Bụt chùa nhà không thiêng ?

Vietsciences-Hồng Lê Thọ    22/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

Theo thống kê mới nhất, nước ta đang có 16.000 tiến sĩ thuộc mọi ngành trong đó có 6.000 người có học hàm Giáo sư hay Phó Giáo sư. Khắp thế giới số Việt kiều có bằng cấp cao (TS, Thạc sĩ) cũng không phải ít trong số 400,000 bà con “trí thức”(đại học) và có nhiều nhà khoa học thuộc loại đầu đàn một số ngành khoa học trên thế giới, từ vật lý, toán, hóa học, kinh tế, triết học, hàng không vũ trụ, thiên văn…mà chúng ta thường thấy trong danh mục hay các sách, bài báo đăng trên các diễn đàn học thuật trong ngoài nước. Những năm gần đây, với tư duy đổi mới, nhà nước ta đã mở nhiều cuộc hội nghị, hội thảo hằng năm bàn về vai trò của Trí thức, đặc biệt xem lực lượng kiều bào “là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc” được nhấn mạnh và lập lại khá nhiều trong văn kiện cũng như phát biểu của các nhà lãnh đạo. Nhận thức nầy phán ánh rất rõ nét trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính Trị(ban hành ngày 26/3/2004), là cơ sở để đề ra các chủ trương chính sách của chính phủ đối với kiều bào, không phân biệt quá khứ, xóa hết những mối gây nghi ngờ đối với bất cứ người Việt trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho mọi người Việt nam đóng góp xây dựng đất nước. Thành quả tích cực nhất đã phản ánh một cách cụ thể qua số người về thăm quê hương ngày càng đông, kim ngạch đầu tư của kiều bào, hoạt động từ thiện ngày càng nhiều không kể lượng tiền chuyển qua kiều hối có thể lên đến mức 8 tỷ USD trong năm nay và năm 2009 vượt con số 10 tỷ USD. Một số định chế về Thị thực nhập cảnh, miễn thị thực, Nhà đất cho kiều bào cũng đã có cải thiện tuy chưa phải thông thoáng như ước nguyện của đông đảo bà con. Có thể nói sự hưởng ứng của kiều bào ở nước ngoài đã có những chuyển biến tích cực, hoạt động hướng về tổ quốc ngày càng phong phú, trong đó nhiều nhóm chuyên gia như Giáo dục, Kinh tế, Tài chính, KHKT…cũng đã lần lượt hiến kế, lập ra nhiều đề án cụ thể để góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong bước đường đi lên của đất nước và cũng đã có nhiều anh em hồi hương hay thường trú dài hạn để mở công ty, lập văn phòng tư vấn, kinh doanh, sản xuất…trong nhiều năm qua.

Hội nghị ban chấp hành TƯ Đảng 7 khóa 10 hiện nay đang thảo luận để đưa ra Nghị quyết quan trọng về vấn đề Trí Thức trong công cuộc Công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phải khẳng định đây là một việc làm cần thiết để đổi mới tư duy trong thái độ hành xử của Đảng đối với tầng lớp trí thức nói chung và trí thức kiều bào nói riêng, là cơ sở để xây dựng các định chế phù hợp với vai trò của tầng lớp nầy đối với sứ mệnh của lịch sử trước những thử thách mới khi nước ta ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế. Những biến động gần đây trên thế giới như khủng hoảng lương thực, mất cân đối trong cung cầu và cạn kiệt về năng lượng, nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng trên qui mô toàn thế giới… trong đó Việt nam cũng phải gánh chịu nhất là sự hoành hành của dịch bệnh cho con người lẫn cây trồng, vật nuôi, lạm phát tiền tệ, suy thoái kinh tế cho thấy phải huy động toàn dân vào cuộc, góp phần mình vào việc khắc phục như giảm tiêu phí, xài hoang, tiết kiệm cá nhân…mà còn đòi hỏi tầng lớp trí thức góp sức tìm ra chính sách, biện pháp tích cực cứu vãn những nguy cơ khủng hoảng đe dọa trước mắt cũng như xây dựng một chiến lược phát triển bền vững. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” là câu nói nằm lòng trong tim của tất cả những ai yêu nước, trong đó người trí thức lại càng không thể quên.

Người trí thức Việt Nam ngày nay chắc chắn sẽ noi gương cha anh trong thời kỳ kháng Pháp chống Mỹ trước đây, vấn đề còn lại là hình thức tổ chức, cải thiện cơ chế của nhà nước sao cho phù hợp với thực tế, không thể kêu gọi lòng yêu nước chung chung, vì bây giờ là thời bình điều kiện kêu gọi dễ dàng hơn, kẻ thù không phải ở đâu xa mà chính là ở sự bảo thủ, trì trệ, quan liêu và thái độ phân biệt đối xử hẹp hòi, so đo trong xã hội ta. Xin đừng để hiện tượng “Bụt chùa nhà không thiêng”, cầu cạnh “ngoại viện” trong khi người trí thức Việt nam đang chờ đợi một thái độ cầu thị và nồng nàn từ những người có trách nhiệm hôm nay.

Hồng lê Thọ

16/7/2008

_________________________________________________

 

Box 1.

VN có khoảng 2,6 triệu người có trình độ ĐH trở lên, chiếm 4,5% lực lượng lao động. Trong đó, có 16.000 tiến sĩ và TSKH. Trên 6.000 GS, PGS.

Trí thức trong khu vực sự nghiệp chiếm 71%, khu vực hành chính gần 22% và khu vực kinh doanh 7%. Trí thức nước ngoài khoảng 400.000 người, chiếm hơn 10%.

(Nguồn: Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2007)

Box 2.

Thống kê của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong vòng hai mươi năm vừa qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã đầu tư về trong nước 185 dự án với tổng vốn là 760 triệu đôla Mỹ. Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội và Bình Dương hiện đang là những địa phương dẫn đầu cả nước về số các dự án và số vốn đầu tư của cộng người Việt Nam ở nước ngoài. (Web Quê Hương)

Box 3

Cả năm 2007, riêng lượng kiều hối gửi về qua kênh chính thức lên tới 5,5- 6 tỉ USD so với năm 2006 là 4,7 tỉ USD, cao gấp 157 lần so với năm 1991. Kể từ năm 1991, con số kiều hối chuyển về VN qua kênh chính thức đã lên tới 29,4 tỉ USD - chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính từ năm 1988 và cao gấp rưỡi lượng vốn ODA được giải ngân từ năm 1993. Con số thực (cộng thêm lượng tiền gửi qua con đường không chính thức) còn lớn hơn nhiều. Điều tra của tờ New York Times (Mỹ) cho hay, tổng số tiền Việt kiều gửi về nước năm 2006 là 6,82 tỉ USD, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ tư Châu Á. Năm 2008 có thể vượt mức 8 tỷ đô la tăng 30% so với năm 2007 và năm 2009 là 10 tỷ đô la(tổng hợp các nguồn)

Đã đăng trên báo Người Lao Động

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hồng Lê Thọ