Trần quý Cáp

 

 

Người làng Bất Nghị, thuộc tỉnh Quảng Nam (Trung Phần), hiệu là Thái Xuyên thi đỗ khoa Giáp Thìn (1904). Là một người cầu tiến và vì chịu ảnh hưởng của các học giả Trung Hoa là Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, ông cực lực đả kích lối từ chương khoa cử, đề nghị một lối học mới có tinh thần cứu quốc. Năm 1905, ông cùng với các đồng chí là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng định vào Nam hô hào công cuộc Duy tân. Tới Bình Ðịnh gặp lúc quan tỉnh mở kỳ thi khảo hạch, ra đầu bài thơ là Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn Lương Ngọc, cả 3 ông định nhân dịp cổ động việc nước, liền nộp quyển làm bàị Những bài của 3 ông khiến quan tỉnh phải điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để quyết định. Vào đến vịnh Cam Ranh, nhân có chiến hạm Nga vào đó lánh nạn, 3 ông thuê thuyền ra tận nơi xem. 

Năm 1907, ông làm Giáo thọ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông mở một lớp chữ Pháp trong trường, rước thầy về dạy học sinh. Bọn quan lại cựu học không ưa, liền tìm cách đổi ông vào Khánh Hòa. Năm 1908, xảy ra cuộc kháng thuế ở Quảng Nam, phần lớn thân sĩ trong tỉnh bị bắt. Việc này làm chấn động các giới trong nước. Tại Khánh Hòa, Trần Quý Cáp làm một bức thư gửi cho các bạn hữu tại Quảng Nam, trong đó có những lời lẽ dí dỏm như sau:Cận văn ngô châu cử nhứt khoái sự, ngô văn chi, khoái nhậm, khoái thậm Nghĩa là: Gần đây nghe trong tỉnh nhà làm một việc rất thú, tôi nghe tin lấy làm thích lắm. Sau đó ông bị bắt giam và bị khép vào tội mưu phản, lãnh án bị chém ngang lưng tại Khánh Hòa.

Trước cái chết của trang liệt sĩ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng có làm bài thơ khóc như sau:

Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn
Nhứt quan thác lạc vị thân tồn
Trực lương tân học khai nô lũy
Thùy tín dân quyền chủng họa côn. 
Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng,
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn
Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ
Ðà Nẵng phân trầm tửu thượng ôn.

Dịch:

Gươm xách xăm xăm tách dặm miền 
Làm quan vì mẹ há vì tiền 
Quyết đem học mới thay nô kiếp
Ai biết quyền dân nảy họa nguyên.
 Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng, 
Chia tay chén rượu còn đương nóng, 
Ðà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.