Hồ Cẩm Đào 'giúp' Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình

Vietsciences-Duy Ái * VOA             06/10/2010

 

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã giúp cho nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình 2010! Ông Thiết Lưu, một ký giả lão thành nổi tiếng ở Trung Quốc, đã cho biết như thế trong lúc trình bày về việc ông ký tên vào một lá thư công khai để đòi hỏi chính phủ ở Bắc Kinh chấm dứt chế độ kiểm duyệt báo chí và tôn trọng quyền tự do ngôn luận và các quyền cơ bản khác của người dân. Mời quí vị theo dõi một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách.

Ông Lưu Hiểu Ba đang thụ án tù 11 năm trong một nhà tù ở Trung Quốc
Hình: AP  Ông Lưu Hiểu Ba đang thụ án tù 11 năm trong một nhà tù ở Trung Quốc

Hôm thứ Ba vừa qua, trong lúc nhiều người trên thế giới tiếp tục bàn tán về việc nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình, 23 nhân vật nổi tiếng trong giới trí thức và giới truyền thông Trung Quốc đã công bố một lá thư đòi chính phủ ở Bắc Kinh ngưng kiểm duyệt báo chí và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân. Bức thư gởi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc nói rằng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và tự do biểu tình  – được qui định rõ trong điều 35 của Hiến pháp 1982, đã không ngớt bị chà đạp và điều này đã trở thành “một vụ tai tiếng trong lịch sử dân chủ thế giới.” Thư này còn than phiền rằng quyền tự do mà người dân Trung Quốc được hưởng hiện nay – hơn 60 năm sau khi “làm chủ đất nước”, còn thua xa các quyền mà người dân thuộc địa Hồng Kông được hưởng trước khi nước Anh giao hoàn phần đất này cho Trung Quốc.

Nhà báo lão thành Thiết Lưu là một trong những người ký tên vào lá thư này. Ông cho biết như sau về tình hình của giới truyền thông Trung Quốc hiện nay.

Ông Thiết Lưu nói: "Báo chí ở nước tôi từ trước tới nay không hề được khai phóng mà chỉ đóng vai trò 'cái miệng' của Đảng. Lẽ ra báo chí phải là 'cặp mắt' của nhân dân, nhưng bây giờ lại trở thành cái miệng của Đảng. Bởi vậy cho nên tường thuật của báo chí rất đỗi thiên lệch. Trong những năm gần đây báo chí còn xuống cấp tới độ chẳng những không xứng đáng là cái miệng của Đảng mà chỉ còn là người phát ngôn của những nhóm đặc quyền đặc lợi."

Ông Thiết Lưu cho biết trong số 23 người ký tên vào lá thư công khai này có đến 60% là những người từng hoạt động trong ngành truyền thông báo chí và nắm giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính phủ, như ông Lý Nhuệ, cựu Phó Bộ trưởng Bộ tổ chức Trung ương và từng làm thư ký cho ông Mao Trạch Đông; ông Hồ Tích Vĩ, cựu chủ nhiệm của tờ Nhân dân Nhật báo; ông Vu Hữu, cựu tổng biên tập báo Nhân dân; và ông Lý Phổ, cựu Phó giám đốc Tân Hoa Xã. Ông Thiết Lưu nói thêm rằng 90% những người ký tên là đảng viên Đảng Cộng Sản Trung Quốc và nhiều người có tuổi đảng còn cao hơn tuổi đời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.

Khi được hỏi về việc nhà văn Lưu Hiểu Ba vừa đoạt được giải Nobel Hòa bình 2010 trong lúc thọ án tù 11 năm vì tham gia soạn thảo Hiến Chương 08 để kêu gọi cải cách dân chủ, nhà báo Thiết Lưu cho biết rằng diễn tiến này đã nêu bật tệ nạn đàn áp tự do ngôn luận ở Trung Quốc.

Ông Thiết Lưu nói: "Theo tôi thì vụ việc liên quan tới ông Lưu Hiểu Ba là một vấn đề về tự do ngôn luận. Có thể nói rằng giải Nobel Hòa bình của ông Lưu không phải là do Ủy ban Nobel trao tặng mà do chính ông Hồ Cẩm Đào trao tặng. Ông Lưu chỉ viết Hiến chương 08, hành sử quyền tự do ngôn luận của mình, mà lại bị tuyên án tù! Cớ sao chính phủ lại bỏ tù ông ấy? Chính phủ làm như vậy là tự hại lấy mình, vì rốt cuộc không phải là người khác muốn lật đổ chính phủ mà chính bản thân chính phủ tự chuốc lấy cái sự nhục nhã cho mình."

Lá thư công khai đã mạnh mẽ chỉ trích Bộ Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc mà họ gọi là “hắc thủ” -- hay “thủ phạm giấu mặt”, của những hành vi đứng trên pháp luật để chà đạp quyền tư do báo chí. Thư này đặc biệt bày tỏ bất mãn trước sự kiện là những phát biểu hồi gần đây của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về cải cách chính trị cũng bị “hắc thủ” kiểm duyệt và cắt xén.

Nhà văn Thiết Lưu cho biết tính đến ngày thứ tư (13 tháng 10), lá thư đòi tự do ngôn luận đã được gần 470 người ký tên ủng hộ, mặc dù giới hữu trách Trung Quốc đã nhanh chóng ngăn chận việc phổ biến lá thư trên mạng internet.

Ông Lý Đại Đồng, một nhà bình luận nổi tiếng của tờ Thanh niên Trung Quốc, cho biết rằng tuy ông chưa có cơ hội tham gia ký tên nhưng ông hoàn toàn ủng hộ những quan điểm của thư này.

Ông Lý nói: "Lá thư hô hào này đã viết rất rõ ràng. Đó là cần phải thực thi những điều khoản trong hiến pháp. Không thể tiếp tục để cho hiến pháp của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa tiếp tục là một văn bản sáo rỗng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc lên nắm chính quyền đã 60 năm rồi mà tới nay vẫn chưa thể hiện lời hứa với nhân dân về tự do báo chí, tự do ngôn luận!"

Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc cho biết chính phủ ở Bắc Kinh tiếp tục phong tỏa những tin tức liên quan tới việc nhà văn Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel, ngoại trừ một số ít bài viết chỉ trích ủy ban Nobel và chính phủ Na Uy.

Tiến Sĩ Trình Lập, một nhà nghiên cứu người Trung Quốc làm việc cho Viện Brookings ở Washington, cho rằng việc ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải có thể mang lại một tác động tích cực cho những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền ở Trung Quốc.

Tiến Sĩ Trình Lập cho biết: "Người dân Trung Quốc thường đánh giá cao giải thưởng Nobel, bất kể là Nobel Hòa bình hay Nobel khoa học. Diễn tiến này chắc chắn là một yếu tố khiến cho người dân Trung Quốc, thậm chí cả những nhà lãnh đạo Trung Quốc, suy nghĩ lại vai trò của Trung Quốc trong thế giới ngày nay. Nghĩ về việc làm thế nào để gia nhập với thế giới thay vì tách khỏi sự phát triển toàn cầu."

Trong khi đó, một nhà báo bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, bà Đới Tình, cho biết rằng giải Nobel Hòa bình lọt vào tay ông Lưu Hiểu Ba làm cho giới tranh đấu dân chủ ở Trung Quốc cảm thấy phấn chấn. Bà cho biết như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA.

Bà Ðới Tình nói: "Giải thưởng này không phải chỉ trao cho một mình ông ấy. Ủy ban Nobel ở Na Uy đã nói rất rõ. Họ nói ông Lưu Hiểu Ba là một biểu tượng. Điều này cũng có nghĩa là ở Trung Quốc có đến hàng ngàn hàng vạn người đã ra sức tranh đấu trong cương vị của mình. Tình cảnh của những người đó có thể còn khổ sở, còn nguy hiểm hơn tình cảnh của ông Lưu Hiểu Ba. Những việc mà họ làm còn gian khổ hơn nhiều. Nhưng mà chỉ cần một người được trao giải là đủ. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy ông Lưu Hiểu Ba được trao giải."

Tường thuật hôm thứ Tư của hãng tin Bloomberg trích lời ông Hoàng Kinh, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng lá thư đòi tự do ngôn luận được công bố hai ngày trước phiên họp của ủy ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc phản ánh một cuộc tranh luận nội bộ về tương lai của kế hoạch cải cách chính trị. Ông Hoàng nói thêm rằng điều này cũng có thể là một dấu hiệu cho thấy phe cải cách đang ở thế hạ phong sau khi ông Lưu Hiểu Ba đoạt được giải Nobel

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org