Bài phỏng vấn gs. Nguyễn Khắc Nhẫn về Công trình thủy điện Sơn La và Bài trả lời những câu hỏi của thính giả (14/12/05)

Vietsciences-Nguyễn Khắc Nhẫn             05/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

Tàu cao tốc ở Đài Loan vẫn thua lỗ to

Vết nứt trên đập thủy điện Sơn La

Đài RFI (Radio France Internationale) ngày 5/12/05

RFI : Hơn bốn năm sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương, ngày 2 tháng 12 vừa qua, Việt Nam đã chính thức khởi công xây dựng đập thủy điện Sơn La. Đây là một dự án có quy mô rất lớn với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, và có tới hơn một chục Công ty Việt Nam tham gia xây dựng công trình. Đập chính dài hơn một cây số với chiều cao tối đa 138,1 m. Hồ chứa nước rộng tới hơn 200 km2 nằm trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Sau đây là nhận định của gs. Nguyễn Khắc Nhẫn, Đại học Bách Khoa Grenoble, nguyên cố vấn chiến lược Công ty Điện Lực Pháp EDF về dự án có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á này. Gs. Nhẫn là người đã theo dõi sát tình hình điện lực Việt Nam và ông đã có nhiều đóng góp ý kiến trong lĩnh vực năng lượng.

RFI : Xin chào gs. Nguyễn Khắc Nhẫn. Ngày 2 tháng 12 vừa qua Việt Nam đã khởi công xây dựng đập thủy điện Sơn La trên sông Đà. Giới chuyên gia coi đây là một dự án của thế kỷ. Vậy xin giáo sư cho biết quy mô của đập thủy điện Sơn La ? Và khi đi vào hoạt động, thì dự án này đáp ứng bao nhiêu % nhu cầu điện của Việt Nam.

NKN: Kính chào Anh, kính chào quý Vị thính giả.

Công trình trọng điểm thủy điện Sơn La, cách Hànội 300 km về phía Tây Bắc, sẽ có công suất đặt lớn nhất Đông Nam Á (2 400 MW gồm 6 tổ máy) với tổng vốn đầu tư là 2,5 tỷ USD. Điều cần biết là đập Sơn La thuộc loại đập bê tông trọng lực (barrage poids). Mực nước dâng bình thường là 215 m.

Tổ máy đầu tiên, nhờ sự nổ lực của hàng ngàn công nhân, sẽ phát điện trong 5 năm tới và tổ máy thứ sáu vào năm 2012. Cũng như phần lớn các công trình thủy điện trước của quê hương, Sơn La có nhiều mục đính chính : phát điện, giảm lũ mùa mưa, tăng nước đồng bằng sông Hồng mùa khô cạn.

Dòng sông Đà hung dữ đã được ngăn chặn ngay từ ngày khởi công với trên 200 000 m3 đất đá. Lúc công trình hoàn thành, nhà máy Sơn La với lượng điện bình quân hàng năm 10 tỷ kWh, sẽ đáp ứng được khoảng 12% nhu cầu điện lực toàn quốc (hiện nay gần 50 tỷ kWh).

 

RFI : Thưa giáo sư, việc xây dựng đập thủy điện Sơn La đã gây nhiều tranh cải về thiết kế, địa điểm. Giới chuyên gia nhiều lần nhấn mạnh đến yếu tố an toàn vì Sơn La nằm trong vùng có thể có động đất. Xin giáo sư cho biết ý kiến và giải thích rõ hơn vấn đề này.

NKN : Anh nhận xét rất đúng. Dự án Sơn La đã gây nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia trong nhiều năm qua. Đề án cao 3600 MW không được Quốc hội chấp thuận vì nhiều lý do : kỹ thuật, kinh tế, chính trị, môi trường, trong đó yếu tố an toàn là chính, vì sự sống còn của hàng triệu dân ở hạ lưu.

Cá nhân tôi cũng không tán thành đề án cao 3600 MW vì công trình quá đồ sộ. Chúng ta nên hết sức thận trọng và khiêm tốn. Không ai có thể tiên đoán những rủi ro tai biến xảy ra bất thình lình, vì sức mạnh vô lường của tạo hóa.

Như tôi đã có dịp trình bày và đã lưu ý bên nhà, điều tôi lo ngại là Sơn La nằm trong vùng có thể bị động đất. Những vệ tinh đã phát hiện vết nứt (faille) sông Hồng dài 1000 km từ Tây Tạng đến khu miền Bắc và về phía nam, dọc theo bờ biển nước ta. Vết nứt tuốt (coulissant) theo đường rãnh, trung bình 1 cm mỗi năm, có thể làm xê dịch từng cơn : sông, thung lũng, bãi phù sa… mỗi khi có động đất đáng kể. Theo các chuyên gia bên nhà, đập Sơn La được thiết kế với độ an toàn rất cao, có thể chịu động đất cấp 8 và dòng lũ sông Đà lên tới 48 000 m3 /giây. Nhân dịp, cho phép tôi lưu ý các bạn một hiện tượng động đất không thiên nhiên (séisme induit) đã xảy ra tại vài chục đập lớn khi vừa đón nhận hồ nước đầu tiên (1er remplissage) :

-Năm 1966, tại đập Kremasta (Hy Lạp) với dung tích hồ chứa 4,8 tỷ m3.

-Năm 1967, tại đập Koyna (Ấn Độ) với dung tích hồ chứa 2,7 tỷ m3.

Các chuyên gia chưa giải thích rõ ràng lý do khoa học vì nhiều đập tuy có hồ lớn mà vẫn không gặp hiện tượng này.

 

RFI : Theo giáo sư, việc xây đắp, chặn sông như vậy sẽ ảnh hưởng ra sao đến môi trường trong khu vực thượng nguồn và hạ nguồn ?

NKN : Chận ngang một dòng sông đang chảy, có thể xem như khiêu khích tạo hóa. Diện tích lưu vực Sơn La khoảng 44 000 km2, diện tích vùng hồ là 225 km2. Dung tích toàn bộ hồ chứa là 9,26 tỷ m3 (hơn 7 lần dung tích hồ chứa Serre-Ponçon của EDF).

Qua những con số trên, chúng ta có thể hình dung ngay ảnh hưởng quan trọng của công trình Sơn La đối với môi trường. Tôi xin phép nhắc lại đây, không theo thứ tự quan trọng, một số vấn đề : vi khí hậu (microclimat), hệ động vật (faune), hệ thực vật (flore), đất bị trượt (glissement de terrain), vận tải chất rắn (transport solide), chất lượng nước giảm, nước đọng, bệnh sốt rét, bệnh Bilharziose (tên bác sĩ người Đức Bilharz, đã khám phá vi trùng độc hại này năm 1851) …

Làm sao không khỏi buồn khi chúng ta nghĩ đến 90 chục ngàn đồng bào ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đành phải hy sinh nhà cửa, bàn thờ tổ tiên di dời nơi khác. Lẽ cố nhiên nhà nước có bồi thường, giúp đỡ, nhưng đó là một thảm cảnh của những công trình thủy điện to lớn như Sơn La.

 

RFI : Giáo sư có suy nghĩ gì về hướng phát triển thủy điện ở Việt Nam ?

NKN : Vâng tôi có suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Chúng ta may mắn có tiềm năng thủy điện khá phong phú, tương đương với Pháp (EDF đã khai thác 70 tỷ kWh thủy điện trong vòng một thế kỷ). Theo tôi, sau khi khai thác Sơn La, Việt Nam còn khoảng 40 tỷ kWh thủy điện kinh tế. Đây đến 2020, Công ty Điện Lực Việt Nam dự trù sẽ xây cất thêm gần 40 nhà máy thủy điện với tổng công suất lên đến 12 000 MW. Với mức tăng trưởng kinh tế 8 % và mức tăng trưởng điện lực (14-16%) mỗi năm, hệ số đàn hồi của ta vẫn còn quá cao ; có nghĩa còn rất nhiều lãng phí. Hiện tượng lũy thừa này không thể tiếp diễn và mức tăng trưởng sẽ thấp dần.

Tôi rất mừng được biết Chính phủ vừa có chỉ thị cho các cơ sở, xí nghiệp và dân chúng triệt để tiết kiệm năng lượng và đồng thời khuyến khích việc xử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện nay, các nhà máy điện của ta, như Anh biết, chạy bằng than, khí, và thủy điện đóng vai trò quan trọng nhất. Theo tôi, tiềm năng thiên nhiên của nước ta còn có thể đáp ứng nhu cầu trong vài chục năm nữa. Chưa cần làm nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm và không kinh tế.

 

Bài trả lời những câu hỏi của thính giả (14/12/05)

Tác giả xin mạn phép trả lời một số câu hỏi của các bạn thính giả. Vì những thắc mắc của các sinh viên có tính cách kỹ thuật (chủ yếu tập trung vào vấn đề an toàn, đập vỡ, mà Quốc hội dã thảo luận sôi nổi ), tác giả phải thu gọn vào một số mục để tiện việc trình bày :

1. Thời gian xây dựng công trình.
2. Các loại đập.
3. Lý do đập vỡ.
4. Danh sách các đập bị tai nạn
5. Bản so sánh với các đập lớn trên thế giới.
6. Bản so sánh với các đập trong nước
 

1. Thời gian xây dựng

Công trình Sơn La được rút ngắn từ 10 còn 7 năm. Tổ máy thứ 6, nếu không có gì cản trở, sẽ phát điện năm 2012 thay vì 2015 như đã dự tính. Việc giảm gần 1/3 thời gian không phải là chuyện dễ. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân ưu tú của ta sẽ phải hy sinh lắm mới thực hiện được. Cho nước vào hồ lần đầu tiên (1er remplissage) có trường hợp phải mất hàng tháng hay hàng năm ( đập Kariba ở Rhodesie ), do trạng thái chưa ổn định ! Vì phải kiểm tra hết sức chặt chẽ và giám sát tất cả các phản ứng của đập. Rút ngắn thời gian quá lớn có thể ảnh hưởng đến chất lượng của công trình.

 

2. Các loại đập

Đứng về phương diện kỹ thuật, tất cả những loại đập trên thế giới có thể xếp gọn vào hai họ (famille) đập chính, tùy vào bản chất của phản ứng đối với lực đẩy của nước (poussée de l’eau).

1. Đập trọng lực (barrage poids ou gravité) : phản lực của trọng lượng.

2. Đập vòm (barrage voûte) - dày (voûte épaisse), mỏng (voûte mince) hay phức tạp (voûte multiple) : phản lực ở hai bên bờ.

Như thế có nghĩa là đập trọng lực (Sơn La) cần một nền móng (fondation) hết sức vững và đập vòm cần đá núi hai bên bờ thật chắc.

Tùy địa chất, chiều dài đập trọng lực có thể lớn, nhưng chiều dài (dây cung) của đập vòm phải ngắn (effet d’arc : hiệu ứng dây cung).

Đập trọng lực có thể làm bằng đất và/ hay đá (hầu hết tất cả các đập của ta đang vận hành) hoặc bê tông (Sơn La)

 

3. Lý do đập vỡ

Ngoài việc sợ động đất, có hai lý do quan trọng khác có thể gây ra tai biến là :

1. Lần đầu tiên cho nước vào đập (1er remplissage).

2. Lũ hết sức đặc biệt (crue exceptionnelle) : Với loại đập đất và / hay đá, sợ nhất là nước lũ tràn ngập đỉnh phá vỡ đập rất nhanh chóng. Ví dụ hệ thống xả lũ (évacuateurs de crues) Hòa Bình có khả năng xả lưu lượng 38 000 m3/s (lũ 10 000 năm – crue décamillénaire), theo bài tính xác suất (calcul de probabilité). Tuy là lũ đặc biệt rất lớn, lâu lắm mới xảy ra một lần, nhưng nó cũng có thể xảy ra bất chợt nay mai, tùy theo sự biến chuyển của thời tiết. Ở đây ta thấy tầm quan trọng của hệ thống những trạm đo lưu lượng nước (station de jaugeage des débits) rải rác trên khắp những con sông. Xây dựng một đập cần nghiên cứu kỹ thủy văn của con sông trong hàng chục năm về trước. Càng lâu, độ tin cậy thống kê càng lớn.

Vùng núi Alpes Dauphiné, miền nam nước Pháp, có rất nhiều nhà máy thủy điện. Riêng thành phố Grenoble chịu ảnh hưởng trực tiếp của 7 đập có tổng dung tích là 647 triệu m3 nước, trong đó có đập vòm dày Monteynard (275 triệu m3 nước) cách trung tâm 65 km. Nếu rủi ro, đập này bị phá vỡ, làn sóng nước sẽ tràn xuống Grenoble sau 58 phút và mực nước sông Isère có thể cao thêm 7 m.

Đập Monteynard này lúc đón nhận hồ nước đầu tiên cũng bị động đất không thiên nhiên, tuy nhẹ hơn trường hợp hai đập Kremasta (cấp 6,2 - tiêu điểm 20 km dưới hồ) , Koyna (cấp 6,0 - tiêu điểm 9 km dưới hồ) và đập Kariba ( cấp 6 – với chiều cao, hồ chứa tương đương với Assouan)

 

4. Danh sách vài đập bị tai nạn trên thế giới

Nước Tên đập Loại đập Nguyên nhân tai nạn Số người thiêt mạng Năm

Algérie
Mỹ
Ý
Mỹ
Pháp
 
Brésil
 
Ý
Chili
Ấn Độ

Habra
South Fork
Gleno
San Fransisco
Malpasset (Fréjus)
Oros (Ceara)
 

Vaiont
El Cobre
Koyna

Vòm
Đất
Vòm phức tạp
Trọng lực (bê tông)
Vòm mỏng (bộ nông nghiệp)

Đất


 Vòm
Đá
Trọng lực (bê tông)

Lũ lớn
Lũ lớn tràn ngập đỉnh
Áp lực ở dưới (sous-pression)
Áp lực ở dưới (sous-pression)
Đá móng tả ngạn bị nứt


Lũ lớn trước khi công trình hoàn thành
Sụt lở đá làm nước tràn ngập
Động đất
Động đất (séisme induit)

400
2200
500
450
420


1000

3000
200
180

1881
1889
1923
1929
1959


1960


1963
1965
1967

 

Có trường hợp số nạn nhân lên đến hàng nghìn nhưng vì vấn đề uy tín, nhiều nước không cho biết con số chính xác. Năm 1971, một cuộc động đất thiên nhiên đã gây thiệt hại lớn ở đập San Fernando cạnh Los Angelès (Mỹ), làm 80 ngàn dân phải tạm tản cư trong 3,4 ngày để xả nước hồ xuống mức an toàn.

Bảo đảm an toàn đập không phải chỉ lúc nghiên cứu sơ khởi, tính toán, thiết kế, xây cất chu đáo là đủ mà còn phải kiểm tra, tu bổ nghiêm khắc trong suốt thời gian khai thác. Trong lòng và xung quanh mỗi đập lớn, người ta thường đặt nhiều thiết bị hiện đại để đo lường, theo dõi từng hơi thở của đập !

Việt Nam vừa mới gia nhập Ủy Ban quốc tế các đập lớn ( chiều cao trên15 m ) Những kinh nghiệm trao đổi nơi đây vô cùng qúy báu .

 

5. Bản so sánh Sơn La với các đập lớn trên thế giới

(Những con số gạch dưới gần giống các con số của Sơn La)

 
Tên đập

Chiều cao

(m)

Tên sông Loại đập Hồ chứa

(tỷ m3)

Công suất

(MW)

Năm khánh thành

Bratsk

Assouan

Tarbela

Nurek

Sơn La

125

 

125

 

143

 

317

 

138

Angara (Liên Xô)

Nil (Ai Cập)

Indus (Pakistan)

Vakhsh (Liên Xô)

Sông Đà(Việt Nam)

Trọng lực bê tông và đá

Trọng lực đất và đá

Trọng lực đất và đá

Trọng lực đất

Trọng lực bê tông

169

 

164

 

13,7

 

10,4

 

9,26

4600

 

2100

 

2100

 

2700

 

2400

1964

1970

1976

1977

2010-2012

Theo bản so sánh trên, ta thấy rằng không phải đập cao tất nhiên có hồ lớn hay công suất lớn mà tùy cơ cấu thiết kế, tùy địa điểm, tùy mục đích của công trình. Đập Assouan (có vấn đề môi trường quan trọng) không cao lắm mà có hồ chứa gần 18 lần hồ Sơn La !

Nhà máy Itaïpu đang vận hành (sông Parana - Brésil và Paraguay) có công suất hết sức lớn : 12 600 MW (tương đương công suất 12 lò điện hạt nhân). Nhưng nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới, đang được xây cất, là nhà máy TGP (Three Gorges Project) ở Trung quốc trên sông Yangtze (tuy không có sự hưởng ứng của 1/3 đại biểu Quốc hội). Sau đây là vài số liệu đáng lưu ý : công suất 17 680 MW ; chi phí 24 tỷ USD ; 1,5 triệu người bị di dời ; chiều cao đập 185 m, chiều dài đập 2,3 km ; thời gian xây dựng 16 năm (1993-2009).

 

6. Bản so sánh Sơn La với các đập trong nước

 
Tên đập Công suất (MW) Sản lượng điện bình quân hàng năm (tỷ kWh) Số giờ vận hành bình quân Công suất Sơn La lớn hơn (lần)  Sản lượng điện Sơn La lớn hơn (lần)
Đa Nhim

Trị An

Yaly

Hòa Bình

4 x 40

4 x 100

4 x 180

8 x 240

0,8

1,4

3,3

7,0

5000

3500

4585

3645

15,00 6,00

3,33

1,25

12,5 7,0

3,0

1,4

Điều cần biết là đối với các nhà máy thủy điện phải lý luận với sản lượng điện bình quân hàng năm (tỷ kWh) thay vì công suất đặt MW. Thiết kế những tổ máy lớn mà hay thiếu nước cho tua bin chạy cũng vô ích và phí của. Số giờ vận hành tùy thời tiết là chủ yếu. Mỗi năm Sơn La có thể vận hành trung bình 4165 giờ (hơn Hòa Bình).

Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, tuy có nhiều kinh nghiệm quý báu, sẽ gặp trở ngại về kinh phí và thời gian để hoàn thành 40 nhà máy thủy điện trong vòng 15 năm tới, như đã dự trù (chưa kể thủy điện nhỏ cần được khuyến khích) . Nếu đem làm bài toán kinh tế (calcul économique) tỉ mỉ, sự sắp hạng ưu tiên của mỗi công trình có thể bị xáo trộn.

Thay lời kết luận : Sau 2012, khi hàng ngàn khách du lịch đến viếng thắng cảnh hồ nước ; khi hàng triệu đồng bào ta bật đèn, tiêu thụ dòng điện Sơn La, Hòa Bình, Trị An, Đa Nhim, Yaly, Phú Mỹ (khí), Phả Lại (than)… hòa nhịp với nhau trên lưới, mấy ai nghĩ đến những kWh làm bằng nước Sông Đà hòa với mồ hôi, nước mắt, với bao hy sinh (kể cả tính mạng) của những kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân, phải dầm mưa dãi nắng, chịu gian khổ, trong hàng chục năm trời để hoàn thành những công trình then chốt này cho đất nước.

Vì không thể đi sâu vào chi tiết, xin mời các bạn sinh viên tham khảo các tài liệu sau đây :

- L’énergie hydraulique – Ginocchio, Nguyen Khac Nhan. Etudes et Recherches, EDF. Eyrolles, Paris 1978.

-Thủy điện - Nguyen Khac Nhan, Đại học Bách khoa - Viện kinh tế chính trị năng lượng Grenoble -1992.

- L’hydroélectricité au Vietnam – Nguyen Khac Nhan, Nguyen Tran The, Michel Ho Ta Khanh. Revue de l’Energie, N° spécial 546, Paris 2003 (www.tailieu.thoidai.org).

-Nguyen Khac Nhan trả lời một số câu hỏi về điện hạt nhân ở Việt Nam, Đoàn Kết, số 491, Paris 10/2003 (www.tailieu.thoidai.org).

 

*

Vừa qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XII có đại biểu Quốc hội nói rằng Tàu cao tốc ở Đài Loan (THSR-Taiwan High Speed Rail) tuy tự xây dựng theo phương pháp đấu thầu nhiều hạng mục với các nước khác nhau nhưng đã thành công và đến nay đã có lãi. Tuần vừa qua nhân có dịp qua Đài Loan để khảo sát khoa học tôi có dịp kiểm chứng thông tin này. Đồng chí Nguyễn Bá Cự, Chủ nhiệm Văn phòng Văn hóa Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc khẳng định thông tin này là không đúng và thực tế là vẫn đang lỗ to. Tìm hiểu qua các nhà khoa học Đài Loan mà tôi có dịp tiếp xúc mới biết năm 2009 HSR ở Đài Loan thu được 23,32 tỷ Đài tệ (khoảng 35 Đài tệ bằng 1 USD), tăng 1,2% so với năm 2008 . Mặc dầu giá vé không chênh lệch mấy so với giá máy bay nhưng do việc ra ga thuận lợi, lại có các phương tiện giao thông khác nối với các ga và với tốc độ rất nhanh (250-316 km/h) và mức sống của nhân dân khá cao (GDP tới 29 800 USD/người), cho nên năm 2009 vẫn có tới 32,349 triệu lượt hành khách sử dụng HSR, tăng 5,8% so với năm 2008.

 

Đây là chuyến đường sắt cao tốc nối Đài Bắc với Cao Hùng, dài 335,5km, chỉ có tất cả 13 ga (nhưng thực tế đỗ ít ga hơn) chạy dọc suốt lãnh thổ Đài Loan và có chất lượng rất cao. Đường sắt có chiều rộng là 1435mm, ngày 2-3-2007 mới chính thức đưa vào hoạt động. THSR được xây dựng bằng cả vốn Nhà nước lẫn vốn Doanh nghiệp và chỉ hết có cả thẩy 14,5 tỷ USD. Do đấu thầu quốc tế nên công trình này có nhiều hạng mục của nhiều quốc gia khác nhau và còn có nhiều hạng mục do Đài Loan tự thiết kế. Tập đoàn THSR (THSRC) đã thực hiện việc hợp tác với công nghệ xây dựng tàu Shinkansen của Nhật Bản, phối hợp với công nghệ của GEC-Alsthom (sản phẩm là tàu TGV của Pháp ) và Công ty Siemens (sản phẩm là tàu ICE của Đức).

Tháng 5-1998 Nhà nước giao nhiệm vụ cho tập đoàn THSRC. Việc lập dự án bắt đầu từ năm 1980 nhưng mãi đến năm 2000 mới bắt đầu khởi công. Và đến tháng 10-2006 đã hoàn thành. Như vậy là chỉ sau 6 năm đã xây dựng xong với công sức của trên 2000 chuyên gia kỹ thuật đến từ 20 quốc gia khác nhau và trên 20 000 công nhân trong và ngoài lãnh thổ. Toàn hệ thống có 73% là xây dựng trên cao và qua các cầu, cùng với 48 hầm xuyên núi (chiếm 18% chiều dài toàn tuyến).

Để “mục sở thị” hai thầy trò chúng tôi đã đi thử một chuyến suốt từ Đài Bắc đến tận Cao Hùng (giá vé mỗi chiều là 2440 Đài tệ, 33 Đài tệ là khoảng 1 USD  ~  74 USD) và thật ngạc nhiên khi thấy trên toa mà chúng tôi ngồi chỉ có đúng hai chúng tôi (!).

Thú thật tôi thấy rất lo lắng trước dự án vay 56 tỷ USD (thực tế chắc sẽ cao hơn nhiều) để xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam ở nước ta với thời gian thi công quá dài và không biết bao giờ con cháu chúng ta mới thu hồi được vốn vay. Tôi có ấn tượng sâu sắc về ý kiến cho rằng nước ta còn rất nghèo, phải tính toán tiết kiệm từng đồng ngoại tệ và phải cố gắng làm điều gì mà mình có thể tự làm chủ được công nghệ.

Thật là thú vị trước tính toán nếu làm một đường đôi tầu nhanh với đường sắt khổ rộng 1,435m thì ta có thể tự làm lấy với kinh phí ít hơn rất nhiều, mà với vận tốc 150-200km/giờ thì lên tầu ngủ một giấc sáng hôm sau đã đến thành phố Hồ Chí Minh rồi. Đâu cần gì phải đi nhanh 5-6 tiếng như ở mươi nước có tiềm năng kinh tế giàu có. Con cháu ta sau này giầu có thì có thể làm đường sắt cao tốc toàn tuyến chỉ trong vài ba năm chứ đâu cần hàng vài chục năm như chúng ta đang định làm. Thời đại công nghệ đang phát triển như hiện nay thì biết đâu vài chục năm nữa chẳng có công nghệ đường sắt cao tốc khác hẳn tàu của Nhật Bản hiện nay. Tôi rất chú ý đến ý kiến lo ngại về các tác động đối với môi trường, về diện tích rừng sẽ bị biến mất, về hậu quả của việc đào cắt tạo ta-luy cho đường sắt dài 149,5km trên đất dốc và của việc đào đắp 214,4 km trên nền đất thấp, việc xây dựng 72 đường hầm, dài tổng cộng tới 116,6 km...Mong sao đến kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay Chính phủ chưa trình tiếp Dự án này ra Quốc hội (sắp hết nhiệm kỳ). Chính phủ cần có đủ thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng hơn sau khi nghe mọi ý kiến phản biện của các chuyên gia trong và ngoài nước, cũng như ý kiến của đông đảo nhân dân cả nước.

**

Ðập thủy điện Sơn La nứt:
Ai chịu trách nhiệm khi 15 triệu người thiệt mạng?

 

Trong một báo cáo vừa được gửi đến thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,  hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia chính thức thông báo “có nhiều vết nứt tại đập không tràn bờ của công trình thủy điện Sơn La”. Những vết nứt này xuất hiện tại cả hai đập không tràn bên bờ trái lẫn bờ phải.

Thông tin kể trên làm dư luận rúng động và có vẻ những cảnh báo cách nay vài năm về một “đại thảm họa”, có nguồn gốc từ Thủy điện Sơn La, sẽ đến sớm hơn dự kiến...

Năm 1999, Tập Ðoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) bắt đầu tiến hành khảo sát để lập dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Thủy điện Sơn La là một phần trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Ðà. Trước đó, chính quyền CSVN từng cho chặn đoạn giữa của sông Ðà làm thủy điện Hòa Bình. Với dự án thủy điện Sơn La, sông Ðà sẽ bị chặn thêm một lần nữa ở đoạn phía trên thủy điện Hòa Bình để lập nhà máy thủy điện Sơn La.

Khi dự án được đệ trình, trên giấy tờ, thủy điện Sơn La trở thành nhà máy thủy điện lớn nhất Ðông Nam Á (hồ chứa nước có diện tích 224 km2, dung tích 9.26 tỉ khối nước, công suất 2 400 MW, sản lượng điện 9.429 tỉ kWh/năm, tổng vốn đầu tư là 42,476 tỉ đồng - khoảng 2.5 tỉ USD). Ðể thực hiện công trình khổng lồ đó, sẽ có 19,669 gia đình, với trên 100,000 dân, cư trú tại ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên (đa số là người thiểu số) bị buộc phải chuyển đi nơi khác.

Dù được quảng bá rằng sẽ tăng thêm nguồn điện, giảm lũ trong mùa mưa, cấp thêm nước cho đồng bằng sông Hồng trong mùa khô nhưng dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La tạo ra nhiều âu lo hơn là sự vui mừng.

Kể từ khi dự án xây dựng công trình thủy điện Sơn La được công bố, giới khoa học trong và ngoài nước đã cùng lên tiếng cảnh báo liên tục về một đại thảm họa, tác động nghiêm trọng tới kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như tương lai Việt Nam để kêu gọi chính quyền CSVN phủ quyết dự án...

Theo các chuyên gia, Sơn La nằm trong khu vực có thể bị động đất rất mạnh. Ngoài động đất trong tự nhiên, các hồ chứa nước lớn còn là nguyên nhân tạo ra những cơn địa chấn khi chúng bắt đầu tích nước (trường hợp đập Kremasta ở Hy Lạp năm 1966, đập Koyna ở Ấn Ðộ năm 1967,...). Song hành với động đất, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La còn bị đe dọa bởi những trận lũ bất thường, khó dự đoán. Bên cạnh đó, hồ chứa nước của thủy điện Sơn La còn tạo ra vô số tác động bất lợi đến môi trường: thay đổi về vi khí hậu, hệ động vật, hệ thực vật, đất bị trượt, vận tải chất rắn, suy giảm chất lượng nước, bệnh sốt rét, bệnh Bilharziose (tên một bác sĩ người Ðức, đã khám phá loại vi trùng độc hại này ở các hồ chứa nước). Chưa kể cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm ngàn người sẽ bị xáo trộn hoàn toàn.

Trong bối cảnh, đa số các trung tâm đông dân cư ở vùng châu thổ sông Hồng đều nằm dưới mực nước lũ, do rừng đã mất, biến đổi khí hậu khiến mưa bão càng ngày càng nhiều và càng lớn, Sơn La lại là vùng có động đất thường xuyên và mạnh nhất Việt Nam (giới chuyên môn xác định có sáu nếp gấp địa chất chính, có thể phát sinh động đất, ảnh hưởng đến công trình thủy điện Sơn La: đứt gãy sông Hồng, Lai Châu-Ðiện Biên, Sơn La, sông Mã-Pu Mây Tun, sông Ðà, Phong Thổ-Nậm Pìa, theo kết quả đo đạc thì từ năm 1990 đến năm 2003, trên khu vực có bán kính 200km quanh công trình thủy điện Sơn La đã xảy ra 1,089 vụ động đất, trong sáu nếp gấp vừa kể, nếp gấp Phong Thổ-Nậm Pìa chỉ cách đập chính của thủy điện điện Sơn La 5 cây số và trên thực tế, những địa chất ở nếp gấp này đã từng gây ra những trận động đất mạnh đến 5 độ Richter), nên đập thủy điện Sơn La rất dễ vỡ, nếu đập thủy điện Sơn La vỡ, đập thủy điện Hòa Bình cũng sẽ vỡ theo và như thế hồ chứa nước của thủy điện Sơn La thực sự là một “đại thảm họa”, treo lơ lửng trên đầu châu thổ sông Hồng...

Khi dự án thủy điện Sơn La được công bố, Bộ Quốc Phòng CSVN từng đòi Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư phải “chừa” lại tỉnh lộ 12 và thị xã Lai Châu, không để con đường và vị trí chiến lược này chìm dưới nước. Tuy nhiên, khi dự án được phê duyệt, cả hai đều nằm trong khu vực bị nước nhấn chìm. Không chỉ nhấn chìm những vị trí và đầu mối giao thông chiến lược, vào lúc phê duyệt dự án thủy điện Sơn La, chính quyền CSVN còn “hiến” cho Trung Quốc một “quả bom nước” khổng lồ, nằm cách biên giới Việt-Trung đúng 16 cây số. Khi cần, Trung Quốc có thể kích nổ “quả bom nước” này và sức công phá của 10 tỉ khối nước từ trên cao tràn xuống, chắc chắn không thua gì bom nguyên tử.

Do 47% lưu vực sông Ðà nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, Bộ Ngoại Giao CSVN từng gửi công hàm, đề nghị Trung Quốc trả lời về quy hoạch khai thác nguồn nước sông Ðà nhưng Trung Quốc không trả lời...

Trong một cuộc họp Quốc Hội, CSVN diễn ra vào năm 2005, để “bàn về dự án thủy điện Sơn La”, một đại biểu quốc hội CSVN đồng thời là sĩ quan quân đội CSVN, lo ngại: “Nếu đập Sơn La vỡ, một chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây có thể bị thổi... bay như một chiếc lá”. Còn các chuyên gia khác ước tính: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng...”

Bất chấp các phân tích thiệt-hơn, cũng như những cảnh báo về “đại thảm họa”, Bộ Chính Trị Ðảng CSVN vẫn chỉ đạo phải thực hiện thủy điện Sơn La. Thậm chí, tại một kỳ họp Quốc hội hồi cuối năm 2005, Phan Văn Khải, thủ tướng CSVN lúc đó đã chỉ mặt những đại biểu Quốc Hội CSVN dám nêu thắc mắc rồi nạt: “Không được bàn lùi!”

Ngày 2 tháng 12 năm 2005, công trình thủy điện Sơn La chính thức khởi công tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Việc chặn dòng sông Ðà bắt đầu...

Ðại thảm họa là điều khó tránh

Chiều 12 tháng 5 năm 2008, một trận động đất 8 độ richter (theo nghiên cứu địa chất của Hoa Kỳ, cường độ này tương đương 1.01 tỉ tấn chất nổ TNT), xảy ra tại Tứ Xuyên, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề cho 44 huyện, trên diện tích 65,000 km2. Trận động đất đã khiến khoảng 80,000 người thiệt mạng, hơn 10 triệu người trở thành vô gia cư...

Giới nghiên cứu khoa học ở Trung Quốc và trên thế giới đã đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh, hồ chứa nước Tử Bình Phô (Zipingpu) ở Tứ Xuyên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến đại thảm họa đó.

Ðập Tử Bình Phô (cao 156m, trọng lượng của hồ chứa nước Tử Bình Phô lên đến 315 triệu tấn) nằm cách đường nứt gãy, gây ra địa chấn vỏn vẹn 550m.

Ông Phạm Hiểu (Fan Xiao), trưởng nhóm kỹ sư của Cục Ðịa Chất và Khoáng Sản Tứ Xuyên, cho rằng, có thể trọng lượng khổng lồ của hồ chứa nước Tử Bình Phô đã làm đường nứt gãy mong manh hơn, ảnh hưởng đến thời điểm xảy ra động đất và cường độ của nó. Dù động đất không phải là chuyện hiếm ở Tứ Xuyên nhưng theo ông Phạm Hiểu: “Ðịa chấn có cường độ mạnh đến thế chưa từng xuất hiện trong cả ngàn năm qua. Ðộng đất sẽ xảy ra khi không có đập nhưng con đập có thể đã thay đổi thời điểm và cường độ địa chấn khiến nó trở nên mạnh hơn rất nhiều”.

Tháng 1 năm 2009, báo chí Trung Quốc đăng tải một nghiên cứu, kết luận đập Tử Bình Phô thật sự đã tạo ra các rung động địa chấn trong khu vực.

Giới khoa học cho biết phần lớn các trận động đất tại Trung Quốc là kết quả của việc kiến tạo địa tầng Ấn Ðộ di chuyển về phía Bắc va vào địa tầng Âu - Á. Ðường nứt gãy gây động đất ở Tứ Xuyên là đường ranh giới chủ chốt giữa lòng chảo Tứ Xuyên và cao nguyên Tây Tạng. Ông David Schwartz, một nhà địa chất làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) nhận xét: “Nếu được xây ở Mỹ, con đập đó không thể gần một đường nứt gãy đang hoạt động đến thế”.

Ða số chuyên gia cùng tin rằng hồ chứa nước Tử Bình Phô là yếu tố khiến đại thảm họa diễn ra sớm hơn dự kiến. Ông Christian Klose, một nhà địa chất làm việc tại Ðại Học Columbia (Hoa Kỳ) ước tính: “Ðập Tử Bình Phô tạo ra áp lực cao gấp 25 lần so với áp lực đường nứt gãy tích tụ trong một năm, dù rất nhỏ so với áp lực tự nhiên tích tụ trong hàng ngàn năm nhưng áp lực phụ do con đập tạo ra có thể là đủ để trận động đất xảy ra sớm hơn hàng chục năm so với 'thời biểu' tự nhiên”. Ông David Schwartz ví von: “Nó giống như một tòa lâu đài trên cát rung chuyển trong gió mạnh, bạn chạm rất nhẹ vào nó và nó sụp đổ”.

Trong vài thập niên vừa qua, chính quyền Trung Quốc liên tục cho xây dựng nhiều hồ chứa nước lớn để phục vụ các nhà máy thủy điện, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về điện năng, giảm lũ lụt. Giới khoa học trong và ngoài Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về việc xây dựng các con đập khổng lồ có thể tác hại nghiêm trọng đến cấu trúc tự nhiên của các con sông, dẫn đến những thảm họa sinh thái và cũng giống như chính quyền CSVN, giới cầm quyền Trung Quốc đã phớt lờ tất cả những khuyến cáo này.

Sau trận động đất 8 độ richter xảy ra hôm 12 tháng 5 năm 2008, ngày 30 tháng 8 năm 2008, một trận động đất 6.1 độ richter xảy ra tại thành phố Phán Chi Hoa, cũng thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, làm chết thêm khoảng 30 người, làm bị thương thêm khoảng 360 người, phá hủy 180,000 ngôi nhà và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của 600,000 dân ở hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.

Vào lúc này, đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới, được xây dựng để phát điện và ngăn lũ trên sông Dương Tử đã gây ra vô số vấn nạn đau đầu cho chính quyền Trung Quốc. Nguy cơ vỡ các đập nước do tác động của động đất đang đe dọa dân chúng ở quốc gia này. Chính quyền Trung Quốc thú nhận, Trung Quốc đã và đang có 400 đập nước hoặc đã bị phá hủy hoặc có thể vỡ vì trở thành rất yếu sau nhiều vụ động đất lớn, nhỏ.

Nhìn lại Việt Nam, thủy điện Sơn La cũng đang tạo ra hàng loạt vấn nạn tương tự. Thậm chí, thời gian xây dựng thủy điện Sơn La đã được rút ngắn từ 10 năm (2005 - 2015) theo dự kiến xuống còn 7 năm (2005 - 2012). Việc giảm gần 1/3 thời gian thi công một nhà máy thủy điện có diện tích lưu vực khoảng 44,000 km2, diện tích vùng hồ khoảng 224 km2 không phải là thành tích. Nó chỉ tăng thêm nguy cơ vì việc kiểm tra đòi hỏi phải chặt chẽ, việc giám sát tất cả các phản ứng của đập, bảo đảm chất lượng công trình sẽ khó khăn hơn. Ðối với các hồ chứa nước, bảo đảm an toàn của đập nước không phải chỉ đòi hỏi sự cẩn trọng trong nghiên cứu sơ khởi, tính toán, thiết kế, xây cất chu đáo mà còn phải kiểm tra, tu bổ nghiêm khắc trong suốt thời gian khai thác.

Trong vụ “xuất hiện nhiều vết nứt tại đập không tràn bờ cả hai bên phải, trái của công trình thủy điện Sơn La”, một công ty có tên là Colenco, đảm trách vai trò tư vấn cho chủ đầu tư là EVN, đã biện bạch rằng những vết nứt ấy... không đáng ngại. Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng quốc gia không tán thành lối biện bạch rằng. Trong báo cáo gửi Thủ tướng CSVN, họ nhận định: “Những nhận định của Colenco về nguyên nhân nứt ở các khối đổ và ảnh hưởng của các vết nứt đến an toàn chịu lực của đập chưa thuyết phục. Ðể có biện pháp ngăn ngừa nứt cho các khối đổ tiếp theo cũng như biện pháp xử lý vết nứt, yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế tính toán, kiểm tra, khảo sát đầy đủa về các thông số môi trường (nhiệt độ không khí, độ ẩm tương đối, bức xạ nhiệt...), hồ sơ hoàn công các lớp đổ. Ngoài ra, phải kiểm tra độ ổn định và độ bền của đập trong điều kiện vẫn tồn tại các vết nứt.”

Dù sự kiện này rất nghiêm trọng nhưng chưa ai biết những vết nứt này có được “bỏ qua” hay không (?) Cung cách quản lý, điều hành của chính quyền CSVN vốn đầy những khiếm khuyết cả do thiếu hiểu biết, thiếu khả năng lẫn bị chi phối bởi vô số gian ý. Vào ngày 10 tháng 2 năm 2009, khi đề cập đến thủy điện Sơn La, tờ Công An Nhân Dân cho biết: “Theo Bộ Nông nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, chương trình di dân khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La đang bộc lộ hàng loạt bất cập, không chỉ chậm chạp về tiến độ, mà ngay cả những nơi đã tái định cư thành công, hàng ngàn gia đình vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn do cơ sở hạ tầng xuống cấp... Tỷ lệ gia đình đã được di dời so với mục tiêu chung chỉ đạt khoảng 64.3%. Trong số 19,669 gia đình cần phải di dời, mới có 12,650 gia đình được tái định cư. Tờ Công An Nhân Dân dẫn lời ông Lê Văn Thành, phó văn phòng Ban Tái Ðịnh Cư Thủy Ðiện Sơn La, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn cho biết: “Trong năm 2009, chính phủ đã giao chỉ tiêu cho ba tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu phải di dời và tái định cư gấp 5,998 gia đình nhưng các tỉnh vẫn chưa lập được kế hoạch di dời”.

“Ðại thảm họa” Sơn La vẫn hiện hữu. Hãy nhớ: “Nếu đập Sơn La vỡ, sau 30 phút, toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ sẽ bị chìm sâu dưới mực nước từ 4m đến... 60m và sẽ có khoảng 15 triệu người thiệt mạng...”

http://www.viet-studies.info/kinhte/DuAn_SongLa_AiChiuTrachNhiem.htm

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Khắc Nhẫn