Vài ý nhỏ nhân đọc bài "Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam"

Vietsciences-Nguyễn Ngọc Lanh              10/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

Chungta.com đã tập hợp gần như đủ những bài bàn về tiêu chuẩn, phẩm cách, trách nhiệm và thiên chức của trí thức trong xã hội, trong đó có mấy bài rất đáng đọc của TS Chu Hảo. Bài viết gần đây nhất (Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam) là sự tiếp thu, chắt lọc, cộng với những suy nghĩ, và nhận định của cá nhân ông.

- Về lập luận chung, ông đưa ra tiêu chuẩn để người “có học” trở thành trí thức.

 

…chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau:

1) Tiếp thu và truyền bá tri thức KH&CN hoặc VH&NT ;

2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức KH&CN hoặc VH&NT;

3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội;

4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.

 

- Về “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta, ông đặt họ trong ngoặc kép và cho rằng - ngoài những ưu điểm được Đảng thừa nhận (và cũng là kết quả của sự giáo dục của Đảng) – họ có những tiêu cực điển hình mà nguyên nhân chính là do mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, kể từ khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống.

…những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình:

- Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.

- Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.

- Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.

- Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha. 

- Về tình cảnh trí thức Việt Nam, ông thấy họ cũng chung số phận với trí thức mọi nước XHCN: từng bị nghi ngờ, coi rẻ, thiếu tự do tư tưởng. Từ nguyên nhân này, ông đã kiến nghị giải pháp: “thật sự” thực hiện tự do tư tưởng và ngôn luận.

Với bài viết rất công phu của TS Chu Hảo, tôi chỉ xin phát biểu vài ý nhỏ chưa hẳn đã liên quan.

Thay đổi nội hàm gốc của các khái niệm nhập nội: Hữu ý và vô tình

Thế kỷ 19 và trước nữa, khi phương Đông còn chìm đắm trong nông nghiệp lạc hậu với chế độ phong kiến vừa chuyên chế, vừa trì trệ thì phương Tây đã tiến hành công nghiệp hoá được mấy trăm năm, đạt trình độ đủ để nổ ra các cuộc cách mạng, tạo ra một thể chế tiến bộ, khác hẳn trước.

Xấu và Tốt giữa chế độ phong kiến và chế độ tư bản cách nhau “một trời một vực”. Do vậy nhiều khái niệm mới mẻ và cao cả của xã hội tư bản đã được giới sĩ phu, học giả ở phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam…) tiếp thu và vận dụng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Ví dụ, khái niệm về Tự Do, Dân Chủ, Dân Quyền, Pháp Quyền, Tam Quyền phân lập, Chủ Nghĩa cá nhân, Trí Thức… vân vân.

Tuy nhiên, nhiều khái niệm khi vào nước ta đã bị thay đổi, thậm chí bị hiểu theo nghĩa ngược lại. Có thể do trình độ lĩnh hội hoặc do ý thức hệ.

Vài ví dụ.

- Chủ nghĩa cá nhân là một thành to lớn về tư tưởng của thế kỷ 19, là cơ sở để sau này hình thành khái niệm Quyền Con Người. Nhưng khi vào Việt Nam bằng con đường chính thống, nó lại mang ý nghĩa hết sức xấu xa. Nguyên nhân: Các nước XHCN tuyệt đối đề cao chủ nghĩa tập thể, do vậy tất nhiên kỳ thị tới mức mạt sát chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, ở nước ta có hai cách về hiểu chủ nghĩa  này,trong đó cách hiểu sai cho đến hôm nay vẫn đang tuyệt đối áp đảo.

- Intellectuel (tính từ trở thành danh từ) mang nội hàm hoàn toàn mới mẻ ở phương Tây từ đầu thế kỷ 20. Khi sang phương Đông, nó càng là mới. Nó được chuyển ngữ thành trí thức – cũng là từ chưa từng có trước đó. Hẳn là người chuyển ngữ đã lĩnh hội đúng nội hàm của khái niệm này, do vậy đã không dùng những từ sẵn có (sĩ phu, bậc hiền tài, học giả, thức giả, người “có học”…) mà sáng tạo ra từ trí thức - gồm tài trí thức tỉnh, trong đó cái mới là “thức tỉnh”.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, mọi người đã quá quen dùng trí thức để chỉ những người có học vấn tương đối cao (so với mặt bằng dân trí chung) và sống bằng lao động trí óc. Và chỉ có thế. Đây là sự cắt xén nội hàm. Dẫu vậy, trong một thời gian dài cách dùng này cũng chưa gây tác hại lớn. Tuy nhiên, đã tới lúc nhiều người thấy cần “suy nghĩ về khái niệm trí thức”, để trở về nội hàm gốc của từ này (2007) trước khi quá muộn.

Không thiếu những khái niệm bị thay đổi, bóp méo nội hàm ở mức khó (hoặc không thể) chấp nhận, dù do vô tình hay cố ý. Vấn đề là, đã vay mượn một khái niệm do người khác, nơi khác sáng tạo ra, thì phải tôn trọng nội hàm gốc của nó. Nó thể hiện sự minh bạch, sòng phẳng và lương thiện. Nếu không đồng ý với nội hàm gốc, chúng ta có vẫn quyền tự đặt ra một từ mới, với nội hàm mới, cơ mà.

Tiêu chuẩn, phẩm cách trí thức

Khuôn mẫu để xây dựng khái niệm trí thức là hình ảnh nhà văn Emile Zola và các đồng chí của ông trong cuộc dấn thân đấu tranh đến cùng nhằm vạch ra sự lộng hành của nhóm quyền lực tột đỉnh cố ý gây ra vụ án oan cho một cá nhân cô độc, vô phương tự vệ. Họ sẵn sàng hy sinh thời gian, của cải, sức lực, sinh mạng để loại trừ cái Ác, xây dựng cái Thiện. Cụ thể là minh oan cho nạn nhân, lên án thủ phạm.

Khái niệm Chân - Thiện - Mỹ ra đời chính là để xác định một cách tổng quát nhất phẩm cách của trí thức. Trí thức chỉ tôn thờ (và dám hy sinh để bảo vệ) sự thật, cái thiện và cái đẹp. Đã là trí thức, không thể nín nhịn khi sự thật bị che giấu, cái giả dối lộng hành; cái thiện bị cái ác lấn lướt, cái đẹp chìm lấp trong cái xấu.

Dân chủ, tự do và pháp quyền trong xã hội phương Tây ngày càng mở rộng và hoàn thiện, mà người được hưởng trước hết là tầng lớp “có học”. Do vậy, Zola và những người cùng tầng lớp có thể nêu lên những bất cập, sai trái, bất công trong xã hội mà không bị phiền nhiễu hoặc đàn áp. Nay, những việc Zola đã làm được gọi là phản biện - mà mục đích duy nhất là xác lập Chân - Thiện - Mỹ, qua đó thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Lớp người “có học” thì chế độ nào cũng có; và chính chế độ xã hội là nhân tố quyết định phẩm cách của họ. Chỉ khi chế độ dân chủ ra đời, người “có học” mới có điều kiện trở thành trí thức, tức là có thể phản biện. Do vậy có thể xem xét cách hành xử của trí thức trong xã hội để kết luận xã hội đó là chuyên chế hay dân chủ.

Không có chuyện sĩ phu dưới chế độ phong kiến dám “phản biện” vua.

Can đảm nhất là dâng sớ điều trần hoặc can vua (với lời lẽ cực kỳ tâng bốc, ca ngợi); cương trực nhất là dám trả ấn, lễ phép từ quan (nhiều khi chỉ là để tránh bị trả thù); cao thượng nhất là xa lánh công danh.

Cụ Chu Văn An cũng chỉ dám hành xử đến mức ấy.

Bậc sĩ phu, dù cao thượng, khảng khái cũng chưa thể trở thành trí thức.

Điều này không do tư cách cá nhân, mà do chế độ phong kiến chưa cho phép.

Gắn thêm tính từ XHCN để tăng tính “hơn hẳn” của khái niệm

Khi Chủ Nghĩa Xã Hội (CNXH) xuất hiện - trên lý thuyết và sau đó là trên thực tế - nếu so với Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB), đương nhiên chúng ta phải nghĩ và nói rằng sự khác nhau (tốt và xấu) cũng phải “một trời một vực”, đúng như sự cách biệt giữa phong kiến và tư bản. Hàng tỷ dân, hàng triệu người “có học” từng ngưỡng mộ CNXH chính vì đã nghĩ như vậy.

Dưới chế độ XHCN, đương nhiên các vị lãnh tụ đã tạo những khái niệm mới (như đấu tranh giai cấp, công hữu hoá, tập trung dân chủ, chuyên chính vô sản, tính đảng, tính giai cấp…) nhưng hầu hết vẫn phải sử dụng các khái niệm có sẵn mà chế độ TB sáng tạo ra. Và phải tiếp nhận mọi phẩm cách ưu việt của các khái niệm đó, vì những phẩm cách này đã trở thành giá trị chung của nhân loại. Có như vậy mới là sòng phẳng, lương thiện.

Tuy nhiên, dưới chế độ XHCN các khái niệm đó phải được gắn thêm tính từ XHCN, để nói lên “tính hơn hẳn”. Ví dụ, cụ Lênin khẳng định rằng “dân chủ XHCN” ưu việt gấp triệu lần “dân chủ tư sản”.

Ngày nay, chúng ta đã quen với các từ: pháp quyền XHCN, hiến pháp XHCN, dân chủ XHCN, nhà trường XHCN, con người XHCN, trí thức XHCN…

Ngay những khái niệm hết sức cụ thể, hết sức dễ hiểu (ví dụ, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử…) cũng có sự khác nhau giữa XHCN và TBCN, với Tốt và Xấu khác nhau “một trời một vực”.

Nhưng bài của TS Chu Hảo bàn về trí thức và tầng lớp trí thức XHCN. Vậy thế nào là trí thức xã hội chủ nghĩa?

Về nguyên tắc, trước hết người trí thức XHCN phải có đầy đủ phẩm cách cao cả của một trí thức (tư sản) nói chung. Đơn giản, như trên đã nói, vì những phẩm cách đó đã từ lâu trở thành giá trị của nhân loại rồi. Ví dụ, chỉ tôn thờ Chân - Thiện - Mỹ. Tiếp đó, trí thức XHCN phải có thêm những phẩm cách ưu việt khác, đặc trưng, mà tính từ XHCN thể hiện. Chúng là gì, tôi chưa thể nghĩ ra.

Theo TS Chu Hảo, thì những ưu điểm của “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta - được đảng thừa nhận - là: 1) Yêu Tổ quốc và CNXH; 2) Trung thành với Đảng và nhân dân; 3) Cần cù, thông minh, sáng tạo; 4) Không ngại khó khăn gian khổ...

Đến đây, tôi không còn đủ hứng thú để bàn tiếp nữa. Tôi thấy TS Chu Hảo có lý khi đặt “tầng lớp trí thức XHCN” nước ta trong ngoặc kép.

 Đã đăng trên chungta.com

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Ngọc Lanh