Các nhà khoa học ở đâu?

Vietsciences-  Nguyễn Minh Hòa            29/10/2010

 

Những bài cùng tác giả

SGTT.VN - Trong mấy ngày gần đây, dự án bô-xit, hệ quả của tập đoàn Vinashin, và các hồ chứa nước bị vỡ, các đập thủy điện xả lũ gây thêm tổn hại cho cư dân vùng lũ được bàn tán rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có không ít lời phê phán gay gắt từ các nhà khoa học hàng đầu về chính các lĩnh vực đó. Trước những thông tin này người dân băn khoăn tự hỏi, thế các nhà khoa học ở đâu trước khi các quyết định được ban hành?

Nếu nhìn lại những dự án, chương trình khác nữa trong các lĩnh vực giáo dục, ý tế, quy hoạch đô thị chúng ta thấy rõ ràng cơ chế phản biện xã hội và phối hợp hành động giữa chính quyền và các nhà khoa học có nhiều điều chưa ổn.

Chỉ giao cho những người "dễ bảo"

 

 
Sự cố tràn đập thủy điện Hố Hô. Ảnh: TL

 

Các dự án lớn có tầm quốc gia, quốc tế như bô-xit, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, hay chủ trương ra đời các tổng công ty nhà nước như Vinashin bao giờ cũng ảnh hưởng đến quốc kế, dân sinh thậm chí ảnh hưởng đến đời sống và sinh mạng của hàng triệu con người hôm nay và con cháu nhiều đời sau. Do vậy, trong quá trình xây dựng dự án bao giờ cũng phải rất thận trọng và không được phạm phải những sai lầm “ngớ ngẩn” bị coi là ấu trĩ.

Tất nhiên một dự án lớn đến đâu cũng chỉ có thể giao cho một nhóm chuyên gia của một bộ A, B nào đó làm chủ trì, không phải tất cả mọi người đều có thể tham gia được. Chính vì điều này mà dễ nảy sinh ra tiêu cực, đó là khi người có trách nhiệm thường hay chỉ định nhóm thân quen, cùng ê-kip hay đơn giản hơn là “dễ bảo”.

Tuy nhiên, trong trường hợp nhóm được chỉ định là những người giỏi thì cũng vẫn chưa đủ đảm bảo rằng sản phẩm là một dự án tốt, không có rủi ro, do vậy điều quan trọng ở đây là phải làm sao có các kênh huy động được tối đa các nguồn lực, phải thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ người dân và phản biện khoa học từ các nhà khoa học có uy tín, dẫu cho không ít những ý kiến trong số đó đôi khi rất khó nghe.

Muốn được như vậy thì điều đầu tiên và quan trọng nhất là thông tin phải được công khai cho mọi người biết, hay ít nhất là thông tin được chuyển một cách đầy đủ đến các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực có liên quan gần. Nếu như thông tin về dự án, chương trình bị bưng bít hay bóp méo thì coi như phản biện không có đất sống.

Hậu quả xảy ra thì dân mới biết

Thực tế cho thấy ở nước ta rất nhiều dự án luôn trong tình trạng bị ém nhẹm thông tin, đến khi hậu quả gây ra rất nặng nề thì người dân mới được biết. Cũng có một thực tế không phủ nhận là các dự án quốc gia có kinh phí rất lớn, do vậy các chuyên gia thiết kế dự án không muốn bị đổ bể vì “phản biện” bởi các chuyên gia ngang cơ hay giỏi hơn cho nên cứ tìm cách giấu giếm thông tin.

Trong trường hợp buộc phải thông báo thì họ tổ chức các buổi họp báo, hội thảo rùm beng nhưng thực chất chỉ là cho có, các góp ý của người khác được ghi chép cẩn thận nhưng thực chất chỉ là tham khảo cho vui, "xin anh nói cứ nói, còn việc tôi, tôi cứ làm" như đề án qui hoạch thủ đô Hà Nội đến năm 2050.

Cũng cần phải nói một cách sòng phẳng là trước khi giơ tay thông qua một đạo luật, một chủ trương lớn vậy chứ có bao nhiêu vị đại biểu Quốc hội có được thông tin về chúng ở mức đủ để ra quyết định?

Một vị nguyên là giám đốc sở tư pháp TP.HCM kiến nghị phải tăng thêm số đại biểu chuyên trách không nằm trong chính quyền để tăng tính khách quan nhưng điều này sẽ không hiệu quả bởi vì hầu hết thông tin liên quan đến quốc kế dân sinh chì có người nằm trong hệ thống mới được tiếp cận, người bên ngoài khi không được biết thì cũng phản biện theo kiểu “nghe nói”.

Ngoài việc công khai thông tin ra thì một điều quan trọng không kém là thông tin lên trên phải được thông suốt. Chúng ta biết rằng việc ra quyết định thực hiện hay không những dự án quan trọng nói cho cùng cũng chỉ gom lại ở một nhóm lãnh đạo cao nhất, và hầu hết trong các trường là do một người phán quyết (thủ tướng hay bộ trưởng).

Trước khi ra quyết định cuối cùng, người ra quyết định phải được biết hết các thông tin khác nhau để cân nhắc, nếu tắc trách hay để cho dễ dàng với một ai đó mà bộ phận tham mưu loại bỏ những thông tin khác với dự án đang đệ trình nhằm dọn đường cho dự án ấy được dễ dàng thông qua thì vô hình chung đã làm lợi cho một nhóm nhỏ mà hại đến những bộ phân dân cư khác (thường là những người nghèo).

Phản biện và chỉ trích

Ở đây chúng ta cũng phải nói đến vai trò nhà khoa học trong phản biện xã hội. Ai cũng có quyền phản biện, nhưng thực sự không phải là ai cũng có được năng lực này. Chúng ta đừng nhầm lẫn phản biện khoa học với góp ý xã hội và dư luận xã hội.

Nhiều người tưởng rằng lớn tiếng phê phán, chỉ trích cá nhân, chất vấn gay gắt là phản biện. Phản biện khoa học là một việc nặng nhọc, đòi hỏi phải có thực tài, chuyên môn cao, am hiểu thực tiễn, có dũng khí, khách quan, công tâm, trung thực và trách nhiệm cao trước nhân dân.

Tất cả những toan tính cá nhân như ganh ghét vì không được trao đề tài, không thích cá nhân A hay B, phê phán để đánh bóng tên tuổi, thổi phồng sự kiện quá mức đều làm cho giá trị của phản biện bị hỏng.

Tôi đã chứng kiến nhiều lần các vị lãnh đạo TP.HCM gặp các nhà khoa học để xin hiến kế về các giải pháp phát triển như chống ngập, giao thông, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhưng hiệu quả rất thấp, bởi vì các nhà khoa học một phần không có đầy đủ thông tin, phần khác các vị quá xa rời thực tiễn. Cho nên cái cuối cùng thu được ngoài những lời phê phán, các câu hỏi tại sao đặt ra cho lãnh đạo (đáng lẽ ngược lại), thì phần còn lại là phương pháp luận, là những chuyện xa lắc xa lơ nghe lúc nào, nghe ở đâu cũng được.

 

Khi các nhà khoa học đói thông tin

Việc nhà khoa học được quyền tham gia xây dựng, đánh giá, thẩm định dự án phải được thiết chế hóa ra thành luật và xây dựng thành qui chế hẳn hoi (qui trình, nguyên tắc) để cho nhà khoa học tham gia một cách đường hoàng chứ không phải là “ban ơn”, “cho phép”.

Đó là một đòi hỏi chính đáng trong xã hội dân chủ, để không đưa đến việc GS Chu Hảo phải lên tiếng kêu gọi “chúng tôi mong TKV công khai các báo cáo để chúng tôi (các nhà khoa học) được tranh luận một cách lành mạnh, cởi mở,..”.

Đất nước chúng ta đang trong giai đoạn phát triển nền tảng kinh tế - xã hội, tiền vay bên ngoài đổ vào các dự án ngày một nhiều, khắp đất nước chỗ nào cũng ngổn ngang công trình, do vậy việc chung tay góp sức làm cho chúng hiệu quả hơn, giảm bớt rủi ro, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân là trách nhiệm trước hết là của các nhà chính trị, sau đó là các nhà quản lý và các nhà khoa học. Các nhà này nếu kết hợp chặt chẽ trên tinh thần vì quốc gia, cộng đồng thì chắc người dân sẽ bớt khổ.

 

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa

Nguồn: SGTT

 

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Nguyễn Minh Hòa