Tàu Shinkansen ở Tsuru, cách Tokyo 100km

Việt Nam có kế hoạch dùng vốn và công nghệ tàu Shinkansen của Nhật Bản

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, kinh tế gia hàng đầu của Việt Nam, đã lên tiếng phản đối dự án tàu cao tốc mà chi phí ước tính sẽ lên tới hàng chục tỷ đô la theo con số chính phủ Việt Nam đưa ra.

Trả lời phỏng vấn BBC giữa lúc thăm dò ý kiến đại biểu quốc hội về dự án cho thấy số đông đại biểu ủng hộ xây đường sắt cao tốc, Ông Doanh nói chi phí thực của dự án sẽ rất lớn và tính hiệu quả không cao.

"Tôi không thấy có lý do gì để ủng hộ [dự án] về mặt kinh tế cả vì đầu tư rất lớn

"Hơn nữa là cái số chi phí đầu tư mà nói ra ở đấy thì hoàn toàn dưới mức đầu tư mà nhiều chuyên gia khác đã đánh giá.

"Cá nhân tôi cũng đánh giá là cái đầu tư thực phải ở khoảng ít nhất là 100 tỷ đô nếu so sánh với các con số của Trung Quốc và ...

Nếu như có dự án này thì mức vay nợ sẽ nhảy vọt từ 50% lên 110% GDP, như vậy là quá cao.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Kinh tế gia này cũng đưa ra một số lý do khác khiến ông không ủng hộ xây đường sắt cao tốc vào thời điểm hiện nay.

Ông nói:"Thứ hai nữa là cái số hành khách thực sự có nhu cầu thanh toán được để mà đi chắc chắn sẽ không cao.

"Thứ ba nếu làm cả đoạn đường dài như thế, từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì không thể cạnh tranh được với máy bay."

Tiến sỹ Doanh nói tàu cao tốc chỉ có thể có tính cạnh tranh ở cung đường từ 400-800km. Theo ông dự án sẽ phải cạnh tranh với xe hơi nếu chạy ở độ dài dưới 400km và với máy bay khi khoảng cách lên trên 800km.

Tuy vậy tại Châu Âu hệ thống tàu cao tốc Eurostar nối Anh, Pháp, Bỉ vẫn có lượng khách sử dụng cao bất chấp sự cạnh tranh của ngành hàng không trong đó có các hãng máy bay giá rẻ.

Mặc dù vậy Anh, Pháp, Bỉ đều là những quốc gia phát triển và khả năng chi trả cho các phương tiện giao thông của họ lớn hơn nhiều so với Việt Nam.

'Bức bách'

Ông Doanh nói hiện Việt Nam đang có nhiều khó khăn về kinh tế vĩ mô và cần "thận trọng lắm" với việc xây dựng hệ thống tàu cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

Tiến sỹ kinh tế nói với BBC từ Cần Thơ, nơi ông đang đi công tác hôm 16/6: "Ý của tôi là dự án này hiện nay chưa nên bắt đầu và hãy để khoảng 10 năm nữa hãy bắt đầu bằng một dự án ngắn thôi ở một cung đoạn ngắn.

"Nếu như có dự án này thì mức vay nợ sẽ nhảy vọt từ 50% lên 110% GDP, như vậy là quá cao.

Bình luận về chuyện Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nói ông không lo lắng về dự án này và chuyện vay nợ ở mức 50% GDP vẫn là 'an toàn', tiến sỹ Doanh nói:

"Tôi thấy ông Sinh Hùng chỉ nói ông ấy không lo lắng nhưng không nói rõ tại sao ông ấy không lo lắng. Ông ấy không có tính toán rõ, lập luận rõ ràng, cụ thể.

"Còn những số mà ông ấy dự báo về thu nhập của Việt Nam trong tương lai thì những dự báo trong tương lai xa đó rất là phi phỏng.

"Tình hình hiện nay phức tạp hơn rất nhiều, không những là khủng hoảng mà còn có biến đổi khí hậu, còn có nhiều yếu tố khác.

Ông Doanh cũng đưa ra cảnh báo về dự án:

"Nếu cứ làm và làm ngay với quy mô mà chính phủ đề ra thì tình hình khó khăn phức tạp sẽ diễn ra rất sớm.

"Tôi cũng lưu ý đây là dự án mà dư luận trong xã hội, người dân, rất không đồng tình và người ta cho rằng đây là dự án dành cho người giàu chứ không phải người nghèo.

"Người ta thấy rằng hiện nay Hà Nội rất nóng, cắt điện tùm lum, bệnh viện thì năm người một giường, rồi các vấn đề về giáo dục, về ô nhiễm môi trường, về rác thải đang rất bức bách thì người ta đề nghị là nên làm các việc đó trước, trước khi làm dự án này.

Thăm dò

Các đại biểu quốc hội Việt Nam đã chia rẽ sâu sắc quanh dự án mà chính phủ Việt Nam lúc đầu ước tính sẽ tốn tới 50 tỷ đô la Mỹ và phần lớn khoản này sẽ vay từ Nhật Bản.

Những người ủng hộ nói đây là dự án nhìn xa trông rộng và việc vay vốn đầu tư là chính đáng trong khi những người hoài nghi sợ rằng dự án không hiệu quả và nợ quốc gia sẽ tăng mạnh.

Theo tôi ý kiến khác nhau kỳ này đặc biệt rõ rệt, có thể nói là rất là gay gắt.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói với BBC đầu tư cho dự án mang lại hiệu quả còn thấp hơn lãi suất tiết kiệm gửi bằng đô la Mỹ.

Ông cũng nói nên để dự án này lại để quyết định sau.

Trong khi đó cũng có đại biểu ủng hộ mạnh mẽ dự án

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng nói đầu tư cho cơ sở hạ tầng là cần thiết và Việt Nam là "con nợ tốt" nên nếu có thể vay để phát triển thì nên vay.

Đánh giá về các ý kiến trái ngược nhau của đại biểu quốc hội, Tiến sỹ Doanh nói:

"Theo tôi ý kiến khác nhau kỳ này đặc biệt rõ rệt, có thể nói là rất là gay gắt.

"Vì vậy cho nên cần phải hết sức thận trọng và việc quốc hội có phương án thăm dò cũng là thể hiện sự thận trọng đó."