Những bài cùng
đề tài
(TuanVietNam)- Bản đề án phát triển bể
than đồng bằng sông Hồng của Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam TKV đang
khiến dư luận quan tâm đặc biệt bởi tính khả thi.
Theo tính toán của tập đoàn Than -
khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2010, tổng nhu cầu than trong nước vào
khoảng 25-26 triệu tấn, tổng lượng sản xuất đạt khoảng 45-47 triệu tấn
thì Việt Nam vẫn có thể xuất khẩu tầm 20 triệu tấn rồi lượng sản xuất,
xuất khẩu sẽ phải giảm dần để đến năm 2012, sẽ chỉ còn khoảng 5 triệu
tấn. Và đó cũng chính là lý do TKV đệ trình đề án xin mở cửa bể than
đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).
Tuy nhiên giới khoa học đang quan ngại về tính khả thi của đề án, đặc
biệt lo ngại vấn đề môi trường nước, môi trường sống, về an ninh lương
thực cũng như hiệu quả kinh tế....
Để đáp ứng thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam khởi
đăng loạt bài liên quan đến dự án bể than đồng bằng sông Hồng. Mời quý
vị độc giả cùng tham gia phân tích. |
Sao phải tính đến việc mở bể than ĐBSH vào lúc này?
Theo tính toán của TKV, cho tới năm 2015, nhu cầu
“vàng đen” trong nước đã lên tới 94 triệu tấn, riêng các nhà máy điện
than ngốn hết 67 triệu tấn nhưng tổng lượng than sản xuất ra chỉ khoảng
60 triệu tấn.
Năm 2020, tổng nhu cầu đã lên đến 184 triệu tấn, các
nhà máy điện than dùng hết 150 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ có thể đạt
70 triệu tấn. Còn tới năm 2025, tổng nhu cầu than ước tính lên tới 308
triệu tấn (nhà máy điện dùng hết khoảng 268 triệu tấn). Để bù đắp số
lượng thiếu hụt, từ năm 2030 Việt Nam sẽ phải nhập than.
Chính vì vậy, việc mua than phải được tính ngay, đàm
phán từ bây giờ nhưng các cuộc đàm phán ban đầu chưa mấy thành công vì
giá than đã được nhiều nước bán ra hét với giá mà khi xưa, nước ta còn
xuất khẩu mạnh, chẳng bao giờ bán được.
 |
Ảnh minh hoạ (cafeF) |
Thế nên, TKV đặt vấn đề là phải tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn than
trong nước trong đó có những vùng mỏ than chưa được khai thác được lãnh
đạo TKV nghĩ là có tiềm năng to lớn.
Ví dụ, tại vùng đồng bằng sông Hồng, theo TKV, đây có
thể chứa một “bể than” với trữ lượng to lớn, lớn hơn cả bể than vùng
Đông Bắc sẽ giúp cân bằng cung - cầu năng lượng của đất nước sau năm
2020, nếu tổ chức thăm dò, khai thác thành công. “Bể than” này được ước
tính có trữ lượng khoảng 210 tỷ tấn, có những loại than sẽ đáp ứng rất
tốt cho nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện chạy than, cho luyện kim.
Từ cuối tháng 6.2009, một đề án với tên gọi “phát
triển bể than ĐBSH” đã được TKV xây dựng và Bộ Công thương đã gửi đề án
này đến nhiều bộ, ngành để lấy ý kiến góp ý.
Như đã nói ở trên, sự thiếu hụt ở mức khổng lồ nguồn
nhiên liệu này rõ ràng đã khiến cho yêu cầu phải đẩy mạnh, khai thác
những vùng than mới như bể than ĐBSH là vô cùng cấp thiết.
Tiềm năng lớn, rủi ro cao
Tuy nhiên, việc tổ chức thăm dò, khai thác vùng than
rất tiềm năng này đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, triển khai một cách
khoa học, với sự thận trọng tối đa bởi bể than ĐBSH trải trên một vùng
diện tích đất đai vô cùng rộng lớn - nơi có hàng triệu người dân sinh
sống với hàng triệu ha đất nông nghiệp trù phú, gắn liền với rất nhiều
công trình xây dựng, kiến trúc... Bất cứ một sự thăm dò, khai thác cẩu
thả nào dù nhỏ sẽ có thể đưa đến những hậu quả to lớn về kinh tế-xã hội
mà cho dù, kết quả khai thác thế nào, cũng khó bù đắp được.
Trên thực tế, TKV cũng đã bắt đầu có những hoạt động
thăm dò bể than ĐBSH. Mặc dù vậy, việc thăm dò vẫn còn dừng ở mức sơ
khai vì tập đoàn này cũng đã thấy trước những khó khăn rất lớn của việc
thăm dò. Vùng chứa than nằm ở những nơi có độ sâu lớn, điều kiện khai
thác vô vùng khó khăn trên phạm vi rất rộng (dự kiến khoảng 3500 km
2)thuộc các tỉnh: Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình.
Dự kiến tạm thời thăm dò, khảo sát một số mỏ như mỏ
Bình Minh, mỏ Khoái Châu 1 và mỏ Khoái Châu 2. Chỉ tính riêng các mỏ
này, độ sâu thấp nhất dự kiến đã là 400-600 m, nơi sâu nhất có thể tới
900-1200m.
Cho nên, ngay cả với giai đoạn đầu này thì chi phí
cho thăm dò, khai thác đã là một vấn đề hết sức khó khăn. Theo ước tính,
chỉ riêng chi phí khảo sát bể than này đã ngốn hết 6500 tỷ đồng. Tổng
mức đầu tư cho các dự án lên tới 76 nghìn 360 tỷ đồng.
Do đó, TKV đã và đang phải tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài để hợp
tác thăm dò, tiến tới khai thác bể than đầy tiềm năng này.
Cho đến nay, tập đoàn này đã ký các bản hợp đồng hợp tác kinh doanh với
Linc Energy, Australia, và Marubeni Corp., Nhật Bản, tiến hành áp dụng
thử nghiệm phương pháp khí hóa than dưới lòng đất vào 1 mỏ than ở ĐBSH.
 |
Ảnh minh hoạ (cafeF) |
Công ty năng lượng sông Hồng (thuộcTKV) cũng đã ký thoả thuận với Tổng
công ty Xuất nhập khẩu XNK máy Trung Quốc CMC để triển khai dự án thăm
dò bổ sung khu vực Khoái Châu - Bình Minh tiến tới thành lập công ty
liên doanh khai thác mỏ Bình Minh bằng phương thức hầm lò giếng đứng
truyền thống...
Những phản biện ban đầu
Bản đề án phát triển bể than ĐBSH gửi đi các bộ, ngành cũng đã nhận được
những ý kiến ban đầu. Bộ Xây dựng đã có những quan ngại và đề nghị TKV
phải xem xét kỹ hơn về các vấn đề: khu vực khai thác than phải không
được phá vỡ những định hướng lớn về quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch
đô thị; không ảnh hưởng đến diện tích đất trồng lúa, công nghệ khai tác
không được ảnh hưởng đến đất nền vùng khai thác.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng, TKV phải tính được đến yếu
tố tác động của xu hướng biến đổi khí hậu toàn cầu...
Trong khi đó, bản phản biện của Liên hiệp các hội
Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng đề án khai thác than ĐBSH "sơ sài,
trùng lặp, thiếu cơ sở", thiếu báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Đặc biệt, bản phản biện cảnh báo: Do nước trong tầng Đệ tứ và Neogen
liên thông với nhau, đất đá trong tầng Neogen rất mềm bở, dẫn tới khi
khai thác ở độ sâu dưới 300 mét, chẳng hạn tại mỏ Bình Minh - Khoái
Châu, nước sẽ chảy vào mỏ với tốc độ lên tới trên 20.000 m3 một giờ.
Muốn khai thác, phải tháo khô mỏ. Điều này có thể làm nhiễm mặn mặt đất,
kết hợp với việc sụt lún lan tỏa theo bề mặt, biến đồng bằng thành hồ
chứa nước mặn, ảnh hưởng đến môi trường mưu sinh của con người và động
thực vật nơi đây
Dù đây mới chỉ là những góp ý đầu tiên, nhưng nó cũng cho thấy tầm quan
trọng đến thế nào của đề án trên.
Với qui mô và tính chất đặc biệt quan trọng của dự án
này, chắc rằng TKV sẽ phải làm lại, kỹ lưỡng hơn nhiều đề án và cần phải
trình ra Quốc hội về chủ trương khai thác đầu tư, những đánh giá đầy đủ
về tác động môi trường, xã hội, hiệu quả kinh tế... để dự án được xét
duyệt, thẩm tra một cách đầy đủ, được sự đồng thuận cao trong hệ thống
chính trị, trong dư luận nhân dân chứ không như các dự án khai thác
bauxite trước đây.
|