Điện hạt nhân: Nhu cầu và các quan ngại

Vietsciences- Phạm Duy Hiển                    20/11/2009

 

Những bài cùng tác giả

Các đại biểu Quốc hội hiện đang thảo luận về dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, dự kiến được xây dựng ở tỉnh Ninh Thuận.

17566

AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
 

Việt Nam đang cân nhắc cùng lúc nhiều dự án phát triển năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trình ra quốc hội xem xét lần này thì từ năm 2020 đến 2022 Việt Nam sẽ có 4 lò phản ứng với công suất 4,000 MW. Cũng theo báo cáo đầu tư này thì đến năm 2025 Việt nam sẽ có thêm 4 lò nữa, nâng tổng công suất lên 8,000 MW.

Liệu Việt Nam đã thực sự cần nhà máy điện hay chưa? Việt Nam có cân nhắc đến các vấn đề về sự cố có thể xảy ra với lò phản ứng đến mức độ nào? Mốc thời gian mà Việt Nam đặt ra như vậy có khả thi hay không?

Việt Hà có bài phỏng vấn Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và hiện là Chủ tịch Hội đồng khoa học Cục Kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân.

Nhu cầu

Trước hết, trả lời câu hỏi Việt Nam đã thực sự cần điện hạt nhân hay chưa, ông cho biết như sau:

GS Phạm Duy Hiển: Theo tôi thì Việt Nam bây giờ đang phát triển kinh tế mạnh và dĩ nhiên là có nhu cầu phát triển điện năng rất mạnh. Tuy nhiên sử dụng điện ở Việt Nam là tương đối lãng phí nhiều so với các nước trên thế giới và các nước trong vùng.

Có lẽ là điện hạt nhân là cần thiết sau 2020, thì tôi thấy cái mục tiêu đó đặt ra thì cũng là hợp lý. Vấn đề nó khả thi đến mức nào thì là câu chuyện khác.

GS Phạm Duy Hiển

Gia tăng về điện năng hàng năm cũng vào loại cao nhất trong vùng, xong rồi cái hiệu quả mà sử dụng điện cũng vào loại thấp nhất trong vùng. Cho nên trước hết là phải giải bài toán ấy. Mà lãng phí không phải là do tập đoàn quản lý điện. Lãn phí là do nền kinh tế có vấn đề.

Quan điểm của tôi là như vậy. Tuy nhiên giải quyết cái này thì không thể nhanh được, phải có thời gian. Vì vậy cho nên chắc chắn là năm 2020 và sau đấy Việt Nam vẫn cần phải giải quyết vấn đề điện năng bằng cách xem xét ứng dụng hạt nhân, vì than Việt nam cũng không có nhiều mà cái này nó gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Còn thuỷ điện, bây giờ chắc là cũng gần hết. Mà nhất là thời gian gần đây ta thấy là thuỷ điện nó cũng gây ra lũ lụt, chết chóc, ngập lụt, vân vân, các năng lượng tái tạo khác đáng lý phải phát triển mạnh lên nhưng mà nói chung là còn đắt nên các cơ quan đầu tư ở Việt nam cũng chưa thật là mặn mà lắm.

Cho nên có lẽ là điện hạt nhân là cần thiết sau 2020, thì tôi thấy cái mục tiêu đó đặt ra thì cũng là hợp lý. Vấn đề nó khả thi đến mức nào thì là câu chuyện khác.

Việt Hà: Thưa giáo sư, ông nói vấn đề khả thi là một câu chuyện khác, vậy xin ông giải thích cụ thể điều này?

GS Phạm Duy Hiển: Mức độ khả thi là đặt mốc 2020 thì không cao lắm, là bởi vì Việt Nam chưa hội đủ nhiều điều kiện để có thể làm cấp tập từ nay đến năm 2020, thì nó có điện hạt nhân. Nhất là đây là nhà máy đầu tiên, Việt Nam lại chưa có kinh nghiệp, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ, cho nên là phải quyết tâm lắm thì mới có thể làm được và làm như thế thì phải rất thận trọng.

Do đó cho nên tôi cứ nghĩ là cứ đặt mốc như thế nhưng đừng đặt ra cái chuyện là quyết liệt là năm 2020 phải có điện hạt nhân rồi thì làm bằng mọi giá.

Do đó cho nên phải có đủ thời gian để có thể nói rằng là cả hệ thống vận hành tốt. Mà nhất là đội ngũ nhân lực, đội ngũ chuyên gia không có đầy đủ, và muốn làm chủ được công nghệ đến mức nào đấy, tức là không quá phụ thuộc vào người nước ngoài, thì dĩ nhiên tất cả những cái đó đòi hỏi thời gian.

Và bây giờ mà quốc hội thông qua thì có thể làm thí điểm. Có lẽ là phải có một cách làm thế nào đấy để bảo đảm cái điện hạt nhân không gây ra những chuyện lo ngại cho dân chúng, và cũng không để lại những hậu quả không mong muốn.

Bây giờ mà quốc hội thông qua thì có thể làm thí điểm. Có lẽ là phải có một cách làm thế nào đấy để bảo đảm cái điện hạt nhân không gây ra những chuyện lo ngại cho dân chúng, và cũng không để lại những hậu quả không mong muốn.

GS Phạm Duy Hiển

Thực tế cho thấy một nước phát triển như Phần Lan, xây có một lò thôi, rất tiên tiến, mà nó trễ tiến độ 3 năm, như thế là nhiều lắm. Do đó một lúc mà mình xây nhiều lò tại Việt nam là không khả thi.

Tôi cho rằng muốn khả thi thì nên bắt đầu từ một lò, rồi sau đó lò tiếp theo nhưng mà trong một giai đoạn dài, làm thế nào để từ lò thứ nhất sang lò thứ hai thì Việt Nam trưởng thành lên rất nhiều mặt, thứ nhất là nhân lực trình độ cao có nhiều hơn, rồi thì Việt Nam tham gia vào quá trình đó nhiều hơn, rồi học tập làm thế nào để có cơ sở hạ tầng pháp lý, quy phạm đầy đủ hơn, và những cái đó cần thời gian để thử thách.

Vì thế cho nên nó không khả thi ở chỗ mốc thời điểm là 2020 là hơi sớm. Không khả thi thứ hai là không thể xây cấp tập một thời gian ngắn nhiều lò như vậy được.

Những quan ngại

Việt Hà: Thưa giáo sư, vấn đề quan ngại lớn nhất khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam là gì, có phải do vấn đề về môi trường không?

GS Phạm Duy Hiển: Cũng không hẳn như vậy, nếu nhà máy điện hạt nhân vận hành bởi những người có trình độ hiểu biết cao thì nó không thoát ra môi trường nhiều những chất phóng xạ độc hại như mọi người thường nghĩ đâu. Nhưng mà trừ trường hợp xảy ra sự cố.

Nhưng trường hợp xảy ra sự cố thì loại lò thế hệ thứ 3 trở lên thì người ta cũng hạn chế nhiều khả năng thoát ra môi trường bên ngoài. Nhưng có rất nhiều sự cố khác thoát ra ở phạm vi hẹp thì cũng có không loại trừ khả năng ấy. Giả sử lò bị tai nạn phóng xạ chẳng hạn dẫn đến hàng chục người bị chiếu xạ rồi vào bệnh viên, vân vân, thì chỉ có vậy thôi thì cũng gây hậu quả nặng nề về mặt tâm lý.

Cho nên nói chung, nói về môi trường không thôi thì cũng không đúng mà là tất cả những sự cố điện hạt nhân là cái mọi người đều biết là phải cố tránh để nó không xảy ra, cái đó là cái vấn đề quan trọng. Và cái này đòi hỏi người hiểu biết. Đội ngũ rất hiểu biết thì mới quản lý được nó tốt. Đội ngũ vừa có hiểu biết, vừa đạo đức nghề nghiệp, chủ yếu là kỷ luật nghề nghiệp nghiêm minh.

Mà cái kỷ luật ấy ở Việt Nam thì thường là khó có thể bảo đảm được. Và hệ thống quản lý mà hệ thống đó dựa trên một cơ sở hạ tầng pháp lý, các pháp quy và các tiêu chuẩn và các cái đó đều phải được tôn trọng.

Việt Hà: Thưa ông, chính phủ Việt Nam có hỏi ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia như ông về vấn đề này hay không trước khi họ đưa dự án trình quốc hội? chẳng hạn như tổ chức hội thảo chẳng hạn?

GS Phạm Duy Hiển: Hội thảo thì nhiều nhưng người nước ngoài đến rồi họ tuyên truyền chuyện của họ, còn việc đưa ra quyết định thế nào, đưa ra chính phủ, đưa ra quốc hội, trong bản mới chưa có thể hiện ý kiến, không có nhiều mà chỉ có một số nhà khoa học nói về những cái ý như tôi vừa nói thì chưa thể hiện được.

Trong cái báo cáo gửi lên quốc hội thì họ vẫn xin làm trước 4 lò từ năm 2020 đến 2022, đấy là xin quốc hội. Còn trong báo cáo đầu tư thì họ nói là từ 2023 đến 2025 thì họ làm tiếp 4 lò nữa như vậy là những ý kiến mình phản ảnh mấy lần nói là phải làm thận trọng thì không được đưa vào đó, nhưng mà mấy ngày hôm nay có một số ý kiến đưa ra thì thấy có một số đại biểu người ta cũng nhắc nhiều đến việc thận trọng theo chiều hướng chúng tôi vẫn nói vì vậy ta phải chờ xem quốc hội biểu quyết thế nào về chuyện này.

Những nhà khoa học như chúng tôi là đã lâu năm trong nghề này, mặc dù chúng tôi biết đôi khi nói thì cũng không thích, nhưng mà vì sự nghiệp chung thì chúng tôi vẫn phải nói còn nghe đến mức nào thì ta phải xem.

GS Phạm Duy Hiển

Vai trò phản biện?

Việt Hà: Thưa giáo sư, dự án Bô xít trước đây ở Tây nguyên cũng có nhiều góp ý của các nhà khoa học với chính phủ nhưng cuối cùng chính phủ vẫn cho tiến hành dự án này và nói rằng đó là chủ trương lớn của Đáng và chính phủ. Vậy ông có lo ngại rằng dự án điện hạt nhân cũng sẽ bị đối xử tương tự như vậy không?

GS Phạm Duy Hiển: Những nhà khoa học như chúng tôi là đã lâu năm trong nghề này, mặc dù chúng tôi biết đôi khi nói thì cũng không thích, nhưng mà vì sự nghiệp chung thì chúng tôi vẫn phải nói còn nghe đến mức nào thì ta phải xem.

Tôi không dám khẳng định nhà nước có nghe hay không nghe, nhưng mà dĩ nhiên bên nhà đầu tư là bộ công thương thì họ phải có những cái ý đồ tính toán của họ còn cuối cùng quốc hội quyết thế nào thì đấy là trọng trách của quốc hội.

Bây giờ tôi chưa dám khẳng định thế nào. Chỉ biết là mình có hiểu biết và kinh nghiệm trong chuyện này thì hôm nay cũng muốn góp tiếng nói như vậy, còn nếu không được thì cũng chịu thôi chứ làm sao được. Tôi tin, mới bắt đầu thôi mà nên tôi tin là dần dần nhiều người sẽ nghe ra.

Việt Hà: Xin cảm ơn giáo sư đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn này.
 

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-first-nuclear-power-plan-VHa-11102009104201.html

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Phạm Duy Hiển