Cánh cửa mới chỉ được mở hé !!!

Vietsciences-  Trần Văn Bình           01/04/2012

 

 

 

Chúng ta nên phát triển ngành năng lượng theo hướng nào để đảm bảo thân thiện với môi trường và sức khỏe con người ? 

Có lần chúng ta đã trao đổi suy nghĩ, chia sẻ ưu tư về đề tài này; Theo ý kiến của chúng tôi – Việt Nam không nên do dự,  nghi ngờ gì nữa : các dạng năng lượng tái tạo như  năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ là nguồn năng lượng của tương lai, bởi vì nó vừa vô hạn, nếu không muốn nói là vô tận, sạch và nhất là không gây ô nhiễm môi trường, không gây tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người, không tạo khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính . Chỉ riêng năng lượng mặt trời , trái đất đón nhận từ mặt trời khoảng mười ngàn lần năng lượng mà nhân loại tiêu thụ hàng năm ! Vì thế, đẩy mạnh và phát triển nhanh, đưa vào sử dụng đại trà, phổ biến dạng năng lượng tái tạo, trước mắt là điện gío và điện mặt trời, nhằm : 

(a)Tạo sức hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đi vào lãnh vực xây dựng và phát triển nhanh ngành năng lượng tái  tạo.

(b) Bảo vệ môi trường, thiên nhiên, xử dụng năng lượng xanh và  sạch là đi đúng xu hướng phát triển của thế giới, của loài người ngày nay !

Chính sách năng lượng của chúng ta cần theo kịp với trào lưu tiến bộ phát triển của thế giới hiện nay, nên dựa trên việc triệt để tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả năng lượng, khai thác tất cả các nguồn năng lượng tái tạo. Hệ số thất thoát năng lượng ở Việt Nam chúng ta hiện nay rất cao, lên hơn 35% ! Theo các  chuyên gia trong ngành: một lời giải tối ưu cho bài toán là khuyến khích, cổ động việc sử dụng tiết kiệm năng lượng tối đa, chứ không nên đi vào con đường phát triển điện hạt nhân !!!

Phát triển và xây dựng ngành năng lượng tái tạo (NLTT) trong năm 2011 đã có những bước tiến nào ?

Cho đến tháng 12  năm 2011, Việt nam  có khoảng 37 đề án do 31 nhà đầu tư trong và ngoài nước đang thực hiện từ khâu tìm kiếm khảo sát, lập luận chứng ... cho đến đi vào hoạt động ở tại 9 tỉnh của Việt Nam, nhiều nhất là Bình Thuận rồi đến Ninh Thuận, tổng công suất dự kiến là hơn 3800 MW ; nhưng rất tiếc là chỉ mới có một công trình ở  huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận được đưa vào hoạt động, ngoài ra các dự án khác vẫn nằm trên bảng vẽ hoặc mới chỉ vừa dựng xong cột quan trắc mà thôi !!!  

 

Đối diện với khó khăn, trở ngại chính là gì ?

Hiện nay trở ngại lớn nhất cho việc xây dựng và phát triển điện đó là : giá mua / bán điện từ nguồn năng lượng gió ! Theo nghị định mới nhất 37-2011NĐ/TTg, giá mua điện từ các công trình, dự án điện gió là 7,8 centUS / kWh (tương đương với  1.560 đồng VN / kWh), trong đó nhà nước hỗ trợ giá điện gió đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 1,0 centUS / kWh. Như thế, thì giá mua điện còn quá thấp, chưa thể gọi là đột phá, chưa tạo ra sức thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp mạnh dạn đi vào lãnh vực xây dựng và phát triển nhanh ngành năng lượng tái tạo nói chung và điện gío nói riêng !

Nếu so sánh với các nước trong khu vực như Trung quốc (8,40 centUS), Nam Hàn (9,50 centUS) , Philippine (14,00 centUS), Úc (12,00 centUS) và Thái Lan (20,50 centUS) thì có khoảng cách khá xa ! Theo tính toán của đại diện một ngân hàng trong buổi diễn đàn kinh tế Việt Nam-Đan Mạch thì giá mua/bán điện của Việt Nam chỉ đủ cho nhà đầu tư được chỉ số IRR = 5%, con số này nên đạt 15% trở lên thì mới có sức hấp dẩn !!! Bởi vậy đã có người ví von so sánh: cánh cửa xây dựng phát triển ngành NLTT đã được mở, nhưng mới chỉ mở he hé...để tạm đủ cho một người láng giềng nhỏ con có thể vào lọt, chứ không có chỗ  cho những người bạn Tây phương với thân hình to lớn vào được !!!

Ngoài ra, trong phân công trách nhiệm và cơ cấu tổ chức , nên có một cơ quan cao ở tầm Bộ, ví dụ như Bộ Năng Lượng – một nhạc trưởng -  có uy tín, có thẩm quyền, có đủ bản lĩnh và nhất là có tầm nhìn xa để quyết đoán, chỉ đạo một chính sách lớn cho năng lượng trong đó có ngành năng lượng tái tạo.

Điều rất đáng mừng là chúng ta nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đan Mạch , Hoa Kỳ và CHLB Đức giúp Việt Nam phát triển điện gió.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân có tâm huyết hoặc gắn bó với ngành năng lượng xanh và sạch đang tích cực, nỗ lực xúc tiến việc thành lập các hiệp hội chuyên ngành: các hiệp hội đang được vận động  thành lập và lần lượt đã và sẽ ra đời, có thể kể Hiệp Hội Nhiên Liệu Sinh Học Việt Nam (VietnamBiofuel), Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo tỉnh Ninh Thuận (NREA) , Hiệp Hội Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam (VREA), ngoài Hiệp Hội Điện gió tỉnh Bình Thuận (BWEA) đã đi vào  hoạt động vài năm nay.

Rất mong rằng giấc mơ về phát triển năng lượng tái tạo, về điện gió...v..v... sẽ biến thành hiện thực trên đất nước thân yêu hình chữ S của chúng ta trong một tương lai không xa !

TS. TRAN VAN BINH,

HCMC-tháng 12.2011

( Kiều bào CHLB Đức  * Country Representative of World Council for Renewable Energy)

 

Ủy ban Việt Kiều http://www.ubvk.hochiminhcity.gov.vn

 

                 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Trần Văn Bình