Trí thức khoa học cần nhận biết đúng mình, được đánh giá và sử dụng đúng năng lực chuyên môn.
 

Vietsciences-Phạm Đức Chính              04/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Từ thời gian chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc, được tiếp nối bởi giai đoạn đầu xây dựng đất nước sau thống nhất, mỗi năm chúng ta chọn (chủ yếu qua thi tuyển) hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước Đông Âu. Nhìn chung các lưu học sinh đã được lựa chọn của chúng ta học tốt, và khi tốt nghiệp trình độ cũng không kém mức chung của bạn. Những KS, BS thực hành này, khi trở về nước, đã tạo thành lực lượng khoa học kỹ thuật nòng cốt cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và công nghiệp hóa đất nước.

Chúng ta cũng chú trọng xây dựng lực lượng khoa học cao cấp qua con số các TS và TSKH đã được đào tạo ở các nước Đông Âu. Lực lượng này được kỳ vọng có khả năng thực hiện những nghiên cứu khoa học trình độ cao và là đầu tầu cho khoa học và tiến trình hiện đại hóa nước nhà.Tuy nhiên khi đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ của mình qua con số các TS và TSKH này, chúng ta đã có không ít ngộ nhận.

Để bảo vệ luận án TS (PTS cũ) ở LX, NCS phải có kết quả nghiên cứu, thường tối thiểu là 2 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện nghiêm chỉnh của bạn. Bên cạnh những TS đạt chuẩn, một số TS của ta trình độ còn non, phải dựa nhiều vào thầy, và do áp lực của trình độ và thời gian, đã được các nước bạn chiếu cố.

Ở mức cao hơn, nhiều TSKH (TS cũ) của chúng ta chưa đạt được tới trình độ chuẩn mực tương ứng của nước bạn. TSKH của LX phải có được những bài báo khoa học mạnh, đứng tác giả độc lập, và thường phải có tới vài chục bài báo đăng các tạp chí khoa học có uy tín. Trong khi đó số bài báo đăng tạp chí có uy tín của số đông các TSKH của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, và phần nhiều vẫn phải dựa vào thầy. Nhiều TSKH trở về nước, tách khỏi thầy, đã không viết nổi một bài báo riêng đăng tạp chí quốc tế chuẩn mực – thể hiện rõ cái tầm chưa tới của họ. Đáng buồn hơn, vào giai đoạn nhộm nhoạm ở Đông Âu những năm 90, một số nhà khoa học của ta đã kiếm được bằng TSKH dù họ có rất ít, thậm chí không có nổi lấy một bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế nghiêm chỉnh (có thể nói, chỉ ở mức, hoặc thua cả cái chuẩn PTS của thời LX ổn định).

Trên trường quốc tế, bảo vệ luận án TS chỉ là bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tiến hành nghiên cứu khoa học nghĩa là họ phải có được các bài báo khoa học được phản biện độc lập để được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín, hay bằng sáng chế, dù nhà khoa học làm việc ở Đại học hay Viện nghiên cứu, trên lĩnh vực lý thuyết, thực nghiệm, hay ứng dụng. Công bố khoa học buộc nhà khoa học phải thường xuyên cập nhập thông tin để duy trì và nâng cao trình độ, lao động sáng tạo đóng góp cho tiến bộ của khoa học công nghệ. “Publish or Perish” (Công bố hay Lụi tàn) là thực tế mà mỗi nhà khoa học chuyên nghiệp phải đối mặt.

Trong khi đó nhiều TS, TSKH của chúng ta trở về nước, phần vì trình độ còn non, phần vì hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh và thời kỳ bao cấp trì trệ kéo dài, đã chỉ duy trì được những hoạt động khoa học tầm thấp (trừ một số nhỏ các nhà khoa học), công bố trên những tạp chí quốc nội được lập ra kém xa chuẩn mực quốc tế. Đứng trên quan diểm quốc tế, họ đã không còn giữ được trình độ của mình tương xứng với bằng cấp quốc tế có được và đã tàn lụi về mặt chuyên môn. Thế nhưng, một số người trong số họ may mắn có được các bằng cấp cao sớm nhất và có thiên hướng họat động lãnh đạo hành chính đã nắm những vị trí được gọi là “đầu ngành” và ngự trị cho tận tới khi đã về hưu, và thậm chí cả chọn người kế tục, trong hệ thống chức sắc khoa học cứng nhắc (thiếu cạnh tranh về chuyên môn) của chúng ta. Họ giữ quyền phân chia và chủ trì các đề tài nghiên cứu với nhiều bổng lộc, cho ra lò nhiều TS nội dưới xa chuẩn mực quốc tế. Họ cũng xây dựng nên các chức danh và chuẩn mực cho khoa học nước nhà, nặng về hình thức và xa rời các tiêu chuẩn quốc tế. Một số chức trách khoa học của ta được mời vào một số Viện HLKH hay đứng chung tên giải thưởng với các đàn anh quốc tế, như một cử chỉ hữu nghị hay mang tính đại diện cho VN. Điều đó dẫn tới hiểu nhầm là một số lãnh đạo khoa học của chúng ta đã đạt tới trình độ đỉnh cao quốc tế, tới hàng Viện Sĩ.

Các công việc cụ thể của các KS,BS thực hành dễ được nhận thấy hơn với mọi người dân bình thường. Còn các công trình nghiên cứu khoa học trình độ cao theo chuẩn mực quốc tế của các GS, PGS, TS, TSKH, VS của chúng ta là gì, ở ta thường tránh đề cập tới. Nhưng với quốc tế thì đó lại là tiêu chí thông thường để họ đánh giá trình độ chuyên môn thực của các nhà khoa học, chứ không phải là các hình thức danh đã nêu.

Với nền kinh tế VN đang trên đà phát triển và hội nhập, thì lợi thế về tốc độ phát triển tương đối cao ban đầu nhờ xuất phát từ cái nền rất thấp đang nhanh chóng mất đi, và sự yếu kém của nền khoa học và giáo dục nước nhà ngày càng bộc lộ rõ là không đáp ứng được các đòi hỏi của nền kinh tế trí thức hiện đại. Cải cách là một đòi hỏi tất yếu giống như nhu cầu đổi mới hệ thống kinh tế chính trị hai mươi năm trước. Việc cải cách phải bắt đầu từ chính cái “tháp ngà” của khoa học nước nhà, vì nó đóng vai trò đầu tầu cho cả nền khoa học giáo dục. Thiếu cải cách từ phần trên sẽ gây khó khăn cho cải cách ở phần dưới, và đưa các cải cách giáo dục thành các biện pháp chắp vá, nửa vời và chỉnh sửa tốn kém cùng các cuộc thảo luận triền miên.

Liệu các bằng cấp chức danh tương xứng với năng lực thật của nhà khoa học hay không, các đề tài nghiên cứu khoa học có thực sự đem đến kết quả tương xứng với vốn đầu tư hay không, nếu các hội đồng chức danh, hội đồng chuyên gia đánh giá, vẫn chỉ gồm các chức sắc thâm niên, không phải là các nhà khoa học tiêu biểu theo chuẩn mực quốc tế. Các hội đồng chính sách khoa học có đưa ra được cho chính phủ và các bộ ngành những khuyến nghị cần có và cụ thể hay không, nếu thiếu sự tham gia của những nhà khoa học đang thực sự làm chuyên môn tiêu biểu…

Một thợ tay nghề cao, một kỹ thuật viên giỏi nhiều khi cần thiết hơn là một người có bằng cử nhân. Một kỹ sư giỏi có khi có giá trị hơn một tiến sĩ,… Một quốc gia giầu mạnh cần những người giỏi trên mọi mức thang và ngành nghề của xã hội, và mỗi lĩnh vực đều chỉ cần một số lượng nhất định số chuyên gia đúng khả năng theo những giới hạn và yêu cầu của nền kinh tế. Một nhà chuyên môn giỏi có thể được rời nhiệm vụ chính của mình để trở thành một nhà quản lý kém, một nhà quản lý khoa học cố khóac lên người cái áo “chuyên gia đầu ngành” không vừa với mình dể bao việc, rồi bằng cấp chức danh rởm, đề tài nghiên cứu rởm, biên chế nhiều cơ quan khoa học phình to mà hiệu quả kém – là những vấn đề nhức nhối của khoa học VN nhiều năm qua. Liệu đến bao giờ khoa học VN mới vượt ra khỏi cái ao làng tù đọng và ngày càng chật chội của mình để vươn ra biển lớn ?

Vào website các ĐH quốc tế ta dễ dàng tìm ra các nhà khoa học chủ chốt cùng danh mục các công trình khoa học của họ, còn ở ta các thông tin này, rất không bình thường, là không có hoặc không công khai. Theo tư vấn quốc tế, Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN để thu thập thông tin chuyên gia cụ thể về từng nhà khoa học và thành tích nghiên cứu của họ những năm gần đây theo mẫu quốc tế. Tuy nhiên, như Trung tâm cho biết, sau cả năm gửi thư mời tới từng cơ quan khoa học thì mới chỉ thu được hơn 2000 phiếu đăng ký chuyên gia (bằng 1/10 lực lượng nghiên cứu), và phần lớn mẫu này là của thạc sĩ, tiến sĩ mới bảo vệ và số ít nhà khoa học làm việc nghiêm túc tới chuẩn mực quốc tế. Các đề xuất đưa các thông tin về các công trình khoa học lên các website của các cơ sở khoa học thường bị các chức sắc cơ sở phớt lờ. Vì sao các nhà khoa học của chúng ta chỉ biết bám riết vào các chức danh, bằng cấp hình thức, chức vụ quản lý, và các mối quan hệ xã hội, thay cho các thước đo khoa học khách quan mà các đồng nghiệp quốc tế tuân thủ ? Không biết trung thực với chính mình và với xã hội, các trí thức khoa học kỹ thuật có xứng đáng với vai trò được trông đợi của mình hay không.

Các thông tin chuyên gia theo chuẩn mực quốc tế sẽ giúp chúng ta có được các thước đo khách quan để chọn được các đầu tầu cho khoa học nuớc nhà, các hội đồng chuyên gia, kiểm sóat tính hiệu quả của các đề tài khoa học, giúp định hướng các nhà khoa học hướng tới năng lực chuyên môn đích thực. Và khi đó các bằng cấp danh hiệu GS, TS,… sẽ trở về với giá trị thực của mình và chủ yếu mang tính định hướng nghề nghiệp, không phải là cái danh hão và công cụ trục lợi mà người ta phải nhằm đến; Xã hội sẽ biết tôn trọng hơn với những đóng góp chuyên môn cụ thể của mọi nghề nghiệp theo giá trị thực, và chúng ta sẽ có được một nền kinh tế trí thức hài hòa.
 

Hà nội ngày 15/7/2008
Phạm Đức Chính
Viện Cơ học

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Đức Chính