GS Hoàng Tụy, một nhà toán học và giáo dục lớn của Việt Nam

Vietsciences-Nguyễn Xuân Xanh        20/01/2008

 

Những bài cùng tác giả

Hãy hết lòng với khoa học, trong khó khăn hãy vươn lên,
người trí thức không thể sống hèn.

Con người không có cảm xúc, không rung động,
vô cảm trước mọi việc thì không thể làm được bất cứ việc gì.

Hoàng Tụy

 

GS Hoàng Tụy

Ngày 7 tháng 12 năm 2007 kỷ niệm đúng 80 năm tuổi của GS Hoàng Tụy. Ông là hậu duệ của cụ Hoàng Diệu bất khuất. Sinh nhật thượng thọ của Ông là một sự kiện đáng ghi nhớ1 cho giới làm toán việt nam, cho những người có lòng yêu khoa học, chân lý và quan tâm đến những vấn đề giáo dục sôi bỏng của đất nước, tuy rằng chắc Ông không muốn nghĩ như thế. Ông vốn là con người khiêm tốn giản dị, không muốn được người khác ca ngợi. Ca ngợi bây giờ đây đã bị lạm phát nghiêm trọng, nên ông lại càng không muốn thấy cái gì dính dáng đến ca ngợi. Tôi phải “lén” tìm cách phổ biến bài viết này về ông, vì biết rằng, chỗ này chỗ kia, ông sẽ không chấp nhận. Nhưng đây là dịp không thể không nói về ông, và quả thật, cũng không thể nói về ông với trái tim “hâm hẩm”, với “liều lượng cân đo” trong “khuôn phép” của “lệ thường” hiện tại. Bởi vì cuộc đời của ông, trên con đường chinh phục những mục tiêu cao quý, của khoa học và của con người, đã “vượt qua lẽ thường” mà tôi sợ những sự cân đo lệ thường hay vì quan ngại sẽ không diễn tả được. Tôi đôi khi phải chấp nhận “phạm tội” đã vượt khỏi những ranh giới cho phép, nhưng cốt để nói rõ hơn cái mình muốn nói.

 

GS Hoàng Tụy là người đã dám chấp nhận và chịu đựng bao thử thách, bên ngoài cũng như bên trong, với một nghị lực tôi cho là phi thường, để đi đến những khám phá toán học có ý nghĩa, đóng góp đáng kể vào nền toán học thế giới. Ông đã sống với niềm đam mê toán học, với triết lý nhẫn nhục chịu đựng của phương Đông, và với khí tiết của Hoàng Diệu trong tính cách. Những thử thách ghê gớm của chiến tranh và của những nghịch cảnh do cơ chế đẻ ra chỉ làm hình thành rõ nét thêm nhân cách và con người ông: “Những điều trải qua (trong những năm chiến tranh) đóng vai trò chính yếu trong việc hình thành nhân cách tôi và chúng trở thành một phần của tôi”. Có lẽ nhận xét sau đây của Sven Erlander, Chủ tịch Đại học Linköping, Thụy Điển, nơi ông đã hợp tác nhiều năm liền, lột tả được phần nào tính cách của ông: “Tôi cho rằng Hoàng Tụy là một người hiền, với một quá khứ và kinh nghiệm sống khác thường. Dường như không có một khó khăn hay thách đố nào – trong toán học, giáo dục, quản lý hay nói chung trong cuộc sống – mà ông không biến nó thành một nỗ lực để thành công”. Chúng ta cũng nhớ đến câu nói bất hủ của Einstein, mà tôi xin phép vay mượn ở đây: Sự lớn lao trong khoa học chủ yếu là một vấn đề tính cách. Chẳng phải ở GS Hoàng Tụy chúng ta lại gặp một mẫu người có tính cách mạnh mẽ trong khoa học đó hay sao?

Có thể ví những bước đi của ông là “ngàn dặm”. Từ Liên Khu 5 ra Việt Bắc cả ngàn cây số, một cuộc chinh phục bằng đôi chân đất đầy nguy hiểm. Từ Hà Nội sang Mátxcơva, nửa vòng trái đất một mình đến thế giới xa lạ, một cuộc chinh phục bằng cái đầu. Trái tim nóng bỏng toán học biến thành đám lửa - lửa của óc khám phá, của đam mê. Rồi lửa từ luận án tiến sĩ đã nung nấu dần dần để biến thành “tia chớp” toàn cầu, vượt lên cơn bão của luồng gió độc đang phủ xuống mình. Thời gian đó cũng chính là lúc ông và một số nhà khoa học khác có lẽ đau khổ nhất. “Ai bíết đâu rằng chính thời gian ấy (bị bom đạn và sơ tán của những năm 60), ban ngày chúng tôi lên lớp, chạy máy bay, ban đêm chong đèn viết kiểm điểm: nào là trù dập công nông, nào là chuyên môn thuần túy, nào là nghiên cứu khoa học lý thuyết suông, nào là thiên tài chủ nghĩa, v.v. không có cái mũ to nào mà không bị chụp lên đầu”…“và cũng chính là thời gian mà vượt lên mọi gian khổ chồng chất tôi đã nảy ra ý tưởng tối ưu toàn cục sau này đã trở thành hướng chủ đạo sự nghiệp khoa học 42 năm qua của tôi”.

Không chướng ngại, khó khăn nào có thể lay chuyển ý chí khoa học hay thay đổi tính cách, bản sắc của ông. Niềm tin luôn luôn ở phía trước trong thế giới toán học mà ông hằng hướng tới. Không ý muốn hạ thấp tinh thần khoa học nào thỏa hiệp được với ông. Ông trung thành với tình yêu chân lý, mà nếu không có nó không thể có khám phá khoa học mà chính ông là nhân chứng của sự trải nghiệm.

Khoa học không thể trộn lẫn với hư danh. Khoa học chỉ có thể làm rạng danh cho những ai biết vun xới, trân trọng nó, cho nó đầy đủ tự do và điều kiện phát triển, như môt số vua chúa có tinh thần khai sáng trong lịch sử châu Âu đã từng làm, nhưng không thể làm rạng danh cho những ai chỉ lợi dụng nó như công cụ. Chưa có khoa học nào phát triển được trong những quan hệ kềm hãm, phi khoa học. Chỉ có những cá nhân can đảm, anh dũng dám vươn lên khỏi chỗ bẩn chật để khám phá những cái mới đi ngược lại “tinh thần thời đại” để mở ra chân trời mới cho trí tuệ loài người.

Galilei hẳn là một thí dụ mãi mãi đáng ghi nhớ. Ông không phải là sản phẩm của thời trung cổ tối tăm, mà chính là hạt giống của thời soi sáng để đẩy lùi bóng tối. Thân có thể bị cấm cung theo lệnh của quyền uy, nhưng tinh thần Galilei là ngọn hải đăng tỏa sáng của thời đại, là cột mốc để nói rằng, nền văn minh của nhân loại từ đây không thể lùi bước mà chỉ có tiến lên phía trước thôi.

GS Hoàng Tụy là một trong những người đã hội nhập thành công trong cuộc chơi toàn cầu hóa mà ông cha ta không vượt qua được. Những ai không hiểu cái lô-gích và sức mạnh của khoa học đều bị sụp đổ. Ông đã được biết đến như một trong những con người Việt Nam của thế giới toán học và trở thành tấm gương, điểm sáng để nhiều người Việt Nam phấn đấu.

Sáng tạo ra những giá trị khoa học là cần thiết hơn bao giờ hết cho người Việt Nam. Sáng tạo để tinh luyện chính bản thân, để góp phần xây dựng mới bản sắc của dân tộc đã bị lu mờ, và để nhổ đi gốc rễ của sức ỳ, của nhân sinh quan dễ dàng chấp nhận những xác tín khô cằn không cần kiểm chứng mà ngỡ đó là những chân lý bất di bất dịch.

GS Hoàng Tụy là người đã thoát khỏi thế giới cũ kỹ này, để đi đến khám phá những cái mới. Ông khe khắt với cả chính mình, như khoa học khe khắt với những ai muốn khám phá nó. Ai không tự khe khắt, không thể bước qua cổng “đền thờ khoa học” được. Một nền khoa học quốc gia không tự khắt khe với mình, không thể có sáng tạo được; và không có cái mới, không thể vực dậy thế giới tinh thần và văn hóa của đất nước đang trì trệ, dân tộc sẽ không thể vươn lên để trưởng thành, không đóng góp được gì quan trọng vào kho tàng văn hóa nhân loại, và không khẳng định được mình.

Mặc dù tuổi cao nhưng GS Hoàng Tụy vẫn tiếp tục sáng tạo, không bao giờ muốn ngồi trên nhành quyệt quế của vinh quang để rồi rơi vào hố sâu của tụt hậu. Khoa học không bao giờ có biên giới. Cái hôm nay là biên giới, ngày mai sẽ trở thành tâm điểm của sự phát triển. Khoa học đã thấm sâu vào nếp tư duy Ông. Chỉ những người như thế mới xứng đáng được gọi là nhà khoa học, như Einstein nói. Sự đam mê khoa học cháy bỏng của tuổi trẻ sau 60 năm vẫn còn ngùn ngụt. Chỉ với niềm đam mê mãnh liệt như thế mới có được khám phá lớn. Khi một con người đã nếm trải được vị ngọt thánh thiện của chân lý khoa học thì không bao giờ họ rời xa nó nữa. Họ vẫn thắp đuốc trí tuệ để tiếp tục đi tìm cái mới, bao lâu họ còn hơi thở. Đáng ngưỡng mộ những con người ấy. Đáng học hỏi những con người ấy. Và đáng tôn vinh những con người ấy.

GS Hoàng Tụy đã thuộc về cộng đồng khoa học thế giới, những ý tưởng của ông đã trở thành tài sản tinh thần chung, nhưng trên quê hương mình ông lại là người canh cánh lo âu cho vận mệnh giáo dục và khoa học nước nhà. Hai mươi năm ông đã cất cao tiếng nói cho một sự thức tỉnh. Hai mươi năm tranh đấu cho một nền giáo dục lành mạnh và phát triển. Hai mươi năm muốn đem lại giá trị, tiêu chuẩn, đạo đức và nhân phẩm cho nền giáo dục Việt Nam.

Chúng ta chỉ có thể tiến lên với thế giới bằng khoa học, bằng những con người khoa học thực sự, như GS Hoàng Tụy, chứ không bằng những cái hư danh. Chúng ta phải chấp nhận luật chơi và thước đo lường khe khắt của thế giới như trong kinh tế khi vào WTO để tự gạn lọc mà vươn lên. Chúng ta phải là dân tộc yêu khoa học, “yêu chân lý hơn yêu hệ thống, sẵn sàng chấp nhận đặt lại vấn đề chính bản thân, phải luôn luôn hỏi, bắt đầu lại mới; hỏi phải là sự đam mê, chứ không phải câu trả lời làm yên tâm và ngay cả khi được thử thách2. Chúng ta không được sợ hãi cạnh tranh và chỉ “bảo vệ tài sản riêng hiện có” mà phải “đi tìm cộng đồng thành tâm của những tài sản chung của tinh thần (của những người khám phá), bởi cái gì mà một người khám phá, thì sẽ được khám phá cho tất cả mọi người” 3.

Khoa học là phổ quát, không có tiêu chuẩn cục bộ, xóm làng. Ông không muốn một nền giáo dục chỉ có thương mại, hư danh mà không có lòng mến yêu đi tìm chân lý, không muốn một nền giáo dục chỉ có Xanthippe mà vắng bóng Socrate4. “Mà không lo lắng sao được: trong một thế giới toàn cầu hoá, cạnh tranh gay gắt hơn bao giờ hết, nước nào cũng xem giáo dục là vũ khí chiến đấu chính. Có chăng chỉ chúng ta còn mơ hồ về sức mạnh của vũ khí này, mặc dù Hiến pháp đã ghi rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Với GS Hoàng Tụy, và thế hệ những nhà khoa học tâm huyết đầu tiên của Việt Nam, chúng ta cảm nhận được buổi bình minh huy hoàng của một thời kỳ phát triển rực rỡ của toán học, khoa học đang tới trên đất nước: “Trước kia, ngay trong những năm chiến tranh ác liệt, khoa học cơ bản vẫn phát triển, vì hồi ấy chúng ta biết nhìn xa trông rộng, tin tưởng ở chiến thắng và lo nghĩ đến tương lai con cháu sau khi nước nhà độc lập, thống nhất”. Nhưng rồi: “Còn bây giờ, đối với nhiều người, mối quan tâm dường như đã chuyển hướng” và “Trong vài chục năm gần đây, có thể nói trên mặt trận Toán học chúng ta lùi dần và rời bỏ một số vị trí quan trọng, nhường chỗ cho Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc. Các nhà Toán học giỏi có tâm huyết đã kêu cứu liên tục nhiều năm nhưng vô vọng”…“Trong khi ở các cơ quan nghiên cứu và đại học của một số nước trong khu vực, cái không khí tuổi trẻ năm hở, sung sức, hăng hái và đầy tham vọng chiếm ưu thế thì ở Việt Nam, nhìn vào các cơ quan khoa học của ta chỉ thấy một màu những mái đầu bạc hay lốm đốm bạc, cùng một số người tuy chưa già dặn gì trong khoa học mà tuổi đời đã không còn trẻ”. Niềm hy vọng về buổi bình minh huy hoàng của nền khoa học đất nước đã nhạt nhòa một cách buồn bã.

Bầu trời khoa học Việt Nam còn thưa quá những vì sao. Đất nước chưa đủ sáng, nếu không nói là còn mờ mịt. Cho nên càng quý trọng hơn những vì sao xuất hiện sớm chiếu sáng như gọi đàn. Như GS Hoàng Tụy.

Ngày ngày GS Hoàng Tụy vẫn cặm cụi viết lách, nghiên cứu, đi dự hội nghị quốc tế, và để tâm trí viết những bài phản biện giáo dục trong sự trăn trở, bao lâu nền giáo dục đất nước còn đầy những bất cập và tiêu cực. Ông thấy vui trong vòng tay bạn bè khoa học thế giới chúc thọ và cám ơn Ông5, nhưng lo buồn vì tiếng nói của Ông bị “lạc lõng” trên chính quê hương mình. Đã gần 60 năm dạy học - dạy toán bắt đầu từ lúc 19 tuổi, nổi tiếng là giáo viên trung học giỏi trong vùng tự do những năm kháng chiến, đào tạo được nhiều nhà toán học trẻ cho đất nước, truyền được cảm hứng toán học cho thế hệ sau, đặt được nền tảng toán học cho Việt Nam, được chính phủ cách mạng cử làm trưởng ban cải cách hệ thống các trường trung học từ lúc 28 tuổi, đồng thành lập viện toán học, đồng sáng lập tạp chí toán học, được mời đi thỉnh giảng 70 lần tại các đại học hàng đầu thế giới, báo cáo tại 40 hội nghị quốc tế, đỡ đầu nhiều nghiên cứu sinh và luận án viên tiến sĩ từ nhiều quốc gia trên thế giới, được tôn vinh là người khai sinh ra một ngành toán học mới, được khen thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, được đại học nước ngoài phong danh hiệu tiến sĩ danh dự cao quý, vân vân và vân vân, vậy mà chưa bao giờ được gọi là nhà giáo nhân dân trên quê hương mình cả. Chẳng phải là nghịch lý hay sao? Nhưng Ông chẳng màng việc đó. Chẳng phải người thầy giỏi trước tiên phải là người nghiên cứu giỏi hay sao? Chẳng phải thầy phải là người “đã lao động đến biên giới của tri thức nhân loại, và phải khai phá được những vùng đất mới cho mình”? Một người thầy “chỉ biết dạy lại những niềm tin lạ thì chỉ thỏa mãn được những học trò chỉ muốn lấy uy quyền làm nguồn tri thức cho họ, nhưng không thỏa mãn được những học trò đòi sự biện minh niềm tin của họ cho đến cơ sở cuối cùng” như nhà khoa học lớn H.Helmholtz nói, và cũng không thể nào dẫn dắt sinh viên vào con đường khám phá cái mới được.

Chúng ta, những người hướng đến những tình cảm đẹp, đến chân lý, đến một nền giáo dục và khoa học lành mạnh, tiên tiến của nước nhà, những ngày này hãy kính cẩn nghĩ đến một người thầy toán học, đầu bạc trắng nhưng mắt vẫn còn trong, trí vẫn còn sáng, trái tim vẫn còn nặng lòng với đất nước, hạnh phúc trong khoa học tuy không thiếu, nhưng vẫn lo âu canh cánh cho quê hương. Đó là GS Hoàng Tụy. Chúng ta biết ơn và hãy cùng nhau chúc thọ Giáo sư và phu nhân, cô Ngọc Anh, người bạn đời đã cùng lặn lội và chia sẻ với ông suốt cuộc hành trình gian khổ, làm “tổ ấm” để GS trụ vào trước những lúc “sóng gió, bão táp ngoài đời”. Chúc Giáo sư và phu nhân sức khỏe, sống lâu và tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp khoa học và giáo dục nước nhà. Những cái thăng trầm dưới đất chỉ làm GS cao cả thêm mà thôi.

Đời sau, vào những đêm gió lặng trời trong, người đời ngẩn mặt nhìn lên sẽ thấy, trong những vì sao chiếu sáng cho Việt Nam, có một vì sao lung linh như vẫn đang lo âu, da diết như tấm lòng không nguôi đối với đất nước, và sáng lên như để giúp cho đồng bào mình định hướng: Đó là vì sao của nhà toán học uyên thâm và yêu nước Hoàng Tụy!

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Xuân Xanh