Tết Paris

Vietsciences-  Võ Thị Xuân Sương        04/02/2011

 

Những bài cùng tác giả

Mỗi năm, cứ mùa Giáng Sinh và Tết Tây Tết ta là khu Paris 13 vốn luôn luôn sinh động rộn ràng, càng thêm náo nhiệt. Báo chí và truyền hình truyền thanh Pháp biết nhiều đến Tết Á Châu là nhờ cộng đồng người Hoa bỏ tiền ra tổ chức ăn chơi rầm rộ. Giáng sinh, những tiệm Tàu bán lương thực như Tang Frères (Anh em họ Tang)  bao dàn đèn chung quanh khu 13 chớp nháy cả tháng trên cây. Tết ta thì rước cộ múa lân, con rồng chỉ có trong truyền thuyết bỗng dưng hiên ngang lộng lẫy diễu chơi ở nhiều quận Paris, là cái đích cho bàn dân hội họp vui đùa. Dân Paris chẳng xài súng lung tung tha hồ như dân Mỹ nên tiếng pháo rộn rã dòn tan là âm thanh kích thích mời mọc. Dưới cái se lạnh mùa đông, xác pháo hồng tung tăng quyện chân lân là hình ảnh duyên dáng hấp dẫn. Mỗi năm thiên hạ vẫn chờ đợi ngày này, háo hức nhìn cho được thân rồng uốn éo.

 

Năm nay mùa đông không khắc nghiệt, ngày cuối năm và mồng một Tết vừa rồi trời êm dịu nắng sáng trưng và hy vọng tuần sau trời cũng sẽ đẹp, dân Tây tha hồ đổ ra đường ăn Tết ta đùa giỡn với lân.Dân Việt Nam vì sống rải rác lẫn lộn với người Pháp không thành khu thuần Việt như khu Tàu, nên «kín đáo» hơn nhiều, mình ra khu này để chợ búa chớ không để sinh hoạt, cũng chẳng nghe ai đi xem rồng lượn.

Năm nay bên Tây dân ta ăn Tết theo Tàu, cúng giao thừa chiều thứ 7. Đi mua con gà đầy đủ đầu cổ chân tay thì to quá không vào lọt nồi, ông hàng thịt bảo thì bà mua con nhỏ kia, tui cho bà cái đầu và chân của con này. Tôi nói không được đâu, chẳng khác nào tôi cắt đầu và chân ông lắp vào thân thể cái ông kia thì Ông Bà tui la chết. Thôi thì, đằng nào cũng cúng Ông Bà cơm chay, mâm cúng tứ phương con gà chỉ có cái mình cũng chẳng sao, được ăn là sung sướng rồi, chỉ có người sống mới trách móc. Và lăng xăng hối chồng pha bình trà mới rót ba ly, khui chai rượu mới rót ba ly, bày bánh chưng xôi chè hoa trái, đốt ba cây nhang thủ thỉ với cõi bên kia với lòng thành hy vọng họ nghe, là thấy Tết rồi.  Chẳng biết các cụ có xin được giấy xuất nhập cảnh qua với mình không, nhưng mời thì cứ mời, không mời thấy lòng dạ xốn xang không phải đạo. Cứ mời các cụ là thấy có Tết, có vui. Đúng là Tết trong lòng.

 

Bình hoa xuân chỉ mấy cành đào, mấy cành  liên kiều hoa vàng giả mai, bó huệ trắng, thêm «cây phát tài» đã bỏ thì giờ lựa mãi. Cầm trong tay rồi mà liếc cây người khác chọn vẫn thấy nó có vẻ «phát» hơn cây mình, lại tiếp tục lựa tới lựa lui...  Bất kỳ Tết nhằm ngày nào trong tuần, thứ 7 hoặc chủ nhật đầu tiên là bữa cơm gia đình anh em con cháu. Bạn bè gọi điện thoại hoặc gửi meo chúc tụng rồi sau Tết một tuầnmới tổ chức mời mọc nhau thường kéo dài dài đến cuối tháng ba.  Năm nay trên Net có bày gia chánh một món như sau, xin kê ra đây để cầu chúc bà con suốt năm an lạc.

1 - Lấy 12 tháng trong năm đem rửa sạch các mùi cay đắng, ghen tị, thù oán … rồi để cho ráo nuớc

2 - Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30 hay 31 phần

3 - Trộn đều với chút Tình Yêu, một chút Kiên Nhẫn, một chút Can Ðảm, một chút Cố Gắng, một chút Hy Vọng và một chút Trung Thành

4 - Uớp thêm các gia vị: Lạc Quan, Tự Tin và Hài Hước

5 - Ðem ngâm một khắc trong dung dịch “Những Ðiều Tâm Niệm của Chính Mình”

6 - Vớt ra xay nhuyễn, đổ tất cả vào nồi “Yêu Thương” và nấu với lửa “Vui Mừng”

7 - Ðem ra ăn với “Nụ Cười” trong chén “Bao Dung” và gắp một “Năm Mới Ðầy Yêu Thương và Hạnh Phúc”.

 

 

Xuân Sương

Paris, Fév. 2007

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Võ Thị Xuân Sương