Giao nhạc - Âm nhạc trong lễ Tế giao

Vietsciences-Vĩnh Phúc       13/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

 

VÀI NÉT VỀ LỄ TẾ NAM GIAO

 

Tế Giao có từ thời thượng cổ ở Trung Hoa, truyền sang Việt Nam tờ thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Các triều đại phong kiến Việt Nam rất coi trọng lễ Tế Giao. Trời, theo quan niệm phương Đông là đấng chí tôn, giữ gìn vận mệnh và ban phát thái bình hạnh phúc cho muôn dân, nên khi tế Trời, đấng Thiên tử phải giữ vị trí trung gian nối kết giữa Trời - Đất và Con người với vai trò chủ tế. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có những ông vua không “chính danh” mà làm chủ tế lễ Tế Giao đã bị đời sau phê phán, như sự việc Hồ Hán Thương tế Giao không thành năm 1402, cũng như trường hợp cuối đời Cảnh Hưng (1740-1786) “ Chúa Trịnh Sâm tranh vào nhiếp tế, năm ấy mất mùa, thóc cao gạo kém, giặc cướp nổi lên khắp mọi nơi, nhân dân ta thán, đổ lỗi tại chúa Trịnh vào chủ tê Giao nên trời giáng tai họa trách phạt”... [1]

            Đàn Tế Giao của triều Nguyễn là đàn Nam Giao, được xây dựng phía Nam kinh thành Huế vào năm Bính Dần, niên hiệu Gia Long thứ 5  (1806) [2]. Đàn có 3 tầng : Tầng trên là Đàn thượng, hình tròn (viên đàn); tầng thứ hai là Đàn trung, hình vuông (phương đàn); tầng dưới cùng là Đàn hạ. Ban đầu, 1 hoặc 2 năm tế một lần, đến năm 1890, vua Thành Thái định lại 3 năm một lần, tế vào ngày Tân.    

Lễ Tế Giao dưới triều Nguyễn được cử hành rất trang nghiêm, trọng thể với đầy đủ các nghi thức, lễ thức quy định của một cuộc tế lễ lớn của triều đình. Đào Duy Anh, tác giả Việt Nam Văn hóa Sử cương đã tóm tắt trình thức cuộc lễ tế Giao như sau : “ Rửa tay (quán tẩy), dâng trầm (thượng hương), dâng tơ lụa (hiến ngọc bạch), dâng đồ cúng (hiến phẩm nghi), dâng rượu (tiến tửu), đọc chúc (tuyên chúc), chia đồ cúng (phân hiến), chia thịt cúng (trí phúc tộ). Trong khi hành lễ, phải đốt một con trâu cúng trên Tế đàn gọi là “phần sài”… Khi đi thì yên tĩnh mà khi về thì có cử nhạc”.[3] Một số sử sách, tài liệu đã mô tả về lễ Tế Giao trong thời kỳ này rất đầy đủ và chi tiết, như sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ (phần Nhạc chương, Nhạc khí)[4]; Đại Nam Thực Lục ; Tập san Những Người Bạn Cố Đô Huế [5] ; Âm nhạc Truyền thống Việt Nam của Trần Văn Khê ; Lược sử Âm nhạc Việt Nam của Thụy Loan và Những Đại Lễ và Vũ Khúc của Vua Chúa Việt Nam của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề v.v...đã cho chúng ta những nét khái quát về âm nhạc sử dụng trong tế Giao (Giao nhạc).

            Qua khảo sát các sử liệu, tài liệu trên, chúng tôi tạm tách Giao nhạc làm 3 bộ phận sau, biết rằng, chúng là một thể thống nhất, như mối quan hệ khăng khít đặc trưng giữa chúng với phần Lễ vậy.

 

            1- DÀN NHẠC TRONG LẾ TẾ GIAO

 

Theo các tư liệu lịch sử, chúng ta biết được trong lễ Tế Giao qua các đời vua Nguyễn có sự tham gia diễn tấu của các dàn nhạc có tên gọi như : Nhã nhạc, Nhạc huyền, Đại nhạc, Ti trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty kỳ cổ, Tiểu nhạc v.v... Những dàn nhạc này được kê trong các trình thức của lễ tế Giao, và có sự quy định vị trí cho từng loại dàn nhạc ở Đàn thượng, Đàn trung hay Đàn hạ, tùy theo chức năng của mỗi loại dàn nhạc sử dụng trong tiến trình Lễ. Ở mỗi lễ thức, các dàn nhạc diễn tấu dưới sự điều khiển hiệu lệnh của quan Thông tán.

            Gs. Trần Văn Khê cho biết trong lúc tế lễ dàn nhạc tấu nhạc theo các ca chương do các ca sinh diễn xướng. Tuy vậy, đọc các bài mô tả chi tiết lễ Tế Giao của Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề cũng như của L. Cadière,[6] chúng ta thấy, rất nhiều bước trong các lễ thức, lúc chỉ riêng dàn nhạc tấu, thì không rõ là tấu những bài bản nào.

            Vấn đề tên gọi các dàn nhạc, riêng Cadière, (qua bản dịch của Đặng Như Tùng, Bửu Ý hiệu đính), chỉ thấy có 2 tên dàn nhạc được tấu trong từng bước lễ là : nhạc lễ cử...đại nhạc cử... Trong khi đó, 2 tác giả của Những Đại lễ và Vũ khúc của Vua chúa Việt Nam thì mô tả, giới thiệu khá chi tiết các loại dàn nhạc và cả số lượng nhạc cụ, như Nhạc huyền, Nhã nhạc, Đại nhạc, Ty chung, Ty khánh, lại có cả Phường Bát âm...Tuy vậy, trong trình thức chi tiết các bước lễ, cũng chỉ nghe tên 2 loại dàn nhạc do quan Thông tán xướng : Bát âm nổi nhạc...và Đại nhạc tác. Vì vậy, chúng ta không thể biết Bát âm ở đây là dàn Nhạc huyền, dàn Nhã nhạc hay là Phường Bát  âm nêu trên ?

 

Một số nhạc cụ tại Lễ Tế giao xưa: Biên chung, Ngữ, đàn cầm, Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế

 

Ban nhạc trong lễ Tế giao.               Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế

 

            Theo chúng tôi, có thể tác giả dùng tên gọi Bát âm để chỉ Nhạc lễ chính, là dàn Nhã nhạc biên chế 20 nhạc cụ với 12 chủng loại mà tác giả đã mô tả trước đó. Dàn nhạc này gần với dàn Nhã nhạc có cơ chế Bát âm mà Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ mô tả và gọi là chính nhạc, đời xưa dùng tế giao miếu. Hơn nữa, trong  quá trình mô tả lễ tế Giao, 2 tác giả Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề đa giới thiệu 3 dàn nhạc được gọi là Nhã nhạc nhưng có biên chế khác nhau, trong đó có một dàn, tác giả chú là bát  âm :

1- Dàn Nhã nhạc đặt ở Viên đàn : Gồm 20 nhạc cụ, 12 chủng loại đã nói ở trên.(tr. 20, sách đã dẫn)

2- Dàn Nhã nhạc đặt ở Phương đàn : “Hai bên Đông và Tây đặt Nhã nhạc (bát âm) hai bộ, mỗi bộ 8 nhạc sinh thự Hòa thanh (?) điều khiển (tr. 21, Sđd)

3- Dàn nhạc đi trong đám rước đến đàn Nam Giao, ở vị trí Trung đạo : “...sau nữa là các

quan võ. Đến ban Nhã nhạc, có đàn, sáo, hồ, nhị, phách và sênh tiền.” (tr. 24, Sđd)

Lễ Tế Giao triều Nguyễn được mô tả trong sách Những Đại lễ và Vũ khúc của các Vua Chúa Việt Nam, mặc dù không cho biết thời gian, dưới đời vua nào. Nhưng căn cứ vào các giai đoạn lễ, trình tự các ca chương diễn xướng trong các lễ thức, chúng ta có thể đoán định là sự tổng hợp nhiều cuộc tế Giao, nhưng chắc chắn phần nhiều là cuộc tế Nam Giao năm Duy Tân thứ 9 (1915), cuộc tế Giao mà nhóm nghiên cứu R. Orband, L. Cadière đã mô tả khá đầy đủ, chi tiết trong Những Người Bạn Cố Đô Huế, tập 2 - 1915. Dù rằng, về âm nhạc thì  chưa được chú trọng nhiều, các loại nhạc cụ chưa nêu cụ thể, mà chỉ gọi tên nhạc lễ một cách chung chung (trừ tên gọi dàn Đại nhạc). Tuy nhiên, trong lễ thức Nghinh Thần, đến đoạn tấu An thành chi chương, thì những dòng sau : “Lúc đầu đánh ba tiếng chuông, tiếp đến là các loại nhạc cụ đàn dây, sáo, và các dãy chuông rung (lục lạc). Hát xong ca khúc họ rung ba lần ngữ 3 lần biên khánh. Bắt đầu từ đây họ hát các ca khúc và họ đệm các loại nhạc cụ, lúc ngừng, lúc trở lại theo điều khiển” [7] đã cho chúng ta những thông tin quý báu về cách thức diễn tấu, chức năng của dàn nhạc. Cũng như, từ thông tin này ta có thể xác định dàn nhạc mà các tác giả gọi là Nhạc lễ, ( và kể cả dàn nhạc Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề gọi là Bát âm) chính là cơ cấu Bộ Nhã nhạc được mô tả trong sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ của Nội các triều Nguyễn. [8] (hoặc ít ra, cũng là dàn Nhạc huyền + dàn Nhã nhạc mà hai ông Đỗ Bằng Đoàn - Đỗ Trọng Huề cho biết là đặt ở Viên đàn (tr. 20).

Các loại dàn nhạc tham gia diễn tấu trong lễ Tế Giao qua các đời vua triều Nguyễn, có một số thay đổi không đáng kể về tên gọi, tăng giảm một số chủng loại nhạc cụ trong dàn nhạc, trong một số lễ thức, và cũng có thể, một số vấn đề, do nhầm lẫn, hoặc do cách gọi của người xưa không chính xác, người đời sau suy diễn sai lạc đi v.v...thì những nguyên tắc, quy định có tính chuẩn mực của Nhã nhạc, vẫn quán xuyến trong thể chế của thể loại nhạc lễ triều Nguyễn nói chung và Giao nhạc nói riêng. Ít nhất, thì chúng ta cũng thấy các nguyên tắc đó được biểu hiện bằng cơ chế của 2 loại dàn nhạc mang tính chất khác nhau, nếu không muốn nói là đối lập, đảm trách trong các lễ thức tế Giao. Đó là dàn Nhã nhạc với dàn Đại nhạc.[9] (về sau là Tiểu nhạcĐại nhạc). Hai dàn nhạc này được quy định : “Khi tế dùng Nhạc huyền và Nhã nhạc, chỉ có lúc xướng phần sài, vọng liệu và vua thăng đàn, giáng đàn mới dùng Đại nhạc”.[10] Do đó, các dàn nhạc đặt ở Giao đàn, cũng được sắp xếp theo các vị trí phù hợp với các lễ thức sẽ diễn ra :

Ở Đàn thượng : Dàn Nhã nhạc (trong đó gồm cả bộ Nhạc huyền).

Ở Đàn trung : Dàn Nhã nhạc.

Ở Đàn hạ : Dàn Đại nhạc.

Trong tài liệu Sơ lược Âm nhạc Truyền thống Việt Nam của mình,[11] Gs. Trần Văn Khê cho biết là từ năm 1828 trở đi, dàn cổ xúy đại nhạc không tấu nhạc trong hai lễ Phần sàiVọng liệu nữa. Nhưng ngay trong tiến trình nghi lễ Tế Giao ngày 31 tháng 3 năm 1915, do L. Cadière tường thuật, ghi chép, Đại nhạc vẫn đảm trách tấu ở Phần sài, Vọng liệu, vua thăng đàn, giáng đàn, kể cả trong giai đoạn lễ thành. Tuy nhiên, cả những tài liệu trên đều không cho biết Đại nhạc tấu những bài bản gì. Cố nhiên là không phải tấu theo các bài nhạc chương như dàn Nhã nhạc.

 

2 - NHẠC CHƯƠNG TRONG GIAO NHẠC

 

Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ gọi những khúc hát quy định trong các loại nhạc lễ cung đình là Nhạc chương.  Mặc dù có nhạc cụ dàn Nhã nhạc tấu theo, nhưng thực chất, đây là thể nhạc Hát, dàn nhạc chỉ giữ vai trò đệm, như ý kiến của ông Cadière trong lễ Tế Giao năm 1915. Vì vậy, một số tài liêụ còn gọi là bài hát, ca khúc, hay ca chương...Nhưng để nhấn mạnh về chức năng, tính đặc thù thể loại,(cũng như không gian và phạm vi diễn xướng duy nhất của chúng là các đại lễ cung đình), thì Nhạc chương thuộc về một thể loại hát lễ thuần túy  chốn triều đình - Nhã ca,[12] mà tính chất, chức thể tựa như loại Tụng nhạc, một trong năm loại nhạc cung đình thời Tây Chu ở Trung Hoa. Hoặc có thể, có giềng mối với lối Nhạc Phủ đời Hán, Ngụy , được Lê Quý Đôn chú giải như sau : “quan nha có chức vụ chọn lấy những bài thi ca cho phổ vào tiếng đàn tiếng sáo. Người đời sau gọi những thi ca được quan chức trong Nhạc phủ chọn lấy bảo tồn là Nhạc phủ. Đầu tiên Hán Vũ Đế định lễ nghi tế Giao và lập ra Nhạc phủ, cho Lý Diên Niên làm Hiệp luật Đô úy. Nhạc phủ bắt đầu lập ra từ đấy”. [13]

Tuy nhiên, đó là giềng mối xa, với Trung Hoa ; còn giềng mối gần, vẫn có người cho rằng Nhạc chương gần với lối tán, tụng trong âm nhạc nhà Phật. Mặc dù vậy, quan niệm nhạc cung đình Việt Nam phỏng theo Nhã nhạc triều Minh bên Tàu, đã trở thành nếp trong mọi suy nghĩ về văn hóa cung đình, nên nhiều người vẫn tỏ ra nghi ngờ nhận định này. Theo chúng tôi biết, Âm nhạc Phật giáo không đơn giản chỉ là tụng, niệm như hiện nay . Bằng những sử liệu về âm nhạc Phật giáo Việt Nam xuất phát từ nền  nghệ thuật Tiên Sơn, Lê Mạnh Thát cho chúng ta thấy lễ nhạc Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ 5 đã có một thể chế nhạc lễ bao gồm “ca tán tụng vịnh”. Trong đó, cũng có thể truy tìm mối quan hệ giữa Ca vịnh với Nhạc chương, Tán tụng với Nhạc khí..

Nếu không muốn nói Nhạc chương là linh hồn của cuộc lễ, thì cũng phải thừa nhận chúng là nơi chứa đựng và chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của từng lễ thức. Chúng ta đều biết rằng, âm nhạc cung đình chủ yếu để phục vụ lễ lạc, triều nghi. Vì thế, bộ phận nhạc lễ là quan trọng nhất. Trong 7 loại nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, thì hơn 5 loại đã là nhạc lễ nghi, mà bản thân tên gọi của chúng đã bao hàm nội dung ý nghĩa, gắn liền với từng cuộc lễ : như Giao nhạc là nhạc dùng trong lễ tế Nam Giao, Miếu nhạc là nhạc dùng trong lễ Tế Miếu v.v...Trong mỗi loại nhạc đều được quy định một hệ thống Nhạc chương với bài bản riêng, mà nội dung của mỗi bài đều phải ứng với nội dung của mỗi lễ thức được sắp xếp theo trình tự cuộc lễ.

            Trong Giao nhạc, Nhạc chương gồm một hệ thống 9 bài (nhã) ca, do ca sinhnhạc sinh diễn tấu trong 9 lễ thức khác nhau.

Hệ thống Nhạc chương của Giao nhạc được bộ Lễ quy định là Thành chương, các chi chương[14] đều mang chữ Thành. Lễ tế Nam Giao dưới thời vua Minh Mạng, 9 chi chương được diễn tấu trong 9 lễ thức sau :

1. Hiển thành chi chương, tấu trong lễ Phần Sài.

2. Cảnh thành chi chương,tấu trong lễ  Thượng hương

3. An thành chi chương,    tấu trong lễ  Nghinh thần

4. Gia thành chi chương,   tấu trong lễ  Dâng ngọc, lụa

5. Mỹ thành chi chương,    tấu trong lễ  Sơ hiến

6. Thụy thành chi chương, tấu trong lễ  Á hiến

7. Vĩnh thành chi chương, tấu trong lễ  Chung hiến

8. Tuy thành chi chương,   tấu trong lễ  Tống thần

9. Hựu thành chi chương,  tấu trong lễ  Vọng liệu

Các chi chương qua các đời vua có thể có sự thay đổi một vài chi tiết không đáng kể. Cho đến năm 1915, dưới đời vua Duy Tân thứ 9, hệ thống Nhạc chương trong lễ Tế Giao cũng chỉ thay đổi như sau đây :

1. An thành chi chương, tấu trong lễ Nghinh thần

2. Triệu thành chi chương, tấu trong lễ Dâng ngọc,lụa    

3. Tiến thành chi chương, tấu trong lễ Dâng thịt tế

4. Mỹ thành chi chương, tấu trong lễ Sơ hiến

5. Thụy thành chi chương, tấu trong lễ Á hiến                                                                      

6. Vĩnh thành chi chương, tấu trong lễ Chung hiến

7. Doãn thành chi chương, tấu trong lễ Triệt soạn

8. Hi thành chi chương, tấu trong lễ Tống thần

9. Hựu thành chi chương, tấu trong lễ Vọng liệu

Nhạc chương là một thành tố quan trọng trong các Đại lễ cung đình triều Nguyễn. Nhạc và Lễ gắn bó như hình và bóng, không những chuyển tải một phần nội dung chủ yếu của cuộc lễ, mà còn tạo ra nhịp điệu cho tiến trình bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành tố.

Nhạc lễ nói chung, Nhạc chương nói riêng, với chức thể đặc hữu, đã gắn kết các thành tố cuộc lễ thành một tổng thể mang tính sân khấu hóa cao. L. Cadière, người chứng kiến lễ tế Nam Giao năm 1915 có ghi chép về sự phối hợp giữa Nhạc chương với các động tác hành lễ của vua và các thượng thư như sau : :“Câu hát đầu vua bước đến chỗ tế lễ; câu hát thứ hai : vua quỳ ; câu hát thứ ba : vua cất thẻ ngọc vào trong áo ; câu hát thứ tư, năm, sáu : vua dâng lễ ngọc và lụa ; câu hát thứ bảy : vua lấy thẻ ngọc ra và ba câu tiếp : người ta lại đặt các hộp lên bàn thờ ; câu hát thứ mười một : vua lạy ; câu hát thứ mười hai : vua đứng dậy”...[15]

Các chi chương tấu trong các lễ thức cũng không phải tùy tiện, mà do bộ Lễ quy định. Lời ca của các chương khúc (chi chương) này phải phù hợp với nội dung, ý nghĩa của mỗi lễ thức, được viết bằng chữ Hán theo thể thơ Đường luật, mỗi câu gồm 4 chữ .

Trong một cuộc lễ, các thể thức hành lễ có thể lặp lại nhau, nhưng các chương khúc thì mỗi lễ thức đều có một lời ca khác nhau và mỗi cuộc lễ có khoảng 6 - 10 bài. Sách Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ  có chép lại toàn bộ hệ thống Nhạc chương với tổng số là 126 bài. Các chi chương được đánh số và phân thành 3 nhóm nội dung : Nhóm 1 có 79 bài ; nhóm 2 có 22 bài ; nhóm 3 có 25 bài. Toàn bộ hệ thống Nhạc chương 126 bài (chi chương) đặt trong 10 tổ hợp chương mang 10 chữ sau : Hòa, Thành, Bình, Phong, Thọ, Huy, Văn, Phúc, Hy, Khánh.

 Giao nhạc được quy định diễn tấu tổ hợp chương có chữ Thành. Tuy vậy, không phải chỉ gồm 9 chi chương tấu trong tế Giao đã nêu ở trước, mà có đến 17 chi chương có tên gọi. Nếu kể thêm những chi chương trùng tên nhưng khác nội dung thì phải lên đến 35 bài.( Chương mang chữ Hòa cũng có tình trạng tương tự : 10 chi chương = 36 bài.)   

     

Rất tiếc các sử liệu không để lại bản ký  âm của Nhạc chương. Theo Gs. Trần Văn Khê trong Sơ lược Âm nhạc Truyền thống Việt Nam cho biết  G. de Gironeourt chỉ ghi rằng trong lúc tế Nam giao, người ta nghe lập đi lập lại 3 nốt mi, xon, la, trên đó bài hát trở đi trở lại chậm rãi và nhấn mạnh như một đoạn kết bài nghiêm của một cuộc tế lễ trang trọng. Các vấn đề về nghệ thuật, tổ chức của thể ca hát này sử liệu hầu như không đề cập.

 Không như các loại nhạc cung đình khác, Nhạc chương với chức thể đặc thù : về nội dung của lời ca ; lời bằng chữ Hán ; không độc lập về thể thức, và có thể, âm điệu mang tính ngâm ngợi, tế tụng theo kiểu giai điệu hóa lời thơ...chỉ tồn tại bó hẹp trong một không gian diễn xướng duy nhất là tế lễ triều đình, và hẹp hơn nữa là cúng tế dòng tộc, tổ tiên của nhà Vua...Vì thế, khi triều Nguyễn bước vào giai đoạn suy thoái, âm nhạc cung đình ngày càng mất dần môi trường diễn xướng, một số loại thể phù hợp với cơ chế dân gian thì được lưu truyền, gìn giữ, còn Nhạc chương -  một thể tài bác học 100% cung đình thì sớm tàn lụi.

Năm 1960 chính quyền miền Nam cũ có tổ chức tế đàn Nam Giao. Có 2 chi chương trong hệ thống Nhạc chương mang chữ Thành được phục hồi với gần 40 ca sinh diễn xướng. Đến nay, chỉ hơn 40 năm, nhưng ở Huế, chỉ còn một người trong số ca sinh ngày trước là ông La Đăng, còn nhớ được 1 bài. Đó là chi chương Mỹ Thành được hát trong lễ Sơ hiến của Tế Giao.

Theo Nhạc sĩ Nguyễn Đình Sáng trong luận văn Đại học lí luận âm nhạc “ Khảo sát Nhạc Lễ cung đình Huế”,  (người đã tiếp xúc với ông La Đăng và ký âm lại bài Mỹ Thành) thì  “âm nhạc của ca chương Mỹ Thành được xây dựng trên một trục cố định theo công thức : Mỗi ca từ ứng với một ô nhịp và phần luyến âm tùy theo lời ca để có thể điều chỉnh giai điệu cho phù hợp...toàn bộ ca chương có 16 câu nhạc (ứng với 16 câu thơ) nhưng thực ra đều được phát triển trên 2 câu nhạc chính” (câu 1, 2). Mỹ Thành là một chi chương tấu trong lễ Sơ hiến (lễ dâng rượu lần thứ nhất), được đánh số 17 trong Khâm Định Đại Nam Hội điển Sử lệ. Toàn văn lời ca đều bằng chữ Hán

           

            3 - MÚA VĂN - VÕ  TRONG TẾ GIAO

 

Trong lễ tế Nam Giao dưới triều Nguyễn, múa Văn-Võ được múa trong lễ Sơ hiến, Á hiến Chung hiến (lễ cúng dâng rượu lần đầu, lần thứ hai và lần cuối). Múa Văn -Võ được chia làm hai ban : ban Võ (võ vũ ban) và ban Văn (văn vũ ban). Mỗi ban gồm 64 vũ sinh, lúc trình diễn xếp theo đội hình 8 hàng nên điệu múa này có tên là Bát dật (8 hàng).

Bát dật trong lễ Tế giao . Ảnh tư liệu Trung tâm Bảo Tồn Di tích Cố đô Huế 

Ban Võ múa trong lễ Sơ hiến. Đội hình 8 hàng “đứng ở phía Đông và phía Tây dưới dàn nhạc, hai bên quay mặt vào nhau. Nghe xướng : “Sơ hiến lễ”, quan Tư chung đánh 3 tiếng chuông, bát âm nổi nhạc, thì võ vũ sư phất cờ Tinh dẫn võ vũ sinh 64 người, chia ra 8 hàng đứng hai bên tả hữu ngoài thềm, quay mặt trở vào, theo điệu nhạc mà múa. Vũ sinh tay trái cầm cái mộc (khiên) sơn son thiếp vàng, tay phải cầm cái búa lưỡi thiếp vàng, cán sơn son vừa múa vừa hát. Múa xong, quan Tư khánh đánh 3 tiếng khánh, võ vũ sư dẫn vũ sinh về chỗ cũ”.[16] Ban Văn múa trong lễ Á hiến và Chung hiến, cũng triển khai đội hình 8 hàng như trên, nhưng văn vũ sư cầm cờ Mao; tay trái văn vũ sinh thì cầm ống Thược ( sáo 7 lỗ), tay phải cầm lông đuôi trĩ... Vũ sinh múa Bát dật chỉ toàn nam giới.

Quan sát điệu múa Bát dật trong cuộc tế Nam Giao năm 1915, R. Orband cũng cho biết : “...có 64 vũ công dân sự (Văn sanh) và 64 vũ công quân sự (Võ sanh)...các vũ công quân sự mặc áo xanh của các vị quan cấp bậc thấp… bên tay trái họ cầm một tấm chắn bằng gỗ (can) sơn đỏ thiếp vàng không khắc chữ mà mang nhiều hình rồng và bên tay phải cầm một loại rìu nhỏ (thích) bằng gỗ, cán dài sơn son...Các vũ công dân sự cũng mặc áo xanh của các vị quan cấp bậc thấp,. Họ cầm ở tay trái một ống thược, loại sáo gỗ sơn son có 7 lỗ và bên tay phải một là một loại gậy ở đầu có sọ con vật thần thoại thiên hinh trên có 3 lông gà”...Ông còn cho biết thêm Võ sinh múa bài Võ Thiện vương, còn Văn sinh múa bài Văn Thiên đức.[17]

Ca hát - nhảy múa là một hình thái văn hóa tồn tại bằng phương thức diễnxướng, mang tính nguyên hợp. Không chỉ là đặc tính của dòng nhạc dân gian, mà còn biểu hiện ở cả dòng nhạc cổ truyền bác học, cung đình ; không chỉ đối với Việt Nam, mà hình thái này, cũng là một đặc điểm của âm nhạc Đông Nam Á và cả Phương Đông nói chung.

Lễ, xét trên góc độ thiết chế văn hóa  nhà nước phong kiến, không thể tồn tại độc lập, mà phải nương nhờ nghệ thuật diễn xướng. Do đó, Lễ - Nhạc là một tổng thể, và hành lễ thì đã bao hàm cả yếu tố trình diễn. Lễ Tế Giao là một sân khấu lớn, mà trên đó, Giao nhạc là biểu hiện của Lễ. Các thành tố của nó như Dàn nhạc, Nhạc chương, múa Văn-Võ là yếu tố vận động và mang chức năng chuyển tải tinh thần của tế Giao và biểu hiện đầy đủ thể chế của Nhã nhạc vậy.


 

[1]  Theo Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Sách đã dẫn, tr. 18

[2]  L.Cadière : Tài liệu lịch sử về đàn Nam Giao. Những Người Bạn Cố Đô Huế, tâp 1-1914, tr. 97

[3]  Đào Duy Anh. Việt Nam Văn hóa Sử cương.Nxb Đồng Tháp, 1998,tr. 248.

[4]  Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, Huế, 1996, các quyển 96, 97, 98, 99.

[5]  Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, Huế, 1997. Tập 1-1914 và Tập 2 -1915.

[6]  L. Cadière : Tế Nam Giao - Nghi lễ tế. Những người bạn Cố Đô Huế, Sđd tr. 99.

[7]  Những Người Bạn Cố Đô Huế. Sách đã dẫn, tr. 105

[8]  Quyển 99, phần Nhạc chương, Nhạc khí.

[9]  Theo quan điểm của nhạc sĩ Vĩnh Phúc trong khảo cứu : Nhã nhạc và các hình thức tổ chức dàn nhạc cung đình triều Nguyễn, thì dàn Nhạc huyền chỉ là một bộ phận của dàn Nhã nhạc ..

[10]  Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Sách đã dẫn, tr. 22

[11]  Bản dịch phần nhạc Cung đình trong sách La musique Vietnamienne traditionnelle cuả chính tác giả. Kể cả Gs. Nguỹễn Thụy Loan trong Lược Sử Âm nhạc Việt Nam , Nxb Âm nhạc - 1993.

[12]  Lê Quý Đôn. Vân Đài Loại Ngữ. Sđd, Tập 2, quyển 6,  tr. 139

[13]  Lê Quý Đôn : Vân Đài Loại Ngữ. Sđd, Tập 2, Quyển 5, tr. 124.

[14]  Khi hành lễ, quan Thông tán thường xướng những chương khúc cụ thể là chi chương. Ví dụ:” Doãn thành chi chương!” hoặc “Hàm hòa chi chương !”...Vì vậy, khi gọi tên các bài cụ thể đó, chúng tôi chủ trương dùng chữ  Chi chương, hoặc đôi lúc là chương khúc.

[15]  L. Cadière : Tế Nam Giao - Nghi lễ tế. B.A.V.H, tập 2-1915, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 106,108,112

[16]  Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề. Sđd, tr. 446,447

 

[17] R. Orband :  Tế Nam Giao-Các điệu múa.  B.A.V.H, 1915, tr. 135, 137

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Vĩnh Phúc