
Hình do Kỹ sư Cung gởi RFA
Hình cắt một đập.
Sự cố đập Sông Tranh 2 là hậu quả tình trạng
thiếu chất lượng đó mà phải được khắc phục "đúng
ngay từ đầu".
Tính bền vững của đập
Một đập chịu áp lực thẳng đứng, từ dưới lên trên,
của nước ngầm và áp lực nằm ngang, từ mạn thượng lưu
sang mạn hạ lưu, của nước trong hồ.
Nếu móng đập không bám chắc và nếu đập không đủ
nặng thì nước ngầm sẽ làm long móng đập và nước
trong hồ sẽ đẩy đập về hướng hạ lưu hay làm cho đập
bị lật. Để tránh hiện tượng này thì người ta lót
dưới móng đập một lớp dẫn lưu bằng đá, sỏi và cát.
Nước thấm vào lớp dẫn lưu này sẽ chảy ra ngoài trời
làm giảm áp lực từ dưới lên trên thân đập.
Tính bền vững của một đập tùy ở đặc tính địa chất
ở nơi xây đập. Một đập vòm dựa vào vách thung lũng
làm điểm tựa chống lại lực đẩy của nước trong hồ.
Một đập trọng lượng như đập Sông Tranh 2 thì có móng
bám dưới lòng thung lũng. Móng đập được xây trên một
lớp địa chất bằng đá rắn. Những lớp địa chất luôn
luôn chuyển động. Nếu đập xây trên một lớp liên tục
thì, khi lớp này chuyển động, toàn bộ đập sẽ chuyển
động theo và thân đập không bị ảnh hưởng gì. Nhưng,
nếu đập được xây ngang một phay địa chất phân chia
hai lớp khác nhau thì khi phay nhúc nhích đoạn đập ở
trên phay sẽ chịu hai lực cưỡng bức theo hai hướng
khác nhau, thân đập sẽ bị nứt và có thể bị gẫy làm
cho đập vỡ.
Khuôn hình thân đập sẽ đổi dạng khi nước trong hồ
lên xuống và khi nhiệt độ do thời tiết biến đổi. Khi
thân đập đổi dạng như vậy thì có nơi lực cưỡng bức
có thể vượt lực tới hạn sinh ra những khe nứt. Biến
dạng quan trọng nhất là chiều dài của đập co dãn khi
nhiệt độ biến đổi. Để tránh hậu quả của sự co dãn đó
thì thân đập được xây thành những khúc dài 15/20 mét
cách nhau bởi một khe rộng rộng chừng một vài
centimét, gọi là khe nhiệt.
Người ta xây một đập trọng lượng bằng đất, bằng
đá hay bằng bê tông. Trên phương diện kỹ thuật và an
toàn thì cả ba loại đập đều tốt. Chọn lựa xây đập
theo loại nào chỉ là một quyết định tối ưu kinh tế
dựa trên sự hiện diện những vật liệu xây dựng xung
quanh nơi xây đập. Đập Sông Tranh 2 được xây bằng bê
tông dầm. Đây là một loại đập mới được sáng chế dùng
ximăng trộn với đất đá. Cấu tạo các vật liệu và
phương cách dầm bê tông mỗi nơi ở thân đập mỗi khác
vì mỗi nơi sẽ chịu một lực cưỡng bức cơ học khác
nhau. Cấu tạo các vật liệu phải biến đổi tuần tự từ
nơi này đến nơi kế cận để tránh co dãn mạnh khi
khuôn hình của thân đập biến đổi. Điều quan trọng
nữa là bê tông phải đủ đàn hồi để đáp ứng với những
biến đổi đó của khuôn hình.
Chống nước thấm vào thân đập
Trên nguyên tắc thì nước chỉ được chảy qua những
khấc xả lũ, ống dẫn nước và ống tháo nước đã được bố
trí chứ không được thấm ngầm vào thân đập. Nước thấm
trong thân đập này có thể có phản ứng hóa học với
vật liệu xây đập, sinh ra một hợp chất có những đặc
tính cơ học kém hơn vật liệu đã dùng ban đầu để xây
đập. Nước cũng có thể làm cho vật liệu xây đập thay
đổi tỷ trọng, sinh ra những lỗ hổng hay khe nứt. Hai
hiệu ứng này của nước làm giảm, và có thể làm mất,
tính bền vững của đập.
Để chống lại hiện tượng nước thấm người ta phủ
một lớp không thấm trên những diện tích của thân đập
tiếp cận với nước. Khi xưa lớp không thấm đó là đất
sét. Sau đó người ta dùng nhựa đường. Bây giờ người
ta dùng một tấm màn bằng chất trùng hợp (polymer)
gọi là geomembrane. Những loại màn này dùng để chống
thấm những công trình như là móng tường nhà, hồ
chứa, hố chôn vùi rác, hố chứa chất ô nhiễm lỏng,...
Để chống thấm nước vào thân đập thì có thể dùng
những tấm nhựa hay tấm cao su đủ dàn hồi để có thể
đáp ứng với những biến đổi khuôn hình của đập và có
cấu tạo hóa học để có thể bền lâu dưới tác động của
nước và của ánh sáng mặt trời. Có nhiều nơi người ta
dùng một màn hai lớp chống thấm bằng polymer: một
lớp ở phía thân đập, một lớp ở phía nước và, kẹp ở
giữa, một lớp vải đan xốp cũng bằng polymer. Với
loại màn này thì có thể chống thấm một cách tuyệt
đối vì nước có thể rò rỉ qua lớp chống thấm ở phía
nước sẽ chảy vào lớp vải đan và thoát ra ngoài chứ
không chảy xuyên qua lớp ở phía thân đập.
Trong thân đập người ta đào những hầm để có thể
vào kiểm tra lòng thân đập có nước thấm hay không.
Vì những đường hầm đó và cũng vì thân đập không đồng
chất và hoàn toàn kín, mỗi nơi trong đập có nhiệt độ
khác nhau. Hơi nước trong khí quyển ở nơi nóng sẽ tụ
lại thành nước ở những nơi lạnh hơn. Nước đó sẽ ảnh
hưởng đến vật liệu xây đập như là nước thấm từ bên
ngoài và hậu quả là tính bền vững của đập sẽ giảm.
Để nước có thể thoát ra ngoài, người ta khoan trong
thân đập những lỗ hình trụ chừng vài centimét đường
kính. Trong những lỗ khoan đó người ta giăng một sợi
dây bằng kim loại tương tự như dây đàn. Nếu khuôn
hình thân đập biến đổi, sự căng của các dây sẽ biến
đổi và âm thanh chúng phát ra khi bị bấm cũng sẽ
biến đổi. Như vậy các lỗ khoan có thêm chức năng cho
phép kiểm tra tính bền vững của đập.
Bảo đảm an toàn

Một đập sẽ vỡ nếu thân đập không vững hay/và có
nước thấm vào thân đập. Để kiểm tra hai điều này thì
ít nhất mỗi tháng một lần nhân viên vận hành công
trình phải vào trong hầm của thân đập để kiểm tra
xem những âm thanh do các dây căng phát ra và lưu
lượng nước chảy trong hầm có bình thường hay không.
Thêm vào đó, mỗi mười năm phải tiến hành một tổng
kiểm tra. Người ta tháo tất cả nước trong hồ rồi
kiểm tra toàn bộ công trình: nhà máy quay ráo, các
bộ phận phát điện và biến thế, thân đập và những màn
chống thấm. Khám phá hỏng hóc ở đâu thì sửa ở đó. Để
làm việc này một cách bài bản, nước trong hồ phải
được trút hết qua những đường ống tháo nước ở dưới
lòng hồ.
Đập được thiết kế để mọi nơi trong thân đập không
có nơi nào sẽ chịu một lực cưỡng bức trên một phần
ba lực tới hạn của vật liệu. Các chuyên gia nói rằng
họ đã lấy một tỷ số an toàn bằng ba. Để so sánh, tỷ
số an toàn của một lò phản ứng hạt nhân chỉ bằng hai
rưỡi. Điều này đủ cho thấy một đập rất vững bền.
Nhưng, trong số cả vạn đập lớn trên thế giới, mỗi
năm vẫn có trung bình một vụ vỡ đập. Để tránh hậu
quả của kịch bản này đến sinh mạng người dân thì
người ta quy hoạch một vùng có thể bị ngập. Chính
quyền địa phương phải có sẵn kế hoạch di tản cư dân
khi tai nạn xảy ra. Trong vùng đó có một vùng đặc
biệt có thể bị ngập trong 15 phút sau khi đập vỡ.
Người dân chỉ được dùng vùng này để trồng cây hay
nuôi súc vật chứ không được trú ngụ hay xây mọi kiến
trúc cố định nào khác. Khi có còi báo động thì mọi
người có mặt trong vùng phải bỏ những gì đang làm để
chạy ngay tới một nơi an toàn. Nhiều nơi người ta
biến vùng này thành vườn bảo vệ đa dạng sinh thái.
Quy cách khắc phục
Bịt những khe bằng vải bạt, túi nylông hay xi
măng không phải là giải pháp khắc phục sự cố nước
chảy xuyên qua thân đập. Làm như vậy chỉ che dấu hậu
quả của nguyên nhân thực thay vì giải quyết tại sao
lại có khe nứt trong thân đập và/hay tại sao màn
chống thấm bị rách. Từ những nhận xét ở phần trên,
chúng ta có ba tình huống xếp theo thứ tự nghiêm
trọng như sau:
(a) Nếu sau khi thăm dò lại địa chất xung quanh
mà nhận thấy đập đã được xây ngang một phay thì chỉ
có một giải pháp là bỏ vĩnh viễn không khai thác đập
nữa và không xây một đập khác bên cạnh.
(b) Nếu sau khi kiểm tra thiết kế và thực hiện
thân đập mà nhận thấy có nơi trong thân đập có thể
sẽ phải chịu một lực cưỡng bức trên một phần ba lực
tới hạn và bê tông không đủ đàn hồi thì bỏ vĩnh viễn
không khai thác đập này. Nếu ở địa điểm đó không có
phay địa chất thì có thể xây lại một cách bài bản
hơn một đập khác.
(c) Nếu quả thực thân đập không có khe nứt và
nước chỉ chảy xuyên qua những khe nhiệt như EVN quả
quyết thì sửa lại màn chống thấm bền và đàn hồi hơn.
Có một giả thuyết nữa là những thân cây do lâm
tặc thả từ mạn ngược để lén lút chuyển gỗ về mạn
xuôi đã tông vào thâm đập làm nứt đập. Chúng tôi xin
đề nghị chính quyền kiểm tra giả thuyết này. Nếu giả
thuyết này đúng thì củng cố những nơi có khe nứt và
sửa lại màn chống thấm.
Trong trường hợp phải bỏ vĩnh viễn không khai
thác đập thì không nên phá đập làm gì. Việc này sẽ
tốn kém trong khi đập hỏng có thể dùng để sinh viên
đến thử nghiệm thực tập. Trong trường hợp chỉ phải
sửa hay làm lại màn chống thấm thì quy cách mô tả
trên các báo mạng chúng tôi đọc vẫn chỉ là chắp vá
không "đúng ngay từ đầu".
Trước tiên là phải tháo hết nước trong hồ chứa để
có thể kiểm tra tất cả thân đập, phát hiện tất cả
các khuyết tật và sửa chúng một cách triệt để. Rất
tiếc là đập Sông Tranh 2, cũng như một số đập khác ở
trong nước, không có ống tháo nước ở điểm thấp của
lòng hồ. Vậy thì phải đặt một siphông để trút hết
nước trong hồ rồi đào ống tháo nước song song với
việc kiểm tra và sửa chữa màn chống thấm. Ngoài việc
cho phép tháo hết nước trong hồ chứa khi kiểm tra
thập niên, ống tháo nước này còn dùng để khi cần thì
xả lũ khẩn cấp và dùng để trút trầm tích lắng dưới
lòng hồ. Ống chạy như một ống tháo của nhà vệ sinh.
Khi đột nhiên tháo nước thì trầm tích lắng dưới lòng
hồ sẽ chảy theo nước và tiếp tục bồi bón thung lũng
hạ lưu như trước khi có đập. Nếu không được trút
định kỳ thì trầm tích sẽ choán đầy hồ cho tới mức
nước chết rồi, sau đó, sẽ tuôn theo nước quay ráo
làm hỏng các tuabin của nhà máy điện.
Có ý kiến nhờ công ty ngoại quốc sửa hộ màn chống
thấm. Theo chúng tôi được biết thì ngành nhựa Việt
Nam đã sản xuất những tấm polymer cho nhiều áp dụng
rồi. Chúng tôi không biết đã đưa vào áp dụng
geomembrane chống thấm đê đập chưa. Nhưng các kỹ sư
trong nước có đủ kỹ năng để thiết kế, sản xuất và
đưa những geomembrane vào áp dụng này. Nếu chưa làm
thì phải mần mò làm thử để có tay nghề chứ còn việc
gì cũng thuê người khác làm hộ thì đến bao giờ mới
trưởng thành về công nghệ? Theo thiển nghĩ thì điều
khó nhất là tìm sao cho được một chất keo có thể dán
lâu năm màn geomembrane vào mặt đập (nhưng có lẽ vì
kiến thức của chúng tôi kém về hóa học). Với 800 đập
thủy điện lớn nhỏ ở Việt Nam thì mỗi năm sẽ có ít
nhất 80 đập phải kiểm tra toàn vẹn và sửa chữa. Đây
là một thị trường chuyên môn rất lớn. Đó là chưa kể
đến thị trường những đê đập ở Đông Nam Á.
Rất tiếc rằng đập Sông Tranh 2 đã được xây dối
gây nên sự cố. Nếu phải bỏ không dùng nữa thì đó là
một phí phạm. Nhưng nếu có thể sửa được để dùng lại
thì phải sửa một cách bài bản nếu không thì, một
ngày nào đó, sẽ xảy ra sự cố khác và sẽ phí phạm
thêm. Trong mọi việc, sai lầm cũng là một cơ hội để
tiến bộ. Chúng tôi hy vọng các kỹ sư và nhà cầm
quyền Việt Nam biết nắm được cơ hội sự cố này.
Đặng Đình Cung, kỹ sư tư vấn