào năm 1898 và cả hai cùng được giải Nobel. Một số nhà Toán học nữ như Sonia Kovalevskaia (1850-1891, người Nga), Sophie Germain (1776-1831, người Pháp),  Marie Somerville (1780-1872, người xứ Ecosse),…(xem : Psychologie de la Création, sđd). Ngày nay, phái nữ đã tham gia vào tất cả mọi hoạt động bất cứ về lãnh vực nào nên khá nhiều Khoa học gia phái nữ nổi tiếng về Không gian học, Vi tử học, Di truyền học, Tin học, Sinh học,…

          Về mặt Văn học, Nghệ thuật, phái nữ trước nay cũng rất nhiều bậc tài năng sáng giá mà lịch sử luôn nhắc đến và tác phẩm thường được dùng làm mẫu mực giảng dạy  cho bao thế hệ về sau. Ở Việt Nam, ta có những Ðoàn Thị Ðiểm, Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,…Trên thế giới, những Mme De Sévigné, Mme De Stael, Simone de Beauvoir,…(Pháp), Emily Dickinson (Hoa Kỳ),…là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Về âm nhạc, điêu khắc, hầu như chưa có nhân vật nữ nào thật xuất sắc. Về ca hát, vũ điệu, phim ảnh, ta có rất nhiều nghê sĩ được truyền tụng, tài nghệ luôn được nhắc nhở.

          -Yêu đương : Nơi đây, chỉ nói về tình yêu Nam Nữ. Không rõ, trong các nhà Khoa học nổi tiếng, có ai do tình ái hoặc tốt đẹp hoặc bất như ý mà đã có những công trình mang Tính Sáng tạo cao. Riêng về mặt Văn học, Nghệ thuật, tình ái luôn luôn là đề tài bất tận cho sáng tác. Một tình yêu trắc trở, tuyệt vọng gây bao buồn đau, thống khổ, dằn vật là nguồn kích thích để thành tựu nhiều tác phẩm tuyệt tác. Người viết không rõ bao nhiêu trường hợp như thế. Môt Léonard de Vinci, một Michel Ange, một Van Gogh, một Beethoven, Wagner,.., một Shakespeare, Tolstoi, Dostoiesky, một Gustave Flaubert, Lamartine, Victor Hugo, Albert Camus,..…không rõ có do vì một tình yêu không toại nguyện mà trở thành thiên tài ? Riêng Arvers vì không thể tỏ tình với một nữ bá tước đã có bài thơ nổi tiếng mà Khái Hưng đã dịch sang Việt ngữ là ‘Tình tuyệt vọng’. Ở Việt Nam, rất lắm trường hợp như thế, tuy thiên tài về Thi ca, Nghệ thuật chưa được xác định bỡi lịch sử. Một Lê Trọng Nguyễn, một Ðinh Hùng, một Vũ Hoàng Chương có thể trong trường hợp nầy và đã có những bản nhạc, những bài thơ tuyệt đep, được ca tụng. Bùi Giáng phần nào cũng trong trường hợp thiếu vắng một người yêu mà ru mình vào cô đơn và điên loạn (nếu có thể bảo thế) để sáng tác nên vô số thơ ca.

         Càng yêu nhiều càng đau khổ. Càng thất bại trong tình yêu càng sáng tác mạnh. Nhưng những sáng tác chỉ chuyên nói về tình yêu nam nữ không thôi, chưa thể là tuyệt tác mang tính sáng tạo cao mà phải mở rộng tình yêu riêng tư đó đến những tình yêu lớn rộng khác như yêu người, yêu đất nước, quê hương, yêu đời cùng hướng vọng đến một chân trời diệu vợi, một cảnh sống thánh thiện nào vừa giải thoát mình vừa giải thoát cuộc đời ngang trái, trầm luân.Thơ ca người Việt hải ngoại mang chứa điều nầy tuy chưa có mấy sáng tác được xếp vào hàng trác tuyệt.

          -Tính dục : Tính dục là nhu cầu sinh lý, ai cũng có. Tính dục quá căng, quá cương, dù thỏa mãn đến chán chê vẫn còn đòi hỏi sẽ đưa đến những hành động dâm đãng, làm thương luân bại lý và bị dánh giá là cuồng dâm, bạo dâm (sadisme), vô sĩ (cynisme), mất nhân cách. Tính dục được thể hiện qua lịch sử theo nhiều cách. Cách hợp lý, hợp pháp và hợp tình nhất là ‘một vợ một chồng’, hai nam nữ yêu thương nhau rồi tiến đến hôn nhân, thành lập gia đình ; đấy là cách phù hợp với luân lý Ki-Tô giáo hiện được thế giới tôn trọng. Những vụ ngoại tình, lang chạ dù của chồng hay vợ đều bị lên án và trừng phạt nặng nhẹ hay cho phép được ly dị. Trong những chế độ mẫu hệ, phụ hệ, vấn đề đa thê, đa phu do nhu cầu kinh tế hay quản trị xã hội, không bị xem là dâm đãng vì do nhu cầu xã hội hay do phong tục, do qui điều luân lý lúc bấy giờ. Tại các xứ Hồi giáo, người chồng có thể có đến bốn vợ cũng không thể xem đấy là dâm đãng vì phù hợp với qui điều tôn giáo.

          Tính dục mang tính dâm loạn, dâm ô (luxure, pornographie) là cách không chỉ làm tình với nhiều người mà với bất kỳ người nào, không được sự đồng thuận của người đó và bằng cách bạo hành (như hiếp dâm hay thực hiện đủ trò cuồng bạo), bằng sở thích ‘ham của lạ’, bất kể niên kỷ (ham còn trinh, còn tân), kể cả kẻ đáng tuổi cha mẹ, cô dì, cả những kẻ cùng dòng họ khá gần với mình  (con dâu, con rể, vợ chồng của cha mẹ,vợ chồng của bạn bè, kể cả những nam nữ tu sĩ). Tính dâm đãng, dâm bôn, nói chung là tà dâm, phần lớn nơi nam giới, do khả năng sinh lý quá phương cương nhưng nhiều khi do sở thích ưa chiếm hữu và ưa phạm tội như một kẻ không học thức, không địa vị xã hội muốn hưởng thụ và dày vò một phụ nữ trí thức có địa vị hay có danh tiếng (bá tước, tử tước, bác sĩ, luật sư,…ca sĩ, minh tinh màn bạc, nữ tu sĩ,…). Không rõ, có thiên tài nào do ‘tà dâm’ mà phát triển tính Sáng tạo để có được những công trình lớn lao không ? Về mặt khoa học hầu như không một ai nhưng về mặt Văn học, Nghê  thuật, có lẽ cũng đôi trường hợp. Một Donatien Alphonse François Sade (174O-1814), sau khi cưới vợ (năm 1763 với Renée de Montreuil) bị giam 15 ngày vì tà dâm, đã viết bao tác phẩm như ‘Justine ou les malheureux de la vertu, Aline et Valcour, La Nouvelle Jistine, suivie de l’Histoire de Juliette, sa sœur,…’, toàn là dâm loàn dù có mang tính cách triết lý, liên tiếp bị lên án, phải tù liên tiếp 30 năm và  chết trong tù. Tác phẩm của ông một thời được hoan nghênh, xem như là có tính cách ‘cách mạng’ trong tình yêu vì mang tính cách đả phá các tín điều luân lý và tôn giáo. Dù sao, người ta hoan nghênh sáng tác của ông nhưng không thể không chê trách, lên án tính dâm loạn nơi tác phẩm của ông. Ở Việt Nam, trường hợp Phạm Duy. Nhà nhạc sĩ danh tiếng nầy, có phải cũng do tính ‘tà dâm’ mà sáng tác hăng say, đều đặn, nhiều tác phẩm xuất sắc ? Bao nhiêu tác phẩm văn học cùng thi ca mô tả những cảnh dâm loạn, có thể tác giả không mắc phải tính nầy, không thể hiện bằng hành động nhưng cũng rất có thể trong dòng máu đã lẩn khuất ít nhiều khuynh hướng đó, điều mà cả Thích Ca, cả Jésus và đạo đức  thông thường đều bài bác. Một quyển Kinh Ấn Ðộ dạy các kiểu cách làm tình (người viết không nhớ tên quyển Kinh) được dịch sang nhiều thứ tiếng và được xem là sách cần thiết cho việc ‘giáo dục tình dục’ (éducation sexuelle), có lẽ tác giả cũng trong trường hợp nầy. Liệu có thể bảo Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ tài ba của Việt Nam, ít nhiều cũng bị mặt tình dục chi phối nên thơ bà luôn luôn khiến liên tưởng đến những cơ quan sinh dục.và chuyện làm tình ? Ngày nay, tại Việt Nam quốc nội cũng như nơi người Việt hải ngoại, khá nhiều tiểu thuyết, văn thơ cùng trên báo chí và diễn đàn Internet cổ súy thứ văn chương mang nặng tính tà dâm đến độ tục tĩu, không riêng phái nam mà cả phái nữ.

          Dù sao, tính dục đưa đến độ tà dâm nếu có thể tạo nên đôi tác phẩm đặc sắc thỉ cũng không thể xem đấy là kích thích tố cần thiết cho Tính Sáng tạo vì giá trị một tác phẩm gắn liền với giá trị nhân cách của tác giả. Hơn nữa, đấy chỉ là đôi trường hợp hi hữu chứ phần lớn những thiên tài không do từ tà dâm mà có óc Sáng tạo.

          -Những chất kích thích : Ðể kích thích tính Sáng tạo, một số người –nhất là giới Văn Nghệ sĩ-  thường quen dùng nhiều chất kích thích, thông thường nhất là cà-phê, thuốc lá, rượu rồi đến cả những chất nhiều độc tính như thuốc phiện, bạch phiến, canabis,…và cả gái. Có thể lúc đầu chỉ là ham vui với bạn bè nhưng sau đó thành thói quen nghiện ngập, khó lòng buông bỏ. Ðể tránh cơn buồn ngủ trong khi sáng tác, người ta dùng từng cốc cà-phê đậm đặc ; để cho qua đôi phút thờ thẫn, ‘bế tắc’ không tìm ra ý, ra lời diễn tả một ý nào khúc mắc, người ta hút thuốc liên miên rồi nhìn khói thuốc vòng vo, bỗng nhiên nẩy sinh đôi từ lạ. Ðể quên một buồn đau, bực bội, uất nghẹn nào đó do thất tình, thất chí hoặc để những vật vã về thể xác dồn về dằn vật thần trí, từ đó nầy sinh những cảm giác mạnh, những ý nghĩ táo bạo mà diễn tả được những cảm giác, cảm xúc bình thường không thể có, người ta dùng rượu đến độ say túy lúy. Cao Bá Quát đã từng bảo : ‘Ðoạn tống nhất sinh duy hữu tửu’ (dứt bỏ cuộc đời chỉ riêng có rượu). Thùy Dương Tử (giải nhất thi đàn Bạch Nga do Nguyễn Vỹ tổ chức) đã có những câu thơ :

Tôi gọi nơi đây là quán rượu
Rượu ân tình, rượu Tổ Quốc ta yêu
Những ai đi qua từng trưa, từng sớm, từng chiều
Xin mời lại… Rượu thương mình vô kể..

 

          Thuốc phiện, bạch phiến, cần sa cùng các thứ dược phẩm có độc tính làm giảm đau đớn thể xác vì căn bệnh nào đó thì lại như đem lại khoái cảm, khiến thần trí lâng lâng, phiêu diêu dìu vào một thế giới phiêu bồng nào đó mà tình cảm cùng thần trí lúc bình tĩnh không thể nào có được, từ đó kích thích óc Sáng tạo. Và gái, sau những giờ phút nhục thân thỏa mãn tràn trề, sau nhưng quằn quại của đam mê là những vui thỏa hay chán chường rũ liệt để có cái nhìn đời, nhìn thế sự khác với thường ngày. Xin không dông dài điều nầy.         

          Một Winston Churchill không thể giã từ nàng tiên Nicotine. Ông hút liên miên xì-gà, và cảm thấy thần trí ung dung, thoải mái trong mọi giải quyết nhiều vấn đề rối rắm (psychologie de la Création, sđd, trang 196). Voltaire, Buffon, Fontenelle rất nghiện cà-phê. Sébastien Bach  cũng thế, đã soạn nhạc phẩm 'cantate du café’. Balzac lại tìm nơi rượu nguồn kích thích cảm hứng đôi khi như xuất thần. Nhiều nghệ sĩ rất nghiện rượu như về hoạ : Utrillo, Toulouse-Lautrex, Modigliani ; về thi ca : Rimbaud, Nerval, Musset, Poe ; về nhạc : Haendel, Gluck,…Về các độc tố khác, Baudelaire vì để chữa bệnh đã phải hít hơi ether rồi thành thói quen dù thấy rõ tai hại ; Edgar Poe rất nghiện rượu và tự xem mình như một nô lệ cho nàng tiên nâu (Psychologie de la Création, sđd, trang 199, 200) 

          Không rõ xưa kia, những Lý Bạch, Thôi Hộ, Bạch Cư Dị, Ðỗ Mục,…Tô Ðông Pha,…có nghiện thứ nào không và có do những chất kích thích trên mà có khối lượng thơ tuyệt tác. Ở Việt Nam, Lưu Trọng Lư, Ðinh Hùng, Lê Văn Trương,…, Tạ Ký, Hoàng Trúc Ly, Thùy Dương Tử, …là những nhà thơ nghiện thuốc phiện và nghiện rượu. Còn nhiều nữa. Bùi Giáng không  nghiện bất cứ thứ gì.

          Dù rằng những chất kích thích trên có giúp cho nhà nghệ sĩ dễ tìm cảm xúc, cảm hứng, dễ tập trung thần trí vào một đề tài nào để có những sáng tác hay lạ nhưng không hẳn là yếu tố cho Tính Sáng tạo. Chẳng qua vì quen dùng nên chúng trở thành cần thiết không thể thiếu, khó lòng từ bỏ rồi biện hộ cho chúng bằng cách mượn chúng chứng minh khả năng sáng tạo của mình. Không một kẻ bình thường nào tự dưng uống rượu, dùng ca-phê, thuốc lá hay thuốc phiện cùng các thứ kích thích khác mà trở nên thiên tài với óc sáng tạo lớn. :

 

          12) Cơ hội May mắn:

Nhiều trường hợp, những kẻ xuất sắc hay thiên tài lúc đầu chẳng một ai biết và tự mình cũng không nhận ra được khả năng độc đáo của mình. Sự may mắn bất ngờ bỗng đến để tạo cơ hội, điều kiện cho thiên tư nẩy nở. Newton rời trường học, về chăm lo nông trại của mẹ, nếu không gặp được cuộc viếng thăm của người Bác đã từng dạy ở Ðại học Cambridge, sẽ chẳng bao giờ nhận được trau giồi để trở thành một nhà vật lý lừng danh. Victor Cousin, nhà triết học duy tâm Pháp, vốn là một trẻ bụi đời, đến 10 tuổi vẫn mù chữ, may sao gặp người mẹ của một bạn cùng bọn, đã dạy cho biết đọc biết viết. Gauss, được gọi là ‘ông hoàng toán học’ (le prince des mathématiques), lúc nhỏ nghèo nàn nhưng may sao được người em của mẹ, làm nghề thợ dệt, chăm lo dạy dỗ cho ông. Niel Abel, nhà toán học Na Uy nổi tiếng do nhà toán học Michael d’Holmboe nhận ra khả năng thiên phú, từ đó phát triển óc sáng tạo trong lúc  vị giáo sư trước lại không hề biết đến (Psychologie de la Création, sđd, trang 86). Edith Piaff, người ca sĩ Pháp nổi tiếng thế giới đã sống lang thang lề đường, chỉ ca hát giúp trong những quán bar, tình cờ được một nhạc sĩ tới quán bar, để ý giọng hát, nên đã giúp khả năng thiên phú của Bà phát triển. Khá nhiều trường hợp may mắn như thế. Một Lý Công Uẩn, nếu không nhờ sư Lý Khánh Vân và sư Vạn Hạnh nhận ra những khác thường và nuôi dưỡng, có lẽ đã không trở thành vị vua xuất sắc của lịch sử nước ta. Trong lúc đó, khá nhiều thiên tài, óc sáng tạo nẩy nở sớm và nhiều công trình có Tinh Sáng tạo cao nhưng không gặp may, đã phải âm thầm, chẳng một ai biết đến như một Omar-Khayyam, sinh vào giữa thế kỷ 11, nhà Toán học, Thiên văn học, triết học và là nhà thơ nổi tiếng của Ba Tư (Iran ngày nay) nhưng đương thời chẳng ai biết đến , mãi sau nầy, sau bao nhiêu thế kỷ mới được lịch sử nhận ra (xem Carolina Việt Báo, Charlotte – USA, Trà Nguyễn chủ nhiệm, số 16, tháng 04/2006).

          Cơ hội may mắn cũng có thể là một trường hợp, một sự việc nào đó xảy ra, ta quan sát được, bỗng nhiên kết hợp mọi tư lự, băn khoăn, thao thức của ta vào một điểm duy nhất nào đó mang tính Sáng tạo cao. Người ta thường kể rằng chính do quan sát quả táo rơi xuống đất mà Newton phát hiện ra định luật "Vạn vật hấp dẫn" mà bao suy tư lâu nay chưa đưa đến một kết luận toàn triệt, nhất thống. Lazzlo Biro, ký giả người Hungary, quan sát một sân chơi boule de pétanque thấy viên "bi" lăn trên sân vừa mới ướt vì mưa,để lại dấu vì loại bi này bằng kim loại tỷ trọng cao. Anh ta bỗng nhiên nghĩ ra cách tạo một cây bút đầu tròn mà ngày nay ta gọi là ‘viết bi’ (stylo à bille), sáng kiến đó được một nhà kinh doanh ứng dụng và anh ta trở nên giàu có. Rất nhiều trường hợp, vì thiếu điều kiện may mắn nên bao nhiêu kẻ có tài không thể phát huy óc sáng tạo của mình. 

          Trên đây là những góp nhặt sách báo, thêm vào những kinh nghiệm của người viết  qua quá trình trước tác, dĩ nhiên còn thiếu sót nhiều. Sáng Tạo và Tính Sáng Tạo, nhiều khi không có dữ kiện để chứng minh một cách rõ ràng. Khoa Tâm Lý học đưa ra nhiều dữ kiện dựa vào các nghiên cứu khoa học, nhưng người viết vẫn thấy khó lòng diễn đạt được hết một vấn đề vừa thực nghiệm vừa tâm linh. Mong bạn đọc, nhất là những nhà sáng tác, trước tác, bằng kinh nghiệm và suy nghiệm của mình bổ túc cho bài viết.

 

          B.- Tính Sáng Tạo trong Thi Ca : Xin nói trong một bài khác.

                                                                                                                       

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.orghttp://vietsciences.net Nguyễn Thùy