Một tiền đề cho sự đóng góp có hiệu quả của người Việt Nam ở nước ngoài, đối với quê hương cũ.

Vietsciences- Bùi Trọng Liễu                    10/09/2009

 

Những bài cùng tác giả

1.- Lúc này, nhiều ý kiến được phát biểu trên mặt báo chí, trong các cuộc Hội thảo, với nhiều kiến nghị giải pháp, thường là về vật chất, cho sự đóng góp đối với quê hương cũ của người Việt Nam ở nước ngoài – dưới đây tôi xin viết là VK (“Việt kiều”) cho gọn. Tôi nghĩ rằng một tiền đề cho sự đóng góp sao cho có hiệu quả, đó là “niềm tin” ở con đường tiến tới một xã hội “lành mạnh”, “tốt đẹp”, hợp với hình ảnh mà mình ước mơ.

Tôi không ngây thơ đến mức nghĩ rằng xã hội đó phải thật hoàn hảo, mà cũng không nghĩ rằng xã hội “đã” hoàn hảo rồi – đã hoàn hảo rồi thì cần gì đóng góp? – nhưng ít nhất cũng cần thấy được những dấu hiệu rằng những người trách nhiệm của xã hội đó có một ý chí hoàn thiện nó.

Vậy thì câu hỏi tiếp theo là hiện nay, phần“sáng sủa” là nhiều hay ít hơn phần “đen tối”, phần “thiện” nhiều hay ít hơn phần “ác”, phần “vị tha” nhiều hay ít hơn phần “vị kỉ” ?

Không ai phủ nhận sự tiến bộ của cuộc sống ở Việt Nam ngày nay so với những ngày cùng cực trong và sau chiến tranh. Nhưng những ai đã được hưởng và những ai đã bị thiệt thòi về sự tiến bộ đó? Vì sao có những người vụt trở nên giàu có, thừa mứa, phung phí và những người nghèo xác xơ, trong một xã hội mà những điểm son lẽ ra là sự công bằng, bác ái? Thực sự có phải tất cả những người vụt giàu lên vì họ tài giỏi làm ăn lương thiện trong sự tôn trọng pháp luật, và có những người nghèo xác xơ chỉ vì họ lười biếng dốt nát – ngay cả giả thử như họ nghèo vì đông con, thì chính sách kế hoạch sinh đẻ do ai trách nhiệm? Những câu hỏi loại này này hẳn tác động đến “niềm tin” của VK.

Thí dụ như: Doanh nhân, kỹ sư, kiến trúc sư VK có tâm, liệu có phấn khởi muốn trở về đóng góp khi đọc những bản tin trên báo trong nước như sập cầu, sụt nhà, rò rỉ lún hầm, mà những nguyên nhân có thể do tham nhũng rút ruột hoặc lén lút sử dụng vật liệu không đủ tiêu chuẩn? Nhà giáo nhà khoa học có tâm, liệu có phấn khởi muốn trở về đóng góp khi đọc những bản tin trên báo trong nước đưa con số rất lớn học sinh bỏ học vì gia cảnh trong khi biện pháp “nâng” trình độ của giáo dục lại là việc tăng học phí; khi sinh viên tại giảng đường thay vì nghe thày giảng còn mải thủ thỉ yêu đương “chat” qua điện thoại di động; khi nghiên cứu sinh từ trong nước ra nước ngoài hoàn tất xong luận án rồi thì hoặc là lập nghiệp ở nước ngoài hoặc là về nước mà không được sử dụng đúng chỗ vì lương không đủ sống, phải bỏ cơ quan của mình sang làm cho các hãng tư, vv.?

2.- Tuy vậy, hiện nay không thiếu những VK do tình cảm gắn bó với quê hương và do thiện tâm, đang có những nỗ lực đóng góp bằng những phương tiện cá nhân của mình, như vài người có những đóng góp về  mặt khoa học kỹ thuật , hoặc như những nhóm bác sĩ giải phẫu không thù lao cho người nghèo và tự nguyện chuyển giao kiến thức cho đồng nghiệp, hoặc những nhóm từ thiện mang tiền quyên góp từ bên ngoài về xây cất những ngôi trường, những chiếc cầu nhỏ, phát học bổng cho học sinh nghèo, góp phần cải thiện cuộc sống nơi nông thôn hẻo lánh nghèo đói, vv.

Tất nhiên, tôi hiểu đó là những đóng góp “lẻ tẻ”, và chính quyền nhà nước muốn có những chính sách lớn, với những “biện pháp phù hợp”, để sự đóng góp của VK với đất nước trở thành có qui mô. Vì thế nên tôi mới nêu câu hỏi về “tiền đề” nói trên. Bởi vì nếu những biện pháp chỉ hoàn toàn là vật chất như kiểu xin-cho: mua nhà/đất, thị thực xuất nhập cảnh dễ dàng, thù lao lớn, đón tiếp linh đình, vinh danh nọ kia, vv.  thì e rằng rốt cục, có những người VK “tốt” sẽ nghi ngờ xa lánh, có những người VK “xấu” nêu giả danh hiệu học vị chức vụ mà họ không có ở nước ngoài, hoặc những doanh nhân vì lợi nhuận cá nhân để làm giàu, sẽ “bâu” vào, có thể làm cho những quyết sách của nhà nước biến thể, và bị tác dụng ngược lại với mục tiêu.

3.- Riêng bản thân tôi, xin có đôi lời để tránh mọi hiểu lầm. Do hoàn cảnh tôi đã được may mắn có liên lạc với chính quyền trong nước từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, đã tham gia phong trào Việt kiều từ thuở đất nước còn chiến tranh, đã về nước làm việc ngắn ngày năm 1970, và sau đó đã về thăm trong nước vào những năm 1975, 1977, 1979, và đặc biệt là vào năm 1981, với tư cách là trưởng đoàn trí thức ở Pháp về làm việc do lời mời của với tư cách là trưởng đoàn trí thức ở Pháp về làm việc trong nước do lời mời của Phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và của Ủy Ban khoa học và Kỹ thuật nhà nước, chuẩn bị cho chính sách khoa học và kỹ thuật nói riêng, và trí thức nói chung. Từ năm 1981 đó, do lý do sức khỏe, tôi không về nước nữa. Nhưng kể từ trước ngày giải phóng đất nước, tôi đã nhiều lần kiến nghị trực tiếp với nhà cầm quyền, và sau này kiến nghị qua các bài báo trong nước hay các phát biểu trong các hội thảo. (Những điều này tôi có ghi lại trong 4 cuốn sách của tôi đã xuất bản trong nước và 1 cuốn sách “bỏ ngỏ”. Nếu cần, xin xem trang mạng của tôi   http://www.buitronglieu.net).

Tôi đã bỏ công sức cố gắng làm việc đó, do “niềm tin”. Nhưng cũng phải nói rằng “niềm tin” đó cũng có lúc có vấn đề. Xin nêu ngắn gọn vài thí dụ về Giáo dục Đào tạo, vì tôi vốn là nhà giáo. Tôi đã kiến nghị một số điều, để rồi sau chúng bị "lái" đi, theo ý nghĩa ngược lại mà chỉ còn những từ ngữ vô nghĩa.

-Thí dụ như năm 1975, khi tôi kiến nghị với Thủ tướng Phạm Văn Đồng việc lập lại chức vụ giáo sư để tách rời được công tác khoa học và giảng dạy ra khỏi sự thống soái quản lý của mấy cán bộ chính trị không có tầm. Thế nhưng nay kiến nghị về “chức vụ” giáo sư đã bị biến thể thành chuyện “phong [hư] hàm”, để có một  số người có danh hiệu phô trương một  cách lố bịch.

-Thí dụ như cũng năm 1975 đó, tôi kiến nghị lập lại học vị tiến sĩ, và chỉ một  bằng tiến sĩ theo kiểu Mỹ , để kích thích vấn đề nghiên cứu khoa học, thì nay kiến nghị ấy đã bị biến thể, để rồi lòi ra một số không nhỏ tiến sĩ rỏm hữu danh vô thực.

 -Thí dụ như năm 1988 khi tôi gợi ý với 5 nhà khoa học trong nước đứng ra xin phép mở Trung tâm đại học “dân lập” Thăng Long, rồi kiến nghị với các cấp lãnh đạo cao nhất để trường “dân lập” đầu tiên “không vị lợi” này  được mở làm thí điểm, để giải gỡ bí tắc của Giáo dục thuở đó, với mục tiêu “dân lập không vị lợi” hỗ trợ cho “công lập”, thì nay ý tưởng này đã bị biến thể đến mức cho mở tràn lan trường "ngoài công lập" để kinh doanh Giáo dục như một thứ hàng tạp hóa thuận mua vừa bán .

 - Thí dụ như khi tôi kiến nghị chỉ nên trao trách nhiệm quản lý cho người có trình độ kiến thức, thì lại thấy sau đó có viêc bổ nhiệm người vào vị trí quản lý, rồi mới cho họ học bổ túc, học tại chức, để lấy bằng cấp, vv. Cách đây mươi năm, một nhà giáo kỳ cựu trong nước đã có câu nói đùa rất chua xót là “Ngày xưa thi rồi mới cử, ngày nay thì cử rồi mới thi”. Mà giả thử như có học thực thi thực!

-Thí dụ như 16 năm trước đây, tôi kiến nghị với Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nếu việc thành lập hai Đại học Quốc gia được coi là cần thiết, thì nên nhân dịp đó, có một sự sàng lọc lại nhân sự, đặc biệt là cán bộ giảng dạy, có đủ tiêu chuẩn thì hãy đưa vào Đại học Quốc gia, nếu không thì cứ để họ ở cơ sở cũ, và tôi tỏ ý dè dặt trước khả năng gộp toàn bộ và nguyên si một số trường sẵn có vào hai Đại học Quốc gia này. Sau đó, có trường nhập vào rồi sau đó lại tách ra, cũng như việc sàng lọc nhà giáo “không được thực hiện” hay là “không thực hiện được”.

Rồi hiện nay lại xuất hiện một số khẩu hiệu rỗng (trình độ quốc tế, …) và những đề án vĩ đại bất khả thi (2 vạn tiến sĩ trong một thời gian mươi năm, …), những mơ mộng viển vông (thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, top 200, top 100, …), mà đồng thời tự mình làm mất chất xám của mình (thày và trò giỏi ra nước ngoài và không trở về) ,  tốn kém mà không mang lại chút kết quả nào, không thể coi là những việc mang lại “niềm tin”.

Tôi đã là người nghỉ hưu, và cũng đã nghỉ công tác hội đoàn, tôi đã là người của quá khứ, không có tham vọng nào khác là mong muốn sự hưng thịnh của quê hương cũ. Như tôi đã nhiều lần phát biểu: là một nhà khoa học định cư ở nước ngoài, tôi nghĩ rằng kiến nghị là phần của tôi, còn sự quyết định là ở nhà cầm quyền. Có người hỏi tôi nghĩ gì về mấy chục năm lặn lộn đóng góp. Tôi đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức vì tôi đã có “niềm tin” thuở đó. Tôi chỉ mong chính quyền ngày nay mang lại được một “niềm tin” tương tự cho mọi người.

 http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7871/index.aspx đăng gần như toàn bộ nguyên bản này

Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp), nguyên chủ tịch Hiệp hội khoa học và kỹ thuật, thành viên của Hội người Việt Nam tại Pháp.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    H