Chính trị và niềm tin

Vietsciences-Phan Huy Đường             25/04/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

Theo rõi cuộc tranh cử tổng thống sắp tới ở Mỹ, tôi yêu bàn dân Mỹ : họ có niềm tin. Và tôi sợ bàn dân Mỹ : họ quá cả tin.

Còn chính khách Tây U et tutti quanti, khỏi nói, tôi biết từ lâu. Chán lắm, bạn đời ơi…

Không có niềm tin, ta không dám làm gì, hoặc làm gì ta cũng dám, kể cả chuyện phi nhân. Cả tin cũng… vậy. "Tòa án Bertrand Russell" vĩ đại ở đó : nó nói với mọi người, ở đời, không chỉ có toà án của kẻ mạnh, kẻ chiến thắng. Còn có toà án của lương tâm loài người.

Để hành-động, ta cần phải tin. Điều gì đó. Khi ta không nói được nên lời niềm tin ấy, ta vay mượn ngôn ngữ của người khác : tôn giáo, ý thức hệ hay lãnh tụ.

Nhưng niềm tin không đủ để hành-động có nhân tâm, nhân cách, nhân tình, nhân-quả[1].

Còn cần chút lý trí. Khốn nạn thay, lý trí thể hiện bằng ngôn ngữ, và cái lưỡi lại không xương. Lý trí hôm nay muốn chứng minh cái gì cũng được : nếu A là A đúng thì không-A là không-A cũng đúng thôi. Vậy, để tâm hồn ta thanh thản, hiu hiu tự đắc, tự mãn, tự phụ, ta chỉ cần "tự do" lựa chọn là A hay là không-A thôi. Để chém giết nhau túi bụi, không chút e dè, nể nang, phân vân, khắc khoải… Để không-làm người.

Một khi lý trí như thế, cứu cánh cuồi cùng là "tình thương". Nhưng tình thương phi lý chẳng khác gì niềm tin hão ở Phật, Jésus, Mahomet hay Đảng và Nhà Nước của không ít người đời nay ! Tình thương phi lý rất dễ phi nhân. Hậu quả như thế nào, cứ nhìn thế giới hôm nay và ảnh hưởng của niềm tin "God bless American way of life" hay "niềm tin" "Đảng và Nhà nước" của một số người Việt ngày nay thì thấy.

Tôi tin rất nhiều phân tích của Marx về thế giới tư bản, môi trường khai sinh ra tôi, tôi đã nên người và sẽ chết ở đó. Tôi không tin tương lai của loài người sẽ tuỳ thuộc những nhân tố ấy thôi. Có thể vì tôi khờ khạo, ham… yêu, hè hè… Nhưng tôi đành công nhận : cho tới nay, ông đúng, những điều ông phán đoán từ cả trăm năm nay đang thể hiện hàng ngày dưới mắt tôi.

Ôi, Marx, chàng ơi, phải chi chàng không chỉ là một nhà tư tưởng kiệt xuất, một nhà lý luận khắt khe, một nhân tâm lỗi lạc, một nhà văn xuôi trác tuyệt, mà còn không-là chính chàng, còn là một nhà thơ, ta sẽ yêu chàng hơn chàng đã giúp ta đành yêu chính mình. Hè hè…

2008-04-22

 

[1] Không phải nhân quả của Phật học nhe.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phan Huy Đường