Đạo của Đất

Vietsciences- Trần Sáng                     12/09/2009

 

Những bài cùng tác giả

Quẻ thứ hai trong kinh dịch là Khôn. Tượng của Khôn là Đất. Trái với quẻ Càn -tượng là Trời- Càn thì kiện cương, Khôn thì nhu thuận, nhưng một Càn, một Khôn kết hợp (Càn-Khôn) thì vạn vật hữu sinh. Bởi Càn tuy cương kiện, to lớn và có đức tạo-sinh vạn vật nhưng là tạo sinh ở phần khí, vô hình. Nhờ có Khôn mà vạn vật mới thành hình tướng và sinh trưởng không ngừng, chính vì thế mà đạo của Khôn (đất) là đạo trưởng dưỡng vạn vật. Đất nâng niu mọi hạt mầm, chăm bẵm mọi sự sống. Con người ta sinh ra trên đất. Khi mất đi lại trở về với đất, thân thể tan thành cát bụi hoà vào đất. Để rồi trong một cơn gió những hạt bụi lại được gió cuốn đi, tham gia cuộc du hành miên viễn theo sự sắp đặt của cỗ máy tạo hoá huyền vi. Theo thuyết âm-dương đất thuộc tính âm, tức là những gì mềm mỏng, nhu hoà, tàng ẩn đều là thuộc tính của đất...chính vì thế có thể nói đạo của đất là đạo của sự bao dung độ lượng, ôm ấp che chở cho muôn loài.

Tuy nhiên Những ai đã từng quan tâm đến văn hoá phương đông hẳn không thể không biết đến tới biểu tượng của thuyết âm dương, một vòng tròn có hai nửa trắng đen, nhưng trong nửa đen vẫn có một hạt trắng, và ngược lại trong nửa trắng cũng mang một chấm đen. Trong cái nhu thuận, bản thân nó cũng đã chứa đựng sự kiên mãnh, “vật cùng tắc biến” vạn vật quí ở sự hoà. Chính vì thế quẻ thái (Địa thiên thái) một trong những quẻ đạt cát của kinh dịch, đã có một sự sắp xếp thoạt nhìn có vẻ “ngược đời”. Càn (trời) nằm dưới , trong khi Khôn (đất) lại ở bên trên. Song chính vì “ngược” như vậy cho nên mới “thuận”. Và cái sự “ngược” kia cũng là bởi lẽ bao lâu nay chúng ta vẫn quen dùng hệ qui chiếu của “đời” để phóng rọi vào đạo trời-đất, rồi hồ đồ hành xử theo những kết quả mà chúng ta vội to tiếng gọi là chân lý. Chính vì Khôn trên, Càn dưới thì khí dương khinh nhẹ bay lên, gặp khí âm chằm xuống, âm dương giao hoà, biến hoá vô cùng giúp cho vạn vật sinh sôi. Nếu ngược lại Càn trên Khôn dưới (theo lẽ “đời”). Tức là để cái đức hoạt-kiên-mãnh của Càn không gì có thể chế ngự, để cho sự kiên cương, hiếu thắng của dương khí trùm toả khắp đất trời. Đó mới chính là đại hoạ, đại nghịch, vô đạo (trời). Điều này đã được kinh dịch biểu hiện bằng qủe thứ 11 (trong 64 quẻ) có tên là quẻ Thiên-địa bĩ, một trong những quẻ cùng hung của kinh dịch.

Vậy đó, trước Friedrich Hegel và Karl Marx hàng nghìn năm, trí tuệ biện chứng phương đông đã nhắc nhở nhân loại về những vấn đề này, những vấn đề mà cho tới nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Nhưng hãy xem loài người văn minh chúng ta đã tiếp thu sự nhắc nhở đó như thế nào?

Bất chấp lời dạy của tiền nhân thế giới văn minh chưa bao giờ dừng lại những cuộc chạy đua với tốc độ ... tự sát. Chúng ta luôn khao khát chiến thắng, chúng ta say sưa với những cái nhất , cái hơn. Quốc gia phát triển nhất, toà nhà cao nhất, con tàu lớn nhất, thậm chí nụ hôn lâu nhất, người ăn nhiều nhất, chiếc bánh to nhất... Chúng ta luôn tận lực bứt lên để giành lấy những đỉnh cao, những kỷ lục. Chúng ta mỉm cười hoan hỷ khi công bố phép tính thống kê đại loại: Tổng sản lượng vật chất con người làm ra được, tính từ thập niên 60 (thế kỷ XX) đến nay bằng toàn bộ sản phẩm vật chất làm ra kể từ khi con người có mặt trên trái đất đến nay. Chúng ta hoan hỷ với những biểu đồ phát triển kinh tế với tốc độ “cuồng Mã” 8- 10 rồi 11-12%. Mà không biết rằng càng nhất càng hơn thì càng xa với đạo lý nhu hoà của đất. Kết quả nhãn tiền, Thế giới ngập chìm trong khói súng. Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc (11% người giàu có tổng số tài sản bằng tài sản của 89% còn lại, toàn thế giới hiện đang có 2,8/6,3 tỷ người ở chuẩn nghèo tuyệt đối, thu nhập dưới 1USD/ngày). Những thảm hoạ môi sinh cũng đã bò và tận cửa, nhiều triệu ha rừng đã bị phá trụi, nhiều triệu ha đất đai đang bị sa mạc hoá, phần lục địa nhỏ bé nơi trú ngụ duy nhất của chúng ta (chỉ chiếm 1/3 diện tích bề mặt trái đất), đang bị vây khốn trong cuộc “xâm lăng” của đại dương đang ngày càng trở nên hung dữ, bởi mỗi năm đang được bồi thêm hàng nghìn tỷ mét khối nước. Mà căn để sâu sa là việc chúng ta phá hỏng hệ sinh thái của thiên nhiên, bằng nhiều triệu tấn khói thải, đang ngày đêm khoan thủng tầng Ozone (O3) gây ra những hệ luỵ tất yếu như: El Niño, La Niña, băng tan mũ cực.v.v...

Như một lập trình hoàn hảo đạo lý của đất đã chuẩn bị cho chúng ta một môi trường sống hoàn hảo. Phủ trên bề mặt hành tinh là những tầng đất màu mỡ, chuẩn bị cho những mùa vàng no ấm, sâu trong lòng đất là nguồn nước ngầm trong mát và đặc biệt là lượng khoáng sản khổng lồ-một thứ linh khí của vũ trụ mà phải mất hàng trăm triệu năm mới thành hình. Nhưng hãy xem chúng ta đã sử dụng kho báu của đất mẹ thế nào? Trước hết nguồn nước ngầm trong sạch đang bị nhiễm bẩn hàng ngày bởi chất thải từ hàng chục triệu nhà máy đang ngày đêm phun, xả. Sau nữa với cách khai thác tài nguyên chụp giật theo nguyên tắc: Nhiều-nhanh-rẻ những vùng đất rộng lớn đang bị nhiễm độc và dần biến thành tử địa, hàng chục nghìn loài sinh vật đã, đang và sẽ bị biến mất bởi sự khai thác độc địa và tàn nhẫn của chúng ta. Để đổi lấy những thành tích “cánh đồng năm tấn, mười tấn, hai mươi tấn (chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng). Chúng ta đang vắt kiệt nguồn dinh dưỡng của đất, và đã trả cho đất cái gì? Không gì khác hơn là hàng trăm triệu tấn phân bón hoá học, hàng tỷ lít thuốc bảo vệ thực vật... Kết quả là hàng triệu héc ta đất canh tác đang bị nhiễm độc, cằn cỗi, chai cứng và bạc màu .

Hình như đâu đó người ta đã nhận ra điều này và đang vá lỗi bằng những cố gắng tuyệt vọng kiểu như những hội nghị thượng đỉnh về sinh thái môi trường: Rio De Janeiro (1992); Kyoto( 1997); Johannesburg(2002)... những hội nghị chưa bao giờ thực sự thành công.

Thành công thực sự của chúng ta là : sắp phá hỏng hoàn toàn sự hài hoà tuyệt diệu của thiên nhiên.

Đạo của Đất là đạo của trưởng dưỡng, nhu hoà. Song “vật cùng tắc biến”. Nộ khí thì dù là của nhu hoà hay kiên cương cũng đáng sợ chẳng kém gì nhau.

Quẻ “thiên địa bĩ” hình như đang hiệu dụng. Đất đã, đang và sẽ trả thù chúng ta. những trận lụt thế kỷ cướp đi sinh mạng hàng chục nghìn người và khiến hàng trăm nghìn người khác lâm vào thảm cảnh màn trời, chiếu đất giữa một biển nước mênh mông (Lụt lớn ở miền nam Trung Quốc, miền trung Việt nam...), trong khi có những vùng đất rộng lớn lại đang cháy khét trong nắng hạn, vài năm chưa thấy một hạt mưa (nam Sahara). Những trận bão khủng khiếp làm xinh vinh cả nền kinh tế hàng đầu thế giới (trận bão Katrina tại bang Louisiana nước Mỹ năm 2005). Rồi những cơn lũ quét kinh hoàng, cuốn phăng nhiều khu vực dân cư. Rồi những trận lở núi “kinh thiên động địa”, những dịch bệnh hiểm ác và bí ẩn, mà chưa bao giờ chúng ta thực sự kiểm soát nổi.

Đến đây chắc sẽ có những câu hỏi phản biện được bật ra. Bởi xét cho cùng thì con người vẫn phải sinh tồn, và vẫn phải làm một cái gì đó để phục vụ cho cuộc sinh tồn của mình chứ? Hoàn toàn đúng! Tệ hại hơn tất cả mọi sự tệ hại là bất động, thúc thủ, ngồi chờ số phận. Hành động sẽ giúp cho con người trở nên người hơn. Nhưng nếu hành động mù quáng, bất chấp hậu quả, thì thực chất chỉ là sự náo động vô tri mà thôi. Câu hỏi cần thiết phải đặt ra là: Đạo-Lý gì đang chi phối hành động của chúng ta? Thế giới này đang vận hành theo nguyên lý nào? Phải chăng, chỉ có mục đích-kết quả-chiến thắng mới đáng kể, mọi sự khác chỉ là phương tiện để chở ta đến đích mà thôi ư?. Khẩu hiệu vang lên khắp nơi là:: “tiến tiến... tiến... ”. Nhưng tiến tới đâu lại là điều chưa bao giờ chúng ta suy nghĩ nghiêm túc.

Tới đây tôi bỗng nhớ đến một câu thơ của nhà thơ Bút Tre – nhà thơ độc đáo, có một không hai trên thi đàn hiện đại, viết thơ để chơi mà ... ngấm:

Tiến lên ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu
Hàng đầu rồi biết đi đâu
Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi..!!!

Câu hỏi thế giới này sẽ đi về đâu? là một câu hỏi không mới nhưng chưa bao giờ cũ, bởi vì chưa bao giờ và chưa ở đâu chúng ta tìm được cho nó một câu trả lời rốt ráo. Và hình như cũng chưa bao giờ chúng ta thử tìm nó trong đạo lý của Đất.

Đã đăng trên Khoa Học & Tổ Quốc tháng 05-2009

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Trần Sáng