Gặp lại người cắm cờ Mặt trận giữa Sài gòn

Vietsciences- Hồng Lê Thọ            22/11/2011
 

Những bài cùng tác giả

Những bài cùng đề tài

 


 

Trong những ngày cuối năm 2006, tức đã hơn 33 năm trôi qua, tôi may mắn được gặp lại anh André Menras tại thành phố Hồ chí Minh, người mà chúng tôi đã gặp ở Tokyo vào tháng 6/1973, sau khi anh và Jean Pierre Debris được trả tự do sau hai năm rưỡi bị giam cầm trong tù ở miền nam vì tội “phá rối trị an” của toà án quân sự (quân đội sài gòn). Giữa những năm sôi sục đấu tranh phản đối chiến trạnh xâm lược Mỹ của mọi tầng lớp trên thế giới, ngày 20/7/1970 có hai người thanh niên Pháp đã phát truyền đơn khắp nơi trong thành phố và dũng cảm leo lên tượng Thủy quân Lục chiến  trên công trường Lam sơn giữa Sài gòn, tung cờ của Mặt trận Giải phóng một cách ngạo nghễ trước toà nhà Hạ viện của quốc hội Sài gòn thời bấy giờ(nay là Nhà hát thành phố) để phản đối sự có mặt của quân đội Mỹ đang “phạm tội tày trời đối với nhân dân Việt nam” mà các anh đã chứng kiến trong thời gian làm giáo viên giảng dạy tại trường trung học của Pháp tại miền nam. 

 

 

 
Đọc lại bản cáo trạng của toà án lúc ấy,có đoạn:

 
Sở dĩ y(Menras) treo cờ mặt trận giải phóng miền nam và rải truyền đơn là vì trong hai năm sinh sống tại Việt nam y nhận thấy người ngoại quốc nhất là ngừoi Mỹ đã làm thối nát xã hội nầy và cũng do những kẻ cầm giữ và chấp nhận sự hiện diện đó(ám chỉ chính quyền Nguyễn văn Thiệu—HLT chú).Chỉ có một đoàn thể chính trị mệnh danh là Mặt trận giải phóng miền nam không chấp nhận sự kiện nêu trên nên y đã quyết định…rải truyền đơn chống chính phủ việt Nam cộng hoà, trương cờ MTGPMN trên bức tượng thuỷ quân lục chiến…truyền đơn thì do y quay máy roneo riêng đã được phân phát rải dọc theo các đường vùng Dakao,Khanh Hội,Tân sơn Nhất,Chợ lớn…”

 
        (trích Bản Cáo trạng của Toà án quân sự Mặt trận quân khu 3,ngày 28/9/1970).

 
Chính quan toà cũng chẳng biết đối phó thế nào, lúng túng qui kết và phạt tù hai anh tại nhà lao Chí Hoà với án 3 năm. Hành động này của chính quyền Thiệu đã gây căm phẩn trong dư luận và kết quả là một phong trào rầm rộ, quyết liệt đòi trao trả tù chính trị theo hiệp định Paris, chấm dứt việc giam giữ đày đoạ tù nhân trong các chuồng cọp, chuồng bò và trả tự do cho anh chị em sinh viên học sinh đấu tranh vì hoà bình, dân chủ dân sinh ở miền nam. Thoát khỏi gông cùm của chế dộ phát xít, André Menras cùng với Jean Pierre Debris mở chiến dịch đi khắp nơi trên thế giới, tố cáo chế đô lao tù phi nhân ở miền nam và thực trạng của anh chị em đấu tranh cam khổ kiên cường dưới gọng kềm  khắc nghiệt của những tên cai tù khát máu. Trong chuyến đi đó anh Menras đã ghé Nhật bản và tìm gặp anh em Việt nam trong phong trào yêu nước. Anh ghi trong sổ tay nhật kí:”ngày 2 tháng 6 năm 1973:gặp hơn 40 anh em người Việt, có anh em từ Huế sang đây nghe kể sụt sùi khi biết được sự thật(trong lao tù), cảm động vô cùng…”. Đúng vậy, chúng tôi đã đưa anh Menras về “trụ sở” của phong trào ở quận Itabashi(Tokyo ) một căn nhà tiền chế bằng gỗ chót vót trên lầu năm của một người Triều tiên cho mượn làm nơi hoạt động của anh em tại Nhật bản. Dù mới gặp nhau lần đầu nhưng ai cũng muốn ôm chầm lấy anh, hỏi han những bạn bè đang bị giam cầm ở các nơi, một buổi gặp kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng  mọi người đều không muốn kết thúc, với vốn tiếng Việt ít ỏi, anh Menras pha lẫn với tiếng Pháp nên ai cũng hiểu được những điều anh kể, thích thú với những chi tiết lúng túng của quan toà trước bản cáo trạng vô tình ca ngợi Mặt trận giải phóng miền nam của các anh thanh niên người Pháp nầy.
Nhìn anh bây giờ, tôi nói:
-trông anh bây giờ vẫn còn trẻ và năng động như xưa !
Menras trả lời:
 
 
“Nous deux”(cả hai chúng ta) rồi cười thoải mái.

 
 

 
André & tác giả

 

 
Thật ra, nhìn lại tấm ảnh Menras chụp chung với anh em ở Nhật lúc bấy giờ thì đúng là “thời thanh niên sôi nổi”, mặt ai cũng tươi, rạng rỡ mặc dù kham khổ không kém, còn bây giờ thì cả anh lẫn chúng tôi đều bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, tóc hoa râm nhưng có lẽ cùng lứa với nhau, cùng” già” một lúc nên lại thấy bạn mình “trẻ lại” chăng. Những ngày Menras lặn lội từ đông sang tây, từ Mỹ, Pháp, Đức rồi Nhật, Úc,Tân tây lan…sau khi ra tù, trùng khớp với cuộc đấu tranh quyết liệt của anh em trong nước, tạo ra một làn sóng phản đối quyết liệt hơn, đẩy chính quyền Thiệu vào thế bị động không những trên chiến trường mà còn trên mặt trận dư luận quốc tế, là nguồn động viên lớn lao đối với những người còn bị chúng giam cầm đày ải trong địa ngục ở Côn đảo, Phú quốc, Tân Hiệp…Chính vì vậy trong tài liệu Menras gom lại thành tập gửi cho tôi mấy ngày trước (tháng 12/2006) có một tờ giấy ghi lại bài thơ tặng anh của Ni sư Huỳnh Liên, hàng loạt chữ kí mừng vui ngày hội ngộ của các anh Võ Như Lanh, Lê văn Nuôi, Võ thị Thắng,Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Công Giàu…những người bạn chiến đấu của Hồ Cương Quyết (tên Việt của Menras) vào một thời đầy “máu và hoa” của những năm tháng khói lửa.
Ngồi tâm sự bên nhau hơn một tiếng đồng hồ, biết bao nổi niềm sau hơn 30 năm xa cách, giữa thành phố Hồ chí Minh thân yêu nầy chúng tôi càng thấm thía giây phút hòa bình đang có, càng bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó năm xưa, dù ở Nhật, ở Pháp hay ở bất cứ nơi đâu, cũng đã có hàng trăm, hàng nghìn và hàng triệu thanh niên thời chúng tôi khắp nơi trên địa cầu hướng về mảnh đất bom đạn thương đau nầy, hô vang khẩu hiệu đòi hoà bình, phản đối chiến tranh mà anh Menras vừa là nhân chứng vừa là một chiến sĩ kiên cường bên chiến hào của những người Việt Nam yêu nước .
Báo Akahata ở Nhật (ngày 25/3/1973) đã đăng rất lớn bài tường thuật về sự khủng khiếp của tù chính trị mà hai anh đã chứng kiến và kể lại. Trong số hàng chục bài báo khắp nơi viết về hoạt động của Menras trong thời gian ở Nhật bản, cảm động biết bao khi anh vẫn còn giữ lại tờ báo “Phá Xiềng”(bằng tiếng Nhật) của chúng tôi số 12 tháng 5/1973, đăng nội dung đặc biệt về tội ác của chính quyền Sài gòn trong việc giam giữ, đánh đập, tra tấn tù chính trị mà sinh viên học sinh ở miền nam là chủ yếu.
Trước khi chia tay lên đường về Pháp, Menras nói: ”những ngày tháng đó đối với tôi là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời, tìm được những người bạn có tâm hồn trong sáng, lý tưởng biết bao. Tình cảm nầy không hề phai mờ , vẫn nằm sâu trong trái tim tôi”.

 
Chúc anh và gia đình một mùa Xuân an lành và hạnh phúc.

 
Hồng Lê Thọ(Tokyo)
Tháng 12/2006

đã đăng trên nhiều báo(SKĐS,PLTPHCM...)

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Hồng Lê Thọ