Lênh đênh chữ nghĩa truyện Kiều

Vietsciences-Mai Quốc Liên         29/03/2008

 

Những bài cùng tác giả

Nhà thơ Huy Cận có lần đã nói với tôi: Nguyễn Du có con dấu, gọi là dấu “Phỉ thành”. Dấu khắc hai chữ “Phỉ thành” bằng lối chữ triện, khi nào đọc sách, thấy câu hay, thì ấn dấu. “Phỉ thành” là nói tắt 4 chữ “phỉ nhiên thành chương”, chữ Luận ngữ của Khổng Tử, nghĩa là văn chương rực rỡ tươi đẹp. Cái dấu đó tìm được sau hoà bình (1954), nay không biết có còn, và ở đâu.

Cụ Nguyễn Du, theo truyền thống của thầy thơ Đỗ Phủ (712-770): “sách đọc vỡ muôn quyển - hạ bút như có thần” và đã viết nên những câu “thiên thu tuyệt diệu”. Giờ đến lượt người sau đi tìm dấu vết văn chương của cụ. Nhưng giữa chúng ta và cụ đã xa cách thời gian, lại xa cách hai nền văn hoá, nên nhiều lúc một chữ thôi mà tranh biện mãi chưa thôi.

*  *

*

Câu hỏi mà bạn đọc yêu văn hoá có thể đặt ra là: sau gần 200 năm từ ngày Nguyễn Du mất (1820), đã có bao nhiêu sách vở viết về Kiều, đến nay tình hình đến đâu rồi? Chưa nói đến những luận văn nghiên cứu Nguyễn Du, nghiên cứu Truyện Kiều về nhiều mặt, từ nội dung đến hình thức; chỉ riêng về mặt văn bản thôi, có cái gì đáng nói?

Trả lời câu hỏi này thật khó. Cho đến gần đây, chúng ta đã tìm, đã công bố hàng loạt bản Kiều nôm cổ, trong đó đáng chú ý là các bản Kiều nôm 1866*(bản Nghệ Tĩnh, bản sớm nhất), bản 1870* (bản chép tay rất đẹp của Hoàng Giáp Nguyễn Hữu Lập, hiệu Noạ Phu); bản này lưu lạc sang tận Hoa Kỳ rồi mới “châu về Hợp phố”; bản 1871[*] chỉ ở Thư viện trường Sinh ngữ Đông phương Paris có lưu, nay cũng đã công bố; bản 1872, bản Duy Minh Thị ở Gia Định, in ở Quảng Đông Trung Quốc là một bản in sai rất nhiều (vì chắc thợ Trung Quốc không rành chữ Nôm!) nhưng rất quý vì nó cho ta nhiều chữ nhiều câu cổ… Rồi thì các bản Nôm đã vang danh, như bản Kiều Oánh Mậu, bản mà nhiều bản phiên quốc ngữ đã dùng. Còn bản quốc ngữ thì kể không xiết!

Cái đáng mừng, là theo thống kê, thì giữa 9 bản Nôm cổ thế kỷ XIX, tuy khác nhau có đến hàng ngàn chữ, nhưng sự khác nhau đó không làm mờ, làm “khó” cho bản Kiều hiện đang dùng. Đó là những chữ khác biệt không làm thay đổi diện mạo, bản chất Truyện Kiều. Nó chỉ khác nhau về phong cách, về quan niệm; nhiều khi chữ nào cũng hay, cũng có thể đúng là văn một đại thi hào! Cho nên nghiên cứu, tranh luận thì vẫn cứ phải làm, nhưng cho đến nay, đưa ra được một bản Kiều mới làm mờ đi, khác đi với bản Kiều hiện dùng là rất khó. Vì vấp phải “thói quen” đã được chấp nhận một phần, nhưng chủ yếu là sự khảo sát, biện giải chưa lấy gì làm thuyết phục. Cái chính là các bản tuy gọi là cổ, cổ nhất, nhưng nó cũng chỉ là bản chép lại. Bản thảo, bản “thủ bút” của Nguyễn Du không có hi vọng gì tìm thấy nữa. Mỗi người, tuỳ ý thích, tùy cách thưởng thức, biện giải mà đưa ra chữ này chữ kia, nhưng rồi chưa thấy ai thuyết phục được ai, đôi khi còn “cãi nhau như mổ bò”! Và đôi khi, nó không còn là việc tranh luận để “khích dương cao nhã” nữa, thật đáng tiếc!

*

*  *

Tôi xin kể hầu bạn đọc vài chữ Truyện Kiều, theo hiểu biết của tôi.

Cụ Cao Xuân Huy, thầy tôi, nói:

Trăm năm trong cõi người ta mà chú trăm năm bách niên là không hiểu đúng chữ Truyện Kiều. Vì sao? Vì sau trăm năm có chữ “cõi người ta”. “Cõi người ta” sao lại chỉ “trăm năm”? Vậy nên ý câu trên phải hiểu trăm năm xưa nay: “Xưa nay trong cõi người ta”

Cụ còn nói, Câu: Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình thì không phải gây gây ra, hương gây ra mùi nhớ (!?), mà hương gây gây mùi nhớ.

Cụ Thạch Can, một vị lão thành Nho học (nay đã mất) có lần bảo tôi; câu:

Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn lẽ ra phải là thắm khăn. Nhiều bản chép thấm, nhưng cũng có bản chép là thắm. Vì sao thắm? Trong câu thơ, Nguyễn Du chuyên dùng tiểu đối: vậy bên này màu trắng, thì bên kia phải đối lại một màu, ở đây là màu đỏ (thắm).

“Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao”, Kiều khóc rỏ huyết, lệ lẫn máu, làm thắm đỏ cả khăn, thì mới hay. Chữ Nôm có cái hay hơn quốc ngữ là nó có phần “hội ý”, nên đã thắm thì có chữ xích (đỏ) đứng bên, khác hẳn chữ thấm.

Một chữ bình thường như chữ đã, “Những điều trông thấy, đã đau đớn lòng”. Tuyệt đại đa số bản Nôm cổ chép thế, thì có thể cho rằng bản gốc Nguyễn Du cũng chép thế chăng? Chỉ có hai bản 1870 và VNB - 60 - là chép “”. Nhưng ba âm đ, âm nặng đục đi với nhau liên tiếp, vả lại: tiếng Việt ít khi nói “đã đau đớn” vì nói thế, tức là giờ đây không còn đau đớn nữa, đau đớn đã thành thời quá khứ. Còn hàm một ý chuyển chiết, một nghịch đối nhẹ nhàng, một tiếng than, một âm có cường độ nhẹ, nghe hay hơn.

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang (1) hay Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang (2). Kể ra đọc theo (2) thì “bình dân” hơn, mà cũng sát với tính cách Thuý Vân (mắn đẻ chẳng hạn: “Thừa gia chẳng hết này Vân”). Nhưng thẩm mỹ Nguyễn Du thiên về “quý tộc”, “trang trọng”, nhiều ẩn dụ Hoa ngữ, sách vở.., vậy thì phải chọn “Khuôn trăng … nét ngài”.

Một danh gia (đã mất) mấy năm trước đưa ra một “thoại”: Mày râu nhẵn trụi áo quần bảnh bao. Cụ cho rằng chữ Nôm đội có thể đọc thành trụi, và chữ trụi có gốc Nghệ, nó làm nên cái tính cách “nam vô tu”, “vô nghì”. Cái khó là tiểu đối, vế kia bảnh bao, về âm vận hai âm b đi với nhau (từ lấp láy), sao bên kia lại nhẵn trụi, nh –tr?. Phải là nhẵn nhụi (nh-nh) mới đối. Mà luật đọc lấp láy là âm đầu (nh) chi phối âm sau (luật đồng âm), dù nó có viết thế nào, âm sau cũng phải thành nh. Nhẵn nhụi còn có cái hay về tính cách: Mã Giám Sinh trau chuốt, “giả trang” đi mua người, buôn người, lừa người! Chứ nếu bản thân anh ta trụi râu, thì đó là trời sinh, đâu phải lỗi anh ta.

Trong chuyện phiên âm Kiều, nhiều chuyên gia lão luyện, bậc thầy, đôi lúc cũng có những cái sai… tức cười!. Câu “Thang Lan rủ bức trướng hồng tắm hoa”. Cho chính tả, chữ thang nước nóng, được viết thành than, và Kiều “Than hương nưng nức trướng hồng rạch hoa” và hiểu: “Cô Kiều bỏ than hương xông, ngồi mà thêu”. Trong khi đúng ra là cô Kiều “tắm bằng nước nóng có mùi thơm sau một bức màn hồng”.

Nhiều người cứ thích đi tìm những tiếng cổ, cho lạ, cho uyên áo. Dĩ nhiên, cách ta 200 năm, Truyện Kiều phải dùng những tiếng cổ, nhiều tiếng cổ nay đã chết, rất khó hiểu. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy.

Sông Tương một giải nông sờ

Lâu nay ta đọc như vậy, nhưng thực ra sông Tương cũng rộng lắm, chẳng nông sờ đâu. Nhưng thơ mà, thơ văn đâu phải lúc nào cũng lệ thuộc máy móc vào hiện thực. Hai anh chị ở hai đầu sông Tương nông sờ, có thể lội qua, mà vô cùng xa cách, mà phải chia ly! Chứ còn đọc:

Sông Tương một giải nung sừ, rồi tra Từ điển, thấy nung sừ là một tiếng cổ, nghĩa là mênh mông, thì có thể cũng thuận nghĩa, nhưng vần điệu yếu, khuôn vần không khớp như thường thấy ở Nguyễn Du, mà nghĩa chắc gì đã hay hơn nông sờ. Còn một ngàn chữ nữa phải bàn, nhưng tôi chỉ xin đưa ra một chữ cuối cùng, “mua vui” bạn đọc:

Sách Giáo Khoa văn học gần đây đưa ra câu: Giờ lâu ngã giá, vâng ngoài bốn trăm. Vâng, đúng là có nhiều bản Nôm cổ chép là vâng, chữ khẩu đi bên cạnh chữ bang, đọc là vâng. Còn vàng thì viết chữ hoàng, kim bên cạnh. Lâu nay ta đọc theo cách đọc: Giờ lâu ngã giá, vàng ngoài bốn trăm. Bốn trăm lạng vàng cho một cuộc bán mình cứu cha của Kiều. Anh bạn tôi, người phụ trách sách giáo khoa, bằng nhiều lý lẽ, cho vâng là đúng, là hay; kể cả đối chiếu với Thanh Tâm tài nhân và biết rằng thời ấy người ta dùng bạc để trả giá, không dùng vàng. Vâng, đồng ý với giá bốn trăm lạng bạc. Nhưng nghĩ lại, có điều lấn cấn: cụ Tiên Điền viết văn Kiều cho người Nam đọc, theo cái cách nghĩ, cái tâm thức Việt: quý như vàng. Nàng Kiều tuyệt sắc của ta phải bán bốn trăm lạng vàng, mới là Kiều – còn 400 lạng bạc thì hơi yếu, nó có làm “giảm giá” Kiều đi đấy. Vả lại, về âm vận, vàng là một âm trầm, bình thanh đi sau một âm bổng, khứ thanh (giá) sẽ tốt hơn vâng, một âm bổng, bình thanh (giọng ngang). Nhưng nhất là vâng, nói như một GS cũng soạn sách giáo khoa, nó thụ động quá!

Câu chữ Truyện Kiều còn là một đề tài bất tận, và khó. Nó phải được đặt trên bình diện liên ngành, toàn diện, phối hợp nghiên cứu khoa học và thưởng thức nghệ thuật, tinh vi, tinh diệu; chứ nếu cứ tra chữ, đoán định, phiến diện… thì rồi cũng chẳng đi tới đâu, dù có tìm ra thêm được nhiều bản Nôm cổ và viết hàng quyển sách dày.

 

[*] Cả ba bản này đều do Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, chú giải và do Trung tâm nghiên cứu Quốc Học, Nxb Văn Học ấn hành.

Đã đăng trên “Người Lao Động chủ nhật”

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Mai Quốc Liên