Giáo hoàng gặp gỡ các đại sứ tại Vatican

Giáo hoàng Benedict 16 đang phải đương đầu với các cáo buộc nhằm vào Giáo hội

Giáo hoàng Benedict 16 đã tấn phong 22 vị hồng y giáo chủ mới tại một buổi lễ ở nhà thờ thánh Peter ở Rome hôm thứ Bảy ngày 18/2.

Những vị ‘hoàng tử mới của giáo hội’ này đã được đích thân Giáo hoàng đội mũ đỏ và đeo nhẫn vàng tại buổi họp toàn thể hội đồng các hồng y.

Các vị tổng giám mục của New York và Hong Kong cũng nằm trong số những người được tấn phong vào nhóm danh giá này vốn nắm quyền bầu chọn giáo hoàng.

Giáo hoàng Benedict 16 hiện đã gần 85 tuổi. Ngài đã chậm chạp thấy rõ, phóng viên BBC David Willey ở Rome cho biết.

Ngài bước vào nhà thờ thánh Peter trong buổi lễ tấn phong hôm thứ Bảy trên chiếc bục lăn để khỏi phải tự bước dọc trên lối đi dài dọc nhà thờ

Ngài kêu gọi các vị hồng y giáo chủ mới được tấn phong hãy ‘phục vụ Giáo hội với tình yêu và sức mạnh’ trước khi trao cho họ mũ đỏ và nhẫn vàng.

Ưu thế nước Ý

Mười tám trong tổng số 22 tân hồng y giáo chủ có độ tuổi dưới 80. Điều này có nghĩa là họ sẽ nằm trong nhóm 125 hồng y có quyền tham gia và cuộc họp kín bầu tân giáo hoàng một khi Benedict 16 qua đời.

Bảy vị tân hồng y là người Ý – nhiều người trong số họ nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy của Giáo hội.

Điều này càng làm tăng sự hiện diện của châu Âu trong số 125 ‘đại cử tri’ của Giáo hội’ và càng tăng khả năng Giáo hoàng kế tiếp có thể sẽ lại đến từ nước Ý – một điều đã bị nhiều chỉ trích về sự thiên lệch khi mà các khu vực châu Phi và Mỹ Latinh đã lớn mạnh hơn rất nhiều so với châu Âu trong Giáo hội Thiên chúa giáo La Mã.

Tổng giám mục New York Timothy Dolan, 62 tuổi, nguyên là hiệu trưởng nổi tiếng của Chủng viện Bắc Mỹ ở Rome, nơi đào tạo các linh mục tương lai cho Hoa Kỳ, cũng nằm trong số các hồng y giáo chủ được tấn phong lần này.

Phát biểu trong một cuộc họp kín các của các vị hồng y cả cũ lẫn mới hôm thứ Sáu ngày 17/2, ông nói rằng Giáo hội cần một ‘chiến lược sáng tạo’ để đưa đức tin trở lại các quốc gia ngày càng trở nên thế tục

Ông kêu gọi Giáo hội nên nhấn mạnh vào các mặt tích cực của mình và hoàn thành sứ mạng mà Giáo hội gọi là ‘tân phúc âm hóa’, tức là truyền báo đạo Thiên chúa trong bối cảnh mới, với ‘nụ cười chứ không phải cái cau mày’.

Các vị tổng giám mục John Jong Hon của Hong Kong và Rainer Maria Woelki của Berlin cũng được tấn phong hồng y giáo chủ trong đợt này.

Hội đồng các hồng y tập hợp trong bối cảnh nội bộ Vatican đang có sự bất an, phóng viên của BBC cho biết.

Các bản ghi nhớ nội bộ mật của Giáo hội về các cáo buộc tham nhũng ở các chức sắc cao cấp và các cố vấn thế tục của giáo hoàng đã bị rò rỉ cho giới truyền thông.

Người phát ngôn của Tòa thánh Vatican đã phát biểu với cách nói ẩn dụ đầy màu sắc: 'lũ sói đang đi lảng vảng kiếm ăn trong cung điện lộng lẫy của các vị giáo hoàng’.

Cáo buộc

 

Từ Rome, phóng viên BBC David Willey nhận định rằng hội nghị toàn thể các hồng y giáo chủ lần này là thứ tư kể từ khi Giáo hoàng Benedict 16 lên trị vì và nhằm để đưa số lượng Hồng y đoàn lên đầy đủ số cử tri theo quy định là 120 sau khi một số vị qua đời và quá tuổi đã làm giảm số lượng của Hồng y đoàn.

“Chắc hẳn đây là câu lạc bộ chỉ dành riêng cho nam giới lâu đời nhất thế giới,” phóng viên Willey nhận xét và cho biết độ tuổi trung bình của các hồng y là 78 tuổi.

Với việc nước Ý có thêm bảy vị hồng y nữa, số lượng các hồng y người Ý đã chiếm đến gần một phần tư tổng số – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, ông lưu ý và nói rằng Hồng y người Ý Tarcisio Bertone, trợ lý thân cận của Giáo hoàng, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tấn phong cho các vị đồng hương của ông.

Còn về cáo buộc tham nhũng, phóng viên Willey cho biết trước khi hội nghị các hồng y diễn ra, đại sứ đương nhiệm của Vatican tại Hoa Kỳ là Tổng giám mục Carlo Maria Vigano đã viết thư mật đến Giáo hoàng hồi tháng Ba năm 2011 để cáo buộc về tình trạng tham nhũng, bè phái ở nơi ông làm việc, trong đó có một số chức sắc đã đưa người thân và bạn bè vào nắm giữ một số vị trí.

Đây là một cáo buộc nghiêm trọng trong hệ thống của Vatican, theo Willey. Trong nhiều thế kỷ một số giáo hoàng đã quen với việc tấn phong cháu họ của mình làm hồng y và trong một số trường hợp các hồng y này còn chưa đến 20 tuổi.

Lá thư mật của Tổng giám mục Vigano đã bị một nhà báo điều tra người Ý đưa ra cho công chúng trong một chương trình truyền hình trên kênh La Sette độc lập của Ý. Tòa thánh Vatican vẫn chưa phản bác liệu lá thư này có thật hay không.

Một thông tin rò rỉ khác là về nỗ lực đối phó của Tòa thánh với các nghi ngờ về hành vi rửa tiền của Ngân hàng Vatican.

Thông tin này đã được đăng trên nhật báo Il Fatto Quotidiano của Ý. Nhật báo này cũng đã liên tục đưa tin về các giao dịch bị cáo buộc là đáng ngờ tại ngân hàng này.

Tài liệu bị rò rỉ có chữ ký của Hồng y Attilio Nicora, người đứng đầu một ủy ban nội bộ của Tòa thánh được Giáo hoàng giao nhiệm vụ giúp Vatican tuân thủ các quy định giao dịch ngân hàng quốc tế để đấu tranh với các tội phạm tài chính quốc tế.

'Wikileaks của Vatican'

Quà̉ng trường Thánh Peter ở Vatican

Vatican đang trở thành một thiên đường trốn thuế?

Tài liệu này cho thấy sự chia rẽ ý kiến nghiêm trọng trong nội bộ Vatican về việc làm thế nào để ngăn Tòa thánh trở thành một thiên đường tài chính và một nơi trốn thuế cho các hoạt động thương mại đáng ngờ của những người không có quyền mở tài khoản tại Viện các công việc cho tôn giáo IOR, tiền thân của Ngân hàng Vatican.

Trong suốt những năm 1980, IOR là trung tâm của một vu tai tiếng tài chính quốc tế lớn mà hậu quả là Vatican đã mất một số tiền là 250 triệu đô la.

Theo quy định, Ngân hàng Vatican chỉ mở tài khoản cho các vị giáo phẩm và các vị chức sắc trong Giáo hội, phóng viên Willey cho biết.

Nhật báo Osservatore Romano, tiếng nói của Vatican, trong một bài xã luận mới đây đã gọi các quan chức đã rò rỉ các tài liệu nội bộ nhạy cảm của Giáo hội là ‘lũ sói’ và cho biết Giáo hoàng Benedict 16 đã sẵn sàng đương đầu với ‘cách hành xử vô trách nhiệm và đáng khinh’ của họ.

Người phát ngôn của Giáo hoàng Federico Lombardi thậm chí còn so sánh vụ rò rỉ tài liệu của Vatican với vụ rò rỉ thư tín ngoại giao của Hoa Kỳ trên Wikileaks và lên án những người làm rò rỉ muốn thể hiện hình ảnh của Vatican và bộ máy trung ương của nó một cách tiêu cực.

“Rõ ràng tiền bạc chiếm trọn tâm trí của những người hiền đang điều hành Giáo hội Thiên chúa giáo,” Willey nói.

Trong khi hứa hẹn sẽ ‘cải thiện việc quản lý tài nguyên và tài sản của Giáo hội’, ủy ban tài chính của Giáo hội cũng kêu gọi 1,3 tỷ tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới mở hầu bao nhiều hơn để tiếp tục tài trợ cho các hoạt động của Vatican.