Những bài cùng tác giả
Bài liên quan:
Trương Vĩnh Ký (Huỳnh
Ái Tông)
Trương Vĩnh Ký
(Hồng Lê Thọ)
Những năm cuối thế kỷ XX có một
hiện tượng tiêu cực và đặc biệt ngày càng trầm trọng, đó là việc các nhân
vật lịch sử và văn hóa Việt Nam liên tục bị hạ bệ, vẽ trấu: Nguyễn Huệ, Gia
Long, Nguyễn Du, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, ... cũng như một số lãnh
tụ, tướng lãnh bất kể phe phái nào. Có khi là những nỗ lực đi tìm sự thực
lịch sử, có khi là những đánh giá lại, có khi gián tiếp chửi bới một chế độ,
phe nhóm, có khi vì kỳ thị tôn giáo hay vì mặc cảm, dị ứng, biến ứng, có
người riêng rẻ, lại có những tổ chức qui mô. Sự kiện 30-4-1975 đã chứng minh
vai trò của "hoả mù" tuyên truyền, phản thông tin trong cuộc chiến tranh đó!
Trong một tình cảnh chung của người Việt lúc này sống chết với ... lịch sử,
với hiện tượng hồi ký tạp loại, nhất là tiểu thuyết lịch sử, dã sử. Dĩ nhiên
đó cũng là lý do trong nước gần đây (4-2000), tại đại hội Nhà văn lần thứ 6,
việc sáng tác về các đề tài lịch sử đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn đề ra
như là một phương hướng nhiệm vụ cần thiết cho ngũ niên tới, 2000-2005 (1).
"Hoả mù" cứ thế mà tiếp tục thôi ! Dĩ nhiên, Trương Vĩnh Ký không thoát
những đòn hỏa mù đó! Từ ngày ông qua đời đến nay và qua nhiều cuộc đổi đời,
đã có nhiều công trình biên khảo và nghiên cứu về ông, khen có chê có. Trong
bài này chúng tôi với chủ ý đặt lại một số vấn đề nghiên cứu căn bản, do đó
chỉ xin nêu ra một số sai lầm và nghi vấn về con người và sự nghiệp Trương
Vĩnh Ký, một người Việt Nam-kỳ, theo đạo Thiên chúa, làm việc cho Pháp và là
người mở đường báo chí và văn học chữ quốc ngữ ở hậu bán thế kỷ XIX. Ông
sống đồng thời với Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Tôn Thọ Tường, Phan
Văn Trị, ... nhưng mỗi người một cuộc đời khác nhau, đại diện cho các khuynh
hướng người Việt lúc bấy giờ đối với thực dân Pháp thôn tính Nam-kỳ.
1. Người ta thường phê phán
Trương Vĩnh Ký làm việc với kẻ thù ngoại bang tức người Pháp.
Bước đầu là làm
thông ngôn cho Hải quân Pháp là những người sẽ đánh chiếm lục tỉnh. Phê phán
dễ nếu không đặt vào hoàn cảnh của đương sự. Sau khi đi tu đạo Thiên-Chúa
không thành và du học từ năm 14 tuổi ở Poulo Penang, ông về thọ tang mẹ năm
1858 (2), lúc đó 21 tuổi và nay mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng là lúc triều đình
vua Tự Đức gay gắt cấm đạo, từ năm 1848 đến năm 1861 sáu lần ra chiếu cấm
đạo, như chỉ dụ 13 (1860) nói rõ không cho người theo đạo làm quan chức và
nếu đang làm quan phải bỏ đạo nếu không sẽ bị hình phạt ("thắt cổ chết
ngay"). Có đạo là một "tội hình", Trương Vĩnh Ký sẽ làm nghề gì nếu không
làm rẫy ruộng, nhưng ông lại mồ côi, không thân thích! Năm 1860, sau khi
trốn khỏi trường Cái Nhum nơi ông tá túc và dạy trẻ em, vì bắt đạo, ông phải
trốn lên Sài-Gòn ở và làm việc cho giám mục Lefèbvre, nên khi người Pháp cần
thông ngôn gấp vì không thể tiếp xúc với dân chúng, chính giám mục này đã
tiến cử Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn cho trung tá Hải quân Jauréguiberry,
tư lệnh Sài-Gòn. Lúc này thành Gia-Định đã thất thủ, Trương Vĩnh Ký lập gia
đình năm 1861 ở Chợ Quán. Nhưng công việc này không được lâu vì Trương Vĩnh
Ký đã có thái độ và quyết tâm làm theo ý nguyện của ông. Theo một tài liệu
ông Nguyễn Đình Đầu mới tìm thấy, Trương Vĩnh Ký từng tỏ ra dù hợp tác với
Pháp, vẫn cho họ biết ông có con đường của ông. Một bức thư của chỉ huy
trưởng D’Ariès gửi đô đốc Charner đề ngày 21-5-1861 đề cử Trương Vĩnh Ký : "trong
số người Nam nói được ngôn ngữ của chúng ta chỉ có một người tên là Petrus
Ký là biết khá rành rẽ có thể giữ các chức vụ Ngài muốn thiết lập bên cạnh
các thẩm quyền quân sự của chúng ta", nhưng D’Ariès than phiền thái độ
hợp tác lơ là của người thanh niên 23 tuổi này: "từng là nhân viên Sở Sự
vụ bản xứ Sài-Gòn, ông ta đã bị sa thải vì thiếu mẫn cán và tận tụy, rất
thông minh, rất có khả năng làm tốt công việc, nhưng ông ta dần dà đánh mất
sự tin tưởng tạo được. Tôi không muốn chỉ định ông ta để ngài chọn làm thông
dịch viên cho các hội đồng chiến tranh của chúng ta". Dù vậy vị tổng chỉ
huy Charner nói trên vẫn chọn Trương Vĩnh Ký và đưa ra các
điều kiện để D’Ariès chuyển lại
họ Trương "40 đồng một tháng và phải luôn có mặt tại Sài-Gòn". Nhưng Trương
Vĩnh Ký không chấp thuận điều kiện đó và nhân tiện bộc lộ tư cách của ông
khiến D’Ariès bực tức trong thư sau đề ngày 28-5-1861**: "Tính kiêu căng và
các yêu sách của ông ta hơn tất cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng về
ông ta (...) đòi 110 đồng với quyền làm công việc mà ông ta ưa thích và rút
lui khi nào không còn thích hợp..." (3). Léonard Charner là người đã
đánh hạ đồn Chí Hòa ngày 24-2-1861.
14 tàu chiến của liên-quân Pháp
và Tây-ban-nha bắn vào cửa Hàn (Đà Nẵng) lần đầu ngày 1-9-1858, và cũng như
sau này tấn công Bắc-kỳ lần thứ nhất (1873), người Pháp đều gặp nhiều khó
khăn vì người Việt theo đạo Thiên-Chúa đã không hưởng ứng nổi dậy làm nội
ứng như người Pháp tiên liệu.
Ngày 17-2-1859, hải quân Pháp và Tây-ban-nha
đã chiếm thành Gia Định, rồi đến tháng 12-1861 chiếm hết ba tỉnh miền Đông
Nam-kỳ, đưa đến hoà ước Nhâm Tuất (5-6-1862). Trương Vĩnh Ký ra Đà Nẵng làm
thông ngôn trong việc ký hoà ước và đòi bồi thường chiến phí này, ông đã tỏ
ra có khả năng nghị luận và thẳng thắn khi phải tế nhị giữa hai bên, đã được
cả hai phe để ý. Cho nên tháng 6-1863 cụ Phan Thanh Giản đã yêu cầu Trương
Vĩnh Ký làm thông ngôn cho phái đoàn đi Paris và Madrid xin chuộc lại ba
tỉnh miền Đông - trong khi đó một số người như "sử gia" Vũ Ngự Chiêu sai lầm
khi nói ông làm cho Pháp, tức theo phái đoàn Pháp. Không thành, và rồi ba
tỉnh miền Tây cũng bị Pháp chiếm nốt. Cụ Phan Thanh Giản đã phải uống thuốc
độc tự vận ngày 20-6-1867 sau khi đành nộp thành Vĩnh Long cho Pháp để tránh
chết chóc cho người dân vì cụ đã thấy và hiểu ta không thể chống cự lại khí
giới tối tân của người Pháp. Trương Vĩnh Ký lựa chọn con đường hợp tác sau
mới rõ ra là ảo tưởng vì người Pháp không thực tâm "khai hóa", nhưng lúc đó,
họ Trương không có lựa chọn khác. Đó chỉ là bước đầu vì Trương Vĩnh Ký đi xa
hơn và để lại cho hậu thế một gia tài văn hóa quan trọng mà chúng ta nên
bình tâm luận xét. Cụ Phan hiểu thế yếu đã tự xử cho trọn đạo quân-thần,
Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tự tìm cái chết cũng cho phải đạo. Cụ Nguyễn
Đình Chiểu ở hoàn cảnh khác, cũng trốn tránh kẻ thù, không hợp tác. Tất cả
trung thành với đạo nho, hôm nay có người phê bình là "hủ nho" (4). Trong
bối cảnh lịch sử đó, Trương Vĩnh Ký đã lựa chọn con đường hợp tác với kẻ thù
và mong chờ cơ hội để người Pháp hiểu con người Việt Nam, cũng là cách để
người công-giáo trở về với dân tộc - như Nguyễn Trường Tộ sau này, chứng
minh với người Pháp là người Việt theo đạo Thiên-Chúa không hẳn sẽ dễ bảo,
dễ theo Pháp để phản bội lại dân tộc! Hôm nay chúng ta phê bình dễ dàng, vì
không sống trong hoàn cảnh. Còn phê bình hợp tác với kẻ thù, sau ông, "chúng
ta" cũng đã hợp tác với kẻ thù Trung-Hoa rồi Pháp và Mỹ ! Nếu suy luận từ
những thư tín của các vị thừa sai thì cũng nên xem lại những lá thư mà ông
Nguyễn Đình Đẩu đã khám phá như nói trên! Ngoài ra, cũng nên ghi nhận Trương
Vĩnh Ký từng làm thông ngôn cho sứ thần Tây-ban-nha yết kiến vua Tự Đức năm
1870 và làm việc cho đại sứ nước này ở Trung-Hoa năm 1874!
2. Trương
Vĩnh Ký làm báo cho Pháp
Gia Định Báo
lúc đầu là một thứ công báo của chính quyền thực dân Pháp, nhưng từ 1869
(nghị định 189 ngày 16-9-1869), Trương Vĩnh Ký, một cộng tác viên từ 1865,
được cử làm Chánh-tổng-tài và Huình Tịnh Paulus Của làm chủ bút, Tôn Thọ
Tường, Trương Minh Ký, v.v., trong ban biên tập. Gia Định Báo được thêm phần
truyền bá chữ quốc ngữ, khuyến khích dùng thứ chữ này để viết báo viết văn -
báo khuyến khích độc giả viết chuyện ở các địa phương họ ở bằng chữ quốc
ngữ; và cổ động cho lối học mới. Từ 4 trang lên 16 trang. Vô tình, Gia Định
Báo đã đóng vai trò tiền phong truyền bá cái về sau gọi là văn học chữ quốc
ngữ. Đến năm 1874, J. Bonet được cử làm chánh tổng tài thay Pétrus Ký, thì
tờ Gia Định Báo trở lại với vai trò thông tin tuyên truyền cho chính quyền
thuộc địa và rút lại 4 trang như trước. Trương Vĩnh Ký chỉ làm báo cho Pháp
một thời gian ngắn trong suốt quá trình hoạt động văn hóa của ông. Ngoài ông
ra, làm báo theo lệnh Pháp hay nhận tiền của Pháp còn có Nguyễn Văn Vĩnh,
Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Đức Quỳnh,
... Nếu thêm danh tính các khuôn mặt lớn khác đã làm báo cho Pháp,
Trung-cộng, Liên Xô, cho Mỹ trước và sau 1975,... danh sách sẽ dài ra!
3. Chữ quốc
ngữ
Trương Vĩnh Ký thông thạo nhiều thứ tiếng và cả chữ Nôm chữ Hán, nhưng ông
đã có cái nhìn thực tiễn khi cổ động việc sử dụng chữ quốc ngữ để thay thế
hai thứ chữ không đến được dân gian. Ông viết, phiên âm và phiên dịch các
tác phẩm chữ Nôm, Hán qua chữ quốc ngữ, mà các bản dịch Tứ Thư Ngũ Kinh đã
là những công trình quí hiếm vì trước đó chưa bậc tiền bối nào đã dịch ra
chữ Nôm! Ông lại soạn tự điển và viết sách văn phạm tiếng Việt, làm chuyện
đến lúc đó chưa ai làm qui mô. Trong bộ Sơ Học Qui Chánh (Manuel des écoles
primaires) gồm 3 tập mà cuốn đầu Syllabaire Quốc ngữ xuất bản năm 1876,
Trương Vĩnh Ký đã cho biết "Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì
lợi ích và sự tiến hóa. Vậy, người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng
mọi phương tiện ..." (5)
Cuốn Chuyện
Đời Xưa (6) của Trương Vĩnh Ký in năm 1866 là ấn phẩm văn xuôi đầu tiên
bằng chữ quốc ngữ; chúng tôi nhấn mạnh ấn phẩm vì trước ông đã có những bản
viết tay bằng chữ quốc ngữ của các vị thừa sai và tu sĩ người Việt, như
Bento Thiện đã viết về lịch sử Việt Nam năm 1659, và đã có những cuốn tự
điển của A. de Rhodes (Đắc Lộ), Tabert và Phan Văn Minh, v.v. Tập từ điển
của Tabert (1838) có phụ lục chuyện I Tử Đạo Văn gồm 560 câu thơ lục bát.
Người ta đã cho
rằng vì ông làm tay sai cho thực dân và vì là người theo đạo Thiên-Chúa nên
cổ động chữ quốc ngữ là chữ của thực dân và nhà Chung. Phạm Long Điền (nhấn?)
mạnh ý này nhất. Ở đây cũng nên nêu một hiểu lầm khác: trước nay dư luận vẫn
cho rằng các vị thừa sai người Bồ rồi Pháp đã buộc người Việt theo đạo
Thiên-Chúa phải dùng chữ quốc ngữ và có người còn gán tội người Thiên-Chúa
giáo đã đồng hoá chữ Nôm và Hán là chữ của "ngoại đạo". Đây chỉ là một thuần
suy diễn thiếu căn bản lịch sử. Những khám phá gần đây ở Việt Nam của nhóm
các linh mục Thanh Lãng và Nguyễn Hưng đã góp phần làm sáng tỏ sự "mất gốc"
của người Việt Nam theo đạo Thiên-Chúa : chỉ riêng thế kỷ XVIII, các nhà tu
hành và giáo dân đạo Thiên-Chúa đã biên soạn khoảng 14 tác phẩm chữ Nôm gồm
khoảng 1 triệu hai trăm ngàn chữ với bốn ngàn hai trăm trang hiện còn tìm
được, trong khi trong cùng thời gian, họ chỉ biên soạn khoảng 700 trang chữ
quốc ngữ, tức sáu lần ít hơn (7)! Vậy đồng hoá người theo đạo Thiên-Chúa với
chữ quốc ngữ làm "mất nước" và mất "hồn nước" tựu trung cũng chỉ một huyền
thoại, một suy diễn thiếu căn bản lịch sử! Ngoài ra có những tu sĩ Việt Nam
đã có cái nhìn nếu không dân tộc thì cũng đi trước thời đại, như linh mục
Lữ-Y Đoan đã diễn dịch Kinh Thánh thành Sấm Truyền Ca năm 1670. Ông đã dùng
những ý niệm và ngôn ngữ của tam giáo á-đông và văn hóa dân gian Việt Nam để
hiểu và diễn dịch Kinh Thánh và giới giáo quyền từ thời đó đã không cho phổ
biến vì "trái" luật đạo - cho đến thời Vaticano thứ hai (1962-65) (8). Một
trí thức dù theo đạo vẫn không mất gốc, Trương Vĩnh Ký sau này cũng đi theo
con đường của ông! Sự thực thì chữ quốc ngữ trước hết là một phương tiện cho
các nhà truyền giáo dùng trong nội bộ giúp nhau ghi lại và hiểu tiếng Việt,
rồi đến các cộng đoàn đạo, đến giữa thế kỷ XVIII chữ quốc ngữ phát triễn hơn
vì lý do cấm đạo và việc sử dụng bắt đầu tiện lợi. Theo nhà nghiên cứu
Rolland Jacques, chữ quốc ngữ lúc đầu chủ yếu mô tả phát âm nhằm giúp người
ngoại quốc mới học, nhưng về sau khi đã phổ biến đối với người Việt thì khía
cạnh âm-vị-học được ưu tiên hơn, dấu vết hãy còn đó trong các tự điển và
tranh luận về các cách phiên âm Nôm ra quốc ngữ (9)!
Thứ nữa là lý
luận chữ quốc ngữ là chữ của thực dân xâm lược. Đây là một suy diễn khác.
Chữ quốc ngữ nguyên do các thừa sai người Bồ-đào-nha và người Nhật sang
truyền đạo ở Việt Nam từ những năm 1620 lập ra để tiện lợi hoá việc biên
chép và giao thiệp. Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) chỉ là người đã
phụ trách việc tu chính lại những tự điển đã có lúc đó nhưng phổ biến hạn
chế trong nội bộ, và in ấn cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên : Tự điển
Việt-Bồ-La / Dictionarivm annamiticvm, et t(l)atinvm...
(xin chú ý: Việt-Bồ-La chứ không có chữ Pháp trong cuốn tự điển này cũng như
cuốn kể sau!), và Phép Giảng Tám Ngày.../ Cathechismvs pro ìs.... Ông đã
tổng soạn lại những công trình trước đó của các thừa sai người Bồ (10) và
lúc linh mục Đắc Lộ người Pháp in ấn cuốn tự điển nói trên năm 1651, Pháp
chưa đem hải thuyền chiếm Việt Nam vì lúc đó là thời của Bồ-đào-nha và
Tây-ban-nha làm chủ mặt biển, và đến một thế kỷ rưỡi sau, khi giám mục
Bá-Đa-Lộc cầu cứu vua Pháp giúp chúa Nguyễn Ánh, vua Louis XVI dù đã ký hiệp
ước Versailles hứa giúp chúa Nguyễn vẫn không hề nghe theo để lợi dụng cơ
hội xâm chiếm Việt Nam ! Thứ nữa, giáo sĩ Đắc-Lộ đi á-đông truyền giáo đã
thề phục vụ vua Bồ-đào-nha. Suy luận có thể diễn dịch từ sinh quán Avignon
của ngài ở Pháp. Ngộ nhận thứ hai do câu văn A. de Rhodes viết tường trình
chuyến đi lần sau. Trong Divers
voyages et missions (Paris, 1653) đoạn cuối chương 19, phần 3, ông viết như
sau : "J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume du monde, me
fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient,
pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais
moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces
Églises...". Chữ "soldats" ở đây phải hiểu theo nghĩa thứ nhì là "chiến sĩ"
mà phải là "chiến sĩ phúc-âm, nhà truyền giáo", thứ nữa không nên quên sinh
quán của ngài là đất của giáo hoàng! Lính Pháp vào năm 1653 chưa lên đường
đi chiếm thuộc địa mà Hội Truyền giáo Paris cũng chỉ được lập sau đó, năm
1661! Những người chỉ tra từ điển thường, đã cố ý bới móc chi tiết với ý bôi
xấu, bẻ quặt lịch sử dễ rơi vào cái bẫy kiến thức chủ quan, thiên kiến hoặc
ám ảnh paranoiac! Cuốn A. de Rhodes Người Đầu Tiên Vận Động Pháp Chiếm Việt
Nam Và Chữ Quốc Ngữ (11) là một thí dụ điển hình, một thủ thuật khả nghi, vơ
địch chính trị làm đồng minh để chống địch tôn giáo, thu góp bài viết mù mờ
lý luận, thường đã cũ 30, 50 năm và cũng không cho biết diễn biến tư tưởng
các người viết, coi thường độc giả ! Trong nước, sau nhiều "cơn bão", cái
nhìn của người nghiên cứu đã theo sự thật. Mới đây trong Giao Lưu Văn Hóa Và
Ngôn Ngữ Việt Pháp của Viện Ngôn ngữ học do Tòa đại sứ Pháp ở Hà-nội giúp
xuất bản, Lý Toàn Thắng đã đánh giá lại sự đóng góp của Alexandre de Rhodes
đối với sự thành hình chữ Quốc ngữ kết luận de Rhodes chỉ là người đóng góp
một phần và chữ quốc ngữ của ông dù khá hoàn chỉnh vẫn chưa có hình thức như
nay, do đó "cũng không thể nói là ông đã kiện toàn hay hoàn thành chữ quốc
ngữ" (12) mà nên dành công đó cho Pigneau de Béhaine!
Thật ra chỉ là một tình cờ
của lịch sử mà chữ quốc ngữ đã trở thành công cụ cai trị của người Pháp.
Phải nói chính người Pháp đã "lợi dụng" thứ chữ lúc đó đã thông dụng trong
giới tu hành đạo Thiên-Chúa để làm ngôn ngữ công văn và hành chánh, sau đó
người Pháp mới có ý muốn người Việt quên đi văn hóa dân tộc để dễ đồng hoá
khi cho dịch Hán Nôm ra quốc ngữ. Và chính người Pháp đã đánh sai dư luận,
như Georges Taboulet trong La Geste francaise en Indochine đã viết "Cha
Alexandre de Rhodes đưa Kitô giáo và nước Pháp vào Việt Nam" (13). Một loại
tuyên truyền chính trị ! Người Việt thiển cận đã không tham chiếu và đã lập
lại luận điệu của ... thực dân! Dĩ nhiên có những vị thừa sai thực dân như
giám mục Puginier đã tiếp tay cho nước Pháp của họ khi đánh Bắc-kỳ lần thứ
nhất, nói là để vinh danh "nước Chúa" thật ra chỉ vì quyền lợi nước họ, hai
thế kỷ sau câu viết gây hiểu lầm (ngoan cố) của A. de Rhodes nói trên! Ngoài
ra lịch sử cũng ghi rằng các sĩ quan hải quân Pháp đã ngần ngại dùng các
giáo sĩ trong việc đánh chiếm Nam-kỳ cũng như Bắc-kỳ! Pháp đến để bảo vệ
người theo đạo đã trở thành huyền thoại, vì đó chỉ là cái cớ, phương tiện
cho mưu đồ xâm lăng của thực dân! Và chữ quốc ngữ đã là công cụ của Pháp,
trong thực tế lịch sử cũng không hẳn vậy vì sau vài bước đầu, thực dân Pháp
đã thay thế chữ quốc ngữ bằng chữ Pháp trong chương trình giáo dục, chữ quốc
ngữ trở thành thứ yếu, "chỉ là ngôn ngữ thông dụng chứ không phải là một
ngôn ngữ văn hóa", nói theo Bằng Giang (14). Trương Vĩnh Ký đóng góp cả đời
với tin tưởng ở chữ quốc ngữ, trong khi thực dân chỉ lợi dụng chữ quốc ngữ
khi cần đến; nhưng cũng nhờ những tiền bối như ông, nếu không nước ta đã rơi
vào tình trạng của Phi-luật-tân!
Không những cổ động chữ quốc
ngữ, Trương Vĩnh Ký còn có một chủ trương rất dứt khoát về tiếng Việt.
Có hai khía cạnh: thứ nhất ông chủ trương dùng tiếng Việt của tổ tiên khởi
từ Bắc sau Nam tiến, thứ tiếng tìm thấy trong văn chương truyền khẩu và một
số truyện Nôm như tuyện Kiều, Phan Trần,... Tức không pha chữ Hán, như thầy
giảng Lữ-Y Đoan đã làm với Sấm-truyền ca trước thời Trương Vĩnh Ký. Câu văn
cũng được Trương Vĩnh Ký chăm sóc và nếu so sác(n)h
các văn bản lúc đầu như bài viết trên Gia-Định Báo và Chuyện Đời Xưa (1866)
với các bài viết cuối đời ông sẽ thấy có sự "tiến bộ" tức hợp lý, sáng sủa
và dễ hiểu hơn. Chính Phạm Long Điền cũng công nhận tiếng Việt của Trương
Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, .. không có nhiều lỗi chánh tả như tiếng
Việt trên sách báo trong Nam hồi đầu thế kỷ XX (15)! Các nhà nghiên cứu văn
học đã gọi đó là trường phái Trương Vĩnh Ký, đồng thời và sau ông có Nguyễn
Trọng Quản, Trương Minh Ký, ... Nhưng bên cạnh có những người Nam viết sai
theo nói sai. Chính đó là lý do văn viết trong Thầy Lazarô Phiền dễ hiểu hơn
nhưng đã bị trường phái "bình dân" lấn lướt! Mà ngày nay hai khuynh hướng
viết ngôn ngữ miền Nam này vẫn còn thấy rõ ở Lê Xuyên, An Khê, Ngọc Linh, Võ
Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng, Phùng Nhân, ... hoặc Nguyễn Văn Sâm, Hồ Trường An,
Kiệt Tấn.4. Ông đã viết rất nhiều
sách báo giới thiệu đất nước và con người Việt Nam,
dĩ nhiên bằng tiếng Pháp: Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs,
Précis de géographie de l’Indochine, Produits de l’Annam, Dictionnaire
biographique Annamite,v.v. Ngoài ra ông còn biên soạn nhiều bộ sách khảo cứu
bằng tiếng Việt như Đại Nam Tam Thập Nhứt Tỉnh Thành Đô,... Ông là người đầu
tiên làm cái việc mà ngày nay người ta gọi là Việt-Nam-học, sau ông có G.
Dumoutier, L. Cadière, v.v. Vì là người đầu tiên làm việc một cách khoa học
nên đã bị nghi làm rapport cho "Tây" chăng ? Những công trình này đã được
giải thưởng của Hội địa lý Pháp và được "quốc tế" nhìn nhận như những tài
liệu căn bản. Tưởng cũng cần nhắc ở đây công dìu dắt Trương Vĩnh Ký ở bước
đầu của một nhà truyền giáo người Pháp, Bovillevaux, người đã có công phát
hiện Đế Thiên Đế Thích, Trương Vĩnh Ký vẫn hay nhắc đến với tên Việt "cố
Long" (3), bạn của thân sinh ông thuở sinh thời, trong thực tế là cố đạo duy
nhất đã ảnh hưởng lên Trương Vĩnh Ký nếu có!
Việc giới thiệu này của ông
đã bị các ông Mẫn Quốc, Phạm Long Điền, ... kết án là cung cấp tài liệu cho
thực dân dễ chiếm hữu lãnh thổ Việt Nam. Đây là nói đến cuốn Chuyến Đi
Bắc-kỳ năm Ất Hợi và bản báo cáo đính kèm gửi đô đốc Duperré! Ông Mẫn Quốc
kết án ông có "nhiệm vụ đặc phái" làm " gián điệp, tình báo, giòi trong
xương giòi ra"(16). Phạm Long Điền kết : "Chuyến đi Bắc-kỳ của Trương Vĩnh
Ký năm 1876 không ngoài mục đích xem xét tình hình để báo cáo tường tận cho
Soái phủ Nam-kỳ và từ đó, Soái phủ Nam-kỳ chuẩn bị tiến quân ra Bắc trong
một cuộc xâm lăng đại qui mô nhằm đặt toàn cõi Đông dương dưới quyền thống
trị của thực dân Pháp" (17). Có thể Trương Vĩnh Ký ngây thơ vì quá thành
thật và tự tin vào vai trò trung gian của mình mà không thể ngờ là người
Pháp lợi dụng ông chăng ?
5. Phương pháp nghiên
cứu của Trương Vĩnh Ký đã khoa học, bằng giả thuyết và văn bản.
Đến hậu bán thế kỷ XX bên Âu
tây mới có thuyết đề cao văn bản, thế mà Trương Vĩnh Ký ở hậu bán thế kỷ XIX
đã sử dụng để nghiên cứu văn học ! Trương Vĩnh Ký đã sử dụng phương pháp
khoa học tiến bộ so với phương pháp biên niên sử theo Trung Hoa của thời đó,
ông là người đầu tiên biên soạn lịch sử Việt Nam mà lại bằng tiếng Pháp. Hai
tập Petit cours d’histoire annamite (Giáo Trình Lịch Sử An-Nam) xuất bản năm
1875 và 1877, cả hai tổng cộng khoảng 462 trang. Tập 1 viết về thời lập quốc
đến nhà hậu Lê (2874 AD - 1428), tập sau từ 1428 đến 1875. Ông là người đầu
tiên đã chứng minh lịch sử Việt Nam đã khởi đầu từ hơn 4000 năm, theo ông
thời xa xưa nhất của lịch sử Việt Nam khởi từ năm 2874 trước Công-nguyên với
20 đời vua Hồng Bàng, 18 đời vua Hùng Vương và đời Thục An Dương Vương (tr.
7-17). Vận dụng, khai thác nguồn văn thư tịch và truyền thuyết, truyện cổ,
ông đã dựng cơ sở lịch sử cho thời "huyền sử", ông dựng lại đời sống, con
người và xã hội thời xa xưa đó . Theo ông, "các sử gia biên niên xưa nhằm
xu nịnh vua chúa, đã đặt ra những huyền thoại để khẳng định thiên mệnh của
nhà vua. Còn dân gian thì trong các chuyện truyền khẩu, đã biết ngược dòng
thời gian xa xôi trong cái thời điểm mà lịch sử không còn dấu vết, có chăng
chỉ còn dấu tích trong các ngọn nguồn thâm sâu huyền hoặc của thần thoại.
Người ta không thể coi thường những chuyện kể ở những thời xa xưa, bởi vì
mặc dù chúng có khó hiểu, thậm xưng, hoặc không chặt chẽ nhưng người ta vẫn
có thể rút ra, từ sự tưởng tượng và cả những nhận thức sai lầm trong đó,
những kiến thức về những cái có thể có thực, hoặc ít ra là một phương hướng
một dấu vết khả dĩ dùng được để tìm ra sự thực" (18).
Thật vậy, ông đã vận dụng nhiều phương pháp khoa học và là người đi đầu viết
lịch sử dân gian thay vì chỉ chú trọng giới vua chúa quan quyền, mà khi viết
về mỗi triều đại ông cũng đã viết về đời sống xã hội cũng như các khía cạnh
kinh tế, văn hóa, ngoại giao, v.v.. Không bị ràng buộc như các quan sử lịch
triều, sống ở đất thuộc địa, lại có một căn bản bác học, nhờ đó ông có cái
nhìn tổng quát và chứng tỏ cố gắng khách quan. Khi viết chuyện vua Lê Chiêu
Thống chết bên Tàu được liệm để đưa về chôn ở quê nhà, khi liệm người ta đã
tìm thấy tim vua còn tươi đầy máu, ông bàn "Đó chỉ là một chuyện bịa đặt không căn cứ, kết
quả của những trò phỉnh gạt thô bỉ và phạm thượng” ("C’est une invention
fantaisiste, le résultat de quelque grossière et profane mystification" (tr.
207). Ông đã luận công tội các triều đại xưa và vinh danh các anh hùng dân
tộc. Ngòi bút trở nên đanh thép khi viết về Hai Bà Trưng : "Suốt 149 năm
(111 av CN đến 38 CN) nước An nam đã phải chịu đựng cái ách của các viên
quan cai trị Trung quốc. Nhưng cuộc đô hộ rồi cũng phải bị tiêu diệt, như
tất cả những gì bắt nguồn từ những quá độ của bạo lực: ách đô hộ đã bị bẻ
gãy bởi bàn tay của một người phụ nữ"(19).
Hay khi xét mặt trái chuyện
Sĩ Vương :
"Sĩ Vương đã du nhập sang ta nền văn học Trung quốc, cũng như
đạo lý Khổng Tử, ép buộc nhân dân An-nam phải tiếp nhận làm của mình, và cấm
dùng thứ chữ viết phiên âm đặc biệt riêng của người An-nam. Vì biện pháp
nghiệt ngã ấy mà người An-nam đã hoàn toàn mất đi thứ chữ viết riêng của
mình". (20).
Xét chuyện xưa đưa đến phê phán nặng nề chuyện nay : "Dù người An-nam là công dân của nước Pháp hay
của Bắc, Trung kỳ đều có chung một nguồn gốc. Dù bị ngăn chia (với phần còn
lại nước Việt) vì vận mạng chính trị, chúng tôi vẫn phải phản đối mạnh mẽ
cái chế độ cai trị lầm lạc đã biến dân chúng thành bầy thú của vua, và là
một sự bóc lột trầm trọng, có tội với xứ sở". Ông liền ghi chú xin lỗi
:"Nhưng xin người đọc đừng giận tôi vì trong tôi tràn ngập một nỗi buồn
cay đắng khi thấy đất nước phải ra nông nỗi này, chuyện đáng ra không đáng
phải xảy ra" (21). Đây là lần hiếm hoi ông lộ rõ bất bình đối với vua
quan Tống-nho nhà Nguyễn. Bộ Đại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký xuất bản sau
(1879) (8) cũng được viết ngoài vòng cương tỏa của triều đình nhà Nguyễn,
như bộ của Trương Vĩnh Ký, nhưng bộ sử của họ Trương có cái nhìn quán triệt
và tổng quan hơn nhiều! Cụ Nguyễn Văn Tố trong bài tiếng Pháp "Petrus Ký"
trên tập Kỷ yếu của Hội Trí tri Bắc-kỳ năm 1937 đã dành 10 trong 42 trang để
phân tích và phê bình cuốn sử này, đã đề cao phương pháp sử có cơ sở : "…
Đã đến lúc tính uyên bác Nam kỳ thay thế cho những quyển sách cũ kỹ ấy, đến
lúc đó loại trừ, một mặt, tất cả những thứ tạp nhạp gọi là thông tin mượn ở
sách vở Trung quốc và mặt khác dành một vị trí xứng đáng cho những dữ kiện
chính xác và phong phú rất mực do sử ký ta cung cấp" (22). Trương Vĩnh
Ký cũng đã để lại một bản thảo "Truyện Đất Nam-kỳ lịch sử Đàng Trong”
bằng chữ quốc ngữ viết năm 1864 "xưng tụng các chúa Nguyễn bằng vua"(23).
Ông còn tỏ ra là một nhà ngôn ngữ học thông thái, với những công trình
nghiên cứu về ngôn ngữ Việt, á-đông và nhiều nước như Étude comparée sur les
langues, les écritures, les croyances et les moeurs de l’Indochine, Analyse
comparée des principales langues du monde, v.v. Những công trình được nhiều
nhà nghiên cứu Việt và Âu-Mỹ đánh giá cao như J. Thomson trong Dix ans de
voyages dans la Chine et l’Indochine (1873), J. Bouchot trong Un savant et
compatriote cochinchinois : Petrus J.B. Trương Vĩnh Ký (1925), cả nhà ngữ
học Cao Xuân Hạo trong nước qua bài "Trương Vĩnh Ký trong lịch sử ngôn ngữ
học VN". (24).
6. Nhưng trên hết, qua sự
nghiệp để lại, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có chủ trương làm công tác văn hóa
cho dân tộc.
Nổi tiếng bác học quốc tế, tinh thông hơn hai chục sinh và tử ngữ, ông lại
cổ võ luân lý Nho giáo, ông là người có nhiều ấn phẩm về đạo lý hơn các nhà
văn hoá tiền phong chữ quốc ngữ khác như Huình Tịnh Paulus Của, Trương Minh
Ký. Hành trang của Trương Vĩnh Ký là của một con người trí thức, ngoài những
chức chính thức khi làm việc với Pháp, suốt đời cặm cụi vì văn hóa, có khi
trong những hoàn cảnh khó khắn về tài chính và cô đơn không được người đồng
thời thông hiểu cho, còn người Pháp dĩ nhiên lợi dụng hơn là hợp tác về văn
hóa! Trong Sĩ-Viện Thư-Phổ tức Catalogue sách xuất bản của ông in năm 1894,
ông đã bày tỏ tư duy của mình, một ý tưởng dẫn đạo công việc của ông : "Vì cũng nghĩ thế
cục ngày nay như những lớp sóng xô tình người đến chỗ phụ nghĩa, chính đạo
mỗi ngày một suy đồi, thuần phong mỹ tục ngày càng bị buông xuôi" (25).
Trái với ngộ nhận của nhiều người, ông không hề dịch sách Pháp ra quốc ngữ
và không hề giới thiệu văn hóa Pháp; có chăng là ông giới thiệu văn hóa và
đất nước Việt Nam bằng tiếng Pháp. Ông cũng là soạn giả nhiều cuốn tự điển
đã xuất bản hoặc mới in thạch bản. Ông giới thiệu địa lý, lịch sử văn hóa
của Việt Nam với hy vọng người Pháp hiểu dân tộc nhược tiểu bị trị hơn. Ông
không hề khuyến khích, cổ động đồng bào ông học tiếng Pháp, theo văn hóa và
phong tục ngoại lai. Suốt đời dù làm với Pháp hay không, ông chỉ mặc bộ áo
dài thuần Việt! Thông hiểu chuyện thế giới, nhìn thấy sự tiến bộ về khoa học
và kỹ thuật của người, ông đã có sẵn kết luận cho dân tộc ông, con đường mà
ông đã vạch và đi đến cuối đời. Hợp tác với chính quyền thực dân nhưng con
người và tâm hồn ông vẫn gắn chặt với đất nước, tổ tiên, ông vẫn coi mình là
đồng bào với người Trung Bắc. Ngược lại, Trương Vĩnh Ký luôn đề cao và phổ
biến đạo lý đậm truyền thống dân tộc. Khi làm việc lãnh lương của chính
quyền Pháp, như khi làm Gia Định Báo, ông lợi dụng để phổ biến thơ văn yêu
nước, phiên âm ra quốc ngữ - nhờ đó mà thơ văn này có thêm dịp may lưu lại
cho hậu thế. Vào cuối đời, hết được người Pháp trọng dụng, ông vẫn bền chí
biên soạn sách vở và trực tiếp lo việc xuất bản. Năm 1888, Trương Vĩnh Ký
xuất bản tạp chí Thông Loại Khóa Trình (Miscellannées ou Lectures
instructives pour les élèves des écoles primaires, communales, cantonales et
les familles - bìa tiếng Pháp nhưng ruột tựa và bài vở quốc ngữ, để dễ qua
mắt thực dân chăng?) với mục đích cổ động phong hóa cũ, phổ biến văn hóa dân
tộc kể cả văn thơ chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương, Bùi
Hữu Nghĩa,... nhưng thiếu vốn, tạp chí chữ quốc ngữ tư nhân đầu tiên đó chỉ
ra được 18 số (tháng 5 đến 10-1889). Từ số 4 tăng từ 12 lên 16 trang và
ngoài TVK ra, từ số 6 tăng cường thêm Huình Tịnh Paulus Của, Trương Minh Ký,
Trần Chánh Chiếu, Lương Khắc Ninh,... Mỗi số giá 60 xu thời bấy giờ bằng giá
một tạ lúa, bưu điện chưa có, người mua phải đến tận Chợ Quán để mua!
Trương Vĩnh Ký dịch trọn bộ
Tứ Thư, Ngũ Kinh nhưng đến khi qua đời mới chỉ xuất bản được hai cuốn là Đại
Học và Trung Dung (1889) của bộ Tứ Thư. Còn hai cuốn Luận Ngữ và Mạnh Tử chỉ
mới in ở dạng thạch-bản. Trong khi Võ Phiến đề cao Phạm Quỳnh trừu tượng hóa
tiếng Việt (TK21) thì giáo sư Nguyễn Văn Trung đã thán phục Trương Vĩnh Ký
đã dịch cả phần siêu hình học trong khi ngôn ngữ ta lúc đó chưa có sẵn chữ
(26)! Trương Vĩnh Ký chăm sóc ra bộ học báo Thông-Loại Khoá-Trình để phổ
biến văn hóa và thơ văn dân tộc, cả thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu,
Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Tri Phương, Phan Văn Trị,...
Bằng Giang trong Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký sau khi lược qua cuốn
Sơ Học Vấn Tân của Trương Vĩnh Ký đã thú nhận : "Đọc hết tác phẩm, người ta tưởng tác giả là một
nhà Nho chính tông chớ không phải là một người thuộc đạo dòng (Thiên-Chúa
giáo)" (27). Trương Vĩnh Ký có cái nhìn tổng hợp, ông muốn dung hòa cũ
mới . Theo ông, "học thì chẳng phải là học cho biết chữ, cho thuộc tiếng
mà thôi, mà lại phải học nghĩa lý, phép tắc, lễ nghi, cang thường luân lý là
giềng mối mà xử trí trong việc ăn ở trong đời với thiên hạ ấy là lịch là
thanh. Nên phải do cựu tùng tân mới là phải, chẳng nên mới chuộng cũ vong mà
mang tiếng yểm cựu nghinh tân..." (28). Để nhấn mạnh cái nhìn tổng hợp
cần thiết cho người Việt Nam này mà khi xây trường trung học mang tên ông ở
Sài-Gòn đã có câu đối được khắc trước cổng (nay đã bị Hà Nội đục bỏ) : "Khổng
Mạnh cương thường tu khắc cốt / Tây Âu khoa học yếu minh tâm". Một lời
nhắn nhủ khác, ghi lại ở đầu sách Petit cours d’histoire annamite, nhắm kẻ
hậu sinh : "Cho học trò các trường đất Nam-kì. Ớ các trò trai, ta xin
kiếng sách nầy cho các trò vì làm nó ra là làm cho các trò coi (...).
Đến sau, khi anh em học đã thành tài, biết bắt, biết hạch được, thì xin hãy
dong thứ cho kẻ lớp trước anh em, vì những kẻ ấy thuở trước chẳng có được
những phương tiện mà học-hành như anh em bây giờ nhờ...” (tr. 4).
Ông lại chứng tỏ tài cao về chữ Nôm lúc bấy giờ chưa có tự điển và gần như
ai viết sao thì viết. Chính Nguyễn Văn Tố trong lời Tựa cuốn Trương Vĩnh Ký
của Lê Thanh đã ghi nhận: "Những
truyện nôm như truyện Kiều, truyện Phan-Trần, mà ông dịch ra quốc ngữ đầu
tiên, tất cũng có chữ sai, nhưng không nên vin vào đấy mà phê bình, vì chữ
nôm của ta là một thứ chữ không có tự điển, mỗi người viết một cách, khó
lòng đọc cho đúng ngay: thử lấy một quyển nôm nào chưa ai dịch ra quốc ngữ
mà đọc xem, có lắm chữ không tài nào đọc nổi, thế mới biết cái tài học của
Trương Vĩnh Ký đáng tôn trọng, đáng kính phục biết bao nhiêu". Cả về chữ
Hán: "Về Hán văn ông có dịch bộ Tứ thư và quyển Minh Tâm bảo giám ra quốc
ngữ, kể cũng có công với Hán học khi gần tàn, và tỏ ra là một nhà nho gồm cả
văn học Âu Á, mà vẫn giữ được tính cách người Đại Nam" (29). Cụ Nguyễn
Văn Tố cũng như Lê Thọ Xuân ở trong Nam vốn là những học giả uyên bác. Riêng
về cụ Nguyễn Văn Tố, nhà văn Võ Phiến xếp vào lớp nhà phê bình "chỉ nói
cái sai cái quấy" (30) tức không bao giờ khen ai (!). Vậy mà cụ Nguyễn
Văn Tố đã khen Trương Vĩnh Ký đủ bề! Xin đừng suy diễn rằng cụ Tố cũng lãnh
lương Pháp vì làm việc tại trường Viễn-đông bác-cổ (EFEO)!
7. Trương Vĩnh Ký in thạch
bản cuốn Vân Tiên Chú Giải
năm 1887 để dùng ở trường Thông ngôn,
sau đó cuốn Lục Vân Tiên Truyện phiên âm được xuất bản năm 1889, với quảng
cáo "bản nhỏ, bán rẻ tiền cho người ta mua mà coi, chính chữ lại không
sai chạy nguyên bản" (31). Người nay nêu ba vấn đề : Trương Vĩnh Ký là
người đầu tiên phiên âm Kim Vân Kiều Truyện năm 1875, 14 năm trước cuốn Lục
Vân Tiên. Tại sao? Phạm Long Điền trong bài báo trên Bách Khoa đã dẫn
kết án Trương Vĩnh Ký "có chủ đích chánh trị núp dưới chiêu bài văn hóa" khi
in cuốn Kim Vân Kiều Truyện diễn quốc ngữ năm 1875, 14 năm trước
phiên âm cuốn Lục Vân Tiên (1887). Theo ông Phạm Long Điền, Trương Vĩnh Ký
đã không nhìn thấy sự tiêu biểu văn hóa của truyện Lục Vân Tiên trong Nam
cũng như niềm hãnh diện người của vùng đất quá mới với chốn "ngàn năm văn
vật" mà đã "lại tiếp nhận đứa con tinh thần của đất Bắc để rồi Kim Vân
Kiều Truyện diễn quốc ngữ ra chào đời đúng một năm trước khi họ Trương lên
đường thăm sĩ phu đất Bắc trong một chuyến đi đầy bí mật...". Thứ hai,
Phạm Long Điền lại thêm lý luận Trương Vĩnh Ký hay Tôn Thọ Tường muốn đề cao
Kiều vì thân thế "đáng thương hơn đáng trách". Như lời Tôn Thọ Tường vịnh
Kiều "Để lòng thiên cổ thương rồi trách / Chẳng trách chi Kiều, trách Hoá
công" (32). Và sau cùng, theo họ Phạm, Trương Vĩnh Ký xuất bản Kim Vân
Kiều trước để chuẩn bị chuyến đi Bắc Kỳ năm sau, 1876! Thuần suy diễn !
Chúng tôi chỉ thấy qua toàn bộ sự nghiệp, Trương Vĩnh Ký vẫn tự hào là người
Việt, yêu văn chương và văn hóa dân tộc, yêu tiếng Việt của Kim Vân Kiều,
đến cả quên phiên âm Lục Vân Tiên của miền Nam yêu dấu của ông cho ... hậu
sinh như ông Điền hài lòng. Trương Vĩnh Ký xuất bản "trễ" có thể vì đã có
bản phiên âm năm 1873 của G. Janneau (Paris) và bản dịch ra tiếng Pháp năm
1864 của Aubaret ! Tuy ra sau nhưng chính bản phiên âm của Trương Vĩnh Ký
mới là bản đã góp phần đáng kể trong việc san định văn bản Lục Vân Tiên xuất
bản hiện nay. Họ Phạm quên giáo sư Nguyễn Văn Trung của ông, trong Chữ Văn
Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc lúc đó (1974) đã lý luận rằng thực dân Pháp
dùng chữ quốc ngữ có ích cho công việc cai trị hành chánh của họ mà còn ích
lợi cho việc phục vụ mục tiêu xâm lược tinh thần người bản xứ (33). Trương
Vĩnh Ký có thật đi chung đường với thực dân đâu!
8. Trương Vĩnh Ký còn có
công đem hột giống những cây ăn trái từ "Miền Dưới"
tức Mã Lai, Nam Dương và Java như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mãng cầu,
... đem về trồng trước hết ở Cái Mơn (Vĩnh Long) miền quê ông. Trong thời
gian sáu năm tu học ở Penang, mỗi lần hè về thăm mẹ, ông đã có dịp đem trái
cây "Miền Dưới" về, hột sanh cây, một ươm hai, sau nhiều năm đã thành đặc
sản miền lục tỉnh. Đây là một việc có thể chính Trương Vĩnh Ký cũng không
ngờ đến. Ông Quán Phong trong một bài báo (34) đã kể rõ công của họ Trương
đối với nhà nông nhà vườn Nam-kỳ lục tỉnh ! Trong khi đó có những nhóm nói
bâng quơ suy luận đã do các nhà buôn Nam Dương, Mã Lai đem sang mà không hề
trích dẫn văn liệu! (35). Nguyễn Tấn Hưng trong một trường thiên tiểu thuyết
có tính cách tự sự, Một Giấc Mơ Tiên 3, cũng đã ghi nhận "chính ông (TVK) đã
du nhập chiếc áo bà ba và rất nhiều cây ăn trái lấy giống từ Mã Lai và Nam
Dương như bòn bon, lôm chôm, mãng cụt, sầu riêng, sa kê,.. "(36).
9. Trương Vĩnh Ký đã là
một "tay sai" đắc lực cho Pháp?
Trên đã bàn qua, nay thêm vài
chi tiết : Khi Trương Vĩnh Ký ra Huế được vua Đồng Khánh sắc phong chức Cơ
Mật Viện Tham-tá ngày 12-4-1886, sau thêm chức Hàn Lâm Thị Giảng Học Sĩ dạy
vua tiếng Pháp. Ông ra Huế vì tình bạn với Paul Bert tổng-trú-sứ lưỡng kỳ
(Bắc và Trung-kỳ) mới được bổ nhiệm lúc bấy giờ (8-4-1886). Trước khi nhậm
chức, Paul Bert đã gặp Trương Vĩnh Ký, nhờ cả ông soạn giùm bài hịch (thư
22-3-1886) mà cuối cùng chính họ Trương đọc trước Vua, trình bày 7 điểm để
cứu vãn tình hình bất an gay cấn giữa Pháp-Việt và lương-giáo! Nhưng vị toàn
quyền muốn áp dụng chính sách trấn an hơn là độc trị gây ra kháng chiến. Hàm
Nghi này không tại vị lâu, ông mất mấy tháng sau đó, ngày 11-11-1886. Trương
Vĩnh Ký nay như có vai trò dòm ngó hành tung triều đình để báo cáo cho Pháp,
nên ông từ chức trở về quê nhà sống thanh bần ở Chợ Quán, cho đến khi qua
đời, 1-9-1898. Từ ngày 5-10-1886, Trương Vĩnh Ký đã viết thư cho Paul Bert
từ Sài-Gòn và ông toàn quyền này hiểu con người họ Trương đã phải mời ông
trở ra Huế. Trương Vĩnh Ký chỉ thật sự ở Huế sáu tháng. Huế, nơi lúc đó Tống
Nho cực thịnh, quần thần bắt chước đàn anh Trung Hoa khinh rẻ người theo
Âu-tây (bạch quỉ) hoặc biết tiếng lang-sa, nơi sẽ bỏ thi Hương sau cùng, hơn
20 năm sau Nam-kỳ và 4 năm sau Bắc-kỳ. Ông bỏ về Sài-Gòn viết sách, do tự ý
chứ không phải vì bị bó buộc hay cách chức như nhiều người nghĩ (37). Có
chăng là Paulin Vial vốn là thượng cấp của Trương Vĩnh Ký ở Nam-kỳ và không
ưa ông, ngày 11-12-1886 đã viết thư chỉ thị Trương Vĩnh Ký phải báo cáo về 6
tháng làm việc cạnh vua và nhắn đừng trở ra Huế nữa : "... Tốt hơn là ông
không nên trở ra Huế nữa vì xét về mặt quyền lợi của đất nước thì thiết yếu
nước Pháp phải được thay mặt ở thủ phủ ấy bằng một người duy nhất, đại diện
chính thức, mà không có nhân vật nào khác ở bên cạnh vị đại diện ấy để hưởng
một thế lực, có lúc sẽ ảnh hưởng trái ngược trở lại trên người đại diện
chính thức ấy". Vua Đồng Khánh ban cho Trương Vĩnh Ký biệt hiệu Nam
Trung Ẩn Sĩ và vẫn trao đổi thư từ với ông đến khi vua mất, 25-12-1888! Paul
Bihourd và Noel Pardon toàn quyền kế nghiệp Paul Bert cũng như xử lý Paulin
Vial đều không dùng Trương Vĩnh Ký, vì họ không tin ông. Trương Vĩnh Ký thân
thiết với Paul Bert và theo thuyết ông này chủ trương hoà hoãn, bình định,
trong khi những người Pháp khác chỉ muốn áp đặt guồng máy thống trị toàn cõi
Việt Nam! Như vậy, người Pháp dùng Trương Vĩnh Ký nhưng thường vẫn ngại ông.
Joseph Chailley-Bert trong cuốn Paul Bert au Tonkin (38) viết về Trương Vĩnh
Ký : "Để thêm người làm việc cho vua, Paul Bert đã cho vào Cơ Mật Viện
một nhà trí thức nổi tiếng của nước Nam-kỳ thuộc địa tên Trương Vĩnh Ký. Đây
là người vẫn được người Pháp bàn tán tranh cãi đặc biệt và có những ý kiến
quá trớn" . Phải chăng quá trớn cho quyền lợi Pháp? Trong một văn thư
gửi toàn quyền Noel Pardon, văn thư cuối cùng liên hệ với cầm quyền Pháp, họ
Trương trình bày những ưu tư và giải pháp ông nghĩ để giải quyết những rối
loạn ở Đông dương! Nhiều lần Trương Vĩnh Ký đã tận dụng chức vụ để bày tỏ
với người Pháp những ưu tư của ông đối với người dân thường, như trong tường
trình ngày 28-4-1876 về Bắc kỳ, tường trình vốn bị nhiều người lên án làm
chỉ điểm cho Pháp chiếm Bắc-kỳ sau đó. Ông ưu tư trước hiểm họa chiến tranh
hao người tốn của như cụ Phan Thanh Giản trước đó đã bày tỏ qua cử chỉ nộp
thành và quyên sinh! Biết thua thiệt, nên "bất cượng chớ cượng làm chi" (tựa
sách viết năm 1882), do đó ông muốn dựa vào kẻ mạnh khoa học và giáo dục,
hầu mong dân nước mình tiến bộ theo! Hơn nữa, khác với Phạm Quỳnh, Trương
Vĩnh Ký không bao giờ kết án những người Việt chọn con đường yêu nước võ
trang chống Pháp và cũng không hề nịnh hót chính phủ thuộc địa để được quyền
lợi vật chất.
Người Pháp đã không :"bằng
lòng" về Trương Vĩnh Ký nhiều lần khác. Như khi ông lo cho học sinh được
triều đình Huế gửi vào Sài-Gòn học trường thông ngôn, có người đã nghi ông "phản" Pháp và chăm lo cho triều đình Huế, viên thống đốc Nam-kỳ lúc đó chỉ
trả lương chức Đốc học cho ông và có khi còn bày trò trả lương trễ cho ông!
Chính những trò đời này và ông dư sức đã hiểu tâm địa người Pháp sau một
thời gian "hợp tác", cho nên sau đó cho đến chết ông sống thanh bần, lo viết
và in sách để phổ dương văn học và văn hóa Việt Nam.
Ở đây xin ghi sai lầm, xuyên tạc của ông Đỗ Mậu trong Tâm Thư khi ông này tố
cáo "vai trò cố vấn bí
mật của ông ta (Trương Vĩnh Ký) do cha đỡ đầu là Paul Bert trong cuộc "đánh
lừa chiến lược" với quan lại chóp bu của triều đình Tự Đức trong chuyến công
du Bắc-kỳ 1876, tạo điều kiện cho bọn Pháp đánh chiếm Bắc-kỳ lần thứ hai..."(39).
Đỗ Mậu ghi là viết theo tài liệu của Đỗ Quang Hưng. Ông Mậu xuyên tạc vì
trong tài liệu của ông Đỗ Quang Hưng (40), không thấy viết như thế. Sau nữa,
ông Mậu sai lầm lớn, vì năm 1876, Paul Bert còn ở Pháp, đến 1886 mới qua
Đông-dương và khi ở Pháp Paul Bert làm hội viên viện Hàn Lâm và là nghị sĩ,
không làm linh mục và từng là người chống giáo-hội Thiên Chúa Giáo vì ông
theo phe Cách mạng - nên khi qua nhận chức mới, ông chủ trương không thiên
vị người theo đạo Thiên Chúa vì phải bảo vệ tư do tôn giáo cho mọi người! Và
theo ông, nếu một số nước Âu châu tiến chiếm thuộc địa các nước khác thì đó
là những quy luật tất yếu của lịch sử (41). Vả chăng Bắc-kỳ đã bị Pháp chiếm
năm 1885 sau khi đã ký hoà ước Giáp Thân 1884! Có chăng là vua Đồng-Khánh du
hành ra các tỉnh Bắc Trung-kỳ và bị nghĩa quân nhiều lần uy hiếp phải trở về
sớm, có phải là do lời cố vấn của Trương Vĩnh Ký hay không thì chưa thấy văn
liệu xác nhận!
10. Trương Vĩnh Ký tin đạo
Thiên-Chúa nhưng không hề tin theo đạo mà trở nên mù quáng,
bất công, nhất là khi đụng đến quyền lợi tổ quốc. Trước việc cấm đạo, ông đã
lên tiếng : "Người An-Nam đâu có thù ghét đạo Gia-Tô! Họ chỉ bất bình và
phản đối những hành vi quá mức của một số linh mục dựa vào sự che chở của
quân đội và chánh quyền Pháp-lang-sa, để tiếp tục thi hành những việc bạo
ngược. Bởi vì, xét cho kỹ, Gia-Tô giáo và Phật giáo chẳng khác nhau bao
nhiêu" (42).
Trương Vĩnh Ký cũng không xin theo quốc tịch Pháp hay ân huệ như những người
cộng tác lớn khác. Trong một thư ông trả lời bạn: "Đại phàm văn minh là ở tinh thần, chớ không ở vật
chất. Ta muốn văn minh như người Tây thì cố hết là phải luyện lấy tinh tâm
trí não để bổ lấy tinh thần văn minh, chớ nếu tâm não ta vẫn hủ bại dã man,
mà ta chỉ ghé cái danh hiệu vào sổ văn minh, khoác cái y phục của người văn
minh, đó là giả dạng văn minh, thì tôi e rằng không xứng đáng, và có điều
bất lợi về sau nữa (...) Vả chăng mỗi nước riêng một tộc loại và để duy hệ
tinh thần. Nước Nam ta tổ tiên Hồng Lạc (...) gia phả truyền lại bốn ngàn
năm nay, nhứt đán ta dân tịch theo Tây, phục sắc theo Tây, biến hết làm tây,
không còn cái dấu tích chi là người Nam nữa, đó ta là loài Tịch Đàm vong tổ,
rồi tới đời con cháu ta nó theo cái gia phả mới của ta mà đốt quách cái gia
phả cũ của tổ tiên đi, quên đứt là người Nam, thì giống ta còn cũng như mất,
mà cái gương diệt chủng tự ta treo lên trước. (...) Người ta sẽ cho tôi là
nhu nhược, nhút nhát; tôi đã làm như vậy vì tôi sợ muốn thoát thân ra khỏi
một hoàn cảnh khó khăn. Vào dân Tây tôi sẽ mất hết uy tín, uy lực của tôi và
đã mất hết tín nhiệm của Vua, của triều đình và của đồng bào tôi. Không lý
trời sanh tôi ra là con quạ, bây giờ biểu tôi thì một hai nói tôi là con cò
sao đặng? Nên là điều trái tự nhiên hết sức" (43). Trong một thư trả lời
Blamcsudé, Trương Vĩnh Ký còn viện dẫn lịch sử. phong tục và luật pháp để
giải thích thêm. Ông Mẫn Quốc trong bài viết trên Nghiên-cứu Lịch-sử (44)
của Hà-nội thì cắt trích dẫn rồi suy diễn cho là Trương Vĩnh Ký khôn ngoan
không theo quốc tịch Pháp vì sợ mất uy tín với vua quan ta và không phục vụ
được cho Pháp!
Trương Vĩnh Ký cả cuộc đời
làm báo, soạn sách, để lại khoảng hơn trăm tác phẩm lớn nhỏ. Ông làm những
việc đó toàn thời gian cả cuộc đời trong khi ông lãnh lương của Pháp khoảng
20 năm. Về chính trị ông đã cô đơn; nhưng ông đã làm với lòng yêu nước, muốn
nước được hùng mạnh, dân tộc được trường tồn. Mặt khác, lúc bấy giờ thực dân
Pháp muốn sử dụng chữ quốc ngữ như là công cụ, phương tiện đô hộ; nhưng ông
cũng như Huình Tịnh Paulus Của và các vị tiền bối khác lại tận dụng kẻ hở đó
để gây dựng một nền văn học hiện đại. Đi xa hơn trong thái độ tìm hiểu tiền
nhân đã làm gì trong những hoàn cảnh đặc biệt thì tốt, nhưng nếu phê bình
gay gắt họ, thì ai sẽ phê phán những cá nhân và tập thể đã nhận viện trợ
hoặc chịu áp lực của Hoa Kỳ, Trung-quốc, Liên Xô, Pháp để đè nén nhân dân,
gây chiến tranh chống những đế quốc nghịch thù qua anh em mình hoặc để làm
những việc gọi là "làm mới" văn học? Và thế nào là yêu nước? Lịch sử sẽ luận
xét sự "yêu nước" của tất cả, từ những vị Cần vương, Văn thân Tống Nho tổ
chức chống Pháp, chống chữ quốc ngữ, từ những Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường
Tộ, ... tích cực xông xáo với khả năng và cơ hội, Trần Chánh Chiếu, Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh,... chủ trương minh tân và duy tân, đến các nhà cựu học
Đông-Kinh nghĩa thục chủ trương dùng chữ quốc ngữ, hoặc Nguyễn Văn Vĩnh,
Phạm Quỳnh, v.v. !
11. Hạ giá Trương Vĩnh Ký
có Phạm Quỳnh.
Cùng não trạng với Phạm Duy
Tốn kỳ thị và tự hào văn hóa ngàn năm văn vật đối với người đất mới, vô Nam
làm báo viết bài trên Lục-tỉnh Tân-văn chê nhà văn nhà báo trong Nam như Lê
Hoằng Mưu, Tân Dân-Tử,.. đã bị họ phản đối. Riêng Phạm Quỳnh có thể vì ghen
tương hay nghe lời quan thầy người Pháp, trong bút ký "Một Tháng Ở Nam-kỳ",
đã viết về Trương Vĩnh Ký : "Nay có một ông Nam-kỳ bàn về các vấn đề ấy
một cách rất kỳ khôi đọc đến không thể nhịn cười được tuy lời lẽ có lắm chỗ
quá đáng "nôm na là cha mách qué... Ông Trương chẳng qua là một nhà làm sách
giáo khoa thường cho con nít học mà thôi đã có công gì với Tổ quốc. Chẳng
dám khinh gì người trước nhưng những danh sĩ nước Nam cứ như ông Trương cả
thì cũng không lấy gì làm vẻ vang cho nước lắm" (45). Ngài chủ bút
Nam-Phong tạp-chí cũng làm báo cho Pháp, hơn nữa lại làm cho trùm mật thám
Đông-dương là Louis Marty, ngài đã tổng quát hóa cái viết của người Nam vốn
có hai trường phái một bình dân viết theo lối đang nói, và một theo trường
phái Trương Vĩnh Ký, viết đúng tiếng Việt của ông bà từ Bắc theo nam-tiến
(8). Khoảng năm 1934, trên tờ Phụ-Nữ Tân-Văn có cuộc tranh luận về chữ viết
của người Nam, nhà văn Phan Khôi đã tuyên dương lối viết tiếng Việt của
trường phái Trương Vĩnh Ký và chê lối viết Nam "bình dân" kia sai lầm. Và
không lẽ ngài họ Phạm quên Trương Vĩnh Ký từng được quốc tế tuyên dương là
nhà bác-học từ năm 1874, chưa kể những huân chương nhiều nước khác ngoài
Pháp và là hội viên nhiều hội chuyên gia quốc tế !
Phạm Thế Ngũ trong Việt
Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên: Văn Học Hiện Đại 1862-1943 (1963) đề
cập một cách sơ sài về cái mà ông gọi là "sự manh nha văn quốc ngữ ở
Nam-kỳ". Theo giáo sư Phạm, hai ông Pétrus Ký và Paulus Của là những "vì
sao mọc quá sớm... dóng lên những tiếng chuông có giá trị song "điệu cao họa
quả", họ đã "làm tài liệu cho một nền học Việt Nam, nhưng nền học này
đã không được thiết lập nên công việc ấy bị bỏ rơi". Lý do vẫn theo ông,
"vì Nam-kỳ không hiến hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển của văn học,
nhất là văn học quốc gia". Giai đoạn "manh nha" này đã chỉ "đề xướng
lên những công việc mà rồi nhóm Nam Phong ngoài Bắc tiếp tục" nhưng đã "làm
được một việc mà nhóm Nam-phong không dám làm, ấy là cuốn tự vị Việt Nam",
rằng "quốc văn do đó trong nhiều năm về sau ở Nam Kỳ chỉ bày tỏ trong
hình thức báo chí phổ thông, với trình độ trí thức khá ấu trĩ hoặc ở tác
phẩm tiểu thuyết cho một công chúng hạ lưu dễ dãi" (46). Cái "manh nha"
đó thật sự đã gây thành nếp, thành phong trào mà chúng tôi đã có lần chứng
minh trong bài "Miền Nam khai phóng" (47). Và hoàn cảnh mà giáo sư Phạm nói
đó, thật ra một phần do người Pháp khi họ chuyển nền cai trị thực dân ra Hà
Nội, lập phủ Toàn quyền, trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và viện đại học, vì
người Pháp đã hiểu người Nam-kỳ tuy học tiếng Pháp và có vẻ chịu đồng hóa
nhưng trong thực tế người Nam-kỳ rất thủ cựu dân tộc chủ nghĩa. Theo thiển ý
giáo sư họ Phạm đã tỏ ra khá chủ quan và hẹp hòi địa phương khi cho rằng "Nam-kỳ
không hiến hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển của văn học, nhất là văn
học quốc gia"!
Giáo sư Nguyễn Văn Trung thời
trước 1975 cũng theo quan niệm chung đó, đã nghiêm khắc phê phán tác phẩm
văn học thời Pétrus Ký là "nghèo nàn", ngưng đọng, vì các Pétrus Ký, Paulus
Của chỉ là những viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện chính sách "văn
hóa, báo chí, giáo dục của thực dân", lợi dụng chữ quốc ngữ và văn học
chữ quốc ngữ cho việc "trực trị và đồng hóa". Dù vậy ông cũng đã nhìn
nhận Pétrus Ký "có tư cách hơn ... vì làm chính trị thì làm một cách kín
đáo, còn làm văn hóa thì chỉ làm văn hóa thuần túy trong chính sách của thực
dân, không như Phạm Quỳnh hay Tôn Thọ Tường" (48). Trong khi việc người
Pháp cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ chỉ vì người Pháp muốn tiêu diệt truyền
thống đạo lý, luân thường xuất phát từ sách vở Nho học, người Pháp sợ những
sách này nhắc nhở ý thức về đạo lý dân tộc trong đó có lòng ái-quốc! Trong
Nam, người Pháp dùng báo chí chữ quốc ngữ để thông tin, cai trị, nhưng những
người cộng tác như Trương Vĩnh Ký có đầu óc khai-phóng, thức thời, đã lợi
dụng để đặt nền móng cho văn học chữ quốc ngữ. Các nhà nghiên cứu văn học
của Hà Nội như Mẫn Quốc, Tô Minh Trung, Hồ Song, Nguyễn Anh, Hoàng Văn Lân,
Trần Huy Liệu,... ở trong quỹ đạo "yêu nước", chống "đế quốc" và vinh quang
thắng Pháp thời trước 1975, thắng Mỹ trước Đổi Mới 1986, không thể có lời lẽ
tốt và công bằng hơn với Trương Vĩnh Ký ngoài luận điệu xem Trương Vĩnh Ký
là "tên tay sai đắc lực", là "một nhân vật phản diện điển hình của nhân dân
ta" (37) hay "phản quốc, làm đặc vụ, tay sai, tình báo cho địch" "giòi trong
xương giòi ra" (16)! Trong cùng chiều hướng tố cáo và xóa bỏ, Phạm Long Điền
và Nguyễn Sinh Duy (49) sau mấy bài báo trên Bách Khoa đã xuất bản Cuốn Sổ
Bình Sanh Của Trương Vĩnh Ký đầu năm 1975. Hai ông xóa toàn bộ sự nghiệp văn
hóa của Trương Vĩnh Ký vì theo hai ông các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký phục
vụ cho quyền lợi của Pháp. Một trong những lý luận là sách Trương Vĩnh Ký
được người Pháp mua cho, bình tâm mà xét thì cũng thường, vả lại hai ông
quên bộ Thông-Loại Khoá-Trình mà Trương Vĩnh Ký chăm chút đã phải đình bản
vì thiếu nợ nhà in. Sau 1975 không thấy hai ông lên tiếng, chỉ biết hai ông
là sinh viên của giáo sư Nguyễn Văn Trung và nhà xuất bản Nam Sơn đã in sách
hai ông. Hai bài báo nói trên khiến ông Vương Hồng Sển đau lòng, "lấy làm
tội nghiệp cho nhà học giả tiền bối miền Nam, chết được dựng tượng, mà nay
có trẻ nhỏ dám đến đái dưới gốc chân tượng" (50) (Có người trích lại câu
này và cắt nghĩa theo nghĩa đen mà không hiểu trẻ nhỏ là họ Vương ám chỉ hai
hậu sinh họ Phạm và Nguyễn kia !).
Cùng chiều hướng này nhưng
động cơ có thể "đa diện" hơn, có ông Đỗ Mậu từng làm ủy viên (bộ trưởng) và
phó thủ tướng "văn hóa" của đệ nhị cộng hòa, gần đây về nước lên đài truyền
hình, đã gọi Trương Vĩnh Ký là "tên đại phản quốc, một tên Việt gian dùng
văn hóa, báo chí giúp thực dân Pháp thống trị Việt Nam" (51). Ở hải ngoại
còn có các nhà khoa bảng nhóm Giao Điểm, "sử gia" Vũ Ngự Chiêu và "tác giả"
Lê Trọng Văn! Trong nước, người cộng sản vốn chỉ có một thái độ hạ bệ Trương
Vĩnh Ký vì mặc cảm (!) với dân Nam-bộ, vì dị ứng với chuyện "yêu nước" theo
chủ trương của họ, nên đã hạ tượng, xóa tên trường, nhưng nay đã có những
tiếng nói tuy rời rạc nhưng đã có, của Sơn Nam, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Đình
Đầu hay của Nguyễn Văn Hoàn của Viện văn học là người đã phát biểu rằng
Trương Vĩnh Ký là "một nhà văn hóa lớn không chỉ riêng của Nam-kỳ" và
đã nhìn nhận rằng "bộ phận văn học quốc ngữ đã phát sinh và phát triển
trong một không gian chính trị - xã hội phức tạp... "!
Trần Chánh Chiếu chủ báo
Lục-Tỉnh Tân-văn và là người từng vận động phong trào Minh Tân sau lại
hổ trợ cụ Phan Bội Châu đã viết về Trương Vĩnh Ký khi hô hào dựng tượng - về
sau bị Pháp can thiệp "lấy lại" chủ động: "Ông nầy khi sanh tiền tuy là
nhà nước tin cậy mặc dầu chớ chẳng hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các
quan Lang-Sa biết phong tục lễ nghĩa của con nhà Annam cho khỏi chỗ xích
mích nhau, làm cho mẹ gà phải thương con vịt. Đêm ngày lo nghĩ đặt sách này
dịch sách kia cho kẻ hậu sanh dễ học. Thật(!) là quan thầy của cả Nam-kỳ"
(52). Học giả Nguyễn Văn Tố trong bài viết bằng tiếng Pháp đã nói ở trên đã
tóm lược thân thế Trương Vĩnh Ký vào ba tiếng "Science, Conscience et
Modestie" (bác-học, tâm thuật và khiêm tốn) (22)! Trong bài Tựa cuốn
Trương Vĩnh Ký Biên-Khảo của Lê Thanh đã dẫn, học giả họ Nguyễn đã liệt
TVK vào hạng những nhà lập ngôn bất hủ : "Nước ta có đức Trần Hưng-Đạo là
bậc lập đức, vua Lê Lợi và vua Gia Long là bậc lập công, ông Phan phu-Tiền
đời Trần và một vài ông sứ thần nữa là bậc lập ngôn. Văy thì hạng người làm
sách để dạy đời là một hạng trong ba hạng người bất hủ ấy. Ông Trường vĩnh
Ký có thể liệt vào hạng người đó, vì không những Hán học uyên thâm, Pháp học
uyên bác, ông lại còn tinh thông các thứ chữ ở Viễn đông (...) thực là một
nhà bác ngữ uẩn súc, nước ta chưa từng có bao giờ...." (53).
Nhà phê bình văn học Lê Thanh từ Bắc vào Sài-Gòn nghiên cứu tác phẩm và văn
khố ở nhà thờ Trương Vĩnh Ký ở Chợ Quán đã viết lại cảm tưởng năm 1943: "Hơn một lần, nghiêng mình trên
di cảo vàng úa, tôi cảm thấy tâm hồn tôi săn lại, khi thấy, bằng những dòng
chữ rời rạc, tiên sinh ghi những nỗi lo phiền, buồn tủi, tôi đã cảm thấy
lạnh trong tâm hồn khi đọc mấy chữ mà trên ấy tôi nhận thấy sự đau đớn nhiều
hơn sức mạnh, tôi được biết rằng, vì quá tận tụy cho nhà, cho nước, cho văn
chương, tư tưởng mà tiên sinh đã phải trả cái giá đắt bằng cả cái sức khoẻ
và sau cùng, cả cái đời tiên sinh" (54).
Thuần Phong thì khen Trương Vĩnh Ký khi so sánh với Phạm Quỳnh: "Trương Vĩnh Ký là người học trò thứ
nhứt của chữ tây và đã cộng tác với Pháp trong cuộc định đoạt vận mệnh quốc
gia ta, đáng lẽ ra tạp chí ấy ông phải làm tay sai cho Pháp để đàn áp dư
luận, thâu phục nhân tâm cho Pháp và để tận diệt dấu tích chữ Nho và tinh
thần ái quốc trong tâm hồn nhân dân ta, như về sau này (1917) Phạm Quỳnh đã
ra làm tạp chí Nam-Phong cho Louis Marty một cách khôn khéo. Song trong tạp
chí đó, người ta không thấy manh tâm ẩn ý nào theo Pháp phản dân, không tìm
được sự có mặt của Pháp, ngoại trừ mươi hàng dạy tiếng Pháp ở cuối mỗi số..."
(55) . (Mà phần này chưa chắc đã do Trương Vĩnh Ký soạn dù ông là Chánh tổng
tài tờ báo!).
Bằng Giang trong Sương Mù
Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký trình bày Trương Vĩnh Ký có "giải pháp
phi truyền thống, mặc dầu có đối kháng nhưng không có một lần nào Trương
Vĩnh Ký công khai xúc phạm đến danh dự của nghĩa quân là những người yêu
nước kháng chiến, vì chứng tỏ họ Trương cũng nhìn nhận tinh thần đó ở những
người (qua bức thư gửi cho Paul Bert ngày 5-10-1886) hay những phong trào
nghĩa quân cần vương hoặc Văn thân" (56).
12. Vấn-đề diễn tiến tư
tưởng của tác giả :
Nhiều nhà biên soạn sách hay
rơi vào sai lầm hay thiếu sót khi trích dẫn các tác giả mà cuộc đời đã thay
đổi tư tưởng nhiều lần, thay đổi vì đổi đời, vì chính kiến, ý thức hệ, hoặc
tiến bộ, chính xác và qui mô hơn. Các sách và bài báo của các giáo sư Lý
Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, các linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan trước
1975 được viết trong hoàn cảnh chiến tranh ý thức hệ tư bản-cộng sản, thiên
tả vì họ chủ trương một xã hội không tư bản; sau 1975, tư tưởng và lý tưởng
của họ đã đổi khác trong một xã hội độc tài, chuyên chính, sau một thời gian
ngắn hồ hỡi vui chiến thắng và thống nhất, họ đã có những sách báo không còn
chung chiều hướng. Lữ Phương, linh mục Trần Tam Tĩnh, có những sách báo nặng
nề phê phán ngay sau "chiến thắng" 30-4-1975 nhưng sau thời Đổi mới, họ có
còn nghĩ như vậy không? Giáo sư Nguyễn Văn Trung trước 1975 phê phán nặng nề
Trương Vĩnh Ký và "bất công" với văn học miền Nam như chính ông thú nhận
(26) nhưng sau 1987 ông đã có những bài viết "công bằng" hơn nhưng đôi khi
gây nghi ngờ thêm (57)! Trích dẫn Phạm Long Điền hay Nguyễn Sinh Duy nên
hiểu hai ông đều là sinh viên chịu ảnh hưởng của giáo sư Nguyễn Văn Trung
trước 1975 (58). Hơn nữa phải hiểu mục đích chống TVK thời bấy giờ như Phạm
Long Điền lộ cho thấy "cho nên bài học TVK còn là bài học lớn, súc tích,
đầy ý nghĩa cho người trí thức cũng như người cầm bút hôm nay suy gẫm chọn
một thế đứng trên con đường đi tới của lịch sử dân tộc" (59).
Luận án của Cao Huy Thuần tựa
đề Christianisme et colonialisme au Vietnam, 1857-1914 (Université de Paris,
1968) trước 1975 đã bị một nhóm người có mưu đồ tiêu cực dịch ra tiếng Việt,
năm 1988 ở hải ngoại "nhà xuất bản" Hương Quê ở California in lại (Đạo Thiên
Chúa Và Chủ Nghĩa Thực Dân Tại Việt Nam 1857-1914), tác giả không hề hay
biết, do đó không thể xem bản dịch tiếng Việt là của ông Thuần. Chính ông
Thuần đã đính chính việc này trên tờ Thời Luận ở Los Angeles số ra
ngày 1-7-1988, trong đó tác giả còn cho biết luận án của ông chỉ có một "mục
đích khoa học"! Vậy mà nhiều người đã xem con thuyền phương tiện đưa người
sang sông là mục đích, rồi tôn thờ con thuyền! Hơn nữa, trong bản in năm
1990, Les Missionnaires et la politique coloniale française au Vietnam
1857-1914 (60), tác giả đã lược bớt nhiều trang, nên có thể xem như ông cập
nhật hóa luận án hơn 20 năm trước. Để chứng tỏ lương thiện trí thức
("honnêteté intellectuelle"), người viết ít ra phải nói rõ đó là những gì
tác giả trích dẫn đã viết vào giai đoạn nào. Xin nhắc ở đây là các cây viết
thuộc hệ cộng sản như Phan Cự Đệ, Vương Trí Nhàn, Hoàng Ngọc Hiến, Chương
Thâu, Trần Văn Giàu, ... đã "tiến hóa" tư tưởng nếu không muốn nói là "mâu
thuẫn" từ thời 1954 đến nay, về văn học tiền chiến, phong trào Thơ Mới, Tự
Lực văn-đoàn, Phạm Quỳnh, Nam-Phong tạp-chí, v.v. Chế Lan Viên khi
chết đã để lại Di Thảo như để nói thật lòng tức phủ nhận hết những lách, né
trong quá khứ! Như vậy nay đã đầu một thế kỷ và thiên niên mới, đất nước
lòng người đã trãi qua nhiều chuộc chiến tranh chống thực dân và nội bộ, sao
lại phải khơi những tro tàn 30, 50 năm trước mà chính người liên hệ đã thay
đổi, mở mắt và hoàn cảnh đã khác? Với hậu ý gì ?
13. Vấn đề thư tịch:
Mất nước, mất tất cả, do đó
thư tịch và văn hóa cũng không tránh bi trạng đó! Những ngưởi có chút bận
tâm cho lịch sử, văn học sử và thư tịch học không thể không bất bình trước
hiện tượng có những ấn phẩm không tôn trọng văn bản và bản quyền tác giả;
hơn thế nữa còn cắt xén tác phẩm của người khác, thu góp bài làm một tuyển
tập (anthology) rồi ghi tên người thu lượm là "tác giả", hay trích dẫn sai
nguyên văn dĩ nhiên vì có dụng ý, hoặc thu góp bài và thư tín riêng tư mà
không hề xin phép các tác giả. Ngoài cuốn Pétrus Trương Vĩnh Ký Tuyển Tập
(35), còn có các ấn phẩm kể sau xin nêu tượng trưng : A. de Rhodes
Người Đầu Tiên Vận Động Pháp Chiếm Việt Nam Và Chữ Quốc Ngữ (11),
Thiên Hồ! Đế Hồ! (của Chương Thâu bị Mr Le ở hải ngoại thêm bớt bài, từ
bài gốc cuả cụ Phan Bội Châu), Ki Tô Giáo Từ Thực Chất Đến Huyền-Thoại
(có một số bài hoặc phát biểu riêng, in không xin phép tác giả). Có hiện
tượng "cầm nhần" cố tình lẫn lộn tác giả (author / auteur) với người chủ
biên hoặc chủ trương (editeur intellectuel / éditor) ở Âu Mỹ là người đứng
ra mời hoặc chủ trương dĩ nhiên xuất bản với sự thỏa thuận của các các tác
giả. Nhiều tuyển tập in ở hải ngoại rất mập mờ điểm này, thường để tên người
sưu tập và đánh máy (chứ không hẳn đã là chủ biên) vào chỗ của tác giả, như
cuốn Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử Trong Thế Kỷ 20, ... Trong nước
dù sao vẫn ghi rõ tên người sưu tầm giới thiệu và ở chỗ khiêm tốn hơn! Tưởng
tượng nếu là người Hoa kỳ hay Pháp, Anh... thì đây là những vi phạm luật
pháp! Mà "honnêteté intellectuelle" bị "quí vị" này hiếp đáp hơi kỹ ! Cùng
những "quí vị" này lại hay nói đến lòng "yêu nước". Thiển nghĩ chỉ có một
tình yêu nước khi thành thật, không mưu đồ, điều kiện, tình đó không thể có
ở những trò lộng giả thành chân, ăn cháo đái bát và vô ơn với tiền nhân !
14. Người Việt Nam có
truyền thống trọng chữ tín, sĩ diện và danh dự
nhưng không có những hành động ngoạn mục như người Nhật (có nhưng hiếm hoi
Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, một số sĩ quan Việt Nam Cộng
hòa,..), thành ra mới có chuyện người sống viết hồi ký để tự đề cao, tự đính
chính đồng thời bôi xấu người chết hoặc đối nghịch và bôi nhọ nhau trên báo
chí, đối xử tàn tệ với bạn hơn cả với kẻ thù. Có người dựa trên kẻ chết để
tự dánh bóng, để làm chính trị, ... Trương Vĩnh Ký, "toàn-cầu bác-học
danh-gia" được quốc tế công nhận từ năm 1874, thông thạo trên 20 thứ tiếng,
mà sống khiêm tốn, sống theo lễ nghĩa căn bản có thể lỗi thời, vác ngà voi
cho tập thể và hậu thế...! Quí học giả, nhân sĩ Nguyễn Văn Tố (22, 29), Đào
Duy Anh (61), Hồ Hữu Tường (42), Vương Hồng Sển đã có những nhận xét đáng
kể. Cụ Vương cụ thể trong cuốn Nửa Đời Còn Lại (1996), cuốn in những bài
viết cuối đời, đã kết luận về những "cái gương sáng suốt": " "Trương Vĩnh
Ký đứng đầu, chí khí như họ Từ đời Tam quốc, sống đất Tây mà lòng vẫn hiên
ngang, không theo phò tá mà vẫn một lòng vì cố quốc, nước nhà, tuy tượng
đồng bị hạ bệ mà nghe đâu sẽ có ngày xây dựng lại như cũ..." (62). Cả
Nguyễn Đình Đầu (3), Nguyễn Văn Trấn, Đỗ Quang Hưng (40) xuất thân từ đảng
cộng sản Việt Nam, các ông đều tôn vinh công trạng của Trương Vĩnh Ký đối
với văn học và văn hóa nước nhà. Nguyễn Văn Trấn cho rằng TVK không sợ phỏng
tay khi "thành thật đưa tay ra nắm lấy tay người Pháp, ông muốn nhờ ở sự
gần gũi với châu âu, đem lại văn minh tiến bộ. Mà văn minh tiến bộ chỉ tồn
tại trong sự đồng song phát triển của trí tuệ, đạo đức và hạnh phúc" vì
"TVK bản thân không để mất gì hết, từ quốc tịch đến quốc hồn, bộ khăn
đóng áo dài..." (63). Tiếng nói những "hậu sinh" vì tị hiềm tôn giáo,
địa phương hoặc mưu đồ chính trị hoặc cá nhân có thể sẽ bay mất, ấn phẩm của
họ sẽ bị đào thải, nhưng hiểm nguy đánh giá sai lịch sử còn đó, vì nói như
một nhà tuyên truyền giỏi, cứ nói dù sai, sẽ có cái gì đó lưu lại ! Hôm nay
với tài liệu thư tịch dù thất lạc nhưng vẫn còn, mà con người đã xuyên tạc
như thế, người ở các thế hệ sau sẽ hiểu thế nào !
Hồ Hữu Tường từng xét trường hợp Trương Vĩnh Ký là "cái quá trình từ một nhà trí thức hợp tác với
ngoại bang đế đến một bậc sĩ phu đối với thời đại của mình" (64). Thiển
nghĩ hơn thế nữa, Trương Vĩnh Ký là hành trình rất trí thức của một con
người "mất gốc" (theo đạo, làm việc cho Pháp, sống ở đất thuộc địa) lúc đầu
đời, đi đến một con người thuần thục yêu nước và văn hóa dân tộc ! Xin mở
một dấu ngoặc rằng sách sử từng ghi lại rằng gia đình Nguyễn Nhạc vốn theo
đạo Thiên-Chúa nhưng khi anh em Tây Sơn nổi dậy thắng thế đã bỏ đạo. Tuy
nhiên Nguyễn Lữ, một người anh khác của vua Quang Trung sống thời thế kỷ
XVIII mà đã có cái nhìn tổng hợp về tôn giáo, đã chấp nhận hành lễ theo nghi
thức đạo Thiên-Chúa (65) và cũng không cấm những tín ngưỡng khác bắt đầu
phát triển ở Nam-hà.
Vì nguồn gốc, quá khứ, tín
ngưỡng, chiến tranh và chính trị, v.v., người Việt đến nay vẫn đối đầu nhau
trong nhiều vấn đề liên hệ đến dân tộc và đất nước. Thiển nghĩ chúng ta sẽ
mất hết, mất cả cái "nhau" chúng ta vẫn nghĩ còn ("Chúng ta mất hết chỉ còn
nhau"). Có những cái mất mát mà chúng ta coi như định mệnh hoặc bất khả
kháng vì người sống không thể làm được gì để níu kéo ngoài việc tưởng nhớ,
như những chiến sĩ đã nằm xuống vì lý tưởng, những nạn nhân chiến tranh,
những đồng bào chết dưới lòng biển, ... Nhưng đối với người chết và nhất là
các tiền nhân, tổ tiên, thiển nghĩ chúng ta khó có thể chấp nhận thái độ phỉ
báng một cách hàm hồ, ác ý. Dù gì thì Trương Vĩnh Ký vẫn là người có liên hệ
đến lịch sử thời người Pháp đến thôn tính Việt Nam, đã năng nổ ra tay, với
lập trường phục vụ tổ quốc và dân tộc, đã tích cực đương đầu với "ngoại
lai", tiếp nhận và thu thập tinh hoa của "người", giúp người Việt đến với
khoa học, tiến bộ, làm giàu học thuật, đồng thời đã giúp đồng bào của ông
làm người Việt về mặt đạo đức, văn hóa! Ngay sau "chiến thắng" 30-4-1975, Hà
Nội liền phá bức tượng Trương Vĩnh Ký ở công viên gần dinh Độc Lập (66), đổi
tên trường Petrus Trương Vĩnh Ký và phá bức tượng bán thân trong khuôn viên
trường dựng từ 9-1928 (67); đến nay dù Đổi Mới và sau nhiều thay đổi, tượng
A. de Rhodes được dựng lại, Trương Vĩnh Ký vẫn bị xóa, không phục hồi. Vì lý
do chính trị chăng? Tượng A. de Rhodes được dựng lại, "tuyên truyền" rằng
ông là ông tổ chữ quốc ngữ chỉ gây thêm ngộ nhận, "mây mù", vì muốn làm vui
lòng người Pháp chăng? Để trường Viễn-đông bác-cổ mở lại ở Hà-nội, để người
Pháp nghiên cứu và in sách Hán-Nôm - việc Trương Vĩnh Ký đã từng làm! Một
trí thức Nam-kỳ, theo đạo Thiên-Chúa,.. hình như vẫn là ám ảnh chính trị của
guồng máy độc tài cộng sản? Mới hiểu tại sao hơn thế kỷ trước, Trương Vĩnh
Ký đến chết vẫn ôm một tâm sự buồn, ghi lại rõ nhất ở hai câu kết "bài thơ
tuyệt vọng" :
"Cuốn sổ bình sanh công
với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa
khơi"! (68)
Chú-thích:
(1)
Phương hướng nhiệm vụ thứ năm :
"Tiếp tục dòng chảy không đứt
đoạn của ký ức văn hóa, Hội Nhà Văn tạo mọi điều kiện đãy mạnh sáng tác về
đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng..." (Hữu Thỉnh. "Báo Cáo của Ban
chấp hành Hội nhà văn khóa V... "Văn Nghệ, 17, 22-4-2000, tr. 6). Ngoài ra,
Nguyễn Hữu Sơn (Viện văn-học) trong bài "Sáng tác về đề tài lịch sử"
(Văn-Nghệ 24, 16-9-1999, tr. 6) đã ghi nhận: "... bởi tâm lý tự cường mong
muốn khẳng định bản lĩnh văn hóa dân tộc trong bước chuyển gia tốc giao lưu
và hội nhập quốc tế; hơn nữa được kích thích bởi những định hướng lớn của
Đảng và Nhà Nước trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống dân tộc
khiến cho tâm thế sáng tác ‘hướng về cội nguồn’ ở các nhà văn càng có dịp
nảy nở và phát triển...".
(2)
"Sử gia" Nguyên Vũ (Vũ Ngự Chiêu) đã cho rằng Trương Vĩnh Ký bị
thân mẫu "bán" cho cha cố người Pháp (Paris Xuân 1996. Houston : Văn Hóa,
1997, tr. 68). Đã bị bán mà TVK vẫn về thăm mẹ mỗi hè và khi mẹ mất đã về
thọ tang! Thật ra cậu bé TVK 3 tuổi mồ côi cha được cố đạo Tám (người từng
được ba cậu là lãnh binh Trương Chánh Thi che chở khỏi bị sát hại vì cấm
đạo) và sau là cố Long nuôi cho ăn học chữ Hán trước chữ quốc ngữ và latinh.
Riêng TVK đã có lần tự nhận là "con nuôi" của nước Pháp cộng hòa!
(3)
Bài nói chuyện tại Nhà văn hóa lao động thành phố Hồ Chí Minh
ngày 11-10-1998 và tường thuật lại trên báo Thanh Niên số ra ngày
21-10-1998. Không thấy sử gia Vũ Ngự Chiêu nhắc đến mấy lá thư này!
(4)
Xem tranh luận về thơ Lục Vân Tiên trên tạp chí Văn Học
(CA) các số 141, 142, 148, 149 (1-9, 1998).
(5)
Trích lại từ Bằng Giang. Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký.
(TpHCM) : Văn Học, 1993, tr. 41.
(6)
Nguyên tựa là : Chuyện Đời Xưa Lựa Nhón Lấy Những Chuyện Hay
Và Có Ích. Sài-Gòn. 1866. 74 tr.
(7)
Thanh Lãng. "Thử thiết lập hồ sơ về hai người con gái : một con
của Phật, một con của Chúa", tr. 14 in Về Sách Báo Của Tác Giả Công Giáo
(Thế Kỷ XVII-XIX): Tài Liệu Tham Khảo. (TpHCM: Trường Đại học tổng hợp Tp
HCM, Khoa Ngữ Văn, 1993), và "Tiếng và chữ người Sài-Gòn" (di cảo). Dòng
Việt, 6, 1999, tr. 158-179.
(8)
Xem Nguyễn Vy-Khanh.
"Tiếng Việt qua một số tác phẩm" tr. 63-91
In Văn Học Và Thời Gian. (Westminter, CA : Văn-Nghệ, 2000), và tập Sấm
Truyền Ca (Montréal :Tạp chí Y Sĩ, 2000. 186 tr.).
(9)
Rolland Jacques.
"Bồ Đào Nha và công trình sáng chế chữ quốc ngữ
: phải chăng cần viết lại lịch sử?" Định Hướng, 17, mùa thu 1998, tr. 18-62,
tr. 40.
(10)
Theo linh mục Đỗ Quang Chính, linh mục Dòng Tên Francisco de Pina
người đã dạy tiếng Việt cho linh mục Đắc-Lộ, sau chết đuối ở cửa biển Đà
Nẵng, mới chính là "một trong những người đầu tiên đem mẫu tự abc vào tiếng
Việt" (Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ 1620-1659. Sài-Gòn : Ra-Khơi, 1972, tr. 89).
Chính A. de Rhodes trong lời Tựa cũng ghi thừa hưởng công của Jaspar
d’Amaral và Barbosa. Về dấu vết chữ quốc ngữ, xem R. Jacques. "Un document
de linguistique comparée, japonais-chinois-vietnamien, rédigé à Macao en
1632". Định Hướng, 19, mùa hè 1999, tr. 141-157; 21, mùa đông 1999, tr.
86-106, và Nguyễn Khắc Xuyên. Ngữ pháp tiếng Việt của Đắc Lộ 1651 . Garden
Grove, CA : Thời Điểm, 1993; Giáo Sĩ Đắc Lộ.
http://vietcatholic.net/
(11) Garden Grove, CA : Giao Điểm, 1998.
299 tr.
(12)
"Về vai trò của Alexandre de Rhodes đối với sự chế tác và hoàn
chỉnh chữ quốc ngữ" in Giao Lưu Văn Hóa Và Ngôn Ngữ Việt Pháp (TpHCM : NXB
TpHCM, 1999), tr. 236.
(13)
Paris: Maisonneuve, 1955-56, tome 1, quyển 1, chương 1, trang
9-22. Hà Nội cũng theo lý luận này để kết án A. de Rhodes có mưu đồ xui
người Pháp xâm chiếm nước Việt Nam.
(14)
Văn-Học Chữ Quốc Ngữ ở Nam kỳ 1865-1930. TpHCM : Trẻ, 1992.
Tr. 295.
(15)
Phạm Long Điền, " Trương Vĩnh Ký trong quĩ đạo xâm lăng văn hóa
của thực dân Pháp" Bách-Khoa, 408, 11-1974, tr. 40.
(16)
Mẫn Quốc. "Trương Vĩnh Ký, một nhà bác học trứ danh đã ngang nhiên
đóng vai đặc vụ tình báo, làm tay sai đắc lực cho giặc Pháp". Nghiên-Cứu
Lịch Sử, 60, 3-1964, tr. 40.
(17)
Phạm Long Điền. Bđd, tr. 37.
(18) "Les monuments littéraires étant rares dans le pays des ...
qu’elles prennent naissance aux sources obscures de la mythologie" (v. 1, p.
5-6) Avant-propos. Petit cours d’histoire annamite à l’usage des écoles de
la Basse-Cochinchine. Saigon : Impr. du Gouvernement, 1875-1877.
(19)
"Pendant 149 ans, l’Annam eut à subir des gouverneurs chinois.
Mais cette domination périt, comme tout ce qui tient de la violence, par ses
excès: Le joug fut brisé par les mains d’une femme". Op. cit., p. 23.
(20 )
"Il introduisit la littérature chinoise en entier, (...). Les
Annamites perdirent complètement leur propre écriture par suite de cette
mesure rigoureusement employée". Op. cit., v. 2, p. 27.
(21)
"Nous n’oublierons point qu’Annamites de la France, ou Annamites
de la Cochinchine et du Tonquin, nous avons des origines communes. Bien que
séparés par les destinés politiques, nous nous élèverons de toutes nos
forces contre ce système erroné d’administration, contraire à la saine
économie politique, qui fait du peuple le bétail des rois; qui n’est que
l’exploitation maladroite et criminelle d’une nation par la caste des
fonctionnaires avides et ambitieux". (Op. cit., v. 2, p. 251); "Je demande
pardon de cette digression, que la centemplation des faits historiques m’a
arrachée. On ne m’en voudra point, si un sentiment de tristesse amère me
domine, lorsque je considère ce que sont devenus ces pays et ce qu’ils
auraient pu être" (p. 252).
(22)
"Petrus Ký". Bulletin de l’enseignement mutuel du Tonkin, t. XVII,
nos 1-2, janv-juin 1937, p. 25-67. Trích theo Bằng Giang, Sđd tr. 39.
(23)
Vân-Đằng Trần Văn Rạng.
" Trương Vĩnh Ký với Truyện Đất Nam-kỳ".
Văn (TpHCM), 11-1990, tr. 102.
(24)
Phụ lục, tr. 160-168 In Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa. Sđd; và Về
Sách Báo... (chú 7).
(25) Trích theo Bằng Giang, Sđd tr. 132.
(26) Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã nhiều lần cho biết: :
"Có thể
chúng tôi cũng có trách nhiệm phần nào trong việc dẹp bỏ tượng Trương Vĩnh
Ký vì nhiều năm trước 1975, chúng tôi đã đề ra một cuộc vận động phê phán
Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký về phương diện chính trị và văn hóa" (Trương Vĩnh
Ký, Nhà Văn Hóa . Sđd, tr. 44);
"Trước 1975 tôi đã viết nhiều bài, sách phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký
đặc biệt về chính trị, hơn nữa tôi còn gợi ý khuyến khích một vài bạn trẻ đi
vào con đường đó như Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy. Những loạt bài phê
phán của chúng tôi đã gây phiền muộn bất mãn trong giới văn hóa miền Nam lúc
đó đặc biệt hai người Hồ Hữu Tường và Vương Hồng Sển..." ("RFI phỏng vấn
nhân dịp 100 năm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký", Đi Tới, 13, 9-1998, tr. 22. In
lại trong Nhận-Định X (Montréal : Tác giả xb, 1999), tr. 151).
(27) Trích theo Bằng Giang, Sđd, tr. 56.
(28)
Trích theo Bằng Giang. Sđd, tr. 134.
(29)
"Tựa". Lê Thanh. Trương Vĩnh Ký Biên-Khảo. Hà Nội : Tân Dân, 1943
(Phổ Thông bán nguyệt
san, 9-1943), tr. 4.
(30) "Phỏng vấn nhà văn Võ Phiến về bộ sách
"Văn Học Miền Nam"".
Văn Học (CA) 169, 5-2000, tr. 10.
(31) Bằng Giang. Sđd, tr. 65.
(32) Phạm Long Điền. Bđd, tr. 35.
(33) Nguyễn Văn Trung. Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc.
(Sài Gòn : Nam Sơn, 1974), Xuân Thu tb, 1989, tr. 42.
(34) Quán Phong. "Trương Vĩnh Ký". Nắng Mới (Montréal), 21,
6-1993, tr. 20-24.
(35) Pétrus Trương Vĩnh Ký Tuyển Tập. (San Diego: Việt Nam/Mr Le,
1996), tr. 89. (Ngoài bìa ghi "tác giả" là Cửu Long Lê Trọng Văn, trang
trong ghi "tác giả giữ bản quyền" và ghi thêm "mọi trích dịch, in hay sao
... phải có sự đồng ý của tác giả" - Người đọc tự hỏi ai là "tác giả" và
không biết ông "tác giả mới" này đã xin phép các tác giả nguyên bản chính
chưa!).
(36) Trích bản thảo.
(37) Như Tô Minh Trung.
"Trương Vĩnh Ký tên tay sai đắc lực đầu
tiên của chủ nghĩa thực dân Pháp trong lịch sử nước ta". Nghiên Cứu Lịch
Sử, 59, 2-1964, tr. 45 (Lập lại ý bài của H.H. "Giới thiệu TVK" đã đăng
trước đó (NCLS, 56, 11-1963, tr. 13-23) là loạt bài mở đầu "cuộc bình luận
về TVK" kết thúc với Trần Huy Liệu ("Nhận định về TVK". 63,6-1964, tr.
29-31)).
(38)
Paul Bert Au Tonkin. Paris : G. Charpentier, 1887.
(39) Tâm Thư. Houston, TX : Văn-hóa, 1995, tr. 99-100.
(40) Đỗ Quang Hưng. Một Số Vấn Đề Lịch Sử Thiên-Chúa Giáo Ở
Việt Nam. Hà Nội : Trường đại-học tổng hợp, khoa lịch sử, 1990. Ông Hưng
tường trình và có kể công của Trương Vĩnh Ký, lời phê duy nhất, nếu có thể
xem đó là lời phê, là khi ông gọi Trương Vĩnh Ký là "trí thức nửa dân tộc"
(tr. 68).
(41)
Thư in lại trong Jean Bouchot. Un savant et un patriote
Cochinchinois : Pétrus J.B. Trương Vĩnh Ký. Sài Gòn : Nguyễn Văn Của,
1927, tr. 65.
(42)
Trích theo Hồ Hữu Tường.
"Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay hóa trình
từ người trí thức đến kẻ sĩ phu". Bách-Khoa, 404, 5-9-1974, tr. 22.
(43)
Dương Mạnh Huy, "Một người tốt của nước Việt Nam", Lục Tỉnh Tân
Văn 1927 (Trích theo Bằng Giang. Sđd, tr. 94-95).
(44)
Mẫn Quốc. Bđd, tr. 43.
(45)
"Một tháng ở Nam-kỳ". Nam-Phong tạp-chí 17 (1919), Trích từ
Nguyễn Văn Trung. Nhận Định X. Sđd, tr. 150, chúng tôi trích lại với dè dặt
vì chúng tôi không tìm thấy câu trích trong bản in lại trong Hành Trình
Nhật Ký (Yerres : Y Việt, 1997).
(46)
Tập 3. Sài Gòn : Tác giả xuất bản, 1965, tr. 84-85.
(47)
"Miền Nam khai phóng", tr. 15-61 In Văn-Học Và Thời
Gian. Sđd.
(48)
Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc. Sđd, tr. 44, 86
và 112-115.
(49)
Nguyễn Sinh Duy. "Thương xác cùng học giả Hồ Hữu Tường về hiện
tượng Trương Vĩnh Ký", Bách Khoa, 406, 10-1974, tr. 15-25.
(50)
Vương Hồng Sển. Hơn Nửa Đời Hư . Tp Hồ Chí Minh : NXB Tổng
hợp, 1992, tr. 232.
(51)
Tâm Thư. Sđd, tr. 83.
(52)
"Ông Đốc Ký". Lục-Tỉnh Tân-văn số 29, 4-6-1908. Trích lại
theo Nguyễn Văn Trung (Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa, Sđd, tr. 34) .
Câu này được nhiều sách báo trích dẫn lại nhưng sai, hoặc thành "ông thầy
của cả nước và của cả Nam-kỳ", hoặc "ông thầy đạo lý của Nam-kỳ"! Những chữ
in nghiêng không có ở nguyên bản đăng lại!
(53)
Lê Thanh Sđd. Tr. (3).
(54)
Lê Thanh. Sđd, tr. 10-11.
(55)
Đồng-Nai Văn-tập, 3, 1966, tr. 43-44, trích lại theo Bằng
Giang. Sđd, tr 63.
(56)
Bằng Giang. Sđd, tr. 187.
(57)
Như bài viết "Nghi vấn về tác giả Lục Vân Tiên". Khởi Hành
(CA), 45, 7-2000, tr. 7-10 : ông chủ trì ông là người đầu tiên lập lại nghi
vấn của M.E. Villard trong một bài báo xa xưa tháng 8-1880 nghi rằng Lục Vân
Tiên xuất phát từ Bắc từ ... thời thượng cổ, và vô danh!
(58)
"RFI phỏng vấn nhân dịp 100 năm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký".
Bđd, chú 25.
(59) Phạm Long Điền. Bđd, tr. 41.
(60) New Haven, CT : Council on Southeast Asia Studies, Yale
Center for International and Area Studies ; Amiens, France : Centre de
relations internationales et de science politique, Université d’Amiens,
1990. 420p.
(61) "Người đầu tiên có công khiến văn học ta thành sinh-diện mới
ấy là Trương Vĩnh Ký (...), một nhà học giả trứ danh ở Nam-Việt ngay từ khi
Nam Việt mới thành thuộc địa đã dùng chữ quốc ngữ để chuyển tả những văn Nôm
hay (...) rồi lại dùng Việt ngữ để phiên dịch sách Tàu (...), sách Tây (...)
và trứ thuật các sách chuyện đời xưa, phép lịch sự an nam, cờ bạc nha phiến,
bằng một trhứ văn rất giản dị". (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương . Sài-Gòn
: Bốn Phương, sd, tr. 276).
(62) Nửa Đời Còn Lại (Westminster, CA : Văn nghệ, 1996),
tr. 369.
(63) Nguyễn Văn Trấn. Trương Vĩnh Ký, Con Người Và Sự Thật.
TpHCM : Ban Khoa-học xã hội thành ủy, 1993, tr. 210. Sách bị tịch thu sau
khi in, nhưng hiện có ở nhiều thư viện Mỹ.
(64) Hồ Hữu Tường. Bđd, tr. 19.
(65)
Lê Thành Khôi. Le Viêt Nam : histoire et civilisations, le
milieu et l’histoire. Paris : Minuit, 1955, tr. 310-311.
(66)
Bức tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký được dựng từ năm 1927 ở công
viên gần nhà thờ chánh toà Sài-Gòn lúc đầu do dân chúng và nhà báo hô hào
thu góp đúc tượng từ năm 1908, sau nhà cầm quyền người Pháp muốn "lôi kéo"
về cùng phe đã hoàn thành đúc tượng và khánh thành, khi kháng chiến chống
Pháp nổi dậy ở Sài-Gòn năm 1945 vẫn được tôn trọng không bị phá đổ như tất
cả các tượng hình dấu vết của thực dân khác. Nhưng đến 30-4-1975 thì bức
tượng bị giật đổ vì bị kẻ "chiến thắng" xem như là tàn tích của ... quá khứ
! Giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng đã thú nhận đã hiểu sai việc dựng tượng nên
đã mạnh tay với Trương Vĩnh Ký trước 1975 (Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa. Sđd,
tr 46).
(67)
Với thiên kiến, "sử gia" Nguyên Vũ VNC đã sai lầm gán cho
"chính
phủ Nam-kỳ tự trị của y sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy tên Petrus Ký đặt cho trường
học bản xứ lớn nhất SG" từ năm 1946 (Sđd, chú 2, tr. 70). Trong thực tế lịch
sử, trường khai giảng khoảng tháng 9 năm 1927 với tên Collège de
Cochinchine, đến ngày 18-12-1927, thống đốc Blanchard de la Brosse ra quyết
định đổi tên thành Petrus Trương Vĩnh Ký và năm sau khánh thành tượng đồng
TVK bán thân và trường trở thành Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký.
(68)
Đào Văn Hội. Danh Nhân Nước Nhà. Sài-Gòn : Tác giả tái bản, 1948,
tr. 223.
------------------------------------------
**
Bài viết được trích từ Đặc San Petrus Ký 2002 do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh
Petrus Ký Bắc California thực hiện
Nguyễn Vy Khanh
5-2000
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org Nguyễn Vy Khanh
|