Kinh hoàng heo siêu nạc

Vietsciences-VietnamNet              01/03/2012

 

Những bài cùng đề tài

Vì hám lợi, người chăn nuôi đã sử dụng hóa chất không chỉ để “thổi” trọng lượng mà còn phù phép cho heo nở mông, vai, tạo nạc bắt mắt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Từ thông tin người chăn nuôi sử dụng hóa chất độc hại để tăng trưởng và tạo nạc cho heo, cơ quan chuyên môn ở nhiều địa phương đã lấy mẫu thịt ngẫu nhiên bày bán ở chợ đi kiểm nghiệm và cảnh báo đến người tiêu dùng vì loại hóa chất này gây nguy hiểm cho người sử dụng.

 

 
''Tôi thường mua cám ăn thẳng rồi trộn thuốc theo công thức 1 kg cho 1 tấn cám, hằng ngày công nhân của tôi chỉ việc bê đổ vào máng tự động, heo đói thì lết ra máng ăn. Giờ mấy anh không thu sớm, heo khuỵu chân thì khổ'' - Ông H., một chủ trại heo ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai)
 

 

Chẳng biết sau những thông tin cảnh báo đó, cơ quan chức năng chuyên môn vào cuộc như thế nào, ngăn chặn được đến đâu, nhưng thông tin ấy vô hình trung đã “dọn đường” để người nuôi heo sử dụng loại hóa chất đó một cách bí mật hơn, còn người bán bắt đầu cảnh giác và nếu không quen, không có người giới thiệu thì bất cứ ai hỏi cũng nhận được câu trả lời “không biết, không dùng và không bán”.

“Thần dược” tạo nạc

PV Thanh Niên đã có nhiều ngày thâm nhập giới nuôi heo ở các huyện: Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom…(tỉnh Đồng Nai) - nơi được xem là nguồn cung cấp heo lớn ra thị trường và là nguồn cung cấp chủ yếu cho những lò mổ ở TP.HCM.

Ngay ngày đầu tiên trong vai “người nuôi heo”, đâu đâu chúng tôi cũng đều ghi nhận từ lái heo đến người nuôi heo những lời đồn đại về loại hóa chất siêu tạo nạc, trữ nước cho heo như một loại “thần dược”.

Khi heo nuôi bằng cám ăn thẳng được khoảng 80 kg đến 100 kg là đến lúc họ bắt đầu sử dụng “thần dược” siêu nạc. Loại hóa chất này không hề có nhãn mác, dạng bột màu trắng được các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y ở địa phương bán lẻ với giá 500.000 đồng/kg. Hóa chất này có tác dụng “biến” một con heo đang gầy gò thành một con heo mông vai căng tròn. Đặc biệt, "thần dược" còn có tác dụng “đánh tan” mỡ heo ở mông vai, biến mỡ thành những thớ thịt nạc dày đến tận da làm các lái heo không thể chê vào đâu được, hớp hồn người tiêu dùng ngay ở quầy thịt heo, tạo sức hút vô hình những tay thợ làm giò chả chuyên nghiệp.

 

 
Nuôi heo để ăn dần

Chứng kiến đồng nghiệp nuôi heo bằng hóa chất, ông K. - một người chăn nuôi ở H.Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, ông không dám làm chuyện thất đức đó, dù được nhiều người chăn nuôi khác và cả lái heo rủ rê. Trong vườn ông luôn nuôi vài con heo để dành cho gia đình ăn dần, không dám ra chợ mua thịt ăn vì sợ mua nhầm heo “dính” hóa chất.

 

 

Việc sử dụng hóa chất (người nuôi heo gọi bằng thuốc tạo nạc, trữ nước) cho heo ăn rất đơn giản, theo công thức truyền tai nhau bằng 3 cách: Nếu cho heo ăn bằng cách hòa loãng với cám ăn thẳng thì mỗi thùng loại 20 lít bỏ vào 1 thìa cà phê. Còn pha với thức ăn khô để cho heo ăn bằng máng tự động thì 1 kg pha với 1 tấn cám. Riêng cách hòa với nước cho heo uống thì 1 thìa cà phê hóa chất pha với 15 lít nước, hoặc 1 kg thuốc pha với 2.000 lít nước.

Những người chăn nuôi “trời ơi” này cũng phải tính toán thật kỹ, bởi từ khi bắt đầu sử dụng “thần dược” cho đến khi heo xuất chuồng sẽ không quá nửa tháng. “Nếu quá nửa tháng heo sẽ tự khuỵu chân vì loại thuốc đó sẽ làm cho xương giòn, quá trình di chuyển heo sẽ tự gãy chân, bán sẽ mất giá nên bằng mọi giá khi đã sử dụng thuốc thì sau nửa tháng buộc phải xuất chuồng. Chưa hết, nếu không xuất chuồng nhanh, không chỉ làm heo tự gãy chân mà khắp người con heo sẽ bắt đầu xuất hiện những vết lở rỉ nước…”, T. - người từng nuôi heo bằng loại hóa chất trên, nay chuyển sang làm lái heo, tiết lộ với chúng tôi.

Mỗi ngày tăng 2 kg!

T. ngụ ở huyện Trảng Bom, chuyên đi thu mua heo trang trại và những hộ dân ở một số huyện, như: Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Trảng Bom, rồi vận chuyển về TP.HCM giao cho những lái buôn, sau đó vào các lò mổ.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh ta không ngần ngại khẳng định: “Tất cả những người nuôi heo nhỏ lẻ và ở những trang trại lớn đều sử dụng loại hóa chất siêu tạo nạc cho heo nở mông, vai vì sẽ bán được giá gấp nhiều lần so với heo không dùng loại hóa chất đó. Ngoài ra, loại hóa chất này còn trữ nước làm cho heo tăng trọng lượng. Nhưng từ khi có thông tin loại hóa chất này gây hại cho người thì họ sử dụng kín đáo hơn. Người trong nghề chỉ cần nhìn heo là biết có dùng thuốc hay không. Đặc điểm rõ nhất nếu dùng thuốc chỉ cần sang ngày thứ 2 là heo bắt đầu nở mông vai, tạo ra những thớ thịt săn chắc. Đến ngày thứ 3 heo sẽ ít di chuyển thường nằm ngủ li bì, sang ngày thứ 10 heo bắt đầu ăn đâu nằm đấy và kèm theo hiện tượng chân đứng không vững. Bước sang ngày thứ 15 thì bằng mọi giá phải xuất chuồng vì nguy cơ gãy chân rất cao. Đặc biệt, không chỉ nở mông vai và siêu tạo nạc, trữ nước, trong khoảng 15 ngày cho heo ăn loại hóa chất đó trọng lượng sẽ tăng vọt trung bình mỗi ngày lên 1,5 đến 2 kg....”.

 


Heo đang được cho ăn “thần dược” - Ảnh: Hoài Nam

 

T. đưa chúng tôi đến một trại heo tư nhân ở Gia Kiệm (huyện Thống Nhất), nơi có hàng trăm con heo lớn nhỏ và có 30 con chuẩn bị đến ngày xuất chuồng. Trại heo khá rộng, hai công nhân đang tất bật với công việc tắm heo và bê những thùng cám ăn thẳng cho heo đổ vào máng tự động. Trại heo được chia ra nhiều chuồng nhỏ. Mỗi chuồng có khoảng 30 con, lớn nhất khoảng 1 tạ, nhỏ khoảng 20 kg. Ông chủ nuôi heo tên H. dẫn chúng tôi ra xem bầy heo 30 con. Bầy heo nhìn khá bắt mắt, con nào con nấy mông vai căng tròn, mũm mĩm đang nằm ngủ li bì dưới nền chuồng còn vương vãi những hạt cám heo ăn thẳng.

Trước khi lên xe đi xem bầy heo nhà kế bên, ông H. đòi tăng giá bán, nhưng T. không đồng ý vì cho rằng giá heo đang rớt từ sau tết đến nay. Tâm sự với chúng tôi, ông H. than: “Tôi thường mua cám ăn thẳng rồi trộn thuốc theo công thức 1 kg cho 1 tấn cám, hằng ngày công nhân của tôi chỉ việc bê đổ vào máng tự động, heo đói thì lết ra máng ăn. Giờ mấy anh không thu sớm, heo khuỵu chân thì khổ”.

Giống như bầy heo trong trang trại nhà ông H., trang trại của ông S. ở Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) cũng chuẩn bị xuất chuồng với khoảng 40 con; con nào mông, vai cũng căng tròn, nằm la liệt. Khi chúng tôi có mặt thì đến giờ cho heo ăn chiều. S. lấy muỗng múc một thìa bột màu trắng ngà đổ vào chiếc thùng đang ngâm cám, rồi lấy cây quậy đều, sau đó đổ vào máng cho cả bầy heo tranh nhau ăn ngon lành. “Bầy này em mới cho ăn thuốc được 7 ngày, đang tính tuần sau bán mà giá xuống thấp quá…”, S. than thở.

 


Đổ thức ăn thẳng ra trộn với hóa chất trước khi cho heo ăn


Những con heo ăn phải hóa chất mông vai căng tròn


Không dậy được phải vừa ngồi vừa ăn tại máng ăn tự động



Heo ăn phải hóa chất nằm la liệt - Ảnh: Hoài Nam

 
Bà chủ cửa hàng Gấu nhận tiền bán thuốc từ PV - ảnh: Hoài Nam

Sau khi đưa đi xem những bầy heo đang trong giai đoạn ăn hóa chất, T. chỉ dẫn cho tôi nơi bán loại “thần dược” này. Đó là 2 cửa hàng bán thuốc thú y: Duy Hào và Gấu ở khu vực Trảng Bom. Hai cửa hàng này được xem là nguồn cung cấp loại thuốc “siêu tạo nạc” cho người nuôi heo ở khu vực huyện Cẩm Mỹ, Trảng Bom và Thống Nhất (Đồng Nai).

Trong vai người nuôi heo lần đầu tìm đến hóa chất,  tôi ghé vào cửa hàng Duy Hào nằm trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom. Thấy chúng tôi hỏi mua thuốc tạo nạc, trữ nước, bà chủ khoảng trên 40 tuổi đon đả mời chào và giới thiệu những công dụng của thuốc. Mới đầu nghe bà này nói thì cứ tưởng cửa hàng không bán thuốc cấm vì bà ta liên tục khuyên: “Ở đây không xài hàng cấm 100%. Tôi nói thật, anh không nên xài hàng cấm vì thuốc đó rất nguy hiểm cho con người… Mình là người có lương tâm thì không nên dùng, tôi khuyên thật đấy…”. Thế nhưng, sau một hồi vòng vo, bà ta chỉ dẫn cách sử dụng khá tỉ mỉ: “Lúc cho heo ăn hóa chất này, anh nên đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu anh hít phải thì nguy hiểm lắm đấy”.

Chúng tôi hỏi: “Vậy dùng thuốc nào thay thế loại thuốc cấm đó?”. Lúc này bà chủ cửa hàng  mới giới thiệu: “Cửa hàng tôi bán một loại thuốc giá 500.000 đồng/kg, khi cho ăn đảm bảo heo sẽ nở mông vai, không lái nào chê được hết. Thuốc này là hàng ngoại 100%, hàng cao cấp họ giao cho nhà máy cám cả bao 50 kg…”. Tôi hỏi bao bì có nhãn mác không, thì bà chủ nói cửa hàng bà lấy từ công ty cả bao 50 kg rồi về phân ra bán lẻ nên không có nhãn mác.

Sau khi nghe quảng cáo loại thuốc này, tôi đồng ý mua nửa kg đem về “xài thử”, lúc này bà chủ hồ hởi bảo tôi đứng ở quầy hàng đợi một lát. Bà này vội vã đi ra phía sau nhà, khoảng 5 phút sau tay xách một túi bột màu trắng ngà không nhãn mác đưa cho tôi và nói: “Của anh hết 250.000 đồng, hàng ngoại 100% đấy, anh mà cho heo ăn thì mông vai sẽ tuyệt!”.

Trong lúc tôi trả tiền, có 2 người cũng tới và hỏi mua mỗi người 1 kg thuốc tạo nạc như của tôi và bà chủ cũng phải đi vào sau nhà lấy ra.

Rời cửa hàng Duy Hào, tôi ghé qua cửa hàng Gấu nằm trên quốc lộ 1A sát với chợ Đông Hòa. Khi nghe tôi hỏi mua thuốc tạo nạc cho heo, lập tức người đàn ông đứng ở quầy nhìn tôi bằng ánh mắt dò xét và nói ngay: “Ở đây không bán loại thuốc cấm đó”. Nhưng khi tôi nói có lái heo tên N. ở Gia Kiệm giới thiệu ra đây mua vì N. thường lấy heo của tôi, lúc bấy giờ bà chủ cửa hàng đang ở bên trong nói vọng ra: “Chờ lát, nhưng ở đây không bán lẻ, chỉ bán cả ký thôi”.

Có lẽ nhận được mệnh lệnh của bà chủ, một nhân viên tự động đi vào trong nhà lấy ra một bịch đã đóng gói sẵn bằng bao nylon màu trắng nhưng không hề có nhãn mác nhanh tay bỏ vào bịch nylon màu đen đưa cho tôi. Khi tôi lấy hàng ra xem thì bà chủ khoát tay ra hiệu: “Không được lấy ra ngoài”.

Vừa cầm 500.000 đồng tôi đưa, bà chủ luôn miệng chỉ dẫn các công dụng của thuốc như nở mông vai cho heo và cách pha chế theo liều lượng... Trước khi ra về, tôi hỏi muốn mua sỉ để bán lại cho người khác kiếm lời, bà chủ trả lời ngay: “Muốn mua bao nhiêu cửa hàng cũng đáp ứng đủ”.

Một kg lời 15 triệu đồng

 

 

Lúc cho heo ăn hóa chất này, anh nên đeo bao tay kín để không ảnh hưởng đến da tay và cẩn thận khi mở lấy thuốc, hơi sẽ bay lên, nếu anh hít phải thì nguy hiểm lắm đấy

Chủ cửa hàng Duy Hào (quốc lộ 1A, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai)

 
Theo một lái heo tên A. ở Gia Kiệm, loại thuốc mà các cửa hàng bán lẻ cho người nuôi heo giá 500.000 đồng/kg không phải là thuốc nguyên chất, thuốc này các trang trại heo lớn đã pha trộn trước khi giao sỉ cho cửa hàng bán lẻ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng. Theo A., thuốc nguyên chất có giá 10 triệu đồng/kg được nhập lậu từ Trung Quốc, khi về các trang trại lớn họ sẽ pha trộn theo tỷ lệ 1 kg thuốc nguyên chất với 50 kg bột thức ăn gia súc rồi giao sỉ đến các cửa hàng bán lẻ cho người nuôi heo.

 

Cũng theo lời A., 1 kg thuốc nguyên chất sau khi pha trộn rồi mang bán lẻ với giá từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg (trung bình 500.000 đồng) thì người bán kiếm lời đến 15 triệu đồng/kg. Lái heo A. cũng khẳng định thuốc tạo nạc bắt đầu được không ít trang trại heo lớn sử dụng. Do công dụng vượt bậc của thuốc, heo lúc nào cũng bán được với giá cao nên các cửa hàng bán thuốc thú y tới mua lại của trang trại (hay công ty) về phổ biến để bán lẻ cho người dân nuôi heo. Thậm chí, có lái heo còn giao thuốc tận nhà cho những hộ gia đình nuôi heo nhỏ lẻ.

A. khẳng định với tôi, hiện nay đa số trang trại dù lớn hay nhỏ đều sử dụng loại thuốc này bởi đây là cách làm siêu lợi nhuận của người nuôi heo.

Có thể khẳng định không chỉ ở Đồng Nai, mà nhiều trang trại nuôi heo ở các tỉnh, thành khác cũng sử dụng loại hóa chất tạo nạc, trữ nước, bởi theo lời anh K. ở Q.12 (TP.HCM), trong một lần đến thăm người bà con là chủ một trang trại heo ở Đắk Lắk, anh thấy người bà con này kể về công dụng của loại thuốc siêu nạc cho heo mà người bà con của anh xuống tận TP.HCM mua với giá 700.000 đồng/kg về sử dụng. Công dụng của thuốc mà anh K. kể với tôi giống y thông tin từ người dân nuôi heo ở Đồng Nai, cũng như tính toán kỹ làm sao sau 15 ngày cho heo ăn thuốc là phải bán hết.

Anh B. ở Bình Long (Bình Phước), là chủ một trại heo lớn cũng nói với tôi: “Bây giờ người nuôi heo toàn sử dụng thuốc tạo nạc, nở mông vai cho heo, nếu không sử dụng sẽ không bán được heo cho lái, hoặc liên tục bị ép giá vì heo không có mông vai, nhiều mỡ ra chợ khó bán…”.

Còn theo lái heo tên T., trước kia anh có nuôi heo nhưng vì không biết tác hại của thuốc, chỉ nghe bạn hàng phổ biến nên khi mua về cho heo ăn thử thì quả thật, ngay ngày thứ hai heo đã khác, tiếp đến là mông vai nở căng tròn. Nhưng bầy heo đầu tiên, do không biết nên T. nuôi tới 20 đến 25 ngày thì tự dưng heo lở loét, chân heo cứ như bị sụm dần… “Cứ tưởng heo ăn nhiều mập quá không đi được. Đến khi bắt heo bán thì số heo bán bị gãy chân hơn nửa, không hiểu vì sao, cứ tưởng rằng mấy thợ heo của lái “chơi đểu” để ép giá”, T. nói. Rút kinh nghiệm, ở những bầy heo sau, T. tìm hiểu và học kinh nghiệm của những người đi trước là nuôi đúng 15 ngày nếu có rẻ một vài giá vẫn lời gấp nhiều lần so với lúc không dùng thuốc.

T. tâm sự: “Sau khi thấy báo chí nói về tác hại của loại thuốc mà mình đang dùng, thấy mất đạo đức quá nên tui đã bỏ luôn nghề nuôi heo, quay sang đi mua heo sống mang lên TP.HCM bán kiếm lời. Sau khi mua lại của người nuôi, tui cũng phải tìm mối bán ngay, chứ để heo này lâu quá cũng không được, vì lúc đó heo đã ngấm thuốc rồi…”.






Những cửa hàng bán thuốc “siêu tạo nạc” cho heo ở Đồng Nai ảnh: hoài nam

Sau nhiều ngày thu thập chứng cứ ở các trại chăn nuôi và nơi cung cấp thuốc cho heo, PV Thanh Niên đã mang “thần dược siêu tạo nạc” đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong thuốc này có chất họ β- agonist - một loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.

“Thần dược” mua bao nhiêu cũng có

Tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, sau khi nghe bà chủ cửa hàng Duy Hào quảng cáo “thần dược siêu tạo nạc” là thuốc kích thích tăng trưởng, hàng ngoại nhập; được lấy từ công ty ra cả bao 50 kg, sau đó phân ra bán lẻ cho người chăn nuôi, và “đây là loại thuốc mới dành cho heo, rất công dụng, lại hoàn toàn không độc hại”, PV Thanh Niên đã quyết định mua 1/2 kg với giá 250.000 đồng đem về trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị, thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, nhờ kiểm nghiệm làm rõ. 

 
Một con heo có hiện tượng sụm chân sớm

Sau 3 ngày gửi mẫu, chiều 28.2, bác sĩ Đặng Thị Hoàng Thẩm, Phó trưởng trạm đã chính thức ký thông báo kết quả kiểm nghiệm loại thuốc chúng tôi chuyển tới có chất họ β-agonist - một loại hoóc môn kích thích tăng trưởng - cấm sử dụng trong chăn nuôi.

 
 Tôi đã trực tiếp nghe những người nuôi heo cho biết, để chiều lòng các thương lái, để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, họ thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người
  Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN

 

Theo tài liệu khoa học, họ β-agonist gồm 2 nhóm. Nhóm β1-agonist: như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine… có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist: như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine… làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Trong những chất kể trên thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở VN và hầu hết các nước trên thế giới. 

Ăn thịt siêu nạc bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa...

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, nói: “Tôi đã trực tiếp nghe những người nuôi heo cho biết, để chiều lòng các thương lái, để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, họ thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho heo nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Những chất này không khó mua, thậm chí có người đem đến bán tận nhà”.

Bác sĩ Ký phân tích, khi heo được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì heo sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi heo gần đến ngày xuất chuồng. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Với thuốc salbutamol (dùng ở người), các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai. “Gần 10 năm trước, người ta đã cảnh báo về việc tồn dư hai chất clenbuterol và salbutamol trong thịt của gia súc, gia cầm sẽ ảnh hưởng xấu cho người dùng. Do vậy, Mỹ, các nước châu Âu và VN cũng đã cấm dùng các chất thuộc nhóm beta agonist trong thức ăn chăn nuôi”, bác sĩ Ký nói.

Về nhận diện heo bị cho dùng chất “siêu nạc”, bác sĩ Ký phân tích, nếu để nguyên cả thịt lẫn da thì có thể nghi ngờ khi thấy miếng thịt có nạc thật nhiều lên đến tận da, lớp mỡ dưới da rất mỏng như tờ giấy (hoặc không thấy mỡ). Còn nếu lóc nạc riêng ra khỏi da thì khó nhận biết heo siêu nạc.

 

 Sử dụng lén lút như ma túy?

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty chăn nuôi Công Trí ở Đồng Nai, khi trao đổi với PV Thanh Niên.

Ông Công thừa nhận người nuôi heo có dùng hóa chất để tạo nạc như bài báo thông tin, nhưng chỉ là số nhỏ. Việc xử lý rất khó khăn vì người bán sử dụng lén lút như ma túy. Mặc dù khẳng định: “Hiệp hội biết rõ người bán, chính thương lái giao loại thuốc đó cho người nuôi heo sử dụng để họ bán lại heo cho mình...”, nhưng ông Công cho rằng mức xử phạt đối với hành vi làm ăn gian dối này quá thấp nên chưa đủ sức răn đe. 

H.N

 

Hoài Nam - Thanh Tùng

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120229/kinh-hoang-heo-sieu-nac-ky-3-than-duoc-la-chat-doc-bi-cam.aspx

                 http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org