Khai thác bauxit ở Tây Nguyên – Hai năm sau

Vietsciences- Đặng Đình Cung            05/07/2012

 

Phó Thủ tường Hoàng Trung Hải vừa yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV, Vinacomin), Ban Quản lý Dự án và Nhà thầu xây dựng dự án Tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng kiểm điểm vì sao để xảy ra sự cố rò rỉ xút1. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị trên phải có các giải pháp phòng ngừa cao nhất để tránh xảy ra sự cố tương tự như trên. Đó là những việc phải làm khi xảy ra một sự cố.

Nhưng theo đòi hỏi của các tiểu chuẩn ISO 9001, về quản lý chất lượng, và ISO 10006, về quản lý dự án, thì một dự án trưởng phải định kỳ tiến hành quy trình cải thiện liên tục PDCA (Plan Do Check Act, Bố trí – Thực hiện – Kiểm điểm và Kiểm thảo – Hành động)2 để duyệt dự án (project review) trong suốt thời gian thực hiện dự án chứ không bao giờ thụ động chờ có sự cố thì mới phản ứng.

Trong bài này chúng tôi xin gợi ý vài điểm kỹ thuật dự án trưởng dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên cần rà xét khi duyệt dự án.

Bùn đỏ

Từ vài năm nay, xu hướng xử lý bùn đỏ là phương pháp khô. Phương pháp này cho phép tái sử dụng những vật rắn từ bùn đã được xấy vào những công dụng khác như là bối đắp những nơi trũng, trộn vào đất mùn để trồng cây, trộn vào bêtông lát đường. Nhưng phương pháp này cần đến nhiều nhiên liệu để xấy bùn nên tốn kém hơn phương pháp ướt. Phương pháp ướt cần phải xây một hố để chôn bùn một cách vĩnh viễn với rủi ro hố bùn có thể bị vỡ làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Sau khi khu mỏ vĩnh viễn ngưng hoạt động thì người ta phủ một lớp mùn đất trồng rừng hay làm vườn để hoàn thổ. Nếu thực hiện đúng quy cách thì sai biệt về an toàn hay nguy cơ giữa hai phương pháp ướt và khô không quan trọng mấy3.

Sau sự cố bùn đỏ ở Hungary, dư luận trong nước đã bầy tỏ quan ngại về tính bền vững của hố bùn ở nhà máy Tân Rai. Trước sự nhốn nháo xung quanh vấn đề này trên báo chí cũng như ở Quốc hội, chúng tôi dự đoán hợp đồng với nhà thầu đã được bổ sung để những bức tường của hố bùn được xây kiên cố hơn và một số lãnh đạo đã đến thăm công trường để kiểm tra xem công trình có bị rút ruột hay không. Mặc dù không có bằng cớ dự đoán đó có cơ sở, chúng tôi nghĩ hố bùn đã được xây vững chắc.

Nhưng đó chỉ là một khía cạnh của an toàn.

Người ta chỉ có thể giảm xác suất xảy ra tai nạn dưới một mức cực nhỏ có thể chấp nhận được chứ không ai có thể bảo đảm an toàn tuyệt đối cả và tai nạn lúc nào cũng vẫn có thể xảy ra. Dù đề phòng đến đâu chăng nữa thì không ai có thể quả quyết rằng hố bùn sẽ không vỡ hay bùn sẽ không rò rỉ ra ngoài hố. Giám đốc nhà máy phải bố trí sẵn phương án ngăn chặn tai nạn tràn lan và giảm thiểu hậu quả của nó. Đặc biệt, nhân viên cứu hộ, phương tiện cấp cứu và trình tự can thiệp. Ngoài ra phải có chương trình kiểm tra phương án đó liên tục sẵn sàng mau chóng vào cuộc, đặc biệt nhân viên cứu hộ phải thường xuyên thao luyện để quen thuộc với trình tự can thiệp. Để đối phó với một tai nạn như vậy nhà thầu Chalieco dự định xây một kho dự trữ axid sẵn sàng tung ra trung hòa dung dịch kiềm trong bùn đỏ khi cần thiết4. Chúng tôi không có thông tin nào thêm để đánh giá kho dự trữ có phù hợp không.

Dù với phương pháp ướt hay khô thì, trước khi được chôn vùi hay thải ra ngoài thiên nhiên, một phế liệu lỏng cũng phải được trung hòa trước5. Sau khi phát hiện xút rò rỉ ra ngoài khuôn viên nhà máy thì Sở Tài nguyên Môi trường Lâm Đồng đã nhận thấy độ pH của bùn đỏ bằng 10,536 đúng trong khoảng cách dự kiến 10,5 đến 11 khi nhà thầu Chalieco thiết kế nhà máy7 nhưng ở ngoài khoảng cách 6 đến 9 của quy chuẩn Việt Nam8. Độ pH 10,5 đến 11 là pH của bùn đã được rửa để thu hồi và tái sử dụng hydroxyd natri còn bám trong bùn chứ không phải là bùn đã được trung hòa. Ở độ pH này thì sức khỏe con người và môi trường sinh thái sẽ bị đe dọa dù bùn có tràn ra ngoài hố hay không.

Quản lý vật liệu độc hại

Để tránh cho một sự cố một chất lỏng tràn lan ra ngoài nhà máy thì người ta đào một ao ở điểm thấp nhất của khuôn viên nhà máy. Ao này dùng để chứa nước phòng khi có tai nạn cháy và để hứng những vật lỏng rò rỉ hay thoát ra khỏi vòng kiềm chế. Nếu khuôn viên nhà máy ở một điểm cao thì ao đó được thay thế bởi một vành đai cống rãnh bao quanh khuôn viên. Ao hay vành đai này phải được lát bởi một lớp không thấm để tránh cho chất lỏng không rò rỉ ra ngoài thiên nhiên. Như thế những vùng lân cận ở bên ngoài nhà máy sẽ không bị ảnh hưởng khi có sự cố9. Nhà máy Tân Rai có vẻ không có hay chưa có một hồ hay một vành đai bảo vệ. Gần đây hoá chất từ công trình rò rỉ ra môi trường làm ảnh hưởng đến 200 ha đất trồng càphê, trà và ao nuôi cá, người dân xung quanh khu vực dự án này không dám sử dụng nước giếng để sinh hoạt và không dùng nước ao hồ để tưới trà, càphê10.

Việc khu vực kho và bể pha xút không có biển cảnh báo nguy hiểm là một điều trái với quy định của tiêu chuẩn ISO 9001. Những vật liệu phải được chứa có thời hạn hay vĩnh viễn ở những nơi đã được xác định trước và có biển báo nhận dạng, cảnh báo rủi ro và quy định phòng giữ. Nơi chứa hóa chất phải được thiết kế và xây dựng đặc biệt không có phản ứng hóa học tương tác với hóa chất được chứa. Nhà thầu hoặc không có kỹ năng nghiệp vụ hoặc đã rút ruột công trình để cho xút được chất ngay trên nền ximăng đọng nước mưa, một số vị trí trên thành bể gạch ốp bị sạt lở, một số vị trí thành và đáy bể bị ăn mòn tạo ra các khe hở11. Xút là một chất gậm mòn. Công nhân tiếp cận với xút và bùn đỏ đang làm việc tại công trường chắc chắn đã có vấn đề sức khỏe.

Việc người dân sống gần nhà máy bị phiền hà bởi hóa chất rò rỉ kể ở phần trên do nhà thầu cẩu thả chứ không phải là một “sự cố” do sơ suất của công nhân12. Trước khi trao một việc lớn hay nhỏ thì dự án trưởng của nhà thầu có trách nhiệm đào tạo người thừa hành về trình tự thực hiện và trình tự này phải liên tục tôn trọng an toàn sức khỏe và môi trường. Một công nhân thường không làm sai. Người đó làm hỏng việc vì cấp trên ra lệnh không đúng hay/và họ không được đào tạo bài bản trước khi được giao việc13.

Dân khu tái định cư cách nhà máy 2, 3 kilômét cũng than phiền về tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, nói chuyện với nhau thì phải hét vào tai nhau mới nghe được14. Quy trình nghiền và sàng đất đá của nhà máy rất ồn ào và sinh ra bụi. Để giảm thiểu phiền phức này người ta trồng những bụi cây dầy đặc xung quanh công xưởng. Nếu cần thì người ta xây một bức tường chống tiếng ồn (noise reducing wall). Những hạng mục này hình như không có khi nhà máy chạy thử.

Nguồn cung cấp điện

Để chạy nhà máy alumina nhà thầu xây một nhà máy điện công suất 30 MW chạy bằng than15. Công suất này là công suất một nhà máy thủy điện xếp vào loại trung bình đã được xây rất nhiều ở Tây Nguyên16. Một nhà máy nhiệt điện ô nhiễm nhiều hơn là một nhà máy thủy điện. Chúng ta sẽ chở than lên Tây Nguyên để sản xuất điện !

Nếu phải xây một nhà máy nhiệt điện thì tại sao lại không xây hẳn một nhà máy lớn khoảng 1.000 MW ? Quy ra đơn vị công suất và đơn vị sản lượng thì một nhà máy điện lớn sẽ có hiệu suất năng lượng cao hơn mà lại ô nhiễm môi trường ít hơn một nhà máy nhỏ . Ngoài hai khía cạnh quản lý xí nghiệp và tôn trọng môi trường đó, một nhà máy điện lớn như vậy sẽ là nguồn điện để biến chế tại chỗ alumina thành nhôm như chúng tôi đã đề nghị17 nhiều lần18. Nhà máy điện đó chỉ có thể là một nhà máy nhiệt điện than vì bốn lý do :

(a) nhiều hồ chứa các nhà máy thủy điện ở miền Trung nước ta quá nhỏ so với công suất lắp đặt để một cơ sở sản xuất lớn như nhà máy Tân Rai cần phải chạy liên tục ngày đêm có thể trông cậy được19.

(b) tận dụng năng lượng nhà máy nhiệt điện thải ra để xử lý tại chỗ nông phẩm địa phương (càphê, trà, caosu,...)20 ;

(c) một nhà máy hạt nhân sẽ ô nhiễm môi trường địa phương ít hơn nhưng kiến thức của đồng bào ta chưa đủ để có điện hạt nhân được21 ;

(d) một nhà máy điện than sẽ tận dụng tải trọng của phương tiện vận tải alumina (hay nhôm) để được cung cấp than khi phương tiện này trở về nhà máy22.

Nguồn nhân lực

Một hợp đồng xây dựng công nghiệp lớn hay/và có hàm lượng cao về công nghệ thường có một khoản quy định nhà thầu sẽ tuyển một số chuyên gia nước chủ nhà cộng tác với chuyên gia của nhà thầu để được chuyển giao công nghệ và một khoản quy định việc sử dụng ưu tiên công nhân của nước chủ nhà. Nếu trong hợp đồng với nhà thầu mà không có những điều khoản đó thì là một sai lầm. Nếu có thì chủ đầu tư TKV phải bắt nhà thầu Chalieco thi hành những quy định đã được cam kết. Nhưng bây giờ thì quá muộn vì nhà máy đã được xây gần xong.

Để thực hiện một dự án xây dựng nhà thầu cần có nhân lực thích ứng. Trên nguyên tắc họ dùng tối đa nhân lực địa phương vì lương địa phương thường rẻ hơn, đỡ tiền thưởng khuyến khích đi xa nhà, đỡ chi phí nhân viên đi lại giữa công trường và nhà tư, đỡ tổ chức sinh sống cho nhân viên làm việc lâu ngày tại công trường. Nếu không kiếm được đủ nhân lực địa phương thì họ điều lao động ở các nước lân cận hay từ nước họ sang. Nếu họ điều nhân viên từ nước khác đến thì họ phải thiết lập một căn cứ sinh sống (life base) giống như ở nước các nhân viên đó để họ đỡ bỡ ngỡ nhớ nhà. Nếu nhà thầu Chalieco phải điều lao động từ Trung Quốc sang thì họ sẽ xây tạm một làng Trung Quốc ở Tân Rai để cho nhân viên của họ sinh sống như ở quê nhà23. Sau khi công trình nhà máy kết thúc thì làng đó sẽ tồn tại ít nhiều và một số rất nhỏ công nhân Trung Quốc sẽ ở lại trái phép vì thấy sống ở Việt Nam sướng hơn là trở về quê hương.

Thực hiện một công trình đúng kỳ hạn là điều kiện cốt yếu để chủ đầu tư cũng như nhà thầu tôn trọng ngân sách đầu tư của dự án. Nếu nước chủ nhà không cung cấp lao động cần thiết cho công trường và làm khó dễ trong việc cấp chiếu khán cho lao động ngoại quốc thì nhà thầu sẽ tìm đủ mọi cách hợp pháp hay không để lách luật. Nếu phát hiện lao động phổ thông làm việc bất hợp pháp ở công trường Tân Rai thì lỗi không nhất thiết là do nhà thầu Chalieco mà có thể do chính quyền Việt Nam đã không cung cấp đủ nhân lực cho công trường và đã có những thủ tục nhập cảnh rườm rà.

Cựu Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều quân nhân cấp tướng khác đã phát biểu lo âu về rủi ro quốc phòng của tình trạng này nhưng chưa được chính phủ trả lời. Chúng tôi không đủ kiến thức để bàn về vấn đề này. Nếu không có quan ngại về quốc phòng thì tình trạng kể trên phải được coi là có ảnh hưởng tích cực đến trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và các nước khác. Cụ thể, trong trường hợp hai công trường Tân Rai và Nhân Cơ, trao đổi văn hóa này là trao đổi giữa người Trung Quốc, đồng bào Thượng và các dân tộc Việt Nam khác đến lập nghiệp ở Tây Nguyên24.

Tình cờ, khi lướt trên mạng, chúng tôi thấy trên trạm của Vinacomin ảnh một công nhân không có mũ và giày bảo vệ, ngồi trên một tấm ván mỏng đặt ngang một miệng hố ; cả tấm ván lẫn miệng hố không có rào bảo vệ. Công nhân đó làm việc một mình, không có đồng đội canh hay làm việc bên cạnh để có thể can thiệp nếu có vấn đề25. Chỉ trên một tấm hình mà đã thấy ngần đó vi phạm về an toàn lao động ! Cũng phải biết rằng đây là một công trường do Công ty Xây lắp, môi trường, một công ty con của Vinacomin, làm thầu phụ cho nhà thầu chính Chalieco.

Hệ thống hậu cần

Chúng tôi đồng ý với KS Doãn Mạnh Dũng : "Xây cảng biển ở mũi Kê Gà là một giải pháp hạ sách !26"

Vịnh Phan Thiết có hai mũi : Mũi Né ở phía Bắc và mũi Kê Gà ở phía Nam. Xây một cảng ở Kê Gà là một điều không hợp lý vì lý do địa lý và hải dương học27. Xây mới một bến cảng chỉ cách cụm cảng Phan Thiết vài kilômét là một điều phí phạm. Khối lượng alumina sẽ chỉ là 400.000 tấn mỗi năm, nghĩa là tám chuyến tầu thủy tải trọng 50.000 tấn mỗi năm và hai chuyến tầu hỏa tải trọng 800 tấn mỗi ngày. Nếu mỗi tầu thủy đậu bến trung bình năm ngày mỗi lần thì một kè sẽ có tầu cập bến trong 40 ngày mỗi năm. Nếu, sau này, lưu lượng alumina nhân gấp ba gấp bốn như dự kiến thì kè vẫn chưa quá tải.

Thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chủ yếu sống về nghề đánh cá và sản xuất nước mắm. Các bờ sông Cà Ty và sông Phú Hải chảy qua thị xã này không đủ chứa tầu đánh cá nên một số ngư dân phải thả neo dọc bờ Tây Mũi Né. Neo ở một nơi không có đê chắn sóng như vậy là nguy hiểm. Xây một đê chắn sóng ở Mũi Né làm một hải âu thì sẽ có một cụm cảng với bốn công dụng28 :

(a) có một bến cảng thuyên chuyển alumina (và sau này thuyên chuyển nhôm) và các nông phẩm của tỉnh Bình Thuận hay chở từ Tây Nguyên xuống,

(b) ngư dân tỉnh Bình Thuận có thêm một nơi ẩn náu an toán,

(c) tăng cường ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm từ cá và công nghiệp nước mắm cho tỉnh Bình Thuận,

(d) và một phần cảng có thể được dành cho du thuyền đậu tăng cường thêm tiếng tăm của khu du lịch Mũi Né.

Ngành du lịch có thể sẽ than phiền là một cảng thuyên chuyển alumina sẽ ô nhiễm môi trường làm khách du lịch các resort của khu du lịch Mũi Né bỏ đi nơi khác. Điều này không đúng vì những resort ở gần Mũi Đá chứ không ở Mũi Né. Resort gần nhất cách Mũi Né tới hơn một cây số. Dù sau này phải thuyên chuyển đến hàng triệu tấn alumina và nhôm mỗi năm thì ảnh hưởng đến môi trường Mũi Né cũng sẽ không là bao nhiêu. Nhà máy chế biến cá và nhà máy sản xuất nước mắm xây ở đó cũng sẽ không phiền nhiễu du khách một cách quá đáng. Ngược lại, nếu lãnh đạo hai nhà máy này có chính sách quảng cáo tốt thì có thể biến các nhà máy của họ thành điểm tham quan du lịch.

Nối liền nhà máy Tân Rai (và sau này nhà máy Nhân Cơ) với hải cảng đó thì phương án rẻ nhất về vốn đầu tư ban đầu và về chi phí vận hành là một đường sắt29. Vì tuyến đường sắt này không cần phải liên thông với các mạng đường sắt quốc gia và quốc tế chúng ta có thể xây tuyến đường này với một làn đường và khổ đường rầy hẹp 1.000 mm cho đỡ tốn.

Có ý kiến dùng tạm tới năm 2020 những đường ôtô sẵn có để chở đến một hải cảng sẵn có, Cam Ranh hay Gò Dầu, trong khi chờ xây xong tuyến đường sắt và một bến cảng chuyên dụng. Phương án này là một thất sách chứ không chỉ là một hạ sách. Lý do chính là tình trạng quá tải của hệ thống hậu cần nước ta làm cho những tuyến đường và những hải cảng TKV dự định dùng tạm đang được các ngành kinh tế khác tận dụng. Các ngành kinh tế đó sẽ bị tắc đường nếu phải nhường chỗ để chở một mặt hàng rời có giá trị quy ra tỷ trọng rất thấp như là alumina. Chúng tôi không biết phản ứng của nông dân Tây Nguyên sẽ ra sao khi họ được mùa mà không thể chở để bán càphê, trà và caosu của họ. Trên phương diện kinh tế thì mua một đội xe vận tải và nâng cấp, bảo trì rồi hoàn thiện liên tục những tuyến đường ôtô sẽ tốn cho quốc gia Việt Nam hơn là ngưng sản xuất alumina chờ xây xong đường sắt và bến cảng chuyên dụng30.

Điều hành dự án

Người ta chỉ bắt đầu thực hiện dự án nếu ba điều kiện đã hội đủ :

(a) đã xác định sản phẩm sản xuất trong suốt đời sống kỹ thuật của công trình sẽ bán cho ai, bao nhiêu và với giá nào để dự án sinh ra lợi nhuận,

(b) mỗi khâu của dự án đã có giải đáp về kỹ thuật, công suất, an toàn sức khỏe người lao động cũng như người dân thường và tôn trọng môi trường,

(c) dự án đã được quy hoạch để cho mỗi khâu được thực hiện xong cùng một lúc,

(d) nguồn tài chính để thực hiện tất cả các khâu đó đã được bảo đảm.

Khi đọc "Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc"31 nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh năm 2008 chúng tôi hiểu rằng Trung Quốc sẽ mua tất cả sản lượng của hai nhà máy alumina Tân Rai và Nhân Cơ. Nhưng chúng tôi không biết họ sẽ mua với giá nào, theo công thức điều chỉnh giá ra làm sao và thu hoạch dựa trên giá bán đó sẽ cân bằng chi phí của tất cả các khâu của chuỗi cung cấp (supply chain) hay không. Nếu là giá thị trường quốc tế thì chắc chắn dự án khai thác bauxit ở Tây Nguyên sẽ không bao giờ sinh ra lợi nhuận tài chính cho quốc gia Việt Nam32.

Như nhận xét ở phần trên, nhà máy Tân Rai sẽ không bảo đảm an toàn sức khỏe người lao động cũng như người dân thường và sẽ không tôn trọng môi trường.

Về quy hoạch dự án thì nhà máy xử lý bauxite đã xây xong, chỉ còn thử nghiệm vận hành. Nhưng đường sắt và cảng Kê Gà chưa xây. Phương án tạm thời vận tải bằng đường bộ vẫn chưa có. Ở đầu vào, chúng tôi không biết nhân viên các cấp cho nhà máy đã được đào tạo bài bản chưa. Những sai sót và sự cố khi thử nghiệm điều hành kể ở phần trên làm chúng tôi rất lo ngại rằng việc đào tạo này chưa ổn thỏa. Còn về nguồn cung cấp lâu dài bauxite cho nhà máy thì vẫn chưa có nhất trí về quan điểm, định hướng phát triển, thăm dò, khai thác, chế biến bauxite và sản xuất alumin nhôm33.

Về nguồn tài chính thì vốn để xây nhà máy Tân Rai chắc đã được bảo đảm rồi nếu không thì nhà thầu Chalieco đã không xây dựng nhà máy tới giai đoạn thử nghiệm vận hành. Nhưng tài chính để xây đường sắt và cảng Kê Gà chưa có mà nguồn tài chính cho phương án tạm thời vận tải bằng xe ôtô cũng vẫn còn đang bàn cãi34.

Việt Nam là một nước pháp quyền. Vậy người nước ngoài và nhà thầu nước ngoài phải tôn trọng luật lệ của nước ta ở ngoài cũng như ở trong khuôn viên công trường. Đặc biệt những quy pháp về an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái phải được tuân thủ triệt để. Như những nhận xét kể ở phần trên cho thấy, dự án trưởng công trường Tân Rai đã không tôn trọng một số quy pháp về an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra nhà thầu Chalieco đã thiết kế một nhà máy khi vận hành sẽ đe dọa sức khỏe và môi trường.

Một xí nghiệp thường quen với một số kỹ thuật và phương pháp quản lý dự án do tích lũy kinh nghiệm những dự án họ đã thực hiện ở nước họ. Nhà thầu Chalieco là một xí nghiệp Trung Quốc đã xây nhiều nhà máy luyện alumina rồi. Họ quen với phương pháp xử lý bùn đỏ với phương pháp ướt thì họ bán cho mình phương pháp ướt mặc dù đó là một phương pháp lạc hậu. Họ quen với những lề lối ở bên Trung Quốc không đếm xỉa gì đến an toàn lao động, sức khỏe con người và môi trường sinh thái nên khi thiết kế và xây dựng một nhà máy và điều hành một dự án thì họ làm ở nước ta như họ quen làm ở nước họ.

Phía Việt Nam cũng không vô tội. Chúng ta đã hành động như một nước chậm tiến nhược tiểu : ký với nhà thầu Chalieco một hợp đồng EPC (Engineering, Procurement and Construction, Hợp đồng Tổng thầu) mà không lo việc lợi dụng thực hiện dự án để được chuyển giao kinh nghiệm, không cung cấp lao động phổ thông cho công trường và đặt những thủ tục nhập cư tạm thời quá rườm rà. Chúng ta đã chỉ nghĩ đến xây hai nhà máy mà không nghĩ đến toàn bộ chuỗi cung cấp alumina, một kế hoạch phát triển kinh tế Tây Nguyên, một kế hoạch phát triển kinh tế biển tỉnh Bình Thuận và một chính sách phát triển công nghệ – công nghiệp quy mô quốc gia. Do đó, chúng ta đã đặt mua hai nhà máy chúng ta chưa cần tới giữa một vùng chiến lược quan trọng về quân sự, kinh tế và môi trường sinh thái của đất nước35.

Kết luận

Trong những bài trước, khi nhà máy Tân Rai đang xây nửa chừng và nhà máy Nhân Cơ chưa khởi công, chúng tôi đã đề nghị36 :

(a) chỉ xây nhà máy Tân Rai làm thí điểm và điều động thêm vốn để xây cùng một lúc một nhà máy điện phân ở Đắk Nông hay Lâm Đồng với công suất tương ứng với công suất của nhà máy alumina,

(b) dùng cơ sở Tân Rai làm thí điểm đào tạo tay nghề (từ lao động phổ thông đến kỹ sư) và làm trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật về ngành luyện kim.

Bây giờ nhà máy Tân Rai đã được xây gần xong, vốn dự định đã tiêu hết mà không có trỉển vọng sinh lợi, chúng tôi chỉ còn nước là đề nghị không đưa nhà máy này vào hoạt động để đỡ tốn thêm tiền. Chúng tôi vẫn giữ nguyên đề nghị Quốc hội thảo luận và biểu quyết về toàn bộ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Sai lầm là quyền của người có trọng trách quyết định mọi việc. Chỉ có người không làm gì thì mới không bao giờ sai lầm (il n'y a que ceux qui ne font rien qui ne se trompent jamais). Vinh quang của các vị lãnh đạo đã quyết định và bảo vệ dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là có can đảm tuyên bố : "Dự án này rút cục là một sai lầm. Chúng ta dừng nó ở đây để tập trung lực lượng vào những dự án khác ích nước lợi dân".

Nhưng điều đó không thuộc thẩm quyền của người viết bài này.
 

 

http://www.diendan.org/viet-nam/khai-thac-bo-xit-o-tay-nguyen-2013-bai-cuoi/

        ©          http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Đặng Đình Cung