Xin lỗi, từ chức, chuyện Đông Tây

Vietsciences- Tương Lai                     16/09/2009

 

Những bài cùng tác giả

 Cách đây hai ngàn năm, cụ Khổng đã khuyên các nhà làm chính trị “tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, tạm dịch là làm trước điều mình muốn nói, rồi hãy nói. Điều này không là nét riêng của văn hóa phương Đông, đặc biệt là trong phạm trù “văn hóa lãnh đạo”.

Xin dẫn ra lời xin lỗi mới rồi của ông thủ tướng Anh: “Tôi muốn thay mặt tất cả các chính khách, các đảng phái xin lỗi vì những gì đã xảy ra. Các nghị sĩ Quốc hội phải có trách nhiệm chứng tỏ rằng họ được bầu vào nghị viện để phục vụ các quyền lợi của công chúng chứ không phải vì lợi ích bản thân”.

Lời xin lỗi này đưa ra khi Daily Telegraph phanh phui những khoản chi tiêu công quỹ. Trong lúc đất nước đang vật lộn đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng thì Thủ tướng Brown từng trả cho người em trai 6.500 bảng (9.934 USD) về công việc dọn dẹp căn hộ của ông ở Westminster. Bộ trưởng Thương mại Lord Mandelson thì kê khai gần 2.850 bảng (4.356 USD) tiền sửa chữa một ngôi nhà của ông sau khi thông báo sẽ rời Hạ viện Anh để trở thành ủy viên Ủy ban châu Âu. Sau đó, chính ông đã bán căn nhà để thu được 136.000 bảng Anh (207.864 USD). Những hé lộ trên do báo chí phơi ra khiến công chúng Anh phẫn nộ khi nước này đang tìm cách thoát khỏi cơn suy thoái. Và rồi người ta đặt câu hỏi: Nếu không có Daily Telegraph đưa tin thì liệu ông Brown có đưa ra lời xin lỗi không?

Đến chuyện Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak lên tiếng xin lỗi dân chúng lần thứ hai trong tháng về những rắc rối liên quan tới kế hoạch nhập khẩu thịt bò Mỹ: “Tôi và chính phủ đáng lẽ phải thấy được những quan ngại của dân chúng về an toàn thực phẩm một cách kín kẽ hơn… Tuy nhiên, chúng tôi đã không làm được điều đó và tình cảnh hiện giờ phản ánh rõ thất bại của chính phủ”. Lần xin lỗi trước diễn ra ngày 22-5 khi mà làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nhập khẩu thịt bò Mỹ dâng lên. Nhiều thành viên nội các của ông đã đệ đơn từ chức sau làn sóng biểu tình này.

Rồi lại chuyện ở Đài Loan, nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã phải nói lời xin lỗi về phản ứng chậm chạp của chính quyền trước cơn bão Morakot đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Ông Mã nói: “Chúng tôi đáng ra đã có thể làm tốt hơn và phản ứng nhanh hơn. Nhưng chúng tôi đã không làm tốt hơn và cũng không phản ứng nhanh hơn. Chúng tôi gửi lời xin lỗi đến người dân”. Sau ông Tổng thống Mã, mới hôm rồi ông thủ tướng đệ đơn từ chức với lý do: “Phải có người chịu trách nhiệm về những thiệt hại nặng nề của đời sống người dân Đài Loan sau vụ thiên tai thảm khốc này”. Một số bộ trưởng khác cũng đang theo ông đệ đơn từ chức.

Thì ra cùng với chuyện xin lỗi dân hay từ chức đều thuộc phạm trù “văn hóa lãnh đạo”. Mà để là “người có văn hóa” thì dù là ai, khi vướng vào chuyện này đều phải nhanh chóng tự xử trước khi búa rìu của dư luận quật vào. Đúng là áp lực của dư luận xã hội lành mạnh phải trở thành một liều kháng sinh cực mạnh chống trả kịp thời những viêm nhiễm dẫn đến bội nhiễm trong cơ thể xã hội và nguy hiểm hơn khiến nó di căn.

Dù ai đó gọi đây là sự khôn ngoan chính trị thì tại sao lại không cổ vũ và biểu dương sự khôn ngoan ấy dù ở bên Tây hay bên Đông? Chả nhẽ lại tán dương sự dại dột sao?

|http://www.phapluattp.vn/tools/printnews.aspx?news_id=269843&thumuc=chinh-tri

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Tương Lai