Đi tìm lại nền văn hóa Thăng Long xưa để tăng thêm lòng tự hào dân tộc?

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                     26/08/2015

 

Những bài cùng tác giả

 

 

Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy viết ” năm 1802, sau khi thống nhất cả nước, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy hiệu Gia Long và định đô ở Huế. Từ đó, Thăng Long mất địa vị đầu não của đất nước về chính trị và văn hóa. Thậm chí, chữ long(),  trong tên gọi Thăng Long vốn là rồng ,biểu tượng vương quyền và lý do chọn đô của Lý Thái Tổ, cũng bị đổi thành chữ long là thịnh(). Sự hạ thấp này hẳn làm đau lòng dân chúng Bắc Hà, nhất là các sĩ phu, những người từng ăn lộc nhà Lê như Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, thầy học của Nguyễn Lý, thân sinh Bà Huyện Thanh Quan. Nỗi đau ấy, về sau, hẳn còn gia tăng khi cố đô Thăng Long bị đổi thành tỉnh Hà Nội vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1931): Kinh thành ngày ấy tỉnh bây giờ!(1)

 

Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương…

(Thăng long thành hoài cổ--Bà Huyện Thanh Quan)

Mới đây (ngày 14/8/2015) Nguyễn Đình Cống không phải không có lí khi nêu lên một thắc mắc rằng”…trong lịch sử Việt Nam, các đời Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê đều xây dựng cung điện một cách vừa phải. Sự khai quật Hoàng thành Thăng Long phát hiện ra di chỉ đời sau chồng lên di chỉ đời trước. Điều đó chứng tỏ: 1- Công trình đời trước chẳng có gì đáng giá để lại cho đời sau. 2- Đời sau không tiếp nhận và phát huy được công trình đời trước mà phá hủy gần hết để xây chồng lên (tôi biết nhiều người rất tự hào về di tích Hoàng thành nhưng không biết tự hào vì nỗi gì)(2) khác với đánh giá  của CT nước Trần Đức Lương(đương nhiệm năm 2004) trước đó, rằng”…tiến hành khảo cổ khu vực lịch sử Ba Đình-Hà Nội làm xuất lộ nhiều di tích có giá trị văn hóa vô giá về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Những thành tựu đó đang tiếp tục khích lệ lòng tự hào dân tộc và ý chí vươn lên của nhân dân ta…”(3)

 

Hoàng Thành Thăng Long—Trăm hoa đua nở

Mặc dù “ khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay thấy toàn là những công trình hiện đại hoặc nhà do Pháp xây, chẳng thấy bóng dáng hoàng cung thời cổ đâu cả. Phải gọi đúng là Thành cổ Hà Nội thời Nguyễn, chứ không hề có dáng dấp nào của một Hoàng thành thời phong kiến (4). Nói khác đi “Kiến trúc của Hoàng thành Thăng Long tồn tại nguyên vẹn đến nay không còn nhiều, quy mô của nó phần nào chỉ được thấy qua ghi chép tản mạn của sử sách và một số bản đồ cổ. Còn những thông tin về đời sống, sinh hoạt…trong Hoàng thành hầu như không có, ngoại trừ bao phủ dưới lớp đất là những dấu tích ẩn chứa bề dày thời gian mới “phát lộ” cách đây không lâu”(5)

 

Rồng đá trên thềm Điện Kính Thiên - trung tâm của Hoàng thành Thăng Long

Trong khi đó, với  nhiều mục đích khác nhau, các nhà nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ…đã và đang tung ra hàng loạt bài báo mang tính học thuật pha lẫn tuyên truyền để khơi lại vị trí “Trung Tâm “ của Hoàng Thành Thăng Long với nhiều chi tiết qua kiến trúc, điêu khắc, gốm sứ…đã được đào bới, khai quật liên tục qua nhiều đợt từ tháng 12/ 2002… đến ngày nay (năm 2014) trên một diện tích 20,000 m2.(6) và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của thế  giới vào năm 2010. Bởi vì “Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh – Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua, sáng lập vương triều Lý (1009 - 1225) tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) ngày 2/11 Kỷ Dậu (21/11/1009). Tháng 7 mùa thu năm 1010, nhà vua công bố thiên đô chiếu (chiếu dời đô) để dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Ngay trong mùa thu năm đó, Lý Công Uẩn đã cho gấp rút xây dựng Kinh thành Thăng Long, đến đầu năm 1011 thì hoàn thành(7)


Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long có diện tích vùng lõi của di sản là 18,395ha (bao gồm Khu di tích Thành cổ Hà Nội và Khu di tích Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Trong chiều dài lịch sử hơn 1300 năm, bao nhiêu đời vua chồng chéo tranh chấp đan xen thì việc tìm hiểu cặn kẽ về khu di tích nầy hẳn không phải là điều dễ dàng(8), đòi hỏi nhiều công sức tốn kém nhưng liệu có khôi phục phần nào sự “hoành tráng’xưa kia được hay cũng chỉ để chứng minh thuần lý, là nơi “giao thoa nhiều nền văn hóa” khác nhau hoặc  là một “Trung tâm quyền lực chính trị kiểu châu Á” hão huyền?!(9)

Rằng “lịch sử phát triển không ngừng của Hoàng thành Thăng Long tồn tại cùng một không gian địa lý và trong hơn một thiên niên kỷ đã khiến cho nơi đây trở thành một điển hình cho sự thành hình và tiến hóa của trung tâm đô thị quân chủ, chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo, tư tưởng chính trị từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới. Một ngàn năm người Trung Hoa đô hộ Bắc Bộ để lại những dấu ấn văn hóa không thể phủ nhận, nhưng điều đó không làm mờ đi những giá trị truyền thống của nền văn hóa bản địa. Vị trí Kinh thành nằm cách xa biển song lại gần sông Hồng rộng lớn nên rất thuận lợi cho việc gặp gỡ với các nền văn hóa khác bằng đường thủy, kể cả những nền văn hóa xa xôi như Nhật Bản, Tây Á. Các tuyến đường thương mại qua Ấn Độ Dương nối kết Thăng Long với vùng Cận Đông xa xôi. Và mặc dù có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trước hết vẫn là một nền văn minh Việt Nam đặc trưng trên nền tảng của một văn minh Đông Nam Á đặc trưng”(Hoàng Thành Thăng Long: Dấu tích những vương triều rực rỡ, PGS.TS. Tống Trung Tín(Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN)

Liệu có quá khiên cưỡng không khi ra tay “phóng bút” như vậy. Hơn thế nữa, theo “Những phát hiện khảo cổ học về Hoàng Thành Thăng Long” của PGS. TS Tống Trung Tín/TS Bùi Minh Trí, thì cũng chẳng có gì đang ngạc nhiên khi triều đình đương thời tìm kiếm và thu mua vật liệu từ tứ xứ về cung cấp cho việc xây dựng cung đình, vì vậy “nhiều loại đồ gốm sinh hoạt được tìm thấy, gồm đồ sứ men xanh, men trắng, chủ yếu được mang sang từ Trung Quốc. Đó là những loại bình, vò có 4 quai hoặc 6 quai trên vai hay đặc sắc hơn là tượng sư tử men xanh với khối hìnhrất hiện thực. Đáng lưu ý là lần đầu tiên nhiều loại gốm vẽ màu của lò gốm Trường Sa (vùngNam Trung Quốc) được tìm thấy cùng với các mảnh vỡ của loại bình gốm xốp men xanh Hồi vùng Tây Á, còn gọi là gốm Islam..Những mảnh gốm Islam tìm được ở Hoàng thành Thăng Long tuy chưa nhiều nhưng nó mang ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Bởi đây chính là minh chứng về sự giao lưu thương mại giữa Tây Á với vùng đất An Nam đô hộ phủ vào thế kỷ thứ 9 qua con đườngtơ lụa trên biển. Cũng chính nhờ những manh mối này cùng với gốm Trường Sa (Trung Quốc) mà các nhà khảo cổ học đã lần tìm và phát hiện ra các dấu tích cư trú của thời kỳAn Nam đô hộ phủ ngay trong khu vực Hoàng thành Thăng Long..) (10)

Và cả gốm Hizen của Nhật bản với số lượng lớn.

Theo TS Bùi Minh Trí Sau năm 1644, do biến động chính trị tại Trung Quốc, nhà Minh sụp đổ và nội chiến kéo dài tại miền nam Trung Quốc làm cho việc sản xuất đồ sứ tại các lò Cảnh Đức Trấn bị đình trệ, nên triều đình Thăng Long đã đặt hàng đồ sứ của các lò gốm vùng Hizen Nhật Bản thông qua thương lái Hà Lan . Mảnh gốm Nhật Bản có chất lượng tuyệt hảo, ghi hiệu đề nói đến trong bài viết này được xem là hình ảnh đồ sứ kí kiểu đầu tiên hiện biết tại Thăng Long, phản ánh nhu cầu rất cao của đời sống hoàng cung Thăng Long lúc bấy giờ”.

 Gốm Hizen được tìm thấy tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long có hai loại, chủ yếu là gốm men trắng vẽ hoa văn màu xanh cobalt dưới men (gốm hoa lam) và loại gốm vẽ màu trên men, trong đó phổ biến là đồ gốm hoa lam. Gốm hoa lam Nhật Bản tìm được tại đây gồm 5 loại hình, chủ yếu là các loại bát, đĩa, chén, bình rượu và hộp nhỏ. Các loại bát có dáng miệng thẳng, thành cong vát, lòng sâu, chân đế nhỏ và thấp. Men có màu trắng phớt xanh được vẽ rồng mây, chim phượng, sư tử, hoa lá, phong cảnh. Các nhà khoa học đã tìm được 135 tiêu bản và 245 mảnh thân, mảnh miệng của loại bát vẽ rồng mây cách điệu mang phong cách Nhật Bản(11)

Trong khi đó, theo giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam "So với diện tích đó, diện tích khai quật khảo cổ học hiện nay còn ít. Nhiều giá trị đặc biệt của khu di sản văn hóa thế giới này chưa được làm rõ, nhận diện đầy đủ do chưa được khai quật, nghiên cứu tổng thể và chi tiết.

"Ngay cả ” Phạm vi,  vị trí của Hoàng Thành và cung thành” vẫn còn là những vấn đề đang tranh cãi! (TS Nguyễn Quang Ngọc)(12)

“Việc khai quật khảo cổ học tại đây không chỉ nhằm mục đích làm rõ các tầng văn hóa mà còn phải hướng đến giải quyết hai vấn đề cơ bản: Thứ nhất, tìm ra vị trí chính xác của trung tâm Cấm thành, làm rõ mối tương quan giữa trục Trung tâm và khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Thứ hai, có nhận thức toàn diện, cụ thể về cấu trúc của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”
giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh(13)

 

“Quan diêu” hay Gốm “Thăng Long”?

 



 

Trong lô gốm sứ đào bới được tại đây, người ta phát hiện được một số ít đồ cổ có ghi chữ “quan”, và đồ rằng đã có lò gốm cao cấp chuyên phục vụ triều đình được đặt làm ở(!) đây. Và theo GS Hoàng Văn Khoán thì “Các thợ giỏi ở đây(Hải Dương) có lẽ đã được triệu tập về hoàng cung để phục vụ sản xuất"(14)

khi phát hiện đồ gốm sứ Chu Đậu chen lẫn rất nhiều tại Hoàng Thành Thăng Long trong khi khai quật. GS Tống Trung Tín cũng khẳng định rằngthời Lê sơ thì có hẳn một lò quan chuyên sản xuất các đồ cao cấp cho Hoàng cung. Nhưng đến thời Lê Trung Hưng thì đồ dùng cao cấp và bình dân dường như không phân biệt. Lại nữa, khi làm thống kê các mảnh đồ gốm, ta thấy rằng đồ gốm nước ngoài luôn luôn được trao đổi và buôn bán để sử dụng..( Hoàng thành Thăng Long - từ góc độ Khảo cổ học)(15)

PGS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành nói “gốm Chu Đậu từng được sử dụng trong hoàng cung vào thời Lê sơ (thế kỷ 15-16). Hai sản phấm gốm của lò quan Thăng Long phát hiện ở đây cũng chứng minh rằng"thợ gốm ở Chu Đậu đã có mối quan hệ nào đó với thợ gốm ở Thăng Long hoặc đây là những quà tặng từ kinh thành” từ đó kết luận “cùng với chữ Quan, sự tinh mỹ đến mức ngạc nhiên của loại sứ trắng mỏng và gốm hoa lam cao cấp trang trí các đồ án biểu trưng của vương quyền – hình rồng có chân 5 móng – ta có thể tin chắc rằng đây chính là những đồ ngự dụng dành riêng cho các vua nhà Lê sơ”(16)

Có thể những mảnh sành có chữ “Quan” là loại vật dụng của vua chúa sử dụng(đồ ngự dụng) nhưng cho tới nay chưa tìm thấy một dấu vết nào chứng minh được sự tồn tại của các lò này tại Hoàng Thành Thăng Long thì như vậy các nhà khoa học có kết luận quá sớm chăng? Đơn giản là triều đình cho thu mua về kho của nhà vua để dùng tương tự  như đã thu mua gốm Hizen sau này? Nếu trong khuôn viên hoàng thành Thăng Long có lò cho “quan” thì điều này có hợp lý khồng,  liệu lò gốm đã tồn tại trong một nơi khiêm cung chặt chẽ như vậy? Câu chuyện này thật…khó tin!  Thật vậy, có thể nào “khẳng định rằng những đồ gốm tìm được ở đây là những vật dụng dùng trong Hoàng cung Thăng Long, cùng với bằng chứng về việc sản xuất tại chỗ của những đồ gốm sứ cao cấp(*), có thể nghĩ rằng ngay từ thời Lý, Thăng Long đã có lò quan chuyên sản xuất gốm phục vụ cung đình như tác giả đã viết? Hơn thế nữa, có lý do gì để chứng minh những lò gốm ấy tiếp tục hoạt động kéo dài cho đến thời Lê và sản xuất nhiều loại hình gốm sứ cao cấp, hoa văn trang trí tinh xảo. .. những đồ gốm sứ thời Lê Sơ trang trí rồng 5 móng*, lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Như vậy có thể tạm kết luận rằng: việc tìm thấy những đồ ngự dụng trong khu vực khai quật không những cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng Cung Thăng Long, mà còn góp thêm bằng chứng tin cậy để củng cố ý kiến cho rằng: các dấu tích kiến trúc lớn ở đây là những cung, điện của trung tâm Hoàng Thành Thăng Long thời Lý – Trần – Lê” như nhóm tác giả “Vẻ đẹp xưa của gốm sứ trong Hoàng Thành Thăng Long” đã viết trong “Cẩm nang Tri thức Thăng Long Việt Nam”?

*xem hình mô tả chén có rồng 5 móng chỉ có 1 vài chiếc chứ có phải một lượng đồ gốm đáng kể, hơn thế nữa thời Lý có chiếc bát rổng 5 móng thì có thể chứng minh chiếc bát này do người Việt vẽ nhưng khg chắc là đã sản xuất tại đây(Hoàng Thành Thăng Long) mà là nơi khác mang đến thì chẳng có gì là lạ cả!

Tiến sĩ Bùi Minh Trí (Viện Khảo cổ học Việt Nam) nêu một ý kiến đáng lưu ýChất lượng hoàn hảo của những đồ sứ này đã đạt tới trình độ cao không thua kém đồ sứ ngự dụng của các vua đời Minh (Trung Quốc). Phát hiện quan trọng này là những hình ảnh đầu tiên cho chúng ta biết chân xác về những loại gốm ngự dụng đặc sắc của Việt Nam dùng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ, thế kỷ 15.

Những đồ sứ này hiện nay mới chỉ tìm thấy ở hai di tích lớn và quan trọng của nhà Lê là Lam Kinh (Thanh Hóa) và Hoàng thành Thăng Long(17) cho thấy đây là những đồ vật quý chỉ được dùng trong Hoàng cung và những nơi liên quan đến sinh hoạt của vua và Hoàng gia”.  Điều này cho biết số lượng sứ gốm Thăng Long có số lượng rất ít và có thể xuất xứ là lò ở Thanh Hoá hay Gia Lâm do những người Hoa di cư chế tác theo chỉ thị(đặt hàng) của vua quan nhà Lê là điều có thể nghĩ đến?

Vả lại “cách đây vài năm trước(trước năm 2011) tại di chỉ gốm Ngói, Chu Đậu (Hải Dương) và Kim Lan (Gia Lâm) tôi đã tìm thấy bằng chứng sản xuất gốm của lò quan ở đây. Sản phẩm chính của những lò quan này được khẳng định rõ qua những đồ gốm sứ men trắng, trang trí in khuôn văn sóng nước hình vảy cá, giữa lòng in nổi chữ Quan như gốm Thăng Long. Nhưng so với gốm Thăng Long thì gốm lò quan Hải Dương có xương gốm dày, nặng và độ trắng của xương và men kém hơn gốm Thăng Long. Gốm Thăng Long cũng có loại xương gốm mỏng và loại xương gốm dày, nhưng về cơ bản xương gốm Thăng Long có chất lượng tốt hơn gốm Hải Dương. Gốm trắng mỏng Thăng Long chủ yếu là các loại bát, đĩa cỡ nhỏ, có xương mỏng như vỏ trứng (dạng sứ thấu quang), thành trong in nổi hình hai con rồng chân có 5 móng, giữa lòng in chữ “Quan”. Loại gốm trắng mỏng này chưa từng tìm được ở đâu ngoài khu lăng mộ vua nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hoá) (18)

Vì vậy kết luận rằngsự khám phá khảo cổ này đã góp phần chứng minh rằng, ngay từ thời xa xưa, trình độ tay nghề của những người thợ gốm sứ đất Thăng Long đã đạt đến mức điêu luyện, có thể sản xuất ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng tuyệt hảo, màu sắc và đường nét trang trí tinh xảo không kém hàng gốm sứ cao cấp thời Tống. Nói cách khác, đó chính là minh chứng cho thấy, người Việt ta có thể tự chế tác được những sản phẩm cao cấp chỉ dùng cho nhà vua và hoàng cung, hoàn toàn không giống như cách nghĩ và lập luận của nhiều người trước đó cho rằng toàn bộ gốm sứ cao cấp dành cho nhà vua và hoàng cung thuở xưa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài” (Nguyễn Hồng Kiên và Tống Trung Tín)(19) có hợp lý chăng? Hơn thế nữa nếu như những nghệ nhân người Việt của hoàng cung chế tác được loại men gốm tinh xảo như vậy thì tại sao dòng đồ gốm men ngọc lại bị đứt đoạn, không còn được tiếp tục sản xuất sau thế kỷ thứ 14 hoặc vì  lý do khác là những người Tống di cư làm nghề gốm ở Thanh Hóa (hay Bát Tràng) đã rút khỏi về nước sau khi nhà Minh lên nắm quyền ở Trung Quốc như nhiều chuyên gia Việt Nam và quốc tế nhận định ?(20)

 

Hoàng Thành Thăng Long—To be or not to be?

Trong bài “Hoàng Thành Thăng Long” trên trang của Unesco VN vào tháng 2/2011, Bùi Thiết viết ”Hoàng Thành Thăng Long nói riêng và Kinh đô Thăng Long nói chung vừa tròn ngàn năm, ngàn năm đầu của hành trình Thăng Long đầy biến động, đến nỗi nhiều lần bị phá đi xây lại và thực sự tồn tại được gần 700 năm, từ năm 1010 đến 1790, trên danh nghĩa là Kinh đô của Đại Việt; việc mất vị thế của kinh đô cũng đồng nghĩa với việc toà thành bị hoang phế."

alt

Ba trăm năm nay nhiều người cố tìm về hình bóng Thăng Long xưa, song mọi cố gắng nhỏ nhoi chưa có được đền đáp tương ứng… Các hố khai quật khảo cổ học đã làm lộ ra những cấu phần của Hoàng Thành Thăng Long, nhưng đó chưa phải là toàn cảnh của Hoàng Thành, ở đó có các dấu tích cung điện, nhưng xét thấy vị trí của các cung điện lớn như điện Kính Thiên, điện Thiên An, Điện Vạn Thọ,... nơi thiết triều và đại diện của quyền lực tối cao của các nhà nước Đại Việt, có các cung thất to hơn hay bằng Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn chưa được lộ ra; chắc rằng các di tích trong các hố khai quật, nhiều phần thuộc về Tử Cấm Thành, nơi cư ngụ của các Hoàng đế và thân tộc, còn nơi hành lễ quốc gia tại các cung điện lớn, lùi về phía Nam vị trí khai quật không bao xa, có thể từ đường Bắc Sơn đến các phố Trần Phú - Nguyễn Thái Học bị giới hạn bởi đường Hoàng Diệu ở phía đông và phố Chu Văn An phía tây. Một nhận thức trọn về Thăng Long và Hoàng Thành Thăng Long vẫn còn đó, những gì chúng ta biết được về Hoàng Thành đang rất là khiêm tốn…” (21) Di tích Hoàng Thành Thăng Long được tôn vinh là di sản văn hoá Thế giới, so với Hoàng Thành Thăng Long và Kinh đô Thăng Long chỉ chiếm một phần rất nhỏ, áng chừng Kinh đô Thăng Long là 10 Km2 và Hoàng Thành Thăng Long chừng 2 Km2, thì diện tích khai quật của Di tích Hoàng Thành Thăng Long mới 20.000m2, bằng 1/500 diện tích Kinh đô và bằng 2% diện tích Hoàng Thành(22)

 

 

Khu di  tích

Các loại hình di tích kiến trúc,  từ nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng nước, đường cống thoát nước... đến số lượng lớn gạch, ngói, bằng đất nung, đá, gỗ...  và cả các loại di vật đa dạng, gồm bát, đĩa, bình, vò, lọ, kiếm, tiền... được làm bằng chất liệu phong phú như đồ gốm, sứ, sành, với đủ các loại men quý, hiếm, đồ gỗ, kim loại, thủy tinh... và còn có cả di cốt mộ táng... nhưng tiếc thay, không phải tất cả những di vật khai quật được đều còn nguyên vẹn

http://mag.ashui.com/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/1009-ve-viec-bao-ton-khu-trung-tam-di-tich-hoang-thanh-thang-long.html

 

Tuyệt đối không nên đào nữa, đào đến thế đủ rồi. Các nhà khoa học phải suy nghĩ về vấn đề này, vì có đào nữa cũng chỉ phát hiện thêm hàng vạn, hàng vạn mảnh sành, không có gì khác nữa đâu’’- Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc chia sẻ - “Chúng ta nên dừng ở đó và bàn đến việc bảo vệ như thế nào, đồng thời tập trung tôn tạo những cái nằm sâu dưới lòng đất hàng ngàn năm qua để tạo sự hài hòa, đồng thời giữ mãi được danh hiệu Di sản thế giới”(23)

 

 

KTS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng “khảo cổ học ở trung tâm Hà Nội gần đây không phải để vạch ra cái “được” cái “mất” mà để thấy nhận thức và ứng xử với di sản khảo cổ học ở Hà Nội đến nay vẫn nặng về khám phá, đào cổ vật – hình thức tìm kiếm kho báu ở châu Âu thế kỷ XVIII...

 

 

Tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây cắt qua đê Hoàng Hoa Thám, Hà Nội - nơi đã phát hiện di vật, vết tích được cho là một phần của Hoàng thành Thăng Long.

 

…Năm 2007, một bộ phận di tích Đàn Nam Giao cùng các di vật từ thế kỷ XI-XII ngược về thế kỷ VII được phát lộ tại địa điểm 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội. Người ta bàn tới việc bảo tồn, tư liệu hoá các hiện vật đưa vào bảo tàng và xây dựng một nhà bia để ghi nhận dấu tích này được coi là “phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích Đàn Nam Giao trong sự kết hợp hài hoà với yêu cầu xây dựng phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại”. Nhưng ba năm trôi qua, nơi đây đã mọc lên ngạo nghễ một toà nhà 25 tầng nổi và ba tầng chìm trên mảnh đất thiêng vào bậc nhất trong lịch sử nghi lễ người Việt thời phong kiến, mang một phần hồn phách Thăng Long. Không thấy bóng dáng một nhà bia, đến một tấm biển để ghi nhớ địa điểm này cũng không có!
Các địa điểm 11 Lê Hồng Phong, Trung tâm Thương mại Tràng Tiền đã từng chở che nhiều hiện vật, tầng văn hoá mang một phần của lịch sử Thăng Long-Hà Nội dưới lòng đất. Các di vật đã được mang đi nhưng tuyệt nhiên chính tại địa điểm đó không có một dòng chữ, tấm bia để khắc ghi những vết tích của lịch sử văn hoá
(24)

 

Thay lời kết

 

Trước một hiện trường khảo cổ ngổn ngang, chồng chất trên một nghìn năm tuổi  qua nhiều đời vua phong kiến trải rộng hằng trăm nghìn mét vuông [giữa một Hà Nội chật hẹp như hiện nay] như hiện trường Hòang Thành Thăng Long thì đa số các nhà khảo cổ  nước ta choáng ngợp lẫn thích thú, là cơ hội để khoe tài, tìm cách chứng minh để tô vẽ… nhưng nhìn vào thực tế thì diện tích khai quật cho tới nay chỉ đạt 1/500 diện tích Kinh đô và bằng 2% diện tích Hoàng Thành như báo cáo ở trên…thì có nên hô hoán rằng Hoàng Thành Thăng Long là nơi “giao thoa” các nên văn hóa đông-tây, là “trung tâm quyền lực” của cả khu vực Châu Á thời bấy giờ …vv và vv… một cách quá đáng?

Chúng ta vui mừng vì đã phát hiện bước đầu tầm vóc lớn lao của Hoàng Thành Thăng Long, phấn khởi vì việc phát lộ nhiều bằng chứng về gốm sứ, kiến trúc…trong khi  khai quật nhưng đây là những điều có phải mới mẻ hay chỉ gia cố thêm cho những gì đã biết như mối quan hệ giữa gốm Chu Đậu và Hoàng Thành Thăng Long là một trong những thí dụ.

Liệu có phản ứng bầy đàn trong những lập luận khiên cưỡng, đua đòi và “hoành tráng hóa” [như một căn bệnh cố hữu] trong việc khai thác khu vực Hoàng Thành? Một thái độ bình tĩnh, khách quan và xem lại vấn đề phương pháp luận trong nghiên cứu, khảo cổ ở một địa điểm trung tâm của thủ đô để có một chính sách “hài hòa” và “hợp lý” hơn, tránh dàn trải (và bầy hầy, nhếch nhác, nói lấy được, thành tích hão…) vừa xem trọng giá trị đích thực của di tích  lịch sử và vừa  góp phần vào việc làm phát triển về chiều sâu của một thành phố vốn là trung tâm văn hóa nghìn năm tuổi, không xô lệch hay khuếch trương vị trí của nó phải chăng là một đề xuất quá muộn?

 

Một kinh nghiệm rất đáng nói, vấn đề đang làm dư luận nóng ruột khi thấy nhà nước đã bỏ ra tới 2.300 tỷ đồng để xây dựng mà Bảo tàng nghìn tỷ “vắng như chùa bà Đanh”(25)  ngay tại thủ đô Hà Nội trong khi ngân sách chi tiêu đang liên tục bội chi!(26)  kéo dài sự mất cân đối về tài chính theo như lời cảnh báo của Ngân hàng thế giới,  cho biết nợ công hiện nay đã vượt mức 110 tỷ đô la(!)(27) . TS Đỗ Thiên Anh Tuấn(giảng viên đại học Fulbright) phân tích “Hiện nếu theo con số WB đưa ra, nợ công VN đang ở ngưỡng 59% GDP do GDP VN năm nay tăng hơn năm trước. Với hạn mức nợ nước ngoài của VN cho phép là 50% GDP, khoản nợ công chúng ta cũng đã vượt ngưỡng cho phép lâu rồi”(28) do đó nếu theo cách tính này thì mỗi người dân VN hiện đang gánh hơn 1.200 USD (hơn 26 triệu  đồng) nợ công, gần bằng thu nhập trung bình nửa năm của một người VN!  

 

 

Chú thích


(1
) http://vietbao.vn/Van-hoa/Ba-Huyen-Thanh-Quan-nguoi-di-doc-nhung-Deo-Ngang/20768110/181/

(2) Xây dựng và sụp đổ(http://boxitvn.blogspot.com/2015/08/xay-dung-va-sup-o.html)

(3) http://123doc.org/document/131661-hoang-thanh-thang-long-gia-tri-lich-su-van-hoa-viet.htm

(4) Hoàng thành Thăng Long xưa được bảo vệ thế nào?
     
http://kienthuc.net.vn/tham-cung/hoang-thanh-thang-long-xua-duoc-bao-ve-the-nao-248965.html

(5) http://hoangsa.org/f/threads/ph%E1%BB%A5c-d%E1%BB%B1ng-ho%C3%A0ng-th%C3%A0nh-th%C4%83ng-long-nh%C6%B0-th%E1%BA%BF-n%C3%A0o.1059/

(6) Vì sao Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản thế giới?

Báo cáo này nói diện tích khai quật là 33,000 m2 nhưng theo TS Tống Trung Tín thì đến năm 2014 chỉ khai quật được 20,000 m2[Bảo vệ Hoàng thành Thăng Long: Cần giải pháp hữu hiệu hơn!-- http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/bao-ve-hoang-thanh-thang-long-can-giai-phap-huu-hieu-hon-54234.htm]

Theo bài báo này GS Phan Huy Lê nhận định: "Ngành bảo tồn của chúng ta còn quá non trẻ, chưa đủ năng lực, kinh nghiệm và chuyên gia để hoàn thành nhiệm vụ bảo tồn một quần thể di sản văn hóa ngoài trời phong phú, đa dạng và phức tạp như thế”

(7) Các nhà sưu tầm, nghiên cứu đồ cổ An Nam nổi tiếng như Yamada Yoshio hay Kimura Teizoo ở Nhật Bản cũng chỉ dừng lại ở mức phát hiện loại sứ gốm men ngọc đời Lý nhưng rất tiếc là cũng không phát hiện được điểm đặc trưng đáng lưu ý này!(do số lượng quá hiếm hoi hay không thấy lưu hành trên thị trường?)

http://disanthegioi.info/ArticleDetail.aspx?articleid=60764&sitepageid=276

(8) http://vietnam-consulate.org.au/khu-di-tich-trung-tam-hoang-thanh-thang-long-ha-noi/

(9) www.ngaynay.vn/Hoang-thanh-Thang-Long--Ha-Noi

(10)https://www.google.com/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=179&ved=0CFMQFjAIOKoBahUKEwj5yr6MjaXHAhWDCI4KHVamDP0&url=http%3A%2F%2Fwww.hids.hochiminhcity.gov.vn%2Fc%2Fdocument_library%2Fget_file%3Fuuid%3D781932ed-ad90-4054-880d-771822e62305%26groupId%3D13025&ei=Aw3MVbm9EoORuATWzLLoDw&usg=AFQjCNHaWI3-vZe3L8NLqSkuabQcOYzFJw&sig2=j3tppntp0T2TScukzO09LA&cad=rja

(11) http://kienviet.net/2014/02/15/gom-hizen-trong-hoang-thanh-thang-long]

(12) http://khoalichsu.edu.vn/bai-nghien-cu/149-thanh-thng-long-thi-ly-trn-le-oi-li-ban-them-v-phm-vi-v-tri-ca-hoang-thanh-va-cung-thanh-gsts-nguyn-quang-ngc.html

(13) Khai quật khu vực khảo cổ học rộng 980m2 ở Hoàng thành Thăng Long

      http://www.vietnamplus.vn/khai-quat-khu-vuc-khao-co-hoc-rong-980m2-o-hoang-thanh-thang-long/302483.vnp

(14) http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/phat-hien-lo-gom-phuc-vu-cho-hoang-thanh-thang-long-3135240.html

(15) http://khaocohoc.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tin-van-hoa-khao-co-hoc-trong-nuoc/4000-hoang-thanh-thang-long---tu-goc-do-khao-co-hoc.html

(16) http://www.hoangthanhthanglong.vn/do-gom-ngu-dung-thoi-le/3007)

(17) http://www.hoangthanhthanglong.vn/do-gom-ngu-dung-thoi-le/3007]

(18) http://vnschool.net/modules.php?name=News&file=article&sid=5069

(19) http://www.hoangthanhthanglong.vn/lo-quan-trong-hoang-thanh-thang-long/3281

(20) xem chú thích số 6 trong bài “Lần theo một bát sứ men ngọc thời Lý” của Hồng Lê Thọ trên trang Vietsciences

(21)http://unescovietnam.vn/vnf/index.php?option=com_content&view=article&id=616:hoang-thanh-thng-long&catid=42:di-sn-vit-nam&Itemid=160

(22)ntdd

(23) Hoàng Thành Thăng Long: Có nên khai quật toàn bộ?(Hoa Chanh)

  http://thethaovanhoa.vn/bong-da/hoang-thanh-thang-long-co-nen-khai-quat-toan-bo-n20100812084056281.htm

(24) Ứng xử nào cho phát triển và bảo tồn Hà Nội? (KTS Nguyễn Thanh Sơn)

 http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=62&News=3198&CategoryID=41

(25) http://dantri.com.vn/ban-doc/bao-tang-nghin-ty-vang-nhu-chua-ba-danh-1359551538.htm

(26) Bội chi ngân sách 7 tháng năm 2015 ước 100.680 tỉ đồng

http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/boi-chi-ngan-sach-7-thang-uoc-100680-ti-dong-594088.html

(27) http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/ap-luc-no-cong-lon-dan-588346.html

(28) http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/moi-nguoi-viet-dang-ganh-hon-26-trieu-dong-no-cong-587921.html

Ngoài ra,  một vấn đề sôi bỏng khác là việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La tiêu tốn 1,400 tỷ đồng chỉ là 1 trong số khoảng 58 tượng đài mà Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch đã lên kế hoạch sẽ xây dựng trên toàn quốc từ nay đến hết năm 2030, đưa tổng số tượng đài của bác Hồ lên con số 192 (hiện cả nước đã có 134 tượng đài Hồ Chí Minh các loại).

[ https://anhbasam.wordpress.com/2015/08/16/4761-van-hoa-quy-hoach-o-viet-nam/]

 

 

(*)Trong số các di vật khảo cổ tìm thấy ở khu khảo cổ Hoàng thành Thăng Long có cả những bao nung, các loại dụng cụ sản xuất gốm và dấu vết lò nung gốm cùng với rất nhiều phế phẩm gốm sứ là những mảnh vỡ, những sản phẩm bị méo, lỗi hoặc bị quá lửa… Sự khám phá khảo cổ này đã góp phần chứng minh rằng, ngay từ thời xa xưa, trình độ tay nghề của những người thợ gốm sứ đất Thăng Long đã đạt đến mức điêu luyện, có thể sản xuất ra những sản phẩm gốm sứ có chất lượng tuyệt hảo, màu sắc và đường nét trang trí tinh xảo không kém hàng gốm sứ cao cấp thời Tống. Nói cách khác, đó chính là minh chứng cho thấy, người Việt ta có thể tự chế tác được những sản phẩm cao cấp chỉ dùng cho nhà vua và hoàng cung, hoàn toàn không giống như cách nghĩ và lập luận của nhiều người trước đó cho rằng toàn bộ gốm sứ cao cấp dành cho nhà vua và hoàng cung thuở xưa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài

[http://www.hoangthanhthanglong.vn/lo-quan-trong-hoang-thanh-thang-long/3281]

 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr      Hồng Lê Thọ