Cần Xét Lại Việc Quản Lý An Toàn Giao Thông

Vietsciences-  Võ Ngọc Phước       14/04/2012

 

 

Trước những tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn tiếp tục xảy ra không ngưng ở mọi nơi trên đất nước, gây ra biết bao tang tóc cũng như hậu quả đau thương cho những gia đình người lâm nạn, chưa kể đến những thiệt hại xã hôi kinh tế, nhưng việc quản lý an toàn giao thông, dù đã có luật lệ cũng như tổ chức các vụ sở trách nhiệm hẳn hoi và được mọi giới liên hệ luôn đề cập cứu xét để đưa ra thực thi các biện pháp phòng chống, nhưng cho đến nay vẫn còn là một vấn đề xã hội thật bức xức vì chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.trễCũng như những vấn đề xã hội bức xúc khác, người ta nhận thấy việc thực thi phòng chống tai nạn giao thông sở dĩ không có được hiệu quả toàn diện là do việc làm chưa được tường tận và triệt để toàn bộ. Cơ quan chức năng ở từng địa phương chỉ đặc biệt xúc tiến biện pháp phòng chống khi có phản ảnh xã hội hay “lệnh trên” để cải thiện tình trạng hay địa điểm xấu như các “điểm đen”. trễNhưng người ta nhận thấy khi cơ quan trách nhiệm sở tại triển khai việc thực thi biện pháp cải thiện thì chỉ nhằm cho một số địa điểm đặc định và cũng chỉ thực thi giới hạn trong một thời hạn nào đó mà thôi. Nghĩa là các biện pháp phòng chống thực thi cho loại tai nạn nghiêm trọng như vậy không nhằm cho toàn quốc và cũng không mang tính cách trường kỳ.

Chẳng hạn, sau vụ tàu du lịch tự dưng chìm tại Vịnh Hạ Long thì các cơ quan chức năng mới cho xem xét tình trạng an toàn ở các tàu thuyền du lịch nhưng chỉ tại địa diểm này và cũng chỉ trong một thời hạn nhất định sau đó mà thôi. Ở các tai nạn đường bộ hay đường sắt cũng vậy, chỉ sau khi có tai nạn nghiêm trọng xãy ra, thì cơ quan chức năng mới đến vị trí xem xét các yếu tố chính yếu gây ra tai nạn nhưng các biện pháp đưa ra cũng chỉ có tính cách phòng chống một cách tạm thời. Vì vậy, chỉ một thời gian sau, tình trạng nguy hiểm có thể tạo ra tai nạn nghiêm trọng sẽ được tái lập lại như cũ.trễHầu hết những người nước ngoài khi đến Việt Nam đều phải ngạc nhiên bỡ ngỡ trước cảnh tượng xe cộ lưu thông một cách gần như vô trật tự và nguy hiểm trên mọi đường xá ở một nước được xem là có trình độ văn hóa tương đối cao ở khu vực và họ rất phải lo sợ cho tính mạng khi phải di chuyển ra đường xá trong những điều kiện kém an toàn như vậy. Không kể người trong nước, một số người nước ngoài cũng đã phải lâm nạn đau thương do việc quản lý an toàn giao thông chưa được tốt hiện nay.

 

Cứ nhìn cảnh tượng mọi thứ phương tiện lớn nhỏ lưu thông một cách gần như vô trật tự trên đường xá như vậy thì ai ai cũng có thể hiểu rằng việc tai nạn sẽ xảy ra vào bất cứ lúc nào là một điều tất nhiên, không thể nào tránh khỏi được. Và sau khi có tai nạn xãy ra, cơ quan công quyền trách nhiệm ( cảnh sát giao thông ) đến hiện trường lập biên bản, giải quyết lưu thông hiện trường và căn bản là tạo thoả thuận đền bù giữa hai phía rồi trình báo sự việc lên cơ quan là kể như xong việc.

Trước tình trạng không tốt vẫn cứ tiếp diễn như vậy, các vụ sở trách nhiệm có nhìn nhận các biện pháp phòng chống tai nạn giao thông thực thi đến nay, trong hiện tạI, đã chứng tỏ không cho được hiệu quả như mong muốn. Nhưng các vụ sở trách nhiệm cho rằng nguyên nhân là do căn bản tình hình xã hội ở 3 yếu tố chính yếu đã làm cho việc quản lý an toàn giao thông chưa đạt được hiệu quả như sau:

(1)   Hệ thống hạ tầng giao thông trong nước chưa được hoàn hảo

(2)   Ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia giao thông còn thấp

(3)   Hiệu lực quản lý của các cơ quan công quyền chưa được cao

Vì vậy, ngoại trừ yếu tố “hệ thống hạ tầng giao thông” sẽ được các ban ngành giao thông như Sở GTVT cho chăm sóc sửa chửa đường xá hay bến cảng vv., các vụ sở trách nhiệm cho rằng từ nay chỉ cần chú trọng vào việc thực hiện các chương trình giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành cho người dân, mà theo các vụ sở trách nhiệm thì ngày một xấu thêm, cũng như nâng cao hiệu lực quản lý cho phía thi hành công vụ ( Cảnh Sát Giao Thông) thì sẽ cải thiện được tình hình.trễNhưng về phía người dân, vốn là đối tượng chính của vấn đề này, thi lại không nghĩ rằng việc cho triển khai hai chương trình giáo dục trên có thể cải thiện được vấn đề này, dù phí tổn sẽ phải rất cao và thời gian thực hiện cũng sẽ phải rất lâu dài. Hơn nữa, trước 3 yếu tố đưa ra trên, người ta cũng phải tự hỏi tại sao ở các nước trong cùng khu vực, nghĩa là có cùng chung các điều kiện căn bản, nhưng vấn đề an toàn giao thông không đến nỗi quá nghiêm trọng như vậy.

Cũng chính vì ở căn bản nhận thức quá phiến diện của các vụ sở liên quan đến sự việc này như vậy, nên mới có những ý tưởng chỉ nên chú trọng vào việc thực hiện các chương trình giáo dục trên, mà không nghĩ đến các khiếm khuyết căn bản trong tổ chức quản lý của các vụ sở trách nhiệm hiện tại.

Cũng cần nói thêm là 3 yếu tố mà các vụ sở trách nhiệm nêu ra trên, thì đây cũng là 3 yếu tố chung cho các vấn đề xã hội bức xức khác đang xãy ra trong nước như tham nhũng, mua bán bằng cấp, chức vụ hay tội phạm xã hội vv… . Nếu để giải quyết mỗi vấn đề này mà cần phải cho thực thi hai loại chương trình giáo dục như vậy thì cả nước sẽ đầy rẫy các chương trình giáo dục xã hội và sẽ phải làm cho nhà nước phá sản.

Phải nói rằng hiện nay việc quản lý an toàn giao thông đang có một sự rời rạc từ căn bản chỉ huy ở mặt tổ chức hành chính từ trên xuống dưới cũng như sự thực thi thiếu triệt để ở cấp địa phương sở tại. Hai khuyết điểm này cấu kết với nhau để duy trì tình trạng hiện nay.

Ở cấp trung ương thì việc tham mưu và quản lý do Vụ An Toàn Giao Thông của Bộ Giao Thông Vận TảI đảm trách. Trong khi ở dịa phương thì việc gìn giữ trật tự và an toàn giao thông lại thuộc về Cảnh Sát Giao Thông của Cục Cảnh Sát Giao Thông thuộc Bộ Công An. Tuy Ủy Ban Phòng Chống Tai Nạn Giao Thông do Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải làm trưởng ban lảnh đạo nhưng ở dịa phương, các Sở GTVT chỉ phải lo việc xây dựng, sửa chữa các hệ thống hạ tầng cơ sở đường xá, bến cảng mà thôi.

Qua tổ chức hành chính như trên, dù trên nguyên tắc, thì cần phải có sự phối hợp chung giữa hai phía này để điều hành và duy trì an tòan giao thông, nhưng trên thực tế thì chỉ có phía Cảnh Sát Giao Thông lo liệu đảm nhiệm chính yếu vấn đề này tại địa phương.

Tuy nhiên, qua nhận xét các việc làm của Cảnh Sát Giao Thông như đã có nói đến ở phần trên, phía này chỉ chuyên lo kiễm soát giao thông và xử lý các trường hợp vi phạm và tai nạn. Việc cứu xét hay tìm kiếm giảI pháp để đưa ra các phương án thích hợp phòng chống tai nạn giao thông một cách hữu hiệu cho địa phương sở tại thì thấy rất hiếm hoi Một phần cũng bởi không có đòi hỏi triệt để và phương cách thực hiện đưa ra từ Trung Ương.

Người ta nhận thấy đã đến lúc các cơ quan trách nhiệm công quyền trong nước cấn phải cho thực thi các biện pháp hiệu quả, dù phải tốn kém và cứng rắn, để bảo vệ an toàn giao thông nhằm bảo vê sinh mệnh người dân trong việc di chuyển sinh hoạt hằng ngày.

Không nói đến việc đường xá có chướng ngại hay hư hỏng, việc xe và người vượt đèn đỏ, việc các loại xe chuyên chở cồng kềnh hay quá tải, việc lái xe thiếu cẩn thận hay vụng về do thiếu kinh nghiệm điều khiển vv…, người ta còn lấy làm khó hiểu là rất nhiều vía hè phố hay vị trí công cộng bị ngăn lại để làm nơi giữ xe khiến người bộ hành phải đi xuống lòng đường cũng như việc một số trường học cho bãi lớp cùng một lúc tạo ra ùn tắc giao thông do việc đưa đón.

Những sự việc bất cập như vậy cứ xãy ra hằng ngày, tạo nguyên nhân cho tai nạn giao thong, đều được người dân đĩa phương thấu triệt, nhưng một khi người dân nhận thấy cơ quan trách nhiệm sở tại ( Cảnh Sát Giao Thông, Sở GTVT) không chận đứng được thì những việc như vậy sẽ thành thông lệ. Nếu có sự đóng góp ý kiến của người dân để cùng chung sức thi hành các biện pháp phòng chống thì những việc bất cập tạo nguyên nhân cho tai nạn giao thông trong địa phương sở tại có thể sẽ giảm thiểu rõ rang.

Trước tình hình như vậy, người ta nhận thấy cần phải có sự cải thiện việc quản lý an toàn giao thông từ Trung Ương đến dịa phương một cách kiện toàn nhằm tạo một hệ thống phòng chống hữu hiệu để có thể bảo vệ sinh mạng người dân trong vấn đề này, hơn là chỉ chú trọng việc thực thi các chương trình giáo dục ngướI dân và cảnh sát mà hiệu quả rất là hạn chế, nếu không muốn nói là xa vời.

Muốn vậy, trước hết là thống nhất việc lảnh đạo chỉ huy và chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn giao thông ờ cấp Trung Ương, hoặc là do Ủy Ban và Vụ An Toàn Giao Thông của Bộ GTVT hoặc là do Tổng Cục Giao Thông của Bộ Công An. Cơ quan ở Trung Ương sẽ đưa ra các chương trình áp dụng trên toàn quốc với các số liệu mục tiêu giảm trừ các loại tai nạn sẽ phải đạt đến. Cấp Trung Ương này phải trực tiếp chỉ huy và điều động các chương trình cũng như biện pháp thực thi đến tận cấp địa phương.

Ở địa phương, sau các cơ sở ở tỉnh huyện hay thị xã, tại mỗi xã phường nên cho tổ chức Phòng An Toàn Giao Thông với sự tham gia trực tiếp của người dản địa phương trong các buổi họp định kỳ hằng tháng do xã phường tổ chức để cùng đóng góp ý kiến với các đại diện các ban ngành trách nhiệm ( GTVT, Cảnh Sát Giao Thông…) hầu cùng nhau cải thiện tình hình cơ sở hạ tầng và hệ thống cũng như các biện pháp cần thiết để gìn giữ trật tự an toàn giao thông tại mỗi địa phương sở tại.

Có sự đóng góp và phản ảnh ý kiến tích cực của người dân địa phương trong công việc này và các ý kiến cũng như phản ảnh đóng góp của người dân được tôn trọng để thi hành thì việc phòng chống tai nạn giao thông nhất định sẽ cho thấy hiệu quả thiết thực đạt được tại từng địa phương.

 

VNP

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Võ Ngọc Phước