Trí thức cần được tin cậy

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng    21/07/2008

 

Những bài cùng tác giả

          Gần đây tôi được đọc một số bài viết của cac tác giả trong và ngoài nước liên quan đến việc định nghĩa người trí thức. Tôi thấy công việc này không khác gì việc định nghĩa ai là nhà văn, ai là nhạc sĩ. Đương nhiên nhà văn thì phải viết văn hay làm thơ, nhạc sĩ thì phải sáng tác hay nghiên cứu âm nhạc. Tuy nhiên, không phải cứ là hội viên Hội Nhà văn hay hội viên Hội nhạc sĩ là được mọi người thừa nhận là nhà văn hay nhạc sĩ. Ngược lại, một người không phải là hội viên nhưng được mọi người gọi là nhà văn hay là nhạc sĩ khi người ấy có tác phẩm được xã hội hoan hỉ đón nhận và tôn vinh. Cũng vậy thôi, người trí thức là người lao động trí óc, nhưng chỉ đáng coi là người trí thức khi người đó có sự cống hiến đáng kể. Có thể đó là một cống hiến đáng kể. Có thể đó là một cống hiến về khoa học - công nghệ góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cũng có thể đó là một triết gia, một nhà lý luận đề xuất được những tư tưởng, những ý tưởng góp phần đổi mới thượng tầng kiến trúc trong xã hội.
Khi tôi nhận một danh thiếp ghi là nhà thơ hay nhà văn, có khi ghi cả hai, tôi thật sự ngạc nhiên, nhẽ nào mình lạc hậu đến mức không nhớ nổi bất kỳ một tác phẩm nào của nhà thơ, nhà văn này !Cũng có thể là từ ngày nhận thể hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người đó đã chuyển sang công tác quản lý và không còn sáng tác gì nữa. Cũng có thể người đó được kết nạp do chiếu cố, chứ lâu nay có tác phẩm nào đáng kể đâu! Với nhạc sĩ cũng tương tự như vậy. Ông Phạm Duy chắc chưa có thẻ hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam , nhưng hẳn không ai nghi ngờ ông là nhạc sĩ.
          Cho nên khó có một định nghĩa chính xác ai là trí thức, ai không phải. Cái chính là sự đánh giá của xã hội xem đã là trí thức thì có đóng góp được gì cho xã hội hay không. Một ai đó mang danh giáo sư, tiến sĩ khoa học không nhất thiết được coi là trí thức, nếu người ấy không làm gì để phát huy vốn hiểu biết của mình thông qua hoạt động đào tạo hoặc nghiên cứu khoa học. Có những bộ môn ở Đại học có những giáo sư đầu ngành cực kỳ giỏi giang, nhưng các vị này không chú ý đến việc đào tạo thế hệ thay mình, vì vậy sau khi ho về hưu người ta không còn nho đến ten ai trong bộ môn ấy nữa. Như vậy, các vị này vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của người trí thức. Một tiến sĩ có chuyên môn giỏi, nhưng vì nể nang mà không dám phản đối một Hội đồng có đa số hiểu biết hời hợt về chuyên nganh của một cong trinh nghien cuu ,vì vậy đã cho điểm xuất sắc đối với công trình có khá nhiều sai sót này. Như thế vị tiến sĩ này cũng chưa làm tròn trách nhiệm cua người trí thức. Một nhà văn hiểu biết đông tây kim cổ, nhưng lại dùng hiểu biết này để thóa mạ dân tộc mình, quê hương mình thì cũng không thể coi là trí thức.
Vậy trí thức phải là người đem tri thức cống hiến cho cộng đồng và giúp cho cộng đồng ấy phát triển lên về mức sống, trí tuệ, về đạo lý? Người trí thức phải có tấm lòng nhân hậu với nhân dân và trung thành với lý tưởng cao đẹp của nhân dân. Người trí thức cũng phải có tinh thần chí công vô tư và có ý thức đào tạo nhiều người trong thế hệ kế tiếp mình.
          Ngày nay, nếu ai đó cũng làm dịch lọc chứa kháng sinh Penicilline như Giáo sư Đặng Văn Ngữ thì không có ý nghĩa gì. Nhưng vào thời điểm của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầu thập kỷ 50 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh không có thứ kháng sinh gì dùng để cứu chữa thương binh, mà một trí thức như Giáo sư Ngữ từ bỏ điều kiện nghiên cứu bên Nhật để cố gắng mang một chủng nấm Penicillium về với kháng chiến và tự tổ chức việc nhân lên chủng nấm này trong dịch nước chiết ngô thì lại là một tấm gương chói sáng. Ông đã sống hết đời trong tư cách một người tận tuỵ với sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và đã đào tạo ra nhiều nhà khoa học kế tục sự nghiệp vẻ vang của mình.
        Tôi muốn kể về tấm gương của một nhà trí thức vào loại tiêu biểu nhất ở nước ta và xin từ đó mà suy nghĩ về thái độ tự phấn đấu của người trí thức cũng như cách cư xử đúng đắn với trí thức. Người đó là GS Tạ Quang Bửu.
GS.Bửu có một sự uyên bác rất kỳ lạ.Tôi chỉ xin kể về một khía cạnh nhỏ, đó là về lĩnh vực Sinh học, một lĩnh vực khác hẳn với chuyên ngành Toán học, chuyên ngành mà ông đã lấy bằng Tú tài Toán từ năm 1929 và sau đó là những năm được đào tạo chính quy tại các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi bố tôI làm Giám đốc Giáo dục Liên khu 10, một hôm ông đem về 2 cuốn sách Sống và Vui sống của GS Bửu in trêngiấy dó rất đen. TôI tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng cố đọc và ấn tượng về hai cuốn sách còn mãi cho đến hôm nay, khi tôi đã là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam . Rất cảm động khi được đọc lại các tác phẩm này trong cuốn Tạ Quang Bửu do NXB Giáo dục phát hành năm 2005. Chúng ta biết rằng GS Bửu viết vào năm 1948 khi mà phát hiện về ADN của J.D.Watson và F.H.C.Crick chỉ được công bố vào năm 1953 (!) Vậy mà khi ấy GS Bửu đã tiên đoán: Ngoài chromosome (nay gọi là nhiễm sắc thể-NLD) thì tế bào chỉ chứa những hóa chất không có gì đặc sắc?Nhưng số đặc tính trong một con người thì lớn hơn số chromosome nhiều, nên các đặc tính ấy chỉ có thể chiếm những phần tử rất bé của chromosome; mỗi đặc tính chỉ chiếm một căn cứ gọi là gen?Một chromosome là một chuỗi gồm 20000 gen và như thế chiều dài của mỗi gen không quá 3/10000mm hay ba trăm Angtrom. Còn biết bao nhiêu khái niệm hiện đại khác mà GS Bửu viết bằng tiếng Anh hoặc có bớt đI các âm thừa như Crossing-over, Homozygot, Heterozygot, Phenotyp, Genotyp, Haploid, Gamete, Mitose, Meiose, Diploid, Mutation?GS Bửu còn khẳng định: Gen, phân tử khổng lồ, theo thuyết Delbruck, cũng là một hệ thống phảI cắt nghĩa bằng Lượng tử học?
            Thật đáng khâm phục biết bao về một tài năng hiém cố như vậy. Rất tiếc vì đó là cuốn sách in bằng tiếng Việt tại chiến khu Việt Bắc nên không được các nhà khoa học trên thế giới biết đến, nếu không chắc hẳn đã phải được coi là mopọt trong những trước tác kinh điển của nhân loại.
Sự uyên bác của GS Bửu gắn liền với tinh thần tự học suốt đời của ông. Ông chỉ có bằng Cử nhân trong tay, cho nên khi có người hỏi ông bằng cấp nào cao nhất mà ông có thì nghe đồn rằng ông đã trả lời là bằng bơi lội do Hoàng gia Anh cấp (!)
           Sau này những cống hiến của ông cho ngành quốc phòng và ngành giáo dfục thì chúng ta đều đã rõ. Trí thức không thể chỉ đánh giá bởi bằng cấp mà phải bằng thực chất và sự cống hiến cụ thể của từng con người. Cũng không nên chỉ coi trọng các trí thức là đảng viên. Tháng 3-1946 tuy chưa vào Đảng ông đã được Hồ Chñ tịch giao cho làm Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng. Điều này chúng ta phải học tập tấm gương của Bác Hồ .

Bác là vị lãnh tụ đặc biệt quý trọng trí thức. Trong thư gửi Tổng bộ Việt Minh Bác đã viết: “ Việt Minh định tổ chức một Chính phủ rộng rãi, gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia. Lúc đó có người nghĩ rằng các nhân sĩ có danh vọng chưa chắc vui lòng hợp tác với Việt Minh. Song vì Việt Minh đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, và lấy lòng chí công vô tư mà làm việc, cho nên các bậc có tài đức, danh vọng đều vui lòng hợp tác trong Chính phủ”  (HCM toàn tập, 1995,T.5, tr.412). Khi thành lập Chính phủ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội Khóa I (ngày 3-11-1946) Bác Hồ đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải là đảng viên. Đó là Bộ trưởng (BT) Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, BT Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên , BT Bộ Giao thông công chính Trần Đăng Khoa, BT Bộ Y tế  Hoàng Tích Trí, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, BT Bộ Canh nông Ngô Tấn Nhơn, BT Bộ Cứu tế Chu Bá Phượng, BT Không Bộ Nguyễn Văn Tố và Bồ Xuân Luật. Về sau Bác cho biết: “ Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham gia Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học” (Sách đã dẫn,1996, T.6, tr.160). Năm 1947 Chính phủ được cải tổ với sự tham gia thêm của một số trí thức ngoài Đảng khác như BT Kinh tế Phan Anh, BT Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng tạ thế Bác Hồ mời cụ Phan Kế Toại làm Quyền BT Bộ Nội vụ. Khi đó trong Chính phủ có tới 10 vị là người ngoài Đảng nhưng đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trachs của mình. Ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng (lưu học tại Đại học Paris , Bordeaux -Pháp và ĐH Oxford-Anh) về nước năm 1934 và dạy hoc ở Huế. Năm 1945 cùng LS Phan Anh ra Hà Nội để tham gia Cách mạng. Tháng 8-1947, tuy chỉ mới được kết nạp vào Đảng tròn 1 tháng ông đã được giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chỉ có Bác Hồ mới dám tin dùng cán bộ trí thức như vậy. Sau ngày Hòa bình lập lại, ngày 20-9-1955 Chính phủ được bổ sung và thay đổi nhân sự. Đến lúc này trong Chính phủ vẫn còn tới 8 vị BT là người ngoài Đảng. Có những vị BT tuy ở ngoài Đảng nhưng đã hoàn thành một cách xuất sắc cương vị công tác của mình trong mấy chục năm liền (Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa...) . Cụ Phan Kế Toại về sau được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ.

         Bên cạnh các vị trí thức tham gia Chính phủ , Bác Hồ còn ân cần chăm sóc đội ngũ trí thức ngoài Đảng tham gia trực tiếp trong các ngành giáo dục, y tế, khoa học...Trong bản báo cáo với Bác sau cuộc Chỉnh huấn ở chiến khu Việt Bắc GS Hồ Đắc Di đã viết:

         “Hôm qua tôi đã tu trong chuyên môn, say mê với kỹ thuật, ngày mai tôi sẽ ăn chay nằm đất trong quần chúng, vui sống với nhân dân. Lời hứa này tôi quyết tâm thi hành”. Và quả đúng như vậy , trong suốt cuộc đời mình GS Hồ Đắc Di cùng các trí thức lớn được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng ngành Y tế như Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Đặng Văn Chung, Đỗ Xuân Hợp ...đã có những cống hiến hết sức xuất sắc. Bác Hồ đã theo sát từng bước tiến của các trí thức này và thường xuyên có những thư ngắn để động viên, thăm hỏi. Một cái thiếp Bác gửi cho GS Tùng chỉ có vài dòng nhưng chứa chan tình  thân ái :

 “Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều mạnh khỏe chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thăng”.Bác còn đặt tên là Bách cho con trai cả của GS Tùng.

         Bên ngành giáo dục cũng có rất nhiều trí thức ngoài Đảng được Bác Hồ chăm sóc, bồi dưỡng và tin tưởng giao cho những trọng trách nặng nề. Đó là GS Nguyễn Văn Huyên, vị Bộ trưởng tận tụy hoạt động suốt 3 thập niên để xây dựng ngành giáo dục. Khi nghe tin thân mẫu của GS Nguyễn Văn Huyên và bà Phan Kế Toại qua đời bác viết ngay thư chia buồn với lời lẽ thật thân tình:

         “ Cụ Phan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

Ông Nguyễn , Bộ trưởng Bộ giáo dục,

Tôi rất buồn được tin Bá Mẫu qua đời. Nhân danh tôi và nhân danh Chính phủ, tôi kính gửi lời chia buồn với Cụ và Ông cùng quý quyến.

Hồ Chí Minh”

         Đó còn là rất nhiều GS ngoài Đảng khác  như GS. Ngụy Như Kontum, GS. Nguyễn Xiển, GS. Nguyễn Lân, GS. Trần Văn Giáp, GS. Trần Văn Khang, GS. Nguyễn Thúc Hào, GS. Nguyễn Thạc Cát, GS.Ngô Thúc Lanh.... được Bác cử sang Khu học xá Trung ương (Nam Ninh, Trung Quốc) để góp phần đào tạo ra hàng nghìn giáo viên và trí thức chuẩn bị cho đất nước sau khi kết thúc chiến tranh chống thực dân Pháp. Khi đang làm nhiệm vụ Giám đốc Giáo dục Liên khu X, GS. Nguyễn Lân đã vô cùng cảm kích khi nhận được tấm bằng khen của Bác Hồ với lời ghi Một Giám đốc có tài kèm theo là một bộ quần áo lụa bên trong có thêu hàng chữ Chúng cháu kính dâng Bác Hồ.

         Về khoa học thì có lẽ trường hợp tiêu biểu nhất là GS Trần Đại Nghĩa. Ông là KS Phạm Quang Lễ, Bác trực tiếp thuyết phục ông và tìm cách bí mật đưa ông từ Pháp về nước để giao trọng trách làm Cục trưởng Cục Quân giới. Bác còn tự  tìm tên để đổi cho ông. Bác nói:

         “Việc của chú là việc đại nghĩa, vì thế kể từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình , bà con chú  còn ở trong Nam ”

         Bác tin ai là không có nhầm. Là một Việt kiều sống lâu năm xa Tổ quốc, mặc dầu bắt đầu từ hai bàn tay trắng nhưng GS. Trần Đại Nghĩa đã ra sức góp phần tích cực xây dựng ngành quân giới non trẻ để phục vụ trực tiếp cho chiến đấu.  Có lần Bác gửi cho GS Nghĩa một chiếc áo len với mẩu giấy ghi hàng chữ: “Chiếc áo sơ mi của đồng bào Thái Lan tặng Bác. Bác tặng lại chú, mặc cho ấm để làm việc tốt”. Có lần khác Bác còn căn dặn:  “ Khi nào chú bị người ta trù dập, chú báo ngay cho Bác biết để Bác giải quyết.”

         Những chuyện ấm lòng như vậy đối với những người trí thức ngoài Đảng kể sao cho xiết.

         Bác phân tích: “ So với số nhân dân thì số đảng viên chỉ là tối thiểu, hàng trăm người dân mới có một người đảng viên. Nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết...Ta cần hợp tác với người ngoài Đảng. Ta không được khinh rẻ họ, chê bai họ...Cũng vì bệnh hẹp hòi mà không biết dùng nhân tài, việc gì cũng ôm lấy hết. Ôm lấy hết thì cố nhiên không làm nổi”. (Sđd, 1995, T.5, tr.238).

         Ngày nay cả nước đã có tới trên 86 triệu người, kể cả bà con sinh sống ở nước ngoài thì đã có đến gần 88 triệu người. Trong khi đó mới chỉ có 3 triệu đảng viên. Đa số đảng viên là tốt,  nhưng không phải chỉ có đảng viên mới là người tốt. Có lần tiếp xúc với cử tri trước ngày bầu cử Quốc hội tôi đã bị một người dân chất vấn:“ Trong lý lịch ông ghi 19 năm là Chiến sĩ thi đua, vậy bây giờ ông hãy nói thật với cử tri là ông đã phạm tội lỗi gì mà không được vào Đảng?” Tôi chỉ biết trả lời là: Nước ta có trên 83 triệu người chưa phải làđảng viên, nhẽ nào họ đều là người phạm tội? Tôi mong muốn là một công dân tố trong một nước có một Đảng tiền phong vững mạnh. Bà con vỗ tay hoan hô. Trong quá trình tham gia Quốc hội, nhất là trong Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, rất nhiều lúc vị trí ngoài Đảng của tôi là một hình ảnh tốt cho tinh thần Đại đoàn kết của đất nước ta. Vừa  qua Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc chỉ có đưa đảng viên vào các vị trí lãnh đạo là lãng phí tài năng của trên 83 triệu người ngoài Đảng. Câu trả lời của Bộ trưởng thật ra chưa được thỏa mãn. Trung Quốc có 73 triệu đảng viên, trong số này thiếu gì nhân tài vậy mà họ đã cử hai trí thức không phải là đảng viên giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ trưởng Bộ Y tế, ngoài ra còn có rất nhiều nhân sĩ ngoài Đảng khác tham gia công việc quản lý Nhà nước.

             Ngày nay, đất nước ta đang đứng trước những cơ hội lớn. Việt Nam đang có vị trí bình đẳng, là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nước đang đầu tư vào nước ta với những khoản tiền lớn và những công nghệ tiên tiến vì nhìn thấy ở đây một môi trường kinh doanh ổn định về chính trị, phong phú về tài nguyên thiên nhiên và dồi dào về nguồn lực lao động. Trong cuộc bứt phá lên này, nhanh hay chậm đúng hướng hay lệch hướng, giữ được độc lập hay trở thành phụ thuộc, đảm bảo sự phát triển bền vững là huỷ hoại môi trường? Tất cả có vai trò quyết định hết sức quan trọng của những người trí thức Việt Nam . Thay vì việc định nghĩa thế nào là "người trí thức", chúng ta hãy cố gắng tạo điều kiện cho những người trí thức chân chính có điều kiện cống hiến hết mình cho nhân dân, cho Tổ quốc.

        Mỗi lần nghe nói đến ở đâu đó trên đất nước ta thất thoát hàng triệu USD, hàng chục tỷ đồng, không riêng gì tôi mà ai cũng thấy hết sức xót xa. Cách đây nhiều năm tôi may mắn được Thủ tướng Chính phủ cấp cho 1 triệu USD để xây dựng Bảo tàng Giống chuẩn vi sinh vật (VTCC). Mặc dầu chỉ giải ngân được có 700 nghìn USD(!), nhưng chúng tôi cũng có được thiết bị phân tích ADN và hàng năm da có thể công bố được nhiều chủng vi sinh vật hoàn toàn mới đối với khoa học. Chúng tôi tham gia vào Tổ chức nghiên cứu vi sinh vật của các nước Châu Á (ACM) và nhận trực tiếp được nguồn tài trợ cả về thiết bị lẫn chuyên gia của Nhật Bản. Hội Vi sinh vật học Việt Nam đã là thành viên chính thức của IUMS. Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật VN (VTCC) cũng đã là thành viên chính thức cua WFCC. Tuy đã lớn tuổi, nhưng tôi dám mạnh dạn đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp Trung tâm nghiên cứu Công nghệ sinh học của Đại học Quốc gia Hà Nội thành Viện Vi sinh vật học và Công nghệ sinh học. Rất mừng là vừa qua đã được Chính phủ ký quyết định cho phép thành lập. Chúng tôi rất hy vọng vào Dự án này và đang cố gắng hoàn thiện nhiều công trình nghiên cứu về chế biến rác đô thị, sản xuất chế phẩm xử lý môi trường nuôi tôm an toàn, chế phẩm Probiotic phục vụ chăn nuôi ,chế phẩm Men Taq Polymerase thay thế nhập khẩu, chế phẩm nấm chống ung thu? Sau khi tiếp nhận đợt đầu tư chiều sâu mới của Chính phủ chúng tôi sẽ xây dựng phân xưởng sản xuất thử tại vị trí mới trên Hòa Lạc của ĐHQGHN. Bước đầu chúng tôi đã thu hút được một số Tiến sĩ trẻ tốt nghiệp từ các nước phát triển trở về làm việc và đã ký được hợp đồng với Đại học Liège của Bỉ để cùng đào tạo Thạc sĩ ngay tại Hà Nội cho ba nước Đông Dương.

         Rõ ràng mong muốn của trí thức là có điều kiện cống hiến, chứ không phải chủ yếu là đòi hỏi điều kiện đãi ngộ. Khi các phòng thí nghiệm đã được trang bị tốt thì chúng ta đủ điều kiện để các tiến sĩ trẻ trở về quê hương sau khi tốt nghiệp tại nước ngoài. Nhiều người có tâm sự, là nếu họ ở lại làm việc ở nước ngoài, họ sẽ có mức lương hàng nghìn USD/tháng, nhưng làm việc trong nước có nhiều niềm vui khác, trong đó có niềm vui rất lớn là được đem tri thức cống hiến ngay cho nhân dân mình, Tổ quốc mình. Tôi cho rằng yêu cầu cần có mức lương thoả đáng để đãi ngộ trí thức Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là vừa không khả thi, vừa không hợp lý. Vì anh tự coi la mình giỏi giang vậy tai sao lai không tự nuôi sống được mình, anh có trình độ làm ra sản phẩm moi, mà vi sao không nuôi sống được đơn vị mình ? Kinh nghiệm các Viện nghiên cứu ở Trung Quốc mà tôi đã có nhiều dịp khảo sát cho thấy: Bước đầu Nha nuoc hoặc doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư đủ tầm, sau đó một thời gian họ tự nguyện cắt quỹ lương, nhưng vẫn có thể trả lương rất cao nhờ vào khả năng nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật của mình. Tôi đã thăm nhiều Công ty dược ở Đức và ở Nhật, họ nghiên cứu cơ bản rất sâu để có thể tìm ra rất nhiều loại dược phẩm mới có giá trị rất cao.

           Vấn đề cấp bách hiện nay là Nhà nước phải tìm ra được các nhà trí thức có đủ trình độ và đủ nhiệt huyết để trao vào tay họ những nhiệm vụ cụ thể, đồng thời tạo điều kiện cho họ có thể tự tập hợp cán bộ, tự tổ chức nghiên cứu và sản xuất thử. Chúng ta đã có 40 - 50 năm theo dõi hoạt động của các trí thức, nhẽ nào đến nay vẫn không tin tưởng được ai để trao ngọn cờ vào trong tay của họ, tạo điều kiện cho họ phát huy hết trí tuệ và sức lực của mình để làm tốt nhiệm vụ được trao.

         Vì một hoàn cảnh lịch sử rất đặc biệt, chúng ta có cơ hội là hiện có rất nhiều trí thức gốc Việt đang làm việc tại các trung tâm khoa học và công nghệ phát triển nhất trên thế giới. Họ chiếm tới con số hàng trăm ngàn người, phần đông trong số này vẫn nặng lòng với quê hương và mong muốn được góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, họ nhìn vào các điều kiện làm việc của các trí thức trong nước và sự quan tâm của chúng ta với trí thức mà e ngại chưa muốn đầu tư trí tuệ về quê hương. Khi tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho trí thức trong nước, chính là tăng sự thu hút đối với trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Bởi vì họ đã là những người thành đạt, đã có cuộc sống dư dật ở nước ngoài, nếu họ có về nước là với ước nguyện được cống hiến nhiều hơn là ước nguyện đe làm giàu. Nghị quyết 36/NQ-TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ nhiệm vụ: "Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước. Xây dựng chế độ đãi ngộ thoả đáng đối với những chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tư vấn về quản lý, điều hành, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao cho đất nước, góp phần phát triển nền văn hoá, nghệ thuật của nước nhà".

       Để Nghị quyết của Hội nghị Trung ương vừa qua sớm đi vào thực tiễn cuộc sống, trước hết chúng ta cần tin cậy và tạo điều kiện cho các chuyên gia có trình độ cao trong nước để họ có thể phát huy hết sức lực và tâm trí của mình trong công tác đào tạo thế hệ chuyên gia trẻ trong sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, nhất là đối với các lĩnh vực đang được coi là mũi nhọn.

 
 

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng