Cái giá của những bông hoa

Vietsciences- Đông Kinh                  09/01/2010

 

Xem dân ta "vùi dập" hoa ngày lễ

 

(TT&VH Cuối tuần) - Rất biết là năm nay Hà Nội lại có phố hoa bên Hồ Gươm, nhưng đắn đo mãi, cuối cùng tôi quyết định không đưa con ra phố Hoa chơi. Tôi có thể kìm được cảm giác muốn… sờ thử vào rừng hoa đẹp kia, nhưng thằng cu nhà tôi thì chắc chắn là không. Chắc chắn khi thả nó ra phố Hoa nó sẽ "sờ" vào hết bông này đến bông khác, nó sẽ bám vào càng chiếc xe bò giữa luống hoa bắp cải Đà Lạt, chưa kể còn có thể chui vào đám hoa lay ơn để chơi trốn tìm... Với những hành vi như thế nó có thể bị chụp ảnh đưa lên báo như những những kẻ thiếu ý thức, chà đạp lên cái Đẹp, làm xấu đi hình ảnh phố Hoa. Trong khi nó chỉ là đứa bé chưa đầy 5 tuổi.

Bẻ hoa anh đào tại lễ hội

1. Từ sau vụ một số bạn trẻ ở Hà Nội làm "tan nát một đời hoa" trong Lễ hội hoa Anh đào năm 2008, dư luận dấy lên phong trào phê phán những hành vi thiếu văn hóa của một bộ phận công chúng khi tham gia các lễ hội cộng đồng, mà dễ thấy nhất là trong các lễ hội hoa. Sự phê phán này có tác dụng cảnh tỉnh ý thức của cộng đồng, nhưng đồng thời, theo tôi, cũng dẫn tới những biểu hiện "thái quá". Về phía các BTC và chính quyền từ chỗ bày hoa hớ hênh, đến chỗ thiết lập hàng rào an ninh để bảo vệ hoa chẳng khác gì bảo vệ chính khách hay siêu sao ngoại quốc. Nó khiến cho lễ hội đông nhưng không còn vui nữa. Về phía dư luận thì cũng có biểu hiện quá đà, chả cứ người cố ý ngắt hoa, bẻ cành, giờ đây, đến người tò mò sờ thử vào hoa, hay mấy em bé lon ton bước qua luống hoa, hoặc mấy cô nàng làm đỏm ôm hoa vào sát lòng mà tạo dáng… cũng bị "chộp" lên báo và viết như thể họ thiếu ý thức, chà đạp lên cái Đẹp vậy. Có người nói, nếu khắt khe với những người thế thì nên đưa hoa vào bảo tàng, đặt trong tủ kính, treo biển "cấm sờ vào hiện vật" có hay hơn không?

2. Việc tham gia một lễ hội khác với việc đi tham quan một bảo tàng hay một triển lãm sắp đặt. Người ta nói đi chơi hội chứ không nói đi tham quan hội. Đã là "chơi" thì phải ồn ào, chen chúc, phải thoải mái, phải "đã đời". Các lễ hội ngày nay chẳng phải là đều đặt mục tiêu phải nối tiếp truyền thống, hay thậm chí là tái hiện truyền thống đó sao? Vậy tôi thử hỏi lễ hội truyền thống có cấm các cụ nhà ta sờ vào hiện vật hay không? Và các cụ nhà ta chơi hội như thế nào?

Đây là một vấn đề văn hóa rất thú vị, các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, về bản chất lễ hội gồm hai phần, phần lễ là những nghi thức, và phần hội là phần vui chơi xả láng. Nếu như phần lễ nghiêm trang thành kính, và trật tự bao nhiêu thì phần hội ồn ào, thậm chí là… náo loạn bấy nhiêu. Giữa sân đình khi các cụ mũ cao áo dài vừa lễ bái uy nghiêm, chẳng khác gì các quan bộ Lễ trong triều đình thì ngay sau đó lại bày trò "bắt trạch trong chum", trai gái một tay ôm nhau, tay kia thò vào chum bắt trạch, dĩ nhiên bắt được trạch đâu có dễ, chỉ tranh thủ "khua khoắng" nhau là nhiều. Trong Trò Trám ở Phú Thọ thì trai gái cầm cái nõ (biểu tượng sinh thực khí nam) và cái nường (biểu tượng sinh thực khí nữ) đâm vào nhau trong một không khí hết phồn thực. Sau ba lần hỏi đáp và nõ nường chạm nhau thì tắt hết đèn nến. Chiêng trống nổi lên. Đôi nam nữ cầm nõ nường theo ông từ chạy ra ngoài. Dân làng chầu trực ở điếm Trám cũng ùa sang chạy sau họ. Họ chạy quanh miếu trò ba vòng theo chiều ngược kim đồng hồ, vừa chạy vừa hú. Sau đó, người ta chạy tản vào rừng trám, liền sau miếu thờ để thực hiện nam nữ tính giao đích thực. Cặp nam thanh nữ tú nào có mang trong dịp này còn được dân làng thưởng hậu hĩnh vì việc thờ lễ đã ứng nghiệm. Dân làng gọi lễ mật là trò "linh tinh tình phộc" hoặc trò "tháo khoán". Tháo khoán cho trai gái ôm nhau.

Tàn cuộc Lễ hội hoa Hà Nội 2009

Xem dân ta "vùi dập" hoa ngày lễ, Tin tức - Sự kiện,

Ngắm nghía chiến lợi phẩm.

 

Có lễ hội còn tổ chức như một… trò cướp, ấy là khi cây bông (thực chất chỉ là khúc tre được làm tướp ra giống như đám bông) tung ra, mọi người xô nhau vào tranh cướp suốt từ chiều hôm trước đến…rạng sáng này hôm sau . Ai cướp được nhiều coi như có lộc. Đó là trò cướp bông của người dân Sơn Đồng (Quốc Oai, Hà Tây) "Tháo khoán" trong lễ hội, không chỉ là nhu cầu tất yếu cần xả-xú-páp của những anh trai làng những cô thôn nữ khi đi trẩy hội, mà còn có ý nghĩa triết học của nó. Trái với phần lễ trang nghiêm thể hiện trật tự của thế giới, của xã hội, thì phần hội tái hiện sự hỗn độn của tự nhiên và xã hội trước khi có "Lễ"; là sự tái hiện lại lịch sử hình hành Lễ, và mô phỏng những sinh hoạt hết sức đời thường… Ở trong phần hội, mọi người không những có quyền “mất trật tự” một chút, mà còn tạm thời được gạt bỏ những quy tắc, cấm kỵ ngoài đời như màn tắt hết đèn, đuốc để trở về thời hồng hoang, bất chấp quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”.trật tự và hỗn độn là hai mặt của Lễ hội thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của các cụ ta thời xưa.

3. Tất nhiên, đó chỉ là về mặt triết lý, chứ các cụ ngày xưa, dù có bắt trạch trong chum, hay thoải mái trong lúc “tắt hết đèn đuốc” thì vẫn rất văn hóa (vì phong tục nó thế), chứ hẳn không có chuyện lợi dụng lúc “tháo khoán” để làm những trò đồi bại. Trong một xã hội văn minh thì tất nhiên càng không có chuyện mất trật tự, quậy phá ở chốn đông người. Nhưng từ bản chất của lễ hội nói trên, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: để lễ hội đông vui thì phần hội phải có trò, cốt nhất là để người đi chơi hội được THAM GIA vào lễ hội. Đừng biến họ thành những khách tham quan bảo tàng im lặng đi thành hàng dài bên những hiện vật lạnh lùng đặt trong tủ kính. Đó gần như là điều không thể, bởi ai cũng biết hiệu ứng của tâm lý đám đông, khi một người “thiếu kiềm chế” sờ thử vào bông hoa một cái, thì lập tức cả đám đông đều cảm thấy ngứa ngáy chân tay. Và thật là bí bách nếu như người ta đi xem hội (nhất là hội hoa) mà chỉ sử dụng có mỗi hai giác quan là mắt nhìn và mũi ngửi, còn xúc giác (sờ) thì lại bị cấm tiệt. nếu nhất thiết phải “sờ” vào mới cảm nhận được như chàng trai khiếm thị tại Lễ hội hoa anh đào năm 2009, thì bị ngay bảo vệ áp giải vào trụ sở vì “xâm phạm hoa”! đó là chưa kể tới tâm lý “thụ lộc” khi tham gia lễ hội.

Một món đồ cũ, một cây cảnh trong Lễ hội ở chợ viềng, một tờ triện trong Lễ hội Khai ấn…luôn là những món lộc mà người đi hội muốn đem về. và như thế thì cũng rất hợp lý, nếu như ai đó muốn có một bông hoa để ép vào trang nhật ký khi tham gia Lễ hội hoa anh đào.

Không thể thỏa mãn tất cả mọi người bằng cách cho họ thoải mái ngắt hoa, bẻ cành, giẫm đạp lên hoa. nhưng cần có chỗ để mọi người có thể “khám phá” những loài hoa đang trưng bày, thậm chí một cửa hàng bán hoa lưu niệm chẳng hạn, để ai cần những loài hoa đẹp trong phố hoa thì cứ việc xùy tiền ra xách về. Cũng cần có chỗ cho trẻ em chơi. Cũng cần có những hiện vật để cho người ta “thử” hoặc chụp ảnh… và cuối cùng, nói thật, bông hoa cũng chỉ là bông hoa, cả một rừng hoa như thế, hết hội cũng tàn.

4. Nhân nói về Lễ hội hoa, tôi xin kể câu chuyện này. Quê tôi là làng việt cổ, phong tục nhìn chung rất nặng nề. Một thời, đến ăn cỗ nhà ai, các cụ ông, cụ bà đã thủ sẵn nắm lá chuối, lúc ngồi bên mâm chỉ uống chén rượu, ăn bát cơm, húp bát nước canh thôi, còn thì bao nhiêu xôi chè giò chả măng miến, thịt mỡ… đợi đến lúc tàn cỗ là chia nhau trút vào lá chuối mang về bằng sạch! Bản thân tôi cũng rất xấu hổ khi thấy bà tôi đi ăn cỗ “lấy phần” một bọc to đùng như thế… tục “lấy phần” đúng là… hủ tục thật, nó thể hiện sự đói khổ, sự tham lam, bệ rạc của người dân quê... tôi vẫn nghĩ như thế, cho tới một lần, tôi nghe bác tôi tâm sự rằng, cả cuộc đời bác tôi luôn nhớ những kỷ niệm mỗi lần chờ ông nội đi ăn cỗ về. gói xôi gấc, thịt gà mà ông nội mang về ấy, không biết là tham lam, bệ rạc như thế nào, nhưng trong con mắt của đứa trẻ lên năm là bác tôi lúc bấy giờ, nó tuyệt vời biết bao, nó thấm đẫm tình cảm ông cháu. và biết đâu đấy, ông nội của bác, tức cụ nội tôi cũng chỉ vì muốn giữ niềm vui ấy cho đàn cháu đông đúc mà phải bóp mồm bóp miệng trong bữa cỗ, chấp nhận “tham lam, bệ rạc” trong con mắt người đời để được “lấy phần” mang về?

Một sự việc nhìn ở góc này như là sự tha hóa của nhân cách, nhưng ở góc độ khác lại là câu chuyện nhân văn. Vâng, cũng như gói phần ông nội bạn đi ăn cỗ mang về, hãy rộng lượng mà nghĩ rằng có thể trong số những người tham mấy bông hoa, mấy cái lá đem về kia (nhất là thời điểm phố hoa đã bế mạc), cũng chỉ vì muốn lưu một dấu ấn hoặc làm một món quà kỷ niệm với ai đó mà thôi.

Đông Kinh

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Đông Kinh