Những bài cùng tác giả
Bản tin LS Lê Công Định bị bắt khẩn cấp trong mấy ngày qua đã lan truyền
trên các kênh thông tin truyền thông đại chúng trong nước cũng như nhiều
trang mạng khắp nơi, lý do bị bắt được đưa ra khá nhiều theo nguồn tin từ cơ
quan điều tra. Tuy nhiên, trong bản tin của báo Nhân Dân(1) thì bên cạnh
những lý do khác, LS Định còn “ lợi dụng vấn đề bauxite Tây Nguyên, Trường
Sa-Hoàng Sa kích động tư tưởng chống Đảng, Nhà nước” và nhiều báo khác cũng
đã đưa tin tương tự, riêng tờ Sài gòn Giải Phóng còn cho rằng LS LCĐ đã cố
tình “khoét sâu” vào các vấn đề như khai thác bauxite Tây Nguyên, Trường Sa
– Hoàng Sa vì cho rằng đó là “tử huyệt” của Đảng Cộng sản VN”(2). Đây là
điểm cần được quan tâm vì có thật là LS LCĐ “khoét sâu”, “lợi dụng” vấn đề
Bauxite để….
Trong hơn hai ngày qua, tôi đã cố công tìm trên mạng, báo chí
những bài viết của LS LCĐ, kể cả những trang mạng phải vượt tường lửa của
phía chống đối nhà nước ta để tìm hiểu xem thực hư nhưng tiếc thay liên quan
đến bauxite thì LS LCĐ chỉ có tham gia kí tên vào Bản Kiến Nghị của Nhóm GS
Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn và GS Nguyễn Thế Hùng nằm ở danh sách số
2, số thứ tự 241, ngoài ra chẳng tìm thấy một bài viết nào khoét sâu hay lợi
dụng để kích động như các báo nói ở trên. Phải chăng cơ quan điều tra đã
phát hiện trong những tài liệu ở văn phòng hay máy tính của LS LCĐ có những
bài “bí mật” nói rõ việc lợi dụng nầy mà chưa công bố ? Rất mong cơ quan
điều tra sớm làm rõ chi tiết nầy để tránh gây hiểu lầm và hoang mang trong
dư luận.
Nếu cho rằng việc kí tên vào bản Kiến Nghị là một hành động mang tính chất
phản động như vậy thì không chỉ LS LCĐ mà cả hơn 2000 người tham gia, đứng
đầu là 3 nhân vật trí thức khởi xướng phải cùng một tội như nhau, thậm chí
còn nặng hơn vì trách nhiệm “tổ chức” và lập ra trang web Bauxite Việt
Nam.info để…như LS LCĐ bị kết tội (!).
Chỉ gói gọn trong vấn đề Bauxite, thiết nghĩ rằng những đề xuất, kiến nghị ,
góp ý…của nhiều người—có người đã kí tên và cũng như không kí tên---đã được
Bộ Chính Trị quan tâm, ghi rõ trong “Kết Luận” công bố ngày 24/4/2009(3).
Trong buổi kết thúc phiên chất vấn tại Quốc Hội ngày 13/6/2009, Chủ tịch
Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhắc lại(4) và cho biết QH sẵn sàng lắng nghe hơn
nữa trong khi giám sát việc thực hiện dự án nầy của chính phủ.
Trong thông cáo báo chí ngày 27/4/2009 của Bộ Công Thương, sau khi giải
trình và phản biện những ý kiến đóng góp trong bản Kiến Nghị ngày
12/4/2009(5), gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc Hội, rằng ba nội
dung nêu trong Kiến Nghị là “không có cơ sở và không đúng với tình hình thực
tế. Hoàn toàn mang tính bịa đặt và kích động”(6) .
Không biết Thứ trưởng bộ
Công Thương Lê Dương Quang đã dựa vào cơ sở nào để qui kết như vậy. Điều nầy
vô tình hay hữu ý lại rất “ăn khớp” với câu nói nhắc nhở của Chủ tịch QH
trước khi kết thúc phần phát biểu(liên quan đến chất vấn) sáng ngày
13/6/2009, rằng "...trong góp ý không nên mơ hồ, tránh sự lợi dụng, kích
động của nhiều thế lực sẽ làm hại đến sự đồng thuận trong Đảng, Chính phủ,
nhân dân và ảnh hưởng xấu đến quan hệ ngoại giao” (7) , khẳng định" bảo đảm làm
sao cùng Chính phủ, cùng với các cơ quan khác trong toàn hệ thống chính trị
thúc đẩy thực hiện cho được chủ trương mang tính chiến lược rất quan trọng
này”(8)
Đây là những lời cảnh báo ngay trước lúc LS LCĐ bị bắt khẩn cấp vào chiều
cùng ngày 13/6/2009. Có thể lý giải việc bắt LS LCĐ là cần thiết để ngăn
chận sự kích động của các thế lực sẽ làm hại đến sự đồng thuận…và quan hệ
ngoại giao (với TQ) chăng ? Tương tự như việc ông Huỳnh Ngọc Sĩ bị bắt khẩn
cấp vì “tội” cho thuê nhà công sở trái phép(chứ không phải tội ăn hối lộ của
PCI trong dự án ODA của Nhật bản) trước khi Hoàng thái tử Naruhito sang thăm
chính thức Việt nam.
Lê Hoàng
17/6/2009
Chú:
(1)
http://www.nhandan.org.vn/tinbai/?top=40&sub=67&article=149867
(2)
http://www.sggp.org.vn/phapluat/2009/6/193825/
(3)
http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=146196
“Tiếp thu các ý kiến đúng đắn của các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao của
Ðảng và Nhà nước, các nhà khoa học, Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo rà
soát, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã
hội của cả nước và khu vực Tây Nguyên trong từng thời kỳ; gắn với phát triển
kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với nhu cầu thị trường
trong nước và quốc tế để đạt hiệu quả toàn diện”.
(4)Theo Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, vấn đề này rất lớn, nhạy cảm và được
nhiều cử tri đại biểu quan tâm và tất cả các ý kiến đều đồng ý về chủ trương
chứng tỏ có sự đồng thuận lớn. Nhiều đại biểu đã góp ý cho dự án về nhiều
mặt: kinh tế, môi trường, an ninh, công nghệ, bản sắc văn hóa dân tộc... Chủ
tịch Quốc hội nhận định các ý kiến đều có tính xây dựng, thể hiện tinh thần
trách nhiệm cao và Chính phủ nên lắng nghe, cập nhật thông tin, sẵn sàng
thay đổi nếu có sai sót để dự án có thể đi vào cuộc sống một cách hiệu quả
nhất
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=321328&ChannelID=3
(5)Kiến Nghị(trích)
- Chủ trương lập dự án được công khai hóa vào cuối năm 2008 sang đầu năm
2009, song thực ra nó đã được "ký tắt" với người Trung Quốc từ nhiều năm về
trước mà không hề xin ý kiến nhân dân thông qua Quốc Hội do dân bầu ra; toàn
bộ báo cáo tiền khả thi chưa bao giờ được trình ra trước nhân dân và đại
diện của nhân dân tức Quốc Hội;
- Người Trung Quốc đóng cửa các mỏ khai thác bauxite của họ để chuyển sang
khai thác ở Việt Nam, định trút gánh nặng ô nhiễm môi trường cho các thế hệ
Việt Nam hôm nay và nhiều đời mai sau – những hành động y hệt như họ đã và
đang làm ở châu Phi với sự giúp sức của những chế độ cai trị tham nhũng tại
châu lục này, và đang bị dư luận thế giới theo dõi chặt chẽ và hết sức công
kích;
- Kỹ thuật, công nghệ và nhân công khai thác dự định du nhập chủ yếu từ
Trung Quốc, một cường quốc mới nổi dậy với nền kinh tế đang giàu lên nhưng
bên trong vẫn chứa đựng không ít thực trạng bất khả tín, trong đó liên quan
đến vấn đề khai thác bauxite là sự "nổi tiếng" của Trung Quốc trên toàn thế
giới hiện đại như là một quốc gia gây ô nhiễm môi trường vào bậc nhất, chưa
kể những “vấn nạn” khác (chỉ mới trong tháng Ba vừa rồi Chính phủ nước Úc đã
phải hủy bỏ một dự án khai thác khoáng sản ở Nam Úc ký với Trung Quốc vì lý
do quốc phòng).
Chúng tôi kiến nghị:
1) Phải đưa vấn đề dự án bauxite Tây Nguyên ra trước Quốc Hội và mọi chủ
trương liên quan phải được Quốc Hội quyết định;
2) Dự án bauxite Tây Nguyên phải chính thức dừng ngay lại, có giám sát chặt
chẽ cho tới khi Quốc Hội xem xét toàn bộ báo cáo tiền khả thi và đưa ra
những phê chuẩn thích hợp. Kính mong Quốc Hội thấu suốt được tinh thần của
đại đa số dân chúng không muốn dự án này tiếp tục vì tất cả những hệ lụy
nặng nề của nó;
3) Những nghiên cứu tiền khả thi với vấn đề bauxite Tây Nguyên cần được dư
luận rộng rãi tham gia và theo dõi.
http://www.bauxitevietnam.info/thongbao/090412_Thukiennghi.htm
(6) Bauxitevietnam.Info
(7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=321328&ChannelID=3
(8)
http://www.lamdong.gov.vn/vi-VN/home/news/hotnews/Pages/ChutichQuochoi_ketluan_phien_chat_van_khai_thac_boxit.aspx
Bổ sung:
"Thời gian gần đây, lợi dụng vấn đề bauxite Tây Nguyên, Trường Sa, Hoàng Sa,
Định đã trực tiếp biên soạn hàng chục đầu tài liệu đăng tải trên các đài,
báo, trang web thù địch ở nước ngoài, công khai tuyên truyền xuyên tạc đường
lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, kích động tư tưởng chống
đối, đòi thay chế độ do Đảng lãnh đạo. Trong một tài liệu gửi cho các phần
tử chống đối ở nước ngoài, Định viết rằng: “Cần phải khoét sâu vấn đề
bauxite Tây Nguyên và Trường Sa, Hoàng Sa” để chuẩn bị cho cái gọi là “thời
cơ ngàn năm có một” nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam, mà Định cho là “sẽ xảy ra
vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010”."
VOV News(Vân Hương)
http://www.tapchicongsan.org.vn/details.asp?Object=5&News_ID=16627318
http://vovnews.vn/Home/Bat-giu-Le-Cong-Dinhmot-hanh-dong-dung-dan-vi-loi-ich-dat-nuoc/20096/114174.vov
|