Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy

Vietsciences-  Nguyễn Cẩm Xuyên    03/10/2013

 

 

6 bài viết về TRUYỆN KIỀU

  Bài 1

Sau khi đọc và đem khắc ván in Kim Vân Kiều tân truyện ở phố Hàng Gai-Hà Nội, Phạm Quý Thích - bạn của Nguyễn Du - có viết bài  “Thính Đoạn Trường Tân Thanh hữu cảm” (1). Bài thơ có hai câu cuối :

“…Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương”

Tạm dịch nghĩa:

…Một phiến tài tình vương vấn cả ngàn năm
Xét cho cùng thì truyện Tân Thanh đã vì ai mà thương cảm?

Truyện Tân Thanh đây là Truyện Kiều. Phạm Quý Thích nhân đọc truyện Nôm này mà nêu câu hỏi: “Nguyễn Du viết Kiều là để cảm thương cho ai?”

Hiển nhiên Nguyễn Du viết Kiều là để xót thương một tuyệt thế giai nhân tài hoa mệnh bạc. Điều này rất rõ nên Phạm Quý thích nêu câu hỏi chẳng qua chỉ để gợi – gợi cho người ta nghĩ về nỗi lòng sâu kín của Nguyễn Du: thương cho người là để tủi cho mình.

 

Kim Vân Kiều quảng tập truyện; Liễu Văn Đường tàng bản; Khải Định năm thứ 9 (1924)

Đầu truyện có khắc bài thơ của Phạm Quý Thích (Lương Đường Phạm tiên sinh soạn thi nhất thủ)

(Trích từ Bộ sưu tập số hóa  tại Thư viện Quốc gia Việt Nam)

 

NỖI LÒNG NGUYỄN DU – BI KỊCH CỦA MỘT NHÀ NHO KHÍ TIẾT

Đồng thanh tương ứng. Phạm Quý Thích và Nguyễn Du, cả hai cùng đỗ đạt và làm quan đời Lê mạt. Tây Sơn kéo quân ra Bắc diệt Trịnh, nhà Lê cũng tiêu vong. Phạm Quý Thích bỏ trốn, không cộng tác cùng triều đình mới, còn Nguyễn Du thì cương quyết hơn, muốn sang Tàu phù Lê, chống Tây Sơn. Việc không thành, lại vào Nam định theo Chúa Nguyễn, bị Tây Sơn bắt giam 3 tháng. Sau khi được thả là bắt đầu quãng đời “mười năm gió bụi” : khi ở nhờ nhà vợ ở Thái Bình, khi quay về quê dưới chân núi Hồng… Rồi thời thế đổi thay; Tây Sơn sớm suy tàn. 1802, Nguyễn Ánh nhất thống sơn hà. Nguyễn Du được đặc cách bổ nhiệm làm tri huyện Phù Dung, ít lâu sau thăng Tri phủ; 3 năm sau lại thăng Đông Các Đại Học Sĩ (Chức danh dành cho hàng Tiến sĩ, trong khi Nguyễn Du chỉ mới đỗ Tam trường, tức Tú tài) tước Du Đức Hầu; sau lại thăng Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ. Sau khi đi sứ Trung Hoa về, lại được được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri. Chức vị cao nhưng luôn nghèo túng, bệnh tật, chỉ muốn từ quan mà về quê.

Bước công danh của Nguyễn Du hanh thông, song ông chẳng mấy khi vui, thường u uất, sầu muộn. Đại Nam Chính biên Liệt truyện có kể việc ông thường bị quan trên đè nén, hay buồn rầu; mỗi khi vào chầu trong triều thường sợ sệt, không dám nói năng gì. Có lần vua đã quở trách:

“Triều đình dùng người, cứ kẻ hiền tài là dùng, chứ không phân biệt Nam Bắc. Ngươi […] đã được ơn tri ngộ làm quan đến bực á khanh, biết việc gì thì phải nói để hết chức trách của mình, sao lại cứ rụt rè sợ hãi, chỉ dạ dạ vâng vâng cho qua chuyện thôi!”.

NỖI U UẤT CỦA NGUYỄN DU CÓ XUẤT PHÁT TỪ

MẶC CẢM CỦA MỘT HÀNG THẦN KHÔNG ?

Một số nhà nghiên cứu Truyện Kiều ở thế kỉ XX, đầu tiên là Trần Trọng Kim, về sau nữa là Thạch Trung Giả, Phạm Thế Ngũ… thường hay nêu mặc cảm của Nguyễn Du: mặc cảm của một hàng thần  xuất phát từ ý thức trung thần bất sự nhị quân. Ý thức này cùng niềm hoài vọng nhà Lê tạo nên sự phản kháng bộc lộ qua thơ. Họ thường nêu ví dụ: Từ Hải chỉ là một tên giặc cỏ bình thường trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, vậy mà Nguyễn Du đã tôn lên thành anh hùng cái thế, sức mạnh nghiêng  đổ cả triều đình…, hoặc đưa ví dụ về suy nghĩ của Từ Hải trước lời đề nghị quy hàng của Thúy Kiều:

"…Một tay gây dựng cơ đồ,

Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành.

Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?

Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,

Vào luồn ra cúi, công hầu mà chi! “

và cho đây chính là lời tâm sự của Nguyễn Du khi đang làm quan nhà Nguyễn…Lập luận này thoạt đầu nghe hữu lí nhưng xét kĩ thì không đúng bởi mấy lí do sau:

Thứ nhất: Trước đây, vì chỉ căn cứ vào Đại Nam chính biên liệt truyện, đoạn nói về Nguyễn Du: “Du trường ư thi, vưu thiện quốc âm, Thanh sứ hoàn, dĩ Bắc Hành thi tập cập Thúy Kiều truyện hành thế” (Du giỏi thơ lại rành chữ Nôm; đi sứ nhà Thanh về, Bắc Hành thi tập truyện Thúy Kiều được ra đời) mà các nhà nghiên cứu cho là Truyện Kiều được viết sau khi Nguyễn Du đi sứ về tức là khoảng từ 1813 đến 1820 và từ đó suy đoán ra là Truyện Kiều bộc lộ mặc cảm hàng thần.

Gần đây, khi khảo sát các bản Kiều Nôm cổ và căn cứ vào luật kị húy, người ta khẳng định được là Truyện Kiều không thể viết vào đời Gia Long. Nói về luật kị húy: nước ta bắt đầu có luật này từ đời Lê, đến đời Gia Long thì luật trở nên quan trọng và phức tạp: ngoài tên riêng nguyên tổ và tên vua thì tên của cha, mẹ, vợ, con, anh, em và có khi đến ông nội, bà nội… vua cũng được kiêng, thậm chí còn buộc kiêng cả tên con dâu là Hồ Thị Hoa (vợ Thái tử Đảm, về sau là vua  Minh Mạng) mất sớm lúc mới 17 tuổi, khiến chợ Đông Hoa phải đổi là chợ Đông Ba, cầu Hoa đổi là cầu Bông, Thanh Hoa đổi là Thanh Hóa; kiêng cả tên lăng Vĩnh Thanh (chôn vợ của chúa Nguyễn Phúc Chu) mà trấn Vĩnh Thanh đổi thành trấn Vĩnh Long

Điều 62, Luật Gia Long quy định khắt khe: “Kẻ nào trong bài tấu trình với vua mà dùng một tiếng trùng với tên vua hay tên một hoàng khảo sẽ bị phạt 80 côn. Nếu ở các giấy tờ khác mà mắc phải tội phạm húy ấy thì bị phạt 40 côn”. Vậy mà chẳng hạn: ở bản Kiều Nôm do Liễu Văn Đường khắc in năm Tự Đức thứ 24 (Dĩ nhiên là sao lại một bản viết tay từ trước) đã có câu 853: Tuồng chi là giống () hôi tanh, Câu 1310: Thang lan (蘭) rủ bức trướng hồng tắm hoa, Câu 2750: Cỏ lan (蘭) mặt đất rêu phong dấu giày… (2) là những câu có chữ phạm húy bởi vì chữ  “giống” trong câu thơ đã viết y nguyên chữ chủng , mà Chủng là tên vua Gia Long. Thời này, muốn viết chữ “giống” thì không được viết là mà phải viết là  (thay bộ hòa bên trái bằng chữ thái ) hoặc viết trại ra một chữ khác có cùng nghĩa. Chữ Lan là tên mẹ cả của vua Gia Long tức Huy Gia Từ Phi ; muốn viết chữ này cũng không được viết là mà phải viết là (hương) nếu không sẽ phạm trọng húy. Nguyễn Du mà phạm húy như thế, chắc chắn đã phải phạt đánh đòn 40 gậy rồi cách chức và đuổi về quê. Vì các lí do này ta  đoan chắc Truyện Kiều phải được viết trước đời Gia Long; chính xác là vào đời Tây Sơn. Mà viết vào đời Tây Sơn thì Nguyễn Du nào đã hàng ai đâu mà mang mặc cảm hàng thần?

Thứ hai: Là người kín đáo cẩn trọng - xem gương Nguyễn Văn Thành, một công thần bậc nhất từng bao nhiêu năm cùng Gia Long vào sinh ra tử vậy mà về sau chỉ vì con trai là Nguyễn Văn Thuyên có làm mấy câu thơ cao ngạo, phạm thượng mà Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc chết mặc dù đã hết lời van xin; Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử chém  -  Nguyễn Du không đời nào đang là tôi triều đình nhà Nguyễn mà lại dám viết Truyện Kiều với những câu đại nghịch ngôn như “… chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” .

Thứ ba: Cứ nói mãi chuyện Nguyễn Du với ý thức trung thần bất sự nhị quân là  không đúng - bởi một người tâm hồn phóng khoáng như Nguyễn Du thì khó mà bị trói vào tư tưởng ngu trung như thế. Đọc cả 3 tập thơ chữ Hán, kể cả Thanh Hiên thi tập được viết lúc còn trẻ sau khi nhà Lê mất, ta thấy chẳng có bài nào bộc lộ tâm sự hoài Lê, mà tất cả chỉ là nỗi lòng của một nhà thơ buồn, luôn suy nghĩ về kiếp người, suy nghĩ về những mảnh đời lây lất trong chốn hồng trần, than thở cho phận mình và luôn ước mơ được về quê sống an nhàn nơi thôn dã.

Căn cứ những lí lẽ trên, có thể khẳng định là Nguyễn Du u uất chẳng phải vì chất chứa mặc cảm hàng thần. Tư tưởng hoài Lê đã phai nhạt từ lâu trong lòng cựu thần nhà Lê, nhất là từ khi nhà Tây Sơn không còn. Gia Long thống nhất sơn hà; làm quan to triều Nguyễn thì Nguyễn Du chẳng còn hoài Lê làm gì nữa song vẫn đau, vẫn u uất. Nỗi đau trong tâm tư Nguyễn Du lúc này chẳng giống với nỗi đau lúc nhà Lê mới mất mà là nỗi đau về hoàn cảnh sống. Đại Nam Liệt Truyện có chép: "Nguyễn Du là người ngạo nghễ, tự phụ, song bề ngoài tỏ vẻ giữ gìn, cung kính, mỗi lần vào chầu vua thì ra dáng sợ sệt như không biết nói năng gì...''. Nguyễn Du nặng khí tiết người quân tử, như cây trúc gióng thẳng(3) , ông cảm thấy mình lạc lõng giữa đám triều thần nhà Nguyễn lúc bấy giờ. Thật vậy, các quan triều địa phương thường đố kị, trước hết vì ông là cựu thần nhà Lê…không đỗ đạt cao mà được vua tin dùng, ban cho chức tước vào hàng nhất phẩm triều đình… Trước thái độ ganh ghét tị hiềm, khí phách của nhà Nho khiến ông bất an. Tập thơ Nam trung tạp ngâm chứng rõ điều này, nhất là bài thơ cuối trong chuỗi 5 bài “Ngẫu hứng” : hình vóc Nguyễn Du hiện ra khá rõ nét là một khách tha hương, lạ lẫm với mọi người chung quanh, luôn muốn xa lánh, ẩn mình:

Ngẫu hứng ngũ thủ

Kì ngũ

Hữu nhất nhân yên lương khả ai

Phá y tàn lạp sắc như khôi

Tỵ nhân đãn mịch đạo bàng tẩu

Tri thị Thăng Long thành lý lai

Dịch thơ:

Gặp một người… sao thật đáng thương!

Nón xơ, áo rách, mặt thê lương,

Tránh người, lầm lũi ven đường bước.

Rõ khách Thăng Long lạ phố phường.

(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch).

Bài thơ kể người nhưng thực là để tả chính mình(4); nhân vật trong thơ chính là Nguyễn Du, khách tha hương nghèo túng, e dè, sợ sệt, từ đất Bắc vào chốn Thần kinh…

Cuộc đời buồn cứ dần trôi cho đến năm 1820, trong trận dịch tả kinh hoàng khởi phát từ Hà Tiên lan dần ra Bắc; đến Huế, Nguyễn Du là một trong các nạn nhân của trận đại dịch này, Đại Nam liệt truyện có kể lại chi tiết lúc ông sắp mất:  "…Đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì."

Cái chết đến, Nguyễn Du hình như thỏa nguyện; nó giúp ông chấm dứt một chuỗi dài bi kịch cuộc đời.

Cuộc đời, sự nghiệp văn chương Nguyễn Du là một phiến tài tình. Phiến tài tình ấy không chỉ làm bận lòng ta hôm nay mà còn khiến hậu thế ngàn năm sau còn nhỏ lụy.

---------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Phạm Quý Thích đỗ Tiến sĩ đời Lê mạt, được bổ Hiệu thảo Viện Hàn lâm kiêm chức Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc, làm quan giữ chức Thiêm Sai Tri Công Phiên. Nhà Lê mất, ông không cộng tác với Tây Sơn. Đời Gia Long, được bổ làm đốc học rồi Trung thư học sĩ, tước Thích An Hầu, trông coi việc chép sử ở triều đình; sau cáo bệnh, về quê dạy học. Nhân đọc truyện Kiều, Phạm Quý Thích  có bài thơ:

聽斷 腸 新 聲有感








THÍNH ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH  HỮU CẢM

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai Thuỷ Quốc
Băng tâm tự khả đối Kim Lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương

Tác giả tự dịch thơ:

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng còn tơ vướng chàng Kim Trọng
Vẻ ngọc chưa phai chốn thuỷ quan
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp
Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian.

(2) Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào ? – Nguyễn Khắc Bảo; tạp chí Ngôn ngữ & đời sống số 6 năm 2000.

(3) Có lẽ vì vậy mà chữ tiết (trong khí tiết, danh tiết…) thuộc bộ trúc. Tiết là đốt trúc, đốt tre.

(4) Đào Duy Anh chú: “Tả tình cảnh ngơ ngác, ngờ sợ của người ở miền Bắc, tôi cũ của nhà Lê, mới vào kinh đô Huế, ở giữa những người của nhà Nguyễn, không phải vai vế của mình, người này chính là Nguyễn Du”. Chúng tôi e không phải. Dù nghèo, Nguyễn Du chắc  không đén nỗi thế! Đây chắc là một người ở Thăng Long vào những năm đói, loạn ly, tìm đường vào Nam, tìm sinh kế mà Nguyễn Du bắt gặp trên đường… (Mai Quốc Liên, Nguyễn Quảng Tuân, Ngô Linh Ngọc, Lê Thu Yến - Nguyễn Du toàn tập, NXB Văn Học 1996, trang 216 ) 

 

 

BÀI 2 :

TỪ GHI CHÉP VỀ VƯƠNG THÚY KIỀU

TRONG MINH SỬ ĐẾN TRUYỆN KIỀU

CỦA NGUYỄN DU

 

Truyện Kiều của Nguyễn Du chiếm địa vị cao nhất trong văn học nước ta. Kiều không chỉ phổ biến rộng trong giới bình dân mà cả ở hàng trí thức, quí tộc, vua chúa… vẫn thích. Tương truyền vua Tự Đức mê đọc Kiều đến nỗi sách mòn đứt chỉ khâu, phải đóng gáy lại đến 3 lần.

Từ thực tế ấy, rõ ràng không có tác phẩm nào được chú ý nhiều đến vậy. Hơn thế nữa, truyện còn gây nên những tranh cãi kịch liệt xuất phát từ những quan điểm mâu thuẫn nhau. Khi mới được phổ biến, nhiều nhà Nho vẫn bài bác:

Đàn ông chớ kể Phan Trần

Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.

“kể” ở đây là đọc, là ngâm lên cho người khác cùng nghe, cùng thưởng thức. Tam tòng, tứ đức cứng nhắc của đạo Nho đã khiến người ta dị ứng với những chuyện tình vượt ra ngoài vòng lễ giáo âu cũng là điều dễ hiểu; ấy vậy mà Kiều vẫn có sức sống mạnh mẽ. Người ta không chỉ đọc mà còn đố Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều…; cứ thế trải qua hơn trăm năm, đến đầu thế kỉ XX thì nhóm tân học Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… khen ngợi Truyện Kiều đến tột cùng. Trên Nam Phong tạp chí, học giả Phạm Quỳnh đã từng viết: “… trước truyện Kiều không có sách gì hay bằng truyện Kiều, mà sau truyện Kiều cũng không có sách gì hay hơn truyện Kiều nữa…”. Ngày 8 tháng 12 năm 1924, trong lễ giỗ Nguyễn Du tại Hà Nội, Phạm Quỳnh - lúc này đang là chủ bút báo Nam Phong - trước hơn hai nghìn người đã hùng hồn tuyên bố “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Kể từ đó người tham gia tranh luận nhiều vô kể. Có người đồng ý, có kẻ nặng lời chỉ trích.

Truyện Kiều ở nước ta nổi tiếng là vậy mà nhân vật, cốt truyện lại là của sử sách Trung Hoa. Việc này cũng dễ hiểu bởi nước ta thâm nhập văn hóa Trung Hoa đã lâu đời. Các nhà Nho nước ta học chữ Hán, đọc sách Tàu thì thơ văn sáng tác chịu ảnh hưởng sách vở Trung Hoa là điều không tránh được. Nguyễn Du cũng không ở vào biệt lệ; vậy nhưng tuy mượn cốt truyện của Tàu mà các vật liệu khác tạo nên tác phẩm lại là thuần Việt: từ tính cách, ngôn ngữ nhân vật, các tình tiết truyện đến từng suy nghĩ, thái độ, cách ứng xử của các nhân vật…đều mang màu sắc đặc trưng của người Việt. Đọc Truyện Kiều: nhân vật trong truyện là những con người thuần Việt Nam không lẫn vào đâu được, khác xa tính cách nhân vật trong các truyện về Vương Thúy Kiều từ Minh cho đến Thanh của Trung Hoa.

 

TỪ MINH SỬ ĐẾN “VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN”

Vương Thúy Kiều là người thật ở đời Minh về sau trở thành nhân vật trung tâm của nhiều tiểu thuyết và một số vở kịch, tuồng như Tứ Thanh Viên của Từ Văn Trường(1) Hổ phách thỉ của Diệp Trĩ Phỉ, Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành... rồi trở thành nhân vật chính trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Mấy mươi năm trước, nói đến nguồn gốc Truyện Kiều, nhiều sách – kể cả một số sách giáo khoa trong nhà trường ở cả hai miền Nam Bắc – thường chỉ nhắc đến Kim Vân Kiều truyện  của Thanh Tâm tài nhân mà bỏ qua nhiều tác phẩm khác đời Minh đã viết về cuộc đời Vương Thúy Kiều.

Trước tiên, cần nói đến bộ sách Trù Hải Đồ Biên do quan Tổng đốc đời Minh là Hồ Tôn Hiến soạn gồm 13 quyển; ở quyển 9 có bài Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt (2) (ghi chép ngọn ngành việc đánh dẹp Từ Hải) kể lại chuyện quân Minh đánh nhau với quân Oa (3) vào năm Bính Thìn (1556) đời Gia Tĩnh. Lúc này Từ Hải, một tướng cướp biển, mang hơn 1 vạn quân từ sào huyệt ở Sạ Phố xuống Hàng Châu càn quét các vùng Tô Châu, Hồ Châu, uy hiếp Kim Lăng. Thế giặc mạnh, Hồ Tôn Hiến phải dùng mưu dụ hàng rồi trở ngược lại đánh bằng hỏa công. Từ Hải thua trận nhảy xuống sông. Quân Hồ Tôn Hiến bắt được 2 thị nữ, một người tên Vương Thuý Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Hai thị nữ khóc và chỉ chỗ Hải trầm mình; quân sĩ vớt Từ Hải lên chém lấy thủ cấp mang về…

 

《金云翘传》,又名《双奇梦》、《双合欢》。

“Kim Vân Kiều truyện”, hựu danh “Song kì mộng”,  “Song hợp hoan”

(Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc còn có tên là Song ki mộng, Song hợp hoan)

 

 

Về sau lại có thêm nhiều tác phẩm nữa kể chuyện Vương Thúy KiềuHồ Thiếu Bảo bình Oa chiến công của Chu Tiếp, Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài, Lý Thúy Kiều truyện của Đới Sĩ Lâm, Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân (4) Vương Thúy Kiều truyện  của Hồ Khoáng. Trong truyện, Từ Hải đã được miêu tả là một anh hùng bên cạnh phu nhân là Vương Thúy Kiều. Các  truyện càng về sau càng hư cấu thêm nhiều nhân vật, nhiều tình tiết, biến chuyện có thật của lịch sử thành tiểu thuyết kì tình; riêng truyện của Mộng Giác Đạo Nhân và Dư Hoài (5) đã là tiểu thuyết luận đề, tập trung vào chủ đề tư tưởng rất hợp khẩu vị của giới bình dân: người phụ nữ rất đỗi tầm thường trong xã hội mà lại trung nghĩa, khí tiết hơn hẳn các bậc trượng phu, hơn cả những đại nhân, quan lại như Hồ Tôn Hiến. Mở đầu truyện, mặc dù Mộng Giác Đạo Nhân đã nêu gương Muội Hỉ, Đát Kỉ, Bao Tự, Trương Lệ Hoa, Dương Quý Phi… làm “hoang khí chính sự, chí táng quốc gia” trước khi kể chuyện Vương Thúy Kiều nhưng tựu trung lại tô điểm cho nhân vật này nhiều hào quang khiến hình ảnh người phụ nữ trong xã hội được đề cao: Vương Thúy Kiều không chỉ đẹp về hình vóc mà còn đẹp cả về tư cách, phẩm hạnh, là người trung hiếu vẹn toàn lại rất nghĩa khí: sẵn sàng liều mình khi ân nhân tử nạn.

TỪ TIỂU THUYẾT MINH-THANH

ĐẾN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU.

Trong tất cả các sách viết về Vương Thúy Kiều của Trung Hoa thì Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa của Mộng Giác Đạo Nhân và Vương Thúy Kiều truyện  của Dư Hoài là đã bắt đầu đậm chất tiểu thuyết và đã kể về cuộc đời Kiều khá tỉ mỉ:

 Vương Thúy Kiều là người Lâm Tri, thuở nhỏ bị bán vào kĩ viện, lấy họ Mã, thường gọi là Mã Kiều nhi. Tuy còn nhỏ nhưng đẹp và thông minh, lại hát hay, đàn giỏi, thổi sáo cũng hay nên được nhiều người mến chuộng; vậy nhưng tính tình nhã đạm, không thích trang sức và cũng không thích nghề chiều chuộng khách nên giả mẫu lấy thế làm giận, thường chửi đánh. May có được một chàng thiếu niên giàu có chuộc ra, thuê nhà cho ở, đổi tên là Vương Thúy Kiều. Về sau lại gặp La Long Văn, một hào phú có cảm tình thường chu cấp, đi lại với Kiều và nuôi thêm cho một hầu gái là Lục Châu. Lúc này có một tướng cướp là Từ Hải, gặp lúc quẫn bách lẻn trốn vào ở nhờ nhà Thúy Kiều.

Từ Hải nguyên là Minh Sơn Hòa Thượng, tu tại chùa Hổ Bào ở Hàng Châu. Long Văn gặp Từ Hải, đánh giá Hải là tráng sĩ nên cùng giao tiếp, lại đem cho Lục Châu làm hầu gái. Sống cùng La Long Văn một thời gian, Từ Hải từ biệt lên đường quyết lập chí dựng cơ đồ, chiêu tập bọn thảo khấu quay về xâm chiếm Giang Nam, vây đánh Tuần phủ Nguyễn Ngạc. Thật bất ngờ, trong một trận đánh, quân sĩ lại bắt được Thúy Kiều và Lục Châu. Mừng lắm, Từ Hải lập Thúy Kiều làm phu nhân, thường cùng cho dự bàn quân cơ. Lúc này thế lực Từ Hải đã mạnh; triều đình phải cử Tổng đốc Hồ Tôn Hiến ở Triết Giang đánh dẹp. Hồ Tôn Hiến nhiều mưu lược, thấy thế lực của Từ mạnh bèn cho Hoa lão nhân đến dụ hàng. Từ Hải nổi giận bắt trói Hoa lão nhân. May cho Hoa là lúc này tuy Kiều hết sức được yêu chiều nhưng vẫn canh cánh nỗi nhớ cố hương, mong sớm được đoàn viên bèn bàn với Từ tha chết cho Hoa. Hoa trở về báo với Tôn Hiến là thế giặc đang mạnh, chưa thể đánh nhưng xem ra Vương phu nhân có vẻ có ngoại tâm, ta có thể nhân đây mà thắng giặc. Tôn Hiến có biết La Long Văn là ân nhân cũ của Từ Hải và Thúy Kiều bèn dùng Văn để dụ hàng. Long Văn đến dinh, được Từ Hải ân cần tiếp đãi lại cho gọi phu nhân cùng Lục Châu ra chào. Trở về, Long Văn bàn với Hồ Tôn Hiến dùng kế đem châu báu lo lót Thúy Kiều, vận động Từ quy hàng. Đúng như ý nguyện, Kiều ra sức khuyên Từ Hải quy phục triều đình. Nghe lời Thúy Kiều, Từ Hải ước hàng cùng Tôn Hiến, không phòng bị gì. Tôn Hiến dùng hỏa công đánh giặc tan tác. Từ Hải nhảy xuống sông bị quan quân vớt lên chém đầu. Trong tiệc khao binh, Tôn Hiến bắt Thúy Kiều hát và chuốc rượu. Lúc quá chén, Tôn Hiến cũng giở trò đùa cợt. Hôm sau tỉnh rượu, sợ mất thể diện trọng thần, Tôn Hiến đem Thúy Kiều gả cho tù trưởng Vĩnh Thuận. Lúc sang sông, Kiều khóc lớn rồi đâm đầu xuống nước tự trầm.

Truyện của Dư Hoài tuy đã khá gần với Truyện Kiều nước ta song chưa xây dựng đoạn Kim Kiều tái hợp. Kiều chết trên sông Tiền Đường là hết chuyện. Cuộc đời Kiều chưa chứng minh cho tư tưởng Thiên mệnhNhân quả. Phải đợi đến đời Thanh, KIM VÂN KIỀU TRUYỆN của Thanh Tâm tài nhân mới thực sự có cốt truyện gần giống với truyện Kiều của ta.

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu cho rằng Truyện Kiều nước ta đã xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Học giả Phạm Quỳnh cũng có ý kiến tương tự: “…Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm tài nhân lục”, không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì. Nhưng bộ tiểu thuyết ấy cũng không phải là truyện đặt ra cả, có lẽ căn cứ ở sự thực mà kết cấu ra…”

 Vậy là lúc này Phạm Quỳnh chưa thể xác định được Thanh Tâm tài nhân là ai và Kim Vân Kiều truyện viết khi nào, riêng Dương Quảng Hàm thì cho rằng: “Tuy là không biết tác giả tên thực là gì và sống về đời nào nhưng các việc kể trong tiểu thuyết đều thuộc về đời Gia tĩnh nhà Minh tức là tự năm 1522 đến năm 1566, mà sách ấy lại do Kim Thánh thán sống tự năm 1627 đến năm 1662 phê bình, vậy theo đấy ta có thể biết được rằng sách ấy làm vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII”. Đến nay vẫn tồn tại nhiều giả thuyết về Thanh Tâm tài nhân, chưa ai khẳng định được đích xác.

Như vậy qua khoảng thời gian dài, một câu chuyện có thật trong lịch sử Trung Hoa đã trở thành một tiểu thuyết kì tình sau khi trải qua cả một quá trình sửa đổi thêm thắt nhiều tình tiết, nhân vật. Từ một con hát nơi kĩ viện, thường bị giả mẫu chửi đánh vì không chịu chiều đãi khách, Mã Kiều nhi đã thành một tiểu thư xuất thân nơi khuê các, có cuộc tình đầy hoa mộng với văn nhân Kim Trọng - một nhân vật không hề có trong đời thực của Vương Thúy Kiều; rồi cuộc đoàn viên sau 15 năm lưu lạc đến đời Thanh được thêm vào là nhằm phục vụ chủ đề “ở hiền gặp lành”, một chủ đề quen thuộc trong văn chương Đông Á… Có lẽ tất cả những cải biên này là sự phối hợp giữa những chuyện kể dân gian với sức tưởng tượng phong phú của nhà văn đời Minh-Thanh qua hơn 200 năm… rồi sau khi đến Việt Nam, nhân vật Vương Thúy Kiều lại được khoác lên một diện mạo hoàn toàn mới: sau khi lược bớt một số đoạn, thay đổi nhiều tình tiết, truyện đã trở nên ý vị hơn, đậm tình người hơn, tính cách nhân vật trở nên nhất quán hơn, cách ứng xử cân phân hơn, nhân hậu hơn…

--------------------

CHÚ THÍCH:

(1)    Từ Văn Trường (Từ Vị), một nhà văn đời Minh, có nhiều bút danh: Thiện Tri, Thanh đằng, Điền Thủy Nguyệt, là mặc khách của Hồ Tôn Hiến.

(2)    TRÙ HẢI ĐỒ BIÊN 籌海圖編 là bộ sách do Hồ Tôn Hiến soạn, gồm họa đồ vẽ các vùng biển thường bị quân hải khấu Nhật xâm phạm và các kế hoạch trù định nhằm giữ gìn an ninh vùng biển. Bài Kỷ tiễu Từ Hải bản mạt 纪剿徐海本末 chép ở quyển 9 của bộ sách này là do Phó sứ Mao Khôn, thuộc cấp theo lệnh Hồ Tôn Hiến ghi chép, đã kể lại khá tỉ mỉ cuộc đánh dẹp Từ Hải. (Hồ Tôn Hiến - Trù Hải Đồ Biên, Cảnh Ấn Văn Uyên Các, Tứ Khố Toàn Thư, sách thứ 343. Đài Bắc, Đài Loan; Thương Vụ ấn thư quán, 1983)

(3)    Oa : lùn. Người Nhật bản xưa thấp bé nên người Trung Hoa gọi là Oa nhân (người lùn), nước Nhật là Oa quốc 倭国 , cướp biển từ Nhật sang gọi là Oa khấu 倭寇 (giặc lùn). Chữ Oa vẫn hay bị đọc nhầm là Nụy

(4)    Đây là hồi thứ 7 của tập truyện 三刻拍案惊奇Tam Khắc Phách Án Kinh Kì đời Minh của 觉道人 Mộng Giác Đạo Nhân.  .

(5)    Dư Hoài 怀1617—?)tự là Đạm Tâm, học giả, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đất Giang Nam đời Minh mạt-Thanh sơ.

 

 

Bài 3 :

TỪ  “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”

CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN

ĐẾN “TRUYỆN KIỀU” CỦA NGUYỄN DU

 Nguyễn Cẩm Xuyên

KIẾN THỨC NGÀY NAY số 757 ngày 20/8/2011

Hồ Tôn Hiến 胡宗憲 (1512 - 1565) là nhân vật của Truyện Kiều nhưng lại là một trọng thần có thật ở đời Minh của Trung Quốc. Chính Hồ Tôn Hiến là người đầu tiên cho quan thuộc cấp ghi chép lại việc đánh dẹp Từ Hải, bắt Vương Thúy Kiều để rồi dần dà hàng trăm năm sau, chuyện người thật việc thật ấy được phóng tác thành nhiều tiểu thuyết khác nhau của Trung Quốc và cuối cùng tạo nguồn cảm hứng cho Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm ở nước ta.

Hồ Tôn Hiến từng đỗ tiến sĩ đời Minh Thế Tông, là nhà quân sự có tài, đã bình định được nhiều cuộc nổi loạn, đặc biệt đã đánh dẹp được Oa khấu (quân cướp biển người Nhật) thường quấy nhiễu vùng biển đông-nam Trung Quốc, được thăng Thái tử thái bảo, giữ chức Đô Sát Viện Tả Đô Ngự Sử kiêm Thượng thư bộ Binh. Hồ Tôn Hiến còn là nhà viết văn, sử đời Minh; về sau vì liên kết bè cánh với Nghiêm Tung (1) là người tạo biến cố Canh Tuất (1550), Tôn Hiến bị bắt giam rồi tự tử, chết trong ngục.

 

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN ĐỜI THANH LÀ NGUỒN GỐC CỦA TRUYỆN KIỀU

NHƯNG LẠI ÍT NGƯỜI BIẾT ĐẾN

Thầy Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, học giả Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí đều cho rằng Truyện Kiều nước ta xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Quả đúng như vậy và ta có thể đoan chắc được điều này bởi xem kĩ, so sánh các các tiểu thuyết Minh-Thanh viết về Vương Thúy Kiều–Từ Hải thì nội dung Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân(2) là gần gũi nhất với Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Chỉ có một điều rất lạ là trong khi Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng khắp nơi mà Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thì về sau không riêng gì quần chúng mà ngay các học giả Trung Quốc cũng ít người biết đến.

Giáo sư Văn học Đổng Văn Thành, Trường đại học Liêu Ninh đã viết:

 “…Những năm 60, hồi học khoa Trung văn trường đại học, qua giáo trình văn học nước ngoài, tôi được biết ở Việt Nam có một truyện thơ nổi tiếng thế giới gọi là truyện Kim Vân Kiều. Từ đó tên truyện Kim Vân Kiều – viên ngọc sáng của văn học phương Đông, in vào ký ức tôi. […] Vì truyện thơ đó có quan hệ máu thịt với văn học của tổ quốc cho nên tôi rất hứng thú. […] Chúng ta cần phải học tập và tham khảo di sản ưu tú của nước ngoài, nhưng cũng không nên lãng quên gốc gác mà nên tôn trọng và kế thừa di sản văn học ưu tú của dân tộc mình. Dựa trên tinh thần đó, từ lâu tôi đã mong có ngày nhìn thấy truyện “Kim Vân Kiều”, cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nghe nói đã thất truyền ở trong nước.

Năm 1981 bất ngờ phát hiện ra cuốn sách đó ở thư viện Đại Liên, nỗi vui mừng của tôi thật không sao hình dung nổi. Tôi đọc một hơi hết cả cuốn sách …”  (3) .

 

KIM VÂN KIỀU TRUYỆN CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN :

VỐN ĐÃ BỊ NGƯỜI TRUNG QUỐC COI RẺ

Cũng trong bài trên, GS. Đổng Văn Thành viết thêm:

 “… cuốn sách của tác giả Thanh Tâm tài nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. Thứ hai, ông Tôn Khải Đệ, chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, người sớm nhất nhắc đến nó trong sách Thư mục tiểu thuyết, được thấy ở Tokyo – Nhật Bản, xuất bản năm 1932, lại coi nó là điển hình của những tác phẩm kém cỏi. Ông nghiêm khắc chê bai: “Dựa vào sự việc của Thúy Kiều mà viết cho sáng rõ ra – vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rích in hệt nhau, tiếc rằng lực hút của tác giả quá yếu, không thể mang lại sức sống cho Thúy Kiều. Còn việc Thúy Kiều nhảy xuống sông tự trầm vốn là kết cục rất tự nhiên, có thể viết rất hay, thế mà tác giả lại cố ý xóa nhòa sự thực, cho nàng được người cứu sống, trả lại đoàn viên. Nhân đấy than thở cho kẻ tục trong đời, thật là muốn chữa chạy cũng chữa không nổi. Người xưa tiết hạnh lạ kỳ đến thế, không may lạc vào sách của kẻ tầm thường nên cảnh tượng mới ra như vậy”.

Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình. Truyện Kim Vân Kiều khó mà thay đổi được số phận đáng buồn là bị vứt bỏ.

Sau khi người Trung Quốc tự đẩy cuốn tiểu thuyết của mình xuống vực, học giả nước ngoài nghiên cứu văn học Trung Quốc càng không thèm để ý đến nữa. Nếu không có Nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ in lại tiểu thuyết đời Minh–Thanh, hẳn bộ tiểu thuyết này còn bị ngăn cách với bạn đọc lâu hơn nữa.

Phải chăng tác giả Trung Quốc Thanh Tâm tài nhân – con người “tầm thường”, “không thể cứu chữa” – đã làm hỏng đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi không một chỗ nào coi được, phải hoàn toàn nhờ sự gia công “thiên tài” của tác giả Việt Nam Nguyễn Du mới biến miếng sắt bỏ đi thành vàng ròng lấp lánh?...” (4)

Ở Trung Quốc, trải qua mấy trăm năm “Kim Vân Kiều truyện” ít được phổ biến. Các học giả cũng chẳng mấy ai biết… vậy mà ở nước ta, 62 năm trước khi GS. Đổng Văn Thành phát hiện ra Kim Vân Kiều truyện, học giả Phạm Quỳnh đã từng đọc truyện này và viết trên tạp chí Nam Phong số 30, tháng 12 năm 1919: “…Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm tài nhân lục”, không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì…”.

 

 

Tạp chí Nam Phong và Chủ bút Phạm Quỳnh

 

Vào những năm đầu thế kỉ XX ấy, Phạm Quỳnh tuy chưa đủ nguồn tư liệu để biết người Trung Quốc đánh giá Kim Vân Kiều truyện ra sao nhưng căn cứ vào câu chữ, nghệ thuật của truyện… đã khẳng định được đây chỉ là một cuốn truyện xoàng. Nay thì ta biết rõ hơn là cuốn truyện này qua mấy thế kỉ đã bị chính người Trung Quốc rẻ rúng.

 

XÁC ĐỊNH TƯƠNG QUAN GIÁ TRỊ

GIỮA “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”  VÀ “TRUYỆN KIỀU

Trần Nghĩa, trên tạp chí Hán Nôm số 2/1998 đã viết: “… Khi luận giải về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một số người băn khoăn không rõ vì sao Nguyễn Du lại chọn một tác phẩm vô danh tiểu tốt của Trung Quốc để cải biên hoặc chuyển thể và càng khó hiểu hơn ở chỗ tác phẩm cải biên hoặc chuyển thể này lại được công chúng Việt nam chấp nhận và hoan nghênh. Liệu có sự nhầm lẫn gì ở đây không ? […] Hiện tượng “người bỏ, ta lấy; người khinh, ta chuộng” cũng đã từng xảy ra trong giao lưu văn học thế giới […] Nhưng với Kim Vân Kiều tân truyện và Kim Vân Kiều truyện, tình hình không phải như vậy. Bởi lẽ đề tài “Thúy Kiều” trước Thanh Tâm tài nhân đã được rất nhiều cây bút Trung Quốc khai thác, như Dư Hoài với Vương Thúy Kiều truyện, Đới Sĩ Lâm với Lý Thúy Kiều truyện, Mộng Giác Đạo Nhân với Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa trong Tam khắc phách án kinh kỳ... Và sau Thanh Tâm Tài Nhân, Diệp Trĩ Phỉ đã dựa vào Kim Vân Kiều tân truyện để sáng tác vở kịch Hổ phách thỉ và Hạ Bỉnh Hoành cũng đã theo đó để sáng tác vở kịch Song Thúy viên...

Với thực tế vừa nêu, khó mà nói truyện “Thúy Kiều” ở Trung Quốc không mấy ai để ý và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân chỉ thuộc loại “xoàng”. Nếu quả là “xoàng” thì tại sao Kim Vân Kiều truyện lại được liệt vào loại “Tài tử thư” của Trung Quốc ?”…

Xem lại bản chép tay Kim Vân Kiều truyện thì quả là đầu mỗi quyển đều có ghi: “Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều quyển chi… Thánh Thán ngoại thư” (5). Các bản in gần đây cũng theo đó mà in như thế.

 

Trang đầu bản chép tay KIM VÂN KIỀU TRUYỆN, quyển I :

Quán Hoa đường bình luận. Kim Vân Kiều truyện quyển chi nhất.

Thánh Thán ngoại thư. Thanh Tâm tài nhân biên thứ.

Đệ nhất hồi : “Vô tình hữu tình mạch lộ điếu Đạm Tiên. Hữu duyên vô duyên bích không ngộ Kim Trọng”…

Được xếp vào hàng “Quán Hoa  Đường bình luận - Thánh Thán ngoại thư” có nghĩa là sách thuộc vào loại có giá trị nên đã được nhà phê bình kiệt xuất Kim Thánh Thán để ý xem xét, bình luận.

Việc Kim Vân Kiều truyện được Kim Thánh Thán liệt vào hàng “Thánh Thán ngoại thư” thì có thể còn xem xét - còn nếu cho là “Kim Vân Kiều truyện” “Tài tử thư” như Trần Nghĩa đã viết ở trên thì không đúng - bởi Trung Quốc chỉ có 6 tác phẩm được Kim Thánh Thán bình luận, xếp vào danh hiệu “Tài tử thư” (lục Tài tử), gồm có: Nam Hoa kinh của Trang Tử, Ly Tao của Khuất Nguyên, Sử kí của Tư Mã Thiên, Thơ luật của Đỗ Phủ, Thủy Hử của Thi Nại Am   Tây sương kí của Vương Thực Phủ. Một số sách khác tuy được Kim Thánh Thán bình luận lưu vào thư viện riêng “Quán Hoa Đường” song chỉ thuộc hàng “Thánh Thán ngoại thư ”.

Vậy Kim Vân Kiều truyện có phải là Thánh Thán ngoại thư ? Trước câu hỏi này, các nhà nghiên cứu nước ta đã không đồng nhất ý kiến: Có người tin nhưng cũng nhiều người tỏ ý nghi ngờ.

Có thể ngờ lắm bởi vì vào thời mà việc lưu truyền, phổ biến tác phẩm chủ yếu chỉ nhờ vào chép tay thì dòng chữ “Quán Hoa  đường bình luận - Thánh Thán ngoại thư” ghi ở đầu truyện chưa thể xem là bằng chứng chắc chắn để tin được Kim Vân Kiều truyện  được Kim Thánh Thán khen ngợi;  nhất là về sau tác phẩm  đã bị các học giả coi thường, đặc biệt trong số đó có nhiều học giả Trung Quốc.

Chỉ có một điều chắc chắn là sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Nhật, Hoa, Tiệp… thì người Trung Quốc mới ra sức tìm kiếm và biết được là nước mình có cuốn Kim Vân Kiều truyện… Từ đó họ bắt đầu chiêu tuyết. Chính GS. Đổng Văn Thành là người đã viết bài ca ngợi Kim Vân Kiều truyện, cho rằng truyện “không chỉ xây dựng một cách thành công những điển hình nghệ thuật mang đặc trưng thời đại mà còn có cống hiến quan trọng về mặt khai thác đề tài phụ nữ, về phương pháp nghệ thuật”…“không phải đến ngày nay, mà ngay từ khi ra đời, Kim Vân Kiều truyện đã được nhiều người có quan điểm tiến bộ nhiệt liệt tán dương…”(6)

--------------------------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Nghiêm Tung là quan đại thần đời Minh, rất giỏi nịnh hót khiến Minh Thế Tông rất thích. Sau khi làm Thủ Phụ, Nghiêm Tung liên kết bè phái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng. Trước việc các bộ lạc phương Bắc tiến quân xâm lấn Thông Châu vào năm Canh Tuất (1550), Nghiêm Tung chủ trương để mặc cho giặc cướp phá. Sử Trung Quốc gọi đây là "Canh Tuất chi biến". Sau khi tội Nghiêm Tung bị phát hiện, triều đình lại bắt được thư của con Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phồn gửi cho Hồ Tôn Hiến để liên kết bè đảng. Năm 1565, sau khi bị bắt giam, Hồ Tôn Hiến tự tử, chết trong ngục.

(2) Đến nay tuy có nhiều ý kiến nhưng xem ra chưa ai khẳng định được chắc chắn Thanh Tâm tài nhân là ai, bởi đây chỉ là bút hiệu (người viết truyện muốn xưng mình là khách đa tình: THANH ghép với TÂM là TÌNH ). Nếu các bản Kiều của ta chỉ lệch một số câu chữ thì các bản Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc lại lệch nhau khá xa về độ dài, kết cấu, nội dung. Ấn bản và tên gọi của cuốn tiểu thuyết này phức tạp. Bản in đầu tiên xuất hiện khoảng cuối Minh đầu Thanh. Đến đời Khang Hy lại có bản in đơn giản hơn vì đã bị sửa chữa, lược bớt. Bản được phổ biến rộng rãi hiện nay gồm 20 hồi. Bản này có tại Đại Liên Đô thư quán. Năm 1983, Kim Vân Kiều truyện được Lý Trí Trung hiệu đính, nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ (Trung Quốc) phát hành. Nay truyện này dễ dàng tìm thấy trên nhiều trang điện tử của Trung Quốc. Truyện còn có tên “Song kì mộng”, “Song hợp hoan”.

 (3)(4) Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005.

(5) Kim Thánh Thán 金聖歎 sống vào khoảng cuối Minh, đầu Thanh (bị xử chém năm 1661 vì dám tố cáo việc làm phi pháp của quan huyện), tên thật là Kim Vị  , là nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc, được đời sau tôn vinh là "vua của thể văn bạch thoại".  Kim Thánh Thán đã phê bình nhiều sách văn học Trung Quốc, có thư viện riêng đặt tên là “Quán Hoa Đường”. Những sách nào được Kim Thánh Thán khen ngợi, lưu vào thư viện riêng đều có ghi : “Quán Hoa đường bình luận-Thánh Thán ngoại thư”.

(6) Nguyễn Khắc Phi; Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.178 – 189.

 

BÀI 4 :

NGUYỄN DU  KHÔNG DỊCH “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”

CỦA THANH TÂM TÀI NHÂN RA TIẾNG VIỆT

Nguyễn Cẩm Xuyên

Kiến thức ngày nay số 762, ngày 10/ 10/ 2011

Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc được Thanh Tâm Tài Nhân viết vào đời Thanh; truyện được mang sang nước ta từ lâu và Nguyễn Du đã mượn cốt truyện mà viết nên Truyện Kiều bằng chữ Nôm. Việc này là bình thường, nhất là khi tác phẩm viết sau lại nổi tiếng, hơn hẳn gốc ban đầu. Văn chương thế giới đã có nhiều trường hợp tương tự. Trường hợp thường được nhắc đến nhất là nhà soạn kịch tài danh của Pháp Corneille đã dùng Las  Mocedades del Cid của Guillen de Castro, người Tây Ban Nha để viết nên tuồng Le Cid rất nổi tiếng…

Ở nước ta Truyện Kiều được phổ biến rộng nên Kim Vân Kiều truyện cũng được các dịch giả chú ý dịch ra quốc ngữ; trước sau có đến khoảng 4, 5 bản dịch khác nhau: có lẽ bản dịch đầu tiên là của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung do Phan Bá Cẩn xuất bản năm 1925, Tân Dân tái bản năm 1928, tiếp đến là bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh do Viện Văn học in ronéo năm 1962, NXB Hải Phòng tái bản năm 1994 và NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1999. Ở miền Nam, có bản dịch của Tô Nam Nguyễn Đình Diệm được Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản năm 1971. Gần đây có Tình sử Vương Thuý Kiều (Phong Tình Cổ Lục) do Mộng Bình Sơn khảo dịch, NXB Văn học xuất bản năm 2000. Truyện Kiều đối chiếu của Phạm Đan Quế, NXB Hà Nội xuất bản năm 1991, NXB Hải Phòng tái bản năm 1999…

 

GIÁ TRỊ “TRUYỆN KIỀU”  HƠN HẲN “KIM VÂN KIỀU TRUYỆN”

Tuy mượn cốt truyện Kim Vân Kiều truyện nhưng cách cải biên kì diệu của Nguyễn Du đã biến câu chữ tầm thường trở nên tác phẩm kiệt xuất, được mọi người yêu thích lại được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Nếu xét diễn biến của 2 truyện: từ khi Thúy Kiều gặp Kim Trọng… trải qua 15 năm lưu lạc cho đến ngày Kim-Kiều tái hợp… cả gia đình Vương Viên ngoại hạnh phúc đề huề, Kim Trọng, Vương Quan đỗ đạt, vinh hiển v.v… là tương tự nhau, song sức sáng tạo của Nguyễn Du rất lớn: nhiều tình tiết rườm rà, dung tục đã được lược bỏ, lại thêm vào nhiều đoạn kể chuyện, tả cảnh, tả tình ý vị khiến cho truyện trở nên cân đối, hợp lí. Đặc biệt nhất là tính cách của từng nhân vật trong Truyện Kiều khác nhiều so với Kim Vân Kiều truyện.

Xin trích sau đây làm ví dụ một trường hợp thể hiện sự chênh lệch khá rõ nét về trình độ của 2 tác phẩm: đoạn Thúy Kiều báo oán:

* Xử bọn “bạc ác tinh ma”:

“… Nàng rằng: "Lồng lộng trời cao!

Hại nhân, nhân hại, sự nào tại ta?

Trước là Bạc Hạnh, Bạc bà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

Tú bà cùng Mã Giám sinh,

Các tên tội ấy đáng tình còn sao? "

Lệnh quân truyền xuống nội đao,

Thề sao, thì lại cứ sao gia hình.

Máu rơi, thịt nát, tan tành,

Ai ai trông thấy hồn kinh, phách rời.

Cho hay muôn sự tại trời,

Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta!

Mấy người bạc ác, tinh ma,

Mình làm, mình chịu, kêu mà ai thương!

Ba quân đông mặt pháp trường,

Thanh thiên, bạch nhật, rõ ràng cho coi…”

* Xử Hoạn Thư:

“…Hoạn thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng, liệu điều kêu ca.

Rằng: Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông, thì cũng người ta thường tình!

Nghĩ cho khi các viết kinh,

Với khi khỏi cửa, dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng, riêng những kính yêu,

Chồng chung, chưa dễ ai chiều cho ai!

Trót đà gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

Khen cho: thật đã nên rằng:

Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.

Tha ra thì cũng may đời,

Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

Đã lòng tri quá thì nên

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.”

Xem đoạn thơ trích từ Truyện Kiều của Nguyễn Du tả cảnh báo oán khá nhẹ nhàng ở trên rồi đối chiếu với đoạn văn xuôi rườm rà và ghê rợn sau đây do Thanh Tâm tài nhân kể trong Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc:

“…Một tiếng trống vang lên, một người cầm cờ lam gọi tên từng phạm nhân. Biện Báo (1) dẫn Hoạn thị, Kế thị (2), Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển, Bạc bà vào, tháo gông xiềng cho quỳ dưới sân.

Phu nhân nói: Bạc bà đẩy người xuống giếng, Bạc Hạnh bán người lương thiện vào nhà xướng ca. Nay theo đúng lời thề trước của Bạc Hạnh, lấy dao vằm nát thân thể, rồi cho ngựa ăn, còn Bạc bà thì đem chặt đầu bêu lên cây. Đao phủ nghe lệnh dạ ran một tiếng, tức thì lôi Bạc bà ra chặt đầu, còn Bạc Hạnh thì dùng chiếu cỏ bó như bó củi, ngoài quấn dây thừng thật chặt, rồi hai người giữ, một người cầm dao (3), chặt từ chân lên đầu thành hơn trăm đoạn. Ghê thay một con người mới đó mà trong giây lát biến thành một đống thịt như bùn, người coi ai cũng hoảng hồn chết ngất. Bọn đao phủ vào bẩm đã thi hành xong, phu nhân truyền đem đống thịt trộn lẫn với cỏ để cho ngựa ăn.

Kế đó, gọi đến Hoạn thị. Hoạn thị run rẩy, kêu xin phu nhân tha mạng.

Phu nhân rằng: Hoạn tiểu thư, nhà ngươi có nhiều kế sách và cũng thật nhẫn nại, ngươi lại thích lấy điều ác làm vui. Vậy nhưng phàm việc gì cũng nên chừa lại một lối, để về sau có thể vui khi gặp lại. Nay gặp nhau đây, nhất định ngươi chẳng sống được nữa rồi.

Hoạn thị khấu đầu lia lịa thưa rằng: Phu nhân! tiện thiếp thật đáng muôn chết, chỉ xin phu nhân niệm tình cho ngày trước lúc viết tờ cung trạng, lúc chép kinh… rồi khi phu nhân bỏ đi, thiếp cũng chẳng hề tra xét. Thiếp không phải không tôn kính phu nhân mà chẳng qua vì thế buộc chẳng thể đứng chung, cắt đôi tình yêu chia lòng sủng ái mà xui nên tội lỗi oan gia, xin phu nhân nghĩ lại mà rộng lòng lượng thứ cho.

Vương phu nhân cúi đầu hồi lâu rồi nói: Thực ta chỉ muốn ăn thịt, lột da ngươi, để tiêu mối hận hai năm trước. Nhưng giờ đây, sở dĩ cho ngươi được khỏi tội chết là nhờ lúc ta bỏ đi, ngươi chẳng đuổi theo, có ý mở lồng thả cho chim bay đi, nhưng còn tội sống thì ngươi chẳng thể thoát được đâu. Hoạn thị thưa: Thiếp xin nhận tội, chỉ xin Phu nhân  phát lạc nhẹ cho. Phu nhân hỏi: Ngày trước, lúc bắt ta ở Lâm Tri, thuộc hạ của ngươi là những tên nào? Hãy nói ta nghe, tội ngươi sẽ nhẹ bớt đi.

Hoạn thị thưa: Những kẻ thi hành mưu kế tuy là Hoạn Khuyển, Hoạn Ưng, nhưng người ra lệnh lại chính là tiện thiếp. Quân vâng lệnh tướng mà làm. Thật là tội của thiếp; bọn chúng chẳng qua chỉ biết y lệnh mà thôi. Nếu đem chúng ra gánh tội thay thì thiếp chẳng yên lòng.

Phu nhân rằng: Thế ra ngươi chính là kẻ dám nhận cả phần oan cừu vào mình đó chăng? Bèn gọi đao phủ đem bọn Hoạn Ưng, Hoạn Khuyển ra chém bêu đầu để răn bọn hào nô nhà họ Hoạn. Đao phủ dạ ran, lôi tuột hai tên ra chém đầu; chỉ trong khoảnh khắc đã dâng lên hai đầu lâu đẫm máu.

Phu nhân lại truyền tả hữu đem Kế thị ra nọc đánh 30 roi. Quân lính nhất tề ra tay. Hoạn thị ôm chầm lấy mẹ xin chịu thay hình phạt.

 Phu nhân nói: Tội ngươi ta sẽ tính, còn 30 roi này là của mụ ta, chẳng thể tha được.

 Mụ quản gia thấy vậy cũng vội quỳ xuống xin chịu đòn thay  cho chủ mẫu.

Phu nhân nói: Thôi thì ta nể lời, tha chết cho thị, hãy nhận lấy mà  đem đi.

Mụ quản gia tạ ơn rồi đỡ Kế thị ra ngoài doanh trại. Kế thị năm ấy tuổi đã sáu mươi, thân là nhất phẩm phu nhân, chưa từng chịu cảnh gió sương nhọc nhằn mà nay bị bắt giải từ huyện Vô Tích đến, khổ sở vô cùng, lại thấy ba quân giết người như rạ, tuổi đã già lại sợ mất mật, tức thì lăn ra chết. Mụ quản gia đành ngồi ngoài cửa dinh để trông nom thi thể.

Vương phu nhân thấy mụ quản gia lãnh Kế thị đi rồi, bèn truyền lệnh cho cung nữ đem Hoạn Thư ra, lột trần áo xiêm rồi treo lên đánh một trăm trượng.

Cung nữ dạ ran, túm tóc Hoạn Thư lôi ra, lột hết áo quần, chỉ chừa lại một cái khố, tóc buộc lên xà nhà. Hai tên cung nữ mỗi tên túm một tay để lôi giăng ra, trước và sau có hai cung nữ khác cầm roi ngựa đồng loạt ra tay, một người đánh từ trên đánh xuống, một người đánh từ dưới đánh lên, đánh như con chạch rơi trên đống tro, con lươn trong vạc nước nóng, luôn luôn dẫy dụa kêu trời. Toàn thân chẳng còn miếng da nào lành lặn. Sau khi cung nữ báo cáo đủ một trăm roi, phu nhân truyền lệnh đem Hoạn thị  ra giao cho Thúc Sinh. Quân sĩ dạ ran. Cởi tóc Hoạn Thư mang xuống thì đã nửa sống nửa chết, mang ra ngoài cho Thúc Sinh nhận lãnh. Thúc Sinh luôn miệng tạ ơn, nhìn đến Hoạn Thư thấy chỉ còn thoi thóp thì than rằng: Nàng ôi, chỉ vì thủ đoạn, phương pháp lớn lao của nàng mà nàng mà phải tự cầm dao cắt thịt của mình… Rồi bèn gọi hai tớ gái là Xuân Hoa , Thu Nguyệt vào đỡ lấy Hoạn Thư. Thúc Sinh quay vào dinh tạ tội Phu nhân rồi ra ngoài một mặt thu nhặt thi thể Kế thị, một mặt mang Hoạn Thư về nhà chạy chữa đến nửa năm trời mới khỏi. Kế đó Sử Chiêu giải bọn Mã Bất Tiến (Mã Giám  sinh), Mụ Tú, Sở Khanh vào dinh.

Phu nhân hỏi: Mụ Tú, mi có nhận được ta là ai không?

Mụ Tú đáp: Thưa bà, con hát hèn mọn này không nhận ra !

Phu nhân thét bảo: Mi hãy ngẩng đầu lên nhìn xem ta là ai?

Quân sĩ nạt lớn một tiếng, túm tóc mụ kéo lật về phía sau. Bấy giờ mụ mới nhận rõ là Vương Thúy Kiều, thì luôn miệng kêu rằng: Tội của kẻ hèn này thật đáng muôn lần chết chém. Chỉ xin phu nhân thương cho phần nào.

Phu nhân cười bảo: Lúc này mà mi còn mơ tưởng đến sự sống sao? Lời thề trước ngọn đèn trời ngày xưa hỏi đã tiêu tan thế nào được? Bèn lệnh cho quân sĩ, lôi mụ Tú  ra, lấy dầu bách tưới đẫm vào người, rồi dựng ngược cho đầu xuống đất, chân chổng lên trời, như ngọn đèn trời để làm tròn lời thề ngày trước. Còn tên Mã Bất Tiến thì kẹp chân tay vào mảnh gỗ cho thẳng căng ra, rồi rạch da và moi gân khiến cho tứ chi rời rạc, để ứng lời thề của nó. Lại nấu một nồi tùng hương trộn lẫn với vỏ cây gai, đun thật sôi và lấy chum nước lớn để bên, đem Sở Khanh ra, lột hết áo xiêm, một người thì múc dầu tùng hương đun sôi tưới vào mình hắn, một người thì lấy nước lạnh dội theo.Quân sĩ được lệnh lôi ba phạm nhân ra ngoài. Trong chốc lát, mụ Tú đã cuốn thành một cây sáp lớn, phía dưới chỉ lộ cái đầu. Mã Bất Tiến thì bị căng xác. Sở Khanh hóa thành một thỏi sắt nguội.

Đoạn rồi phu nhân hô to: “Đốt sáp”, quân sĩ đứng lên cao châm lửa vào chân mụ Tú. Mụ mới bị châm một mồi lửa đã kêu đau ầm ĩ. Phu nhân mắng rằng: Mi cũng biết đau ư? Cớ sao ngày trước mi nỡ lòng hủy hoại da thịt người khác? Mụ Tú chết ngất, không trả lời được nữa.

Kế đến Phu nhân hạ lệnh rút gân, xẻ thịt Mã Bất Tiến, lại lệnh cho quân sĩ lột da Sở Khanh. 

Nghe lệnh, quân sĩ tìm chỗ chùm gân, lấy mũi dao nhọn khoét da, rồi dùng lưỡi câu móc vào đầu gân, dùng sức lôi mạnh một cái. Mã Bất Tiến lập tức chết tươi. Quân sĩ rút thêm ba bốn cái gân nữa làm cho thi thể Bất Tiến rời ra từng mảnh. Phu nhân bèn sai quẳng xác ra biển cho cá ăn để đền tội bạc tình.

Còn Sở Khanh bị tẩm dầu tùng hương và keo vỏ gai, bên trong tuy vẫn còn sống nhưng bên ngoài không cựa quậy được. Quân sĩ chạy đến bóc miếng vỏ gai nơi đầu ra, thì da đã bị dầu tùng ăn loét ra, chẳng cần dùng đao kiếm, chỉ tuốt một cái thì lột hết da. Độ nửa giờ sau, thân thể Sở Khanh chỉ còn trơ lại một cục máu đỏ lòm nhưng vẫn còn thoi thóp. Phu nhân lại sai đem nước vôi rưới vào, tức thì toàn thân Sở Khanh nổi lên những cái bọt lớn. Chỉ trong chốc lát đã rữa nát thành mủ máu, rớt thịt trơ xương mà chết...”(4) .

Người đọc nhận ra hai truyện khác xa nhau về tài năng xây dựng tính cách, tâm lí nhân vật, nghệ thuật biểu cảm, miêu tả, tự sự…đồng thời khác xa nhau về ý nghĩa, về tính người trong ứng xử.

Khác hẳn Truyện Kiều của Nguyễn Du, đọc Kim Vân Kiều truyện của Tàu, người đọc mất hết cả cảm hứng với một nàng Kiều tài sắc… mà dã man. Đâu đây thấp thoáng hình bóng những mỹ nhân diễm lệ mà vô cùng tàn ác trong sử sách Trung Quốc: Lã Hậu, Lệ Cơ, Triệu Phi Yến, Võ Tắc Thiên, Vạn Trân Nhi…

Kim Vân Kiều truyện mang tính cách luận đề với dấu ấn của tư tưởng Phật giáo: từ việc bố trí các nhân vật, sắp xếp diễn biến, tình tiết, kết cấu truyện… đều hướng vào mục đích nhằm chứng minh cho đề thuyết: ác giả-ác báo: hễ gieo nhân xấu thì gặt quả dữ; nghiệp quả chồng chất sẽ phải trả… và trả khi nào cho hết nghiệp chướng thì mới mong hưởng phúc nhờ vào nhân tốt đã gieo…Vậy mà ở hồi 18, Kim Vân Kiều truyện lại mô tả một nàng Kiều tàn ác đến man rợ. Rõ là Thanh Tâm tài nhân đã rơi vào mâu thuẫn nội tại - bởi làm sao hợp lí được khi đến hồi cuối cùng lại bố trí cảnh đoàn viên cho Thúy Kiều, một quả phúc không dành cho kẻ dữ.

Sự mâu thuẫn, bất hợp lí này là điểm kém của Kim Vân Kiều truyện. Chỗ này Nguyễn Du đã cải biên, hóa giải chốt mâu thuẫn thật kì diệu bằng cách để Kiều tha bổng Hoạn Thư.

Trong thơ Nguyễn Du, Kiều tùng phục lẽ phải, không vì tình riêng mà bỏ qua chân lí. Tính cách nhân vật lại hoàn toàn nhất quán, hiện rõ là người hiền lành lương thiện mà bị vùi dập đáng thương…

Quả là tài năng nghệ thuật Nguyễn Du đáng là bậc thầy của Thanh Tâm tài nhân.

 

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO SƯ TRUNG QUỐC ĐỔNG VĂN THÀNH

ĐÁNH GIÁ THẤP TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU LÀ KHÔNG KHÁCH QUAN

Sau khi đọc được Kim Vân Kiều truyện của nước mình tại thư viện Đại Liên năm 1981, GS. Đổng Văn Thành liền viết bài chiêu tuyết cho Kim Vân Kiều truyện, in trong Minh Thanh Tiểu Thuyết Giám Thường từ điển (5). Tuy bài viết đã công nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du là tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới nhưng lại cho rằng Truyện Kiều chẳng qua chỉ là dùng thể thơ lục bát của Việt Nam để dịch lại một cuốn tiểu thuyết của Trung Quốc mà thôi.

Tương tự như trên, trong bài “So sánh truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam” trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” GS. Thành cũng cho rằng: “Nguyễn Du chẳng những chỉ mượn đề tài của tiểu thuyết Trung Quốc mà dường như bê nguyên xi […] Nguyễn Du không có bất kỳ một sáng tạo mới nào, chỉ chuyển thuật khá trung thực nội dung tiểu thuyết của Thanh Tâm tài nhân...” (6)

Bài viết này nhắc lại lời khen - cho rằng là của Kim Thánh Thán - đối với Kim Vân Kiều truyện: “…chữ nào cũng là đá ngũ sắc vá trời cả, công của tác giả chẳng hề kém Nữ Oa” (7).  Đánh giá ghê gớm như thế khiến người đọc tưởng chừng như truyện này ngang tầm với Hồng Lâu Mộng.

Vậy là một mặt GS. Thành khen ngợi Kim Vân Kiều truyện nước mình đến tột cùng, một mặt hết lời chê bai Truyện Kiều Nôm của Nguyễn Du, cho Nguyễn Du là người của giai cấp quan lại Phong kiến nên cải biên nhiều chỗ làm cho ý nghĩa của  truyện bị lệch lạc, làm che lấp đi tính “đấu tranh giai cấp”… Chẳng hạn so sánh cảnh báo ân báo oán của Thúy Kiều giữa hai truyện, GS. Thành cho rằng cảnh được tả trong “Kim Vân Kiều truyện tuy có hơi tàn khốc nhưng thể hiện hành vi chính nghĩa của người nô lệ phản kháng, còn trong Truyện Kiều: nội dung đấu tranh giai cấp sống động này đã bị ngòi bút Nguyễn Du làm biến dạng, Nguyễn Du đã nhẹ nhàng bỏ qua không cho Thúy Kiều bắt mẹ Hoạn Thư đồng thời lại khoan dung, tha bổng Hoạn Thư…” và sở dĩ cải biên như thế là “có sự đồng tình với những nhân vật thuộc giai cấp quý tộc là giai cấp xuất thân của mình. Nguyễn Du đã tìm mọi cách che đậy cho tội áp bức của giai cấp ấy, sửa chữa cuộc đấu tranh giai cấp nghiêm túc đó thành cuộc tranh chấp thuần túy giữa vợ cả vợ lẽ ghen tuông với nhau trong gia đình…

Bài viết dài nhưng xem ra là chủ quan, một là do GS. Thành không biết tiếng Việt, phải đọc Truyện Kiều qua bản dịch của GS. Hoàng Dật Cầu - bản dịch mà dịch giả chỉ mới dám coi là “bản dịch sơ bộ” - Quả vậy, gần đây PGS Phạm Tú Châu đã có xem xét đánh giá bản dịch này, kê ra rất nhiều chỗ GS. Hoàng Dật Cầu dịch sai Truyện Kiều của Nguyễn Du(8) cũng vì thế, những đoạn trích Kiều được Đổng Văn Thành mượn của GS. Hoàng Dật Cầu dùng làm dẫn chứng chỉ là những đoạn văn vần thô cứng, chẳng còn đâu cái duyên dáng mượt mà của thơ Nôm tiếng Việt; hai là GS. Thành chỉ nghĩ chuyện giai cấp mà quên mất tính người, khác hẳn với Nguyễn Du.

 

TRUYỆN KIỀU VẪN THUẦN TÚY LÀ MỘT TRUYỆN THƠ VIỆT NAM

VỚI CÔNG SÁNG TẠO RẤT LỚN CỦA NGUYỄN DU

Nguyễn Thạch Giang, Triệu Ngọc Lan, Lô Úy Thu trong “Một số nhận xét về Kim Vân Kiều truyện với Đoạn trường tân thanh” đăng trên tạp chí Sông Hương số 2, 1994 đã tính toán tỉ mỉ: Kim Vân Kiều truyện có tổng số 214 trang. Nguyễn Du đã lược bỏ 142 trang, chỉ dựa vào 72 trang để viết nên 1.313 câu trong tổng số 3.254 câu của Đoạn trường tân thanh. Vậy 1.941 câu còn lại là do Nguyễn Du viết.

Trong bài viết gần đây nhất, GS. Nguyễn Khắc Phi cũng viết trên Trang điện tử Hội Nhà văn Việt Nam: “…trên thực tế, Đổng Văn Thành đã coi Truyện Kiều của Nguyễn Du là bản dịch Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tai hại hơn nữa, do không biết tiếng Việt, để đánh giá “bản dịch” của Nguyễn Du, để so sánh “bản dịch” ấy với nguyên tác, Đổng tiên sinh lại hoàn toàn căn cứ vào “bản dịch lại” Truyện Kiều của Nguyễn Du ra Trung văn hiện đại của GS Hoàng Dật Cầu, một bản dịch mà với tất cả tâm huyết, công phu, Hoàng giáo sư cũng chỉ mới dám coi là “bản dịch sơ bộ” và tự đánh giá là “còn những chỗ cực vi diệu, khúc chiết của nguyên thi đương nhiên chưa có khả năng thực hiện việc truyền đạt như thật được” (9).

 

 

Thật vậy, một điều hiển nhiên là khó có người Trung Quốc nào thông thạo tiếng Việt đến mức có thể thưởng thức được cái vi diệu, độc đáo của câu chữ Việt trong thơ Nôm Nguyễn Du - nên nếu họ có cho rằng Truyện Kiều chẳng qua chỉ là truyện dịch tiểu thuyết Tàu ra tiếng Việt thì cũng là điều dễ hiểu bởi vì để cảm nhận đầy đủ ý vị một tác phẩm văn học của một dân tộc thì ngoài việc thông thạo tiếng nói, chữ viết, người đọc còn phải thấm được nền văn hóa dân tộc ấy như máu thịt. Đổng Văn Thành phê phán gay gắt Truyện Kiều Nôm nhưng lại là người Trung Quốc không biết tiếng Việt thì các phê phán này chưa hẳn đúng, bởi chưa hiểu được nghệ thuật, ý nghĩa của từng câu, chữ thì sao có thể phê bình cả tác phẩm? Đến đây ta có thể phủ nhận ý kiến của Đổng Văn Thành và khẳng định: Nguyễn Du không dịch Kim Vân Kiều truyện ra tiếng Việt mà chỉ dựa vào cốt truyện để viết nên một truyện thơ mới thuần Việt.

---------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Biện Báo 卞豹 : một bộ tướng của của Từ Hải. Các bản dịch quốc ngữ của ta trước đây đã đọc nhầm thành “Hạ Báo” vì hai chữ “biện” “hạ” chỉ hơn kém nhau một chấm nhỏ ở trên.

(2) Kế thị : mẹ của Hoạn Thư (Hoạn phu nhân) là  vợ của Thiên quan Lại bộ.

Sau khi bị bỏ thuốc mê bắt về nhà mẹ Hoạn Thư, Kiều đã bị Kế thị cho a hoàn đánh đập tàn nhẫn. Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy có tả việc Hoạn phu nhân trừng phạt Kiều nhưng lại không kể tên và kể việc Kế thị bị trừng trị trong hồi báo ân oán.

(3) Nguyên tác viết : 一人舉剉 Nhất nhân cử tỏa (Một người cầm “tỏa”). “tỏa là một loại dao dùng cắt cỏ chứ không phải là “cưa” như một số dịch giả trước đây đã dịch.

(4) Trích dịch từ Thanh tâm tài nhân, Kim Vân Kiều truyện, hồi thứ 18: “Vương Thúy Kiều kiếm tru vô nghĩa hán; Từ Minh Sơn kim tặng hữu ân nhân”  (開放文學, 金雲翹傳 Khai phóng văn học; Kim Vân Kiều truyện - http://open-lit.com).

(5) MINH THANH TIỂU THUYẾT GIÁM THƯỜNG TỪ ĐIỂN; Hà Mãn Tử - Lý Thời Nhân, Chiết Giang Cổ Tịch xuất bản xã  xuất bản năm 1992

(6) Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005.

(7)Nguyễn Khắc Phi; Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.178 – 189.

(8) Phạm Tú Châu; “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch” ; Tạp chí Văn học nước ngoài, số 5, 1997.

(9) GS-TS. Nguyễn Khắc Phi ; Truyện Kiều - một tác phẩm Việt Nam; (http://vanvn.net/news/11/589-truyen-kieu---mot-tac-pham-viet-nam.html  ngày 07.07.2011)

 

 

BÀI 5

VẺ ĐẸP THUÝ VÂN và NHỮNG NGỘ NHẬN

 

Mở đầu Truyện Kiều có đoạn tả tài sắc hai thiếu nữ nhà họ Vương, trong đó 4 câu, từ 19 đến 22 là để tả Thuý Vân; riêng câu 20 đã gây nhiều tranh luận: “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” hay “khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang”?

Khuôn lưng” hay “khuôn trăng”/ “nét ngài” hay “nét người”? Câu hỏi làm tốn nhiều giấy mực. Hàng mấy chục năm qua, người đọc thơ nêu nhiều thắc mắc xoay quanh những lí giải khác nhau giữa các công trình biên soạn của các học giả đã chú thích, hiệu đính Truyện Kiều bằng quốc ngữ. Bên cạnh những biên soạn của  những người danh tiếng như Trương Vĩnh Ký, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Tài Cẩn… lại xuất hiện một số bài viết với các luận đoán sai vì chủ quan, vì chỉ biết Truyện Kiều qua chữ quốc ngữ, không hiểu được cái phức tạp trong cấu trúc chữ nôm.

 

ĐIỂM MẤU CHỐT: VIỆC PHIÊN ÂM CÁC BẢN KIỀU NÔM.

 

Truyện Kiều bao thế kỉ qua được mọi tầng lớp từ trí thức đến bình dân ưa chuộng nên được khắc ván in nhiều lần bằng chữ nôm. Số lượng bản Kiều nôm hiện sưu tầm được tương đối nhiều hơn so với các tác phẩm chữ nôm khác. Ngoài các bản lưu trữ ở thư viện trong và ngoài nước, hiện nay tại kho sách của ông Nguyễn Khắc Bảo, một thầy thuốc đông y ở Bắc Ninh có đến 52 bản Kiều nôm cổ, trong đó có một bản chép tay được cho là cuốn đã được dùng làm mẫu để khắc in bản Kiều nôm Liễu Văn Đường 1866. Tại đây cũng có một bản được sưu tầm từ hậu duệ gia đình anh trai thi hào Nguyễn Du là ông Nguyễn Trừ.

Nhiều bản Kiều nôm khác cũng đang được các học giả lưu giữ ở thư viện riêng. Đây là những căn cứ giúp ta có thể phân biệt được đúng sai.

Để xác định được “khuôn lưng” hay “khuôn trăng”; “nét ngài” hay “nét người” thì cần xem các bản Kiều nôm cổ.

A-    KHUÔN LƯNG” hay “KHUÔN TRĂNG”?

Trong chữ Hán, chữ nguyệt và chữ nhục khác nhau - nhưng khi biến thành bộ(1), lại giống nhau, cùng viết là (2).

Ví dụ :

-                     Chữ lãng gồm bộ nguyệt bên phải và chữ lương bên trái.

-                     Chữ hồ   gồm bộ nhục bên phải và chữ cổ bên trái.

Tuy lãng hồ có phần bên phải nhìn chẳng có gì khác nhau cả nhưng phần giống nhau này lại là 2 bộ khác nhau. Trong chữ lãng  là bộ nguyệt – còn trong chữ hồ là bộ nhục. Chính vì vậy, có nhiều người nhầm. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay chữ thế nhưng cũng nhầm! Cứ nghĩ họ hồ của mình được kết bởi 2 chữ cổ nguyệt ( = +), Hồ Xuân Hương đặt tên ngôi nhà ngâm vịnh thơ bên hồ Tây là Cổ Nguyệt đường. Thật ra chữ hồ kết thành bởi 2 chữ : cổnhục cho nên ngôi nhà này phải là Cổ Nhục đường mới đúng.

Khi tạo hình chữ nôm, các nhà Nho nước ta cũng rơi vào tình cảnh như vậy đối với 2 chữ:

-                     Trăng : temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF 

-                     Lưng  : temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF

Nhìn hai chữ thì tưởng hoàn toàn giống nhau đấy nhưng người đọc văn nôm phải biết phân biệt theo ngữ cảnh, khi nào thì đọc là “lưng”, khi nào lại đọc là “trăng”.

Nếu đọc là “lưng”  thì phải biết bộ nằm phía trái là bộ nhục (bởi lưng thuộc thân thể, tất phải có thịt [nhục] trong đó).

Nếu đọc là trăng thì bộ nằm phía trái lại là bộ nguyệt (trăng).

Điều oái oăm này đã xảy ra ở câu 20 của Truyện Kiều. Xin chứng minh trong khuôn khổ 5 bản Kiều nôm:

1.     Bản Liễu Văn đường 1866 :

temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF(Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang)

2.     Bản Kinh đời Tự Đức 1870:

temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF (Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang) (3)

3.     Bản Liễu Văn đường 1871:

temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF (Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang).

4.     Bản Duy Minh Thị 1872:

temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF (Tư phong đầy đặn, nét ngài nở nang).(4)

5.     Bản Kiều Oánh Mậu 1902:

temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF (Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang).

Vậy là trừ bản Duy Minh Thị, 4 bản nôm còn lại có 4 chữ đầu câu 20 viết giống nhau: temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF (5).

4 chữ này được hầu hết các nhà nghiên cứu đọc là “khuôn trăng đầy đặn”, chỉ có Trương Vĩnh Ký đã đọc là “khuôn lưng đầy đặn”. Gần đây học giả Nguyễn Quảng Tuân cũng đã phiên âm 4 chữ này của bản Kinh 1870 là “khuôn lưng đầy đặn”.

 

Một trang của bản Kiều nôm năm 1870 do học giả Nguyễn Quảng Tuân trong chuyến đi Mỹ năm 2000 được GS. Đàm Quang Hưng tặng. Đây là bản viết tay của Tiểu Tô Lâm – Noạ Phu chép tại kinh đô Huế năm 1870 khi đang làm quan ở bộ Công dưới triều Tự Đức. (6)

(Trang chữ bắt đầu từ câu 15. Đọc theo hàng dọc, từ phải sang.

Mỗi hàng dọc gồm 2 câu thơ.)

15. Đầu lòng hai ả tố nga.

16. Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.

17. Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
18. Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

19. Vân xem trang trọng khác vời,
20. Khuôn lưng đầy đặn, nét người nở nang.
21. Hoa cười ngọc nói đoan trang,
22. Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.

23. Kiều càng sắc sảo mặn mà,
24. So bề tài sắc lại là phần hơn.

25. Nền thu thuỷ, thấp xuân sơn,
26. Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
27. Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
28. Sắc đành có một, tài đành hoạ hai.

* Câu 18 và câu 20 có 2 chữ “người” được vòng mực đỏ.

 

 

Vấn đề đặt ra ở đây là: Vậy hiện nay, viết bằng quốc ngữ, ta nên chép câu này là “Khuôn trăng đầy đặn” hay “khuôn lưng đầy đặn”?

Nói nghe cũng kì nhưng quả thật chữtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF đọc là trăng cũng được mà đọc là lưng cũng được. Nếu đọc là trăng thì đây là câu thơ tả người thiếu nữ có khuôn mặt đầy đặn, còn đọc là lưng thì lại hiểu ra là một nàng Thuý Vân mập mạp. Tuy vậy nên đọc là “khuôn trăng” thì hơn.

Để giải thích lí do, xin trích sau đây lời kể của GS. Nguyễn Huệ Chi:

“…Còn nhớ vào những năm gần giữa thập niên 60 thế kỷ XX, tại Viện Văn học có những buổi tọa đàm sôi nổi nhằm góp ý cho bản Kiều khảo đính và chú giải của Viện trước khi đem xuất bản trong dịp kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (1965). Là một thành viên Tổ văn học Cổ cận đại của Viện lúc ấy, tuy mới ra trường có mấy năm, tôi cũng được dự vào những cuộc thảo luận đó giữa các vị học giả. Tôi nhớ đây là những buổi trao đổi, đối thoại rất cởi mở, người trình bày và người góp ý đều có dịp bày tỏ hết chính kiến của mình. Vốn từng bị định kiến bởi điển “mày tằm nằm” từ hồi còn học ở trường, khi bàn đến mấy câu “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, tôi cứ thấy có điều gì đó chưa thật yên tâm. Nghe các soạn giả cho biết còn có thể phiên âm “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” - vì chữ trăng viết Nôm là temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFgồm chữ nguyệt biểu nghĩa và chữ lăng biểu âm, song chữ nguyệt lại cũng có thể hiểu là bộ nhục chỉ những gì thuộc về thân thể, và trong trường hợp ấy thì temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF lại phải đọc là lưng, một bộ phận trong cơ thể động vật cũng như con người; còn chữ ngài có hai cách viết Nôm: viết là temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF(nhân biểu ý + ngại biểu âm) thì có nghĩa là “người”, còn viết là temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF(trùng biểu ý + ngại biểu âm) thì có nghĩa là “con tằm”; tuy thế, chữ Nôm thường viết lẫn chứ không tách bạch rạch ròi mà nghĩa vẫn thông với nhau - tôi hứng thú với cách phiên âm thứ hai và giơ tay tỏ ý biểu đồng tình, nhất là khi nghe chính một nhà bác học như Trương Vĩnh Ký từ lâu cũng đã từng phiên Khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang (1875). Giữa lúc các soạn giả đang trầm ngâm cân nhắc ý kiến của tôi thì một nhà nghiên cứu có mặt trong cuộc họp, ông Lại Ngọc Cang, nay đã quá cố, bằng những lời sắc sảo, nêu câu hỏi chất vấn ngay. Theo ông, trong việc lựa chọn dị bản của Truyện Kiều, bên cạnh các tiêu chí như tự dạng chữ Nôm và ngữ âm học còn có tiêu chí cần hết sức chú trọng là quan niệm thẩm mỹ của tác giả. Ca dao chúng ta thường nói đến “Những cô thắt đáy lưng ong” để hình dung vẻ đẹp của phụ nữ. Thử tưởng tượng một Thúy Vân “khuôn lưng đầy đặn nét người nở nang” nghĩa là từ trên xuống dưới thẳng đuột, không còn chỗ nào gọi là “eo” nữa thì trong mắt Nguyễn Du có còn là “ả tố nga” (người đẹp) nữa hay không? Tất cả phòng họp chợt tỉnh ra và cười ồ lên…”

Căn cứ vào mặt chữ không được, ta đành phải nhờ vào suy luận dựa trên thực tế đời thường. Trước vấn đề này, An Chi cũng viết: “… Mới ở câu thứ 17, Nguyễn Du còn tả hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân là "mai cốt cách, (tuyết tinh thần)" thì có lẽ nào đến câu 20 ông lại "phản phé" mà ''thổi'' Thúy Vân lên thành một người đẹp có thân hình nở nang? Tiểu thuyết gia hạng xoàng còn chưa làm được như thế, huống hồ Nguyễn Du!...” (7)

Vậy có lẽ không nên theo cách phiên âm của cụ Trương Vĩnh Ký “khuôn lưng đầy đặn” được. Câu 20 nên đọc là “ khuôn trăng đầy đặn…”

 

B-  “NÉT NGƯỜI” HAY “NÉT NGÀI” ?

 

Cái khó trong khi viết và đọc chữ nôm là thế. Đến “nét ngài”- “nét người” cũng phức tạp không kém.

Cũng xem 5 câu nôm trích ở trên ta thấy:

Bản Liễu Văn đường 1866             :temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF          (nét ngài)

Bản Kinh đời Tự Đức 1870           :temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFtemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF          (nét người)

Bản Liễu Văn đường 1871             :temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF         (nét ngài)

Bản Duy Minh Thị 1872                :temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF         (nét ngài)

Bản Kiều Oánh Mậu 1902             :temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF         (nét ngài).

Không cần bàn chữ “nét” vì các bản đều giống nhau, chỉ có chữ “người” – hay “ngài” thì bản Kinh 1870 viết rất rõ chữ “người” temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF còn tất cả các bản khác đều in là temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF “ngài”.

2 chữ “người” –“ngài” có tự dạng khác nhau và thuộc 2 bộ khác nhau. Chữ “người” temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF thuộc bộ (nhân) còn “ngàitemp.png
Generated from ./NomNaTong.TTFlà con sâu tằm thì thuộc bộ (trùng). Bản Kiều nôm 1870 đã viết rõ ràng chữ “người” với bộ nhân bên phải.

Vậy nếu dùng bản Kinh đời Tự Đức 1870 chẳng hạn để phiên âm thì câu 20 là “Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang”; còn nếu dùng một số các bản Kiều nôm khác thì sẽ là “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”.

Hiện nay chưa ai biết được nguyên bản đầu tiên lúc cụ Nguyễn Du viết ra sao. Bây giờ chỉ có những bản chép lại của người đời sau thì phải tuân theo nguyên tắc là phiên âm trung thành với bản nôm có được. 2 bản nôm khác nhau sẽ cho 2 bản quốc ngữ khác nhau.

-                     Đọc câu “Khuôn trăng đầy đặn nét người nở nang” ta hình dung được một Thuý Vân có khuôn mặt  đầy đặn với vẻ người tròn trịa, khác với Thuý Kiều. Cách tả này có vẻ toàn diện hơn và ăn khớp hơn với câu thơ trước đó : “Một người một vẻ mười phân vẹn mười”.

-                     Nếu là “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” thì câu thơ chỉ tả được mặt của Thuý Vân: giữa khuôn mặt đầy đặn là nét mày ngài thanh tú đẹp đẽ(8). Cách tả này chỉ tập trung ở khuôn mặt, không hay bằng cách tả trên. Vậy nhưng nghĩa cả hai câu đều có thể chấp nhận được.

Đến đây ta khẳng định một điều ở câu 20: Tuỳ theo bản Kiều nôm dùng để phiên âm mà bản quốc ngữ sẽ có chữ “ngài” hay “người”. Không thể nào lí giải là vì thổ âm vùng Nghệ Tĩnh mà phát sinh ra bản Kiều viết “người” thành “ngài” được bởi vì Nguyễn Du viết Kiều là viết bằng chữ nôm chứ!

Viết bằng quốc ngữ thì có thể là do thổ ngữ bản địa, người viết mắc lỗi chính tả, viết chữ “người” thành “ngài” được - còn Nguyễn Du viết Kiều và các nhà Nho xưa chép lại đều bằng chữ nôm thì 2 chữ temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF -  temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF khác nhau, một chữ chỉ người, một chữ chỉ côn trùng, làm sao mà lẫn lộn được?

Ai lí giải là ở câu 20, Nguyễn Du viết chữ “người” nhưng do thổ âm Nghệ Tĩnh mà viết lệch thành “ngài” là chứng tỏ không biết gì về chữ nôm hoặc mơ hồ mà tưởng rằng thời Nguyễn Du đã dùng chữ quốc ngữ (!).

---------------------------

 

CHÚ THÍCH:

(1) Tất cả chữ Hán tập hợp lại thành 214 bộ. Mỗi bộ gồm những chữ cùng dùng chung một thành phần giống nhau. Thành phần dùng chung ấy được gọi là bộ.

(2) Tình trạng này là đa số bên cạnh vài trường hợp đặc biệt : trong vai trò bộ thủ nhục vẫn giữ nguyên tự dạng gốc; VD: chí , hủ , luyến , tí

(3) http://www.nomna.org: Bản phiên âm của Nguyễn Quảng Tuân.

(4) http://www.nomna.org: Bản phiên âm của Nguyễn Tài Cẩn.

(5) Chữ “đặn” nôm có thể viết nhiều cách : temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF, temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF, temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF , temp.png
Generated from ./NomNaTong.TTF.

(6) Sau khi nghiên cứu, khảo dị, học giả Nguyễn Quảng Tuân đã có bài viết trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 368 ngày 1-11-2000 giới thiệu văn bản cổ này với các nhà nghiên cứu và các độc giả trong nước. (An Introduction to Truyện Kiều - An electronic version; http://nomfoundation.org/nom-project/Tale-of-Kieu).

(7) http://kienthucngaynay.info 07/06/2006.

(8) Theo An Chi thì “nét ngài nở nang” là chỉ là nét lông mày rạng rỡ, tươi tắn. Cũng cùng ý này, Gs. Nguyễn Huệ Chi sau khi dẫn chú thích của Nguyễn Thạch Giang: “nở nang: tươi tốt” đã nêu thêm chú thích của Đại việt quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) : “nở nang ” có hai nghĩa: 1. Nở ra tươi tốt; 2. Đẹp đẽ .

Vậy nét ngài nở nang nên hiểu là nét mày đẹp chứ không nên hiểu là nét mày to, rậm.

 

---------------------------------------------------------------

Bài 6

 

RỠ MÌNH LẠ VẺ CÂN ĐAI,
HÃY CÒN HÀM ÉN MÀY NGÀI NHƯ XƯA.

 

Hai câu thơ tả vẻ đẹp, vẻ oai nghi  của Từ Hải ngày gặp lại Kiều.

Đọc câu thơ, người đọc không khỏi băn khoăn bởi “hàm én” thì rõ rồi, đúng là để tả tướng mạo khách anh hùng, riêng chữ “mày ngài” thì lạ quá! Ba lần chữ “mày ngài” xuất hiện trong Truyện Kiều thì hai lần để tả Từ Hải và một lần…để chỉ gái buôn hương.

Một từ sao lại dùng tả tướng mạo hai đối tượng khác biệt nhau rất xa? Một là vẻ  oai nghi của võ tướng; hai lại dùng chỉ kĩ nữ.

Chỗ khúc mắc xin lí giải như sau:

Điều có thể khẳng định là chữ “mày ngài” Nguyễn Du dùng tuy có nguồn gốc từ chữ Hán nhưng không phải từ một chữ mà 2 chữ khác nhau.

 

A/ “MÀY NGÀI” DÙNG TẢ DUNG MẠO TỪ HẢI:

 

“…Râu hùm, hàm én, mày ngài,

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao”

“… Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

Hãy còn hàm én mày ngài như xưa”

 

1/ mày ngài” trong 2 đoạn thơ trên xuất phát từ ngoạ tàm mi .

    “Ngoạ tàm mi” là lông mày hình con tằm ngủ?

 

Nếu chỉ xem nghĩa của từ hợp thành thì ngoạ tàm là con sâu tằm nằm (tàm: con sâu tằm); ngoạ tàm mi nghĩa là lông mày giống hình như con sâu tằm ngủ(1). Gần trăm năm nay, nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều như Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, Phạm Kim Chi, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huệ Chi… cũng đã từng giải thích chữ “mày ngài” theo lối định danh này; riêng An Chi trên chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây, tạp chí Kiến thức Ngày nay số 117 và 565 thì ngược lại, đã phủ nhận các lí giải trên như sau:

“ Ngoạ tàm mi tuyệt đối không có nghĩa là “lông mày con tằm nằm”. Sở dĩ các nhà chú giải của ta cứ ngỡ và giảng như thế là vì họ chưa tìm hiểu cái cấu trúc đang xét cho đến tận ngọn nguồn. Lời dẫn của Phạm Kim Chi (“Diện như mãn nguyệt mi nhược ngoạ tàm”), ghi là lấy ở Tướng thư, thì chẳng qua chỉ là chép lại lời dịch câu “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” sang tiếng Hán trong bản Kiều Oánh Mậu 1902 chứ chẳng phải của sách “tướng thư tướng tịch” nào cả. Đến như hai tiếng tàm my (mày tằm), mà Nguyễn Thạch Giang đưa ra trong Truyện Kiều (chú thích và khảo đính) năm 1973, chẳng qua chỉ là một sự dịch ngược tuỳ tiện. Dĩ nhiên là ai kia có thể gặp may mà thấy được hai chữ tàm mi ở một chỗ nào đó, nhưng đây chỉ là một từ tổ tự do nên chỉ thuộc về lời nói chứ đâu có phải là một đơn vị cố định của ngôn ngữ.”

An Chi viết như trên quả là Truyện Thúy Kiều của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) có giải thích “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” là xuất phát từ câu văn trong sách Tướng thư: “Diện như mãn nguyệt mi nhược ngọa tàm 面 如 滿 月 眉 若 臥 蠶: mặt như mặt trăng tròn mà lông mi như con tằm nằm ngang. Đây nói cái tướng phúc hậu của cô Vân”.

Giải thích trên của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim cũng như của nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều về sau như Đào Duy Anh, Phạm Kim Chi, Nguyễn Thạch Giang, Nguyễn Huệ Chi…đã căn cứ vào câu văn trong sách xem tướng của Trung Hoa mà khẳng định nét ngài - mày ngài là xuất phát từ chữ ngoạ tàm mi và đây là kiểu lông mi hình con tằm nằm.

Khi phủ định giải thích này, học giả An Chi đã có phần cực đoan khi cho rằng …“Diện như mãn nguyệt mi nhược ngoạ tàm”, ghi là lấy ở Tướng thư, thì chẳng qua chỉ là chép lại lời dịch câu “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” sang tiếng Hán trong bản Kiều Oánh Mậu 1902 chứ chẳng phải của sách “tướng thư tướng tịch” nào cả. 

Thật sự, ở Trung Quốc có nhiều sách tướng bàn đến các kiểu lông mày, trong đó có kiểu “ngoạ tàm mi(2); có  sách còn vẽ hình lông mày đen đậm khởi đầu nhỏ rồi đến phần nhô cao, tiếp đến phần giữa hơi oằn xuống, phần đuôi sau lại hơi gồ lên rồi nhỏ dần, trông giống hình con sâu tằm đang nằm. Tìm ở kho sách giấy cũng nhiều nhưng nay tiện nhất là tìm ở các trang điện tử của Trung Quốc bàn về tướng pháp như 成老師-面相學堂 Thành Lão sư -Diện tướng học đường (http://www.tiger168.com); 面相學之吉凶概要 Diện tướng học chi cát hung khái yếu (http://www.ccy22723095.com);  济南文眉 - 眉型的分类 Tế Nam văn mi - mi hình đích phân loại (http://www.cnhszx.com)... Hoặc ví dụ vào trang điện tử 元亨利貞網 - Nguyên Hanh Lợi Trinh võng (http://www.china95.net), tìm đến mục 看相-眉与性格命运 Khán tướng - Mi dữ tính cách mệnh vận, sẽ thấy ngay một trang ảnh, kê các loại tướng lông mày, trong đó cóngo tàm mi”. Vào mục ngoạ tàm mi sẽ thấy hình vẽ của kiểu lông mày này:

 

 

“Khán tướng-Mi dữ tính cách mệnh vận” đã kê cả thảy 14 kiểu lông mày:

Nhất tự mi; Tảo trửu mi; Điếu tang mi; Tân nguyệt mi; Bắc đẩu mi; Sư tử mi; Tiêm đao mi; Khinh thanh mi; Ngoạ tàm mi; Thụ tâm mi; Liễu diệp mi; Long mi; Quỷ mi; La Hán mi.

Sách tướng nước ta cũng hay bàn về mấy kiểu lông mày quen thuộc như: Mày chữ nhất (nhất tự mi); mày chổi xể (tảo trửu mi); mày lá liễu (liễu diệp mi); mày tằm (ngoạ tàm mi)…

* Hình trên, chữ ngoạ tàm mi có vòng son đỏ và mũi tên chỉ đến kiểu mày này.

 

Quan Vũ (Tam Quốc chí) http://www.thefullwiki.org/臥蚕眉

Quan Vũ được tả với kiểu lông mày ngoạ tàm mi. Để hình tượng thật rõ hình dạng lông mày giống con sâu tằm: người Trung Quốc đã vẽ lên một con sâu màu xanh nhạt trên lông mày bên phải.

 

 

2/ “ngoạ tàm mi” cũng là kiểu lông mày đẹp:

Cũng trong bài viết đã nêu, An Chi cũng viện dẫn giải thích của Từ nguyên tự điển Vương Vân Ngũ đại từ điển: “Ngoạ tàm mi: Lông mày cong mà đẹp” để quyết đoán “ngoạ tàm mi” chỉ mang ý khẳng định vẻ đẹp của đôi lông mày.

Điều này nêu chứng cớ sách vở, song có thể đây là trường hợp của nghĩa phái sinh.

Trong kho từ vựng, một từ mới xuất hiện, ban đầu nó chỉ mang nghĩa gốc. Lúc này từ có thể chỉ được hiểu theo lối định danh nhưng dần dà theo thời gian, do nhu cầu biểu ý của cộng đồng, đã phát sinh nhiều nghĩa mới. Chính điều này đã sinh ra những nhập nhằng trong cách hiểu, dễ sinh ra nhiều ngộ nhận trong giao tiếp.

Có câu chuyện đứa cháu nhỏ chuyện trò với ông nội 80 tuổi:

-  Ông ơi! Ông nhắm mắt lại đi!

-  Gì vậy cháu?

-  Mẹ bảo ông mà nhắm mắt thì bố sẽ giàu to! (3)

Quả thực từ “nhắm mắt” trong câu nói của mẹ đứa bé đã không được dùng với nghĩa gốc mà dùng với nghĩa phái sinh. Cái nhập nhằng về nghĩa của từ đã khiến trẻ con bị nhầm. Thực tế trên thế giới đã có nhiều trường hợp nghĩa phái sinh phức tạp, oái oăm hơn nhiều và cũng kèm theo nhiều câu chuyện kể cười ra nước mắt. Nghĩa phái sinh trong từ ngữ của nhiều dân tộc đôi khi chuyển biến rất xa, qua hàng ngàn năm rồi lấn át, có khi khiến người ta quên hẳn không còn biết gì đến nghĩa gốc ban đầu, việc tầm nguyên của nhà biên soạn từ điển có khi chưa chắc đã tìm đến.

Đến đây ta có thể nêu nghi vấn: từ ngoạ tàm mi mang nghĩa lông mày đẹp có thể là một trường hợp phái sinh? Hẳn từ đã xuất hiện trong nghề chăn tằm từ ngàn xưa, con tằm ngủ để chuẩn bị lột xác qua giai đoạn mới trông rất đẹp, rất sung mãn, bóng bẩy. Cái đẹp của tằm ngủ trong cái nhìn của người chăn tằm đã khiến họ liên tưởng đến đôi lông mày đen mượt, đường nét phân minh… và từ đó phát sinh ý niệm kiểu lông mày ngoạ tàm mi. Ngoạ tàm mi trong tướng pháp là quý tướng của nam giới. Kiểu lông mày này đẹp, hắc bạch phân minh chứ không có vẻ hung dữ đáng sợ như kiểu lông mày sâu róm mà GS. Nguyễn Huệ Chi có nhắc đến trong bài “Nét ngài” và “mày ngài”(4). Nguyễn Du dùng chữ “mày ngài” tả khuôn mặt của Từ Hải là đã vận dụng nghĩa này; hơn nữa viết Truyện Kiều hẳn Nguyễn Du chỉ nhờ vào vốn sách vở…kinh, sử, truyện… của nhà Nho. Điều kiện sách vở thời này chắc chắn không thuận tiện như hôm nay, lúc viết câu, dùng từ cho thơ hẳn nhà thơ cũng chẳng thể mở các từ điển tầm nguyên mà cân đong, viết thật sát nghĩa từ điển cho từng trường hợp.

Kết lại vấn đề: ta có thể tin được rằng trong tướng thư của Trung Quốc có kiểu ngoạ tàm mi  có hình dạng của con tằm ngủ. Nguyễn Du viết Truyện Kiều đã dùng kiểu dạng này để tả đôi lông mày đẹp và oai nghi của Từ Hải.

 

B/ “MÀY NGÀI” DÙNG CHỈ GÁI BUÔN HƯƠNG:

 

Nguyễn Du dùng phép hoán dụ của biện pháp tu từ: “Bên thì mấy ả mày ngài, / Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi”.

Để chỉ gái buôn hương, mày ngài dùng ở đây không cùng gốc với  trường hợp nêu ở phần trên (A/) mà lại xuất phát từ chữ 蛾眉(5) nga mi.

Hỗ động Bách khoa互动百科 của Trung Quốc đã thích nghĩa chữ nga mi với 6 nghĩa, trong đó nghĩa thứ nhất ghi như sau: 蛾眉: 蚕蛾触须细长而弯曲,因以比喻女子美丽的眉毛Nga mi : Tàm nga xúc tu tế trường nhi loan khúc, nhân dĩ tỉ dụ nữ tử mỹ lệ đích mi mao…( Nga mi:  Râu con bướm tằm dài mà cong, nhân lấy đó mà ví với lông mày đẹp của phụ nữ).

Vậy là cùng một chữ mày ngài nhưng ở 2 trường hợp khác nhau, Nguyễn Du dùng 2 nguồn từ Hán khác nhau: mày ngài của Từ Hải là ngoạ tàm mi (lông mày sâu tằm) còn của kĩ nữ là nga mi (lông mày râu bướm tằm).

Xin trích thêm ở đây một đoạn trong bài viết “Nét ngài-mày ngài” của GS. Nguyễn Huệ Chi để làm rõ thêm vấn đề : “…Trong tiếng Việt con ngài có hai nghĩa, nghĩa đầu tiên là con bướm tằm do con nhộng trưởng thành cắn kén chui ra; bướm tằm có hai loại đực và cái, sẽ giao phối với nhau đẻ ra trứng, trứng ấy lại nở ra thành con tằm. Vì ngài là một chặng trong quá trình sinh trưởng của giống tằm nên người ta cũng quen miệng gọi con tằm là con ngài. Nhưng nghĩa thứ hai này không phổ biến bằng nghĩa thứ nhất. Ở đây, “mày ngài” trước hết có nghĩa là lông mày của con ngài tức con bướm tằm rồi sau mới có thêm nghĩa là lông mày giống hình con tằm. Nếu ai đã sống ở những vùng trồng dâu nuôi tằm tất sẽ biết khi con ngài vừa ra khỏi kén, nhất là con cái, trên hai mắt có hai chiếc râu cong dài, đẹp như lông mày phụ nữ.” (6)

 

济南文眉 - 眉型的分类

“TẾ NAM VĂN MI - mi hình đích phân loại” đã kê cả thảy 28 kiểu lông mày. Kiểu nga mi ở hàng thứ ba, bên trái (được đánh dấu bằng vòng tròn xanh lá). Kiểu ngoạ tàm mi khá đẹp ở hàng cuối, bên trái (được đánh dấu bằng khung đỏ).

Vậy là rõ, sở dĩ có chuyện rắc rối chẳng qua là do từ “ngài” trong tiếng Việt. Con sâu tằm cũng gọi là con ngài rồi con bướm tằm lại cũng gọi là con ngài, từ đó sinh ra từ mày ngài, mày tằm. “mày ngài, mắt phượng” rồi “mày tằm, mắt phụng”! Khi nào mày ngài được hiểu là mày như hình sâu tằm, khi nào mày ngài lại phải hiểu là mày như hình râu bướm tằm ? Quả là phức tạp!

===========

 

CHÚ THÍCH:

(1) Tằm ăn lá dâu lớn dần. Lúc chuẩn bị lột xác để sang giai đoạn sau, tằm nằm bất động. Lúc này người chăn tằm gọi là “tằm ngủ”.

(2) Khoa diện tướng còn gọi quầng da thịt dưới mắt người là ngoạ tàm. Đây là vấn đề khác, không liên quan gì đến kiểu lông mày ngoạ tàm.

(3) Kiến thức ngày nay số 789.

(4)-(6) http://www.talawas.org.

(5) Nga là con bướm tằm thuộc bộ “trùng” vẫn thường lẫn lộn với chữ nga thuộc bộ “nữ” nghĩa là đẹp, vì vậy “nga mi” lại còn được hiểu với nghĩa: Lông mày đẹp (của phụ nữ).

 

 

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Cẩm Xuyên