Góp phần xây dựng một thái độ văn hóa từ góc nhìn của thành tố Phật giáo, xem lại bản "đề cương văn hóa" (1943)

Vietsciences- Phạm Trọng Luật                      05/10/2009

 

Những bài cùng tác giả

 

1) QUỐC GIA VIỆT NAM: ÐE DOẠ CHÍNH TRỊ

 

Ðất nước Việt Nam thuộc vào loại tập hợp mà thuật ngữ chính trị hiện đại gọi là một «quốc gia» (nation). Nhưng có thật chúng ta là một quốc giahay không? Câu hỏi, thoạt nghe, có mặt ngây thơ.

Từ «quốc gia» thường được xem là một trong những khái niệm chính trị «đặc tây phương»mà hai quan điểm mấu chốt và đối lập đã thành hình vào khoảng giữa các thế kỷ 18 và 19: 1) «Quốc gia» như một cộng đồng hữu cơ những con người cùng mang một huyết thống và cùng thừa hưởng một nền văn hoá;  2) «Quốc gia» như một tập hợp tự nguyện những cá nhân cùng chấp nhận một định mệnh, một hành trình tập thể.

Nhưng sự thật là, từ nhiều thế kỷ trước khi định nghĩa chủng tộc văn hoá của Herder và Fichte, hay định nghĩa công ước chính trị của Stuart Mill và Renan ra đời, thì Việt Nam đã là một quốc gia trọn vẹn, dù dưới quan điểm nào. Hãy đọc lại bài thơ nổi tiếng của Lý Thường Kiệt (1077) hay bài hịch «Bình Ngô Ðại Cáo» của Nguyễn Trãi (1428) (2). Hãy nhìn lại những cuộc chiến tranh giành độc lập của các triều đại quân chủ.

Song Việt Nam có còn là một quốc gia nữa không? Câu hỏi, ngược lại, có thể là không ngây ngô. Liệu người Việt Nam chúng ta ngày nay còn cùng kế tục một nền văn hoá, hay cùng muốn chia sẻ một tương lai chính trị?

Còn có một di sản văn hoá Việt Nam chăng, khi nhìn lại quá khứ, người trí thức Việt Nam, từ nửa sau thế kỷ 19, đã không do dự kết án những «truyền thống dân tộc» của mình là tội phạm chính trong hoạ mất nước? Còn có thể trông cậy vào triển vọng một cộng đồng văn hoá Việt Nam tân tiến chăng, khi nhìn vào hiện tại, người trí thức Việt Nam, trước ngưỡng cửa của thế kỷ 21, vẫn không nghi ngại tố cáo các «thành tố văn hoá mới» của mình, hoặc như một loại cỏ độc, hoặc như công cụ xâm lược của ngoại bang?

Còn có một định mệnh chính trị chung nào cho người Việt Nam chăng, khi mặt trái của thắng lợi giành độc lập thống nhất lại chính là một cuộc di dân khổng lồ, mặt trái của những mộng mị về «thiên đường cộng sản» ở thượng tầng quyền lực cũng chính là cơn ác mộng sinh kế của hạ tầng nhân dân? Còn có thể tin tưởng rằng chúng ta đang cùng xây dựng chung một cơ đồ Việt Nam chăng, khi mặt trái của nền «kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa» ngày nay, ngoài sự tăng trưởng bất thần của một tầng lớp mafia đỏ, lại chính là sự kiệt quệ của mọi gia đình lao động lương thiện, song song với sự hủy hoại tàn khốc tất cả những gì là thuần phong mỹ tục, môi trường sinh thái, hoặc tài nguyên cùng tiềm năng quốc gia?

Sự thật là quốc gia Việt Nam hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng nền móng nghiêm trọng vào bậc nhất từ thời dựng nước, nếu không muốn nói là đang bị đe doạ tự giải thể dần ngay từ cơ sở.

 

2) VĂN HOÁ VIỆT NAM: THÁP BABEL THÁCH ÐỐ

 

Vấn đề Việt Nam, tất nhiên, là một vấn đề chính trị cụ thể: làm sao tìm lại được một phương thức tổ chức xã hội, một phương hướng tiến hoá có thể được mọi người cùng chấp nhận. Nhưng làm sao có thể tạo ra đồng thuận chính trị, nhằm xây dựng một chương trình hành động hướng đến một tương lai chung cho mọi người Việt Nam, khi bản thân quốc gia Việt Nam lại là một thứ tháp Babel về tư tưởng và giá trị? Vấn đề Việt Nam, từ nền tảng và trong chiều sâu, là một vấn đề văn hoá.

Hãy cứ tạm dùng «đạo giáo» như một danh từ chung (3) để chỉ tất cả những thế giới quan nào  - từ tôn giáo hữu thần cho đến chủ nghĩa vô thần - bao gồm một phần lý thuyết có thể giảng dạy, học hỏi (giáo) và một con đường thực tiễn để tu tập, hành động trong xã hội (đạo). Quốc gia Việt Nam, hiện nay, mang trong lòng mình ít nhất là năm đạo giáo lớn như vừa xác định: Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo, Ki Tô Giáo và chủ nghĩa Marx. Với một số đặc điểm chung: 1) Ðây là những đạo giáo được nhập nội từ bên ngoài;  2) Mỗi đạo giáo đều có kích thước toàn cầu và được phổ biến sâu rộng ở Việt Nam; 3) Hầu hết đều đã từng giữ vai trò thống trị một thời trong lịch sử dân tộc (4).

Hãy thử đưa ra một cái nhìn toàn cảnh ngày nay, dù phải giản lược đôi chút. Trong nước, Khổng Giáo và Lão Giáo, dù đã chìm dần vào phần tiềm thức hay vô thức của dân tộc, vẫn âm thầm tồn tại nơi đền đài, lăng miếu, trong phong tục, tập quán, ở phong cách hành xử của quần chúng. Trái lại, Phật Giáo, Ki Tô Giáo và chủ nghĩa Marx còn hiện diện rất sống động trên phần nổi của ý thức văn hoá quốc gia đương thời, dù với nhiều quan hệ lịch sử nghiêng về đối kháng, nhờ đã được định chế hoá rộng khắp qua những chùa chiền, nhà thờ, các tổ chức quần chúng, và một số thành tựu văn hoá xã hội. Bên ngoài, một số đạo giáo khác, quan trọng hơn cả là các «chủ nghĩa đa nguyên», «chủ nghĩa hậu hiện đại» - với một nội dung ngày càng được hệ thống hoá chặt chẽ - đang kiên trì tìm đường xâm nhập.

Ðấy là cái bối cảnh văn hoá của Việt Nam trước bậc thềm của thế kỷ 21. Trước cục diện này, chúng ta sẽ làm gì, đối với những đạo giáo cổ truyền tiếp thu từ Ðông Phương, cũng như đối với các đạo giáo đã từ Tây Phương du nhập, hay đang gõ cửa?

Thật ra, chúng ta không có bao nhiêu chọn lựa. Ngoài một công trình tổng hợp có thể sẽ không bao giờ hình thành nổi từ những hệ thống tư tưởng và giá trị cực kỳ khác biệt - nếu không muốn nói là hoàn toàn xung khắc -, chỉ còn lại một hai khả năng. Hoặc các đạo giáo nói trên sẽ tiếp tục - khi không có xung đột - nằm song song trên đất nước này, trong sự lãnh đạm với nhau hoặc nghi kỵ lẫn nhau, như những thùng thuốc súng chờ ngày ngoại nhân châm ngòi để nổ. Hoặc chúng - nghĩa là chính chúng ta - sẽ đối thoại với nhau để thiết lập ra một thứ «hiến chương văn hoá» có tiềm năng cho phép các bên cùng sống chung với nhau trong cảnh thanh bình hay, hơn thế nữa, trong quan hệ hợp tác.

Như một bước đầu khiêm tốn, bài này có tham vọng - tất nhiên, với tất cả những hạn chế không thể tránh khỏi của người viết - góp phần xây dựng một thái độ văn hoá đúng đắn, tuy xuất phát từ tinh thần của Ðạo Phật, nhưng không chỉ giới hạn vào riêng môi trường Phật tử, nhằm tiến đến mục đích nói trên.

 

3) TỪ VĂN HOÁ ÐẾN MỘT THÁI ÐỘ VĂN HOÁ

 

Trước hết, cụm từ «thái độ văn hoá»dùng ở đây, tự nó, đã bao hàm một quan điểm về văn hoá cần được minh định ngay từ đầu, trong tất cả mọi kích thước.

Dù nhìn như một đơn vị của nhân loại hay như thành viên của một xã hội cá biệt, con người là sinh vật duy nhất do sự sống tập thể mà sản sinh ra «văn hoá». Các sinh vật khác, dù ít nhiều có trí khôn và dù biết sống tập thể, cũng chỉ có khả năng thực hiện được một vài công trình - đôi khi khá phức tạp như tổ ong - dựa trên bản năng. Văn hoá, trái lại, là sản phẩm của sự sáng tạo, dù là văn hoá của loài người nói chung hay văn hoá của một dân tộc nói riêng.

Một mặt, văn hoá là tất cả những gì con người đã sản sinh ra để đối phó với những thách thức của cuộc sống, để xác định vị trí và tương quan của mình với thế giới siêu nhiên, với giới tự nhiên, với cộng đồng xã hội, với đồng loại, v. v... Mặt khác, nó là tất cả những gì con người đã tạo tác ra để khẳng định sự siêu việt của mình trên các loài cầm thú, để không bị đồng hoá với các giống loại thấp kém hơn.

Văn hoá, như vậy, chính là sản phẩm đặc thù, là nét đặc trưng của con người, nói chung hay nói riêng. Trước hết, con người như một sinh vật bình thường, một thứ «nòi tình» có đủ tất cả mọi nết hay, tật xấu: đó là văn hoá theo nghĩa của các nhà dân tộc học và xã hội học. Sau đó, con người như một sinh vật thượng đẳng, một thứ «chủ thể» được lý tưởng hoá, với tất cả những đặc tính cao quý nhất: đó là văn hoá theo nghĩa của các nhà quy phạm hay mô phạm.

Từ thân phận tầm thường, con người luôn luôn muốn vươn lên một vị trí cao đẹp hơn. Do đó, văn hoá, dù trong bối cảnh nào, cũng sẽ mãi mãi là một tiến trình tự đấu tranh, tự đánh giá, tự gạn lọc: gìn giữ, vất bỏ, cải đổi, thu nhận, truyền đạt... Nhà dân tộc học Việt Nam có thể say sưa nghiên cứu hiện tượng đồng bóng như một nét độc đáo của truyền thống dân tộc. Nhà mô phạm Việt Nam, trái lại, có thể nhận định nó như một tệ đoan xã hội cần phải bài trừ.

Và cũng chính trong điều kiện này mà một thái độ văn hoá thích hợp là cực kỳ cần thiết, đối với tất cả những ai mong muốn đóng góp vào việc xây dựng một nền văn hoá xứng đáng cho dân tộc mình, nhất là khi hiện tượng khúc xạ, bóp méo, hoặc nguy cơ ngộ nhận, xuyên tạc đã mai phục sẵn ngay trong nhãn quan đạo giáo riêng của chính mỗi đương sự. Ở đây, không có ngoại lệ, dù là đối với Ðạo Phật hay đối với người Phật tử.

Mặt khác, chúng ta đã có một «Ðề Cương Văn Hoá Việt Nam», cương lĩnh chính thức của ÐCSVN trong lãnh vực này, được Trường Chinh thảo ra từ năm 1943 và dường như vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Bàn về một thái độ văn hoá nào khác bây giờ, tự nó, cũng là xác định chủ ý đối thoại với bản đề cương nói trên, cụ thể là về ba phương châm nổi tiếng của nó: «khoa học», «dân tộc», «đại chúng» (5).

 

4) TOÀN DIỆN VÀ NHÂN BẢN

 

Châm thứ nhất của «Ðề Cương Văn Hoá» khẳng định: nền văn hoá Việt Nam trong tương lai phải là «khoa học», phải có «tinh thần khoa học».

Ðúng là nhân loại đang sống vào thời đại khoa học, kỹ thuật. Những thành tựu vĩ đại trong hai lãnh vực này đã và còn đang thay đổi hoàn toàn bộ mặt của trái đất và đời sống của hàng tỉ người trên địa cầu, với một vận tốc chưa từng thấy. Ca ngợi và muốn dành cho khoa học, kỹ thuật một vị trí văn hoá hàng đầu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, văn hoá không phải và không thể chỉ là khoa học, dù là khoa học chân chính đi nữa, chứ không phải là một thứ chủ nghĩa được sùng bái làm khoa học.

Nếu đã đặt yêu cầu «chuộng sự thật»của khoa học làm tiêu chuẩn, thì sự thật đầu tiên và trước mắt là bất cứ nền văn hoá nào cũng bao gồm nhiều lãnh vực rất khác nhau. Giản lược văn hoá vào khoa học, giản lược tinh thần văn hoá vào tinh thần khoa học, tựu trung, là lập luận rằng: 1) con người chỉ đặt ra loại câu hỏi mà khoa học có thể giải quyết được; 2) khoa học vừa có tiềm năng giải quyết tất cả mọi vấn đề, vừa có khả năng định chuẩn cho tất cả mọi sinh hoạt khác của loài người; 3) các lĩnh vực khác, vì không đáp ứng một nhu cầu đích thực quan trọng nào của con người, nên không thể được xem là thiết yếu cho cuộc sống, nếu không muốn nói là phù phiếm.

Vấn đề là ngoài cái «chân», con người còn muốn vươn tới cái «thiện», cái «mỹ», và ngay cả trên con đường đi tìm chân lý, còn tiếp tục tự đặt cho mình nhiều câu hỏi mà có lẽ khoa học sẽ không đời nào giải đáp dứt khoát nổi, hoặc không thấy liên hệ. Và khi nào tình huống này còn kéo dài, thì siêu hình học, đạo đức học, mỹ học, v. v... - kể cả những biểu hiện thấp kém hơn đôi chút -, vẫn còn đất sống, còn quyền sống. Bởi vì, trên suốt cả hai mặt không gian và thời gian, văn hoá còn là những gì con người đã tạo ra để tự trấn an (để giải đáp cho câu hỏi «tại sao?») trước các bí ẩn của hiện hữu, hoặc để biểu hiện những trạng thái tâm linh, các khát vọng cá nhân, tập thể, chủng loại, v. v... Văn hoá không thể chỉ là tổng số những giải đáp «như thế nào» đã được chứng thực về một số câu hỏi, trên một số địa bàn sinh hoạt ...

Một nhà khoa học có thể suốt đời tuyên bố như Laplace: «tôi không cần đến giả thuyết ấy» (giả thuyết có một Thượng Ðế) để giải thích vũ trụ, song trong giây phút hấp hối đôi khi vẫn cảm thấy kinh hoàng trước cõi hư vô đang chờ đợi. Không phải tình cờ mà nhiều nhà khoa học lỗi lạc như Albert Einstein thường vẫn giữ một phong cách trung dung, vừa ca ngợi những cống hiến to lớn của khoa học cho đời sống, vừa kêu gọi cảnh giác về những giới hạn của nó, vừa thúc đẩy khoa học tiến tới bằng chính những đóng góp xuất sắc của bản thân mình, vừa giữ một thái độ trân trọng đối với các tôn giáo - kể cả loại tôn giáo đơn thuần dựa trên đức tin.

Người ta có thể tìm thấy một sự thận trọng và khiêm tốn như thế ở Ðức Thích Ca. Tất nhiên, mọi người Phật tử đều có quyền hãnh diện về sự đồng dạng giữa thái độ tinh thần của Ðạo Phật và tinh thần khoa học (6). Nhưng không một người Phật tử nào nên quên những lời răn của chính bản thân Ðức Phật về sự hạn chế của loại giáo lý mà Ngài truyền giảng, như trong ẩn dụ về khoảng cách giữa «lá trong rừng» (những gì con người ham muốn tìm hiểu) và «lá trong tay» của Ngài (những gì Thích Ca biết và giảng dạy). Ðức Phật từ chối tranh luận về những câu hỏi siêu nhiên, bởi vì chúng không quan yếu đến việc tự giải thoát khỏi khổ đau bằng trí tuệ của chính con người. Song Ngài chưa bao giờ chủ trương là cần phải cấm đoán siêu hình học, cũng không tìm cách ngăn cản bất cứ ai theo đuổi hoặc tin tưởng ở những giải đáp nằm ngoài kinh nghiệm.

Thời cổ Hy Lạp, Platon chủ trương xua đuổi thành phần thi sĩ ra khỏi nền cộng hoà mà ông ta quan niệm phải được đặt dưới sự lãnh đạo của một quân vương triết gia. Từ giữa thế kỷ 19,  nước Việt Nam chúng ta đã phải trực tiếp gánh chịu những hậu quả vô cùng tai hại của một thứ văn hoá chỉ biết vun trồng hai kích thước văn học và đạo lý. Ngày nay, dường như chúng ta lại đang muốn tự áp đặt cho mình một thứ văn hoá độc canh khác, thoạt nghe có vẻ hợp lý hơn, song vẫn nguy hiểm không kém.

Ví dù «khoa học» nói đây có là khoa học chân chính đi nữa, nó cũng chỉ có thể tạo ra một xã hội mất thăng bằng như ở nhiều quốc gia Âu Mỹ hiện tại: một núi những tiện nghi vật chất ngày càng leo cao, song song với một lỗ hổng tinh thần ngày càng khoét rộng. Nếu không may nó lại là một thứ khoa học giả hiệu, thì kết quả còn bi đát, khủng khiếp hơn gấp bội, biểu hiện bằng một xã hội đã suy tàn về mọi mặt như ở Việt Nam từ sau 1975.

Một thái độ văn hoá đúng đắn chỉ có thể đặt ra, cho mọi nền văn hoá nói chung, hai yêu cầu:toàn diện và nhân bản. Toàn diện theo nghĩa là nó sẽ không tiên thiên loại trừ bất kỳ một lãnh vực sinh hoạt nào (văn hoá của nhà dân tộc học). Nhân bản theo nghĩa là nó phải biết trân trọng tất cả những gì là tiêu biểu nhất cho con người như một sinh vật thượng đẳng (văn hoá của nhà mô phạm).

Tựu trung, đó chỉ là cái đòi hỏi lặp thừa (tautologique) rằng văn hoá phải là ... văn hoá, nghĩa là phải luôn luôn chung thủy với chính mình, với cái thiên chức là lúc nào cũng phải khắc khoải về những gì biểu dương tính người nhất, trong những gì là do con người hay của con người tạo ra, mà vẫn không rơi vào cạm bẫy của thói độc tôn, giản lược.

 

5) NỘI SINH VÀ BÌNH ÐẲNG

 

Châm thứ hai của bản «Ðề Cương Văn Hoá» năm 1943 là «dân tộc»: nền văn hoá của Việt Nam trong tương lai, phải có «hình thức» hay «tính chất» dân tộc.

Hãy loại bỏ hẳn ra ngoài cái công thức về «tính dân tộc» nói trên mọi quy chiếu về đường lối chính trị, dù đúng đắn chăng nữa cũng chỉ có giá trị nhất thời, của những năm tháng kháng chiến. Nhìn từ quan điểm văn hoá thuần túy, đòi hỏi «dân tộc», thật ra, cũng chỉ là một yêu cầu lặp thừa. Nếu văn hoá là tất cả những gì con người sáng tạo ra do đời sống tập thể, thì một tập thể đã già hơn 2000 năm lịch sử nhất thiết phải có một nền văn hoá lâu đời. Và có nền văn hoá của bất cứ dân tộc nào mà lại không tất yếu phải phản ánh, trong những điều kiện bình thường, nếp sống (tư duy, tình cảm, hành động, v.v...) của dân tộc ấy?

 

Trong trường hợp Việt Nam, điểm đặc biệt là các thành tố chính tạo dựng nên lâu đài «văn hoá dân tộc» lại xuất phát từ bên ngoài. Do đó, mỗi đạo giáo đã định cư trên lãnh thổ này, dù muốn hay không, vẫn có một vấn đề bắt rễ riêng phải tự giải quyết.

Bởi vì, nếu không được Việt Nam hoá, mỗi đạo giáo nhập nội sẽ vẫn chỉ là khách tạm trú, chợt đến chợt đi, với tất cả những nhạt nhẽo, tạm bợ mà tình trạng này bao hàm. Có thể diễn giải sự Việt Nam hoá này bằng quan hệ nhân duyên sinh như trong ngôn ngữ của Ðạo Phật. Ðây là một quy trình «nội sinh hoá»: biến sản phẩm của người thành đồng tác phẩm của mình bằng một công trình phóng tác, tái tạo, với tất cả những năng khiếu, điều kiện môi trường và vốn liếng văn hoá riêng của bản thân. Cũng có thể gọi đó là một quy trình «bản địa hoá»: gieo, cấy những giống, hạt lạ vào lòng đất mẹ, để bằng điều kiện đất, nước, nắng, gió, sinh thái trong xứ, tạo ra những cây trái với một hình thể, một hương vị độc đáo khác.

Ðây không phải là loại sáng tạo hiếm hoi, thấp kém, xứng đáng để chuốc lấy mặc cảm tự ti. Nói cho cùng, thì người Pháp chẳng hạn cũng đâu phải là dân tộc đã sản sinh ra Ki Tô Giáo, đã sáng tạo ra chữ cái La Tinh hay con số Ả Rập. Song họ đã xây dựng được cho quốc gia Pháp một đời sống tôn giáo và một nền văn học, toán học riêng biệt, với những tên tuổi lẫy lừng. Tổ tiên ta cũng đã chỉ hành động tương tự, và đã tạo lập nên một nền văn minh tam giáo độc đáo, phát triển được nhiều ngành học thuật, với những tác phẩm đặc sắc bằng cả chữ Hán, chữ Nôm thời xưa, lẫn chữ Quốc Ngữ ngày nay.

Nội sinh hoá không phải là một sự gán ghép lỏng lẻo, hời hợt. Nó là cả một quy trình đòi hỏi nhiều công phu, tài năng và cần phải được thực hiện trọn vẹn.

Song một khi đã đi hết quy trình, thì Ðạo Phật chẳng hạn, sẽ không còn là Phật Giáo Ấn Ðộ ở Việt Nam, mà là Phật Giáo Việt Nam, với những chùa chiền, thiền viện lịch sử, với triết lý, văn thơ tải đạo, với bao vị cao tăng, quốc sư, với các tông phái tu tâm, hành thiện, ... và với tất cả những gì mà các tên tuổi ấy gợi nhớ, khi ta nói với nhau về văn hoá dân tộc. Ði hết quy trình, thì Phật Giáo Việt Nam cũng hết còn là một thứ Ðạo Phật chỉ có tầm vóc giới hạn của quốc gia tiếp thu, để trở thành một biểu hiện độc đáo của Ðạo Phật toàn cầu mà bất cứ nhà Phật học nào cũng phải lưu tâm nghiên cứu.

Những gì Ðạo Nho hay Ðạo Phật đã làm được, mỗi đạo giác khác chắc chắn cũng có năng lực thực hiện được, nếu chúng ta có đủ tự hào và bản lĩnh để làm người Việt Nam, làm người Ki Tô Giáo hay người Mác Xít Việt Nam.

Mặt khác, mỗi đạo giáo đã bám trụ trên đất nước này còn có một nghĩa vụ chung khác nữa đối với nền văn hoá bản xứ. Ðó là bổn phận phải sống với nhau, ít nhất trong thanh bình, tốt đẹp hơn nữa là trong quan hệ hợp tác. Một thái độ văn hoá thích hợp, do đó, còn phải bảo đảm được song song một yêu cầu khác nữa là sự bình đẳng.

Nhìn lại quá khứ thì trừ Lão Giáo ra, tất cả các đạo giáo khác đều đã từng thống trị một thời kỳ khá hoặc rất dài, trên toàn thể hay một phần của lãnh thổ Việt Nam, với những kết quả nói chung là tai hại.

Phật Giáo nắm chính quyền chủ yếu trong các triều Lý, Trần của thời đại tự chủ (1010-1400) - khoảng thời gian này được ông Ðào Duy Anh gọi là thời «độc thịnh» thay vì «độc tôn» của Ðạo Phật, có lẽ vì nó không có mặt trái là sự lấn áp các đạo giáo khác mà nhiều khi còn ngược lại. Nho Giáo nắm giữ được nhà nước phong kiến và vai trò «độc tôn» chủ yếu trong các triều Lê, Nguyễn (1428-1858) (7), với các chính sách hạn chế Ðạo Phật và Ðạo Lão, bế quan toả cảng, cấm đạo và giết hại giáo dân Ki Tô Giáo, để rồi cuối cùng rơi vào nạn mất chủ quyền. Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, hai bộ máy cai trị được thành lập trên hai miền Nam Bắc, với Ðạo Ki Tô và chủ nghĩa Marx Lênin trong tư thế quốc giáo ở mỗi bên đối kháng. Từ sau năm 1975, chủ nghĩa sau thống trị trên khắp lãnh thổ Việt Nam như hệ tư tưởng chính thức duy nhất.

Bình đẳng đối lập với độc tài, độc tôn. Tất nhiên, không ai ngây thơ đến mức có thể nghĩ rằng, trong tương lai, mỗi đạo giáo ở Việt Nam sẽ từ chối ảnh hưởng ít nhiều lên các chính quyền mà nó đã trực tiếp hay gián tiếp tạo ra. Song yêu cầu bình đẳng, trước hết, là sự đòi hỏi phải chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi thường vẫn cặp đôi quá lộ liễu với việc nắm giữ nhà nước, như đã từng bao lần xảy ra trong suốt trường kỳ lịch sử.

Dù sao, đây cũng mới chỉ là một sự bình đẳng chính trị. Khi thực hiện được, nó có thể là tiền đề cho một chế độ dân chủ, là bước đầu cần thiết để giải toả những hiềm khích của quá khứ, nhưng tự nó không đủ để thiết lập một tương quan tích cực nào khác.

 

6) BAO DUNG VÀ KHAI PHÓNG

Chỉ có một sự bình đẳng văn hoá - nghĩa là một sự bình đẳng ngay từ trong tư tưởng ở mỗi đạo giáo - mới đủ khả năng xây dựng một thái độ văn hoá hoàn toàn mới. Ðây là loại bình đẳng rất gần gũi với một giá trị tinh thần khác mà chúng ta gọi là sự bao dung. Bởi vì nó hàm chứa một sự thay đổi có ý nghĩa ngay trong nhãn quan đối chiếu giữa các đạo giáo, theo chiều hướng gây thông cảm và chấp nhận lẫn nhau.

Nói bằng ngôn ngữ của Ðạo Phật, thì đó là một thứ «chính kiến» được kết hợp với một loại «chính ngữ» rất cần thiết, được tạo dựng lên từ sự ý thức đúng đắn hơn về một số vấn đề, lại được diễn đạt bằng một ngôn ngữ hoà dịu, và do đó, có tiềm năng đoạn trừ được không ít các tác phong trịch thượng, bất bình đẳng.

Trước hết là ý thức «lá trong tay», như trong ngụ ngôn nói trên của Ðức Phật. Mặc dù mang kích thước toàn cầu, mỗi đạo giáo cũng chỉ đem lại giải đáp cho những vấn đề mà nó đặt ra, chứ không hề có câu trả lời cho tất cả mọi vấn đề. Hơn nữa, ngay trên vấn đề trung tâm được chất vấn, mỗi đạo giáo cũng chỉ là một trong nhiều giải đáp khả thủ mà một thiên tài nào đó của nhân loại đã dày công phác hoạ. Do đó, không nên chỉ xem học thuyết của mình là «chánh giáo», và phỉ báng những học thuyết khác là «tà giáo». «Chấp trước vào một quan điểm nào và khinh miệt các quan điểm khác, người trí giả gọi đấy là một xiềng xích» (6).

Sau đó là ý thức «bè qua sông», nếu dùng một ngụ ngôn thứ hai. Mỗi đạo giáo chỉ là phương tiện để thực hiện một mục đích nào đó; nó không phải là cứu cánh để con người sùng bái. Nói cách khác, nó không phải là chân lý cho những ai đi tìm mặt trăng, mà chỉ mới là ngón tay trỏ vào mặt trăng chân lý, như trong một sự so sánh thường được nhắc nhở khác của Ðức Thích Ca. Mọi giáo lý, bất kỳ là giáo lý nào, cũng chỉ là chiếc bè, dùng để qua sông chứ không phải để vác trên lưng đi khắp thế gian. «Ðối với các thực pháp, người trí giả còn phải biết xả bỏ như thế, huống chi là đối với các vọng pháp!» (6).

Thứ ba là ý thức «mù xem voi». Mỗi đạo giáo đều chuyên chở trong lòng mình một thứ chủ nghĩa nhân bản, bởi vì đạo giáo nào cũng đã được sáng lập ra trong mục đích phục vụ con người. Tất nhiên, hình ảnh «con người» trong mỗi đạo giáo đều khác nhau và có thể đều là phiến diện. Song chính vì thế mà nhân loại còn cần đến tất cả mọi đạo giáo, và mỗi đạo giáo còn có thể bổ túc cho nhau, ít nhất trong lãnh vực nhân sinh, dù khởi hành từ những hệ thống siêu hình hay kinh nghiệm riêng biệt. Ðám người mù trong ngụ ngôn thời xưa chỉ nhận thức được «con voi» bằng cách giản lược toàn thân con vật vào một bộ phận nào đó của nó (vòi, tai, chân hay đuôi) mà mỗi người đã được dịp rờ mó. Với cặp mắt khoa học tinh luyện, những nhà trách nhiệm đạo giáo đời nay có thể hành xử khác hơn là cứ tiếp tục nhân danh một trong những thuộc tính cá biệt đã được tuyệt đối hoá của con người hiện thực (lý trí, tâm linh hay giới tính, lao động), để bài xích, miệt thị lẫn nhau, thay vì đối thoại và cộng tác với nhau.

Cuối cùng, trong trường hợp Việt Nam, có lẽ còn cần phải nhấn mạnh nhiều hơn nữa trên ý thức «vô thường, vô ngã». Không có đạo giáo nào, tự thân, là «yêu nước» hay «bán nước», «quá khích» hoặc «ôn hoà», «tiến bộ» hay «phản động» hết cả... Có những điều kiện lịch sử, và lịch sử thì luôn luôn thay đổi. Khi có tự do hành động, mỗi đạo giáo đều có khả năng thay đổi cái «nghiệp» của mình. Ngày nay, vấn đề cần được đặt ra, tự mỗi đạo giáo hay giữa các đạo giáo với nhau, không phải là «(Ta) Bạn đã lập nên những công trạng gì?» hay «(Ta) Bạn đã phạm phải các tội lỗi nào?» trong quá khứ, mà chính là «(Ta) Bạn sẽ hành động ra sao để đưa đất nước tiến vào thế kỷ 21?»

Sự bao dung bên trong nhất thiết sẽ dẫn đến một thái độ văn hoá khác là tinh thần khai phóng đối với bên ngoài, hiểu như thiên hướng chấp nhận hoặc đôi khi ngay cả sự tìm tòi những tư tưởng và giá trị văn hoá mới.

Ðây không phải là một thái độ xa lạ đối với lịch sử văn hoá Việt Nam. Nhìn về quá khứ xa xưa, chính tinh thần cởi mở này đã thúc đẩy các quân vương đời Lý vào cuộc du hành thỉnh kinh Tam Tạng (1018), đời Trần vào việc mở ra những khoa thi tam giáo (từ 1247), bước đầu đặt cơ sở cho nền văn hiến tam giáo, đa nguyên. Gần đây hơn, cũng chính tinh thần này đã giục giã thành phần sĩ phu Việt Nam bước vào con đường duy tân, cách mạng. Mặt khác, cũng chính vì đã nhiều lúc quay lưng lại với tinh thần khai phóng này mà các tầng lớp lãnh đạo Việt Nam, dù ở thế kỷ 19 hay 20, đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội ngàn vàng để đưa đất nước bay vào quỹ đạo của sự phát triển, tiến bộ.

Ngày nay, không phải bằng một chính sách «bế quan toả cảng» khác, trước những vấn đề nhân quyền, tự do dân chủ, kinh doanh cá nhân, v. v... mà bộ máy cai trị đương nhiệm có thể tránh cho tổ quốc Việt Nam những tai hoạ to lớn đang âm thầm rình rập. Ngược lại, chỉ bằng thái độ bao dung, khai phóng, song song với quyết tâm hoá giải, nội sinh hoá tất cả mọi tư tưởng và giá trị mới lạ, mà dân tộc khổ nhục này mới có khả năng thực hiện thành công giấc mơ «Thăng Long» từ bao thuở trước.

 

7) ÐẠI CHÚNG VÀ TRÍ THỨC

 

Châm thứ ba của «Ðề Cương Văn Hoừđại chúng»: nền văn hoá Việt Nam trong tương lai phải hướng về đại đa số quần chúng.

Hãy tạm gác ra ngoài mọi quy chiếu về giai cấp vô sản giả tưởng. Sự thực là ở mỗi nền văn hoá nói chung đều có một tác động qua lại liên tục giữa hai cực thao tác của văn hoá, đối lập với nhau và bổ túc lẫn nhau, là đại chúng và trí thức. Chỉ chú tâm ve vãn quần chúng và chểnh mảng trong việc xây dựng đội ngũ trí thức là tự gây tai hoạ cho mai sau.

Ðại chúng vừa là khởi điểm, vừa là đích nhắm của mọi hoạt động văn hoá. Trong bất kỳ nền văn hoá nào, kẻ phát kiến, sáng tạo ra những giá trị mới, lạ thường là trí thức. Song  đại chúng lại chính là cái mảnh đất ký ức tập thể hay truyền thống dân tộc màu mỡ, từ đó những điều mới, lạ mới có điều kiện tăng trưởng, đồng thời cũng là nơi mà thành phần ưu tú của quốc gia phải gieo, cấy trở lại những tạo phẩm của mình để làm phân bón cho các cây mới, trái lạ khác, trong một mùa gặt sau. Ðại chúng chính là kẻ bảo đảm cho sự sống còn của mỗi đạo giáo, là điều kiện trường tồn của mọi nền văn hoá.

Mặt khác, ngoài chức năng sáng tạo, tầng lớp trí thức cũng có trách nhiệm bảo đảm sự lâu bền của các nền văn hoá, nhưng dưới một góc cạnh đặc biệt hơn. Không phải đại chúng, mà chính là tập thể trí thức mới có cái thiên chức là phải luôn luôn khắc khoải về những gì biểu dương tính người nhất, trong những gì mà các nền văn hoá cạnh tranh nhau đã tạo lập ra. Nói cách khác, chính mỗi tầng lớp trí thức quốc gia, chứ không phải là đại chúng, phải làm cái gạch nối cần thiết giữa nhân loại với các dân tộc.

Trên diễn đàn trong nước, chính người trí thức là kẻ phải nhân danh con người, nhân danh lương tri, để bảo vệ những giá trị phổ quát cao quý nhất của loài người, ngay trên quê hương và ngay trong lòng truyền thống văn hoá của mình, đối với chánh quyền của mình. Trên diễn đàn quốc tế, cũng chính anh ta là kẻ phải nhân danh con người, nhân danh lương tri, để bênh vực các giá trị đặc thù cùng những quyền lợi chính đáng nhất của dân tộc và quốc gia mình, nếu cần trước toàn thể thế giới.

Tất nhiên, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc chỉ có thể đảm nhận các nghĩa vụ nói trên với tất cả những hạn chế, sai sót của mình. Ðó là trường hợp của tầng lớp sĩ phu ở Việt Nam giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 chẳng hạn. Song hãy thử tưởng tượng một nền văn hoá Nho Giáo Việt Nam trong đó chỉ có nông dân mà không có tầng lớp kẻ sĩ! Có thể là vẫn còn hay không còn đấu tranh chính trị, xã hội. Nhưng chắc chắn là sẽ không làm gì có Nguyễn Trãi với «Bình Ngô Ðại Cáo», Chu Văn An với «Thất Trảm Sớ» chẳng hạn, hoặc gần đây hơn, Phan Bội Châu với «Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư», Phan Chu Trinh với «Thất Ðiều Trần»...

Không phải tình cờ mà ngày nay, trong các cuộc bàn luận về trí thức trên báo chí trong và ngoài nước, một tiếng vang và một bóng mờ của quá khứ vẫn hiện về ám ảnh: tác phong kẻ sĩ. «Hủ nho» thật đấy, song đây lại là loại hủ nho còn dám ngẩng mặt nhìn trời, nói lên tiếng nói của lương thức: «hãy duy tân» - dù duy tân, đối với họ, chỉ có ý nghĩa là phải rút lui vào hậu trường lịch sử, nhường chỗ cho các thế hệ con em. Ðiều bất hạnh cho Việt Nam là, trước ngưỡng cửa của thế kỷ thứ 21, các thế hệ sau của cả 100 năm sau vẫn còn phải quay nhìn về quá khứ để tìm lại một mẫu mực mà bản thân mình tự biết chưa đạt đến, dưới khiá cạnh trách nhiệm chẳng hạn!

Sự thật là, ngày nay, đất nước Việt Nam chúng ta không còn có một tầng lớp trí thức (một «intelligentsia»), dù vẫn có và còn nhiều những chuyên gia xuất sắc, một số trí thức bất khuất nhưng lẻ loi. Ðó là cái giá quá đắt phải trả cho một thế kỷ cực kỳ ồn ào về «đấu tranh khoa học», về «đại chúng», về «giai cấp tiên tiến» với «sứ mạng lịch sử», v. v... mà có lẽ chúng ta cần phải gấp rút thanh toán. Chính chính trị là kẻ đã xẻ đôi hàng ngũ trí thức tân học ngay từ thời kỳ trứng nước, là lý do đã xui khiến một số người lao đầu vào sự chém giết, phỉ báng lẫn nhau, là lý cớ để nhiều người khác còn tiếp tục che tai, bịt mắt.

Thử nhìn lại những phản ứng của các giới trí thức, cả quốc tế lẫn quốc gia, trước phong trào vượt biên tìm tự do ở Việt Nam, khi nó lên đến cao điểm, với tất cả những chuyện kinh tởm, hãi hùng liên hệ.

Ở Pháp, Jean Paul Sartre và Raymond Aron đã cùng nhau lên gặp tổng thống Pháp để đặt vấn đề cứu vớt thuyền nhân Việt Nam. Là đôi bạn học cũ - một khoá với Trần Ðức Thảo -, trở thành trí thức đầu đàn của hai xu hướng chính trị tả, hữu sau chiến tranh, Sartre và Aron đã liên tục phê phán, chống đối nhau từ nhiều thập niên. Nhưng cuối cùng, họ vẫn còn có thể gặp lại nhau trên một hành động chung, vì còn cùng nhau chia sẻ một số giá trị nhân bản. Có một tầng lớp trí thức Pháp. Trong giới cầm bút Việt Nam, từ nội địa ra đến hải ngoại, kể cả khi Mai Chí Thọ ra lệnh bắn vào người vượt biên, người ta cũng chỉ nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng thét thất thanh của người chết, tiếng chửi rủa, cùng với tiếng ruồi nhặng bay. Có chăng một tầng lớp trí thức Việt Nam?

Không một nền văn hoá nào có thể điên rồ xao lãng vấn đề trí thức. Và nếu tầng lớp trí thức của một dân tộc là người đại diện cho cả một nền văn hiến, đồng thời là kẻ bảo đảm cho sự tiến hoá của dân tộc ấy, thì Việt Nam sẽ đi về đâu?

 

8) PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ?

 

Ðã từ hơn một thế kỷ nay, Việt Nam là đất nước của bao tai hoạ triền miên: chúng ta đã chỉ thoát ly phong kiến nhờ ách thực dân; đánh đổ thực dân để thừa hưởng đế quốc; chiến thắng đế quốc để gánh chịu toàn trị. Và cũng từ gần 30 năm nay, Việt Nam là xứ sở của những nghịch lý: chúng ta đã chiến thắng quân sự để thất bại chính trị; giành lại chủ quyền dân tộc, thống nhất quốc gia để tự tổ chức lấy sự suy đồi, tụt hậu, lệ thuộc của chính mình; «tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc» lên chủ nghĩa xã hội để, từ từ nhưng chắc chắn, lùi lại thời kỳ «tư bản hoang dại».

Ngoài những lý do đến từ bên ngoài, tất cả có một giải thích: sai lầm chính trị. Và sở dĩ có sai lầm là vì tất cả mọi chọn lựa quan trọng về đường lối đều do bàn tay độc quyền của các tập đoàn chiếm lĩnh nhà nước - dù là phong kiến hay không phong kiến, cộng sản hay chống cộng sản - đơn độc quyết định, trong khuôn khổ chật hẹp của các định chế quân chủ, quân phiệt, độc tài, độc đảng - thực chất là, nói cho cùng, trong bóng tối.

Ở Việt Nam, chưa bao giờ một chọn lựa chính trị sống còn nào của quốc gia được đem làm đối tượng cho một cuộc tranh luận công khai, sâu rộng trước mọi tầng lớp nhân dân. Như ở nhiều nơi khác, chúng ta chưa hề có một tập đoàn lãnh đạo nào có đủ khiêm tốn để tự thấy hết các mặt hạn chế của mình, hoặc tự biết phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên mọi tham vọng quyền lực. Nhưng so với những nơi khác, chúng ta cũng không có được cả một tầng lớp trí thức - ngoài một vài tiếng nói lẻ loi rất dễ dàng vùi dập - để đưa tất cả những cái mù quáng, sai lầm - nhiều khi cần phải gọi đích danh là các tội ác chính trị - của họ ra trước ánh sáng công luận, bất chấp mọi ngăn cấm, răn đe.

Việt Nam chưa có một tầng lớp trí thức mới, không phải vì chúng ta đã không quy tụ nổi một tập hợp những chuyên gia cùng đồng ý với nhau trên một lập trường chính trị; một tập hợp như thế, trái lại, chính là bảo đảm chắc chắn nhất để rơi vào bệnh giáo điều, bè phái - dù tả khuynh hay hữu khuynh. Việt Nam chưa có một tầng lớp trí thức mới, đơn giản bởi vì chúng ta chưa hề đào tạo nổi những cá nhân có đủ bản lãnh để vượt lên trên mọi khác biệt về đường lối hay phe nhóm, nhằm cùng nhau xác lập một số giá trị con người chung mà mỗi người nói riêng đều thừa biết, và nhờ đó, dù tan tác đến đâu cũng vẫn còn có khả năng hội tụ trên cùng một cái mẫu số chung tối thiểu ấy, để tự giác hành xử như một tập thể trách nhiệm.

«Phật Giáo Việt Nam có thể làm gì?». Chúng ta đang sống vào một thời đại mà sự đại chúng hoá ngôn ngữ có thể xưng tụng là thời kỳ «hai khoá, một mở»: văn hoá khoá, chính trị khoá, kinh tế mở. Chúng ta không thể làm kinh tế: Phật Giáo Việt Nam không có gì để bán hoặc để mua. Giáo Hội cũng không thể làm chính trị theo nghĩa mưu cầu chánh quyền; hãy nhường ý đồ này cho các chánh đảng. Chúng ta chỉ có thể làm văn hoá - lãnh vực duy nhất ở đó Phật Giáo Việt Nam còn có hộ khẩu và chắc chắn còn nhiều tiềm lực -, dù nó chưa chịu mở cửa.

Bằng tinh thần của Ðạo Phật, hãy đóng góp vào việc tạo lập một thái độ văn hoá mới. Bằng lòng bao dung và khai phóng, hãy bắt tay với tất cả những ai khác đạo cùng chia sẻ một quan điểm và ưu tư ấy. Bằng sự khiêm tốn nhưng thành khẩn và kiên trì của tất cả, hãy từng bước xây dựng cho tổ quốc Việt Nam một tầng lớp trí thức mới, xứng đáng với thế kỷ trưởng thành của loài người. Bởi vì chỉ một tầng lớp trí thức có tầm vóc như vậy mới có thể vừa bắt buộc các tập đoàn quyền lực thay đổi phong cách hành xử, vừa tạo ra một niềm tin mới làm động lực đưa Việt Nam ra khỏi ngõ cụt. 09/1996

 

CHÚ GIẢI

(1) Tham luận đọc tại ngày hội thảo về «Hướng Phát Triển Của Phật Giáo Việt Nam», được tổ chức tại Thiền Viện Trúc Lâm vào năm 1996.

(2) Các tác giả và tác phẩm đã đề cập:

-  J. G. von Herder (1744-1803).  Une Autre Philosophie De L'Histoire Pour Contribuer À L'Éducation De L'Humanité (1774)

-   J. G. Fichte (1762-1814). Discours À La Nation Allemande (1808)

-   Ernest Renan (1823-1892). Qu'est Qu'une Nation? (1882)

-   Lý Thường Kiệt (1019-1105)

-   Nguyễn Trãi (1380-1442). Bình Ngô Ðại Cáo (1428)

(3) Theo «Từ Ðiển Tiếng Việt»của Viện Ngôn Ngữ, Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội. Hà Nội, Nxb KHXH, 1988. Mặt tiêu cực: từ này đã được sử dụng như một danh từ riêng. Có thể vượt qua khó khăn này bằng cách phân biệt 2 từ, một viết hoa («Ðạo Giáo», danh từ riêng) và một viết thường («đạo giáo», danh từ chung). Mặt tích cực: đã có sẵn nhiều chuỗi từ với «giáo» (giáo lý, chính giáo, ...) và «đạo» (đạo lý, hành đạo, ...). Mặt khác, có thể phân biệt thêm giữa «đạo giáo» và «tôn giáo» bằng một định nghĩa liệt kê: ngoài giáo lý và đạo lý, «tôn giáo» (vô thần hay hữu thần) còn có thêm phần nghi lễ và giới luật.

(4) Với những đặc điểm lấy làm tiêu chuẩn trên, chúng tôi tạm đặt ra ngoài khuôn khổ bài viết này mọi sản phẩm văn hoá thuần túy Việt Nam.

(5) Đ CSVN & Trường Chinh. Ðề Cương Văn Hoá Việt Nam (1943).

Trường Chinh. Chủ Nghĩa Mác Và Văn Hoá Việt Nam (1948).

Trường Chinh. Cách Mạng Dân Tộc Dân Chủ Nhân Dân Việt Nam. Hà Nội: Nxb Sự Thật, 1976. Tập 2, tr. 145-237.

(6) Walpola Rahula. L'Enseignement Du Bouddha. Paris: Ed. du Seuil, 1961. Chủ yếu là chương 1, tr. 19-36.

(7) Ðào Duy Anh. Việt Nam Văn Hoá Sử Cương. Saigon: Nxb TPHCM, 1992.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Phạm Trọng Luật