Thử tìm hiểu lọ hoa này do ai sản xuất?

Vietsciences- Hồng Lê Thọ                     20/08/2015

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

 

--nhiều ý kiến đa chiều khá thú vị--

 

 [Kính tặng hương hồn bác Năm C.]

 

 

Vào tháng 3 năm 1985, tôi còn nhớ ngày mới dọn về ở đường Võ Thị Sáu(TPHCM) được hai tháng, bác Năm C., chủ nhà niềm nở đem biếu một chiếc lọ hoa mà theo bác là “loại gốm đặc biệt của Bát Tràng” từ “ngoài ấy” mang về! Bác Năm C. tặng tôi vì thấy tôi có chưng bày vài món đồ ta. Vui vẻ đón nhận nhưng trong lòng vẫn thắc mắc về xuất xứ của chiếc lọ này vì nó quá đẹp với hoa văn ám họa khá đặc sắc, men bóng lượn, có chiếc bụng phệ…thật khó thấy ở loại gốm Việt xưa kia. Tính tò mò và hiếu kỳ đã đeo bám tôi trong một thời gian dài…và hôm nay xin “lạm bàn” về nguồn gốc của nó “nửa tin nửa ngờ” như dưới đây.

Lọ hoa “Bát tràng” hay céladon đời nhà Nguyên(1)? Điểm đáng  lưu ý là chiếc bình này rất nặng tay kiểu Céladon thời Bắc Tống. Vậy thì là…lọ  hoa này do ai sản xuất, liệu có phải là hàng “nhái” sản xuất ở Việt Nam vào đời nhà Minh theo chỉ thị của thiên triều Trung Quốc? Điểm thú vị và buồn cười là chân lọ lắc lư, không ổn định chứng tỏ…người thợ ở đây(?) khá cẩu thả mà phần lớn là loại đố sứ gốm ở nước ta thường xuất hiện tượng này không ít! “Nhiều tư liệu lịch sử và khảo cổ cho biết trong những tù binh người Tống bị bắt đưa về khai hoang ở Thanh Hóa vào năm Ất Mão (1075) khi Lý Thường Kiệt đem quân sang đánh Châu Khâm, Châu Liêm (Trung Quốc) và sau đó là đợt di dân chạy loạn giặc Nguyên Mông, đã có một số danh nhân nghề gốm sứ Bắc Tống sang miền Bắc, mang kỹ thuật Céladon về định cư định canh ở Thanh Hóa và sản xuất đồ gốm sứ ở đây trong suốt gần 2 thế kỷ với mô típ phù hợp với văn hóa Việt Nam, chịu ảnh hưởng của đạo Phật thịnh hành vào thế kỷ 11 - 13. Không những thế, trong cuộc sơ tán này, họ còn mang theo nhiều sản phẩm sành sứ sang Việt Nam và đó cũng là lý do tại sao chúng ta tìm thấy nhiều đồ cổ quí giá của Trung Quốc có mặt ở nước ta”(HLT-- “Theo dấu vết của Con đường Tơ Lụa trên Biển” (2) . Từ những lý do đó, chúng ta có thể hình dung sản phẩm này có thể được sản xuất tại Thanh Hóa bởi những người Trung Quốc di dân vào thời Tống theo kiểu hàng nhái hơn là sản phẩm chính gốc của thời nhà Nguyên sau này?

Mặt khác, theo định thuyết, nghề làm gốm ở Bát Tràng hình thành từ thời đầu nhà Lý(TK 12) du nhập kỹ thuật của thời bắc Tống (xem Wikipedia về Gốm Bát Tràng). Đáng lưu ý là vào ”Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Do nhu cầu phát triển của kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo (của dòng người Việt lẫn người Hoa) đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh(theo Wikipedia). Do vậy trong quá trình phát triển nghề gốm, đương nhiên có nhiều quan hệ giao lưu và có tiếp nhận một số ảnh hưởng của gốm sứ Trung Quốc cho nên việc người Hoa ở Bát Tràng theo “chỉ thị” của hoàng đế Thiên triều, sản xuất loại hàng mô phỏng các loại sứ gốm Trung quốc trước kia cũng là điều dễ hiểu (3)

 

Céladon đời nhà Nguyên(TK 14)

Nói khác đi, để khẳng định lọ hoa này có phải là của Bát Tràng hay một nơi nào khác ở nước ta, có thuần Việt hay không thì người viết cảm thấy lúng túng vì chưa thể tìm ra một tiêu bản hay vật dụng tương tự từ những tài liệu nghiên cứu về Bát Tràng để so sánh mặc dù trong thâm tâm rất muốn và dù rằng dưới chân chiếc lọ này có sơn màu nâu chocolat để chứng tỏ nó là sản xuất có gốc ở Việt Nam?!  Hơn thế nữa ‘đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả mầu ngà, đục”(Wikipedia). “Men ngọc của Bát Tràng, dù ở các sắc độ khác nhau nhưng sự xuất hiện của nó mang ý nghĩa rất lớn vì chỉ thấy trên đồ gốm Bát Tràng thế kỉ 16–17 và có thể xem đây là một dữ kiện đoán định niên đại khá chắc chắn cho các đồ gốm Bát Tràng trên nhiều loại hình khác nhau”. Nếu giả thuyết này đúng thì lọ men ngọc này chỉ có thể ra đời 200-300 năm sau so với sản phẩm đời Nguyên thuộc TK14!?

 

 

 

Nên nhớ sản phẩm của Bát Tràng của người Việt ở thời điểm bấy giờ(thế kỷ 11-14) chưa hình thành kỹ thuật nung sứ gốm ở nhiệt độ cao(trên 1300 độ C) vì vậy không thể “đoán” mò, cho rằng người Việt bản xứ sản xuất mà chỉ dám nói có thể là sản phẩm của những người Hoa bắc tống di cư sang Thanh Hóa chế tác mà thôi. Ngay ở Bình Định, người Tống cũng đã xây dựng nên nghề sứ gốm và phải chăng Gò Sành phát triển nhờ bàn tay của họ?(4) Mặt khác, xét về độ men bóng của 2 lọ ở trên, chúng ta thấy không có sai biệt rõ rệt, nhưng về hình dáng cảm quan thì lọ của nhà Nguyên có vẻ đều đặn, cân đối nhẹ nhàng hơn so với lọ “Bắc Tống”. Điểm này phải chăng là một trong những yếu tố giúp chúng ta xác định được chiếc lọ  “Bắc Tống” này rất có khả năng sản xuất tại Thanh Hóa hơn là từ một là quan diêu đời nhà Nguyên bên Trung Quốc. Liệu kiến giải của Bùi Ngọc Tuấn có đủ sức thuyết phục khi cho rằng   người Việt đã làm đồ men ngọc đẹp dưới đời Lý, khi nhà Tống vẫn còn thịnh trị ở Trung Hoa. Quả thật, đồ men ngọc Thanh Hóa đẹp không khác gì đồ men ngọc đời Tống. Một số đồ men ngọc Thanh Hóa có dấu vết đồ nhà Tống như hoa văn nổi hình lưỡng long, 2 hay 3 em bé trai chơi trong vườn hoa, nhưng có khi người ta lại Việt hóa đi mà vẽ 2 lực sĩ đấu vật trong vườn hoa… Những yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật tương đồng này đưa ông Vương Hồng Sển đến kết luận rằng các món đồ ấy đều do người Tầu sang Thanh Hóa làm. Cụ Vương nói rằng sau năm 1368, người Tầu về xứ nên không ai làm đồ men ngọc ở đó nữa”(5)

 

Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu đồ cổ Việt Nam(hay Đông dương) của phương tây trước năm 1945 chưa phân biệt được sản phẩm céladon là của người Việt hay người Hoa di cư vì dưới mắt của họ tất cả đều giống nhau(?!), cũng là “người tàu” cả? Theo Phong Uyên thì “Các nhà khảo cổ trường Viễn Đông Bác Cổ không phân biệt nổi đồ men ngọc tìm được ở Thanh Hóa và đồ men ngọc Nam Tống. Ở Hôtel Drouot Paris, chỗ hay bán đấu giá đồ gốm cổ Trung Quốc mà tôi mỗi khi rảnh thường tới xem, đồ "Tanhoa" (Thanh hoá) bao giờ cũng được các nhà chuyên môn xếp loại là đồ Song (Tống) và có vài đồ ngay các nhà chuyên môn cũng không phân định nổi là đồ làm ở Thanh Hóa hay đồ Nam Tống(6).

Như trên đã trình bày, cũng có thể suy luận rằng có khả năng đây là hàng nhái các sản phẩm ở Trung Quốc thường xuất hiện trong dân gian được làm thời nhà Minh rất phổ biến và công khai (được nhà cầm quyền ủng hộ) , khá sắc sảo mà nghề gốm ở Bát Tràng của người Việt khó có thể bắt chước(7) mặc dù Việt Nam-- trong thời gian nhà nước Trung Hoa cấm xuất khẩu ra nước ngoài bằng đường biển vào thế kỷ 15-- đã sản xuất hàng gốm sứ men lam xuất khẩu khá phong phú đi các nước ĐNÁ, Nam Á, Tây Á và Trung Đông(8)

 

 

Hồng Lê Thọ

8/2015

 

Chú thích:

(1) Đặc điểm đồ sứ thanh hoa thời nhà Nguyên

(http://covattinhhoa.vn/news/detail/675/dac-diem-do-su-thanh-hoa-thoi-nha-nguyen.cvth)

(2) http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/theodauvetcondtltb.htm)

Ngoài  ra theo Bùi Công Tự” cuộc di cư của người Hoa đến Việt Nam phổ biến từ sau các cuộc chiến tranh ở Trung Quốc. Họ chạy trốn các cuộc chiến cuối đời Đường – đầu đời Tống (960-1279), cuối đời Tống – đầu đời Nguyên (1279-1368), cuối đời Nguyên – đầu đời Thanh (1662-1911).
Những đô thị thương mại như Vân Đồn (TK XV), phố Hiến (TK XVI), Hội An (TK XVII) và Sài Gòn – Chợ Lớn (TK XVIII-XX) là nơi tập trung nhiều người Hoa sinh sống nhất.
Năm Kỷ Mùi (1679) hai viên tướng của nhà Minh là tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Trân Thượng Xuyên, sau khi thua trận với người Mãn Thanh, đã đem 3000 quân chạy sang vùng cửa biển Thuận An của Việt Nam. Không chịu làm tôi tớ cho nhà Thanh nhưng họ chấp nhận làm bề tôi cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã cưu mang những người Trung Quốc này, cho họ về ở vùng Biên Hòa (Trần Thượng Xuyên) và vùng Mỹ Tho (Dương Ngạn Địch). Sau này những người Trung Quốc nói trên đã đóng góp vào việc phát triển những vùng đất đó…”[NGƯỜI VIỆT NAM CÓ BÀI HOA KHÔNG ?

http://trannhuong.net/tin-tuc-9074/nguoi-viet-nam-co-bai-hoa-khong-.vhtm]

 

(3) Theo Bùi Ngọc Tuấn thì “Bát Tràng đã làm đồ gốm từ trước đó lâu rồi, năm 1435 Nguyễn Trãi đã viết trong Dư địa chí rằng Bát Tràng đã cung cấp đồ bát chén làm cống phẩm cho triều Minh. Làm bát chén được lựa làm cống phẩm thì đâu phải là tay mới ra nghề. Số người từ Chu Đậu dời đến Bát Tràng chỉ làm tăng thêm lượng và phẩm của gốm Bát Tràng, chứ người ở làng này vẫn làm đồ gốm lâu rồi”

( http://vlxdphongthuyviet.blogspot.com/2014/11/tu-lieu-ang-oc-ve-gom-co-viet-nam-o-gom.html).

 

(4) “Miền gốm cổ Gò Sành”(Sương Nguyệt Minh)

“…Lâu nay, người ta vẫn cho rằng gốm Gò Sành là sản phẩm của dân Tống lưu vong. Năm 1271, Nam Tống rên siết dưới vó ngựa bách chiến bách thắng của quân Nguyên Mông. Dân Tống chạy loạn khắp nơi; tất nhiên trong số người chạy giặc ấy cũng có các nghệ nhân gốm tài hoa gạt nước mắt bỏ quê, bỏ đất, bỏ nghề trốn về phương nam. Có những người hoang mang lo sợ, không yên tâm với vó ngựa Nguyên Mông đã chiếm gần hết châu Á và một phần châu Âu chạy mãi, chạy mãi xuống tận Đại Việt. Sử gia Đại Việt đã từng chép sự kiện năm 1274: “Mùa đông, tháng 10, người Tống sang quy phục. (Trước đó, nước Tống ở mé Giang Nam, người Nguyên thường hay lấn đánh. Đến đây, họ đem 30 chiếc thuyền biển chở đầy của cải và vợ con, vượt biển đến La Cát Nguyên. Đến tháng 12, dẫn về kinh, an trí ở phường Nhai Tuân, họ xưng là người Hồi Kê. Người nước ta gọi người Tống là Kê quốc…)”.”Trước khi người Tống lưu vong sang vương quốc Vijaya thì người Chăm đốt lò lửa nung gốm mới được khoảng 600 độ nên sản phẩm chỉ là đất nung và gốm gia dụng. Người Tống lưu vong có mặt ở Vijaya thì lửa nung gốm mới vượt qua ngưỡng 1000 độ và sản phẩm ra là gốm cao cấp gồm đồ ngự dụng, đồ tế tự, đồ thương phẩm”.

http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=9665

 

(5) "Tôi cho rằng trong thời sức khoẻ còn sung mãn, nếu cụ Vương có cơ hội sưu tầm và nghiên cứu về đồ gốm Việt Nam thì nhận xét của cụ chắc cũng sẽ khác. Cụ Vương vốn là người miền Nam, thời đại và nơi chốn (đất nước phân chia, chiến tranh khốc liệt) đã giới hạn sự tìm hiểu và sưu tập của cụ rất nhiều. Theo những sách cụ viết thì tôi thấy cụ chỉ chú tâm đến đồ Trung Hoa, đời Tống, Minh Thanh, mà chú trọng hơn hết lại là đồ ngọc. Vì thế những điều cụ nói về đồ gốm Việt Nam cũng là sản phẩm tất nhiên của các yếu tố đó”

http://vlxdphongthuyviet.blogspot.com/2014/11/tu-lieu-ang-oc-ve-gom-co-viet-nam-o-gom.html)

 

(6) http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7697&rb=)

(7) Việc sản xuất nhái hàng đồ sứ (của các thời kỳ trước) dưới triều đại nhà Minh (1368-1644) Gốm sứ được ưa chuộng bởi triều đình đương thời cũng tìm đường lần về với những đồ từng được sản xuất dưới thời các Hoàng đế Minh Yongle(Vĩnh Lạc—1402-1424), Xuande(Tuyên Đức—1425-1435), và Chenghua(Thành Hóa—1464-1487), và các bản sao như thế lại được ủy nhiệm để làm. Trong suốt thời kỳ này, không những đã có những đồ gốm sứ bắt chước gốm sứ của các dòng Guan, Ding, Ge, Jun, Longquan của triều đại Tống mà còn có đô sứ nền trắng vẽ men lam, đồ doucai (đấu thái) , đồ sứ vẽ men 2 màu đỏ và xanh lá và đồ sứ nền men trắng vẽ men đỏ sao chép lại đồ được sản xuất đầu thời kỳ nhà Minh.

(https://khanhhoathuynga.wordpress.com)

 

(8) …Hàng men lam của Việt Nam mà trong suốt thế kỷ thứ 15 đã chiếm lĩnh thị trường nước ngoài vùng Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á và Trung Đông. Trong suốt đầu thế kỷ 15, Người Việt Nam đã lợi dụng cơ hội của chính sách cấm hoạt động trên biển của các Hoàng Đế thời kỳ đầu nhà Minh và trở thành lực lượng sản xuất chính lấp vào khoảng trống nguồn cung hàng men lam cho các khách hàng hải ngoại. Mối liên hệ giữa hàng men lam Việt Nam và Vân Nam là một chủ đề còn chưa được giải quyết khác, hiện tại vẫn còn bàn cải. Về mặt phong cách, các motif trang trí tương tự nhau ngay cả việc tương tự với hàng của Cảnh đức trấn khi so sánh. Ngay cả nước áo (đất sét lỏng) màu nâu thông thường nhận thấy ở phần đáy (đế) của hàng Việt Nam đôi khi cũng bắt gặp trên các đồ celadon hoặc men lam của Vân Nam. Các chuyên gia TQ cùng quan điểm cho rằng thợ gốm Việt Nam đã sao chép các trang trí của đồ men lam Vân Nam… Thực tế thì các hàng men lam của Việt Nam ban đầu đã sao chép các motif Nguyên một cách khá trung thành. Một vài món trong số này còn có các thuộc tính ghi niên đại cuối nhà Nguyên. Trong khi đó khi nói tới hàng hóa Vân nam cổ nhất, một vài vò lớn có niên đại cuối Nguyên nhung lại thể hiện các đặt tính của đồ men lam đầu nhà Minh ( ý nói do Việt Nam bắt chướt nên chậm đổi mode !?). Hơn nữa còn có một bằng chứng có khã năng giải thích được từ báo cáo viết bởi John Guy về một mẫu vật có niên đại sớm hơn có đồ họa hoa dây trên mảnh bát vỡ men lam được tìm thấy tại Ryukyus ( Nhật). có lẽ nó đã đến đây sớm nhất là vào khoảng 1363 nhung không thể muộn hơn 1416. Một cái chén tương tự có motif vẽ hoa màu nâu chứa sắt có niên đại 1330 đã được tìm thấy tại Nhật Bản. Di chuyển bằng đường bộ giửa Vân Nam và Việt Nam thực hiện dễ dàng hơn di chuyển đến các vùng khác tại Trung hoa. Bởi người thợ gốm Việt Nam đã dung cobalt của vùng Vân Nam trên nhiều hàng hóa men lam nên nó cũng là chứng cứ rỏ ràng cho việc giao thoa này(Mối liên hệ nào giữa gốm sứ Chu Đậu và sứ men lam cổ Vân Nam…”

(http://vuhailam.violet.vn/entry/showprint/entry_id/5682523)
 

Bài đọc thêm :

** Hok Lam Chan: "Tỵ nạn Trung hoa tại An nam và xứ Chàm cuối thời nhag Tống" http://www.gio-o.com/NgoBac/NgoBacHChan.html

** Sản xuất đồ gốm sứ ngày nay (Youtube)

 

            ©  http://vietsciences.free.fr   Hồng Lê Thọ