Hồ Xuân Hương rút nhầm tơ duyên 1

Vietsciences- Nguyễn Thị Chân Quỳnh      09/01/2006

 

Người ta thường nói Xuân Hương vì tài cao nên trắc trở đường tình duyên: lấy phải Tổng Cóc dốt nát, lấy ông Phủ Vĩnh-tường xứng đôi hơn nhưng lại phải làm lẽ... song đấy là truyền thuyết. Mãi đến khi đọc "Long-biên trúc chi từ" của Tùng Thiện vương (1), làm khi theo vua Thiệu-Trị ra Thăng-long tiếp sứ nhà Thanh sang phong vương (1842), ta mới có bằng chứng Xuân Hương quả có thật và đã vất vả về đường tình. Bài thơ gồm 14 đoạn, đoạn 8 và 9 vịnh cảnh Hồ Tây có nhắc đến Xuân Hương.

Thơ chữ Hán :


Tĩnh đầu liên hoa khai mãn trì,
Hoa nô chiết khứ cung thần ti.
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ti.

Trụy phấn tàn chi thổ nhất dinh,
Xuân Hương qui khứ, thảo thanh thanh !
U hồn đáo để kim như tuý,
Kỷ độ xuân phong xuy bất tinh !


Đại ý nói :


Sen Tịnh-đế nở đầy hồ,
Cô hầu gái hái hoa để cúng thần.
Đừng dẫm lên mộ Xuân Hương nhé,
Ở suối vàng nàng còn ôm hận rút nhầm tơ (duyên).

Phấn rụng, cành tàn, một  gò đất,
Xuân Hương đi về, cỏ xanh xanh.
Cho đến giờ u hồn còn như say ngất,
Mấy độ gió xuân thổi vẫn không tỉnh (2).


Căn cứ vào mấy câu thơ trên, ta biết chắc chắn đến năm 1842 thì Xuân Hương đã mất, tuy không rõ mất năm nào nhưng mộ đã xanh ngọn cỏ và nàng quả đã rút nhầm tơ duyên...
Vấn đề rắc rối từ năm 1963, khi ông Trần Thanh Mại phát hiện ra tập Lưu Hương Ký  Lưu Hương Ký  - mà tác giả đích thực mang tên Hồ Xuân Hương- và bài "Tựa" Lưu Hương Ký  của Tốn Phong Thị. Xuân Hương trong tập Lưu Hương Ký  cũng lận đận về đường tình, nhưng phong cách thơ Lưu Hương Ký  thì khác hẳn những bài thơ truyền tụng Thơ truyền tụng  mà ai cũng biết. Từ đó (1963), các nhà nghiên cứu chia thành hai nhóm : một nhóm tin tác giả Lưu Hương Ký  cũng chính là tác giả những bài Thơ truyền tụng , nhóm kia còn ngần ngại.
Dưới đây, tôi lần lượt trình bầy từng mối tình của tác giả Thơ truyn tụng  và của tác giả Lưu Hương Ký  trong hai phần riêng rẽ, dựa vào những tài liệu đã công bố trên sách báo, để minh chứng rằng trong hiện tình chúng ta chưa thể xác quyết tác giả Lưu Hương Ký  và tác giả Thơ truyền tụng  là một người.

I -  Tình duyên của tác giả Thơ truyền tụng (thơ chữ Nôm)


Số phận hẩm hiu, Xuân Hương có ít nhất là hai đời chồng là Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh-tường, và ít ra cũng một lần làm lẽ, còn Chiêu Hổ tuy đôi khi tỏ ra suồng sã nhưng chỉ là bạn xướng họa.

 

A- Tổng Cóc


1 - Không ai biết đích xác tên tuổi, gốc tích của Tổng Cóc. Có người cho là Xuân Hương lấy lẽ ông Phủ Vĩnh-Tường trước, góa chồng rồi mới lấy Tổng Cóc, tức là "lấy xuống". Nhưng cũng có người, như ông Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân dị mặc, cho là lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép uổng phải lấy cường hào Tổng Cóc trước. Tổng Cóc đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt nên tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng "Khóc Tổng Cóc" lời lẽ trào phúng, bởi đối với ông chồng không xứng ý này nàng không có chút cảm tình nào.


2 - Khoảng năm 1989, ông Nguyễn Hữu Nhàn viết bài "Phóng sự điền dã", theo những tài liệu của ông Dương văn Thâm (3), cho biết Tổng Cóc là người Tứ xã, tên thật là Kình, tự là Nguyễn công Hòa, "Cóc" là tên gọi xấu xí lúc bé để đánh lừa cho ma quỷ khỏi bắt đi. Tên "Cóc" sở dĩ được nhiều người biết là vì bài thơ của Xuân Hương. Tổng Cóc làm đến chức Phó Tổng, vốn dòng dõi Nguyễn Quang Thành (đỗ Tiến-sĩ năm 1680), là một nho sinh từng xướng họa với Xuân Hương chứ không phải dốt nát như người ta lầm tưởng.

Thí dụ có lần Xuân Hương ra vế :


Tối ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới.


Tổng Cóc liền đối :


Sáng mồng một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào.


Tổng Cóc có tính ưa ăn chơi, lấy Xuân Hương cũng là người hoang phí lại thêm nghệ sĩ tính. Chẳng bao lâu cửa nhà sa sút, vợ cả ghen, Tổng Cóc bỏ đi biệt sau khi để lại một lá thư từ giã, Xuân Hương lúc ấy đã có thai ba tháng. Xuân Hương sau cũng bỏ nhà đi, sinh hạ một con gái nhưng không nuôi được, lúc ấy đang làm lẽ ông Phủ Vĩnh-tường. Tổng Cóc dò tìm đến nhưng không dám giáp mặt, Xuân Hương làm bài "Khóc Tổng Cóc" gửi chồng cũ, thực sự là khóc cho mối tình cũ của mình chứ không phải trào lộng khóc Tổng cóc chết như ta vẫn tưởng vì như thế tỏ ra Xuân Hương ác, không nhân hậu, theo tác giả


Những chứng tích được nêu ra là :


- Căn nhà của Tổng Cóc đã cưới Xuân Hương hiện là nhà ông Kiều Phú, xã Sơn-dương (xã này, cũng như Tứ xã, đều thuộc huyện Phong-châu, Vĩnh-phú), vách bằng ván gỗ mít, còn lờ mờ vết chữ của Xuân Hương.
- Trên bàn thờ gia tiên ông Bùi văn Thắng, xã Tứ-mỹ, còn đôi bình tiện bằng gỗ mít, bị cưa chỗ loe miệng, một thời bị rẻ rúng bỏ lăn lóc.

Trên mỗi bình có hai câu thơ chữ Hán do chính tay Xuân Hương viết :


Thảo lai băng ngọc kính (= nói đến tấm gương bằng ngọc)
Xuân tận hóa công hương (= hóa công cũng chịu lúc tàn xuân)

Độc bằng đan quế thượng  (= chi bằng lúc vin cành quế đỏ)
Hào phóng bích hoa hương  (= tha hồ hoa biếc tỏa hương thơm)


- Nhà thờ tổ dòng họ Tổng Cóc nay là nhà ông Nguyễn Bình Lưu. Ông Dương văn Thâm vẫn còn nhớ đôi câu đối treo trên cột...

 

B - Ông Phủ Vĩnh Tường


1 - Theo ông Ngô Lãng Vân thì sau khi góa Tổng Cóc, Xuân Hương mở quán làm kế sinh nhai. Những khách hâm mộ văn tài tìm đến xin xướng họa rất nhiều, trong số có một ông giải nguyên (đỗ thủ khoa thi Hương). Xuân Hương ra đề : "Thạch liên thiên" (= thơ vịnh đá liền với trời), ông giải nguyên cắn bút nghĩ mãi chỉ ra được bốn chữ "Thiên thạch như lai ", Xuân Hương cho người ra bảo :"Nếu không làm được thì xin về thôi, ngồi ngậm bút mãi làm gì ?". Ông giải nguyên uất quá ngất đi, Xuân Hương thương hại viết nối cho thành hai câu thơ đầu :
Thiên thạch như lai bản thượng huyền (= trời với đất xưa nay rất huyền bí)
Nhất triều vân vũ thạch liên thiên (= nhưng gập trận mưa thì đá liền với trời)
Ông giải nguyên nhân đấy viết nốt được hai câu cuối :
Bổ thiên thạch hữu kỳ công tại (= đá có kỳ công đã vá trời)
Thiên thạch tương liên tự cổ truyền (= như vậy từ xưa đá với trời dính liền với nhau)
được Xuân Hương khen hay. Sau nhiều lần xướng họa, Xuân Hương trở nên vợ lẽ ông giải nguyên, sau này thành ông Phủ Vĩnh-Tường (4).


2 - Ông Phủ Vĩnh-tường" là Trần Phúc Hiển ?


Trong Quốc sử di biên, Phan Thúc Trực (1808-52) có viết về một ông Tham hiệp trấn Yên-quảng bị án tử hình khoảng 1818/9 về tội tham nhũng, có nhắc đến người tiểu thiếp của ông này :
Kỳ tiểu thiếp Xuân Hương, năng văn, chính sự. Thời xưng tài nữ  (5)


Năm 1973, ông Lê Xuân Giáo dịch là :"Người tiểu thiếp của quan Tham hiệp lúc đó tên là Xuân Hương vốn hay văn chương và chánh sự nên được người đương thời khen ngợi là 'nữ tài tử' ". Trong phần chú thích ông Lê Xuân Giáo viết thêm : "Xuân Hương đây tức là Hồ Xuân Hương lừng danh thời Lê mạt, Nguyễn sơ mà ai cũng biết " và kết luận rằng nữ sĩ có tới ba đời chồng chứ không phải hai : Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp Yên-quảng. Không rõ căn cứ vào đâu ông Lê Xuân Giáo khẳng định rằng người tiểu thiếp ấy chính là Hồ Xuân Hương ? và thêm :"lấy độ một năm thì quan Tham hiệp bị tử hình " (6).


Năm 1983, GS Hoàng Xuân Hãn cũng cả quyết :"Chúng ta có thể tin chắc tài nữ này chính là tài nữ Xuân Hương mà ta từng quen biết " (7).
Sự thực Phan Thúc Trực chỉ viết người tiểu thiếp tên là Xuân Hương chứ không nói họ của nàng, tôi ngờ chính hai ông Lê Xuân Giáo và Hoàng Xuân Hãn đã suy đoán và thêm họ "Hồ" vào.
Tuy nhiên, ông Hoàng Xuân Hãn còn căn cứ vào sáu bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương, tìm thấy trong Đại Nam dư địa chí ước biên, mục Quảng-yên, tựa đề :"Chu thứ Hoa-phong tức cảnh bát thủ" (= Đậu thuyền ở Hoa-phong tức cảnh làm tám bài) vịnh cảnh Hạ-long. Trong số sáu bài còn lại thì bài cuối bị loại vì không ăn nhập với Vịnh Hạ-long. Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì đời Gia-long, Yên-quảng (sau gọi là Quảng-yên) chia làm ba huyện mà huyện Hoa-phong gồm các đảo trên Vịnh Hạ-long, và những bài thơ vịnh cảnh Hạ-long là bằng chứng nữ sĩ đúng là người tiểu thiếp của quan Tham hiệp Yên-quảng. Ông còn tìm tòi và khẳng định quan Tham hiệp ấy tên là Trần Phúc Hiển, tuy không rõ đỗ gì, nhưng năm 1813 được từ Tri phủ Tam-đái thăng lên chức Tham hiệp Yên-quảng  (phủ Tam-đái đến 1822 mới đổi tên thành phủ Vĩnh-tường). Ông kết luận :
- Khi chết Trần Phúc Hiển giữ chức "Tham hiệp" thì không có lý do gì để Xuân Hương khóc chồng với chức "Tri Phủ", cũ xưa và thấp kém hơn ;
- Trần Phúc Hiển chết năm 1819, Xuân Hương không thể khóc chồng với cái tên "Ông Phủ Vĩnh-tường" bởi lúc ấy "Phủ Vĩnh-tường" còn mang tên cũ là "Phủ Tam-đái" ;
- Nếu quả Xuân Hương sinh khoảng 1772, như ông Hoàng Xuân Hãn đoán, thì đến 1819 nữ sĩ đã gần 50 tuổi, với số tuổi ấy khó lòng có thể tái giá với một "ông Phủ Vĩnh-tường" nào khác.
Do đó bài thơ "Khóc ông Phủ Vĩnh-tường" chỉ có thể là ngụy tác (8).


Lập luận của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có thể coi là vững :


a - Nếu chắc chắn tác giả Thơ truyền tụng  và tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long là một (nên nhớ ông Phủ Vĩnh-tường là chồng tác giả Thơ truyền tụng  chứ không phải chồng tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long), sự kiện Trần Phúc Hiển từng làm Tri phủ Tam-đái chưa phải là một bằng chứng đích xác ông là chồng tác giả Thơ truyền tụng  vì còn có biết bao nhiêu ông Phủ Vĩnh-tường khác. Xét văn phong thì Thơ truyền tụng  khác hẳn thơ vịnh cảnh Hạ-long khó có thể chấp nhận hai tác giả là một người được.


b - Nếu không có sự xuất hiện của một ông Phủ Vĩnh-tường thứ hai, ông Phạm Viết Đại, cũng có vợ tên Xuân Hương.


3 - Ông Phủ Vĩnh-tường là Phạm Viết Đại ?


A- Trần Phúc Hiển không phải là người duy nhất có thể là "ông Phủ Vĩnh-tường". Trong Tạp chí Văn Học  (Việt-Nam) số 3, 1974, ông Phương Tri cho biết ông Trần Tường đã phát hiện ra ông Phủ Vĩnh-tường tên là Phạm Viết Đại, dựa vào Trà-lũ xã chi, gia phả và trí nhớ các cụ già làng Trà-lũ. Phạm Viết Đại sinh năm 1802, đỗ Cử-nhân năm 1842, năm 1862 được thăng chức Đồng Tri phủ Vĩnh-tường, đến tháng 4, 1862 thì mất, cái chết có phần oan khiên. Các cụ già trong làng còn nhớ những giai thoại và thơ xướng họa giữa Phạm Viết Đại với người vợ kế tên Xuân Hương, một số thơ, tuy có sai ít nhiều, đã được ông Nguyễn Hữu Tiến nhận đúng là của nữ sĩ họ Hồ. Trần Tường còn nhận thấy nhiều bài thơ vịnh cảnh của Xuân Hương trùng hợp với những nơi mà Phạm Viết Đại đã từng làm quan : Ninh-bình (2 bài), Thanh-hóa (3 bài), Sơn-tây (3 bài)  (9).


Thuyết này có những chỗ chưa ổn :


a - Gia phả họ Phạm nay đã mất, chỉ còn bằng vào Giai nhân dị mặc  của Nguyễn Hữu Tiến;


b - Trong Quốc triều Hương khoa lục, Cao Xuân Dục chép Phạm Viết Đại chỉ đỗ thứ 16 trên 20 người, mà truyền thuyết thì nói ông Phủ Vĩnh-tường đỗ giải-nguyên ;


c - Phạm Viết Đại chết năm 1862. Nếu đúng như Lê Dư viết là Xuân Hương chết sau chồng vài năm thì nữ sĩ phải mất vào khoảng 1864/5 trong khi Tùng Thiện Vương đã thấy mộ Xuân Hương từ năm 1842 (tức là năm họ Phạm mới đỗ Cử nhân). Hồ Xuân Hương chết trước hai mươi năm, không thể làm thơ khóc Phạm Viết Đại được, dù cho ông là "Ông phủ Vĩnh Tường".


d- Tuy nhiên, lại có một Xuân Hương chết năm 1869, dựa vào Xuân đường đàm thoại của Tam nguyên Trần Bích San. Nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn tỏ ý nghi Xuân đường đàm thoại chỉ là loại "văn chơi", thiếu độ tin cậy cao :"không có giả thiết nào đứng vững nếu tin vào Xuân đường đàm thoại ". Thế nhưng năm mất của Xuân Hương trong Xuân đường đàm thoại lại gần với năm mất của Xuân Hương vợ kế của Phạm Viết Đại hơn là với Xuân Hương trong thơ Tùng Thiện Vương, và còn phù hợp cả với Xuân Hương sinh năm 1814 của Ngô Giáp Dậu (11).
Ông Hoàng Xuân Hãn tỏ ý nghi ngờ thuyết cho ông Phủ Vĩnh-tường là Phạm Viết "Đạt" (chính ra là "Đại") có người vợ kế "tên Xuân Hương mà họ coi là Hồ Xuân Hương. Họ lại thêm rằng bà vợ đã làm thơ đối đáp với chồng... Sự tin được thuyết này hay không liên hệ mật thiết với kết quả điều tra xem bài "Khóc ông Phủ Vĩnh-tường" có được ghi nhớ một cách đặc biệt trong họ Phạm ở Trà-lũ hay không ?" (12).
Đành rằng độ tin cậy của những tài liệu này không thể bì với bài thơ của Tùng Thiện Vương song thuyết cho ông Phủ Vĩnh-tường là Trần Phúc Hiển cũng không hơn, cũng chỉ là phỏng đoán, dựa vào cái tên "Xuân Hường" và những chi tiết "tiểu thiếp, biết làm thơ", song phong cách những bài thơ của người tiểu thiếp quan Tham hiệp chỉ giống phong cách thơ trong Lưu Hương Ký  chứ không giống Thơ truyền tụng  nên ta chỉ có thể coi tác giả thơ vịnh cảnh Hạ-long với tác giả Lưu Hương Ký  là một nhưng không thể khẳng định họ cũng là một với tác giả những bài Thơ truyền tụng  nổi tiếng xưa nay, mà ông phủ Vĩnh-tường là chồng tác giả Thơ truyền tụng  chứ không phải chồng tác giả Lưu Hương Ký .

 

C - Chiêu Hổ


Như trên đã nói, Chiêu Hổ không phải là bạn tình của nữ sĩ mặc dầu trong thơ văn xướng họa có những lời lẽ trêu cợt suồng sã. Chiêu Hổ được người đời biết đến chỉ nhờ những lời đối đáp, xướng họa với Xuân Hương. Cũng như Tổng Cóc và ông Phủ Vĩnh-tường, Chiêu Hổ là ai thì vẫn còn là một vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng.


           1 - Chiêu Hổ là một Huyện quan ?


GS Hoàng Xuân Hãn cho biết khoảng 1892/3, A. Landes, Đốc lý Hà-nội, đã thuê người chép lại những bài thơ Nôm, trong đó có cả thơ Hồ Xuân Hương. Theo bản này thì trước cửa nhà Xuân Hương có đề "Cổ Nguyệt Hồ", quan Huyện đi qua bèn vịnh :


Nhà Cổ hãy còn đeo đẳng Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh lùng Hương
(13).


Phải chăng vì thế mà có thuyết nói khi Chiêu Hổ thi đỗ được bổ chức huyện quan, Xuân Hương ghẹo :


Mặc áo Giáp, giải cài chữ Đinh, Mậu Kỷ Canh khoe mình rằng Quý.


Chiêu Hổ đối lại :


Làm đĩ Càn tai đeo hạt Khảm, Tốn Ly Đoài khéo nói rằng Khôn.


Vẫn theo bản của Landes, Xuân Hương đã từng cùng quan Huyện đi ngoạn cảnh Đèo Ba Dội, cầm tay nhau mà leo lên.

Xuân Hương xướng :


Trèo một đèo, lại một đèo...
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.


Quan Huyện họa :


Đã khỏi Đèo Ông lại một đèo,
Nhác coi phong cảnh ngán trăm chiều...


Ông Hoàng Xuân Hãn đặt câu hỏi phải chăng quan Huyện đây là Phạm Viết "Đạt" (14) ? quên rằng trước đó chính ông đã tỏ vẻ nghi ngờ thuyết cho Phạm Viết "Đạt" là ông Phủ Vĩnh-tường.


           2 - Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ (1768-1839) ?


Một số người (Văn Tân, Trần Thanh Mại v.v.) đoán Chiêu Hổ chính là Phạm Đình Hổ. Nguyễn Triệu Luật còn viết rõ rằng Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ, cùng với Nguyễn Án (đồng tác giả Tang thương ngẫu lục với Chiêu Hổ) và Xuân Hương được người đương thời mệnh danh là "Tam tài tử" (15).
Thực ra Chiêu Hổ không thể là Phạm Đình Hổ vì nhiều lý do :


a - Phong cách hai người khác nhau rất xa : Chiêu Hổ tính tình phóng túng, tai quái, ưa bỡn cợt và khi xướng họa với Xuân Hương thường chỉ dùng Nôm ; Phạm Đình Hổ tính tình nghiêm cẩn đến câu nệ, lại có ý khinh chữ Nôm. Trong "Tự thuật" ông viết :"Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc rủ rê chơi đùa thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết" (16).
Trong khi Chiêu Hổ trêu chọc người thì Phạm Đình Hổ lại bị người trêu cợt : Năm 1830, ông đang làm Tế tửu Quốc-tử-giám đã xin từ chức, viện cớ "Học thức thô thiển, bị bạn đồng nghiệp trêu chọc" (17).


b - Phạm Đình Hổ chỉ đỗ Sinh-đồ (Tú-tài), tuy được đặc cách vời ra làm quan nhưng không làm quan Huyện mà làm ở Viện Hàn-lâm và ở Quốc-tử-giám.
c - Chữ "Chiêu" trỏ vào con một ông Tiến-sĩ được học ở "Chiêu văn quán". Cha Phạm Đình Hổ chỉ đỗ Hương-cống (Cử-nhân) nên Phạm Đình Hổ không thể dự hàng các "cậu Chiêu" được (18).

 

I I - Tình duyên của tác giả Lưu Hương Ký  


Khác với Thơ truyền tụng  toàn là thơ Nôm, tập Lưu Hương Ký  gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài chữ Nôm nhưng tựa đề thì vẫn bằng chữ Hán. Đọc Lưu Hương Ký  ta thấy Xuân Hương có khá nhiều bạn trai, bạn thơ, bạn tình... nào Nguyễn Hầu, nào Trần Hầu, nào Tốn Phong thị, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên... Trong số những bạn trai này, có khá nhiều bạn tình thế nhưng trong "Bạch Đằng giang tạm biệt" tác giả vẫn lên tiếng trách người bạn tình không chung thủy:


Tơ tóc lời kia còn nữa hết ?
Chớ thói lưng vơi cỡ nước Đằng
(19).


và than thân, trong "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu" :


Phấn son càng tủi phận long đong.
(...)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.


Lưu Hương Ký  có rất nhiều câu than thân nên Trần Thanh Mại mới nhận xét :"Lưu Hương Ký  là tiếng kêu thất vọng để có một tình yêu thành thực, thủy chung" (20). Ông Trần Thanh Mại xót thương "người đẹp" thì nghĩ thế chứ công bình mà nói thì Xuân Hương của Lưu Hương Ký  thiếu gì bạn tình, chính mình không chuyên nhất, không chung thủy, sao có thể trách người chẳng thủy chung ?
Sau đây là những người bạn tình của Xuân Hương, căn cứ vào tập thơ Lưu Hương Ký  :

 

A - Nguyễn Hầu


Trong Lưu Hương Ký  có một bài rất được chú ý là bài "Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, Nghi-xuân, Tiên-điền nhân" (= Nhớ bạn cũ viết gửi Cần Chánh học sĩ Nguyễn Hầu - Hầu, người ở Nghi-xuân, Tiên-điền) khiến ta nghĩ ngay đến Nguyễn Du bởi Nguyễn Du quê ở Nghi-xuân, Tiên-điền, năm 1805 được phong Du Đức Hầu, đến năm 1813 thăng Cần Chánh học sĩ sung Chánh sứ sang tuế cống nhà Thanh. Bài này chắc viết sau khi Nguyễn Du được phong làm Cần Chánh học sĩ (tháng giêng năm 1813) và trước khi Tốn Phong Thị hoàn tất bài "Tựa" Lưu Hương Ký  (tháng hai năm 1814).
 Khó lòng có thể có một người họ Nguyễn thứ hai ở Tiên-điền cũng được phong làm Cần Chánh học sĩ cùng trong khoảng thời gian này. Trần Thanh Mại là người đầu tiên phát hiện ra bài thơ và cũng là người đầu tiên đoán "Nguyễn Hầu" là Nguyễn Du.
Chúng ta thử nhận xét mối tình giữa cặp tài tử Hồ Xuân Hương - Nguyễn Du.


1 - Tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du qua bài thơ "Cảm cựu..."


 Câu 1 & 2  :


Dậm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Cậy ai tới đấy gửi cho cùng.


"Dậm khách" trỏ vào chuyện Nguyễn Du đang trên đường đi sứ.
Hai câu thơ này cho ta có cảm tưởng trên đường đi sứ, qua Thăng-long, Nguyễn Du có gập lại Xuân Hương và bài thơ được Xuân Hương sáng tác ngay sau khi đôi bên chia tay, lúc tâm thần đang bị  khích động nên mới có "muôn nghìn nỗi nhớ". Nếu không phải vừa mới gập lại nhau mà chỉ bình tĩnh ngồi hồi tưởng lại mối tình chia cắt đã gần một chục năm, kể từ khi Nguyễn Du vào Kinh làm quan (1805), thì tình đã lắng xuống, nhạt phai, làm sao có thể xúc động để có "muôn nghìn nỗi nhớ" được ?


Câu 3 & 4 :


Mối tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.


Xuân Hương nói rõ hai người dan díu với nhau đủ "ba năm vẹn", vậy ta thử tìm xem họ yêu nhau vào thời điểm nào ?


a - 1781-4 ? Thời gian này hai người cùng có mặt ở Thăng-long hay không?


Nguyễn Du tuy sinh (1765) ở Thăng-long nhưng năm mười tuổi mồ côi cha phải đến ở với anh là Nguyễn Khản được vài năm thì về quê học. Năm 17 tuổi ta (1781), Nguyễn Du trở ra Thăng-long, đi thi đỗ Tam trường (21) rồi ở lại Thăng-long cho tới khi kiêu binh phá nhà Nguyễn Khản (1784), Nguyễn Du phải trốn lên Thái-nguyên ở với cha nuôi họ Hà, giữ chức Chánh Thủ hiệu (một chức quan võ nhỏ) ở đó. Như thế thì sự hiện diện của Nguyễn Du ở Thăng-long trong khoảng thời gian 1781-4 coi như chắc chắn.
Về Hồ Xuân Hương, ông Hoàng Xuân Hãn đoán bà sinh năm 1772 thì đến 1781 bà mới có 9 tuổi, dù cả hai đều có mặt ở Thăng-long đủ ba năm cũng không thể bắt tình với nhau được.
Huống chi, theo ông Hồ Trọng Chuyên thì năm 13 tuổi Xuân Hương còn ở quê nhà (Châu Hoan = Nghệ-Tĩnh) xướng họa với Dương Tri Tạn rồi mới dời quê theo cha ra Bắc. Cứ cho là Xuân Hương ra Thăng-long năm 13, tức là 1772 + 13 = 1785, nhưng lúc ấy Nguyễn Du không còn ở Thăng-long mà đang ở Thái-nguyên (22).


b - GS Hoàng Xuân Hãn đưa ra hai thời điểm khác : 1790-3 và 1792-5 (23) song lúc ấy Tây-sơn đã ra Bắc và Nguyễn Du chống Tây-sơn nên về ở nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn ở Quỳnh-hải (Thái-bình) trong mười năm, từ 1786 đến 1796 (khi Nguyễn Du vào Nam, định theo chúa Nguyễn nhưng giữa đường bị quân Tây-sơn bắt được, giam ba tháng mới thả ra). Trong thời gian mười năm này, Nguyễn Du thường than trong thơ tình cảnh bệnh hoạn, nghèo túng, có khi mấy ngày bếp không nhóm lửa, vợ con nheo nhóc... Tuy nghèo nhưng cũng có hai lần Nguyễn Du ra Thăng-long :
- năm 1793, để thăm anh là Nguyễn Nễ, đích xác Nguyễn Du trọ ở gần Giám hồ (căn cứ vào bài "Long thành Cầm giả ca") chứ không phải là "ở nhà Nguyễn Nễ, gần Giám hồ" như ông Hoàng Xuân Hãn nói ;
- và năm 1794 để tiễn Đoàn Nguyễn Tuấn vào Kinh làm quan.
Có thể Nguyễn Du còn có những lần khác ra Thăng-long mà ta không biết, song với tình cảnh nghèo túng, bệnh hoạn, lại ôm hoài bão hoạt động để khôi phục nhà Lê, khó có thể tin Nguyễn Du tìm cách ra Thăng-long để dan díu với Xuân Hương. Dù có chăng nữa thì cũng chỉ là những cuộc gập gỡ ngắn ngủi, bị gián đoạn, khó có thể là mối tình "ba năm vẹn".


c - 1802-5 ? Thời điểm này cũng không thích hợp nốt bởi mùa hè năm 1802 Nguyễn Du mới theo Gia-long ra Thăng-long mà đến đầu Xuân năm 1805 đã vào Kinh làm quan, tính ra chỉ có hai năm rưỡi, không đủ "ba năm vẹn".


Câu 5 & 6 :


Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.


"Mừng duyên tấp nập" mà cho là trỏ vào chuyện Nguyễn Du được thăng lên chức Cần-chính Học sĩ và đi sứ  e rằng quá khiên cưỡng, nếu trỏ vào chuyện Nguyễn Du cưới vợ thì có lý hơn bởi câu sau cho thấy Xuân Hương chạnh nghĩ đến duyên phận lẻ loi của mình mà "tủi phận long đong". So sánh duyên phận Nguyễn Du với thân phận mình, như thế mới đối.


Câu 7 & 8 :


Biết còn mảy chút sương siu mấy, (24)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.


Hai câu này nối ý hai câu trên, than cảnh Xuân Hương lẻ bóng, đơn chiếc.


2 - Tình cảm của Nguyễn Du đối với Xuân Hương


a - Tuy Xuân Hương nói mối tình kéo dài "ba năm vẹn" thế mà trong cả tập Lưu Hương Ký  không có lấy một bài thơ của Nguyễn Du xướng hay họa với Xuân Hương, đối với cặp tài tử hay thơ như Xuân Hương - Nguyễn Du kể cũng lạ.


b - Năm 1813, Nguyễn Du trên đường đi sứ, đã gập lại Xuân Hương ở Thăng-long, Xuân Hương viết bài "Cảm cựu..." tả "muôn nghìn nỗi nhớ nhung" của mình thế nhưng Nguyễn Du lại không có bài thơ nào nhắc nhở đến Xuân Hương và mối tình "ba năm" ấy. Suốt dọc đường đi sứ ta chỉ thấy Nguyễn Du nghĩ đến "cô Cầm" để rồi sáng tác ra bài "Long thành Cầm giả ca" nổi tiếng, nhưng tuyệt nhiên không có lấy một nửa lời nhớ nhung Xuân Hương ! Nếu bảo Nguyễn Du đang làm quan to, sợ "quan trên trông xuống, người ta trông vào", như ông Hoàng Xuân Hãn nói, thì tại sao trong thời gian yêu nhau "ba năm vẹn", chưa làm quan, cũng không có bài nào ? Không có trong Lưu Hương Ký  mà cũng không có trong những tác phẩm Nguyễn Du để lại.


c - Bài "Mộng đắc thái liên" (= Mộng thấy hái sen) của Nguyễn Du
GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng khi Nguyễn Du vào làm quan ở Kinh và ở Quảng-bình đã làm bài thơ này có lẽ vì nghĩ đến Xuân Hương.
Để xét xem người thiếu nữ trong thơ có thật là Xuân Hương hay không, tôi chọn bản dịch từng chữ của ông Mai Quốc Liên để giữ được đầy đủ chi tiết trong nguyên tác hơn là bản dịch thành thơ của các ông Lê Thước và Phạm Khắc Khoan mà GS Hoàng Xuân Hãn dùng (25).


Mộng thấy hoa sen
Buộc chặt quần cánh bướm,
Hái sen, chèo thuyền con.
Nước hồ sao lai láng,
Trong nước có bóng người.

Hái, hái sen Hồ Tây,
Hoa và gương đều để trên thuyền.
 Hoa để tặng người mình trọng,
Gương để tặng người mình thương.

Sáng nay đi hái sen,
Nên mới hẹn với cô láng giềng xóm Đông.
Chẳng rõ đến lúc nào không biết,
Cách khóm hoa nghe cười nói.

Mọi người đều biết yêu thích hoa sen,
Nhưng ai là kẻ yêu thân cây sen ?
Trong thân cây sen có những sợi tơ,
Vấn vương không thể dứt được.

Lá sen sao xanh xanh,
Hoa sen đẹp đầy đặn.
Hái sen chớ làm hỏng ngó,
Sang năm sen không sinh lại được.


Những chi tiết về thiếu nữ hái sen không nhiều : cô ta mặc "quần cánh bướm", và là "láng giềng xóm Đông" của Nguyễn Du, song chẳng ai rõ nữ sĩ có mặc "quần cánh bướm" hay không, và hai người có là "láng giềng" bao giờ không. Nếu Xuân Hương là cô "láng giềng xóm Đông" của Nguyễn Du thì, so với nhà của cô, ắt hẳn nhà của Nguyễn Du phải ở phía Tây phường Khán-xuân, song chúng ta chỉ biết thuở nhỏ Nguyễn Du ở nhà cha và anh tại phường Bích-câu, phía Nam Thăng-long, và năm 1793 khi Nguyễn Du từ Thái-bình ra Thăng-long thăm Nguyễn Nễ đã trọ ở gần Giám hồ, cũng là phía Nam Thăng-long nốt, chứ không phải gần Hồ Tây và phường Khán-xuân, tương truyền là nơi Xuân Hương cư ngụ, ở Tây Bắc. Kẻ ở Nam, người ở Bắc, đã không biết đích xác địa chỉ của hai người, làm sao xác quyết được họ là "láng giềng" với nhau ? Hơn nữa, Nguyễn Du chỉ nói đi hái sen ở Hồ Tây chứ không nói là đi hái sen với người thiếu nữ sống ở gần Hồ Tây. Chúng ta chẳng có bằng chứng nào tỏ ra người thiếu nữ hái sen chính là Xuân Hương cả.
Chúng ta cũng chưa có bằng chứng nào minh định là Nguyễn Du đã có một thời yêu Xuân Hương, bài "Cảm cựu..." chỉ "minh chứng" mối tình của Xuân Hương đối với Nguyễn Du mà thôi. Phần Nguyễn Du không có lấy một câu thơ nào cho biết đích xác Nguyễn Du có tình với Xuân Hương. Ở đời có khi "hoa rơi tuy hữu ý" mà "nước chẩy lại vô tình", chung quy chỉ là "giấc mộng rồi ra nửa khắc không" !

 

B - Trần Hầu


1 - Tình của Xuân Hương đối với Trần Hầu


Trong Lưu Hương Ký có ít nhất là 6 bài thơ xướng họa giữa Xuân Hương và Trần Hầu. Nữ sĩ cho biết Trần Hầu là người đồng hương. Hai người hâm mộ tiếng nhau mà đem lòng quyến luyến :


Bấy lâu ngưỡng mộ tiếng văn chương, nay mừng được gập mặt,
(...) Chén tình vừa nhắp đã nồng nàn, đôn hậu.
Thanh khí của châu ta còn được ưa chuộng,
Tài tình của chúng ta là chung đúc nơi đây (26).
Tuy quyến luyến nhưng chưa tiện ngỏ ý :
Thân bèo nước gập nhau, nâng chén rượu dưới trăng,
Tấc lòng son sắt thực khó nói.
Gọi đàn, vì có ý mà gẩy khúc Cầu Hoàng,
(...) Sau phút ly biệt, còn lưu luyến biết bao tình (27).
và :
Trăm năm gập gỡ là bao nả,
Thắc mắc sầu riêng khó giở ra (28).
Dẫu Xuân Hương tỏ ra có tình ý thắm thiết nhưng thực ra đôi bên chưa có gì gọi là gắn bó.


2 - Tình của Trần Hầu đối với Xuân Hương


Họ Trần xác nhận vì hâm mộ mà tìm đến nàng :
Giữa chốn Long thành được nghe nói đến nàng... (29).
nhận mình là người đồng hương :
Phương chi lại là người đồng quận (30).
và mình đã đứng tuổi :
Thương ta bất tài, mái tóc luống bạc... (31).
Còn về giao tình giữa hai người thì :
Chưa gập mà lòng đã mến trước,
Há phải đến lúc họa thơ với nhau mới có tình cảm mặn nồng ? (32)
Tình cảm mà đã "mặn nồng" từ trước khi gập mặt thì không phải là tình yêu mà chỉ là lòng mến mộ văn tài của Xuân Hương, huống chi Trần Hầu còn thêm :
Mừng cho nàng có phận gửi thân nơi quyền quý,
(...) Chỉ mong cái tình của chúng ta gập nhau trong mộng (33).
Hai câu này cho ta có cảm tưởng là thấy Xuân Hương đã kết duyên với người khác Trần hầu không tỏ vẻ đau khổ. Mối tình Trần Hầu - Xuân Hương cũng chỉ được coi là "mộng", chẳng khác gì mối tình giữa Nguyễn Du và Xuân Hương.


3 - Trần Hầu là ai ?


Trong Lưu Hương Ký, từ đầu chí cuối Xuân Hương chỉ xướng họa với một  " Hiệp trấn Sơn-nam-thượng Trần Hầu", nhưng trong Tục Hoàng Việt thi tuyển, Nguyễn Đình Hồ có chép hai bài thơ chữ Hán của Xuân Hương :
"Đang quét sân vừa đi vừa than để trả lời" (sau Trần Thanh Mại phát giác ra tác giả bài này là một thi sĩ Trung quốc) ;
"Bình thủy tương phùng nguyệt hạ tôn" là một bài thơ Xuân Hương "họa" "Hiệp trấn Sơn-nam-h", nhưng trong Lưu Hương Ký lại chép là của Xuân Hương "xướng" với "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng ".
Vì dựa vào Tục Hoàng Việt ... GS Hoàng Xuân Hãn tin là có tới hai ông Hiệp trấn họ Trần, một ở Sơn-nam-thượng và một ở Sơn-nam-hạ, và tìm ra cả tên của hai người :


a - Hiệp trấn Sơn-nam-thượng

 Hiệp trấn Sơn-nam-thượng tên là Trần Ngọc Quán. Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì năm 1813, đời Gia-long, có Trần Ngọc Quán làm Cai bạ Quảng-đức (Thừa-thiên) đến năm 1815 được bổ chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" (Đại Nam Thực Lục Chính Biên xác nhận).
Dứt khoát ta phải loại bỏ Trần Ngọc Quán vì lẽ đến tháng 2, 1815 ông này mới giữ chức "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" trong khi bài "Tựa" Lưu Hương Ký đã viết xong từ tháng 2, 1814, tức là từ một năm trước,  và tất nhiên những bài thơ trong Lưu Hương Ký phải được viết ra từ trước bài "Tựa".

 

b - Hiệp trấn Sơn-nam-hạ


 Hiệp trấn Sơn-nam-hạ là Trần Quang Tĩnh. Vẫn dựa vào Đại Nam Thực Lục Chính Biên, ông Hãn cho biết Trần Quang Tĩnh quê ở Gia-định, năm 1807 được thăng từ Cai bạ lên "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" (35).
Lần này thời điểm phù hợp nhưng lại không ổn về địa điểm : Trần Hầu trong Lưu Hương Ký là "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng" chứ không phải Sơn-nam-hạ. Trong Tục Hoàng Việt thi tuyển mới có "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" song độ tin cậy của Tục Hoàng Việt... không lấy gì làm cao, chép có hai bài thơ nói là của Xuân Hương thì một bài đã vơ nhầm của một thi sĩ Trung quốc, bài thứ nhì có nhầm từ Sơn-nam-thượng ra Sơn-nam-hạ, đổi "xướng" ra "họa", cũng không phải là chuyện chẳng thể có.
Cứ cho là Tục Hoàng Việt... chép đúng thì ta phải sửa lại tất cả những bài thơ xướng họa với họ Trần trong Lưu Hương Ký chứ không có lý do gì để tách riêng bài "Bình thủy tương phùng..." cho là liên quan đến "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" còn tất cả những bài khác thì vẫn với ông "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng.
Mặt khác, Trần Hầu trong Lưu Hương Ký là người đồng quận (châu Hoan) với Xuân Hương, còn Trần Quang Tĩnh quê ở Gia-định làm sao có thể coi là một được ?
Ông Đào Thái Tôn cũng chép rằng bài "Bình thủy tương phùng..." là của "Hiệp trấn Sơn-nam-thượng", theo Lưu Hương Ký, nhưng trong phần chú giải thì lại chép theo ông Hoàng Xuân Hãn về một "Hiệp trấn Sơn-nam-hạ" thành ra đầu đuôi không ăn nhập với nhau. Phải chăng ông Đào thấy Lưu Hương Ký "đáng tin cậy hơn" nhưng đồng thời ông cũng "muốn tin" học giả Hoàng Xuân Hãn (36) ?

 

C - Tốn Phong Thị


Ngoài Lưu Hương Ký Trần Thanh Mại còn phát hiện ra ở Thư viện Khoa Học Trung Ương một bài "Tựa" tập Lưu Hương Ký kèm với 32 bài thơ của Tốn Phong Thị trong đó có 31 bài thơ chữ Hán nói đến mối tình giữa Xuân Hương và Tốn Phong. Theo bài "Tựa" thì Tốn Phong cũng quê ở châu Hoan như nữ sĩ, hai người gập nhau năm 1807 và đến năm 1814 thì Xuân Hương đưa tập Lưu Hương Ký nhờ Tốn Phong viết Tựa. Trần Thanh Mại đoán Tốn Phong họ Phan chỉ vì trong bài "Tựa" thấy nói Tốn Phong có cô "em họ tên Phan Mĩ Anh". Đoán thế là khiên cưỡng vì có thể là em họ bên ngoại, không cùng một họ.
Theo ông Lê Trí Viễn thì Xuân Hương có tới 10 bài thơ gửi Tốn Phong, tôi chỉ được đọc có năm bài với tựa đề nêu tên Tốn Phong.


1 - Tình ý của Xuân Hương đối với Tốn Phong


So với hai người "tình" trước thì mối tình của Xuân Hương đối với Tốn Phong xem ra gắn bó hơn, vì Xuân Hương nhắc tới "giải ước nguyền" trong bài "Tốn Phong Thị nằm mộng, ghi lại mang cho xem, nhân đó ghi thuật bằng thơ" :


(...) Chén tình đã nhẫn lâu mà nhạt,
Giải ước nguyền âu thắm chẳng phai.


và trong bài "Họa Tốn Phong nguyên vận" thì nhắc đến "chén thề, món tóc (thề), trăm năm..." :


Kiếp này chẳng gập nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu ?
(...) Chén thề thuở nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn muôn non nước cũng tìm theo.


Câu cuối nói lên sự quyết tâm, chí tình của Xuân Hương.


2 - Tình của Tốn Phong đối với Xuân Hương


Tốn Phong luôn luôn tán tụng sắc đẹp và văn tài của Xuân Hương :
Trên đàn thơ xuất hiện một vị thần thơ,
(...) Gập người ngờ là tiên nữ gửi xuống trần
 (Bài số 12, theo cách đánh số của Trần Thanh Mại)
song Tốn Phong chỉ nhắc đến tình giao du, xướng họa :
Tựa :"Tình cờ mới gập lần đầu mà thành đôi bạn thân thiết... Tôi phải xuôi ngược vào Nam ra Bắc không thể cùng nhau xướng họa..."
Bài số 11 :"Gập người ngờ là có mối duyên bút mực từ xưa"
Còn duyên tình ? Chỉ thấy Tốn Phong than :
Duyên lạ mây mưa phó mặc hồn mộng,
Đừng nói nhớ nhau với biết nhau
Đồng tâm chỉ thấy vị ấm chén rượu. (Bài số 18)
Ở đây cũng như với họ Nguyễn, họ Trần, hễ nói tới "tình" thì ta lại gập chữ "mộng".
Vì hiếm tài liệu chính xác về Xuân Hương nên ta phải căn cứ vào bài "Tựa" của Tốn Phong tuy nhiên bài này cũng có chỗ không ổn : Tốn Phong cho biết trong bài "Tựa" rằng hai người quen nhau từ "Xuân Đinh Mão" (1807), đến "Xuân Giáp Tuất" (1814) thì gập lại, tính ra phải là 7 năm, thế mà Tốn Phong nhiều lần nói rõ là chỉ có "6 năm" :
Bài số 28 :
Từ lúc chia tay người mỗi ngả,
Tình khách cũng đã sáu năm tới nay.
Bài số 22 :
Cánh bèo gập nhau sáu năm về trước.
Tốn Phong nhớ nhầm hay... không biết làm tính ?

 

D - Mai Sơn Phủ


Trong Lưu Hương Ký ít nhất  cũng có tới ba bài Xuân Hương viết về Mai Sơn Phủ nhưng không có thơ của Mai Sơn Phủ nên ta chỉ có thể căn cứ vào thơ của Xuân Hương để phỏng đoán.
Chắc Mai Sơn Phủ cũng cùng quê với nữ sĩ vì trong bài "Thuật ý kiêm trình hữu nhân Mai Sơn Phủ" (= Kể ý mình và trình bạn là Mai xuân Phủ) có câu :
Giấc mộng tình quê thấy tịch liêu
Trong bài "Họa Sơn Phủ chi tác", ta thấy tình của Xuân Hương rất thiết tha :
Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.
Song Sơn Phủ dường như lại hững hờ nên Xuân Hương nhắc nhở :
Nhớ nhung đừng lỡ hẹn sai kỳ
(...) Hai ta đều muộn nói mà chi ?
và "khuyến khích" :
Hãy nên trao gửi mối duyên đi,
Lòng son ai nỡ phụ giai kỳ ?
Xem ra, với Mai Sơn Phủ, cũng vẫn chỉ là "giấc mộng tình quê" mà thôi.

o O o

Vì không được đọc những bài thơ liên quan đến Thanh Liên, Chí Hiên, Thạch Đình v.v... nên tôi chỉ có thể bàn về tình duyên của tác giả Lưu Hương Ký qua Nguyễn Hầu, Trần Hầu, Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ. Tuy với ai Xuân Hương cũng tỏ ra khng khít nhưng đối phương, nếu có thơ xướng họa, chỉ thấy mập mờ nói đến "mộng".
Hơn nữa, khó có thể tin rằng một người phụ nữ "nghiêm chỉnh", "biết dừng lại trên lễ nghĩa" (như Tốn Phong viết trong bài "Tựa") lại có thể cùng một thời gian "thành thật gắn bó" với ít ra là hai, ba người : Ông Hoàng Xuân Hãn cho là khoảng 1813/4, Xuân Hương nối lại tình xưa sau bẩy năm xa cách với Tốn Phong khi ông này quay lại Thăng-long. Cũng trong thời gian ấy, Xuân Hương viết bài "Cảm cựu..." bầy tỏ "muôn nghìn nỗi nhớ nhung" với Nguyễn Hầu và trách người tình để mình "năm canh chiếc bóng chong". Đấy là chưa kể ông Hoàng Xuân Hãn còn cho là lúc ấy Trần Phúc Hiển vừa được thăng chức Tham hiệp Yên-quảng, trên đường đi nhậm chức, dong thuyền qua Thăng-long có ghé thăm và hứa hẹn sẽ cưới Xuân Hương (37).
Điều khó hiểu là Xuân Hương không những gắn bó với mấy người cùng một lúc mà còn không ngại ngùng đem những bài thơ bộc lộ tình yêu khăng khít của mình với những người khác cho Tốn Phong đọc và nhờ viết cả bài "Tựa" mà không sợ Tốn Phong ghen. Thói thường, người ta dẫu có "ăn vụng" thì cũng tìm cách "giấu giếm". Cho nên tôi nghĩ rất có thể Xuân Hương chỉ coi những "mối tình" này là cái cớ để làm "văn chơi", hơi cường điệu một chút, chứ sự thật không có tình ý gì cả. Bởi không có tình ý nên mới không ngại ngùng đưa cho Tốn Phong đọc, biết rằng Tốn Phong sẽ hiểu. Quả nhiên ta thấy Tốn Phong viết trong bài "Tựa" :
"Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc, lạ lùng (vì bất ngờ khám phá ra Xuân Hương còn thắm thiết với nhiều người khác ngoài mình ra) rồi dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái (vì đã hiểu đây chỉ là "văn chơi", không phải sự thực) trở nên vui thú, khoái trá (bây giờ Tốn Phong mới thực sự thưởng thức văn tài của Xuân Hương)".
Nếu không thế thì vì sao thoạt mới đọc Lưu Hương Ký Tốn Phong lại "hết sức kinh ngạc, lạ lùng" ? Không thể nói "kinh ngạc" vì thấy thơ Xuân Hương quá hay, Tốn Phong đã xướng họa nhiều lần với Xuân Hương còn lạ gì tài của vị "thần thơ" này ? Rồi tại sao lại "dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái", cái gì đã khiến lòng Tốn Phong "không thư thái" trước đó ?
Mới đọc thoáng, tưởng như tình duyên của tác giả Lưu Hương Ký cũng trắc trở như tình duyên của tác giả Thơ truyền tụng, nhưng xét kỹ thì có lẽ không phải, "duyên" trong Lưu Hương Ký chỉ là thứ "duyên bút mực" còn "tình duyên" thực thì lại không thấy Xuân Hương viết rõ, chỉ có thể đoán qua Tốn Phong, bài số 18 :
Nhà Nguyệt bây giờ vui bạn phượng
chứng tỏ khi Tốn Phong quay lại thì dường như Xuân Hương đã kết duyên với người khác, mà lại là người xứng ý nên mới "vui bạn phượng".
Chuyện Xuân Hương xuất giá có thể là chuyện thực vì Trần Hầu cũng viết :
Mừng cho nàng có phận gửi thân nơi quyền quý (38).


Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán, vấn đề Hồ Xuân Hương và Lưu Hương Ký còn dành cho ta nhiều nghi vấn...
Trong Thơ truyền tụng ta không thấy có bóng dáng Tốn Phong, Trần Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ v.v., và trong Lưu Hương Ký cũng không thấy bóng dáng của Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-tường hay Chiêu Hổ. Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như vậy ? Nếu cho là Xuân Hương về già tự ý loại bỏ những bài Thơ truyền tụng cho là nghịch ngợm làm lúc trẻ để đối đáp với những lời trêu ghẹo của con trai cho nên trong Lưu Hương Ký không có bóng dáng Tổng Cóc, Chiêu Hổ v.v. nhưng chẳng nhẽ dân gian cũng tự ý loại bỏ trong Thơ truyền tụng những bài có dính dáng đến Nguyễn Du, Trần Hầu, Tốn Phong... ? Loại ra vì lẽ gì ? Huống chi văn phong của Thơ truyền tụng và Lưu Hương Ký khác nhau rất xa, ai cũng nhận thấy.
Ta chỉ có thể đi đến kết luận là về mặt tình duyên, cũng như về văn phong, trong hiện tình chúng ta chưa có cứ liệu chắc chắn  để xác quyết tác giả Lưu Hương Ký cũng chính là tác giả những bài thơ truyền tụng ai cũng biết.
 

Châtenay-Malabry, tháng 9, 1998
Thế Kỷ 21, số 115, 11/1998
Sửa lại tháng 9, 2005
 

 

CHÚ  THÍCH

1 - Tùng Thiện Vương Miên Thẩm là em vua Thiệu-Trị, nổi tiếng văn tài cùng với Tuy Lý Vương Miên Trinh.
      "Long Biên" ám chỉ Thăng-long.
      "Trúc chi từ" là một loại thơ gồm nhiều đoạn ngắn ví như những khúc cây trúc.
2 - Phần thơ chữ Hán của Tùng Thiện Vương trích theo Trần Thanh Mại, Nghiên cứu Văn học, số 3/1963. Tôi chiết trung nhiều bản dịch cốt giữ nguyên ý của tác giả.
3 - Thơ và Đời, tr. 2, 218-39.
4 - Ngô Lãng Vân, tr. 34-5.
5 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 178.
6 - Quốc sử di biên, tr. 281.
7 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 180.
8 -  Hoàng Xuân Hãn, tr. 196-7, 268-70.
9 -  Đào Thái Tôn, tr. 98.
10 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 268. Lê Dư viết rằng Xuân Hương chết sau người chồng cuối cùng vài năm.
11 - Bùi Hạnh Cẩn, tr. 10.
12 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 278_9.
13 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 288.
14 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 291.
15 - Ngược Đường Trường Thi, tr. 104.
16 - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 118.
17 - Đại Nam Thực Lục, X, tr. 161.
18 - Vũ Trung Tùy Bút, tr. 5 - Liệt Truyện, I I I, tr. 474-5- Bài của Tảo Trang - Tự vị Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ.
19 - Đào Thái Tôn, tr. 117.
20 - Đào Thái Tôn, tr. 50.
21 - Ai cũng biết Nguyễn Du đỗ Tam trường, nhưng không ai biết đích xác Nguyễn Du đỗ thi Hương hay thi Hội, thi ở Thăng-long hay Sơn-nam, đỗ năm 17,18 hay19 tuổi. Gia phả họ Nguyễn ở Tiên-điền tuy chép là Nguyễn Du đỗ Tam trường thi Hương nhưng cần phải kiểm tra lại (cũng như chép Nguyễn Du đón đường vua Gia-Long để xin ra làm quan mà Đại Nam Thực Lục lại chép Nguyễn Du bất đắc dĩ phải ra tham chính với nhà Nguyễn nên thường giữ im lặng, không bàn tâu gì, nên bị vua quở).
           Theo tôi, thi Hương bắt buộc phải thi ở quê hương mình, mà quê Nguyễn Du là Nghệ-Tĩnh, còn Thăng-long chỉ là nơi Nguyễn Du sinh trưởng nên nếu là thi Hương thì Nguyễn Du bắt buộc phải về quê thi, như người cháu năm đời là Nguyễn Mai đã đỗ Cử nhân khoa 1900 ở Nghệ, chứ không có lý do gì để thi ở Sơn-nam (như gia phả chép) là quê vợ, trừ phi Nguyễn Du khai gian. Nguyễn Du cũng không được phép xin phụ thí ở Thăng-long, vì trường hợp này chỉ dành cho những người có cha đang trị nhậm ở Thăng-long, xa quê hương, phần Nguyễn Du, mồ côi cha từ năm 10 tuổi ai cũng biết, tất nhiên không được hưởng ngoại lệ này.
            Căn cứ vào những tiểu sử Nguyễn Du mà tôi được đọc thì sau khi mồ côi cha, Nguyễn Du về ở với anh là Nguyễn Khản, học anh vài năm rồi về quê học Tiến-sĩ Nguyễn Hành (không phải Nguyễn Hành cháu Nguyễn Du) ít lâu sau trở lại Thăng-long và thi đỗ Tam trường. Nhiều người (như ông Hoàng Xuân Hãn) khẳng định là Nguyễn Du đỗ Sinh-đồ (có người còn biên là "đỗ Tú-tài" mà quên rằng thời nhà Lê chưa ai dùng danh từ "Tú-tài", phải đợi vua Minh-Mệnh nhà Nguyễn mới cải danh từ "Sinh đồ" ra "Tú tài") có nghĩa là đỗ Tam trường thi Hương, chắc cho là Nguyễn Du chân trắng tất phải bắt đầu bằng thi Hương. Thực ra Nguyễn Du vì có cha làm quan to nên được hưởng lệ tập ấm, miễn thi Hương, chỉ cần đỗ một kỳ khảo hạch là được thi Hội. Điều này được ông Lê Xuân Giáo, từng đàm luận về Nguyễn Du với Cụ Nghè Mai, xác nhận và còn thêm Nguyễn Du đỗ Tam trường "có phân số" (tức là tuy không đỗ thi Hội nhưng bài làm không quá dở). Theo Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí, thì Thăng-long chỉ tổ chức thi Hội vào những năm :
           1781  khi Nguyễn Du được 17 tuổi ta ;
           1785  khi Nguyễn Du 21 tuổi và đã dời kinh thành lên Thái-nguyên.
Còn năm 1783, Nguyễn Du được 18 tuổi tây, 19 tuổi ta, thì không có khoa thi Hội nào cả.
            Cho nên tôi kết luận rằng Nguyễn Du chỉ có thể trở lại Thăng-long để thi Hội vào năm 1781, 17 tuổi ta.
22 - Hồ Tuấn Niệm, "Bàn lại đôi điểm...", Văn Học, số 1.
23 - Hoàng Xuân Hãn, tr. 268, 249.
24 - Theo Hoàng Xuân Hãn, tr. 245, thì Trần Thanh Mại dịch là "sương đeo mái", Hồ Tuấn Niệm sửa là "sương treo mái" cho gần với cách phát âm hơn, nhưng lại không có nghĩa, Hoàng Xuân Hãn sửa lại là "sương siu mấy" (sương siu = bịn rịn) rồi  Nguyễn Quảng Tuân, trong Kỷ Yếu Hội Nghiên CứuVăn Học, 1998, tr. 185-92, không đồng ý, cho là "sương gieo mãi" mới đúng.
25 - Nguyễn Du Toàn Tập, tr. 192-5.
 

26 - Đào Thái Tôn, tr. 143. "Châu ta" = châu Hoan (Nghệ-an + Hà-tĩnh).
27 -    "       "      "  , tr. 138.
28 -    "       "      "  , tr. 144.
29 -    "       "      "  , tr. 143.
30 -    "       "      "  , tr. 197.
31 -    "       "      "  , tr. 194.
32 -    "       "      "  , tr. 199.
33 -     "      "      "  , tr. 194.
34 - H.X. Hãn, tr. 274 - Thực Lục, IV, tr.190, 350.
35 -   "     "    , tr. 261 -     "     "  , III, tr. 317.
36 - Đ.T. Tôn, tr. 137-9.
37 - H.X. Hãn, tr. 240.
38 - Đ.T. Tôn, tr. 194.
 
 

SÁCH  THAM  KHẢO

BÙI HẠNH CẨN, Hồ Xuân Hương - Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giai thoại. Hà-nội : Văn Hóa Thông Tin, 1995.
CAO XUÂN dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục. Nhà xuất bản TP HCM, 1993. Bản dịch của Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn thị Lâm.
DƯƠNG thượng NGÃ, "Hồ Xuân Hương", Làng Văn, bốn số, 1997.
Đ?O THÁI TÔN, Thơ Hồ Xuân Hương - Từ cội nguồn vào thế tục. Hà-nội : Giáo dục, 1993 ; tái bản năm 1995.
HOA B?NG, Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng. Saigon : Bốn Phương, 1950.
   "         "      (Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm), Quốc văn thời Tây Sơn. Saigon : Vĩnh Bảo, 1950.
HO?NG XUÂN, LỮ HUY NGUYÊN, Hồ Xuân Hương - Thơ và Đời. Hà-nội : Văn Học, 1995.
HO?NG XUÂN HÃN, Hồ Xuân Hương - Thiên Tinh Sử, Hà-nội : Văn Học, 1995.
Bản này so với bản chính in trong TS Khoa Học Xã Hội, Paris (số 12, 1/1986) có nhiều chi tiết sai nhưng riêng đối với bài "Rút nhầm tơ duyên..." thì những sai lầm đó không có ảnh hưởng gì.
H- TUẤN NIỆM, "Bàn góp về nguồn gốc giai cấp của Hồ Xuân Hương", Nghiên cứu Văn Sử Địa, số 25, 2/1975.
    "       "          "       "Bàn lại đôi điểm về Tiểu sử Hồ Xuân Hương",Văn Học, số 1, 1/2-1972.
    "       "          "       "Chung quanh vấn đề Tiểu sử của Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Lịch Sử, số 152, 9&10 / 1973.
LÊ TRÍ VIỄN chủ biên, LÊ XUÂN LÍT, NGUYỄN ĐỨC QUYỀN, Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương. Sở Giáo-dục Nghĩa-bình, 1987.
LÊ XUÂN GIÁO, "Thân thế, Sự nghiệp và Tâm tình của Nguyễn Du tiên sinh",Tập sanVăn Hiến - Tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Hoa-kỳ, Los Angeles, 1978 ?
MAI QU-C LIÊN, NGUYỄN QUẢNG TUÂN, NGÔ LINH ngọc, LÊ THU YẾN, Nguyễn Du Toàn Tập - Thơ chữ Hán. Hà-nội : Văn Học, 1996.
NGÔ LÃNG VÂN, Hồ Xuân Hương Toàn Tập. Saigon : Sống Mới, 1971 ; tái bản ở Mỹ, không đề năm.
NGÔ TH?I CHÍ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Bản dịch của Ngô Tất Tố. Saigon : Phong trào Văn hóa tái bản năm 1969 ; tái bản ở Mỹ.
NGUYỄN lộc, Thơ Hồ Xuân Hương. Hà-nội : Văn Học, 1982.
NGUYỄN HỮU NH?N, "Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc (Phóng sự điền dã)", Hồ Xuân Hương - Thơ và Đời, tr. 218-39.
NGUYỄN TRIỆU LUẬT, Ngược Đường Trường Thi. Hà-nội : Tân Dân, 1939 ; Saigon : Bốn Phương tái bản năm 1957 ; tái bản ở Mỹ.
PHẠM ĐÌNH HỔ, Vũ Trung Tùy Bút. Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Paris : Đông Nam Á tái bản.
PHAN HUY CHÚ, Lịch Triều Hiến Chương - Khoa Mục Chí. Hà-nội : Sử Học, 1961. Tổ Biên dịch, Viện Sử học Việt-Nam.
PHAN THÚC TRỰC, Quốc Sử Di Biên, tập Thượng. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hóa, 1973. Bản dịch của Lê Xuân Giáo.
PHƯƠNG TRI, "Tài liệu về Hồ Xuân Hương trên đất Nam hà", Tạp chí Văn Học, số 3, 1974.
TẢO TRANG, "Chiêu Hổ và Phạm Đình Hổ", TS Nghiên Cứu Văn Học, số 3, 1962.
        Đào Thái Tôn in lại trong Thơ Hồ Xuân Hương..., tr. 255-64.
TRẦN BÍCH SAN, "Xuân đường đàm thoại", 1869. Trần Tường phát hiện và công bố trên Tạp chí Văn Học, số 3, 1974, dưới nhan đề "Một số tư liệu mới tìm thấy về Hồ Xuân Hương".
TRẦN THANH MẠI, "Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán ?", Nghiên Cứu Văn Học, số 3/1963.
     "           "            "     "Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 4/1964.
     "           "            "      "Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương", Nghiên Cứu Văn Học, số 10/1964.
     "           "            "      "Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó", Nghiên Cứu Văn Học, số 11/1964.

 

Châtenay-Malabry, tháng 9, 1998
Thế Kỷ 21, số 115, 11/1998
Sửa lại tháng 9, 2005

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.net  Nguyễn Thị Chân Quỳnh