Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary

Vietsciences- Mặc Lâm, phóng viên RFA            23/10/2010

 

 

   

Nghe

 

Biến cố lũ bùn đỏ tại Hungary đang làm cho đất nước này hoảng loạn và nhiều nước châu Âu chung dòng sông Danube cũng đang tìm các biện pháp đối phó với vấn đề ô nhiễm.

AFP photo

Nhân viên cứu hộ đi trên một con đường phủ đầy bùn đỏ ở Devecser, cách thủ đô Budapest 150 km về phía Tây, hôm 11/10/2010.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam vẫn im lặng không đưa ra lời bình luận gì về thảm họa này đã khiến dư luận hết sức nóng lòng vì dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đang có những bước đầu thực hiện. 

Quyết định 167 của Chính phủ
 

Ngày 1 tháng 11 năm 2007, khi Thủ tướng chính phủ ký quyết định 167 giao cho chủ đầu tư là tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) khởi công thí điểm dự án Tân Rai thuộc huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng, gói thầu EPC Nhà máy Alumina do nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện và chuẩn bị khởi công thí điểm dự án Nhân Cơ, Đắk Nông. Hai nhà máy có sản lượng ban đầu 600.000 tấn alumina/năm.

Quyết định này như một gáo nước lạnh dội vào người dân cả nước Việt Nam, nhất là nhóm trí thức do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi dẫn đầu đã vận động hàng ngàn chữ ký của trí thức trong và ngoài nước yêu cầu nhà nước ngưng ngay dự án này vì nhiều lý do, mà hai lý do quan trọng nhất là môi trường và quốc phòng.

Nhiều nhà hoạt động môi trường cảnh báo khu vực bauxite tại Tây nguyên là khu vực cao nhất Việt Nam. Nguồn nước ở đây chỉ chảy đi mà không nhận được nguồn nước nào nơi khác chảy về. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Hòe - trưởng ban phản biện xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường VN cho biết thì nguồn cung cấp nước tại chỗ rất hạn chế cho các hoạt động sản xuất cần nhiều nước như khai thác bauxite và sản xuất alumina, các hoạt động xói mòn đất mãnh liệt chắc chắn gây hại cho các vùng hạ lưu. Nếu sự cố vỡ hồ bùn đỏ xảy ra tại đây sẽ nhanh chóng phát tán xuống các vùng hạ lưu và rất khó có thể kiểm soát được.

Trong khi nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ đang ở vào giai đoạn cuối để bước vào khai thác thì một tin buồn từ nước Hungary lại trở thành vũ khí cho các nhà hoạt động môi trường Việt Nam, đó là sự cố lũ bùn đỏ xảy ra ngày 4 tháng 10 tại một nhà máy alumina ở Ajka, cách Budapest 100 dặm về phía Tây.

Từ lũ bùn đỏ Hungary ...

Do các bức tường chắn bùn bị vỡ, hơn 1 triệu mét khối bùn đỏ đã tràn ra ngoài giết chết 7 người, làm bị thương hàng trăm người khác. Hai ngôi làng Kolontar và Devecser là những ngôi làng chịu tổn thất nặng nề nhất. Khoảng 2.000 ha đất nhiễm bùn độc nếu muốn sử dụng sẽ phải tốn công đào xới lên và khử độc bằng các biện pháp tốn kém.

 

000_Par3520068-200.jpg

Mức độ của bùn đỏ trên các bức tường của một ngôi nhà tại làng Kolontar, cách Budapest 160 km về phía Tây Nam hôm 10/10/2010. AFP photo

Tất cả sự sống xung quanh sông Marcal đã bị tiêu diệt và người ta nhìn thấy xác cá chết nổi lềnh bềnh trên sông Danube. Nhiều nước Châu Âu lo sợ dòng sông sẽ nhiễm chất kiềm và nếu điều này xảy ra người ta chưa biết phải đối phó ra sao.

Sự việc nghiêm trọng này khiến ngay lập tức hồ sơ bauxite Tây nguyên được mở lại một lần nữa đối với các nhà trí thức và khoa học Việt nam. Có một điều ngạc nhiên là bộ Công thương, cơ quan chủ quản của dự án Tân Rai và Nhân Cơ hoàn toàn im lặng như không hề hay biết. Các cấp cao nhất như văn phòng Thủ Tướng chính phủ cũng không có một thông tư nào về sự việc này. Ngoại trừ ba tờ báo lớn là Sài Gòn Tiếp Thị, Tuổi Trẻ, và VietnamNet là có bài viết bình luận về cơn lũ bùn đỏ Hungary còn hầu hết báo chí trong nước chỉ đăng tin này một cách sơ lược như một tai nạn thông thường mà thôi.

Sau khi sự im lặng cần thiết trôi qua, nhóm của giáo sư Nguyễn Huệ Chi lại một lần nữa tung ra kiến nghị 5 điểm yêu cầu chính phủ cho ngưng ngay việc khai thác bauxite với những lý lẽ hoàn toàn chuẩn xác và thuyết phục căn cứ trên tai nạn bùn đỏ Hungary. Kiến nghị này cũng yêu cầu lấy chữ ký của đồng bào trong và ngoài nước một cách rộng rãi để cho thấy lòng dân trước một quyết định chỉ căn cứ trên quyền lợi của một nhóm người mà không chú ý đến sự an nguy của cả một khu vực rộng lớn trước hiểm họa cơn lũ tràn bùn đỏ từ Tây nguyên xuống đồng bằng khiến hàng triệu người và héc ta đất có khả năng bị vùi lấp nếu tai họa xảy ra.

Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một chuyên gia về môi trường cho biết những tác hại của bùn đỏ như sau:

Hungary là một nước công nghiệp lâu đời và những vấn đề môi trường ở Hungary cũng đã được chú ý một cách thấu đáo hơn nhiều so với ở Việt nam, thế nhưng cái tai họa bùn đỏ nó vẫn xảy ra.

GS Chu Hảo

"Một số chất kim loại độc hại có trong bùn đỏ và một số hóa chất hữu cơ tác hại không những nó nằm trên bề mặt mà còn ngấm vào các mạch nước ngầm và do đó sẽ làm ô nhiễm toàn bộ mạch nước ngầm và điều đó sẽ hủy hoại toàn vùng. Chắc chắn những cây cỏ mọc chung quanh khu vực chứa bùn đỏ tại Hungary chúng tôi không nghĩ trong năm, ba năm nữa có thể xử lý được."

Riêng Giáo sư Chu Hảo, nguyên thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ Việt nam, cũng là một trong 12 vị đứng tên trong bản kiến nghị cho biết lập trường của ông thông qua kinh nghiệm của một người hoạt động khoa học, ông nói:

"Tôi nghĩ Hungary là một nước công nghiệp lâu đời và những vấn đề môi trường ở Hungary cũng đã được chú ý một cách thấu đáo hơn nhiều so với ở Việt nam, thế nhưng cái tai họa bùn đỏ nó vẫn xảy ra. Đấy là một gương tày liếp cho những nhà hoạt động chiến lược về bauxite để có thể sớm nhận thức được mối hiểm họa đó và tìm mọi cách làm thế nào đấy để có thể ngăn chận không để cho bất kể một lực lượng nào muốn khai thác bauxit ở Tây nguyên một cách vội vã, khi chưa có đủ cơ sở khoa học cũng như chưa có đủ độ tin cậy để toàn dân có thể tin rằng điều đó là có ích lợi cho đất nước."

... nghĩ về bauxite Việt Nam

Nếu nói rằng tai họa của Hungary là dịp may của Việt Nam thì nghe có vẻ trắc ẩn, nhưng độ chính xác của sự so sánh này có lẽ khó bài bác nếu nhìn từ góc độ hành xử của một nhà nước chuyên chế. Chưa có vấn đề nào đạt sự đồng thuận cao của trí thức Việt Nam như vấn đề bauxite Tây nguyên.

 

bauxite-TayNguyen-250.jpg

Công trường khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Photo courtesy of chinhphu.vn

Những nỗ lực chứng minh cho chính quyền thấy tác hại của việc khai thác này là căn cứ trên các số liệu khoa học rõ ràng nhưng nhà nước vẫn cương quyết thực hiện. Nhiều người không tin rằng lý do kinh tế là điều chủ yếu khiến việc khai thác cần phải tiến hành. Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích vấn đề kinh tế trong dự án này như sau:

"Vấn đề kinh tế phức tạp nhất trong dự án bauxite hiện nay là không có đường vận tải đi ra. Mọi vấn đề khác đều có tính toán và đã đưa lên, nhưng hiện nay không có phương án kinh tế hiện thực nào để đưa số quặng đã tinh luyện thành alumina chuyển ra đến cảng để vận tải đi. Phương án mà người ta đã đưa ra thảo luận đó là sử dụng đường dốc và vận chuyển bằng đường ống, tôi nghĩ là khả thi hơn cả.

Còn bây giờ xây đường cho xe tải nặng chở trên một độ dốc rất lớn là cực kỳ nguy hiểm và tốn kém. Vận chuyển bằng đường sắt cũng không kinh tế. Tôi nghĩ bauxite Việt Nam có nhiều vấn đề, trong đó vấn đề môi trường là nguy hiểm, thế nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay là sản xuất ra rồi chở đi đâu?"

Tôi nghĩ bauxite Việt Nam có nhiều vấn đề, trong đó vấn đề môi trường là nguy hiểm, thế nhưng vấn đề nan giải nhất hiện nay là sản xuất ra rồi chở đi đâu?

TS Lê Đăng Doanh

Khi không có lợi ích kinh tế mà vẫn cố làm thì câu hỏi đặt ra cho các giới chức cao cấp nhất nắm guồng máy quốc gia sẽ tập trung vào chuyện chia chác hay ưu tiên cho nhóm lợi ích như thuật ngữ mà người ta thường nói. Tuy nhiên, dù có tham lam cách mấy thì trước thảm họa đang xảy ra trước mắt người ta cũng khó lòng cương quyết chống lại ý nguyện của toàn dân, ngoại trừ một lý do nào đó lớn hơn nhiều.

Câu hỏi này chúng tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời trong bài tới, mời quý vị theo dõi.

Bài học cho Việt Nam từ lũ bùn đỏ Hungary (phần 2)

2010-10-13

Việc 12 nhà trí thức của viện IDS ký kiến nghị yêu cầu nhà nước ngưng ngay việc khai thác bauxite Tây nguyên sau khi biến cố bùn dỏ Hungary xảy ra một lần nữa mở ra nhiều câu hỏi.

AFP photo

Công nhân làm việc tại các mỏ Bauxite tại Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 13 tháng 4 năm 2009.

Câu hỏi lớn nhất đối với kiến nghị này là liệu lần này có như lần trước, khi hàng ngàn chữ ký của trí thức đã bị nhà nước bỏ qua hay không và nhà nước có chịu lắng nghe hay không?

Và kể cả khi họ chịu lắng nghe thì liệu các thế lực phía sau có chịu buông tha cho Việt Nam để cho phép nhà nước ngưng việc khai thác bauxite Tây nguyên lại là một câu hỏi khác.

Ai đứng sau dự án bauxite VN?

Đối với nhiều người thì gói thầu EPC Nhà máy Alumina được giao cho  nhà thầu Chalieco Trung Quốc thực hiện là yếu tố chính để bauxite Tây nguyên trở thành quốc nạn chứ không phải lý do kinh tế hay môi trường. Nhiều nhà quân sự Việt Nam mà đứng đầu là đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo việc cho Trung Quốc nhúng tay vào Tây nguyên sẽ khiến mái nhà Đông dương bị họ thao túng.

Các tướng lãnh khác như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh hay Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cũng đã nhiều lần cảnh báo chính phủ Việt nam nên rút lại quyết định, nhưng tất cả nỗ lực của họ đều như muối bỏ bể khiến nhiều người thấy cần phải chú ý hơn những diễn tiến trước đây để tìm câu trả lời thỏa đáng.

Khi được hỏi lý do gì đã khiến cho chính phủ Việt Nam tỏ ra quá quyết tâm theo đuổi cho bằng được dự án bauxite Tây nguyên mặc dù có rất nhiều chống đối từ nhiều phía, TS. Lê Đăng Doanh, một trong 12 vị ký tên vào kiến nghị chia sẻ :

"Như tôi được biết, việc cam kết hợp tác với Trung Quốc để khai thác bauxite đã được tổng bí thư Nông Đức Mạnh cam kết với Tổng bí thư chủ tịch Giang Trạch Dân vào những chuyến thăm từ năm 2005 và cam kết đó được thực hiện một cách vội vã, tức thời và trước khi đi chưa có sự thảo luận một cách chi tiết về phương án này.

Việc cam kết hợp tác với Trung Quốc để khai thác bauxite đã được tổng bí thư Nông Đức Mạnh cam kết với Tổng bí thư chủ tịch Giang Trạch Dân từ năm 2005 và cam kết đó được thực hiện một cách vội vã.

TS. Lê Đăng Doanh

Còn Trung Quốc muốn khai thác và có mặt ở Tây nguyên có thể có nhiều lý do chiến lược chứ không phải chủ yếu là lý do kinh tế. Sự có mặt đông đảo người Trung Quốc thì không rõ rằng những người Trung Quốc này bao nhiêu phần trăm là công nhân còn bao nhiêu phần trăm là hoạt động khác.

Đây là một trong các mối lo ngại hàng đầu của các tướng lĩnh của quân đội Việt Nam mà tôi hoàn toàn chia sẻ. Tôi nhớ rất rõ thời kỳ mà Trung Quốc giúp chúng ta xây đường và có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ năm 1966-1967"

Người dân Việt Nam có theo dõi câu chuyện bauxite Tây nguyên vẫn âm thầm hy vọng nhà nước có sự suy xét cẩn thận hơn trước một dự án quá nguy hiểm cho đời sống người dân.

Theo luật sư Trần Đình Triển thì nhà nước đã chuẩn bị rất kỹ để dự án này có thể khởi động. Quyết định 97 ra đời nhằm ngăn chặn trước những tiếng nói phản biện từ giới trí thức. Hiệu quả đầu tiên là luật này đã vô hiệu hóa tất cả các hoạt động của nhóm IDS, một nhóm trí thức nghiên cứu độc lập đầu tiên được xem là think tank của Việt nam.

Bước thứ hai, nhà nước giải tán hai cơ quan quan trọng có tiếng nói phản biện trọng lượng nhất trong nội bộ chính phủ là ban Nội chính Trung ương và Ban kinh tế Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận định về việc này, LS Trần Đình Triển cho biết:

"Hai tổ chức rất quan trọng là Ban kinh tế Trung Ương và Ban Nội chính Trung ương của đảng Cộng sản Việt Nam. Không thể giải thể Ban Kinh tế Trung Ương. Tôi cho rằng nếu như vừa qua nếu Ban Kinh tế còn tồn tại thì việc Thủ tướng chính phủ hoặc một Bộ nào đó trình lên cho lĩnh vực đầu tư thì chắc chắn sẽ bị yêu cầu ngừng ngay. Chắc chắn Ban Kinh Tế Trung Ương với tư cách là tổ chức của Đảng phải xem xét việc đầu tư đó là không chuẩn xác thì sẽ yêu cầu thủ tướng chính phủ phải dừng".

Im lặng là quốc sách?

Trước kiến nghị của 12 trí thức về việc chấm dứt khai thác bauxite Tây nguyên sau sự cố lũ bùn đỏ tại Hungary, rất nhiều nguồn dư luận cho rằng rồi đâu cũng vào đấy, nhà nước sẽ tận dụng sự im lặng như một vũ khí khó đối phó như họ từng sử dụng bấy lâu nay để cho sự việc chìm dần vào quên lãng.

 

bundoando-redmud.org-250.jpg
Một hồ chứa bùn đỏ từ khai thác bauxite ở Ấn Độ. Photo courtesy of redmud.org
Trước ý tưởng bi quan này, một câu hỏi khác lại được đặt ra: Liệu một nhóm gồm nhiều nhà khoa học, trí thức có thể hợp nhau lại khởi kiện Bộ Công Thương, thậm chí cả Thủ tướng chính phủ vì sự cố ý đưa một dự án có thể nguy hại cho dân tộc vào tay một nhóm người nước ngoài khai thác hay không? và liệu đơn kiện này có phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam?

Luật sư Trần Đình Triển, một người được biết luôn luôn tỏ ra thẳng thắng trước nhiều vụ mà ông nhận bào chữa, trong đó có cả vụ ông đứng ra tố cáo những nhân vật cao cấp trong chính quyền đã ăn hối lộ hay bao che thuộc hạ làm điều phi pháp, với tư cách tiến sĩ luật, luật sư Trần Đình Triển đã đưa ra nhận xét về những khía cạnh pháp lý trong câu hỏi này như sau:

"Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật chưa phải là một nhà nước pháp quyền trong xã hội công dân. Nhiều yếu tố về mặt pháp lý, quyền uy đang nằm trong tay một nhóm họăc vài ba cá nhân mà đảng và nhà nước giao cho họ, chứ không phải là ở pháp chế.

Tôi lấy ví dụ, tòa án hiến pháp chưa có thì việc anh Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay kiện một tổ chức nào đó làm sai, vi hiến thì cũng chưa có ai xử cả. Do đó phải thông cảm cho tòa án Hà Nội khi tòa này buộc phải trả đơn cho Cù Huy Hà Vũ. Tôi cho rằng đấy không phải là bao che, đấy là tòa đã làm đúng. Bởi vì thể chế về mặt xử lý lĩnh vực đó chưa được thể chế hóa bằng luật pháp.

Phải để cho lịch sử con cháu mai sau soi xét lại quá khứ, còn bây giờ thì ý kiến cũng chỉ là ý kiến, khó lòng thay đổi được những gì mà bản thân họ đã quyết định.

LS Trần Đình Triển

Cái thứ hai, trong luật khiếu tố khiếu nại của Việt Nam thì bản thân người ta lâu nay người ta rất sợ khiếu nại tập thể, do đó trong quy định của đảng cộng sản Việt Nam cấm đảng viên không được làm đơn khiếu tố khiếu nại tập thể. Vừa qua họ đã thể chế hóa khiếu tố hay khiếu nại sử dụng quyền công dân không được đứng đơn tập thể."

Tất cả những góc cạnh pháp lý đều bị bao phủ bởi một hệ thống chặt chẽ như vậy thì liệu bauxite Việt Nam có thoát được vòng kim cô của Bắc phương hay không?

Dư luận vẫn trăn trở trước sự thật luật pháp vẫn nằm dưới cơ chế kiểm soát của Đảng thì tiếng nói trí thức dù có thuyết phục cách mấy cũng khó lòng thoát ra được cái hố cách biệt giữa Đảng quyền và Pháp quyền.

TS. Mai Thanh Truyết, người nhiều năm theo dõi diễn biến của bauxite Tây nguyên đã không ngần ngại khi đưa nhận xét trước câu hỏi liệu chính phủ Việt Nam có nghe theo những lời kiến nghị này hay không, ông nói:

"Câu kết luận của tôi rất rõ ràng là đảng cộng sản Việt Nam cấu kết chứ không phải vì sức ép của Trung Quốc để thực hiện ý đồ chiếm toàn vùng Đông Nam Á theo tinh thần cộng sản quốc tế, do đó dù chúng ta có ký một ngàn chữ ký, có nêu lên một ngàn bài tham luận thì chắc chắn Việt Nam cũng không thay đổi ý định."

Còn LS Trần Đình Triển thì tỏ ra bi quan hơn, ông chỉ đưa ra nhận xét:

"Phải để cho lịch sử con cháu mai sau người ta có thể viết bằng những trang sách để những ý kiến soi xét lại quá khứ, đánh giá việc làm của những người lãnh đạo đương thời đúng hay sai, còn bây giờ thì ý kiến cũng chỉ là ý kiến, khó lòng thay đổi được những gì mà bản thân họ đã quyết định."

Bi quan hay không thì sự việc bauxite cùng những hệ lụy của nó phải được giải quyết. Lịch sử từng nhiều lần cho thấy, khi một vấn nạn quốc gia đạt đến đỉnh điểm thì chừng như lần nào cũng vậy đều xuất hiện những nhà yêu nước kiệt xuất. Liệu lần này lịch sử có lập lại?


 

         ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org