Thúc Ngọc Trần Văn Giáp (1902-1973)

Vietsciences - Lê Anh Minh     16/10/2006
 

 

Trần Văn Giáp (1902-1973)

Học giả Trần Văn Giáp tự là Thúc Ngọc, sinh ngày 13-10-1902 tại Hà Nội và tạ thế ngày 25-11-1973 cũng tại Hà Nội. Quê quán ông ở làng Từ Ô, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Hưng. Ông xuất thân từ một gia đình khoa bảng. Thân phụ ông là Trần Văn Cận, một nhà nho tuy đã đỗ cử nhân nhưng chỉ ở nhà làm ruộng và dạy học.

Theo học chữ Hán từ thuở nhỏ, Trần Văn Giáp mới 14 tuổi đã thi hương. Ông thi đỗ Tam Trường. Sau đó ông chuyển sang học tiếng Pháp. Đến năm 18 tuổi (1916), ông làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ (École française d'Extrême-Orient). Năm 25 tuổi (1927), ông du học ở Pháp và học tại Trường Cao Học Thực Hành ở Sorbonne (École pratique des Hautes Études de la Sorbonne), Viện Cao Học Hán Học (Institut des Hautes Études Chinoises), và Viện Dân Tộc Học (Institut d'Ethnologie). Hai luận án của ông là «Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle» (Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII) và «Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú» (Các thiên thư tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú).

Năm 30 tuổi (1932) ông hồi hương và tiếp tục làm việc cho Trường Viễn Đông Bác Cổ, chuyên nghiên cứu lịch sử và ngữ văn cổ trung đại Việt Nam. Ông là một thành viên sáng lập Hội Truyền Bá Quốc Ngữ; từng cộng tác với Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác soạn quyển Vần quốc ngữ (1938).

Ngay sau Cách Mạng Tháng 8-1945 và khi Toàn Quốc Kháng Chiến bùng nổ (1946), ông theo kháng chiến và công tác ở Bộ Giáo Dục, rồi dạy học ở một số trường. Năm 1954, ông công tác tại Ban Nghiên Cứu Văn Sử Địa, sau chuyển thành Viện Sử Học Việt Nam.

Ông từng tham gia các công trình nghiên cứu tập thể như: Lược Truyện Các Tác Giả Việt Nam (2 tập), Nguyễn Trãi Toàn Tập, Từ Điển Tiếng Việt. Ông có nhiều bài viết giá trị trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử và trên các tạp chí nghiên cứu khoa học khác. Ông đã khảo dịch và chú thích các tác phẩm như Bích Câu Kỳ Ngộ, Vân Đài Loại Ngữ, Phong Thổ Hà Bắc, Ngọc Kiều Lê, v.v... Ông còn viết sách bằng Hán văn (3 quyển) và Pháp văn (4 quyển); dịch sách Trung Quốc (2 quyển). Tác phẩm cuối cùng của ông là Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học và sử học Việt Nam. Bộ sách gồm 2 tập. Tập I được Thư Viện Quốc Gia xuất bản năm 1971, sau đó được Nxb Văn Hoá tái bản (Hà Nội, 1984). Tập II của thư tịch chí này được Nxb Khoa Học Xã Hội xuất bản nốt vào năm 1990.

Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm:
tập I (1984), tập II (1990)

Bộ sách Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm là một thư tịch chí, bao quát 428 tác phẩm văn học và sử học Việt Nam từ xưa cho đến đầu thế kỷ XX (gấp đôi số sách được nêu trong Văn Tịch Chí của Phan Huy Chú và gấp bốn số sách được nêu trong Nghệ Văn Chí của Lê Quý Đôn).

 

 

Bộ sách bao gồm 8 phần:

 

I. LỊCH SỬ (166 tác phẩm);

II. ĐỊA LÝ (37 tác phẩm);

III. KỸ THUẬT (10 tác phẩm);

IV. NGÔN NGỮ (14 tác phẩm);

V. VĂN HỌC (151 tác phẩm);

VI. TÔN GIÁO (17 tác phẩm);

VII. TRIẾT HỌC (20 tác phẩm);

VIII. SÁCH TỔNG HỢP (17 tác phẩm). Mỗi phần lại phân ra nhiều tiểu loại. Học giả Thúc Ngọc giúp độc giả rất nhiều qua việc thẩm định sơ bộ của ông về các tác phẩm cổ: tác phẩm nào có giá trị, tác phẩm nào kém giá trị, các tác phẩm hay các tác giả dễ lầm lẫn với nhau, nguỵ tác, v.v... Đặc biệt là khi giới thiệu một tác phẩm, ông còn nêu ra nguồn tư liệu liên quan đến tác phẩm đó. Bộ thư tịch chí này đóng góp đáng kể về mặt văn bản học, nêu ra những nguỵ tác (như: Binh thư yếu lược, Lê Hoàng ngọc phả, Thánh Tông di thảo, Việt sử tiệp kính, v.v...) và việc phân biệt chân nguỵ này giúp ích rất nhiều cho kẻ hậu học.

 

Khi biên soạn bộ thư tịch chí hay kinh tịch chí này, Thúc Ngọc Trần Văn Giáp quan niệm rằng: Kinh 經 nghĩa là các sách cổ điển phương Đông về triết học, tôn giáo, và các sách chuyên môn. Tịch 籍 là sổ sách, sách vở, giấy tờ biên chép những tri thức cần thiết, làm thành một cuốn sách. Kinh tịch chí (bibliographie) là một bộ sách nhằm ghi chép, thu thập các tên sách, và chú thích tuỳ theo yêu cầu. Theo ông, thuật ngữ kinh tịch chí xuất hiện từ thế kỷ VII trong Tuỳ Thư. Người mở đường lĩnh vực này là Lưu Hướng đời Hán (bấy giờ lĩnh vực này gọi là Biệt Lục), nối tiếp là Lưu Hâm (con Lưu Hướng) biên soạn quyển Thất Lược. Khi Ban Cố soạn Tiền Hán Thư, cũng mô phỏng cha con Lưu Hướng-Lưu Hâm mà dành riêng một thiên gọi là Nghệ Văn Chí. Việc này thành lệ cho các bộ Tân Đường Thư, Tống Sử, Minh Sử về sau. Đến đời Thanh thì lĩnh vực này phát triển mạnh với Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu (năm 1772, đời Càn Long).

Riêng ở Việt Nam, ông thấy có hai tài liệu quan trọng liên quan đến lĩnh vực kinh tịch chí: Thiên Nghệ Văn Chí trong Lê Triều Thông Sử của Lê Quý Đôn và thiên Văn Tịch Chí trong Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú. Hai thiên này có nét đặc sắc và sáng tạo riêng của Việt Nam, vì không phỏng theo khuôn mẫu của Trung Quốc. Ngoài hai thiên trên, ông còn nhận thấy sự hiện diện của một số mục lục sách tuy sơ lược mà cũng có giá trị của các thư viện công cũng như thư viện tư. Ông chủ yếu dựa trên hai thiên của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú mà phát triển thành bộ Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm. Lê Quý Đôn nghiên cứu thư tịch (gồm 115 bộ sách) từ đời Lý-Trần đến đầu đời Lê Trung Hưng (tức từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII). Phan Huy Chú liệt kê thêm thư tịch từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII (cuối đời Lê Chiêu Thống), cả thảy gồm 214 bộ sách (gộp luôn số sách mà Lê Quý Đôn liệt kê). Trần Văn Giáp đã so sánh từng tác giả và từng tên sách trong hai thiên đó và trong các mục lục sách do các học giả Cadière, Pelliot, v.v... Ông theo trình tự trước sau, phân tích và phê phán từng điểm cần thiết, nói rõ tình trạng của từng sách. Bộ nào không tìm thấy sách thì ông đành để nguyên như cũ và sưu tầm lai lịch của nó trong các sử cũ, các tập văn cổ, v.v... Ngoài ra, ông còn nghiên cứu thêm một số sách hiện có trong Thư Viện Quốc Gia, Thư Viện Khoa Học Xã Hội, Thư Viện Viện Sử Học.

Đối với ông, mỗi nhan đề sách là một đối tượng của một bài nghiên cứu, gồm ba phần: (1) Miêu tả sách (tên, tác giả, số quyển, cỡ sách, số tờ hay số trang, năm xuất bản, tên nhà xuất bản, tức là giám định văn bản); (2) Nội dung (phân tích và phê phán nội dung, phân loại tác phẩm, v.v...); (3) Tiểu truyện tác giả (giới thiệu thân thế, sự nghiệp, kèm thêm các tác phẩm chính).

Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm là một công trình khoa học rất giá trị về thư tịch văn học-lịch sử cổ điển Việt Nam. Với nội dung phong phú, bộ sách này chắc chắn giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu Hán Nôm nói riêng và giới nghiên cứu Việt Nam Học nói chung.●

 

* Tham khảo:

 

Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm , tập I (1984) và tập II (1990)


 

TÁC PHẨM CỦA THÚC NGỌC TRẦN VĂN GIÁP

 

I. SÁCH IN BẰNG QUỐC NGỮ

 

1. Vần Quốc Ngữ. Soạn cho Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, cùng Hoàng Xuân Hãn và Vũ Hy Trác. Hà Nội, 1938.

2. Lược Khảo Về Khoa Cử Việt Nam, Khai Trí Tiến Đức tập san, Hà Nội, 1941.

3. Nguyễn Trãi Quốc Âm Thi Tập, (soạn chung với Phạm Trọng Điềm), Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

4. Lưu Vĩnh Phúc - tướng Cờ Đen, Nxb Sông Lô, Hà Nội, 1958.

5. Bích Câu Kỳ Ngộ khảo thích, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1958.

6. Vân Đài Loại Ngữ (2 tập), biên dịch & khảo thích, Nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1962.

7. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam (tập 1), chủ biên & đồng tác giả, Nxb Sử Học, Hà Nội, 1962. In lần 2 có bổ sung: Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1971.

8. Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam (tập 2), chủ biên & đồng tác giả, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1972.

9. Phong Thổ Hà Bắc, biên dịch & khảo thích, Ty Văn Hoá Hà Bắc xuất bản, 1971.

10. Nguyễn Trãi Toàn Tập, đồng tác giả, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1969; in lần 2: 1976.

11. Từ Điển Tiếng Việt, đồng tác giả, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1967; in lần 2: 1977.

12. Ngọc Kiều Lê, biên dịch & chú thích, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1976.

13. Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm. Tập I: Thư Viện Quốc Gia xuất bản năm 1971; Nxb Văn Hoá tái bản, Hà Nội, 1984. Tập II: Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1990.

 

II. SÁCH IN BẰNG HÁN NGỮ

 

14. Hà Nội Viễn Đông Khảo Cổ Học Viện Hiện Tàng Việt Nam Phật Điển Lược Biên, Quốc Tế Phật Giáo Hiệp Hội xuất bản, Tōkyō, 1943.

15. Hán Văn Trích Thái Diễn Giảng Khoá Bản, viết chung với Bùi Kỷ, Hà Nội, 1942.

16. Ức Trai Quân Trung Từ Mệnh Tập Bổ Biên Phụ Hiệu Khám Biểu.

 

III. SÁCH IN BẰNG PHÁP NGỮ

 

17. Le Bouddhisme en Annam des origines au XIIIè siècle (Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII), Hà Nội, 1932.

18. Esquisse d'une histoire du Bouddhisme au Tonkin (Phác thảo lịch sử Phật giáo ở Bắc Kỳ), Bảo Viện Âm xuất bản, Huế, 1932.

19. Les chapitres bibliographiques de Lê Quý Đôn et de Phan Huy Chú (Các thiên thư tịch chí của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú).

20. Relation d'une ambassadem annamite en Chine au XVIII siècle (Quan hệ của một số sứ thần Việt Nam ở Trung Quốc thế kỷ XVIII).

 

IV. SÁCH DỊCH

 

21. Lịch Sử Trung Quốc (từ thượng cổ đến trước chiến tranh Nha Phiến), 3 tập, Khu Học Xá Trung Ương xuất bản, 1955-1956.

22. Lịch Sử Cận Đại Trung Quốc (từ chiến tranh Nha Phiến đến 1955), Khu Học Xá Trung Ương xuất bản, 1955-1956.

23. Việt Sử Thông Giám Cương Mục, dịch chung với Hoa Bằng và Phạm Trọng Điềm, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

 

V. SÁCH CHƯA XUẤT BẢN

 

24. Danh Nhân Hà Bắc.

25. Về Vấn Đề Giao Lưu Văn Hoá Giữa Việt Nam và Triều Tiên.

26. Lược Sử Vấn Đề Chữ Nôm.

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Lê Anh Minh