Không thể bàn luận đúng khi bị thông tin sai

Vietsciences-Bùi Trọng Liễu   17/01/2010
 

Những bài cùng tác giả

Xin cho tôi được nói thật, ít nhất là một lần này nữa, dù làm mích lòng một số người.

Từ một thời gian rồi, một số người có những khẳng định sai sự thật về một số danh nhân Việt Nam, mà họ biến thành “lưỡng quốc (Việt-Pháp) danh nhân”, trở lên đến tận những năm 30 của thế kỉ 20, với một mục đích có thể là không lành mạnh lắm. Phải chăng là họ tự ý chế biến ra những thông tin “giật gân”, thêm mắm thêm muối, để đăng cho được bài, thu hút sự chú ý của độc giả? Để rồi sau đó, một số người khác cả tin, không biết, cứ dùng những loại tin tức đó để bàn luận sự việc này nọ:

Trước hết, cần nhắc lại vào những năm 30, của thế kỉ 20, mấy người Việt Nam không thể là professeurs de facultés ở Université ở Pháp được. Vì mấy lẽ sau đây:

Thời đó, Đại học (Université) ở Pháp, gồm 5 Facultés : Facultés des Sciences, Faculté des Lettres (sau này mới gọi là « Lettres et Sciences Humaines »), Faculté de Droit (sau này mới gọi là « Droit et des Sciences Economiques »), Faculté de Médecine (bao gồm cả Nha), và Faculté de Pharmacie. Phải có quốc tịch Pháp (hoặc nhập tịch thì phải có thâm niên tối thiểu 5 năm) mới làm ứng viên vào các chức vụ professeurs ở đó [1]. Vả lại, muốn làm ứng viên vào các chức vụ đó, phải có những bằng cấp tối thiểu là Doctorat d’Etat ès Sciences, Doctorat d’Etat ès Lettres cho Facultés des Sciences, Faculté des Lettres ; Agrégé des Facultés (còn gọi là Agrégé de l'Enseignement supérieur) cho Faculté de Droit, Faculté de Médecine (bao gồm cả Nha), và Faculté de Pharmacie. Các « chaire » (chức vụ) trong các Universités của Pháp rất là hiếm và khó. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng của Pháp cũng phải đợi, khi các vị tiền bối về hưu hay mất đi thì mới hy vọng thay thế.

Những loại bằng cấp nêu trên là loại bằng cấp mà những người Việt Nam « được tôn vinh » không có. Thường các vị Việt Nam này chỉ có những bằng cấp « không phù hợp » : thí dụ bằng agrégé về Triết, agrégé về Toán, agrégé về Lý-Hoá, agrégé về Sử-Địa, là loại bằng dạy Trung học, bằng tốt nghiệp Ecole Polytechnique, là bằng kỹ sư, vv. dù phải thi tuyển khó [2].

Cho nên, như tôi biết, câu chuyện « lưỡng quốc danh nhân » gán cho một số danh nhân Việt Nam, là câu chuyện hoang đường, các tác giả của những bài báo tâng bốc một số « danh nhân Việt Nam » [3], có lẽ với mục đích riêng không lành mạnh, chỉ nhắm lợi cho riêng mình [4], không tính đến hậu quả sau này, có khi làm cho người được vinh danh bị hậu thế nghi ngờ oan là chính các vị mạo nhận.

Một số danh nhân Việt Nam như các ông Tạ Quang Bửu, Hoàng Xuân Hãn, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kontum, Nguyễn Mạnh Tường, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, vv. , (tuy không là danh nhân của Pháp) là những người đã có kỳ công xây dựng nền tảng giáo dục, khoa học và văn hóa cho một nước Việt Nam mới. Công lao của các vị cần được ghi nhận. Nền tảng đó đang bị một số người trách nhiệm « không có tâm cũng chẳng có tầm » làm ô nhiễm như thế nào, kẻ thức giả trong hay ngoài nước cũng thấy. Chỉ mong họ còn một chút gốc « người thiện », còn chút « thiện tâm », đừng hại đến thanh danh của các vị.

Chú thích :

[1] Vào giai đoạn những thập niên 50 của thế kỉ 20, dần dần có sự nới rộng tiêu chuẩn tuyển chọn và bổ nhiệm Professeurs des Universités ở Pháp, tuy vậy đến thời của tôi, (thập niên 60 của thế kỉ 20) vẫn phải có quốc tịch Pháp, mãi những năm gần đây mới có việc mở cho những người không có quốc tich Pháp. Nhưng số người gốc Việt Nam thực sự là Professeurs des Universités ở Pháp không nhiều như người ta tưởng, mà thường có sự tiếm xưng. Có lẽ số người gốc Việt Nam làm Directeurs de Reherche ở CNRS đông hơn, nhưng ở Việt Nam thì không phân biệt (?).

Nhắc lại một chút về bằng cấp, rồi tôi sẽ trở lại việc chú trọng hiểu biết cơ bản như thế nào. Ở Pháp trước đây, rất phân biệt từ «bằng » [mà tiếng VN không phân biệt: nghĩa là diplôme, titre, grade]. Nhưng định nghĩa rất tế nhị. Theo tôi hiểu: Diplôme là bằng nói chung, ghi trên văn bản trao cho, có thể là bằng « biết bơi», bằng « tiểu học ».Titre cũng là bằng cấp nhưng có thể là bằng dùng cho một mục đích nghề nghiệp nhất định nào đó, nếu không hành nghề đó thì không có giá trị thị trường lao động hoặc bị mất đi. Đó là trường hợp của các bằng agrégé [do thi tuyển để dạy học Trung học hay Đại học]. Grade là bằng nhà nước công nhận, có cấp bậc, đi vào thị trường lao động có tương xứng với thang lương này nọ. Trước đây, có 3 grades universitaires là:

-1) Baccalauréat [Tú tài, « premier grade universitaire »; vì thế nên khi có bằng này, các sinh viên thuở đó được quyền ghi tên vào học Université, không phải thi tuyển; và cũng vì thế mà khi chấm thi tú tài, ngay cả hiện nay, chủ tịch ban giám khảo phải là một GS đại học hay một Maître de conférences đại học, tuy họ chỉ đến tượng trưng để ký vào hồ sơ biên bản thôi]. Ngược lại, thuở ấy không có bằng Baccalauréat, thì không được ghi tên vào Université. Sau này mới có lệ cho phép một số người (nếu trong quá trình nghề nghiệp sau 1 số năm làm việc có kết quả), được phép thi tuyển vào Université mà không có bằng Baccalauréat.

-2) Licence [Cử nhân, kiểu cũ].

-3) Doctorat d’Etat ès Sciences (Tiến sĩ nhà nước về khoa học) hay Doctorat d’Etat ès Lettres (Tiến sĩ nhà nước về văn học). Thuở ấy, đây là grade cao nhất của Université của Pháp.

Trở lại Licence [Cử nhân, kiểu cũ]. Vì nó là grade universitaire, thuở trước, cho nên nếu không có bằng này, thì dù có công trình nghiên cứu cao xa đến đâu, cũng không được phép ghi tên và bảo vệ luận án Doctorat d'Etat ès sciences (Tiến sĩ nhà nước về khoa học) hay Doctorat d'Etat ès Lettres (Tiến sĩ nhà nước về văn học). Thuở ấy có « ngoại lệ » như sau : nếu người nào học ở một số trường lớn của Pháp [Pháp gọi là Grandes Ecoles như các trường kỹ sư có tiếng như Ecole Polytechnique, Ecole des Ponts et Chaussées, Ecole des mines , vv.], hoặc là Y khoa bác sĩ, hoặc là Dược sĩ, ..., thì được « miễn » có bằng « Licence », nhưng phải thi thêm 2 chứng chỉ Licence theo qui định cho mỗi ngành. Cũng vì thế mà có người không thi được 2 chứng chỉ qui định nên không ghi tên soạn Doctorat d'Etat được. Hơn thế nữa, những người « ngoại lệ » như vậy, dù bảo vệ xong Doctorat d'Etat, cũng không có quyền làm ứng viên vào các chức vụ giáo sư ở Université (professeurs des Universités).

Nhân đây, xin nhắc lại về chức vụ ở Pháp. Tên gọi professeur des Universités của một Université nào đó, là một danh hiệu chính xác : đó là một loại nhà giáo ở một Université nào đó, được những người đồng nghiệp của mình đã có danh hiệu này, tuyển chọn theo bàu cử kết nạp (cooptation) dựa trên công trình khoa học, và (để được thủ tục hóa hành chính, vì đây là những công chức nhà nước loại đặc biệt) được Tổng thống Pháp ký sắc lệnh bổ nhiệm (Tổng thống Pháp ký sắc lệnh bổ nhiệm, chứ không can thiệp vào quyết định lựa chọn).

Ở Pháp chặt chẽ như vậy vì có những lý do và kinh nghiệm lịch sử của họ. Cũng vì những luật lệ chặt chẽ như vây, mà thuở trước, một số nguời đã đỗ bằng kỹ sư trường lớn rồi, hay đã là bác sỹ y khoa, dược khoa rồi, còn trở lại đi học Licence từ đầu, để có thể soạn luận án Doctorat d'Etat, và sau đó làm ứng viên và trở thành professeur ở Faculté des Sciences hay Faculté des Lettres. Lý do chặt chẽ như vậy, theo tôi hiểu, là vì muốn có một sự bảo đảm về những hiểu biết cơ bản của đương sự ; có lẽ vì sự bảo đảm này lúc đó được coi là cần thiết cho những người có nhiệm vụ chuyển giao sự hiểu biết cho các sinh viên, như giáo sư đại học. (Trong khi đó thì ở CNRS Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học CNRS của Pháp, được thành lập theo đạo luật 19/10/1939, ứng viên không buộc phải có bằng cấp chặt chẽ như ở Université, có lẽ vì chỉ cần người có khả năng nghiên cứu chứ không phải đồng thời là người có nhiệm vụ chuyển giao hiểu biết như người giáo sư đại học, cho nên có thể là Directeur de recherche mà không cần phải là Docteur d'Etat). Vào khoảng những năm của thập niên 60, mới có sự bùng nổ về con số của sinh viên và do đó số giáo sư đại học (professeurs des Universités) tăng lên gấp bội. Sau này, khoảng những năm cuối thập niên 70 hay đầu thập niên 80 gì đó, do một số trường kỹ sư lớn của Pháp đổi cách nhìn về chương trình và mục tiêu, chuyển sang học cơ bản nhiều và kỹ hơn cho những năm đầu, nên mới có qui định cải tổ là các trường lớn này được quyền ghi tên soạn luận án Doctorat d'Etat ès sciences mà không phải thi lại bằng Licence.

Đã trót kể chuyện cũ thì thì tôi đành kể nốt cho rõ, dù có dài dòng một chút. Về cái « học vị tiến sĩ nhà nước » nói trên:

(a) Trước hết là tên gọi ở Pháp: xưa kia, [thời tôi còn là sinh viên và soạn luận án và mới vào nghề], học vị « tiến sĩ nhà nước » (Docteur d'Etat) có hai « nhánh » : Docteur d'Etat ès sciences (Tiến sĩ nhà nước về khoa học), và Docteur d'Etat ès lettres (Tiến sĩ nhà nước về Văn học) như đã kể trên. Trong mỗi nhánh mới chia ra chuyên môn, thí dụ như về Toán, thì gọi là Doctorat d'Etat ès sciences mathématiques ; về Lý hay Hóa, thì gọi là Doctorat d'Etat ès sciences physiques [dù đó là luận án về Hóa] ; về Sinh học hay Thực vật học, thì gọi là Doctorat d'Etat ès sciences naturelles [dù đó luận án về microbiologie hay gì khác]. Đối với Doctorat d'Etat ès lettres thì cũng vậy, thí dụ như luận án về Sử, cũng chỉ ghi là Doctorat d'Etat ès lettres .Trên các văn bản, bằng cấp cũng ghi như vậy.

(b) Sự phân chia như thế, là do bối cảnh lịch sử của thời đó. Lúc ấy, Đại học (Université) ở Pháp, gồm 5 Facultés : Facultés des Sciences, Faculté des Lettres (sau này mới gọi là « Lettres et Sciences Humaines »), Faculté de Droit (sau này mới gọi là « Droit et des Sciences Economique »), Faculté de Médecine (bao gồm cả Nha), và Faculté de Pharmacie. Thuở ấy:

- (b.1) Điều kiện « phải có » (nhưng chưa đủ) để thành professeur ở các Facultés des Sciences là phải là Docteur d'Etat ès sciences. Điều kiện « phải có » (nhưng chưa đủ) để thành professeur ở Faculté des Lettres et Sciences Humaines, phải là Docteur d'Etat ès lettres.

- (b.2) Có sự phân biệt như vậy là vì: các môn Luật, Y, Dược không dạy trong Trung học. Trong khi đó các môn Toán, Lý, Hóa, Vạn vật, Sử Địa, Văn, sinh ngữ, vv. có dạy ở trường Trung học, mà ở cấp bậc này, lại có một loại bằng cấp là tên bằng agrégé (de l'Enseignement secondaire). Và ngược lại, trong các ngành như Y có bác sỹ Y khoa (Docteur en Médecine, vv.), như Luật có tiến sĩ Luật (làm trạng sư, thẩm phán, vv.). Tên gọi ở Pháp rắc rối như vậy, nên cũng có một số người Việt Nam thoải mái lạm dụng để tiếm xưng.

- (b.3) Điều kiện « phải có » (nhưng chưa đủ) để thành professeur ở các Facultés khác, như là Droit, Médecine, Pharmacie, phải là Agrégé des Facultés (còn gọi là Agrégé de l'Enseignement supérieur). Muốn có loại bằng cấp này thì trước tiên phải có bàng tiến sĩ Luật, bác sỹ Y khoa, Dược khoa, là các bằng tiến sĩ nhẹ, rồi với công trình nghiên cứu của mình, mới nộp đơn làm « thí sinh » để thi Agrégé des Facultés. Đỗ Agrégé des Facultés thì theo thứ bậc đỗ cao thấp mà được bổ nhiệm ở đại học này đại học kia.

- (b.4) Thuở xưa, cũng có vài người VN ở miền Bắc có bằng cấp lớn của Pháp, như ông Nguyễn Văn Huyên và ông Nguyễn Mạnh Tường là Docteurs d'Etat ès lettres, ông Lê Văn Thiêm là Docteur d'Etat ès sciences. Nhưng ở VN không hiểu , nên có người dùng lạm; đặc biệt là vì «agrégé de l'enseignement secondaire (Trung học) » còn gọi nôm na là « agrégé de l'université », vì ở Pháp : « Etat (Nhà nước) » mới là trọng [thí dụ như « Diplôme d'Etat » (bằng cấp Nhà nước) mới có giá trị cả nước công nhận], chứ « université » thì tạp nham [thí dụ như diplôme d'université [bằng của riêng trường đặt ra], thì chỉ có trường đó chịu trách nhiệm, nơi khác không công nhận. Đây cũng do vì nước Pháp có thể chế chính quyền tập trung.

-(b.5) Thuở ấy, ở Pháp cũng còn có những bằng cấp khác, mang tên « na ná », dễ làm lẫn lộn những người không biết.

- Có một bằng tên là Doctorat d'université (cũng kể trên ở b-4, không thể dùng để vào giảng dạy ở Đại học được, và rất thượng vàng hạ cám), chẳng cần phải có bằng cấp cơ bản, thậm chí chẳng cần phải có tú tài, hoặc có người ở một truờng lớn ra nhưng thiếu hai chứng chỉ bó buộc như đã kể trên, nên tuy công trình nghiên cứu có già dặn sắc sảo, cũng không bảo vệ được luận án tiến sĩ nhà nước. Có trường hợp một vị, trước đây thường ghi bằng cấp của mình là Docteur ès lettres de l'université, thật ra không có bằng cấp nào của Pháp tên là như vậy: Docteur ès lettres là Docteur d'Etat, còn Docteur d'université là loại vừa kể, khi trao văn bằng, người ta chi ghi thêm trong ngoặc (mention Lettres) hay (mention Sciences). Ngày nay, thì vị đó thoải mái ghi danh hiệu GSTS, từ ngày VN nở rộ danh hiệu này.

- Ngoài ra thuở ấy (từ khoảng 1957 đến năm 1984) còn có bằng Doctorat de spécialité (còn gọi là Doctorat de 3ème cycle, ở Sài gòn trước đây dịch là: « tiến sĩ đệ tam cấp ») ở mức độ khoảng Tú tài + 7 hay 8. Năm 1984, đạo Luật Savary 84-52 ngày 26/1/1984 bỏ Doctorat d'Etat, bỏ Doctorat d'université, bỏ Doctorat de 3ème cycle, và đặt một bằng tiến sĩ mới duy nhất là Doctorat hiện nay, ở mức Tú tài + 8. Bằng Doctorat de 3ème cycle được phép tương đương với Doctorat mới này (trong những điều kiện làm ứng viên ở một số chức vụ).

Song song với việc bỏ các bằng Doctorat kể trên, Pháp có đặt ra « HDR » (Habilitation à Diriger des Recherches). Nhưng đây không phải là một « grade », bởi vì nó chỉ cần dùng để làm ứng viên (điều kiện « phải có », nhưng chưa đủ) vào cái chỗ làm professeur của Université. Nó chỉ tương đương với bằng Doctorat d'Etat trên điểm đó thôi, chứ nó khác ở 2 điểm nữa là : nó không phải là một « grade », và cách bảo vệ luận án cũng khác (luận án Doctorat d'Etat phải là một khối công trình nghiên cứu « thuần nhất » thành một khối lượng những vấn đề liên quan chặt chẽ với nhau; luận án « HDR » là tập hợp của nhiều công trình nghiên cứu có thể trên những vấn đề khác nhau; do đó, người soạn HDR có thể thoải mái hơn, giải quyết những vấn đề thời thượng hoặc đáp ứng nhu cầu đáng đặt ra, chứ không cứ phải bo bo « rặn » ra những kết quả về một đề tài mà mình đã trót lao vào khi bắt đầu làm luận án Doctorat d'Etat). Nếu không nhắm làm giáo sư đại học thì bằng HDR chẳng ích lợi gì. Nó cũng chẳng cần thiết cho những người của CNRS (Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học của Pháp), như đã kể trên.

Từ ngày có HDR, thì các ngành như Y, Dược, Nha, cũng bỏ Agrégation de l'Enseignement supérieur để áp dụng chế độ HDR. Chỉ còn có ngành Luật, Kinh tế, KH chính trị, vì có những thế lực bảo thủ rất mạnh trong giới chính trị cầm quyền, là vẫn giữ Agrégation de l'Enseignement supérieur (nhưng có tin là cũng rục rịch muốn bỏ, hay cải cách lại).

« Hình như » (lúc này chưa thay đổi xong, nên tôi chưa kiểm kỹ được) 3 grades hiện nay/hay sắp tới là Licence (Tú tài +3 ngày nay), Master (tú tài+5, tôi viết Master chứ không viết Maîtrise hay Mastère là loại bằng cấp khác, ở mức tú tài +4), và Doctorat (Tú tài+8).

Trong nước, một số người làm công tác hành chính ở Bộ Giáo dục Việt Nam, và cả một số người trong đội ngũ khoa học, hình như không tìm hiểu cho cặn kẽ đầu đuôi. Và có thể là không có cái «triết lý hay chiến lược » về đào tạo, nên có vẻ khẳng định ào ào. Sau cái vụ quyết định chỉ có một bằng tiến sĩ, chắc hẳn có một số người luyến tiếc việc mình mất công làm được cái bằng tiến sĩ hạng « nặng », nên để phân biệt, mới tự chế ra cái tên gọi « tiến sĩ khoa học » (có lẽ là để chỉ bằng HDR và Doctorat d’Etat của Pháp, hay các bằng tương đương ở một số nước Tây Âu, hay các bằng tiến sĩ « nặng » của khối Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây chăng ; tôi không biết có văn bản chính thức nào của ta ghi như thế không ?). Chắc cũng có Việt kiều có HDR, cũng có ý phân biệt, nên cũng sử dụng « TS KH » trong mục đích này chăng ? Ở Bắc Mỹ, xem ra họ không có mặc cảm, cho nên chỉ có một bằng tiến sĩ, là thực sự chỉ có một bằng, chẳng phải như ta, đã định một bằng rồi quanh co lại tiếc.

[2] Lại có chuyện tán dương những người Việt Nam thời sinh viên đi thi đỗ bằng cấp do ông giáo toán học B. ở Faculté des Sciences Paris lấy đỗ. Ông B. này là một nhân vật kỳ dị, rất ác, dạy môn học cũ rích, nhưng thích « đánh lừa » thí sinh, bằng cách ra những đầu bài hiểm học với những ký hiệu làm lạc đường sinh viên khi giải bài. Hồi tôi bị bệnh lao ở dưỡng đường, có dịp gặp thằng con ông ta, lúc đó nó còn là học sinh. Nó hợm hĩnh khoe tôi : tao là con nhà toán học lớn B. ; tao cũng sẽ là nhà toán học lớn, vì tao đang chứng minh postulat (sic) về hai đường song song là sai. Tôi mới hỏi nó : tao không biết toán học nhiều, vậy mày nói hình học nào, hình học Lobatchevski hay hình học Euclide. Nó bảo Hình học Euclide 3 chiều. Tôi nghĩ bụng : Chắc thằng này bị bệnh não, không phải là bệnh phổi, nên tôi bỏ đi, không nói nữa.

[3] Mãi đến khoảng giữa thập niên 50 của thế kỉ 20, mới có sự bùng nổ của con số sinh viên, kéo theo số lượng professeurs des universités. (Con số năm 2003-2004) : Số Giáo sư đại học (professeurs des universités) ở Pháp là 19655, không kể số maîtres de conférences đông hơn – mà bằng cấp và trình độ khoa học của maîtres de conférences còn cao hơn một số giáo sư đại học ở Việt Nam – cho 83 universités (toàn là công lập), không kể các Grandes Ecoles. So với con số « trường đại học » ở Việt Nam (khoảng 160 trường đại học và 209 trường cao đẳng, số giáo sư và phó giáo sư và số nhà giáo có bằng tiến sĩ … ?) thì thấy được trình độ hiểu biết và quản lý của mấy quan chức của Bộ Giáo dục Đào tạo của Việt Nam hiện nay.

[4] Nhà báo H.C., trong bài Thứ Ba, 23/08/2005, 00:53 (GMT+7) trên báo Tuổi trẻ (tôi trích): “Cách mạng và ba chàng rể nhà họ Vị (kỳ 2), viết [về ông Hồ Đắc Di] (tôi trích): “Vào những ngày chủ nhật, Hồ Đắc Di thường được cô Ève Curie, con gái thứ hai của Pierre Curie và Marie Curie (hai lần được tặng giải thưởng Nobel về vật lý và hóa học, vào những năm 1903 và 1911), mời đến nhà riêng chơi. Lúc bấy giờ ông Pierre đã mất, bà Marie sống với hai người con gái là Irène và Ève… Đôi khi Ève còn cùng anh song tấu: cô đánh piano, còn anh kéo violon. Về sau Ève kết hôn với Pierre Mendès France, thủ tướng Pháp trong những năm 1954-1955, người lãnh đạo phái đoàn Pháp ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương... (hết phần trích).

Sao lại có chuyện dựng đứng như vậy? Năm 1933, ông Pierre Mendès France cưới vợ là bà Lily Cicurel (1910-1967), em gái của ông Raymond Cicurel (nhạc sỹ, có một thời chơi đàn với Django Reinhardt và Stéphane Grappelli). Sau khi bà Lilly Cicurel mất, ông Pierre Mendès France cưới bà Marie-Claire de Fleurieu (tên tục là Servan-Schreiber). Như vậy hoàn toàn không có việc bà Ève Curie kết hôn với ông Pierre Mendès France. Vả lại, bà Ève Curie có chồng là ông Labouisse, cựu đại sứ và chủ tịch UNICEF, và với tư cách đó, ông này nhận giải Nobel về hòa bình. Vì thế mà bà thường nói đùa rằng bà là “nỗi hổ thẹn” của gia đình, vì bà là người duy nhất không có giải Nobel.

 Đã đăng trên Diễn Dàn Forum (diendan.org)

©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org  Bùi Trọng Liễu