Những bài cùng tác giả
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn
大般涅槃经
do ngài Đàm Vô Sấm
昙无谶
(Dharmaraksa)
pháp sư người Ấn,
dịch ra Hoa ngữ và Kinh Trường A Hàm của
Phật Giáo có kể truyện như sau:

Con voi và sáu người mù
Ngày xưa có một ông vua minh triết, thấy các đại thần của mình thường bảo
thủ cố chấp các hiểu biết nhỏ hẹp của mình, bèn sai người dắt đến một con
voi thật lớn và một bọn người mù bẩm sinh, để cho họ sờ voi. Sau đó vua hỏi:
"Các ông đã biết con voi là như thế nào chưa?"
- Biết rồi! Bọn người mù đáp.
- Thế voi như thế nào?
- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.
- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.
- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: "Voi giống như cái chày".
- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.
- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.
- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.
- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.
Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:
Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng
Chúng ta hầu như ai cũng biết câu truyện này, nhưng có lẽ ít người hiểu ý nghĩa vô
cùng sâu xa về mặt triết lý của nó. Chúng ta, những nhà chính trị, nhà triết
học, nhà khoa học, nhà giáo dục…và những người bình thường khác trong xã hội
đều giống như những người mù đó, chúng ta mò mẫm để hiểu thế giới tự nhiên
và xã hội, đưa ra kiến giải và áp dụng các mô hình để phát triển xã hội. Hầu
hết chúng ta đều bị rơi vào chủ nghĩa hình thức, hay nói chính xác hơn là
mắc bệnh hình thức.
Các
nhà toán học như David Hilbert (1)
muốn xây dựng một lâu đài toán học thông
suốt, có thể dùng logic để giải quyết mọi thứ, nhưng thất bại, di lụy của nó
là Tân toán học và lý thuyết tập hợp chỉ đem lại gánh nặng vô ích cho học
sinh. Các nhà vật lý học như Albert Einstein muốn đưa ra một lý thuyết
trường thống nhất để giải thích thông suốt mọi hiện tượng trong vũ trụ,
nhưng đến cuối đời ông cũng chịu thất bại không thể hoàn tất công trình, mà
cho đến nay và mãi mãi về sau, không ai có thể hoàn thành. Lý thuyết về
logic được ứng dụng rộng rãi hiện nay, có thể coi là cự phách nhất, chính là
hệ điều hành của các máy vi tính, nhưng cũng không thể cho là hoàn hảo, vì
cũng có lúc máy không thể giải đáp được yêu cầu và bị treo, hoặc dễ thấy
nhất là đưa ra thông báo không thể làm được.
Sở dĩ
tất cả mọi người đều chịu thất bại khi họ muốn dùng cái trí tuệ hiểu biết
của mình để giải quyết mọi hiện tượng trong vũ trụ, đó là do sự giới hạn của
tri thức. Tất cả mọi tri thức đều rơi vào chủ nghĩa hình thức, tức mắc bệnh
hình thức. Người ta dùng logic suy luận để đi từ hình thức này qua hình thức
kia với nhận thức là tương đương hay bằng nhau, nhưng không bao giờ đi được
đến tận cùng vì hình thức là vô cùng, luôn luôn biến động trong không gian
và thời gian, không thể khẳng định được và do đó không bao giờ hiểu được cái
toàn thể. Điều này đã được Kurt Gödel
(2)
phát biểu và chứng minh thành “Định lý bất
toàn” công bố năm 1931. Định lý này
được phát biểu thành 2 phần :
Định lý 1 :
Nếu một lý thuyết dựa trên một
hệ tiên đề phi mâu thuẫn thì trong lý thuyết ấy luôn luôn tồn tại những mệnh
đề không thể chứng minh cũng không thể bác bỏ.
Định lý 2
: Không tồn tại bất cứ một quy trình suy diễn nào cho phép chứng minh
tính phi mâu thuẫn của một hệ tiên đề.
Trước
Kurt Gödel
mấy ngàn năm, Phật Giáo cũng đã đề cập đến điều này. Kinh Bát nhã ba la mật
đa nói : “Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất
tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô
nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô
sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa :
Các pháp (vạn sự vạn vật)
không có hình tướng, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng
không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm
giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành ( chuyển động, hoạt
động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức,
không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm
thanh), hương (mùi hương), vị ( vị giác của lưỡi), xúc ( cảm giác của thân
thể), pháp ( đối tượng của ý thức)…
Đức
Phật đã giải thích nguồn gốc của thế giới, vũ trụ, vạn vật, là do 12 nhân
duyên nhưng đó cũng chỉ là tạm bợ chứ không phải rốt ráo, đó là tương đối,
giải thích cho người bình thường tạm hiểu, không thể tuyệt đối hóa. Trong
Bát Nhã Tâm Kinh thì Phật phủ định nhân duyên (phi nhân duyên) qua câu trích
ở trên, đồng thời cũng phủ định tự nhiên (phi tự nhiên) Trí óc con người
không làm sao hiểu nổi vì cái chân lý toàn thể là phi logic, không có không
gian, thời gian, số lượng, tất cả tri kiến đều vô dụng. Tri kiến chỉ có giá
trị trong một bối cảnh nhỏ hẹp, tương đối, có không gian, thời gian, số
lượng, còn nếu muốn tuyệt đối hóa, muốn lập nên một lý thuyết có giá trị phổ
quát khắp không gian thời gian chỉ là ảo tưởng. Einstein đã theo đuổi cái ảo
tưởng đó, cố xây dựng lý thuyết về Trường Thống Nhất cho tới khi qua đời
vào năm 1955, đành chịu thất bại, bởi vì ông không tin vào Định Lý Bất Toàn
của Kurt Gödel
công bố năm 1931. Ý
trong Tâm Kinh nói là bản thể của thế giới là không, không có gì cả, chúng
ta thấy có đủ thứ như sơn hà đại địa, sinh vật, con người, nhà cửa xe cộ…đó
là do bệnh hình thức. Bệnh này kinh Phật gọi là “ thế lưu bố tưởng” tức là
căn bệnh tưởng tượng đã lưu truyền phổ biến ở thế gian. Thật ra thế lưu bố
tưởng chưa hẳn là bệnh, đó là nhận thức tuy lầm lạc (vì vô minh) nhưng còn
là tướng mạnh và vô hại, nó là cái dụng của Tâm cũng tức là của cái Chân Lý
“Tâm như hư không vô sở hữu”, chỉ có thái độ chấp trước cho là nhận thức đó
đúng 100%, có thật 100% không một chút nghi ngờ gì mới đích thực là tướng
bệnh và có hại, kinh Phật gọi là bệnh “trước tưởng” tức là cố chấp cho là có
thật. Điều này cũng giống như kẻ ngốc cho rằng những hiện tượng trên màn
hình vi tính là hoàn toàn có thật, không biết đó là ảo. Với trí bát nhã,
Phật thấy các hiện tượng trong thế giới đời thường cũng là ảo, chẳng khác
mấy với với các hiện tượng mà ta thấy ngày nay trên máy vi tính, nó chỉ có
cao cấp hơn, các cảm giác đồng bộ của lục căn (mắt tai mũi lưỡi, thân xác, ý
thức) khi tiếp xúc với lục trần (sắc thanh hương vị xúc pháp) khiến con
người có cảm giác tất cả đều có thật.
Chính
vì bản chất của thế giới là không, không có bắt đầu, không có kết thúc, nên
tất cả mọi hiện tượng đều nằm trên một vòng tròn luân hồi, không có lối ra.
Phật giáo gọi vòng tròn luân hồi đó là “mở mắt chiêm bao” tức là chúng ta
chiêm bao giữa ban ngày mà không hay.
Bệnh
hình thức là gì ? Đó là bệnh cố chấp vào hình thức, chúng ta là những người
mù sờ voi, con voi tượng trưng cho cái chân lý toàn thể, tri thức của ta là
sự mò mẫm từ hình thức này qua hình thức khác của cái toàn thể đó mà không
bao giờ nắm được toàn thể. Hãy khảo sát một thí dụ để thấy rõ bệnh hình thức
là như thế nào. Nước là gì ?
Một ly nước đối với người bình thường thì đó là nước có
thể dùng để giải khát, để tắm rửa giặt giũ, để sản xuất công nông nghiệp,
còn đối với nhà hóa học thì đó là H2O, có thể phân tích thành hai
loại khí là hydro và oxy. Nếu đi sâu hơn nữa thì cấu tạo của nguyên tử hydro
gồm có 1 hạt nhân bao gồm 1 proton ở trung tâm, và 1 hạt electron quay xung
quanh ở khoảng cách rất xa, như vậy nguyên tử thật ra là trống rỗng. Hydro
có 2 chất đồng vị trong thiên nhiên là deutérium và tritium. Nhân của
deutérium có 1 proton và 1 neutron, còn nhân của tritium có 1 proton và 2
neutron. Deutérium có thể kết hợp với oxy để thành nước nặng thường được
dùng làm chất điều hòa trong các lò phản ứng nguyên tử. Tritium kết hợp với
oxy thì thành nước siêu nặng.
Nguyên tử hydrogen và 2 đồng vị của nó là deutérium và
tritium. Cấu tạo nguyên tử cho thấy vật chất trống rỗng chứ không phải đặc
cứng như ta cảm giác.

Đi sâu hơn nữa vào hạt nhân nguyên tử ta thấy :

Hạt proton gồm 3 hạt quark :2up+1down
Hạt neutron cũng gồm 3 hạt quark :1up+2down
Kích thước của hạt quark cực kỳ nhỏ. Để hình dung, ta lấy
nguyên tử carbon vốn đã rất nhỏ (0,5 nm -nano mét, 1nm= một phần tỉ mét),
phóng đại bằng kích thước quả địa cầu (phóng đại cỡ 24 triệu tỉ tức 24x1015
lần) thì thấy hạt quark có kích thước chưa tới 5 ly (mm).
Nếu ta chỉ thấy nước là nước để ăn uống và sinh hoạt, đó
là ta đã mắc bệnh hình thức, tức là bám chặt vào một hình thức của vật chất,
giống như người mù sờ voi, không biết rằng bản thể của nước là các hạt quark
và electron. Nhưng hạt quark không thể đứng một mình nghĩa là không thể độc
lập tồn tại, hai hạt quark kết hợp với nhau mới thành hạt meson (gồm 1 quark
và 1 phản quark, hạt này chỉ tồn tại một phần nghìn tỉ giây dưới dạng vật
chất. Tương tác của các hạt quark rất phức tạp, lực kết nối chúng là lực
tương tác mạnh được thực thi bởi một loại hạt trao đổi là gluon, khi tách 2
quark rời xa nhau thì lực này rất mạnh đến vô hạn nên không thể tách được
gọi là hiện tượng giam hãm –confinement- còn khi chúng tiến sát nhau thì lực
này bằng 0, bán kính tương tác của lực này chỉ khoảng một phần triệu tỉ mét,
tức 10-15 m, ngoài khoảng cách này, lực gần như biến mất) ba hạt
quark kết hợp với nhau mới thành hạt baryon, hai loại hạt baryon cơ bản nhất
là hạt proton và hạt neutron, gọi chung là hadron nằm trong hạt nhân nguyên
tử. Đó rõ ràng mang ý nghĩa nhân duyên hay sanh diệt. Một hạt quark đơn lẻ
không thể độc lập tồn tại, phải có yếu tố nhân duyên kết hợp hai hay ba hạt
quark mới sanh ra vật chất. Nếu tách rời các hạt quark thì vật chất biến
mất. Khi phân tích cơ cấu nguyên tử, người ta thấy rằng phần lớn khối lượng
nguyên tử nằm ở hạt nhân. Trong hạt nhân, proton có khối lượng gấp 1836 lần
electron (điện tử) còn neutron có khối lượng gấp 1839 lần electron. Như vậy
ta thấy khối lượng của electron rất khiêm tốn so với hạt nhân. Tuy nhiên vai
trò của hạt electron trong cơ chế tạo ra cảm giác của các giác quan mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân thể thì lại rất lớn. Tất cả những cảm nhận giác quan
của chúng ta về vật chất, kể cả các hóa tính và lý tính của từng loại nguyên
tố, đều do đám mây electron chuyển động rất nhanh quanh hạt nhân tạo ra, tất
nhiên đám mây đó được sắp xếp thế nào cũng tùy thuộc hạt nhân. Như vậy bản
chất của cảm giác là điện (electron là điện tử mang điện tích âm) đó là một
loại ảo giác rất kỳ diệu, rất rõ ràng, rất khác biệt nhau khiến cho đại đa
số người và tất cả loài vật đều tưởng là thật.
Trở lại vấn đề nước là gì, ta chỉ có thể trả lời một cách
hời hợt đó là chất lỏng thiết yếu cho đời sống sinh vật, dùng để uống, sinh
hoạt và sản xuất. Câu trả lời đó tất nhiên là mắc bệnh hình thức. Đó là thế
lưu bố tưởng, còn nếu ta tin chắc 100% là nước có thật thì đó là trước
tưởng, một căn bệnh hình thức rất trầm trọng của chúng sinh nói chung và con
người nói riêng. Nó sẽ dẫn tới khổ do Sinh, Lão, Bệnh, Tử, tới chiến tranh
do tranh giành tài nguyên, lãnh thổ, lãnh hải, đất đai, nhà cửa, tài sản,
tới đủ thứ thiên tai, nhân họa. Chứ nếu đi sâu nghiên cứu đến tận cùng bản
thể thì không thể trả lời được nước thực sự là gì. Nói đó là H2O
thì chỉ là một hình thức nông cạn, chưa đầy đủ. Nói đó là một kiểu tập hợp
của các hạt proton, neutron và electron cũng chưa đủ. Nói đó là một kiểu tập
hợp của các hạt quark và electron cũng chưa hẳn là tận cùng, bởi vì khi tách
rời được các hạt quark như Trương Bảo Thắng đã từng biểu diễn khi đi xuyên
qua tường của Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh năm 1982, thì vật chất biến mất
hoàn toàn, trở thành không, thân thể anh ta và bức tường đều biến mất, anh
ta có thể đi xuyên qua tường dễ dàng để xuất hiện lại bên trong. Nói tóm
lại, tất cả chúng ta (chỉ trừ Đức Phật và các vị Tổ Sư Thiền đã giác ngộ như
Huệ Năng, Đơn Điền, Hám Sơn, Nguyệt Khê…) đều chỉ là những người mù sờ voi,
không biết con voi thực sự như thế nào, không thể xác định được. Chính vì
vậy Kinh Kim Cang mới có câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” Phải không có
chỗ trụ mới ngộ ra cái tâm ấy, bởi vì nếu có chỗ trụ thì mắc bệnh hình thức,
bệnh trước tưởng, không phải chân lý.
Định lý bất toàn của Kurt Gödel là sự xác nhận
khoa học rằng tri thức của con người là có hạn, không thể đạt tới cái toàn
thể bằng trí óc phân tích, con người có thể dùng cái đã biết, suy luận bằng
logic ra cái chưa biết nhưng không bao giờ đạt tới cái biết trọn vẹn. Tuy
nhiên không phải vì thế mà con người bó tay, thực nghiệm của các nhà tu hành
Phật Giáo chứng tỏ rằng có thể đạt tới cái toàn thể bằng cách chấm dứt tư
duy, bởi vì suy luận chính là sở tri chướng, là áng mây đen che lấp mặt
trời, ngừng tư duy tức là quét sạch đám mây đó để mặt trời chân lý tự hiện
ra. Giác ngộ là thoát khỏi luân hồi, thoát khỏi cái vòng tròn luẩn quẩn. Nói
thoát khỏi cũng chỉ là một cách diễn tả tạm bợ, thật ra luân hồi không có
thật, thế giới vũ trụ cũng chỉ là huyễn ảo không có thật. Khoa học không thể
nào tách rời được các hạt quark trong hạt proton và neutron vì phải cần tới
một năng lượng vô hạn, nhưng bằng phương pháp tâm linh, Đức Phật và các vị
Tổ Sư Thiền làm được, một vài người có công năng đặc dị như Trương Bảo Thắng
cũng làm được. Khi làm được như vậy họ mới thấu hiểu rằng vũ trụ chỉ là
huyễn ảo không có thật. Các nhà khoa học, các nhà duy vật, trái lại tin chắc
rằng thế giới vũ trụ là có thật, họ đều là những người mù sờ voi, mắc bệnh
trước tưởng mà không tự biết. Chính vì nhận ra vũ trụ là không có thật nên
ngài Hộ Pháp (Dharmapàla), xuất phát từ ý
nghĩa của bộ kinh Duy thức tam thập tụng (zh.
唯識三十頌,
sa. triṁśikā-vijñaptimātratāsiddhi-kārikā)
của Bồ Tát Thế Thân (世親
Vasubandhu),
đã viết bộ “Thành duy thức luận” mà ngài Huyền Trang đã dịch ra Hán văn
trong đó có câu tổng kết “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” (Ba cõi -dục
giới, sắc giới, vô sắc giới- đều là tâm, vạn vật đều là do tâm thức biến
hiện”
Vị Tổ thứ 6 của Thiền Tông Trung Quốc là Huệ Năng, sống
vào đời Đường, cùng thời với nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên, là một trong những
người nổi tiếng nhất đã làm được điều đó, tức là ngộ cái chân lý toàn thể mà
Thiền gọi là Kiến tánh thành Phật (Phật chỉ có nghĩa là người giác ngộ). Ông
biết trước ngày viên tịch và căn dặn đệ tử cứ để y nguyên thân xác ông sau
khi tịch diệt ở tư thế ngồi kiết già. Nhục thân đó trở thành bất hoại, không
cần bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài, đến nay trải qua 1300 năm, nhục
thân bất hoại của Huệ Năng vẫn còn nguyên vẹn, được thờ tại chùa Nam Hoa gần
Quảng Châu, Trung Quốc, cùng với nhục thân bất hoại của Hám Sơn và Đơn Điền.
Còn nhục thân của Nguyệt Khê (tịch năm 1965) thì thờ tại chùa Vạn Phật ở
Hong Kong. Các vị Tổ Sư để lại nhục thân bất hoại nhằm mục đích làm niềm tin
cho đời sau, để chứng tỏ rằng những điều họ nói là có cơ sở.
. .
 
David Hilbert , Kurt Gödel
Kurt Gödel : (1906-1978)
Nhà toán học người Mỹ gốc Áo, tác giả của Định Lý Bất
Toàn.
David Hilbert :
(1862-1943) là
người đứng đầu nhóm “Xây dựng một hệ thống
siêu-toán-học (meta-mathematics) – một hệ thống toán học tuyệt
đối siêu hình, tuyệt đối thoát ly khỏi thế giới hiện thực, cho phép XÁC ĐỊNH
tính trắng/đen, đúng/sai của bất kỳ một mệnh đề toán học nào và chứng minh
tính phi mâu thuẫn của toàn bộ toán học.”
Mục đích của Hilbert không bao giờ đạt được vì đó chỉ là
ảo tưởng như Định Lý Bất Toàn của Gödel đã chỉ ra.
Tài liệu tham khảo :
-
“Mr Why” & Định Lý Bất Toàn của Phạm Việt Hưng-
Vietsciences
-
Wikipedia

|