10 sự cố tiêu dùng gây sốc năm 2010

Vietsciences-  VTC        01/01/2011

 

(VTC News) - Năm 2010, Ban bảo vệ Người tiêu dùng (NTD) báo điện tử VTC News tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy của người tiêu dùng NTD Việt khi là cầu nối phản ánh những bức xúc về chất lượng sản phẩm, dịch vụ... của NTD đến nhà sản xuất cũng như cơ quan chức năng. Qua đó, Ban bảo vệ NTD góp phần giải quyết dứt điểm các sự cố NTD gặp phải, cảnh báo những nguy cơ có thật, ảnh hưởng đến sức khỏe NTD từ những công nghệ chế biến thực phẩm chạy theo lợi nhuận và quan trọng hơn, những thông tin trên đã giúp NTD tiếp cận gần hơn với nhà sản xuất. 

Dưới đây, VTC News xin điểm lại 10 sự cố tiêu dùng nổi bật đã được phát hiện và đăng tải trên VTC News trong năm 2010:
 
1. Honda Lead lỗi bình xăng

Ngày 15/10, theo phản ánh của độc giả về một lượng nhất định xe Honda LEAD – dòng xe đang rất ăn khách của Honda - có khả năng bị lỗi và phải thay bình xăng, phóng viên VTC News đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu và khẳng định, sự cố trên là có thật. Tuy nhiên, đến thời điểm phóng viên liên hệ xác minh vụ việc, phòng truyền thông của Honda Việt Nam vẫn cho rằng “chưa biết thông tin này”.

 
Một số serie nhất định xe Honda LEAD sản xuất tại Việt Nam bị lỗi bình xăng

Sau khi VTC News đăng tải bài báo Honda đang âm thầm thu hồi xe LEAD lỗi bình xăng?, ông Koji Onishi, TGĐ Honda Việt Nam, đã đưa ra thông cáo báo chí thừa nhận về chiến dịch thay bình xăng cho 2.154 xe Lead bị lỗi.

Những thông tin chậm trễ này của Honda khiến hàng nghìn người sử dụng sản phẩm của Honda bất bình, bức xúc và lo lắng.

2. Ruốc siêu bẩn ra lò bên ao nước thối đổ về Hà Nội

Những ngày giữa tháng 10/2010, phóng viên VTC News có dịp khám phá công nghệ làm ruốc tại thôn Phú Thị (Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên) – nơi vốn nổi tiếng với nghề làm ruốc thịt từ rất lâu.

 
Bãi rác lều bều rác thải, bốc mùi hôi thối ngay cạnh nơi sản xuất ruốc nhà chị H 

Tại đây, phóng viên được “mục sở thị” những mẻ ruốc được sản xuất ngay cạnh bờ ao bồng bềnh rác thải, ruồi muỗi vo ve, công nhân vô tư “tay không” bốc ruốc... Không những thế, để tăng thêm lợi nhuận, một số kinh doanh ruốc trong làng đã trộn thêm những loại thịt rẻ tiền, kém chất lượng.

Bài viết gây ra hiệu ứng xã hội ngay sau đó khi có rất nhiều độc giả VTC News cho biết, sẽ cẩn trọng với các món ăn có ruốc đang bán trên thị trường và sẽ tự tay làm ruốc nếu cho con trẻ ăn.

 
Ruốc rơi xuống gầm máy quay, anh thợ buôn đưa tay vét sạch, vô tư bỏ vào bao đem bán.

Trong quá trình tìm hiểu công nghệ làm ruốc, pv VTC News cũng phát hiện thêm một sự thật đáng giật mình: ruốc là từ bã sắn dây, trộn bột mì khi cũng vì lợi nhuận, các nhà sản xuất đã chế biến ruốc từ đồ "phế thải" như bã sắn dây hoặc trộn thêm bột mì, đánh lừa NTD một cách trắng trợn.

3.
Kinh hoàng công nghệ tôm bơm thạch

Bị Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an Tỉnh Nam Định phát hiện, bắt quả tang nhân công đang thực hiện bơm tạp chất vào tôm, chủ cơ sở kinh doanh thủy sản Sơn Huệ (Đội 10, Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng) “hé lộ” công nghệ này như sau: sau khi thu mua tôm của nông dân, chủ cơ sở sẽ thuê người dùng kim tiêm bơm thạch vào tôm. Lúc đó, từng con tôm sẽ phì ra, tròn vo múp míp và 1kg tôm sẽ “đội” lên thành 1,2 - 1,3kg. . Không những thế, cỡ tôm cũng được nâng lên (từ 30 con/kg, sau khi bơm sẽ chỉ còn 23 - 24 con/kg).

 
http://vtc.vn/4-259403/kinh-doanh/thi-truong/can-canh-cong-nghe-bom-thach-vao-tom-tai-viet-nam.htm 

Đáng nói là giống như nhiều cơ sở bị phát hiện trước đó, việc chế biến thạch để bơm vào tôm ở cơ sở Sơn Huệ rất bẩn. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà tệ hơn, nó còn khiến thịt tôm dập nát, giảm chất lượng.

4. Gà vàng ruộm nhờ... véc-ni làm bóng gỗ

Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên VTC News phát hiện chất “bột công nghiệp” mà các hộ bán gà thịt dùng để nhuộm gà luộc có màu vàng ruộm, bắt mắt trước khi đem đi phân phối cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, quán bình dân là một loại hóa chất công nghiệp cùng với vec-ni dùng làm bóng gỗ, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

 
Sự khác biệt rõ rệt giữa một con gà chưa nhuộm hóa chất (trắng) và một con gà đã hoàn thành xong công nghệ ngâm tẩm (vàng).

Theo BS. Nguyễn Xuân Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM: NTD khi ăn gà có chứa hóa chất này, nguy cơ độc hại rất lớn, đầu tiên là độc gan, thứ hai là độc thận, thứ ba là độc tế bào, gây rối loạn tế bào, có thể gây nên ung thư, quái thai,...

5. Lật tẩy chiêu lừa bán Shi, LX qua mạng…


Qua đường dây nóng, VTC News nhận được thông tin của chị Nguyễn Thị Thu H. (trú tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) nghi vấn việc bán xe máy “đập hộp giá rẻ” trên mạng của một công ty là giả.

 
Xe tay ga cao cấp được rao bán với giá rẻ trên trang webmuaban...
 

Ngay sau khi nhận được thông tin và xác minh những dấu hiệu lừa đảo từ đường dây này, VTC News đã thông tin vụ việc tới Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Cũng trong vụ việc này, sau khi VTC News đăng tải diễn biến vụ việc trong bài Chi hơn 16 triệu đồng mua xe ở cửa hàng “ma”, anh Trương Quang K – nạn nhân của chiêu lừa rao bán xe qua mạng trên - đã được đối tượng lừa đảo đề nghị trả lại số tiền 16.600.000 đồng đặt cọc mua xe.

6. Xe Toyota tiền tỷ liên tục bị tố bốc mùi trứng thối khi tăng tốc

Sau 3 tháng sử dụng, chiếc xe Land Cruiser BKS 52U-1651, giá hơn 2 tỷ đồng, nhập khẩu nguyên chiếc của hãng Toyota bị phản ánh bốc mùi trứng thối khi vận tốc đạt 80km/h. Một tuần sau khi đã bảo dưỡng, chiếc xe vẫn còn nguyên mùi hôi.

Sau khi can thiệp bằng một số biện pháp tổng hợp, phía Toyota Việt Nam đưa ra nghi ngờ về nguyên nhân mùi khó chịu trong xe có thể là do chất lượng nhiên liệu kém.

 
Camera lùi bị tình nghi làm chiếc xe Camry tiền tỷ này bốc mùi trứng thối.  

Song  phía khách hàng cho rằng, cách giải thích cũng như chất lượng dịch vụ và hậu mãi của Toyota chưa thỏa đáng. Họ sẽ dừng việc thương thảo và khiếu nại đến cơ quan đăng kiểm và giám sát chất lượng của Việt Nam đồng thời sẽ đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền. Tuy nhiên, sau đó không lâu, các bên liên quan trong vụ tranh chấp xung quanh chiếc xe Land Cruiser bốc mùi đều khẳng định: vụ việc đã kết thúc êm đẹp nhờ sự can thiệp của Cục Quản lý cạnh tranh nhưng lại từ chối không hé lộ cuối cùng vụ việc được giải quyết như thế nào.

Chỉ 1 tháng sau khi chiếc Toyota Land Cruise bị tố bốc khi vận hàng xe, bạn đọc VTC News tiếp tục tố xe Camry Toyota cũng bị bốc mùi khó chịu mà theo lập luận của của Toyota Việt Nam (viết tắt TMV), mùi hôi có thể xuất phát ở khí thải từ đuôi ống xả lọt vào xe qua vị trí camera lùi khi xe chạy 80km/h. Cũng như trường hợp trước đó,  khách hàng vẫn không đồng tình cách giải thích này và cho đến nay, nguyên nhân những chiếc xe tiền tỷ có mùi trứng thối khi tăng tốc vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

7. Hoa quả thối tại Big C

Xoài bị úng, thâm bầm, khoai tây mốc meo bốc mùi hôi thối, mãng cầu bầm dập, cà chua hư hỏng nặng… đó là những điều “tai nghe mắt thấy” trong một ngày phóng viên VTC News đi mua sắm tại siêu thị Big C (Hà Nội).

 
Khoai tây thối rữa, bốc mùi hôi thối tại Big C (Ảnh chụp 16h27 ngày 31/03)  

Cũng trong buổi đi mua sắm này, phóng viên còn nhận thấy, tình trạng vỏ thạch rau câu hay vỏ kẹo lẫn lộn trong đống hàng bày bán cũng trở thành bức xúc của không ít khách hàng.

8.
Tranh cãi quanh xe Honda Diamond Blue 125

Những ngày đầu tháng 9/2010, trên thị trường Việt Nam xuất hiện chiếc xe kiểu dáng giống Vespa LC "như lột", động cơ gắn mác Honda nhập từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp, dòng xe ga mang tên Honda Blue Diamond 125.

 
Sự xuất hiện của những chiếc Honda Diamond Blue 125 này trên thị trường khiến đại gia Honda lẫn Piaggio không thể ngồi imm
 

Sự đắt hàng của dòng xe “hai trong một” này đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thị phần của cả Honda lẫn Piaggio, khiến hai liên doanh này bất ngờ bắt tay nhau “khai chiến” với Công ty CP Lisohaka - đơn vị nhập khẩu và lắp ráp dòng xe Honda Blue Diamond 125.

Với những dẫn chứng đưa ra, cả Honda và Piaggio Việt Nam khẳng định động cơ mang nhãn hiệu AF14E của Diamond Blue không phải do Honda sản xuất, Honda Việt Nam tuyên bố Cục Đăng kiểm đang yêu cầu Lisohaka thu hồi 200 xe đã có mặt trên thị trường

9. Nước tinh khiết LaVie mọc rêu

Sau khi phản ánh với VTC News về việc 2 chai nước tinh khiết LaVie loại 19 lít còn hạn sử dụng nhưng mọc đầy rêu và tạp chất, NTD càng choáng hơn trước lời đảm bảo về chất lượng nước của đại diện Công ty TNHH LaVie.

 
Nước trong chai LaVie này được đại diện của LaVie khẳng định: vẫn đảm bảo.
 

Theo phản ánh của khách hàng, khi lấy nước uống đã phát hiện nước có màu xám và mùi vị khác thường. Bên trong chai khá nhiều “sinh vật lạ”, giống như rêu, tảo lơ lửng trong chai có màu xanh cốm. Ở thành chai, nhiều đám rêu bám loang lổ, nước trong chai sủi bọt như nước thải.

Trong khi đó, đại diện của LaVie khẳng định đã mang mẫu nước của chai nước dùng dở đi xét nghiệm và kết quả cho thấy trong chai có rêu “vẫn đảm bảo”. Tuy nhiên, câu trả lời của đại diện nhãn hàng LaVie vẫn không khiến khách hàng yêm tâm khi họ khẳng định: “Sẽ không bao giờ sử dụng sản phẩm này nữa”.

 

10. Thịt tẩm ướp bằng hóa chất gây loét nội tạng

 

Người dân Hà Nội chưa hết giật mình vì thông tin chợ thịt ôi, thiu nằm ngày giữa trung tâm thành phố, nơi đây là đầu mối cung cấp lượng thịt hàng ngày cho các cửa hàng cơm bình dân, hàng bún chả… trên địa bàn Hà Nội với giá rẻ như… bèo.

 

Người bán hàng ăn không hiểu biết hoặc vì lợi nhuận thường mua thịt lợn giá rẻ, về tẩy mùi ôi, tẩm ướp và chế biến thành các món ăn. 

Qua khảo sát, pv VTC News còn tìm ra thông tin “giật mình” khi có thể lượng thịt kém chất lượng này sau khi đi qua công đoạn tẩm ướp thịt bằng hóa chất được gọi là “chất tẩy đường” – có công thức hóa học gọi là sunfua dioxit (SO2) sẽ làm cho thịt trở lên tươi hơn. Tuy nhiên, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của chất này nếu tồn dư trong thực phẩm, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: Chất sunfua dioxit (SO2) nếu bám vào thịt sẽ gây nhiễm độc, nhất là với thịt sống vì nó có tính ô xy hóa mạnh, khi vào đường ruột sẽ gây loét, thủng ruột, vào mắt thì mờ mắt.

 

VTC News
http://vtc.vn/1-273168/kinh-te/10-su-co-tieu-dung-gay-soc-tren-vtc-news-nam-2010.htm

 

        ©©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org