Lý của kẻ mạnh 

Vietsciences- Hồng Lê Thọ          03/04/2009

 

Những bài cùng tác giả

Hồ sơ vụ án Vedan Việt Nam

Thông tin gần đây cho biết có hơn 7,000 hộ nông dân sống ở lưu vục sông Thị Vải (Đồng Nai) và vùng biển Cần giờ(1) bị thiệt hại hoa màu, nuôi tôm, nghêu sò…do chất thải không được xử lý của nhà máy bột ngọt Vedan trong hơn 14 năm liền gây ra, nhiều gia đình khốn đốn, phải lưu tán đi nơi khác hay đổi nghề kiếm kế sinh nhai.  
 

          

 Hệ thống đường ống nước thải phức tạp của Vedan 
 
 

Sau khi lực lượng cảnh sát bảo vệ môi trường phát hiện hơn 1000 mét ống“chui” từ các phân xưởng chế biến, bồn chứa  thải nước độc hại ra sông, biến Thị Vải thành một dòng sông chết thì vấn đề trách nhiệm của Vedan và các nhà máy chung quanh được đặt ra, thành mối ưu tư trong nhân dân kéo dài trong năm 2008, trong đó việc đòi Vedan và những cơ sở gây ô nhiễm bồi thường thiệt hại cho nông, ngư dân ở nơi đây được nhắc đến không ít. Hội Nông dân cũng như nhiều luật sư cũng đã lên tiếng hổ trợ về pháp lý để giúp những người nầy đấu tranh, nộp đơn khiếu kiện…nhưng cho đến hôm nay thì vì “chưa có chỉ thị” từ cấp trên của huyện, quận…nên tất cả đành phải chờ xem chủ trương của chính quyền trung ương cũng như lãnh đạo địa phương trước khi triển khai.(2) Khả năng đưa ra “chứng cớ” để tòa án thụ lý mấy nghìn hồ sơ nầy rất mong manh, đòi hỏi phải có đủ điều kiện về pháp lý trong thủ tục tiến hành tố tụng lại là một thách đố hay “rào cản” giúp Vedan thoát được trách nhiệm thật dễ dàng(3).

Nói khác đi, hàng rào pháp lý được đặt ra một cách khôn khéo mặc dù thiệt hại của người nông dân rõ ràng như ban ngày cho thấy sự kiện “cáo buộc” Vedan có khả năng rơi vào khoảng không, đổ tội cho bộ luật về môi trường của VN thiếu chặt chẽ, chưa có điều khoản ràng buộc công ty gây ô nhiễm chịu trách nhiệm bồi hoàn hoặc hình sự khi vi phạm (!) như chúng ta đã từng nghe trong quá trình xử phạt hành chính đối với Vedan. Biết là vi phạm nhưng không chứng minh được, việc sử dụng hình ảnh hay điều tra hiện trường cũng không đủ yếu tố về pháp lý để khởi kiện. Người nông dân phải đối phó như thế nào đây, sự chọn lựa cuối cùng là ngồi ngay trước cửa công ty Vedan để đòi công bằng, lẽ phải và bồi thường thiệt hại của họ có đáng trách hay không . Chắc chắn những người nông dân bất hạnh nầy sẽ bị kết tội vi phạm“an ninh trật tự” nhưng nếu so với tội ác phá hoại môi trường nơi những người nghèo khó nầy mưu sinh trên mảnh đất họ đã sống từ đời nầy sang đời khác thì cái nào nguy hại hơn, nên đứng về chủ tư bản nước ngoài hay nghiêng về phía “người cùng khổ” ? Tại sao mỗi lần Đại hội đồng LHQ họp về vấn đề quân bị và vũ khí hạt nhân thì nhiều đoàn hòa bình, Hibakusha Nhật bản tuần hành phản đối những nước tăng cường vũ khí hạt nhân ngay tại New York . Tương tự, người Việt chúng ta có cần huy động lực lượng trong ngoài nước để có hành động tố cáo trước quốc tế mức độ dã man, tàn khốc của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong chiến tranh hơn là chỉ tập trung vào việc đòi bồi thường thiệt hại đơn thuần ? Thị trưởng hai thành phố Hiroshima và Nagasaki hằng năm ra tuyên bố kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân vào ngày lễ kỉ niệm trong suốt hơn nửa thế kỷ qua không hề thừa chút nào. Còn Việt nam, cho đến nay vẫn chưa có một ngày chính thức tưởng niệm, để suy nghĩ và kêu gọi thế giới không sử dụng vũ khí hóa học trong khi theo báo cáo của tổ chức VAVA(Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam) Việt Nam có hơn 3 triệu người là nạn nhân.

Điều đang đòi hỏi ở công lý là phải trả lại cuộc sống an bình, đảm bảo dòng sông trong lành cho nhân dân, bất luận điều đó có làm cho tập đoàn Vedan và các nhà máy quanh vùng “bớt lời” hay “chịu lỗ” nếu  bồi hoàn thiệt hại cũng như có biện pháp khắc phục nếu không di dời đi nơi khác. Với thái độ ngập ngừng và “cẩn trọng” như vậy thì  con đường đau khổ của nông ngư dân lưu vực nầy vẫn còn dài hun hút (4).

Không biết tòa án ở Hoa Kỳ bác đơn của người Việt Nam kiện các công ty sản xuất thuốc khai quang chứa chất độc Dioxin do quân đội Mỹ phân rãi trong chiến tranh vì lý do “không có chứng cớ khoa học” một cách dễ dàng như là Vụ nông dân kiện Vedan nêu trên hay không ? Người nào học tập người nào về cách phủ nhận hay bác bỏ nầy thì không rõ nhưng sao giống nhau quá. Thai nhi dị dạng, tật nguyền, quái dị…không được tòa án xem xét dưới danh nghĩa là “chứng cứ”(5) vì cho rằng đất nước Việt nam có muôn nghìn chất độc tác hại lên môi trường, chưa công nhận mối liên hệ nhân quả về chất độc và hiện tượng quái thai ! Tòa án Tối cao Mỹ ngày 2/3/2009 đã công bố quyết định không xem xét đơn của các nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam kiện các công ty của Mỹ sản xuất chất độc hóa học diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Luật pháp của Hoa Kỳ chỉ áp dụng khi sự kiện da cam xảy ra trên đất nước của họ hay nạn nhân là người Mỹ, còn là sự kiện xảy ra trong chiến tranh ở VN thì nhà nghiên cứu của VN có đưa ra bao nhiêu chứng lý, có cho những người bị tật nguyền đi kiện… cũng chẳng được họ đoái hoài, thể hiện  lối suy nghĩ “rừng” nào thì “luật” nấy trong tư pháp mỗi nước(6).

Ở Nhật bản, hàm lượng Dioxin trong khói rác thải mới bằng 1/10-1/100 lần lượng Dioxin ở VN trong thời chiến(7), thế mà họ đã kêu trời ầm ĩ, các nhà máy cuống cuồng sợ bị tẩy chay, đóng cửa, lo gắn bộ lọc để giảm bớt trong khi ở ta thì thai nhi trong formol không thiếu, người dị dạng, biến hình khắp nơi, nhiều nhất là con, cháu của bộ đội ở Trường Sơn…mới thấy khoa học đôi khi là rào cản hữu hiệu bảo vệ người giàu thoát khỏi trách nhiệm. Câu nói “nhà giàu đứt tay ăn mày đổ ruột” vẫn đúng chăng. Lý lẽ đòi hỏi chứng cứ khoa học của tòa án ở VN và HK sao giống nhau đến thế tuy rằng những nạn nhân chất độc da cam kiện nhà máy sản xuất ở HK là chưa đúng đối tượng, phải kiện kẻ ra lệnh phun thuốc khai quang, người gieo tội ác là quân đội Mỹ hay chính phủ Hoa kỳ(8). Thế là trên sân nhà, người nông dân thì thua Vedan, trên đất Mỹ thì nạn nhân chất độc da cam bị “phủ đầu” thất bại  trước thách đố về chứng cớ khoa học như họ đòi hỏi!(9) Liệu có thể đưa vấn đề chất độc da cam ra một tòa án quốc tế về tội ác chiến tranh để xét xử công bằng và khách quan, dưới sự giám sát của tổ chức pháp luật,y tế và nhân đạo như phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng của Khơ me đỏ đang diễn ra hiện nay ở Căm pu chia?

Có người trách là Việt nam thiếu nhà khoa học tầm cỡ với trình độ nghiên cứu về chất độc da cam đủ sức thuyết phục khi đề cập đến sự ít ỏi của những bài báo nghiên cứu về chuyên đề nầy(10).Thử hỏi ở nước ta có phòng thí nghiệm nào đo được hàm vi lượng các hóa chất độc hại theo đơn vị từ 1/triệu sang 1/100 triệu đến 1/tỷ gram  trong 5 năm về trước ? Có ai dám nghiên cứu thí nghiệm những dị biến về di truyền trên cơ thể con người(không phải chuột như các nhà khoa học ở Mỹ đã làm) để đạt đến những kết luận vững chắc cho “họ” xét duyệt, và nếu như không phải là nhà khoa học của nước sở tại nơi khiếu kiện thì đến bao giờ mới “thắng” được khi mà những phiên tòa nầy không xét xử theo công lý mà biến thành những phiên tòa chính trị nhằm chạy tội “tội ác” chiến tranh hay vì quyền lợi của nhà tư bản nước ngoài đầu tư…? 
 

                                     
 

Ông Yamaguchi(Nhật) 80 tuổi, bị nhiễm xạ từ năm 14 tuổi, nhà hoạt động hòa bình, chống chạy đua sản xuất trang bị vũ khí hạt nhân 
 
 

Hằng năm, ngày nay, sau hơn 60 năm kể từ ngày quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, vẫn có trên dưới một vạn người người đột tử vì là thế hệ thứ ba hoặc thứ tư của thế hệ bị nhiễm xạ, thế mà nước Mỹ ngày nay vẫn chưa công nhận những cái chết đó đi từ nguyên nhân nầy. Hibakusha(người bị nhiễm xạ) và gia đình của họ gần đây mới được quốc hội Nhật bản(1995) thông qua đạo luật cấp tiền “tử tuất” và các chi phí khám chữa bệnh vì nhiễm xạ của chính phủ sau gần 50 năm ròng rã chờ đợi, đấu tranh trong tật bệnh. Số tiền nầy không phải là “bồi thường” mà là nhằm giúp đỡ”nhân đạo” với sự thẩm định ngặt nghèo của cơ quan chức năng trong nước. Nguồn tin mới nhất cho biết hiện nay vẫn còn hơn 300 Hibakusha khiếu  kiện vì chưa được cơ quan y tế công nhận là “nạn nhân nhiễm xạ”(11).

Thế mới biết nghèo và bệnh tật do chiến tranh hay ô nhiễm từ chất thải công nghiệp là “cái tội” mà sự “cứu giúp” của người giàu, kẻ gây hấn  lại được xem là “ từ thiện” chứ không phải là trách nhiệm. Điều nầy có thể thấy qua sự kiện công ty Vedan  ngỏ ý giúp đỡ người nông dân hay ngư dân(?!).

Nghịch lý đó không chỉ ở nước ta mà là một “qui luật” của những xã hội hay quốc gia trong đó giàu-nghèo còn chênh lệch quá xa, cái “lý”  thuộc trong tay kẻ có tiền và sức mạnh vũ lực.

Bao giờ mới hết chuyện “con kiến đi kiện củ khoai” ? 
 
 

Hồng Lê Thọ

3/2009 
 
 

(1431 chữ) 
 

Chú thích: 
 

(1)http://vietnamnet.vn/xahoi/2009/02/832317/

(2) thực tế tại Đồng Nai, hơn 4.000 hộ nông dân vẫn đang chờ đợi quan điểm của HND, bởi đến nay, Hội vẫn đang lúng túng chưa tìm ra hướng giải quyết vụ việc.(tldd--như trên)

(3)xem Tuổi Trẻ

   http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=302447&ChannelID=3

(4)http://www.laodong.com.vn/Home/Nong-dan-kien-Vedan-Viet-Nam-Con-kien-dang-leo-canh-cut/20092/125751.laodong

(5)Chiến dịch Ranch Hand triển khai từ ngày 13-1-1962 đến 30-6-1971 mà cao điểm là hai năm 1967 và 1968 trong đó quân đội Mỹ đã thực hiện 8.524 phi vụ rải chất độc da cam xuống miền Nam nước ta, mà con số này đã được ông Robert E.Black thuộc Viện Hàng hải Massachusettes, Mỹ, nêu ra trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội. Cũng trong thời gian rải chất độc ấy, hơn 76 triệu lít (có chứa 170 kg chất dioxin) đã được đổ xuống các khu rừng phía Nam, đặc biệt thuộc các tỉnh phía tây - bắc và đông - bắc Sài Gòn, tức là các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Biên Hòa, Long Khánh và Tây Ninh đã phải gánh chịu 2.401 phi vụ. Đặc biệt, ngày 1-6-1968 vì lý do kỹ thuật, chiếc máy bay rải chất độc đã phải đổ thẳng gần 4.000 lít hóa chất xuống sông Đồng Nai, cách Sài Gòn hơn 10 cây số.  
 

Ở vùng Tân Biên, chiến khu D, Dương Minh Châu và Mã Đà, nơi đặt bản doanh của Trung ương Cục Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, Khu ủy miền Đông thì hóa chất này đã được rải trên diện tích với đường kính từ 10 đến 30 cây số, khiến một doi hóa chất này đã bay về Sài Gòn làm trụi lá một số cây ở vùng Quận Nhất và trước Dinh Độc Lập (nay là dinh Thống Nhất). Vì thế, theo bác sĩ Phan Xuân Tứ, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Đồng Nai, trong những năm 1990 đến 1994 thì 40% sản phụ sinh quái thai có hộ khẩu ở Biên Hòa và bác sĩ Dương Thị Mùi, Giám đốc Bệnh viện cho rằng tình trạng sảy thai, u xơ tử cung, ung thư gan thường gặp ở các nữ bệnh nhân đã từng chiến đấu trong vùng bị rải chất độc.  
 

Tác hại này còn lan sang cả động vật, điển hình là tại khu Mã Đà, số động vật sinh sống đã giảm hẳn, giống thú giảm khoảng 25,5% tức là từ 39 xuống 29; số loài giảm từ 52 xuống 38, riêng loài vượn Hylobitidea trong đó có loài vượn đen, không còn khả năng xuất hiện như trước.

Đinh Viết Tứ: viết từ Mỹ: Công lý phải thuộc về các nạn nhân chất độc da cam (12/06/2007)   
 

http://www.vava.org.vn/vi-VN/tailieu/2007/6/50825.vip 
 

(6) điều nầy tưong tự như vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ ăn hối lộ của công ty PCI trong dự án ODA Xa lộ đông-tây” ở TPHCM do Nhật bản cho vay.

(7) Theo thống kê, lượng dioxin phát sinh từ các nguồn (khói bụi, khí và nước thải công nghiệp...) ở Nhật Bản là 5 - 7 kgs/năm trong khi lượng dioxin từ chất độc màu da cam của quân đội Mỹ rải ở chiến trường miền nam Việt Nam (1962-1971) là 170 kgs/năm (theo cách tính của Mỹ) hay có thể lên đến 5,520 kgs theo báo cáo của GS Tôn Thất Tùng.Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo, chỉ với 5ppb (5 phần tỷ gram) dioxin, thì người phụ nữ có thể bị ung thư nội mạc tử cung và lượng hấp thụ cho phép là 10ppt (10 phần 1000 tỷ gram trong một ngày trên 1 kg trọng lượng). 
 

(8)Phía bị đơn, 37 công ty hoá chất Mỹ, được dự đoán là sẽ đưa ra những lý lẽ chính tại toà rằng họ không có ý định gây hại đến con người bằng sản phẩm của mình, và thứ hai là họ không phải chịu trách nhiệm vì họ chỉ sản xuất chất da cam theo hợp đồng với chính phủ để cung cấp cho quân đội.

http://www.vava.org.vn/vi-VN/tientrinhvukien/2007/6/50895.vip 
 

(9) Một số mốc chính trong vụ kiện chất độc da cam

- 30/1/2004, bên nguyên trình đơn kiện đầu tiên lên tòa án Liên bang Mỹ. 
 
- 10/3/2005 Tòa sơ thẩm Mỹ ra phán quyết bác đơn.

- 30/9/2005 nguyên đơn nộp đơn kiện lên Tòa phúc thẩm Mỹ.

- 22/2/2008: Tòa phúc thẩm nhất trí với kết luận của Tòa sơ thẩm, bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

- 6/10/2008 nguyên đơn tiếp tục nộp đơn thỉnh cầu lên Tòa án Tối cao Mỹ.

- 2/3/2009 tòa án Tối cao Mỹ bác đơn thỉnh cầu của nguyên đơn Việt Nam.

http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2009/03/3BA0C8DC/

(10)Hơn nữa, quên rằng có một thực tế đau lòng là Giáo dục ở đại học nước ta không xem trọng  nghiên cứu khoa học nói chung, nhất là ngành di truyền trong y khoa. Chủ yếu là đào tạo ra Kỹ sư, Bác sĩ…để hành nghề cho nên số bài báo học thuật quốc tế rất thấp là điều khg có gì ngạc nhiên. Thử hỏi có bao nhiêu nhà nghiên cứu về chất độc da cam trong các Viện, Đại học ?

(11) báo Yomiuri 23/3/2009  
 

Đã trích đăng trên Tuổi Trẻ Cuối tuần 4/4/2009 dưới tiêu đề “Rào Cản….bảo vệ người giàu

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Hồng Lê Thọ