Nguyễn Hàng Chi - tấm gương gan góc của tuổi trẻ Nghệ Tĩnh

Vietsciences-Đinh Xuân Lâm & Nguyễn Huệ Chi    13/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

Kỷ niệm100 năm Phong trào chống Thuế Nghệ Tĩnh:

Đúng 100 năm trước, năm 1908, một cuộc vận động quần chúng có ảnh hưởng vang dội là Phong trào “khiếu sưu” tức xin giảm sưu thuế đã nổ ra tại nhiều tỉnh Trung Kỳ. Tại hai địa bàn trung tâm của nó là Quảng Nam và Quảng Ngãi, nhiều năm qua, phong trào này đã được giới sử học nghiên cứu khá tỉ mỉ. Nhưng giai đoạn sau của phong trào, khi lan ra tới Thanh - Nghệ - Tĩnh, thì còn ít người chú ý, ngoài vài dòng ghi chép sơ sài của Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh trong các tác phẩm của các cụ viết về thời kỳ này (có lẽ do các cụ bị bắt trước khi phong trào bùng lên ở xứ Nghệ nên không có tư liệu nhiều chăng). Vậy mà trên thực tế, mảnh đất Nghệ-Tĩnh với truyền thống đấu tranh quật cường - song đôi lúc không khỏi cực đoan - đã làm cho phong trào có thêm những sắc thái ý nghĩa mới mẻ.
Nghệ-Tĩnh, quê hương của Phan Bội Châu, người cầm đầu khuynh hướng bạo động ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, là một địa bàn chiến lược của Hội Duy Tân. Trong lúc tập trung mọi cố gắng đưa người xuất dương học tập để chuẩn bị võ trang bạo động, Phan Bội Châu vẫn không từ bỏ những hình thức hoạt động vốn được coi là đặc trưng của khuynh hướng cải cách ôn hòa. Trên đất Nghệ-Tĩnh lúc đó, bên cạnh các hội nông hội thương có vẻ hiền lành như hội buôn Mộng Hanh của Lê Văn Huân ở chợ Trổ (Đức Thọ), hội buôn Lê Đình Phương (Tú Phương) ở phố Xuân Tân (Can Lộc), Trại Cày của Nguyễn Phi Tạo ra đời muộn hơn ở dưới chân núi Hồng (Can Lộc)… còn có Triêu Dương thương quán của Ngô Đức Kế và Đặng Nguyên Cẩn ở Vinh được thành lập với sự thỏa thuận của Phan Bội Châu. Vì thế có thể nói Nghệ-Tĩnh là địa bàn mà giữa “bạo động” và “duy tân” có mối liên hệ đan xen khăng khít chứ không tách riêng, thậm chí chống đối lẫn nhau. Đó là ý kiến gần như thống nhất giữa nhiều học giả, từ Huỳnh Thúc kháng, một người trong cuộc (trong cuốn Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908), đến Nguyễn Văn Xuân một cây bút miền Nam trước 1975 (trong cuốn Phong trào Duy tân, 1970).
Cũng khác với các địa phương, ngay trước khi phong trào chống thuế ở Nghệ-Tĩnh bùng nổ thì phần lớn sĩ phu cải cách ôn hòa có tiếng tăm như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá... đều đã bị bắt. Riêng Đốc học Đặng Nguyên Cẩn trước đó bị đẩy vào Bình Định nhưng rồi cũng bị đưa ra Hà Tĩnh xét xử vào đầu năm 1908.  Vì vậy, những người lãnh đạo phong trào Chống Thuế ở Nghệ Tĩnh thực sự là các đảng viên Duy Tân hội. Đầu năm 1908, khi phong trào Đông Du bắt đầu gặp khó khăn thì lực lượng võ trang bí mật của Phan Bội Châu ở Nghệ Tĩnh vẫn tồn tại do Ngư Hải (Đặng Thái Thân), Thần Sơn (Ngô Quảng), Đại Đẩu (Lê Quyên) nắm. Lực lượng này đã bám theo dọc vùng sông Lam núi Hồng, chưa kể một bộ phận nhỏ của họ do Phạm Văn Ngôn phụ trách đã kéo ra Yên Thế (Bắc Giang) phối hợp với Đề Thám. Trong năm 1907, nghĩa quân đã đẩy mạnh hoạt động chế tạo vũ khí ở vùng Vinh - Xã Đoài (cơ sở của Lê Võ, Đặng Văn Bá), và móc nối được với các “ổ” đề kháng ở Yên Thành, Diễn Châu. Ngoài ra, để che mắt địch, Duy Tân hội đã nắm lấy các sĩ phu trẻ đầy nhiệt huyết để thông qua họ lãnh đạo phong trào Chống Thuế và hướng phong trào này đi theo ý đồ của mình.

Trong phong trào Chống Thuế ở Hà Tĩnh, đáng chú ý nhất là hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân. Ở Can Lộc, Phong trào gắn liền với tên tuổi của một Nho sinh xuất sắc là Nguyễn Hàng Chi (1885-1908). Ông quê ở thôn Đông Thượng, xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình Nho học nổi tiếng về truyền thống yêu nước. Nguyễn Hàng Chi nguyên tên là Nối, khi đi học lại có tên là Đồ Nam và Đồ Tuy. Tuy tiếng tăm học vấn lừng lẫy khắp vùng, nhưng ông không chịu đi thi, tính khí rất ngang tàng. Vốn có người anh là Tú tài Nguyễn Hiệt Chi, một sĩ phu trong Nhóm sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh ở Phan Thiết (nơi Nguyễn Tất Thành đến dạy học năm 1910-11), nên ông sớm say mê phong trào Duy Tân. Tuổi trẻ, hăng hái lại nghịch tinh, Nguyễn Hàng Chi đã cùng bạn bè đầu têu nhiều chuyện gây tiếng vang xa rộng, như kéo nhau đi phá đình phá chùa, bài trừ hủ tục, mê tín, cổ xúy đọc tân thư, tham gia các cuộc hát phường vải, hát nhà trò, đề thơ ở trường học... để lồng vào đấy những lời hô hào chống đám cựu Nho và canh tân đất nước. Đặc biệt, ông là người đầu tiên ở Nghệ Tĩnh dám cắt bỏ búi tó trên đầu, mặc áo ngắn, để răng trắng, bất chấp sự can ngăn khóc lóc của nhiều người kể cả bố mẹ. Trong hoàn cảnh vài năm đầu thế kỷ XX, giữ hay bỏ đầu tóc của mình còn là một việc vô cùng trọng đại. Nguyễn Hàng Chi phải thưa với mẹ ý định của anh, nhưng bị mẹ ngăn cản:

Tóc dài ngài (thân thể) đẹp con ơi,
Sao con lại cắt để người cười chê?”

Rồi cả bà con trong họ cũng phản đối khiến anh có lúc hơi nhụt chí. Nhưng một hôm, như tài liệu gia đình còn để lại, sau khi nốc cạn một búp rượu, anh mượn cớ say la đà đem kéo cắt phăng ngay “củ hành” sau gáy, coi như việc đã rồi. Từ đấy không đừng được nữa, Nguyễn Hàng Chi dấn tới, và trong một lễ chúc thọ ông ngoại, không những anh tìm đến phô cái đầu trọc làm người ông tái mặt, mà còn dúi cả một bài hát cho đám nhà trò hát lên để mua cười, và cũng để đánh vào nỗi đau nước mất, cốt khuyến khích mọi người hăng hái duy tân:

Hàng Chi ơi hỡi Hàng Chi,
Cõi trần hồ dễ như mi trọc đầu.
Rồi ra kẻ Á người Âu,
Rồi ra khắp mặt hoàn cầu như nhau.
Ưu thắng liệt bại,
Bọn hủ nho còn lải nhải khéo cùng khôn.
Của ông cha gìn giữ thật vuông tròn,
Ôi! Gấm vóc giang sơn vô hạn hảo!
Nọ biển nọ rừng kìa non kìa đảo,
Giờ về ai? Ai sầu não? Ai tai ương?
Hai mươi triệu con dân sống chết há xem thường,
Tiếc lề đẹp sao không thương giấy nát!
Khổng Tử nhược sinh đầu đoản phát
(Khổng Tử nếu sống cũng cắt tóc)
Hàng Chi đáo tử khẩu minh nha
(Hàng Chi đến chết răng vẫn trắng)
Hội văn minh đua kỹ xảo tài ba,
Ai đuổi kịp ai mà không đuổi kịp.
Tuồng thiên diễn mưa gào gió thét,
Sức hợp quần ta quyết sẽ thành công.
Hãy về cắt tóc đi ông!”

 

Nhà thờ họ Nguyễn Đức ở xã Ích Hậu được xếp hạng di tích
trong đó có danh nhân Nguyễn Hàng Chi


Có tài liệu còn cho biết Nguyễn Hàng Chi có góp sức vào việc thành lập Công ty Liên Thành của anh mình. Nhân chuyến đi Nam năm 1907 thăm anh, Nguyễn Hàng Chi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc cuộc vận động Duy Tân sôi nổi ở Nam Ngãi. Khi trở về, được một số yếu nhân của Duy Tân hội Nghệ Tĩnh như Phạm Văn Thản giác ngộ nên ông càng ý thức rõ tình cảnh cùng quẫn của nông dân bị thuế sưu vắt đến kiệt sức; ông hăng hái đi khắp nơi trong hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tuyên truyền, giác ngộ, nêu cao tấm gương đi đầu của nông dân xứ Quảng mà ông từng chứng kiến tận mắt và cảm phục tận đáy lòng:

“... Đáng yêu thay dân tỉnh Quảng Nam!
Đáng kính thay dân tỉnh Quảng Nam!
Đáng học thay dân tỉnh Quảng Nam!

Ông cũng viết Thông tri phân phát đến tận từng làng, phân tích sắc sảo tình thế phải “một phen vùng dậy” chứ không còn con đường nào khác của người dân xứ Nghệ:
Giặc Pháp mượn tiếng bảo hộ ngược đãi dân ta thật đã quá lắm. Hàng năm nộp xong sưu thuế rồi, mình không còn chiếc áo lành, bụng không được ăn cơm no, đi nơi khác tìm ăn khổ hết chỗ nói. Nếu không một phen đứng dậy tỏ tình kêu nài thì sưu thuế hẳn còn tăng mãi. Dân ta mười nhà đã đến chín nhà rỗng không, khó lòng gánh chịu được. Nếu cứ ngồi mà đợi chết, chi bằng vùng dậy để tìm lối sống… Định lấy ngày 18 tháng 4 năm nay dân chúng các huyện cùng kéo đến tỉnh, xông vào Tòa sứ, đòi bỏ sưu thuế...” (Bản dịch của Trần Huy Liệu).

Nguyễn Hàng Chi đã dùng nhiều biện pháp để vận động quần chúng. Khi thì ông cải trang làm người bán quế hết lên rừng lại xuống biển, cùng với các đồng chí bí mật đi dán tờ Thông tri ở những nơi đình làng, trường học, chợ búa... Khi thì ông đến tận nhà các hào lý giảng giải điều hơn lẽ thiệt và viết thư cho những kỳ mục ở các huyện xa ép họ phải huy động dân chúng tham gia. Tuy còn trẻ nhưng uy tín của “cậu Nho Tuy” rất lớn và khả năng thuyết phục người khác mạnh mẽ lạ thường. Không chỉ mấy huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà mà cả các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Kỳ Anh... đều thì thầm đồn đoán về hành tích khác người của chàng thanh niên rất mực thông minh, đã từng lãnh đạo cuộc làm reo phá kỳ thi miễn thuế thân (dao) cho Nho sinh năm 1906 tại tỉnh lỵ Hà Tĩnh thành công, khiến cả một bộ máy quan lại đầu tỉnh Pháp Nam một phen sửng sốt trở tay không kịp (1); cũng đã từng đánh lừa bọn lính khố xanh bằng vài đồng xu lẻ  ném ra xung quanh mình để thoát cuộc săn đuổi của chúng dễ dàng.
Người ta học thuộc và truyền nhau những cặp câu đối sắc bén của Nguyễn Hàng Chi tự giễu mình hủ lậu, chưa kịp mở mắt trước vận hội mới:

“Người người đều như Hàng Chi, còn ai là Nã Phá Luân(Napoléon),
ai là Hoa Thịnh Đốn
(Washington)?
Thời nay nếu sinh Khổng Tử, cũng sẽ thành Khang Hữu Vi, thành Lương Khải Siêu(
2 )”.

Người ta ngâm nga thích thú những lời mỉa mai chế giễu của Nguyễn Hàng Chi đối với đám hủ Nho chỉ biết suốt ngày chúi mũi vào văn chương đèn sách:

Thi cử làm chi rứa các thầy,
Văn chương không đuổi được thằng Tây.
Thơ không thối lỗ
(lui được giặc) đừng ngâm điếc,
Phú nỏ
(chẳng) kinh luân (sửa đổi về chính trị) chớ đọc rầy (thẹn)...”

Người ta cùng tuôn trào phẫn uất với Nguyễn Hàng Chi khi ông lên án những kẻ cam tâm làm tay sai như Cao Ngọc Lễ đã hèn nhát bán đứng thầy học là Tống Duy Tân cho Pháp:

Không đất để chôn Cao Ngọc Lễ,
Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân
( 3)”.

Người ta cảm thấy nhiệt huyết sôi trào trước những lời Tâm sự của Nguyễn Hàng Chi phơi bày lòng yêu nước thương dân đến tận cùng gan ruột:

Người Việt Nam ta cũng một đoàn,
Ai không tai mắt với giang san?
Chém cha nô lệ không làm nữa,
Vứt mẹ gông xiềng quyết phá tan.
Đầu đội ông xanh vang sấm sét,
Lòng thương con đỏ lấm bùn than.
Lòng tôi chỉ một thương dân nước,
Tôi nói với người hết lá gan”.

Biệt tài nhất của Nguyễn Hàng Chi là sáng tác những bài vè hát giặm rất dài rồi kín đáo đưa cho các tay bẻ chuyện xướng lên trong các cuộc hát. Và mỗi lần như thế, khi người trong cuộc đã nói nhỏ vào tai nhau: “Lặng mà nghe vè cậu Nho Tuy” thì đột nhiên cả làng chơi lặng phắc, cuộc hát đối đáp nam nữ đang rôm rả bỗng chuyển sang một không khí khác hẳn. Một tâm lý phấn khích cơ hồ làm cho con tim ai nấy rậm rịch không yên:

… Nào anh, nào chị,
Nào chú, nào o,
Việc dân dân lo.
Đừng cho ai biết!
Dân ta đói rét,
Cực khổ trăm bề,
Sưu thuế nặng nề,
Không gì nuôi sống…
Khổ dân ta nói,
Khổ dân ta kêu,
Giảm thuế, giảm sưu,
Cho dân sống với!
…”

Cứ thế, cả một miền quê Nghệ-Tĩnh trong những tháng chuyển từ xuân sang hè năm 1908 do sức tác động nhiều mặt của thơ, ca, vè và của những lời to nhỏ ngày càng lan truyền rộng khắp, đang như một cơn bão âm ỉ mỗi lúc một tích tụ, nóng lên dần.
Nguyễn Hàng Chi hoạt động rất táo bạo vì có hậu thuẫn vững chắc trong tỉnh là Duy Tân hội. Trong các châu bản về vụ này, chúng ta sẽ thấy danh sách một số hào lý đã tham gia phong trào do sức thuyết phục của ông, như Lý trưởng Hạ Lôi (tức Phạm Tấn Xoang), Lý Tư, Hương Hạp (Thạch Hà). Ở Can Lộc, ngoài Nguyễn Hàng Chi còn có ba người quan trọng nữa là Trần Ty, Phan Hiệp và Nguyễn Lương Nhân cũng là những thành viên nòng cốt.

 Theo ghi chép của các yếu nhân trong phong trào còn để lại thì cuộc vận động chống thuế ở Can Lộc diễn ra đến hai lần. Lần đầu vào khoảng hạ tuần tháng Ba năm Duy Tân thứ 2 (khoảng tháng Tư năm 1908) chỉ mới là một cuộc diễn tập để hưởng ứng với Quảng Nam (dân chúng đất Quảng vốn đã nổi lên rầm rộ khoảng gần một tháng trước đó). Nông dân các làng xã không kéo lên huyện mà hẹn nhau nhóm họp ở các ngã ba trên con đường dẫn về tỉnh lỵ, rồi cứ thế lần lượt dồn đến Tòa Sứ giữa thị xã như nước chảy. Đám Công sứ và quan lại Nam triều bất ngờ thấy dân vây kín thì hoảng hốt lúng túng, không biết đối phó thế nào, đành phải ra tiếp dân và hứa giải quyết. Nhưng họ cũng quỷ quyệt cố tìm cách dò tìm ai là “kẻ cầm đầu”. Nguyễn Hàng Chi cố nhiên không lộ mặt mà chỉ đứng phía sau, để cho các vị Lý trưởng, Chánh tổng, hương hào... làm bộ khúm núm một mực kêu van: “Dân đói!”. Một cuộc đối thoại lý thú đã nổ ra giữa hai bên. Một bên gặng hỏi: “Ai xui đến đây?”. Một bên nhất loạt đồng thanh: “Tân thư” (ý nói sách vở “đổi mới” của thời buổi đó). Bên này lại hỏi tiếp: “Vì sao biết cách bảo nhau khiếu sưu?”. Bên kia một mực trả lời: “Tân thư!”. Thế là không có cách nào tìm ra tên đầu đảng, các quan đành phải để dân chúng ra về( 4).

Tuy bước đầu thắng lợi nhưng thấy chính quyền vẫn cố tình làm ngơ trước yêu cầu bức thiết của dân, Nguyễn Hàng Chi quyết định tổ chức một cuộc “khiếu sưu” quy mô hơn lần trước. Lần này ông kêu gọi các huyện khác trong tỉnh cùng nhất tề phối hợp. Đúng ngày 18 tháng 4 năm Duy Tân thứ 2 (tức ngày 23 tháng 5 năm 1908), Nguyễn Hàng Chi dẫn đầu hơn 600 người, có cả phụ nữ, ông già, ăn mặc thật rách rưới, đội nón cời, cơm đùm cơm nắm kéo lên huyện lỵ Can Lộc. Tri huyện Phạm Doãn Văn sợ hãi phải bỏ trốn(5 ). Đoàn người liền rùng rùng kéo về tỉnh lỵ, đi đến đâu họ cũng kêu vang, xin Nhà nước ân giảm sưu cao thuế nặng. Nhưng lần này chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã có kinh nghiệm nên tính trước biện pháp đối phó. Khi đi gần đến Tòa thị chính đoàn biểu tình bị cánh quân của Trung úy Gaillard chặn lại và cho lính dùng gậy hèo chặt sẵn đánh đập dữ dội, buộc cả đoàn phải giạt ra thành nhiều nhóm chạy khắp các ngả đường trong thị xã, vừa chạy vừa kêu gào dữ dội; tuy thế cũng có nhiều người lọt được vào dinh các quan tỉnh hò hét đòi người cầm quyền thực hiện lời hứa với dân, cho đến khi bị đánh lả đi mới thôi.
Nguyễn Hàng Chi đã phối hợp với Trịnh Khắc Lập (1870-1908) là nhân vật lãnh đạo chủ chốt của phong trào chống thuế ở Nghi Xuân. Trịnh Khắc Lập hiệu Cương Trực, tên chữ là Tam Thập, quê ở thôn Đông Hội, tổng Phan Xá (Nay là thôn Minh Khai, xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Ông là con nhà nghèo, đã đỗ khóa sinh, làm nghề dạy học và bốc thuốc ở quê nhà, ông có người chú là Trịnh Văn dạy học ở Quảng Nam nên cũng sớm hiểu biết về phong trào Duy Tân ở đây.
Theo sự thỏa thuận với Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập đã tập hợp một số anh em, bà con, như Trịnh Yên, Trịnh Xuyên, hai anh em của người bạn là Phan Chiên (tức Tĩnh), Phan Cẩn (về sau Chiên, Cẩn đều bị giam ở Lao Bảo) (6 ) hưởng ứng.
Cuộc vận động của Trịnh Khắc Lập ở Nghi Xuân cũng táo bạo như cuộc vận động của Nguyễn Hàng Chi ở Can Lộc. Ngày 22 tháng 5 năm 1908, ngay giữa chợ Giang Đình, ông đã diễn thuyết ủng hộ tờ Thông tri của Nguyễn Hàng Chi, kêu gọi các nhà Nho bỏ buổi bình văn phù phiếm, vận động nhân dân lên huyện, lên tỉnh kêu sưu. Ngày hôm sau (23-5-1908) như đã thỏa thuận với Nguyễn Hàng Chi từ trước, ông cùng Phan Chiên, Phan Cẩn cầm đầu hơn 200 người(7) làm náo động chợ huyện, kéo tới huyện đường, bắt trói Tri huyện giải về tỉnh kêu sưu. Đoàn biểu tình đi được độ 20km đến Cồn Gồ thì gặp cánh quân của viên quan binh Pháp Babut. Ông ta vờ chấp nhận yêu sách của đoàn biểu tình, rồi đề nghị Trịnh Khắc Lập quay lại huyện lị để giải quyết. Vì thiếu kinh nghiệm, những người biểu tình đã cởi trói cho Tri huyện rồi vào huyện đường đàm phán. Babut liền trở mặt cho bắt các thủ lĩnh và giải tán đoàn biểu tình.

Cùng ngày hôm đó và ít ngày sau, ở nhiều nơi trong tỉnh cũng nổ ra những cuộc biểu tình kêu sưu với các mức độ khác nhau. Ở các xã Kỳ Văn, Kỳ Thư (Kỳ Anh), Đông Môn, Ngọc Lang, Trung Tiết, Phù Việt (Thạch Hà) đã có sự tụ họp với số người tương đối lớn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Từ Lương, Đặng Cường, Lê Quát, Trần Chỗi. Tại Đức Thọ, anh em Phạm Văn Ngôn, Phạm Văn Thản cùng với Đinh Văn Tư, Phạm Văn Thảo, Đinh Văn Cẩn tập hợp nông dân các xã Đông Thái, Trung Lễ, Yên Vượng cũng định kéo về phối hợp với Nguyễn Hàng Chi, nhưng vì phong trào ở Can Lộc và Nghi Xuân đã bị dập tắt nên phải giải tán.
Như vậy, so với Quảng Nam Quảng Ngãi, tuy những cuộc biểu tình chống thuế ở Nghệ Tĩnh nổ ra có muộn, nhưng tính chất lại khá quyết liệt và đều khắp, đặc biệt là có chuẩn bị từ trước, chứ không nặng phần tự phát như Nam Ngãi. Thực ra đó chỉ là bề nổi của một âm mưu khởi nghĩa do các đảng viên Hội Duy Tân trong tỉnh chủ trì. Từ đầu năm 1908, trong lúc ở ngoài nước thực dân Pháp đang tìm mọi cách dập tắt phong trào Đông du thì các thủ lĩnh Duy Tân hội ở Nghệ Tĩnh đã chuẩn bị lực lượng đánh úp tỉnh thành Hà Tĩnh và Nghệ An mà cuộc chống thuế chỉ là khúc dạo đầu. Ở Nghệ An, Duy Tân hội đã móc nối được với một nhân vật mới đáng chú ý là Chu Trạc (tức Châu Đình Trạc, 1845-1925, quê ở xóm Nương Chè, xã Trường Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, đỗ Cử nhân võ ở Thanh Hóa (1879), từng tham gia khởi nghĩa với Nguyễn Xuân Ôn (1885-1887). Lực lượng của Chu Trạc lúc ấy khá lớn, đóng rải rác ở Yên Thành, Diễn Châu. Theo kế hoạch đã định, khi phong trào Chống Thuế nổ ra, lực lượng của ông sẽ cùng lực lượng của Ngư Hải làm nòng cốt hạ thành Nghệ An bằng hai mũi tấn công, từ Nam Đàn tiến về thành Vinh. Rất tiếc, do sự phản bội của của một viên cai đội, kế hoạch đó bị bại lộ. Quân Pháp bất ngờ ập tới bao vây, Chu Trạc phải cho chôn vũ khí, đốt giấy tờ, cờ quạt và cuối cùng bị truy bức đành phải ra hàng để nhận cái án lưu đày Côn Đảo( 8).

Về phần Nguyễn Hàng Chi, theo sách Tài liệu tham khảo cách mạng cận đại Việt Nam thì ông bị bắt ngay trong cuộc đụng độ với quân lính của Gaillard tại thị xã Hà Tĩnh. Nhưng theo tài liệu của Tú tài Lê Đình Phương, một yếu nhân trong cuộc, do không ai chịu khai ra ông, nên ông đã khôn khéo trốn thoát khỏi trận đàn áp đẫm máu, chạy ra Trung Lương nương náu ở nhà Phạm Tử Duyệt định tìm đường xuất dương. Song vì có 70 đồng bạc vốn liếng lận lưng bị mất, ông phải đánh liều trở vào Cẩm Xuyên lấy tiền bán quế. Tri huyện Cẩm Xuyên một mặt vẫn trả tiền sòng phẳng, mặt khác cho người ngầm báo với Án sát Cao Ngọc Lễ bấy giờ đã đổi về Hà Tĩnh. Cao Ngọc Lễ lập tức cho người bắt ông.
Cả Nguyễn Hàng Chi và Trịnh khắc Lập đều bị giải về thị xã giam chung với các yếu nhân Hội Duy Tân từ trước. Cao Ngọc Lễ vốn căm tức về những câu đối sắc sói của Nguyễn Hàng Chi chọc vào tai bấy lâu, nay được dịp cho quân lính xuống tay tàn bạo với ông. Điều mà Cao Ngọc Lễ không ngờ là tuy bị đánh máu chảy đầm đìa “cái quần lụa trắng ông mặc đã ướt đến hai phần”(9), trước tòa, cậu Nho Tuy vẫn không chịu khai cho ai nửa lời. Ông khẳng khái nhận hết mọi tội về mình. Sự chịu đựng gan góc của ông cộng với cái tài ăn nói vẫn sắc lẹm của ông đã khiến các bạn đồng chí cũng như quan và lính đều nể phục. Bấy giờ dư luận đang rất bất bình về việc Khâm sứ Lévecque và Công sứ Khánh Hòa vượt cả luật lệ Nam triều ép buộc xử tử một trí thức vào hàng Ngũ phẩm như ông Nghè Trần Quý Cáp (vào ngày 17 tháng Năm Âm lịch), nên trong việc nghị án Nguyễn Hàng Chi và Trịnh Khắc Lập, đã nổ ra những bất đồng gay gắt giữa Công sứ Hà Tĩnh Doucet và Tuần phủ Hường Khẳng. Ông Hường Khẳng kiên quyết chống lại sự lộng quyền của Doucet, một mực cho rằng luật Nam triều không có mục nào cho phép đưa những tội trạng như xin xâu vào tử hình. Vụ án vì thế phải kéo dài hàng tháng. Cuối cùng vì bị Công sứ dọa dẫm, Tuần phủ Hường Khẳng đành đánh điện cho Viện cơ mật ở Huế xin từ chức([10]).
 

Và đấy là dịp để Cao Ngọc Lễ ra tay. Cả Nguyễn Hàng Chi và Trịnh Khắc Lập đều bị kết án chém, nhưng Nguyễn Hàng Chi bị chém tại thị xã Hà Tĩnh ngày 15 tháng Sáu Âm lịch (Niên hoa kể hai mươi bốn lẻ / Tháng Sáu rằm gương để ngàn thu), tức ngày 13 tháng 7 năm 1908. Còn Trịnh Khắc Lập bị đưa về chém bêu đầu tại chợ Giang Đình nơi quê nhà. Ngày nay, phần mộ hai ông vẫn còn, tuy không được chú ý sửa sang, lại bị lấn chiếm nên xuống cấp trầm trọng.

Riêng đối với Nguyễn Hàng Chi, ông hy sinh lúc mới 24 tuổi, chưa có vợ con, và cái chết rất oanh liệt của ông đã gây nên một mối cảm kích lớn trong các tầng lớp nhân dân xứ Nghệ. Nhiều sĩ phu có tên tuổi và nhân dân đương thời đã sáng tác nhiều thơ, phú, câu đối, bài ca ca ngợi ông. Được tin ông hy sinh, các văn thân đang bị giam ở nhà lao Hà Tĩnh (như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá, Đặng Nguyên Cẩn…) đã có đôi câu đối khóc ông.

“Khẩu năng ngôn cảm ngôn, thủ năng thư cảm thư, phiên phiên khả ái tai, nhân cách đô tòng tân học xuất;
Vấn quân thê vị thê, vấn quân tử vị tử, phẫn phẫn hồ vi giả, huyết ngân chỉ vị quốc dân lưu”.

 

Tạm dịch:
Miệng nói giỏi dám nói, tay viết giỏi dám viết, phơi phới đáng yêu thay, nhân cách đúc nên từ học mới;
Hỏi vợ anh chưa vợ, hỏi con anh chưa con, uất uất làm gì thế, máu tươi tuôn chảy với đồng bào
(10).

Câu đối điếu Nguyễn Hàng Chi của Văn thân Nghệ-Tĩnh hiện đặt ở nhà thờ họ Nguyễn Đức

Nhiều tháng sau ngày ông mất, rất nhiều thơ văn vô danh ngày ngày vẫn bí mật xuất hiện trên mộ ông, trong số đó có một bài hát nói nhanh chóng được truyền bá rộng rãi, vừa ca ngợi cốt cách của ông: “Mặt tài hoa mà phết thiếu niên / Vì quốc dân mưu lợi quyền”, khí tiết lẫm liệt của ông: “Lấy một mình mà chống chọi với non sông / Chữ Duy Tân hồ dễ ai đồng / Dạ khảng khái thu dương hằng rắc rắc / Nhiệt thành trung ái ngã An Nam / Man di nhân ngãi không thèm / Làm trai nên phải học làm như ông / Trung Kỳ đệ nhất anh hùng!”, vừa nói lên ảnh hưởng sâu rộng của Nguyễn Hàng Chi trong lòng dân chúng: “Miền Hoan hải ầm ran tiếng sấm / Khắp trời Nam cây cỏ cũng đua chào / Giữa Hồng Lam ngang dọc biết từng bao...”, lại vừa bày tỏ lòng khinh ghét đối với Án sát Cao Ngọc Lễ: “Ngoảnh mỏ ngoắt đuôi chi lắm chó / Hít hơi dê mà ghét bỏ chúa nhà đây”. Bản thân Nguyễn Hàng Chi trong đêm trước ngày ra pháp trường cũng để lại một bài tuyệt mệnh, bày tỏ niềm tin vào thế hệ trẻ sẽ tiếp tục con đường của mình:

Dân trí, dân quyền chính khải hành,
Mã thương, hoa bác dục tranh minh.
Phi thường xuất tự tầm thường sự,
Khô thụ tài bồi hoa diệc sinh.

Dịch:

Dân trí, dân quyền mở lối rồi,
Súng Hoa (Washington), đạn Mã (Mazzini) gắng đua đòi.
Trong tầm thường có phi thường đấy,
Chăm bón, cây khô hoa lại tươi
(12 ).

Nguyễn Hàng Chi, con người tiêu biểu cho tuổi trẻ gan góc của xứ Nghệ ở những năm đầu thế kỷ XX đã khuất bóng đúng một trăm năm, nhưng “vấn đề dân cày” mà ông đặt ra vẫn còn đầy ý nghĩa thời sự. Và bài thơ của ông thì vẫn sống đấy và cơ hồ trẻ mãi. Có thể xem nó là lời dự báo sát sóng cho hôm nay, cho cả một thời đại đang có cơ thay đổi vận mệnh cơ bản của đất nước ta, trên con đường tiến vào hội nhập với toàn cầu đầu thế kỷ XXI.

Tháng Bảy 2008

DXL-NHC


==============

([1]) Theo tài liệu chi chép của Nguyễn Đổng Chi thì sau đó Đốc học Hà Tĩnh đã cho triệu tập thi lại để chữa cháy nhưng cũng chỉ thu hút được một số lượng rất nhỏ các nhà Nho trong tỉnh và việc thi được làm qua quýt cho xong.

([2])  Trần Huy Liệu dịch.

([3])  Nguyễn Lợi dịch.

([4]) Theo tài liệu ghi chép của cụ Nguyễn Phi Tạo, Đảng viên Cộng sản năm 1930, hiệu thuốc Chung Sơn đường, Nghèn và của cụ Nguyễn Văn Nghĩa, xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh, người sống cùng thời với vụ chống thuế . Trong các tài liệu như Châu bản triều Nguyễn thì cuộc này và cuộc sau chỉ là một.

([5])Nguyễn Thế Anh. Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân. Bản án số 41; tr.137.

([6]) (7) Nguyễn Thế Anh. Sđd. Bản án số 38; tr.129

([8])Nguyễn Thế Anh. Sđd. Bản án s 47; tr.151.

([9]) Lê Đình Phương, tài liệu đã dẫn.

([10]) Theo Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Chương Thâu. Địa chí huyện Can Lộc. Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh, 1999.

([11]) Nguyễn Huệ Chi dịch (có tham khảo bản dịch cũ của Trần Huy Liệu).

([12]) Nguyễn Huệ Chi dịch (có tham khảo bản dịch cũ của Nguyễn Đổng Chi).

     ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Đinh Xuân Lâm & Nguyễn Huệ Chi