Những bài học về chính sách với trí thức- Bài viết về GS Lê Văn Thiêm

Vietsciences-Hoàng Tụy    22/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

Tôi không có hạnh phúc được là học trò của GS Lê Văn Thiêm, nhưng ngay từ khi tôi còn học cao đẳng tiẻu học ở tuổi 15-16 và mãi sau đó nhiều năm anh đã là thần tượng để chúng tôi hướng tới và noi theo. Năm 1946 khi từ Huế ra Hà Nội đăng ký vào trường Cao đẳng Khoa học, chúng tôi vô cùng phấn khởi nghe tin anh sẽ về làm Giám đốc.

Thế rồi tháng 12 năm 1946 kháng chiến bùng nổ, đại học đóng cửa, tôi về Khu 5, dạy trung học ở Quảng Ngãi, lại tiếp tục được nghe nhiều giai thoại về người thanh niên xuất chúng đang làm rạng rỡ đất nước. Giới học sinh, sinh viên, trí thức rất đổi tự hào, và riêng với tôi, hình ảnh anh đã làm sống dậy nhiều niềm mơ ước ấp ủ từ lâu. Đặc biệt năm 1948  tin anh bảo vệ xuất sắc luận án Tiến Sĩ Quốc Gia Toán học ở Paris gieo vào tâm trí giới trẻ hiếu học  thời đó một niềm phấn khởi vô biên. Niềm vui và tự hào của chúng tôi càng được nhân lên gấp bội khi được nghe anh Tạ Quang Bửu ca ngợi chàng tiến sĩ 30 tuổi ấy đã nghiễm nhiên trở thành bậc thầy của tất cả các anh – những người hồi đó được coi là có trình độ toán học cao siêu trong cả nước. Cho nên, năm 1951, khi nghe tin anh Thiêm đã về VN, và sắp mở trường Cao đẳng Khoa học thực hành ở Việt Bắc tôi liền xin nghỉ dạy lên đường ra Việt Bắc tìm thầy để thọ giáo. Hồi ấy, đường từ Khu 5 ra Việt Bắc phải đi trên rừng, dọc theo Trường Sơn, khó khăn, hiểm trở và cũng đầy hiểm nguy, rất dễ bỏ mạng giữa rừng sâu vì sốt rét, cọp hay địch phục kích. Tôi lại mới ngoài hai mươi, đang ở tuổi yêu, thế mà vẫn dứt áo từ biệt người yêu vừa mới hứa hôn, ra đi tìm thầy học đạo, đủ thấy tấm lòng ngưỡng mộ của tôi đối với anh Thiêm như thế nào. Có thể nói đó là quyết định khó khăn đầu tiên đã ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cuộc sống và sự nghiệp sau này của tôi.
 

GS Ngô Việt Trung và GS Hà Huy Khoái đã kể tiểu sử, công lao và cống hiến to lớn của GS Lê Văn Thiêm đối với khoa học toán học và đối với nền toán học cũng như sự nghiệp đại học của nước nhà.
 

Tôi muốn nhân đây nói thêm vài kỷ niệm về môt trí thức lỗi lạc đã sống một cuộc đời rất đặc biệt, với bao nỗi thăng trầm, khi lặng lẽ ra đi đã để lại cho tất cả chúng ta, cho mỗi người tri thức, cho những ai làm công tác lãnh đạo, quản lý trí thức rât nhiều bài học lớn. Vào thời điểm hiện nay, khi vấn đề trí thức đang nổi lên là mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội, những bài học ấy càng quý giá biết bao. Xin hãy suy ngẫm trên những bài học ấy để thay đổi tận gốc cách nhìn đối với nhân tài và trí thức, đổi mới quan niệm và cách xử lý các vấn đề liên quan, đó chính là bí quyết để vượt qua các thách thức của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế thành công. Sau hai mươi năm đổi mới đất nước, chúng ta đã có nhiều thành tựu kinh tế nhưng đã tụt hậu xa về giáo dục và khoa học và giờ đây đang phải trả giá. Tuy cách nhìn của xã hội đối với doanh nhân đã có thay đổi nhưng quan niệm và từ đó chính sách đối với trí thức không theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, thậm chí có nhiều mặt còn thụt lùi so với thời bao cấp.
Dù không được là học trò của anh Thiêm nhưng bù lại, tôi đã có may mắn sống, làm việc, gần gũi anh trong nhiều năm. Xin thuật lại đôi điều tôi được biết về cuộc đời anh qua các thời kỳ khác nhau.
 

Thời kỳ ở Khu Học Xá TƯ (1951-53).  Anh Thiêm tuy đã là đảng viên, nhưng theo Chỉ thị của TƯ chỉ sinh  hoạt với Đảng Uỷ, không sinh hoạt ở Chi Bộ. Các vị lãnh đạo cao ở Bộ Giáo Dục khi nói về anh Thiêm đều coi anh là “sommité” (đỉnh cao) về khoa học trên thế giới, cho nên chế độ đối với anh rất đặc biệt. Nhờ đó công việc của anh rất thuận lợi và phát huy hiệu quả tối đa như anh mong muốn.  Sau này, khi GS Laurent Schwartz (một trong những nhà toán học uy tín nhất của Pháp)  hỏi tôi về tiểu sử anh Thiêm để thông báo với bạn bè, tôi có nói rõ với ông là hai trường Khoa Học Cơ Bản và Sư Phạm Cao Cấp do anh Thiêm sáng lập và lãnh đạo đã có vai trò đặc biệt quan trọng trong một thời gian dài đối với việc xây dựng nền đại học của Việt Nam.  Điều may mắn đối với tôi là năm 1953 được ở chung cùng phòng với anh Thiêm trong hai tháng và nhờ vậy biết được nhiều  suy tư của anh sau chỉnh huấn 1952 về một số chuyện chung và riêng, kể cả mối tình đơn phương không được sẻ chia. Đồng thời được sống  gần anh tôi thấy rõ anh là con người hết mực trung thực, vô cùng thiết tha với đất nước, nhân hậu, tử tế với mọi người, nhưng có một nhược điểm sau này đã gây không ít khó khăn cho anh là ngây thơ tin rằng ai cũng trung thực, nhân hậu như mình. Qua một số thư từ của các đồng nghiệp Ba Lan như Kuratowski trao đổi với anh, tôi cũng thấy cụ thể sự ngưỡng mộ của đồng nghiệp quốc tế đối với anh trong mấy năm sau khi các công trình của anh được công bố.

Thời kỳ ở Đại Học Tổng Hợp Hà Nội (1954-1969). Năm 1954, về tiếp quản Thủ Đô, anh Thiêm được cử ngay làm Giám Đôc Đại học Khoa học  (cùng với các ông Đăng Thái Mai và Trần Đức Thảo làm giám đốc và phó giám đốc Đại học Văn khoa).  Hồi đó người  người đứng đầu một đại học được gọi là giám đốc, và có phân biệt giáo sư, giảng viên, phụ giảng; chỉ sau này, trong khoảng 1960-1980, mới có chỉ thị gọi sinh viên là học sinh, giám đốc là hiệu trưởng, không phong giáo sư, phó giáo sư,  mà tất cả chỉ là cán bộ giảng dạy – để cho có vẻ “dân chủ”, thực chất là nhằm tầm thường hóa, xóa bỏ mọi chuẩn mực, một tư tưởng quản lý sẽ còn  ảnh hưởng lâu dài cho đến tận ngày nay.  Đến năm 1957, hai đại học được cải tổ thành Đại học Tổng hợp (ĐHTH) do GS Ngụy Như Kontum làm Hiệu trưởng và Đại học Sư phạm (ĐHSP) do GS Phạm Huy Thông làm Hiệu trưởng. Anh Thiêm bây giờ chỉ làm chủ nhiệm khoa toán chung cho cả hai đại học, với lý do giải thoát cho anh khỏi các nhiệm vụ hành chính để anh chuyên tâm làm khoa học. Ý tưởng rất tốt, nhưng không thực tế vì sau nhiều năm bị cách ly với thế giới và không có điều kiện làm khoa học (có thời gian anh về nông thôn ba cùng với nông dân, được báo chí ca ngợi là vị tiến sĩ toán học chăn bò rất vui vẻ và có trách nhiệm !), thêm vào đó thư viện không hề có tạp chí khoa học quốc tế nào (mãi sau 1959 mới bắt đầu nhận được bản sao chụp của một số tạp chí quốc tế do Trung Quốc gửi tặng), và việc liên hệ với giới khoa học quốc tế bị cắt đứt (thời kỳ này cũng chưa có mấy quan hệ khoa học với các nước xã hội chủ nghĩa), việc trở lại với nghiên cứu khoa học theo trình độ quốc tế là cực kỳ khó. Đến 1959 Uỷ ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) được thành lập, anh Tạ Quang Bửu làm Tổng Thư ký, anh Thiêm được bổ nhiệm là Uỷ viên UBKHNN,  điều kiện làm khoa học nghiêm túc có thuận lợi hơn. Nhưng chẳng bao lâu, từ 1960 trở đi,  do chi viện kháng chiến ở Miền Nam, kinh tế bắt đầu khó khăn, phải thực hiện chế độ tem phiếu. Để sửa chữa sai lầm cũ, anh Thiêm lại được “đề bạt” trở lại làm Hiệu phó ĐHTH. Dù có muộn màng , điều đó cũng thể hiện sự quan tâm của cấp trên đối với anh.

Nhưng bi kịch là đến 1963 (không rõ có mối liên hệ gì với Nghị quyết 9 đấu tranh chống xét lại hay không), giữa lúc anh Thiêm và tôi đang ra sức cố gắng làm những ứng dụng toán học thiết thực, đồng thời xây dựng nền nếp nghiên cứu khoa học, thì một loạt thư từ gửi lên cấp trên tố giác anh Thiêm và tôi (khi ấy tôi là chủ nhiệm khoa Toán, kiêm ủy viên ban Toán ở UBKHNN).  Dưới danh nghĩa “chính trị là thống soái”, “đường lối công nông của Đảng”, với cách hiểu lệch lạc về “hồng, chuyên”, chúng tôi bị buộc đủ thứ tội. Đây thật sự là những ngày tháng cực hình. Ban ngày dạy học và chạy máy bay, ban đêm chong đèn ngồi viết kiểm điểm: nào là chèn ép công nông, chuyên môn thuần túy, thiên tài chủ nghĩa, nghiên cứu khoa học lý thuyết suông, …, không có cái mũ to nào mà chúng tôi không bị chụp lên đầu. Hậu quả là hàng trăm buổi kiểm điểm nặng nề dưới sự chủ trì của quan chức cấp trên, trong 5-6 năm liền,  đã làm chúng tôi kiệt sức. Đến mức năm 1968, không chịu đựng nổi, tôi phải xin với Thủ tướng Phạm Văn Đồng chuyển qua UBKHNN, và năm sau anh Thiêm cũng rời ĐHTH  để về UBKHNN.  Theo lời kể của chị Hồng (vợ anh Thiêm), trước đó, một vị cấp trên đến nhà dỗ ngon dỗ ngọt  anh Thiêm: “dù anh không làm gì sai, nhưng thôi, anh là cấp trên của họ, nên khoan dung, anh cứ nhận hết lỗi là yên chuyện”.  Anh Thiêm nhẹ dạ nghe theo, hôm sau ra buổi họp nhận hết lỗi về mình. Ngờ đâu, cái biên bản buổi họp đó trở thành công cụ buộc tội anh. Vì thế khi anh Thiêm chuyển sang UBKHNN, đáng lẽ được cử làm viện trưởng Viện Toán thì chỉ được bổ nhiệm làm phó viện trưởng.

Trước sự phi lý đó, anh Thiêm không hề có một phản ứng tiêu cực nào. Trái lại, càng bị vùi dập anh càng bộc lộ rõ bản chất một công dân yêu nước hết mực,  dẫu bị thiệt thòi và đối xử bất công, vẫn một lòng một dạ phục vụ. Nhân hậu, bao dung, cao thượng, nhưng anh cũng là con người nguyên tắc, luôn bảo vệ lẽ phải và chân lý, cho dù phải trả giá đắt.

Thời kỳ ở Viện Toán (1970-1980)  Chuyện anh Thiêm làm viện phó ai nghe cũng ngạc nhiên, riêng tôi mỗi khi có dịp đều tìm cách phản ảnh trực tiếp sự phi lý đó lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Theo lời kể của ông Lê Khắc (Phó Chủ nhiệm UBKHKTNN), chính Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhắc nhở UBKHKTNN sửa sai.  Nhưng vì mọi việc phụ thuộc một qui trình bí hiểm nên rốt cục trong 5 năm liền sai vẫn không được sửa, cho mãi đến 1975, nhờ tình hinh mới, anh Thiêm mới được bổ nhiệm làm Viện trưởng. Nhưng anh chỉ làm viện trưởng đến 1980. Do trước đó chị và các cháu đã chuyển hết vào TP HCM  cho gần gia đình bên chị, nên vài năm sau khi hết trách nhiệm lãnh đạo ở Viện Toán anh cũng chuyển luôn công tác vào đó. Năm 1988,  đột nhiên lại có quyết định cho anh nghỉ hưu, nhưng may nhờ có ý kiến phản đối lên tới Tổng Bí Thư mà quyết định ấy được hủy bỏ. Với một người khác, bấy nhiêu thăng trầm, bầm giập dễ làm nản lòng.  Nhưng vào TP HCM anh Thiêm vẫn hết lòng giúp đỡ phòng Toán ứng dụng trong đó, và tham gia tich cực mọi việc, cho đến ngày sức khỏe kiệt quệ khiến anh phải từ biệt cuộc đời.
Nghe tin anh mất, tôi vội bay vào TP HCM dự tang lễ. Điều khiến tôi hết sức day dứt trong nhiều năm là tang lễ quá ư đơn giản, chẳng có nghi thức gì để ghi nhận xứng đáng công lao người quá cố. Dẫu biết rằng sinh thời anh rất khiêm tốn, không thich phô trương, nhưng nhiều người không khỏi chạnh lòng khi so sánh với đám tang trọng thể chỉ sau đó mấy ngày của một quan chức thành phố. Khó hiểu nhất là hôm sau, khi tôi đến thăm chị Hồng ở nhà thì được chứng kiến người phụ trách tổ chức của cơ quan (Phân Viện Khoa học VN ở TP HCM)  đến báo chị biết là  cơ quan sẽ chia sẻ với gia đình … một nửa chi phí tang lễ.  Đau buồn và phẫn nộ tôi vội báo cáo ngay việc này cho lãnh đạo Viện Khoa học VN ở Hà Nội để chỉ thị cho Phân Viện ở TP HCM phải thực hiện nghiêm chỉnh toàn bộ nghĩa vụ của cơ quan đối với tang lễ GS Lê Văn Thiêm.  Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (hồi đó là Cố vấn), khi biết được chuyện này cũng rất buồn phiền. Gặn hỏi thêm ông mới hay rằng, ngoài các huân chương kháng chiến và chống Mỹ cứu nước theo chế độ chung, ngay cả một tấm huân chương Lao động hay danh hiệu Nhà Giáo Nhân Dân anh Thiêm cũng không có. Cho nên  ông có ý kiến phải truy tặng huân chương độc lập hạng nhất cho GS Lê Văn Thiêm. Âý vậy mà cũng phải đợi thêm 5 năm nữa, mãi đến 1996, ý kiến đó của Cố vấn mới được thực hiện.
 

Đó là tóm lược đôi điều tôi biết cùng những cảm nhận của tôi về cuộc đời đặc biệt của nhà trí thức đặc biệt Lê Văn Thiêm. Mặc dù, như chúng ta biết, toán học là niềm say mê lớn nhất của anh, nhưng năm 1949, giữa lúc tài năng đang nở rộ và tương lai khoa học đang rộng mở, lòng yêu  nước nóng bỏng đã thúc giục  GS Lê Văn Thiêm từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ tưởng ở Châu Âu để về nước tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.  Thế mà rồi số phận đã dành cho anh biết bao cay đắng, nhọc nhằn, khi nằm xuống cũng chỉ có bạn bè thân thích tiễn đưa, vào một buổi chiều u ám còn đọng lại trong  tâm trí tôi nhiều câu hỏi đến nay vẫn chưa rõ lời giải đáp.

Nhân đây tưởng cũng nên đề cập một vấn đề đang có ý nghĩa thời sự hiện nay. Nhiều người nghĩ rằng giá như TS Lê Văn Thiêm hồi ấy cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Châu Âu hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, anh đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của anh lẫy lừng hơn, đó chẳng phải có lợi cho đât nước lắm sao ?    Cuộc đời của anh với nhiều thăng trầm như trên  cũng nêu ra thắc mắc: với phẩm chất đặc biệt như anh mà còn như thế thì liệu có mấy người còn dám yên tâm trở về quê hương. Nhưng đó là câu hỏi dành cho các vị đang gánh trọng trách với đất nước giải đáp, vì là cái nút phải được giải tỏa để thu hút chất xám người Việt ở nước ngoài về xây dựng đất nước. Còn đối với cộng đồng toán học chúng tôi, việc anh Thiêm đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào trong công cuộc giành độc lập, tự do cho xứ sở, và tất cả những gì anh đã cống hiến cho Tổ Quốc và cộng đồng toán học Việt Nam, chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn anh và tự hào về anh. Không ai trong chúng tôi nghi ngờ điều này.
Số công trình của anh Thiêm thật ra không nhiều. Nhưng nên biết rằng chỉ cần mấy kết quả của anh về bài toán ngược trong lý thuyêt Nevanlinna cũng đủ để đời, vượt xa hàng chục công trình nghiêm túc của nhiều người khác. Trong khi chúng ta đã bắt đầu nhận thức rõ sự cần thiết và tầm quan trọng của công bố quốc tế, tưởng cũng nên đề phòng xu hướng chạy theo số lượng và coi nhẹ chất lượng. Hai là, thời giữa thế kỷ XX về trước, làm được một công trình toán học có thể công bố trên các tạp chi quốc tế khó khăn hơn sau này rất nhiều. Và nữa, để có thể đánh giá đúng mức ý nghĩa của những thành tựu khoa học của anh Thiêm giai đoạn về sau, không thể không nhắc tới hoàn cảnh khó khăn và những điều kiện vật chất và tinh thần vô cùng thiếu thốn mà trong đó anh đã phải vật lộn để hoạt động suốt bốn mươi năm trời, từ lúc ở Châu Âu về nước cho đến những ngày cuối cùng trước khi từ biệt chúng ta.
 

Đó là những vấn đề, những suy nghĩ mà cuộc đời và sự nghiệp của GS Lê Văn Thiêm nêu ra cho chúng ta sau gần hai mươi năm anh qua đời. Vừa khâm phục vừa xót xa, tôi kể những kỷ niệm trên để nêu lên một sô bài học và bày tỏ tình cảm sâu nặng của một người đi sau đối với người con ưu tú của Tổ Quốc, một nhân cách tuyệt vời mà hình ảnh sẽ mãi mãi ở trong tim những người học trò, những người bạn, và cả nhiều người chỉ nghe nói đến chứ thật sự chưa từng quen biết anh. Mong sao những tài năng Lê Văn Thiêm sau này sẽ có điều kiện thuận lợi hơn anh để cống hiến cho Tổ Quốc vào một giai đoạn mà chất xám, chứ không phải của cải vật chất, mới là yếu tố quyết định sự phồn vinh của đất nước.

Đã đăng trên tạp chí Tia Sáng

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Hoàng Tụy