Những bài cùng tác giả
Kính thưa các cụ, thưa quý vị.
Tại kỳ họp này, tôi xin được phát biểu 3 vấn đề.
I
Thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới đã trôi qua cho
thấy thế kỷ XXI đúng là thế kỷ của những sự biến không sao lường hết được.
Cuộc sống đang sải những bước đi táo bạo và quyết đoán trong thời đại của
những chuyển động dồn dập.
Mười năm đầu của thế kỷ XXI giúp cho tầm mắt không ít
người đươc mở rộng hơn nhờ vào “sự xé toang một tấm màng bưng bít, sự
hiện ra và sáng lên của sự thật, sự tan vỡ một số huyền thoại, sự phá sản
nhiều giáo điều, sự bộc lộ những sai lầm trầm kha, sự nhận thức mới, không
phải về lý tưởng mà về lý luận cách mạng, thực tiễn hoạt động và thực tế đời
sống, sự khơi dậy những niềm hy vọng mới, sự bắt đầu một quá trình thanh lọc
và tái tạo đầy hứa hẹn”.
Người ta đang ngày càng “ngộ” ra một sự
thật : “ngôi làng toàn cầu” ngày càng trở nên chật chội. Thêm vào đó,
sự trả thù của tự nhiên đối với hành vi tàn phá cái nơi nuôi dưỡng chính
mình do con người gây ra đang trở nên khốc liệt, mà nước ta là một trong
những nơi sẽ phải chịu hệ lụy trực tiếp của hiểm họa đó, đặc biệt là hiểm
họa nước biển dâng. Và đừng quên rằng, thiên tai thường gắn
với, hoặc trầm trọng hơn, từ nhân tai mà Haiti đang là một ví
dụ. Rõ ràng là, tính bất định của một thế giới với những biến động không
sao lường trước được mà chúng ta đang sống đòi hỏi một cách nhìn
mới . Cuộc sống đang diễn ra cho thấy những mối tương tác của quá
trình giao lưu, các bước hội nhập, hợp tác và cạnh tranh diễn ra liên tục và
chi phối mạnh mẽ đời sống của mọi quốc gia, dân tộc, mỗi cộng đồng xã hội,
thậm chí từng nhóm xã hội và từng con người. Thế giới đang thách thức từng
cá nhân, và mỗi cá nhân cũng đang đối diện với cả thế giới.
Mặt trận của chúng ta đang tồn tại, hoạt
động để phát huy vai trò của mình trong một bối cảnh như vậy, đòi hỏi nhận
thức về nội dung cũng như về phương pháp hoạt động phải tương thích với đòi
hỏi mới, diễn biến mới mà những kinh nghiệm có sẵn, những phương pháp
truyền thống không còn đủ cho hành trình của dân tộc đi về phía trước.
Những thành tựu cũng như những yếu kém của hoạt động Mặt trận năm 2009,
có lẽ cũng nên từ những thực trạng đời sống của các tầng lớp nhân dân, đặc
biệt là của lớp trẻ, lực lượng sung sức nhất của đất nước trong bối cảnh ấy,
để xem Mặt trận của ta - tổ chức rộng rãi nhất, cởi mở nhất - đã lắng nghe,
thu thập ý chí nguyện vọng của các tầng lớp xã hội, phản ánh những bức xúc
trong tâm trạng quần chúng đến Đảng và Nhà nước như thế nào.
UBTƯMTTQVN nhiệm kỳ VII hoạt động vào một năm có ý nghĩa
: năm mở đầu cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng CSVN đầu
năm 2011. Có lẽ đây là một thời điểm đặc biệt quan trọng của Tổ quốc để trả
lời cho khát vọng của các tầng lớp nhân dân : có hay không sự đột phá
bứt lên đưa đất nước thân yêu của chúng ta vượt qua mọi trở ngại để
đi tới. “Có hay không” cũng là từ sự kiện chính trị quyết định
này.
Nhân dân ta từng chịu đựng những hy sinh, mất mát quá lớn
trong những năm chiến tranh kéo dài ngót nửa thế kỷ, rồi lại qua những lúng
túng vật vã của sự chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới của nền kinh tế
thị trường để hội nhập với thế giới. Đời sống của đại bộ phận dân cư vẫn
đang lam lũ, khó khăn. Không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay giữa đô thị sầm
uất thì sự lam lũ ấy vẫn đang còn rất rõ nét. Đặc biệt là đời sống của bà
con nông dân ta, những người từng gánh cái gánh nặng nhất trong sự nghiệp
giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vẫn là người đang chịu nhiều thiệt
thòi nhất. Đô thị hóa, công nghiệp hóa là bước đi tất yếu để hiện đại hóa
đất nước. Nhưng đó không thể là một định mệnh buộc người nông dân phải trở
thành vật “hiến tế” như của của thời hoang dã thời tích lũy tư bản “cừu ăn
thịt người”. Hoàn toàn có cách đi để người nông dân không bị mất đất với một
số tiền đền bù, có thể là họ chưa bao giờ mơ thấy được, nhưng chính đó lại
là bước đầu của tai họa thất cơ lỡ vận, mà bao gia đình nông dân vốn chỉ
quen sống với đất “việc cuộc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen
làm” còn việc sinh lợi từ một cục tiền to của “đền bù giải tỏa”, cứ cho
là đúng giá thị trường đi, thì quả là “mắt chưa từng ngó”
[Nguyễn Đình Chiểu] phải
rơi vào!
Để đánh giá cho đúng thành tựu và thực trạng thì không
nên chỉ tự so sánh ta với ta. Phải đối chiếu với những nước mà xuất phát
điểm từ năm 1975 cũng bằng ta và kém hơn ta, nay thì họ bứt lên thế nào [Hàn
Quốc là một ví dụ] thì mới thấy hết thành tựu và yếu kém của ta. Dám nhìn
thẳng vào thực trạng, nói lên sự thật, để do đó mà có nghị lực và quyết tâm
bứt phá, đưa sự nghiệp phát triển đất nước lên một giai đoạn mới.
Năm qua Mặt trận đã có sự đóng góp xứng đáng vào công
cuộc xóa đói giảm nghèo. “Ngày vì người nghèo” do Mặt trận đề xướng
đã có những hoạt động hoành tráng, đặc biệt là trong những dịp tổng kết cuối
năm tại những buổi lễ sang trọng tại hai đầu cầu đất nước cuối năm rồi.
Nhưng cùng với việc trở thành những “nhà từ thiện vĩ đại”, sẽ khó
khăn hơn nhiều là Mặt trận phải là nơi khởi động được ý chí của toàn
dân tộc, phát hiện và quy tụ được trí tuệ và tâm huyết
của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, đặc biệt là của bộ phận
tích lũy được chất xám, am hiểu và có kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học,
công nghệ để trực tiếp góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị
gia tăng của sản phẩm công nông nghiệp, dịch vụ, thay vì chỉ làm thuê gia
công và xuất khẩu thô của một nền kinh tế phụ thuộc. Có vậy thì công cuộc
“xóa đói giảm nghèo” mới thật sự căn bản và vững chắc. Thay vì “nhà từ
thiện vĩ đại” Mặt trận nên là “nhà tập họp trí tuệ và tâm huyết vĩ
đại” để tạo ra sản phẩm, nâng mức giàu có của xã hội lên, từ sự sung túc
của xã hội mà mức sống của người nghèo nâng lên theo.
II
Khi nói tập hợp trí tuệ và tâm huyết,
chúng tôi muốn nói đây là chức năng quan trọng nhất của Mặt trận. Trên diễn
đàn của Mặt trận trong suốt 1 phần tư thể kỷ qua, chúng tôi vẫn dai dẳng
kiên trì nói lên điều này cho dù ai đó có nhắc nhở là đừng nói dai thành nói
dại!
Phải thẳng thắn nói rằng, thực hiện được chức năng cơ bản
này khó hơn rất nhiều vì nó phải vượt qua nhiều cửa ải. Tuy nhiên cái cửa ải
khó nhất thì chúng ta đã vượt qua được nhờ đã xác lập được một nền móng vững
chắc với một đột phá về tư duy để khẳng định rằng : phải “…đoàn kết mọi
người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và
dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành
công cuộc đổi mới…”. Đương nhiên, để có được những dòng chữ đó ghi vào
trong Điều lệ của Mặt trận được thông qua tại Đại hội VI của Mặt trận và vẫn
giữ nguyên trong Đại hội VII vừa rồi, là cả một chặng đường chông gai, trầy
trật. Bởi lẽ, “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự
xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ,
đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hoá”. Chính cái tập quán
này là một sức trì kéo ghê gớm, và chúng ta vẫn đang phải đương đầu với
những biến thái phức tạp của nó. Một trong những biến thái đó chính
là không thực sự cầu thị để lắng nghe tiếng nói từ bên dưới.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã đòi hỏi “Phải
đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ
“trên dội xuống”. Từ nay việc gì cũng phải từ
“dưới nhoi lên”. “Dưới nhoi lên” chính là thực thi việc
mở rộng dân chủ một cách thiết thực nhất, cụ thể nhất. Bước vào
năm 2010, khi mà cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí
Minh “đã đi vào chiều sâu, mang tính phổ biến, đạt kết quả cụ thể và
thuyết phục” như ông Trưởng ban Tuyên Giáo TƯ vừa khẳng định, thì Mặt
trận chúng ta cần phải lấy việc “đưa chính trị vào giữa dân gian” làm
thước đo cho kết quả cụ thể nói trên. Trong việc làm đó, trước hết là Mặt
trận phải dám thật sự lắng nghe tâm trạng quần chúng, ý chí và nguyện vọng
của nhân dân và trung thực phản ánh với Đảng và Nhà nước. Không ai có thể
thay thế Mặt trận làm điều này được.
Nhân đây, tại Diễn đàn của Hội nghị lần thứ 2 UBTƯMTTQVN
khóa VII, tôi xin phép được đọc một đoạn trong bức thư mà một bạn trẻ gửi
cho tôi và giáo sư Hoàng Tụy nhân đọc bài trả lời Đại sứ Trung Quốc tại buổi
tọa đàm vói báo chí đăng trên Vietnamnet đầu tháng 1.2010 :
Các bác quý mến !
Trong mấy ngày viết thư này cho các
bác, cháu thấy thời gian thật dài và nhiều trăn trở. Mạch suy nghĩ của cháu
dường như không muốn dừng lại với rất nhiều vấn đề rất muốn được viết ra.
Quả thật cháu đã bộn bề với rất nhiều trăn trở từ những sự kiện hàng ngày
dồn dập đến bài vở hàng ngày trên lớp.
Lá thư này viết cho các bác, cháu phải
viết đứt đoạn mấy lần trong suốt cả gần một tuần nay, kể từ lúc cháu nhận
được thư của bác Tương Lai và bác Hoàng Tụy - ngày 15/01, dù cháu cảm thấy
vô cùng phấn khởi và biết ơn các bác rất nhiều về những tình cảm và sự động
viên đó và muốn ngay lập tức gửi thư cảm ơn các bác.
Đôi khi chính cháu tự hỏi, thế hệ
chúng cháu có nhiều điều kiện vật chất hơn thế hệ các bác, nhưng dường như
chúng cháu rất thiếu thốn về mặt tinh thần. Chúng cháu được nghe nhiều về
đoàn kết, nhưng thật sự chúng cháu cảm thấy rất cô đơn. Và quả thực là chúng
cháu cô đơn lắm. Chúng cháu có biết bao khao khát muốn được tiếp nối những
điều cha ông mình đã dày công gây dựng, đổ xương máu để gìn giữ, nhưng xung
quanh mình đầy rẫy những tiêu cực, dối trá từ môi trường học hành, đến môi
trường công việc, cuộc sống…Chúng cháu cô đơn khi nhìn đến những điều tốt
đẹp luôn được rao rảng khắp nơi nhưng hầu hết chẳng ai làm, thậm chí nhiều
người còn cố tình làm ngược lại…Chúng cháu cô đơn khi hầu hết mọi người, ai
ai cũng thờ ơ, lãnh đạm hoặc bi quan chán nản và tìm cách sao cho vẹn toàn
tấm thân mình, tránh rắc rối, tội vạ, đấu tranh thì tránh đâu. Thậm chí cái
lo, cái thương dành cho chúng cháu cũng là những khuyên bảo dạng “làm sao mà
khác được, chẳng ăn thua gì đâu, chớ có dại…”.
Thực tế đang cho thấy là vô cùng đáng
tiếc, khi ngày càng nhiều và càng nhanh, có quá nhiều những bạn trẻ nhiệt
thành, năng nổ bị vô tình đẩy sang bên kia ranh giới của sự quá bức xúc, quá
tiêu cực, quá cực đoan. Và họ vô tình lại trở thành miếng mồi ngon cho những
cách lợi dụng khác nhau. Và đáng tiếc nhất, họ không còn có thể tự do, hăng
hái học hỏi và trưởng thành nhanh nhất, đúng đắn nhất theo mong đợi của bản
thân để đóng góp chân chính và hữu hiệu cho xã hội như đã hằng mơ ước…
Các bác quý mến !
Tuổi trẻ chúng cháu ngày nay, hình như
rất vẫn ham học hỏi và cầu tiến, nhưng không có cái tinh, cái nhậy và cái
quyết tâm đi tìm thầy học cho cuộc đời mình để nuôi cái chí lớn giúp đời như
các thế hệ xa xưa…Ở giai đoạn lịch sử có Bác Hồ kính yêu và những người học
trò xuất sắc của Người, điều này phổ biến, phong phú và sâu sắc bao nhiêu,
thì dường như ngày nay, thiếu thốn và ít ỏi bấy nhiêu. Và thực tế đã cho
thấy rõ điều đó. Hiện nay chúng cháu dường như đang rất thiếu người dìu dắt,
chỉ bảo, xã hội thiếu những mẫu chuẩn để chúng cháu nhìn lại bản thân, nhìn
lại những tiêu chuẩn đang lung lay, đang liên tục đổi màu.
Chúng cháu rất dễ bị những cám dỗ,
những tiêu chuẩn ảo và luôn đổi màu đó của xã hội cuốn theo. Chúng cháu khó
khăn và mông lung khi định lượng, định tính bản thân vì nhiều lúc các thang
giá trị hầu như không còn giá trị, dễ thay đổi và thiếu tính nhân bản…Vậy
thì việc dễ mất phương hướng, dễ mất niềm tin và đánh mất mình là một đe dọa
lớn …Và tương tự như thế, các bậc trí thức lớn ngày nay dường như cũng bất
lực, buồn lòng trước thế sự mà không còn nhiều sức lực đi tìm học trò đủ đức
đủ tài để truyền thụ tâm huyết, sở học cả đời mình nữa như các bậc tiền nhân
nữa chăng…
Đó là điều cháu quả thực cháu đã từng
trộm nghĩ, dù biết rằng, có thể là rất nông cạn và mạo phạm…Nhưng đó là tâm
tình thật thà của một thanh niên còn nhiều nông nổi như cháu. Cháu rất mong
các bác sẽ quan tâm góp ý cho những suy nghĩ còn nhiều khiếm khuyết và
thiếu sót ấy. Mạo muội viết ra những điều trên, cháu muốn khẳng định lại một
lần nữa rằng, sự động viên, khích lệ và góp ý, chỉ bảo kịp thời, chân thành
và nghiêm khắc của các bác với chúng cháu là vô cùng quý giá vào lúc này. Và
không chỉ có thế, chúng cháu còn vô cùng mong mỏi, sẽ luôn luôn nhận được
những điều đó trong suốt thời gian đang lớn lên của mình cũng như càng về
sau này, khi thế hệ chúng cháu phải thực sự gánh vác trách nhiệm của mình,
chúng cháu càng cần hơn những điều ấy từ các bác.”.
Kính thưa các cụ, thưa quý vị,
Liệu chúng ta có phải chịu trách nhiệm gì
không về những vấn đề mà một bạn trẻ có hiểu biết, có hoài bão và dám nói
ra, dám viết ra nhưng suy tư của mình?
Có người sẽ bảo tôi, đây chỉ là cá biệt,
tuyệt đại bộ phận thanh niên, con cháu chúng ta, “ngoan” hơn nhiều! Vâng,
cũng có thể! Có một lũ con cháu gọi dạ bảo vâng, một lời ban ra từ bậc cha
chú là chúng răm rắp vâng dạ cung cúc cúi đầu tuân phục. Các bậc cha chú còn
giữ nguyên tập quán của quyền uy gia trưởng sẽ lấy làm hài lòng.
Nhưng với một dân tộc, nếu lớp trẻ chỉ
biết cúi đầu tuân phục trước quyền uy, chỉ biết ăn theo, nói leo, thì dân
tộc ấy sẽ sớm tiêu vong! Dân tộc ta, trải qua đêm đen Bắc thuộc, bọn phong
kiến phương Bắc muốn đồng hóa để biến nước ta thành quận huyện của chúng,
nếu thế hệ trẻ Việt Nam chỉ biết gọi dạ bảo vâng, cúi đầu tuân phục thì làm
sao có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, làm sao có Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, và
làm sao có được 1000 năm Thăng Long. Ông Chủ tịch Nước hôm qua nói rằng, kỷ
niệm đại lễ Nghìn năm Thăng Long không chỉ là lễ hội, múa hát mà còn là và
chủ yếu là khí phách Thăng Long, là lòng tự hào dân tộc, là ý chí bất khuất
thà chết không chịu làm nô lệ. Xin hỏi ông Chủ tịch, trước` hết, ai cần phải
có khí phách đó nếu không phải là thế hệ trẻ?
Không có một lớp trẻ dám có bản lĩnh tự
khẳng đình mình, dám suy nghĩ, dám bứt phá thì làm sao tạo ra sức bật cho
dân tộc trong thời đại hôm nay? Chẳng lẽ lớp trẻ của thế kỷ XXI mà lại không
cho chúng dám quật khởi, dám tự khẳng định, dám sáng tạo, trong khi cách đây
cả ngàn năm, ông cha chúng ta đã dạy cho con em bản lĩnh ấy. Tôi xin đọc hai
thơ Thiền của thiền sư Quảng Nghiêm [1122-1190] trong bài “Hưu hướng Như
Lai” dịch là “Đừng đi theo bước chân Như Lai” : “Nam nhi tự hữu xung
thiên chí. Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” , Làm trai phải tự có chí
xông trời thẳm. Đừng nhọc mình dẫm theo vết của Như Lai”.
Chính cái bản lĩnh dám là mình,
bản lĩnh sáng tạo tự tìm đường mà đi tới chứ không chịu dẫm lên vết chân
của người, bản lĩnh ấy chống giáo điều từ gốc, dám bứt phá không chỉ từ
ngọn, đã khiến cho dân tộc ta tồn tại và phát triển đến hôm nay.

Ngô Bảo
Châu
Để nói rõ hơn điều này, chúng tôi xin
trích một đoạn trong là thư của giáo sư Ngô Bảo Châu gửi cho chúng tôi . Về
Ngô Bảo Châu thì chắc là quý vị đều biết , ông là người vừa đem lại vinh
quang cho đất nước khi được tạp
chí Time (Thời đại), ngày 9.12. 2009 xếp công trình chứng minh
Bổ đề cơ bản nằm
trong chương trình Langland của giáo sư Ngô Bảo Châu là
một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu nhất năm 2009.
Với phát minh này, Ngô Bảo Châu hiện là ứng viên sáng giá
nhất cho giải thưởng toán học danh giá nhất, giải thưởng Fields mà thế giới
gọi đó là giải Nobel trong toán học dành cho những nguyời dưới 40 tuổi.
Ngô Bảo Châu viết : “ Qua theo dõi
tình hình trong nước thời gian gần đây, cũng giống nhiều người khác, cháu
cảm thấy băn khoăn nhiều. Các sự kiện xảy ra theo một trình tự logic đến mức
đáng lo ngại. …Bản thân cháu thì cho là nên hướng tiếng nói của mình về phía
người dân, nhất là các bạn trẻ. Ai khi còn trẻ cũng có những giây phút
khao khát hiểu biết và hướng thiện. Nếu những người lớn tuổi có tri thức
trong xã hội mà để cái giây phút thiêng liêng đó trôi qua, thì đó mới là
điều đáng tiếc nhất ”. Chúng tôi nghĩ chắc cũng không cần nói gì
thêm, những điều trích dẫn trên đã đủ để chúng ta, UBTƯMTTQVN suy ngẫm.
III
Cùng với hiện tượng Ngô Bảo Châu, niềm
vui lớn của người Việt Nam chúng ta trong năm qua là còn đón nhận những tin
vui từ những người gốc Việt đang sống ở nước ngoài. Trong bài viết đăng trên
một số báo Tết Canh Dần với đầu đề : “Trân trọng một nguồn lực quý báu”,
chúng tôi đã nhắc đến một số sự kiện tiêu biểu :

Trung tá Lê Bá Hùng
Trung tá Lê Bá Hùng, một người Mỹ gốc
Việt, hạm trưởng chiến
hạm
USS Lassen,
vừa ghé cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm Việt Nam vừa rồi. Vị sĩ quan của hạm
đội 7 của Hoa Kỳ ấy nói : “Việt Nam là nơi
tôi sinh ra. Tôi tự hào là người Mỹ và tôi cũng tự hào về nguồn gốc Việt Nam
của tôi. Tôi luôn ước mơ quay trở lại Việt Nam và rốt cuộc cũng đã có cơ hội
để về, và tôi coi đó là điều rất đặc biệt. Và vào chính lúc này chứ không
phải lúc nào khác, tôi muốn trở lại Việt Nam. Lần tới khi trở lại Việt Nam
tôi sẽ đưa vợ và các con tôi về để các cháu có thể thấy được nơi tôi lớn lên”.

Mirei
Lehmann,
Cũng lại vấn đề “gốc” rất
thú vị ấy, có câu chuyện cảm động về một người
43 năm đuổi tìm tiếng “mẹ ơi” của Mirei Lehmann, một người Thụy
Sĩ gốc Việt. Ba mẹ nuôi của cô đem cô về Thụy Sĩ khi cô mới vài tháng tuổi
và đã từng cho cô biết “Việt Nam là nơi chúng ta từng đến và đón nhận
con, nơi đó xa lắm”. Thế rồi, “tôi là ai” là câu hỏi đã
theo Lehmann suốt cả tuổi xuân trong cuộc sống đầy đủ tiện nghi tại một đất
nước thanh bình có chỉ tiêu GDP cao ngất ngưỡng, một môi trường sống đứng
loại nhất nhì của thế giới. Tuy vậy, người phụ nữ tài năng và đa đoan đó vẫn
cảm nhận rằng “Việt Nam-con người thứ hai của tôi” khiến cho cô quyết
tâm đeo đuổi mục tiêu tìm lại nơi chôn rau cắt rốn của mình, tìm về cái
“gốc” của mình.

Thảo
Nguyễn
Một sự kiện rất
đáng chú ý khác : Thảo Nguyễn, người Mỹ gốc Việt
duy nhất trong danh sách 100 nhà khoa học trẻ vừa được nhận giải thưởng của
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong năm 2009. Đây là giải thưởng dành cho
các khoa học gia và kỹ sư khởi đầu sự nghiệp, một danh hiệu cao quí nhất mà
chính phủ Hoa Kỳ trao tặng cho các nhà khoa học và kỹ sư trẻ trong giai đoạn
khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu của họ.Với thành tích xuất sắc ở bậc trung học
của mình, cô đã được nhận vào một trong những trường đại học danh tiếng của
Mỹ là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để theo học ngành kỹ sư cơ khí.
Sau đó cô tiếp tục theo học thạc sĩ và tiến sỹ tại trường Stanford, một
trường đại học hàng đầu của Mỹ. Hiện tại cô là giáo sư tại Đại học Johns
Hopkins ở vùng thủ đô Washington.

Lê
Nam
Một sự kiện nữa, tháng 11.2009, chàng
trai Lê Nam, người Úc gốc Việt, đã được trao Giải thưởng văn chương của
Thủ tướng Úc. Trước đó, tháng 11 năm ngoái, Lê Nam
đã đoạt giải văn chương Dylan Thomas
của Anh với lời khen tặng là “tác phẩm đầu tay có tính sáng tạo và nhiều
cảm xúc.” Giải thưởng này dành cho những tác giả trẻ tuổi dưới 30 và có
những tác phẩm đặc biệt nổi bật. Chàng trẻ tuổi này cũng đã nhận được những
giải văn chương nổi tiếng trên thế giới như giải UTS Glenda Adams trị giá 5
ngàn đô la cho một tác phẩm mới, giải Dylan Thomas, trị giá 60 ngàn bảng Anh
tại Wales, dành cho những tác giả trẻ tuổi. Anh cũng đoạt giải
Anisfield-Wolf Book Award tại đại học Harvard. Ngoài ra, Lê Nam còn được đề
cử vào giải US National Book dành cho người dưới 35 tuổi.

Philipp
Roesler
Và rồi, Philipp Roesler, một người Đức
gốc Việt vừa được chỉ định làm Bộ trưởng Y tế CHLB Đức. “A Roesler”
trở thành một thuật ngữ được dùng cho những chính trị gia trẻ tuổi có kỷ lục
thăng chức liên tục với “hiện tượng Philipp Roesler”.
Trả lời câu hỏi về khẩu hiệu hành động của mình, Philipp Roesler
khẳng định: “Một người có thể nói mọi điều mà anh ta nghĩ - Miễn là
anh có suy nghĩ!”. Với khẩu hiệu hành động đó, vị Bộ trưởng Đức gốc
Việt đang được coi là ngôi sao
thu hút mọi sự chú ý trên chính trường Đức và trên mạng lưới báo chí
truyền thông quốc tế.
Chắc
phải có sự nghiên cứu nghiêm cẩn để đưa ra những nhận định đúng đắn vì sao
có những “hiện tượng” lý thú nói trên, tìm
hiểu kỹ về bối cảnh nào đã là điều kiện để cho những cái “gốc Việt” đó đâm
ra những hoa trái của cuộc đời, vừa đậm hương sắc nơi thổ ngơi mới, nhưng
vẫn ủ ấp những hương vị “gốc” quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Để
từ đó mà suy nghĩ về việc tạo môi trường cho những tài năng nảy nở. Nhưng,
điều có thể nói ngay mà không cần phải nghiên cứu lâu, đó là điều mà vị bộ
trưởng Đức gốc Việt nêu lên thành khẩu hiệu hành động của mình : “Có
thể
nói mọi điều mà anh ta nghĩ - Miễn là anh
có suy nghĩ!”.

E.
Kant
Chính ở đây Roesler đã thấm nhuần tư
tưởng của nhà triết học Đức vĩ đại E. Kant : “Sapere aude! [Hãy
dám có tư duy sáng suốt ]. Hãy dũng cảm sử dụng lý trí của chính
mình. Đó là phương châm của khai sáng”. Quyền được nói lên suy nghĩ
của mình, đó cũng là phương châm của khai sáng nhằm “đẩy
lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và tỏa sáng lên những gì đi
sau”. Không đề cao sự suy nghĩ , độc lập suy nghĩ chứ không thể nhất
nhất chỉ theo cái đầu của cấp trên thì không thể có thời đại “con người đứng
bằng đầu” theo cách nói rất hình tượng và hàm súc của Hégel về sức mạnh trí
tuệ và khoa học của thời đại Khai Sáng, đánh dấu một cột mộc vĩ đại của hành
trình con người trên con đường tự giải phóng mình. Khi Kant, nhà khai sáng
Đức, người đồng hương của vị Bộ trưởng Đức gốc Việt kia, đòi hỏi hãy
dám có tư duy sáng suốt chính là ông phát huy tư tưởng của Voltaire,
nhà Khai sáng Pháp : “Tôi có thể không đồng ý với điều anh nói, nhưng
tôi sẽ bảo vệ cho đến chết quyền của anh được nói điều đó”. Chính
đó là cội nguồn của sáng tạo, là động lực của phát triển. Không có tự do tư
tưởng, không thể có sáng tạo và phát triển được.

Napoléon
Độc tài và ngạo mạn đến như Napoléon,
người dám vỗ ngực mà rằng : “Nhà nước là ta”, ấy vậy mà cũng phải ngậm ngùi
thừa nhận : “Nhà nước là gì? Chẳng là gì cả nếu không có dư luận”.
Nhà độc tài thông minh ấy có định mị dân không thì không biết, nhưng sự
thông mình đã khiến cho ông ta hiểu rằng, dư luận có sức mạnh có khi còn hơn
quân đội và đại bác. Bịt miệng dư luận chính là đưa bàn tay định bịt che
nòng pháo.
Ấy thế mà chính nhà độc tài thông minh đó
đã có một tuyên bố nổi tiếng : “Vinh quang thật sự của tôi không phải
là đã chiến thắng 40 trận…mà là cái sẽ không phải mơ được, cái sẽ sống vĩnh
viễn là bộ Luật Dân sự của tôi”.
Thưa các cụ, thưa quý vị,
Những yếu tố nói trên chính là
điều kiện để cho những cái “gốc Việt” đâm ra
những hoa trái của cuộc đời, vừa đậm hương sắc nơi thổ ngơi mới, nhưng vẫn ủ
ấp những hương vị “gốc” quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Đuơng
nhiên, đời sống vật chất, phương tiện hành nghề, bề dày của kết cấu hạ tầng,
trong đó có kết cấu hạ tầng tâm lý xã hội, cuộc đua tranh khốc liệt để tồn
tại và phát triển v.v.., những cái đó có tác động mạnh đến sự thành bại của
mỗi cá nhân. Song phải chăng môi trường thông thoáng trong khung khổ luật
pháp nghiêm minh cho phép “Một người có thể nói mọi điều mà anh
ta nghĩ - Miễn là anh có suy nghĩ!” mà vị bộ trưởng Đức gốc Việt kia
lấy làm khẩu hiệu hành động của mình là yếu tố
quyết định. Sẽ không thể có sáng tạo, có đột phá nếu không có tự do
tư tưởng.
Gợi ra những điều trên đây để trao đổi
một điều vốn gây tranh cãi trong giới trí thức : tại sao cũng những con
người ấy, khi ở trong nước không làm được việc, nhưng trong môi trường ở
nước ngoài lại có thể làm nên chuyện. Không phải là tất cả, nhưng đó là sự
thật. Thì cứ thử tò mò hỏi xem trong các gia đình cán bộ cao cấp hiện nay,
có mấy gia đình không gửi con du học ở nước ngoài? Đâu phải các vị ấy muốn
con mất gốc, mà là muốn con nên người, muốn con thành tài đấy chứ. Vậy thì
vì sao mà chúng thành tài?
Cùng với điều đó, gợi lên những ý trên
còn để bàn với Mặt trận chúng ta kiến nghị với Đảng và Nhà nước, trong những
điều kiện được tạo ra để mời gọi những trí thức Việt Nam ở nước ngoài về
cống hiến trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm của họ đã thành công ở nước ngoài
góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương, thì có lẽ điều kiện tiên quyết
chính là tạo một môi trường thông thoáng cho sự sáng tạo, trong sự thông
thoáng đó có sự tự do tư tưởng, tự do suy nghĩ, tìm tòi, hoài nghi, phát
hiện và dám có chính kiến độc lập. Chưa có cái đó, thì dù đãi ngộ vật chất
có hào phóng đến đâu cũng chưa chắc đã có sức hấp dẫn đối với họ. Chúng ta
đã có những bài học thật thuyết phục về một lớp trí thức cao cấp đi theo
Bác Hồ mà tên tuổi của họ đã làm rạng rỡ sự nghiệp khoa học của nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết : “
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng. Cay đắng chi bằng mất tự do”!
Lời tuyên bố mang tầm vóc của một tuyên ngôn thời đại của dân tộc Việt Nam
của Người : “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cần phải
hiểu cho đủ cả hai vế : Độc lập cho Tổ quốc và tự do
cho Nhân dân. Mỗi một cá thể công dân sẽ làm nên nhân dân vĩ đại
đó.
Đều cần đặc biệt lưu ý : không có nhân
dân trừu tượng vì không có con người trừu tượng! Con người bao giờ cũng là
con người cụ thể, con người này, theo cách nói của Hégel, là
chị, là anh, là tôi. Cho nên, Bác nói thật giản dị : “Dân chủ, nghĩa
là để cho dân mở miệng ra”. Chúng ta cũng sẽ hiểu một cách đơn giản
như vậy : Dân chủ nghĩa là không bịt miệng dân!
Chính vì thế, cách đây một tuần, ông Phạm
Quang Nghị, UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội trả lời báo Tuổi Trẻ “ Chúng ta
đang sống trong thời đại thông tin. “Yêu cầu thông tin báo chí hiện
nay không chỉ tính theo 24 giờ mà tính từng phút…Xã hội cần biết sự việc đó
ngay khi nó diễn ra chứ không phải chờ đến khi các cơ quan chức năng tổng
kết bài học kinh nghiệm rồi mới công bố”. Và ông đòi hỏi : “Tôi
muốn nhấn mạnh báo chí Hà Nội phải chủ động thông tin cả những mặt tốt và
chưa tốt cũng bởi là như vậy. Đơn giản là nếu mình không nói thì người khác
sẽ nói. ”.
Vào lúc thời tiết oi bức, ngột ngạt thế
này, được nghe những lời cởi mở như vậy quả là thú vị. Chúng tôi đã viết
ngay bài “Để dân biết” đăng trên báo “Tuổi trẻ” ra ngày
26.1.2010 khẳng định rằng : “đúng đây là một luồng gió mới tiếp thêm sức
mạnh cho những người làm báo tự tin hơn, nghiêm cẩn trách nhiệm hơn và hào
hứng hơn trong việc phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao cả “là con mắt sáng
suốt của tinh thần nhân dân, là hiện thân sự tin cậy của nhân dân
đối với bản thân mình, là những giây liên hệ biết nói, gắn liền
các cá nhân với nhà nước…” như kỳ vọng của Các Mác. Với nhà nước
pháp quyền của dân, do dân, vì dân thì quyền được thông tin là một trong
những tiêu chí quan trọng nhất và thiết thực nhất thể hiện nội dung “của”,
“do” và “vì”đó. Xưa kia , các nhà
tư tưởng của chế độ phong kiến cũng nói phải dựa vào dân, thậm chí còn dám
nói dân có vị trí cao nhất so với vua và nước [dân vi quý, xã tắc thứ
chi, quân vi khinh]. Thế nhưng tuy nói vậy, họ vẫn chủ trương rằng:
“dân khả sử do, bất khả sử tri ” [dân có thể khiến họ
noi theo, không thể khiến họ hiểu biết]. Vì nếu dân hiểu biết thì khó
cai trị. Chỗ khác nhau cơ bản giữa nhà nước dân chủ, nhà nước pháp quyền với
các nhà nước kiểu cũ chính là ở điểm chống lại sự ngu dân, xác lập rõ
quyền của dân, trong đó, quyền được thông tin là tiền đề quan trọng
để thực hiện các quyền khác ”.
Thưa các cụ, thưa quý vị,
Gợi lên ba vần đề nói
trên, chúng tôi kiến nghị trong năm 2010 này, cùng với những kinh nghiệm và
thành tựu của năm 2009, Mặt trận nên tập trung vào chức năng cơ bản là chân
thành lắng nghe tiếng nói của các tầng lớp nhân dân từ chính cuộc sống đang
diễn ra, nắm bắt được tâm trạng và nguyện vọng, ý chí của người dân trước
thời cuộc để phản ánh với Đảng và Nhà nước, đặc biệt chú trọng đến tâm trạng
và suy nghĩ của lớp trẻ, nguồn sinh lực mạnh mẽ nhất của dân tộc. Cùng với
điều ấy, là có những cách làm mới trong việc tập hợp trí tuệ và tâm huyết
của tầng lớp trí thức trong và ngoài nước, từ đó có những kiến nghị mạnh dạn
nhằm hình thành những chính sách, những giải pháp thu hút và phát huy chất
xám, một nhân tố quyết định của sự phát triển bền vững.
Xin lỗi nói quá giờ, mong
quý vị thông cảm và xin cám ơn đã nghe tôi “tra tấn”.
|