Lo ngại về điện hạt nhân VN

Vietsciences- Nguyễn Khắc Nhẫn              05/05/2010

 

Những bài cùng tác giả

Bài phỏng vấn BBC, ngày 24 tháng 11 năm 2009

 Nghe bài phỏng vấn

Trả lời phỏng vấn BBC, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, cựu chuyên gia Viện Kinh tế Năng lượng và Đại học Bách khoa Grenoble, Pháp nói vì sao ông rất lo ngại về dự án điện hạt nhân của VN.

Theo ông, công nghệ điện hạt nhân đặc biệt phức tạp, hết sức tốn kém và vấn đề an toàn rất nhạy cảm với dư luận nên không phải nước nào cũng làm điện hạt nhân.

Vì lẽ ấy, ông cho hay trên cả thế giới hiện chỉ có 33 nước làm điện hạt nhân với 440 lò thế hệ hai có tổng công suất đạt 370 Gigawatt.

Các vấn đề của Việt Nam, theo ông, đến từ cách dự báo quá cao nhu cầu điện năng trong tương lai, từ việc thiếu vốn, nhân lực và cả từ rủi ro khi quản lý, vận hành các lò phản ứng hạt nhân.

 

BBC: Quan điểm của giáo sư về ý định xây nhà máy điện hạt nhân? Theo giáo sư, đây có phải là việc làm cần thiết?

 

NKN: Từ 6 năm nay, tôi đã viết gần 20 bài tham luận về năng lượng ở Việt Nam, được đăng trên báo chí hay trên mạng. Đặc biệt về Điện Hạt Nhân (ĐHN). Tôi hoàn toàn không ủng hộ lập trường của các cơ quan có trách nhiệm trong nước. Lý do thường được nêu ra tại sao ta phải làm ĐHN là do ở nạn thiếu điện trầm trọng!

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu điện lực Việt Nam vào năm 2020 sẽ lên đến 380 tỉ kWh, tức là 4 lần lớn hơn nhu cầu năm 2010. Dự án ĐHN Ninh Thuận gồm 4 lò phản ứng với công suất 4 x 1000 MW sẽ phát điện vào năm 2020 - 2022. Tiếp đó, 4 lò khác sẽ xuất hiện vào năm 2023 đến 2025. Trước hết, về nhu cầu, tôi chắc chắn là trong mười năm tới nước ta sẽ không cần 380 tỉ kWh, một con số khỗng lồ, không thể nào thực hiện được!

Không có nước nào có thể phát triễn với một tốc độ lớn như thế. Tăng trưỡng điện lực 15%-17% mỗi năm, tức là cứ 4 hay 5 năm ta phải nhân gấp đôi công suất của tất cả các nhà máy, hệ thống điện cao và hạ thế trên toàn lãnh thổ. Với mức tăng trưởng kinh tế 6%, hệ số đàn hồi (coefficient d’élasticité) của ta lên đến 2,5 - 2,8, có nghĩa là mức lãng phí của ta hết sức cao. Một lò 1000MW có thể sản xuất mỗi năm từ 6 đến 7 tỉ kWh. Sản lượng điện cũa 8 lò tối đa là 56 tỉ kWh. Lấy 380 tỉ kWh trừ cho 56 tỉ kWh còn 324 tỉ kWh, một con số còn quá lớn so với nhu cầu thực sự vào chân trời 2020-2025.

Như thế chứng minh vì nhu cầu và sự cân bằng năng lượng là hoàn toàn không đứng vững, thiếu phân tích khoa học.

Tôi có thể kết luận là nước ta không cần xây cất nhà máy ĐHN, vô cùng tốn kém mà còn rất nguy hiểm cho đất nước, qua bao nhiêu thế hệ con cháu.

Bau-xít Việt Nam mới đây đã đăng 2 bài rất quan trọng của TS Phùng Liên Đoàn, cần được lưu ý. TS đã phân tích rất chu đáo về những rũi ro và cũng cho biết là ở Mỹ có 127 nhà máy ĐHN đang xây cất bị bỏ dỡ trong thời gian 20 năm, từ 1970 đến 1990, vì vấn đề an toàn, giá điện hạt nhân không kinh tế, thời gian xây cất kéo dài do luật lệ nghiêm khắc…Trong số 50 công ty có trách nhiệm này, rất nhiều công ty đã bị phá sản vì mỗi nhà máy bỏ dỡ làm thiệt hại từ 100 triệu đến 1 tỉ đô la. Trên thế giới cũng còn nhiều nhà máy ĐHN ở trong tình trạng này. Ở Phi-Luật-Tân chẳng hạn, nhà máy ĐHN Bataan, 612 MW, xây gần xong thì bị bỏ phế vì sợ động đất và cũng vì địa điểm của nhà máy ở quá gần núi lửa Pinatubo. Dân chúng phải trả món nợ lên đến 2,3 tỉ đô la.

Bộ Công Thương Việt Nam cũng có dự án sẽ tăng gấp đôi công suất ĐHN đến năm 2030, tức là 16000 MW thay vì 8000 MW vào năm 2025. Thữ hỏi ta có tài gì mà xây cất trong 15 năm 16 lò ĐHN? Nước ta có tham vọng làm chủ dây chuyền hạt nhân (cycle de combustible nucléaire), từ khâu khai thác mõ uranium đến khâu xử lý chất thải phóng xạ với chu kỳ kín (Cycle fermé) như Pháp chăng?

Diện tích lãnh thổ ta tương đối nhỏ, nếu miền Trung Việt Nam quá eo hẹp phải đón nhận món quà độc hại, 7- 8 nhà máy ĐHN, thì đồng bào sẽ di cư đi đâu khi rũi ro có tai biến? Chẳng lẽ trốn ở dưới biển hay sao?..

BBC: Quan điểm chống đối cho rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện để xây nhà máy (ĐHN) lúc này. Ví dụ: Dự kiến đến 2025, điện hạt nhân cũng chỉ chiếm khoảng 4,4% tổng điện năng, Việt Nam phải vay tiền nước ngoài và cũng không đủ nhân lực để quản lý. Ý kiến của giáo sư như thế nào?

 

NKN: Từ mấy năm nay, quan điểm của tôi vẫn không thay đổi: Nước ta chưa đủ điều kiện để làm ĐHN vì nền công nghiệp của ta có giới hạn. Công nghiệp ĐHN đặc biệt phức tạp và hết sức tốn kếm. Thêm vào đó có vấn đề an toàn rất nhạy cảm với dư luận nên không phải nước nào cũng làm ĐHN được. Cũng vì lẽ ấy mà hiện nay trên thế giới chỉ có 33 nước có ĐHN với 440 lò thế hệ 2 với tổng công suất là 730 GW.

Việt Nam cần thời gian để đào tạo đội ngủ kỹ thuật và cơ sở hạ tầng. Biết quản lý nghiêm túc, có kỷ luật không phải dễ. Với công nghệ cổ điển mà chúng ta cũng đã gặp nhiều khó khăn, như đã xảy ra ở một số nhà máy nhiệt điện hay thủy điện.

Trong lĩnh vực ĐHN, nước ta cón thiếu nhân lực trầm trọng. Hiện nay, trong nước chỉ có khoảng 500 cán bộ khoa học và công nghệ hạt nhân. Mỗi năm, các đại học của ta chỉ đào tạo được 70 kỹ sư, cử nhân và 20 tiến sĩ, thạc sĩ, một con số quá nhỏ so với 2500 chuyên viên cần thiết cho một nhà máy ĐHN (Con số này tùy theo số lò và công suất của mỗi lò). Đó là chưa kễ vài trăm tiến sĩ, thạc sĩ phải được đào tạo cho các ngành luật và pháp lý hạt nhân, quản lý, khai thác, nghiên cứu và phát triễn...Tôi thiết tưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã có dự án gữi các sinh viên và kỹ sư đi du học và tu nghiệp ở hải ngoại.

Về vấn đề tài chánh, chắc là phải đi vay tiền nước ngoài. Kinh phí đầu tư cho một lò 1000 MW hiện nay là 3 tỉ đô la (3000 đô la/kW). Chỉ vài năm mà giá đã tăng 50% (8 lò phản ứng trị giá 24 tỉ đô la). Với đà này, và nếu có sự chậm trễ (như trường hợp lò EPR ở Phần Lan), con số có thể tăng gấp đôi, tức là 48 tỉ đô la!

Với 8 lò mà tỷ lệ nợ ngoại quốc của ta đã có khả năng lên đến 40% - 45% GDP. Với 16 lò sẽ quá 50% GDP thì rất là nguy hiểm. Theo World Bank, năm 2009, ta nợ nước ngoài 26,8 tỉ đô la, tức là 30% GDP

Theo bản báo cáo của GIEC (Bangkok 05 - 2009), tỷ lệ đóng góp của ĐHN trên tổng sản lượng điện toàn cầu hiện nay là 16%, đến năm 2030 sẽ tăng lên tối đa là 18%. Đến chân trời này, tỷ lệ ĐHN ở Việt Nam, tùy theo nhịp độ xây cất, sẽ khó đạt được con số ấy như cò người mơ tưởng.

Hiện nay, thay đổi khí hậu đòi hỏi những lời giải cấp bách, không thể chờ đọi hàng chục năm, dù chỉ muốn tăng số lò ĐHN toàn cầu gấp đôi đi nữa.

 

BBC: Chính phủ Việt Nam nói rằng sẽ bảo đảm an toàn khi xây cất và vận hành, đồng thời, để quốc hội giám sát dự án. Giáo sư có an tâm không?

 

NKN: Tôi rất lo ngại khi nghe các cơ quan trách nhiệm tuyên bố rằng các nhà máy ĐHN của ta sẽ được bảo đảm an toàn!.. Ở Pháp chẳng có ai dám hứa hẹn như thế.

An toàn cũng như xử lý chất thải phóng xạ là hai vấn đề trọng yếu của ĐHN.

An toàn có nhiều khâu, ở trong cũng như xung quanh lò. Biết bao nhiêu máy móc, dụng cụ đủ loại, hàng chục cây số dây, đường ống trong nhà máy phải được quản lý hết sức chu đáo. Sự cố có thể xảy ra một cách bất ngờ, khó tiên đoán là ở đâu vào giờ phút nào! Nếu có thiên tai thì ai biết trước được?

Nhà máy ĐHN lớn nhất nhì thế giới của Nhật (7 lò với tổng công suất 8212 MW) bị chính phủ này ra lệnh đóng cữa trong một năm trời để tập đoàn Tepco kiểm soát và tu bổ, sau một trận động đất lớn (6,8 đô Richter) xảy ra ngày 16 tháng 7 năm 2007. Tâm động đất (epicentre) ở khá gần nhà máy. Cũng may là rũi ro này không gây thiệt hại lớn. Năm 2003, vì có sự dối trá về an toàn của Tepco, chính phủ Nhật cũng đã bắt phải tạm ngưng hoạt động một loạt 17 lò phản ứng. Năm 1999, nhà máy Tokaimura bị nổ, đã tung phóng xạ ra ngoài. Một nhóm chuyên gia Đức đã có dịp tuyên bố là hết sức ngạc nhiên về những trang bị thiếu an toàn và cách xử dụng bừa bãi những tiêu chuẩn kỹ thuật của một nước tiên tiến như Nhật.

Rũi ro thì nguồn năng lượng nào cũng không tránh khỏi! Tuy nhiên, đối với phóng xạ hạt nhân thì phải tìm mọi cách để hạn chế tối đa. Những biện pháp hạn chế rũi ro chỉ có giá trị lý thuyết, khó định được mức độ khả thi rõ ràng và tuyệt đối. Lẽ cố nhiên, với các lò thế hệ 3 hay 3+ và sau này, thế hệ 4, mức an toàn cao hơn lò thế hệ 2, nhưng chẳng ai dám đảm bảo hoàn toàn.

Sự cố lớn, nhỏ xảy ra thông thường là do nhân viên quản lý chứ không nhất thiết là do máy móc. Biến cố Three Mile Island ở Mỹ (1979) và Tchernobyl ở Liên-Xô (1986), trước hết là do con người.

An toàn hay không, chủ yếu là tùy ở kiến thức, trình độ, tinh thần trách nhiệm và kỷ luật của toàn thẻ nhân viên. Không phải quốc hội đã giám sát mà ta có thể ngũ yên đâu!

Tôi sẽ an tâm, ngày nào chính phủ quyết định không làm ĐHN nữa.

 

BBC: Nếu không xử dụng ĐHN thì, theo giáo sư, phải làm gì để đáp ứng được nhu cầu năng lượng của nước nhà?

 

NKN: Trong số 20 bài tôi đã viết về năng lượng ở Việt Nam, bài số 10 có nhan đề là “Năng Lượng Tái Tạo (NLTT) thay vì ĐHN” đã được phổ biến trên mạng và báo chí ngày 26 tháng 9 năm 2004.

Trước hết, nếu chúng ta kiên quyết áp dụng triệt để một chính sách chống lãng phí năng lượng ở mọi lỉnh vực thì có thể xem như chúng ta có thêm một nguồn năng lượng mới dồi dào, vì lãng phí ở nước ta lên đến 30%, mặc dù cần nhiều kinh phí và thời gian.

Muốn đạt kết quả tốt, chúng ta phải gấp rút thành lập nhiều cơ quan rải rác trong nước với mục đích khuyến khích và phổ biến những phương pháp khoa học nhằm tiết kiệm năng lượng cho toàn dân.

Đồng thời, chúng ta phải có một chiến lược dài hạn khuyếch trương năng lượng tái tạo.

Tất cả những nguồn năng lượng đều cần thiết. Tuy nhiên, phải công nhận rằng chỉ có NLTT mới hội đủ điều kiện giúp nhân loại, nói chung, và mọi nước, nói riêng, để giải quyết lâu dài những bài toán trọng yếu sau đây:

 

·        Phát triển bền vững kinh tế, xã hội, đem lại nhiều công ăn, việc làm (lý do là đầu tư vào NLTT có khả năng đem nhiều việc làm cho đồng bào – 15 lần lớn hơn nếu làm ĐHN).

·        Chống hiệu ứng nhà kính (thay đổi khí hậu).

·        Tránh những tai biến lớn, những cơn khủng hoảng địa lý về dầu, khí, than, hạt nhân

·        Hạ số lượng chất thải phóng xạ và giảm bớt nạn lan tràn vũ khí nguyên tử.

 

Năng lượng tái tạo đủ khả năng cạnh tranh với ĐHN. Nếu kễ phí tổn gây ra vì ô nhiễm môi trường (thuế carbone) thì NLTT sẽ xáo trộn bảng sắp hạng kinh tế của các nguồn năng lương. Đừng quên rằng giá thành ĐHN càng ngày càng tăng mạnh vì nhiều lý do: giá uranium tiếp tục lên cao, cũng như kinh phí đầu tư cho mỗi kW, nạn khan hiếm chuyên viên kỹ huật, điều kiện an toàn khắc khe kéo dài thời gian xây cất và thiết kế…

NLTT không có vấn đề an toàn và kỹ thuật quan trọng, dễ khai thác và ít tốn hao.

Nói rằng NLTT không đủ sức thay thế ĐHN hoặc các nguồn cổ điển vì công suất rãi rác, bé nhỏ là không thực tế.

Những nhà máy mặt trời nhiệt (solaire thermique) rồi đây sẽ có những công suất đặt càng ngày càng cao: 850 MW ở California và 1000 MW ở Ấn Độ. Những tua bin gió càng ngày càng mạnh. Và, điện gió ở ngoài khơi (off shore) sẽ có nhiều triễn vọng.

Chỉ trong 2 năm qua, nhiều nước thi đua đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh (economie verte), công nghệ sạch (technologie propre) và đặc biệt là NLTT. 400 tỉ đô la riêng cho 3 nước Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên. Vào năm 2012, NLTT của Ấn Độ sẽ tương đương với 14 nhà máy ĐHN và đến năm 2030 thì Nhật sẽ có một công suất điện mặt trời hùng hậu.

 

Thữ hỏi: Tại sao một nước có công nghiệp hiện đại như Đức mà phải hy sinh vài trăm tỉ đô la, kiên quyết xung phong làm NLTT rồi dần dần rút lui khỏi lĩnh vực ĐHN? Năng lượng gió của Đức, từ mấy năm nay, đứng đầu thế giới và tương đương với trên 20 lò ĐHN. Đức xuất khẫu tua bin gió trên toàn cầu, trong đó có nước ta. Và điện mặt trời của Đức cũng nhất nhì thế giới.

 

Ta cần hết sức cân nhắc, lựa chọn thật chu đáo những dự án đầu tư của ngoại quốc, trước khi cho phép xây cất những nhà máy đồ sộ, bắt buộc ta cung cấp điện năng một cách ồ ạt cấp bách. Mỗi lần gặp cơn khủng hoảng hay thất bại trên thị trường, họ đóng cửa các nhà máy này, thì ta sẽ thừa điện ngay, không ai mua. Như ở Trung Quốc hiện nay, kinh tế nước ta cũng đang mất thăng bằng trầm trọng (surchauffe). Trong tương lai, nếu lương công nhân lên quá mức cạnh tranh, một số doanh nghiệp ngoại quốc sẽ rút khỏi Việt Nam để đầu tư ở các nước có nhân công rẻ hơn (délocalisation). Trung Quốc đã có ý định dời một số nhà máy sang Ai Cập. Đất Việt không thể mãi mãi là cơ xưởng rẻ tiền của thế giới ! Chiến lược xây dựng non sông phải có tầm nhìn xa, ngó quá gần sẽ sớm gặp bế tắc và thất bại nặng nề.

Chẳng lẽ chúng ta làm điện hạt nhân để phuc vụ tư bản ngoại quốc hay sao?

Thay vì bỏ ra hàng chục tỉ đô la để xây cất 8 lò điện hạt nhân, tôi thiết tha đề nghị chính phủ nên để dành số tiền ấy đầu tư vào các lĩnh vực then chốt có nhiều triển vọng như giáo dục, đào tạo, nghiên  cứu...và những lĩnh vực có lợi thiết thực cho dân chúng như y tế, xã hội…

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2009/11/091124_vn_nuclear_power_risks.shtml

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Khắc Nhẫn