Nhạc cụ thuộc họ hơi của người Cơtu, Tà ôi - Pakô

Vietsciences- Vĩnh Phúc     09/01/2007

 

Những bài cùng tác giả

      Giới thiệu, mô tả nhạc cụ dân tộc dân gian trên thế giới hiện nay các nhà nghiên cứu thống nhất sử dụng phương pháp hệ thống hoá và phân loại. Nguyên tắc thứ nhất của phương pháp này là căn cứ vào nguồn vật chất chuyển động tạo ra âm thanh để chia các chủng loại nhạc cụ thành bốn Họ : Họ dây (Cordophone), họ hơi (Aerophone), họ màng rung (Membraphone) và họ tự thân vang (Idiophone). Sau đó căn cứ vào phương pháp kích âm để phân loại nhạc cụ trong cùng một họ thành các Chi : Chi gõ, chi vỗ, chi đấm, chi dập, chi lắc, chi gảy, chi búng v.v…Trong bài viết nhỏ này tôi chỉ xin giới thiệu một số nhạc cụ của người Cơtu, Tà Ôi – Pakô ở Thừa Thiên - Huế được chúng tôi sưu tầm và xếp vào họ Hơi chi lưỡi gà rung.

1. Areeng * (Cơ tu), Areng (Tà Ôi –Pakô)

Một loại sáo thổi dọc, được làm bằng một ống nứa dài khoảng 34cm, có 2 lỗ bấm có lưỡi gà được tách ra từ vỏ ống nứa đặt bên mép ống. Khi thổi phải ngậm kín phần có lưỡi gà trong miệng. Đây là loại sáo thô sơ nhất, dễ kiếm dễ làm.

 

 Mặc dù chỉ 2 lỗ bấm, nhưng các già làng thổi thành thạo có thể thực hiện từ 4 đến 5 âm với những nét nhạc linh hoạt:

 

(Các dấu giáng có mũ là cách kí âm của chúng tôi để chỉ âm đó thấp hơn âm cơ bản chưa đến nửa cung bình quân trong âm nhạc cổ điển phương Tây)

  Tiếng Areeng đục hơn tiếng sáo trúc của người Kinh. Do vật liệu thô sơ, chế tác đơn giản nên âm thanh chưa hẳn ở cái sáo nào cũng chuẩn. Cái Areeng chúng tôi khảo sát là do già làng Quỳnh Hoàng (một nghệ nhân của người Tà Ôi, biết sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ) chế tác. Ông là người chế tác hầu hết các loại nhạc cụ cho người Tà Ôi – Pakô, Cơ Tu  ở A Lưới.

Sáo Areeng thường được trai gái Tà Ôi, Cơtu dùng để tỏ tình trong những buổi đi sim. Có loại Areeng 2 lưỡi gà đặt ở 2 đầu ống dùng cho 2 người thổi, một nam và một nữ trong giai đoạn tìm hiểu hoặc mến thương nhau. Loại Areèng này dài hơn khoảng 5cm có 3 lỗ nhưng 2 người chỉ sử dụng 2 lỗ 2 đầu còn lỗ giữa để thoát hơi.

Trong tập sách Dư âm tình rừng,* nhạc sĩ Minh Phương có sưu tầm câu chuyện về sáo Areeng, đại ý như sau: có chàng trai Tà Ôi vì nghèo không lấy được người mình yêu thương, lòng buồn phiền như cây rừng thiếu nước. Thần hộ mệnh động lòng thương bày cho 2 người làm chiếc sáo Areèng cùng thổi. Đêm đêm qua vách nứa, chàng trai ngồi ngoài, cô gái trong buồng cùng thổi chung một ống sáo Areèng như truyền tình cảm cho nhau, ban đầu họ thổi rất nhỏ nhẹ, nhưng sau vì say sưa quên cả mọi người chung quanh, bố mẹ cô gái cùng lắng nghe tiếng sáo Areèng và động lòng gọi chàng trai vào nhà, chấp nhận cho đôi trai gái lấy nhau, khi nào làm ra của cải sẽ làm đám cưới sau, từ đó sáo Areèng được mọi người xem là sáo hạnh phúc, trong một lời hát cha chấp cũng có nhắc đến chuyện nầy:

Cám ơn cây sáo hạnh phúc

Cám ơn cây nứa bên hè

Đã cho chúng tôi thêm sức mạnh

Vượt qua trở ngại khó khăn...

 

2.     Tireel / Anam (Tà Ôi – Pakô)

Là sáo thổi dọc. Cấu tạo giống hệt cây sáo Areeng, vì vậy, chính người Tà Ôi đôi khi cũng nhầm lẫn khi gọi tên giữa Areeng và Tirieel.

Sáo Tireel gồm 2 chiếc. Chiếc dài có kích thước khoảng 40 - 42cm, đường kính to hơn sáo Areeng một tí. Gồm 3 lỗ bấm và một lỗ thoát hơi, gọi là Ahel chiếc ngắn khoảng 21cm, cũng gồm 3 lỗ bấm gọi là atotq. Chúng đều được thổi bằng lưỡi gà bằng nứa bên mép ống như Areeng.

 

  Tirell hay dùng để 2 người hòa tấu, thường là một nam một nữ, như một tín hiệu để gọi nhau, tìm nhau, hẹn nhau... Sáo Tireel ngắn (atotq) linh hoạt hơn, sáo Tireel dài (ahel) chỉ để phụ họa, chơi các nốt trì tục, như nét nhạc sau đây: 

 

 

3.  Talee (Cơtu) Tale (Tà Ôi) Alia (Pakô)

Là loại sáo thổi dọc như Areeng, Tireel, nhưng dài hơn - khoảng 50 - 55cm và có gắn núm trái bầu khô làm loa sáo, làm cho tiếng vang to và xa hơn. Talee có 4 lỗ bấm thực hiện được 5 âm không có bán âm với nét nhạc sau đây:


 

4.  Khên

 

  Người Kinh gọi là khèn, người Tà Ôi, Cơ Tu gọi là khên, một nhạc cụ phổ biến ở hầu hết các dân tộc thiểu số Việt Nam. Khèn là nhạc cụ hơi, đa thanh, vì mỗi ống cho một âm thanh riêng. Khèn của người Tà Ôi, Cơ Tu ảnh hưởng khèn Lào, gồm 14 ống nứa sắp xếp song song từng đôi một thành 7 hàng từ ngắn đến dài. Đôi ống dài nhất là 60cm và cặp ngắn nhất là 35cm. Các ống nầy đều gắn lưỡi gà và được xuyên qua bầu khèn, được làm bằng gỗ dẻo gọi là apúc. Phần ống có gắn lưỡi gà đều được đặt trong apúc được bít kín các khe bằng sáp ong ruồi. Lỗ thổi khoét ngay đầu bầu khèn, có thể đồng thời vừa chơi giai điệu vừa thực hiện các chồng âm đệm theo, cũng như âm trì tục kéo dài. Âm vực khá rộng, khèn Tà Ôi có âm vực từ g-a2 hình thành hàng âm không bán âm

 

 

Khèn chỉ được sử dụng trong vui chơi hội họp giao duyên, không sử dụng trong nghi lễ cúng tế thần linh.

 

5.     Takkoi (Tà Ôi) Tang koi (Pakô)

Parngong (Cơ Tu, Tà Ôi)

              

Takkoi là tên gọi của người Tà Ôi để chỉ một loại nhạc cụ làm từ sừng trâu, người Cơ Tu gọi là parngong. Ở người Kinh loại nhạc cụ này gọi là Tù và, người Bâhnar ở Tây nguyên gọi là Tơ nuốt, nhưng Tù và của người Tà Ôi, Cơ Tu miệng thổi không phải ở đầu chóp sừng được cắt phẳng, mà thổi bằng lưỡi gà bằng đồng đặt ở phần lõm của hình vòm cung, cách chóp 10cm. Vì vậy khi thổi được đặt nằm ngang, phía lõm của hình vòm cung hướng vào trong. Tiếng Tù và trầm, đục nhưng mạnh và có độ vang xa.

  Âm thanh cao hay thấp là do điều khiển luồng hơi thổi mạnh hay nhẹ, nhưng thường chỉ thổi với một độ mạnh cho một âm tương đương với nốt pha quãng 8 nhỏ với độ vang khá lớn. Trong dàn nhạc, tù và chỉ sử dụng vài chỗ mở đầu, giữa và kết thúc với tính chất ngẫu hứng tự do. Thường dùng nhiều trong các cuộc tế lễ như đâm trâu, đón khách, tiễn khách v.v... Trong sinh hoạt hằng ngày, tù và là tín hiệu để báo tin cho nhau khi săn được con nai, con heo và cũng là lời kêu cứu khẩn cấp khi gặp nguy hiểm, tai nạn...         

6.  Karyok ayol ( Tà Ôi – Pakô, Cơ Tu)

  Giống như một cái Tù và nhỏ vì được làm bằng sừng dê núi, chỉ dài khoảng 10 - 12cm, đường kính ở góc sừng khoảng 2,5cm. Lưỡi gà đồng đặt cách chóp sừng, phía trong hình vòng cung 3cm - đầu nhọn của sừng được cắt thủng. Khi thổi có thể bịt cả 2 đầu hoặc không bịt để tạo ra âm khác. Màu âm của Karyok ayol sáng và chói nhọn, đôi lúc the thé như tiếng của thú rừng.

Thường hay được thổi trong lúc lên nương rẫy cho vui chân, đỡ buồn và có tác dụng đuổi thú rừng phá hoại hoa màu. Nó cũng là tín hiệu báo cho nhau giữa rừng xanh núi thẳm. Trong một số lời ca của điệu hát Baboih và chachấp do nhạc sĩ Minh Phương sưu tầm, có bài có đề cập đến 2 nhạc cụ nầy.

Anh ơi anh! Nhớ anh em chờ

Nghe tiếng Târ kòi thấy anh về đó

Thổi một tiếng dài, anh ở bờ suối

Thổi hai tiếng dài, anh ở nương ngô

Thổi ba tiếng dài anh ở đầu núi

Thôi thúc Târ kòi anh gọi em lên. [1]

              Em như con nai

Bị Krờ doóc a dôn săn đón

Chân em líu lại

Má em như có lửa nung

Mắt em nhìn qua kẻ lá

Tim em như ngọn lửa bừng bừng.[2]

         

    7. Tarqơơi took

          Là một nhạc cụ đơn giản Họ hơi, chi thổi chỉ thấy ở người Cơ Tu. Tarqơơi toók được làm từ một đoạn ống tre dài khoảng 25cm, đường kính khoảng 2cm. Một đầu ống tre có mắt kín, có đục lỗ thổi ở mép ống, gần mắt, đầu kia rỗng được khoét, vạt vào thân ống bằng ½ chiều dài có tác dụng để điều khiển âm thanh. Người diễn tấu thổi trực tiếp vào lỗ thổi, tay trái nâng nhạc cụ, tay phải điều khiển âm thanh. Sáo Tr’ơi toóc nghe rộn ràng, phấn chấn. Cũng như Karyok ayol, Tarqơơi toók chỉ có một âm cố định phát ra trên một lỗ thổi, sự điều khiển âm thanh ở tay phải chủ yếu là tạo âm thanh bắt chước tiếng hót của một số loại chim rừng. Vì thế không phải là một nhạc cụ sở trường diễn tấu giai điệu.

          8. Nkoaiq/ nkrao (Tà Ôi - Pakô) Âng Kro (Cơ Tu)

Có thể gọi đây là đàn môi, rất phổ biến hầu hết các tộc ít người ở Việt Nam với nhiều tên gọi và chất liệu chế tác khác nhau.

Đàn môi người Tà Ôi, Cơ Tu  làm bằng đồng[3], hình chiếc lá có cả cuống lá, ở giữa được dát mỏng hơn so với chung quanh và cắt rời thành một hình tam giác cân mà 2 cạnh bên tạo thành một góc rất nhọn dưới 150, còn đáy dính vào thân đàn. Đầu nhọn của đỉnh tam giác ấy được uốn cong ra ngoài dùng để búng. Khi chơi đàn, người ta ngậm hờ vào môi dùng vòm họng làm hộp cộng hưởng và ngón trỏ búng vào cái đỉnh tam giác được uốn cong ra ngoài, tay trái giữ gốc đàn, là cái cuống lá.

Đàn môi được bảo quản cẩn thận trong một ống tre ngắn có nút đậy. Cao độ không chuẩn xác vì ngón trỏ búng làm rung lưỡi gà lúc mạnh lúc nhẹ, vòm miệng làm hộp cộng hưởng lại bị chi phối bằng việc thay đổi khẩu hình nên âm thanh phát ra đôi lúc như tiếng ếch nhái, khó định được cao độ.

 

  Nkoaiq (ân quái) thường được dùng vào ban đêm, khi người con trai đến bên vách nứa, chỗ cô gái ngủ để tỏ tình và hò hẹn đi sim. Tiếng đàn thỏ thẻ vang lên như tiếng côn trùng trong đêm không làm cả nhà thức giấc, nhưng chỉ cô gái là nghe được “tiếng lòng” ấy, liền nhẹ nhàng theo tiếng đàn của người con trai đến bên bờ suối vắng để tình tự...

Lời ca trong điệu hát Kơlâu Kơlênh của người Cơ Tu có đề cập đến đàn môi làm bằng tre :

“ Em ơi em,

Anh làm chíêc Âng Kro.

Để đàn nói giùm anh.

Những điều không nói được.

Anh lên trên núi cao.

Chọn cây tre già nhất.

lấy đoạn tre tốt nhất.

Làm chiếc đàn khéo nhất.

lựa những lời hay nhất.

Để nói với em những lời chân thật nhất.

Thương em nhiều nhất.

Em ơi em, em có biết không?”*

Chúng tôi phân vân chưa biết xếp nhạc cụ này vào họ nào, vì thực chất, vòm miệng của người đàn chẳng qua chỉ là hộp cộng hưởng như quả bầu mà thôi, còn lưỡi gà hình tam giác có chiều dài hơn ½ chiều dài của đàn, được búng bởi ngón tay người đàn để phát âm chứ hoàn toàn không tác động bằng luồng hơi thổi nào, chức năng của vòm miệng lại giống như kiểu chơi của đàn Abel, nên không thể khiên cưỡng rằng nhạc cụ nào đưa lên môi đều là nhạc cụ thổi. Ý kiến của GSTS Tô Ngọc Thanh trong tập sách Nhạc cụ dân tộc thiểu số Việt Nam, được biết, các nhà nghiên cứu trên thế giới cũng vẫn chưa nhất trí với nhau về việc xếp đàn Môi vào họ nhạc cụ nào, có người xếp vào họ dây, người xếp vào họ hơi và có người xếp vào họ tự thân vang.

Nhạc cụ của các tộc người thiểu số ở Thừa Thiên Huế khá phong phú. Chúng tôi đã sưu tầm và phân loại gồm đầy đủ cả 4 họ nhạc khí. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin giới thiệu các nhạc cụ thuộc họ Hơi

 

Th.S Vĩnh Phúc

Trường Đại học Nghệ thuật Huế


 

** Các từ  bằng tiếng dân tộc trong bài đã được Th.s ngữ văn Nguyễn Thì Sửu bổ sung và sửa chửa.

* Minh Phương. Dư âm tình rừng. Sở VHTT TTH, Nxb Thuận Hoá.2000.

[1]  Lời ca điệu Babơq. Minh Phương sưu tầm.

[2]  Lời ca điệu hát Chachấp. Minh Phương sưu tầm

[3] Nếu làm bằng tre thì gọi là ÂnKrao.

* Minh Phương sưu tập. Sách đã dẫn.

           © http://vietsciences.free.fr  org  Vĩnh Phúc