Lại chuyện trí thức

Vietsciences-Hà Dương Tường    28/07/2008

 

Những bài cùng tác giả


Uỷ ban về người Việt Nam nước ngoài, phối hợp với Ban Tuyên giáo, sẽ tổ chức một Hội thảo ngày 5.4 tới đây để lấy ý kiến của trí thức VN nước ngoài đóng góp cho nội dung của Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế". Đây là đề án sẽ được thảo luận tại hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng CSVN lần thứ 7 (trên nguyên tắc sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 năm nay). Thư mời còn kèm theo một bản gợi ý về các nội dung sẽ được thảo luận trong Hội thảo. Bốn nội dung đưa ra đều xoay quanh các vấn đề liên quan đến vai trò của trí thức người VN nước ngoài và các chính sách, giải pháp nhằm tăng cường thu hút và phát huy vai trò của họ cho phát triển đất nước.

Nhưng, như nhiều người đã nói, ngoài một vài điều kiện đặc thù về đời sống (phần lớn họ những nước phát triển cao) cần được quan tâm đúng mức để họ có thể dễ dàng hơn về làm việc trong nước, các vấn đề của trí thức Việt kiều không khác bao nhiêu so với trí thức trong nước. Vậy xin bỏ qua việc hạn chế nội dung nói trên (chuyện nhỏ, dù rằng người ta có thể thấy trong đó một số điều không phải không có ý nghĩa), để đi vào một vài vấn đề chung hơn liên quan tới những ứng xử của nhà cầm quyền đối với người trí thức Việt Nam.

Bản thân tên đề án, « xây dựng đội ngũ trí thức... », đã thể hiện một tư duy thực dụng chật hẹp, hàm ý đòi hỏi trí thức VN phải đứng trong một « đội ngũ » (tức chỉ được hành động dưới sự chỉ huy thống nhất – của ai thì chắc khỏi cần nêu rõ). Hệ luận của quan điểm này là những người có ý kiến khác, và tìm cách bày tỏ ý kiến của mình trong xã hội (đó là phương thức « hành động » của trí thức) lập tức bị coi như ly khai đội ngũ, như những con chiên ghẻ... Quan điểm này đã chế ngự đất nước một thời gian dài, từ thời chiến tranh (khi nó còn có thể « cắt nghĩa » được phần nào) tới rất lâu sau đó, với những tác hại như thế nào, chắc chỉ cần nhắc lại vài sự kiện mà lịch sử sẽ ghi lại như những vết đen khó phai của chế độ1.

- Về giáo dục. Việc đấu tố những quan điểm tiến bộ của cố bộ trưng Tạ Quang Bửu, cố giáo sư Lê Văn Thiêm, hay giáo sư Hoàng Tuỵ2, để áp đặt quan điểm « công nông » trong tuyển chọn sinh viên vào đại học miền Bắc, và sau 1975, kéo dài sự phân biệt đối xử này theo thành phần giai cấp, chính trị, tôn giáo của cha mẹ SV, không chỉ làm đất nước thiệt thòi vì mất đi nhiều tài năng, mà còn để lại nhiều hệ quả xấu trong tâm lý xã hội tới nay chưa phải đã được giải toả hết. Đó là sự xuống cấp của đạo đức xã hội nói chung, và riêng đối với trí thức, là sự triệt tiêu tinh thần phê phán, cốt lõi của đạo lý hành xử trí thức. Điều này, cộng với sự tuyển chọn « hồng hơn chuyên », đã tạo nên một lớp cán bộ quản lý vừa bất cập vừa tham quyền cố vị và một lớp thầy giáo thiếu trình độ (dĩ nhiên, đây là nói chung thôi), là căn cơ rất nặng nề và rất khó chữa của cuộc khủng hoảng giáo dục hiện nay. Vòng xoáy đi xuống này có thể cần nhiều thế hệ mới khắc phục được, ngay cả khi có quyết tâm cải cách và cải cách đúng hướng.

- Về đời sống văn hoá. Văn nghệ sĩ, những người qua nhạy cảm riêng của mình, có khả năng chỉ ra những bất cập nhỏ nhưng tiềm ẩn những yếu tố có thể tác hại lâu dài hoặc trên diện rộng lớn, thì đã bị làm tiêu tan ý chí trong các chiến dịch cải huấn, qua những xoi mói đầy tính chất đấu tố với tác phẩm này hay tác phẩm khác. Sự kiện Nhân văn giai phẩm đã làm cho nhiều người có tâm huyết trong giới này tr nên thụ động, thu mình trong vỏ bọc riêng, bỏ ngỏ « trận địa » cho những cây bút chỉ biết viết theo chiếc gậy chỉ huy của những cán bộ tuyên huấn.

- Về kinh tế. Những sai lầm kinh khủng của các đường lối tập thể hoá nông thôn, chính sách chống tư thương, giai cấp tư sản..., dĩ nhiên đã chỉ có thể diễn ra vì không ai được quyền lên tiếng chống lại, cảnh báo, vì các phương tiện truyền thông, báo chí đều được kiểm soát gắt gao. Ngay cả nhiều nhà lãnh đạo gần dân cũng phải đề ra và khuyến khích các cách làm « chui », nói chi tới tiếng nói của trí thức...

Trong tình hình đó, hiển nhiên chính áp lực của cuộc sống đã buộc Đảng và chính quyền phải bước vào cuộc « đổi mới » năm 1986 chứ không phải do đề xuất nào của « đội ngũ trí thức » của Đảng. Song, sự chia sẻ quyền lực trong Đảng và Nhà nước, với quyền giữ phanh luôn luôn trong tay chính những người có các quan điểm nói trên đối với trí thức3, đã hạn chế khá nhiều những bước đi của đổi mới. Khiến đối ngoại thì làm chậm quá trình hội nhập4, đối nội thì co cụm, khước từ hoặc chỉ chấp nhận nhỏ giọt những đổi thay cần thiết mà xã hội đòi hỏi (và phần nào được quyền phát biểu nhân những dịp đại hội Đảng gần đây)5. Khiến hàng loạt vấn đề lớn nảy sinh, vượt xa khả năng xử lý của bộ máy nhà nước : giáo dục và đạo lý xã hội xuống cấp như đã nói, khoa học không được phát triển, tham nhũng tràn lan v.v., đe doạ cả những dự án kinh tế lớn đã kiếm được nguồn đầu tư...

Chủ đề « trí thức » được đưa vào nghị trình của hội nghị trung ương sắp tới có báo hiệu những đổi thay có tính đột phá đối với tình trạng nói trên ?

Câu trả lời, có người nói, tuỳ thuộc vào sự chọn lựa định nghĩa thế nào là người trí thức. Nhưng thực ra, dù với định nghĩa hẹp vẫn được hiểu trong các phát biểu của Đảng cho tới nay (trí thức là người lao động trí óc), cũng cần phải nói rằng tình trạng miệt thị trí thức tiếp diễn trong một thời gian quá dài như nói trên chính là vì một số thuộc tính cơ bản của « trí thức » đã bị bỏ quên. Bi làm sao người ta có thể tìm được các giải pháp độc sáng cho các vấn đề kinh tế - xã hội khi chỉ được quyền « suy nghĩ » trong phạm vi được xác định trong các nghị quyết ? Khi ngay cả những thông tin, dữ kiện trên đó người « lao động trí óc » thao tác cũng đã bị chệch đi so với khách quan, vì phải trải qua bộ lọc ý thức hệ của bộ máy ? Làm sao phát triển khoa học khi kết quả các công trình nghiên cứu không phải do những nhà khoa học đánh giá là chính, mà trước hết được « tính điểm » bi các « hội đồng nghiệm thu » đầy các quan chức nhiều khi « ngoại đạo » nhưng vẫn có tiếng nói quyết định ? Làm sao học sinh, sinh viên có đủ sách học và đọc thêm có chất lượng khi việc viết sách giáo khoa vẫn là độc quyền của một số nhỏ các nhà giáo được bộ máy chọn lọc – và trách nhiệm của người thầy chỉ còn là dạy theo sách đó ?

Ai cũng biết, điều người trí thức thực sự cần trước tiên là một không gian tự do cho hoạt động tư duy và tranh luận với người khác của mình. Tiếp đó là sự tôn trọng những ý tưng, những kết quả lao động được công bố. Tôn trọng bắt đầu từ việc đối xử tử tế, công bằng với những công trình lao động nghiêm túc. Nhưng tôn trọng cũng có nghĩa là nếu ý tưng, công trình đó có gì « sai trái » thì được chỉ ra công khai và với lập luận nghiêm chỉnh, chứng cớ rõ ràng, minh bạch chứ không phải với những lập luận quyền thế, cả vú lấp miệng em, như thường thấy. Càng không phải là những « chỉ thị miệng » để ngăn cấm công bố những công trình tri thức không làm vừa lòng ai đó trong bộ máy – như việc ngăn chặn tác phẩm Trần Dần – Thơ mới đây. Hoặc những bài báo đầy tính chất công an, xuyên tạc và vu khống những người có quan điểm trái với quan điểm « chính thống », mà nạn nhân không bao giờ được quyền trả lời sòng phẳng...

« Công tác trí thức », vì thế, phải chăng trước hết cần được hiểu là tạo điều kiện pháp lý, kinh tế để những quyền tự do tư duy và tranh luận của người trí thức, cũng như phẩm giá của họ được tôn trọng ?

Người phụ trách công tác trí thức của ĐCSVN là Ban Tuyên giáo (với những tên gọi khác nhau từng thời kỳ, gần đây nhất là Ban Tư tưng - Văn hoá) cũng là người gây tai tiếng nhất cho Đảng trong những « vụ, việc » kể trên, trong sự vô hiệu hoá những phản biện, cảnh báo mà một tầng lớp trí thức độc lập có thể mang lại. Vì thế, trong dự án đổi mới công tác trí thức mà hội nghị trung ương tới sẽ bàn thảo, việc đổi mới nhiệm vụ công tác của Ban này nên chăng cần được nêu lên hàng đầu nghị trình Hội nghị ? Hiển nhiên, ĐCS có quyền thành lập một Ban phụ trách công tác tuyên truyền cho những quan điểm của mình. Nhưng tuyên truyền không phải là áp đặt. Càng không có nghĩa là bưng bít, ngăn chặn (thường là thô bạo) những tiếng nói, quan điểm khác trong xã hội. Đảng hoàn toàn có thể công khai tranh luận với những quan điểm đó (và cần tuyển vào Ban những cán bộ đủ văn hoá và trình độ tri thức để đảm đương công tác này), cũng có thể yêu cầu những đảng viên có cương vị các cấp chính quyền phải thực thi ý kiến của mình thay vì ý kiến khác, khi cuộc tranh luận chưa ngã ngũ phải trái. Nhưng, sẽ là một tiến bộ vượt bực, có tính đột phá trong công tác trí thức - đồng thời có ý nghĩa vô cùng lớn khi lan toả trong xã hội -, nếu kết quả của Hội nghị là việc đổi mới công tác của Ban này theo hướng nêu trên.

Với những công tác cụ thể trước mắt là đưa vào nghị trình Quốc hội việc sửa đổi các đạo luật liên quan : Luật báo chí, Luật xuất bản, Luật hội, nhằm bảo đảm các tiếng nói khác nhau của nhân dân đều được quyền và có điều kiện phát biểu, bình đẳng trước pháp luật ; Luật Giáo dục, bãi bỏ những quy định áp đặt « chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưng Hồ Chí Minh làm nền tảng (cho giáo dục Việt Nam) » v.v.

Dĩ nhiên, còn nhiều việc khác cần được tiến hành, song nếu cái gốc không được bảo đảm (tôn trọng quyền tự do tư duy và tranh luận của người dân) thì, chỉ e rằng « đội ngũ trí thức » (của Đảng) vẫn cứ èo ọt dù có nghị quyết này hay nghị quyết khác. Trong khi đó, một giới trí thức mới của xã hội tuy chật vật nhưng vẫn sẽ cứ hình thành. Có điều, thời gian và những cơ hội bỏ lỡ, những chướng ngại phi lý phải lao tâm tổn trí để vượt qua, những ức chế chồng chất, thiệt hại cho xã hội không biết sẽ tính sổ sao đây ?

 

Hà Dương Tường

 

1 Chế độ nào cũng có những vết đen, việc nêu chúng lên không có nghĩa là lên án toàn bộ chế độ đó. Lẽ ra điều này không cần nhắc lại, nhưng trong tình hình Việt Nam... đặt dấu chấm trên chữ i có lẽ cũng không thừa ! Những vết đen vẫn sẽ còn đó trong sử sách, nhưng lịch sử cũng sẽ công bằng và ghi lại những thành tích sáng sủa hơn của chế độ đó. Việc nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm, thừa nhận sai lầm của mình, nếu được thực hiện, là cách duy nhất để « xoá » các vết đen đó (« xoá » trong nghĩa đẩy lui nó trong cảm nhận của người dân, chứ không phải trong nghĩa đen !).

2 Xem Kỷ yếu mừng sinh nhật 80 tuổi giáo sư Hoàng Tuỵ, cuốn « Sĩ phu thời nay », NXB Tri Thức, Hà Nội 2007.

3 Những người luôn luôn giương cao các vũ khí chống « diễn biến hoà bình », chống « mất ổn định », chống « lệch hướng »...

4 Ví dụ rõ nhất là sự ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, m ra quá trình thương lượng gia nhập WTO.

5 Có thể nhớ lại các tranh luận chung quanh việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, việc bãi bỏ chế độ hộ khẩu, hay chung quanh việc thông qua luật về hội, việc sửa đổi luật xuất bản v.v.

Diễn đàn trí thức - số 1

Đã đăng trên Diễn Đàn Forum

 

        http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org